.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Sập cửa lại – Quay lưng – Đi

Nói rõ hơn thì cửa ở đây là cửa cơ quan nơi tôi làm việc.

Thế là trong vòng 1 tháng rưỡi, tôi đã 2 lần làm động tác ấy. Khi sập cửa, tôi thấy quá khứ đã khép lại. Khi quay lưng, tôi thấy mình bỏ lại phía sau nhiều điều. Và khi bước đi, tôi thấy phía trước là cả một đoạn đường dài đầy thử thách.

Nói về cơ quan cũ.

Suốt một tuần lễ khi biết mình sẽ ra đi, tôi lăn ra làm việc từ 7h30 sáng đến tối mịt. Cứ lặng lẽ làm, ngoài vài người bạn thật thân, tôi không thông báo với ai về ý định của mình. Biết rằng quyết định đi sẽ làm vài người “shock”, vài người buồn, vài người tò mò, vài người hả hê…, và trước hết là nhiều ý kiến, nên tốt nhất là không báo trước. Tôi làm nhiều như thể sẽ không còn dịp nào được làm những công việc thân quen ấy nữa. Mà quả thật, tôi yêu công việc như yêu một phần cuộc sống của mình, nên khi quyết định từ bỏ nó, có cái gì như nỗi đau cứ cò cưa ở trong lòng.

Cơ quan tôi là một cơ quan lớn. Tổng cộng trong Nam ngoài Bắc dễ có đến vài nghìn người. Gần đây, tất cả mọi thứ đi theo hướng mà hầu như mọi người đều không hiểu nổi, và ai cũng ước “bao giờ cho đến ngày xưa”. Không biết trong số mấy nghìn con người ấy, đã có bao nhiêu người phải quyết định như tôi, bao nhiêu người phải trải qua một tâm trạng như tôi? Mà thôi, câu hỏi đó dành cho cấp vĩ mô. Nếu kiếp này họ không biết đến hoặc không có câu trả lời thì tôi tin họ sẽ phải trả lời ở kiếp sau…

Rồi một tuần dài nhất trong quãng đời 12 năm công chức cũng trôi qua. Buổi chiều cuối cùng, mọi người đã về hết, trời đổ mưa to. Chị bạn thân gọi sang phòng chị uống trà. Trà ô long ngon, nhưng tôi chẳng còn tâm trạng nào để nhận thấy vị đậm đà và cái “hậu” ngòn ngọt của nó như mọi lần. Hai chị em uống trà, ăn bỏng ngô, nói với nhau những chuyện linh tinh trên trời dưới đất…, tất cả chỉ là để cố giấu một nỗi buồn hiển nhiên là có thật. Rồi tôi về phòng, gom mấy thứ đồ đạc cá nhân, quyết không để lại một thứ gì có thể làm cho những người ở lại liên tưởng đến hình ảnh của mình. Tạm biệt một ước mơ nho nhỏ là sẽ gắn bó với nơi đây đến lúc về hưu. Đã đến lúc tôi phải lên đường rồi.

Tối, tôi nhắn tin cho chị bạn: “Chiều nay em đã không nói với chị là em rất buồn”. Chị nhắn lại cho tôi: “Chị về đến đường ADV và cảm thấy buồn đến nẫu người”. Ít ra trước khi đi, cũng có người chia sẻ nỗi buồn với mình, và tôi tự nhủ, trong nỗi buồn lớn vẫn có những điều nhỏ nhỏ đủ để ta chắt chiu thành một niềm vui.

Bây giờ nói về cơ quan mới (mà bây giờ cũng đã thành cơ quan cũ).

Được một người bạn giới thiệu, tôi vào đây đảm nhận một công việc mà tính chất khác hẳn với công việc cũ. Một bộ máy khá lớn với khoảng 500 con người, hầu hết là trí thức đủ để làm tôi cảm thấy nhiệm vụ của mình trở nên “quan trọng” và khá nặng. Tôi không làm việc dưới quyền của trưởng  phó phòng, mà làm việc trực tiếp với ban giám đốc và chủ tịch HĐQT. Hàng ngày, đúng 7h30 sáng, tôi mở cửa phòng, lên mạng lướt qua hết các tin tức liên quan đến chuyên ngành của công ty, nhân tiện ghé qua “thế giới ảo” của mình, comment một vài entry, rồi bắt đầu làm việc. Hoá ra công việc cũng không quá khó khăn như người ta vẫn nói về nó. Nhưng không hiểu sao, cứ mỗi ngày trôi qua, lại có một con người nào đó ở trong tôi cứ thì thầm: “chán quá, chán quá!”. Người ta đi làm để có tiền – hiển nhiên là như vậy – không có tiền, con người sẽ trở nên hèn kém, tự ti dưới mắt mọi người và ngay cả khi đối diện với bản thân mình. Nhưng làm một công việc với mục đích chỉ để có tiền, cuộc sống liệu có ý nghĩa hơn không?

Một lần nữa tôi lại quyết định ra đi.

Ông CT HĐQT ôm hôn tôi và bảo: “Tôi rất thương em, nhưng em quyết định ra đi. Thôi, đó là quyết định của em. Có thể khi nhìn lại quãng thời gian ngắn ngủi ở đây, em sẽ thấy mình lúc đó như đang đi lạc trong một khu rừng, và có một người tiều phu già  – là tôi – dẫn em đi một đoạn đường.  Có thể đoạn đường đó chỉ giúp cho em ấm lòng, nhưng cũng có thể đó là đoạn đường quan trọng để em tìm ra con đường mới sáng sủa hơn. Nếu lúc nào đó em buồn, cửa tôi luôn rộng mở…”

Đúng là cách nói của trí thức, nhất là trí thức vừa già, vừa có đến 2 bằng tiến sĩ.

Tôi về phòng mình, lại dọn thật sạch đồ đạc cá nhân rồi sập cửa.
Lúc này tôi đang là người tự do. Khoan nghĩ đến tương lai, khoan nghĩ đến chuyện tiền nong, khoan nghĩ đến những dự định lớn lao, bây giờ hãy tận hưởng quãng thời gian cực kỳ quý báu để mà sống chậm. Thật chậm thôi…, đó chẳng phải là điều mà suốt 12 năm qua, tôi vẫn thường ao ước đó sao!

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Nhớ Đà Lạt

Năm 17 tuổi, tôi có một bạn trai. Chuyện tình cảm kiểu trẻ con tất nhiên rồi chả đi đến đâu. 10 năm sau, tôi lấy chồng, còn anh thì dọn lên Đà lạt ở và cũng lập gia đình vài năm sau đó. Nghe nói nhà anh ở đường TP., gần thư viện. Lần nào lên ĐL tôi cũng phải tìm cách đi ngang qua đó, dù chẳng biết mục đích để làm gì, vì tôi không bao giờ có ý định ghé thăm anh.

Rồi mới đây, không biết anh tìm đâu ra số điện thoại và gọi điện cho tôi, hỏi thăm mẹ tôi và gọi cả cho mẹ. Cũng hơi lạ là trong lòng tôi không thấy xao xuyến gì (tim tôi thuộc loại “mong manh, dễ vỡ”, nên chuyện này hiếm gặp), nhưng nó là cái cớ để tôi viết ghi chép này.

(Làm tập làm văn mà mở bài lòng vòng như vầy, rớt là cái chắc!)

Thỉnh thoảng lại có những lúc nhớ về Đà Lạt như nhớ về những câu chuyện cổ tích.

Nhớ lần đầu tiên biết đến Đà Lạt là lần đi cùng với lớp ĐH TH Văn. Tuy lần ấy, bạn trai của tôi không đi cùng, nhưng mọi chuyện vẫn tươi đẹp như một giấc mơ. Nhớ cái đêm đó, trong một buổi giao lưu với trường ĐHĐL, tôi đã khiêu vũ với thấy L. Nhạc xập xình đầy ngẫu hứng, thầy L. – một người được nhiều bạn gái ngưỡng mộ, trong đó có tôi – đã xoay tôi như chong chóng, và trong một phút giây lâng lâng nào đó, tôi đã hình dung những cú xoay như ly nước đầy sóng sánh… chỉ cần chao đi một tí là những giọt nước sẽ tràn ra ngoài. Nhưng cuối cùng, không có giọt nào tràn ra cả, ngoài sự kiện có một bạn nữ đã tặng thầy một bông hồng, và cho đến ngày hôm nay thầy vẫn tưởng tác giả là tôi. (Có lần tôi đã thử thanh minh với thầy bằng một truyện ngắn, nhưng hình như thầy vẫn không thay đổi ý nghĩ đó. Mà thôi, nếu thầy không tình cờ đọc được bài này thì cứ để thầy tưởng như vậy, vì chuyện này suy cho cùng cũng có làm ai tổn thương đâu!)

Lại nhớ Đà Lạt lần thứ hai. Đó là lần đi với người yêu (bây giờ là người yêu cũ, tức là... anh xã). Sao lúc đó anh lãng mạn thế nhỉ! Chúng tôi khoác vai nhau đi trên những con đường nho nhỏ trồng rất nhiều hoa tường vy. Rồi bỗng chốc, những con đường nho nhỏ ấy kết thúc bằng một khoảng không gian mênh mông đến ngợp mắt, vàng rực một màu dã quỳ dưới nắng hanh… Sau đó, chúng tôi lấy nhau. Và trong những chuyến đi ĐL sau này của hai vợ chồng, không bao giờ chúng tôi đi vào những con đường nho nhỏ để được nhìn thấy những nụ hoa tường vy xinh xinh và thấy vàng rợp dã quỳ ở phía cuối con đường như lần ấy nữa.

Và lại nhớ ĐL những chuyến đi khác. Có mấy lần rủ cô bạn chạy trốn cái mệt nhoài ở Sài Gòn và ở cơ quan. Chúng tôi dặn nhau là: “chả ai hiểu được mình, tốt nhất thì đừng nói với mọi người, kẻo người ta lại tưởng hai đứa mình bị biến thái”. ĐL những lần ấy thật sung sướng với bao nhiêu là món ăn ngon, các loại “nóng giòn, nóng hổi” vừa ăn vừa xuýt xoa. Ăn xong đi ngắm hoa, ngắm hồ, tối về tám đủ chuyện trên trời dưới đất, bình luận anh nọ anh kia, nói xấu sếp này sếp khác… rồi ngủ. Khi có thể quên hết các thứ bụi bặm thành phố, quên hết việc linh tinh ở cơ quan, ta thấy cuộc đời đôi khi cũng tuyệt vời khi có một người bạn thân để chia sẻ hết mọi chuyện và để… chả nói gì với nhau nhưng vẫn không thấy khoảng trống gượng gạo.

Và còn vài lần nữa, nhưng thế giới này phẳng quá, nên… dừng ở đây.
Hi vọng một ngày không xa, tôi trở thành người tự do (trong một thời gian ngắn thôi cũng được) thế nào tôi cũng sẽ đi ĐL để trải nghiệm một ĐL với những cảm xúc luôn luôn đổi thay…, và biết đâu sẽ viết tiếp bài này.

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Về với mẹ

Nhìn trên bản đồ, nhà mẹ tôi ở gần đầu phía Bắc Sài Gòn, nhà tôi ở cuối phía Nam Sài Gòn. Con đường từ nhà tôi sang nhà mẹ cứ mỗi lúc một xa hơn do kẹt xe và lô cốt. May quá, có cơ quan ở giữa, nên chiều thứ Sáu nào tôi cũng từ cơ quan, đón con ở trường rồi chở thẳng sang thăm bà ngoại.

Bà ở với con bé cháu ngoại tuổi teen, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, ngoài chuyện bạn bè và vi tinh ra thì không biết chuyện gì trên đời. Hai bà cháu chẳng mấy khi trò chuyện với nhau, nên thấy con gái về thăm, mẹ tôi mừng lắm. Bữa cơm tối thứ Sáu bao giờ cũng là bữa vui của bà. Bà tranh thủ “điểm tin trong tuần” với con gái, còn tôi thì “tiếp nhận thông tin” và hỏi han tình hình sức khoẻ của mẹ.

Buổi tối, mẹ tôi đọc báo, tôi xem TV bên cạnh, rồi khuya cũng ngủ cạnh bà luôn, chẳng nói với nhau chuyện gì nữa nhưng thấy lòng bình yên lạ!

Sáng thứ Bảy, tôi tranh thủ đi mua sắm, chiều thì cùng cô bạn thân ngó nghiêng quần áo, giày dép, tối ăn với mẹ bữa cơm nữa rồi chất hết đồ đạc lên chiếc xe máy, hai mẹ con chào bà ngoại về nhà mình “phía Nam ”. Bao giờ mẹ tôi cũng chạy ra chạy vào mấy lần để chất thêm các thứ mà suốt tuần bà đã để dành cho con gái. Thế là xong một ngày về với mẹ.
Hơn một tháng rồi, bận việc nên thứ Sáu không về với mẹ được nữa. Lên mạng chat với cô bạn thân, kể lể với bạn, bạn bảo: “Không về Ngoại. Chuyện nhỏ ấy mà!”. Ừ, ở lứa tuổi ngoài 40 như tôi, chuyện ấy nhỏ thật, nhỏ đến buồn cười, nhưng sao thấy trong lòng chẳng bình yên chút nào!

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

Giá như...

Tôi có một người bạn thân. Chị là một phụ nữ xinh đẹp, thông minh, thú vị, mặt bằng tri thức cao. Ngoài những điều không phải ai cũng có ấy ra, phải kể thêm, chị đang giữ một chức vụ cao ở nơi làm việc và ở nhà thì có một gia đình yên ấm, 2 con trai đang du học ở nước ngoài.
Cuộc sống như vậy ai mà không mơ ước nhỉ!

Nhưng chị thường xuyên nói với tôi: "giá như chị được làm lại..., giá như hồi xưa chị được theo học một ngành nghề mà mình thích..., giá như chị đừng làm công việc này...".
Hoá ra cái hình ảnh mà mình mơ ước chưa hẳn đã là cái mà người trong cuộc thấy hài lòng.

Tôi thì khác. Tôi là một nhân viên bình thường, chưa bao giờ làm đến chức... tổ trưởng trong công ty. Tôi có một căn nhà tuyềnh toàng trong hẻm nhỏ, hằng ngày đến công ty làm việc từ sáng đến chiều và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống. Nhưng tôi dường như không nghĩ đến từ "giá như...".
Thỉnh thoảng tôi cũng tự hỏi: mình sẽ làm gì nếu được làm lại từ đầu? Và câu trả lời là:
"sẽ làm y như những gì mình đã làm". Cụ thể là vẫn học khoa ấy, trường ấy dù biết rằng mình sẽ không làm nghề ấy, xong rồi lại tiếp tục học thêm trường ĐH nữa. Vẫn sẽ yêu anh X. dù biết rằng mình không cưới anh ấy. (Nếu mà cưới anh ấy thì bây giờ thỉnh thoảng ngồi cà phê với ai nhỉ?). Rồi cũng sẽ nộp đơn xin thi tuyển một kỳ thi gắt gao qua 3 vòng, để vào làm việc ở một nơi mà cuối cùng (vào năm 2010) lương chỉ đủ ở mức sống thấp.

Dù không hiểu cuộc sống của tôi như vậy có thể gọi là tốt được không, nhưng tôi vẫn hi vọng
nhiều năm sau nữa, tôi cũng sẽ vẫn nói được câu này: "Trong đời tôi, dường như không có từ "giá như..." "

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Bỏ người yêu

Gọi nghề thiết kế mỹ thuật sách là người yêu, ta có tiêu đề: Bỏ người yêu. Đã có bạn nào bỏ người mình đang yêu vì anh ấy quá nghèo chưa? Nếu đã từng làm như vậy rồi thì sẽ hiểu tôi đang nghĩ gì trong buổi chiều nay.