.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Chán

Có những lúc chán đến độ không muốn động chân động tay vào việc gì, không muốn nghĩ ngợi, không muốn cả chia sẻ với một ai đó. Tìm cách AQ đủ kiểu mà vẫn thấy con đường phía trước mù mịt, không ánh sáng. Hỏi ý kiến người này người kia à? Ồ, không đâu! Khi một người đang ở một vị thế tốt, con đường trước mặt họ có thể không hẳn là tươi sáng, nhưng chí ít cũng bằng phẳng trơn tru thì họ sẽ dễ dàng cho mình những lời khuyên… trên trời.


Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Đêm Sao băng

Con trai bảo: “Mẹ ơi, con đọc báo thấy đêm nay có mưa sao băng, mẹ có cho con thức để canh sao băng không?”. Mình bảo: “Có biết chính xác lúc nào đâu mà thức!”. Nghĩ một lúc, con trai thổ lộ: “Con muốn thức để ước. Con có mấy điều ước…”. Buồn cười thật, không biết con có điều ước gì mà bí mật không kể cho mình? Chắc là mấy điều ước cũng trẻ con như nó, kiểu như Ước gì con không bao giờ phải thi học kỳ, hay Ước gì con được mua đồ chơi xe hơi leo tường


Trước khi đi ngủ, mình nghĩ: nếu đêm nay, tình cờ thức dậy vào đúng lúc có sao băng, mình sẽ ước gì nhỉ? Chắc là ước cho con trai luôn khoẻ mạnh, gia đình mình luôn bình yên và hạnh phúc. Thế có ước thêm: mình kiếm được một việc làm vừa ý không? Ừ, thì cứ ước thêm như vậy, có mất mát gì đâu!

Rồi mình nhắm mắt và ngủ đến… sáng.

Những cuộc chia tay

Những cuộc chia tay dù ngắn dù dài, dù tốt hay không tốt cũng đều làm mình không thích. Không thích khi mình là người ra đi, không thích khi mình là người ở lại, cũng không thích khi mình chỉ là người chứng kiến.

Hồi xưa, lúc mẹ còn là sinh viên, hay phải đi thực tế, mình nhớ cái cảm giác mỗi lần tiễn mẹ ra cổng sao buồn thế! Buổi tối, đứng ngoài sân trường ĐHMT, dưới ánh đèn đường vàng vọt, chỉ luôn ước ao có một phép thần kỳ là nhìn thấy mẹ vai đeo túi, tay xách cặp vẽ trở về. Năm 1974, lúc ấy mình còn bé tí, nhưng cũng hiểu biết chút ít, đủ để ghi nhớ một đêm mà cả nhà ga Hàng Cỏ ngập chìm trong nước mắt khi tiễn những đứa con trai 18 tuổi lên đường vào miền Nam. (Thế mà có nhà thơ nào đó đã viết đại ý đường ra trận vui như trảy hội. Thật không thể chịu được!). Khi ấy mình chỉ là người chứng kiến, còn 2 năm sau, mình trở thành người ra đi khi làm cuộc chia tay với Hà Nội, với ông bà ngoại, người thân, bạn bè để vào Nam, bắt đầu cuộc sống mới. Từ ngày ấy, ông bà ngoại  và Hà Nội là cụm từ mà mình luôn cất ở trong lòng như cất giữ một tuổi thơ đầy hạnh phúc. Sau này, Hà Nội thay đổi quá nhiều. Không nhớ Hà Nội nữa, nhưng mỗi lần ra thăm ông bà, mình lại sợ đến giây phút phải chia tay mà không biết có còn lần nào gặp lại nữa không. Nhiều khi Tết không muốn ra, không phải ngại đường xa, mua vé tốn kém, mà ngai những cuộc chia tay ấy…

Hôm qua lại thêm một cuộc chia tay. Biết là chia tay trong thời gian ngắn thôi, nhưng khoảng cách thì xa quá, đủ để con bé cháu khóc rấm rứt trước khi đi ngủ và trước khi đi học. “Tiễn khách” ra taxi rồi, hai mẹ con về nhà dọn dẹp lại đống đồ đạc còn bỏ lại. Mẹ bảo: “Nó hoang lắm, mua toàn đồ đắt tiền, phải kiểm tra xem có gì dùng được thì dùng, kẻo phí”. Sau đó thì chả biết làm gì với cảm giác chống chếnh, mẹ ngồi thừ một lúc rồi nằm ở góc nhà, không xem TV, chẳng biết thức hay ngủ. Chiều, mình gọi mẹ dậy, chào mẹ rồi quay về nhà quận 7.
Không biết một đời người trung bình phải trải qua bao nhiêu cuộc chia tay nhỉ?

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

CGĐL

Vừa mới viết bài về những giấc mơ, mấy hôm nay lại có vấn đề với các giấc mơ.

Chả hiểu sao 3 đêm nay rồi cứ mơ thấy bạn HT. Trong mơ vẫn kiên quyết không quên chuyện bạn ấy là chủ nhân của blog CGĐL đang làm um sùm dân cư mạng. Đêm đầu tiên mình mơ thấy HT xuất hiện trước đám đông, mặt mày tươi cười vui vẻ. Mình kéo bạn ấy ra chỗ vắng hơn, hỏi: “Tình hình thế nào, có khả quan không?” Bạn bảo: “Chuyện chả có gì đâu, giơ cao đánh khẽ. Chuyện họ muốn làm không phải là bắt tao. Bắt tao là động tác để nhằm mục đích khác”. Tỉnh dậy thấy thương bạn. Dù giơ cao đánh khẽ, dù mục đích gì thì chắc hẳn từ nay bạn cũng phải từ bỏ niềm vui lớn là được chia sẻ suy nghĩ trên ngôi nhà ảo của mình. Tiếc cho HT quá vì thực sự là bạn đứa có tài, bài viết lúc nào cũng hấp dẫn, lôi cuốn. Giá như…

Đêm thứ hai, mình mơ thấy buổi họp mặt đám bạn bè hôm 7/11 có cả HT tham gia. Ăn uống xong, cả đám lăn ra nhà nằm tán dóc. Thấy bạn buồn buồn, hỏi thăm mới biết là sau buổi gặp nhau này, bạn sẽ phải quay trở lại “trong đó”. “Ước gì được làm lại, tao sẽ học tập nhỏ TH (Taconem), dành phần lớn thời gian chăm sóc cho gia đình”. Đấy là trong giấc mơ của mình, HT nói vậy, chứ mình thì biết CGĐL không muốn, không thể và không phải là Taconem (dù nhìn chung thì cũng có nhiều điểm khá giống nhau như có cá tính mạnh, có tài, thông minh và đều ít nhiều gặp sóng gió trong cuộc đời). Mà cũng phải thôi, lớp mình vậy đó, chả ai giống ai, mỗi người là một mảng trên một bức tranh lập thể mà người ngoài nhìn vào chỉ thấy đẹp hoặc không đẹp, thích hoặc không thích chứ không thể hiểu tường tận tại sao, như thế nào, và sẽ ra sao…

Đêm hôm qua, mình mơ thấy HT xách máy ảnh xịn đi họp lớp, lôi tất cả đám ảnh đen trắng cũ của lớp mình hồi xưa ra chụp lại. Mình bảo: “Bây giờ công nghệ hiện đại rồi, sao phải chụp lại mất công thế? Để tao scan rồi gửi mail cho mày.” Bạn ấy bảo: “Mày gửi thì cứ gửi, tao chụp thì cứ chụp. Tao biết là một người như mày thì sau khi scan xong, thế nào cũng tút tát lại cho ảnh đẹp hơn. Tao muốn có một nguyên mẫu để nhớ về tụi mình ngày xưa đúng như… tụi mình ngày xưa”.

Ừ, nhớ tụi mình ngày xưa quá! Ngày đầu tiên đặt chân đến KTX, đang bỡ ngỡ với tất cả thì có một cô bạn mặt tròn tròn, tóc ngắn đến cười thân thiện hỏi: “Ê, tên gì vậy?”. Nói tên mình xong, bạn ấy đưa tay ra bắt (rất buồn cười) rồi tự giới thiệu: “Còn đây là HT !”. Nhớ HT với những buổi chiều đi lang thang trên con đường mòn từ bên KTX Nông Lâm sang KTX Tổng hợp, hát một mình:

Một sớm mai về
Ngày vui thứ nhất
Ta đi chân đất
Mặc áo vải thô
Giẫm lá tre khô
Rụng đầy lối sỏi
Ta cười ta nói
Ta hát ngêu ngao
Bước thấp bước cao
Qua bờ ruộng nhỏ
Mẹ già ta đó
Hái mướp bên rào.


Mình thật lòng mong đến ngày bạn có thể hát lại bài hát đó.

Huong Tra

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Những giấc mơ

Xem phim Inception, nghĩ miên man về những giấc mơ.

Tôi có những giấc mơ cứ đeo đuổi suốt bao nhiêu năm qua.

1. Mơ thấy mình ở trong phòng thi, đang ngồi trước một bài toán tích phân mà không có cách nào giải được. Tỉnh dậy toát mồ hôi hột và thấy mừng vì đã thoát ra khỏi cơn ác mộng.

Những năm cấp I, tôi là học sinh giỏi toán. Nhưng chẳng hiểu sao lên đến cấp II, việc học toán của tôi lại ngày một tồi tệ đi, nhất là với môn Số học. Cái trò đời, càng học dốt thì lại càng ghét học, mà càng ghét học thì lại càng dốt… Năm lớp 8, tôi viết thư cho cô giáo dạy toán: Thưa cô, em không hiểu phải học số học để làm gì? Em đã làm tốt các phép tính nhẩm cộng trừ nhân chia, thế là đủ để ứng dụng vào cuộc sống rồi, sao còn phải học những a cộng b bình phương để không biết sau này ứng dụng vào đâu? Cô giáo không viết thư trả lời mà gọi tôi đến nhà cô, thuyết trình hẳn một tiếng đồng hồ về tính khoa học sư phạm của chương trình Toán do Bộ Giáo dục soạn thảo. Kết cục, tôi ra về trong tâm trạng vẫn ấm ức vì câu hỏi của mình không có lời giải đáp cụ thể, và vẫn… dốt môn Số học.

Lên cấp III, tôi học giỏi môn Hình học, nhưng Đại số, Giải tích và Tích phân vẫn luôn là nỗi ám ảnh. Không thể nhớ hết bao nhiêu lần tôi đã trốn tiết Đại số: Khi thì leo lên cái phòng kho bỏ trống sát với nhà thờ bên cạnh, ngồi dựa lưng vào tường nghe nhạc Thánh ca, lúc khác thì không rõ bằng cách nào, vượt qua được cửa bảo vệ nghiêm ngặt trước cổng trường, trốn ra ngoài, mua vé vào rạp xem phim một mình. Năm lớp 11, tôi lại viết thư cho cô giáo dạy toán: Thưa cô, em không hiểu phải học Giải tích và Tích phân để làm gì?... Khác với cô giáo lớp 8, cô giáo lớp 11 viết cho tôi một bức thư. Cô bảo rằng cô không có tham vọng dạy tôi môn Toán để sau này tôi ứng dụng vào cuộc sống, chỉ muốn tôi hình thành một tư duy toán học để hoàn thiện mình hơn. Cầm bức thư của cô trên tay, tôi cứ suy nghĩ mãi và quyết định sẽ làm lại từ đầu, từ môn Đại số của lớp 10. Cuối cùng, tôi cũng đã làm được và trầy trật vượt qua kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 với điểm toán khá.

Nói chung, đó là sự nỗ lực, còn bản thân tôi vẫn là đứa dốt toán. Sau này, đứng trước những phép tính của cuộc đời, tôi luôn là người tính sai để nhận phần thua thiệt về mình. Hằng ngày đánh vật với việc dạy toán cho con, đôi lúc không kiềm chế được, tôi hét lên: “sao đơn giản thế thôi mà con không hiểu?”, nhưng rồi chợt nhớ đến mình hồi xưa, lại tự nhủ “tại cái gien!”. Chỉ mong con có được một tư duy toán học để sau này ra đời đừng bị thua thiệt như mẹ thôi.

2. Mơ thấy ba còn sống. Trong những giấc mơ, tôi thấy ba chở hai chị em tôi bằng xe Vespa đi chơi quanh Sài Gòn, thấy ba xoay trần ngồi vẽ tranh sơn dầu, thấy ba vừa luôn miệng nói đùa, vừa xe xe bộ ria mép cho nó vểnh cong lên đẹp hơn ria của Stalin.Trong giấc mơ, ba mẹ tôi chưa đến tuổi 50, hai chị em tôi đều chưa đi lấy chồng, gia đình 4 người yên ấm trong ngôi nhà hạnh phúc ở đường HVB.

Hạnh phúc thường rất giản dị. Những buổi sáng, mẹ dậy sớm lui cui chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà; Những buổi chiều, ba đi uống bia với bạn bè, vui vẻ đến mấy thì bao giờ cũng về đúng bữa cơm để ăn cùng gia đình; Những buổi tối, cả nhà quây quần bên chiếc TV màu 14 inch (mà để mua nó, ba mẹ đã phải “kiễng chân hết cỡ” mới với tới), vừa dán mắt vào màn hình vừa xuýt xoa khen phim hay, TV màu đẹp… Tất cả những điều đơn giản ấy gọi chung là hạnh phúc. Tuy nhiên, người ta thường để nó trôi qua rồi mới cảm thấy mình đã từng có nó.

Mỗi lần tỉnh giấc mơ, tôi lại muốn dạy cho con trai điều đó, để con biết trân trọng từng giây phút trong hiện tại. Tuy nhiên, xem ra, người ta không thể dạy cho con hết mọi thứ trên đời. Thôi thì dạy được đến đâu hay đến đó. Mai này đến một tuổi nào đó, con sẽ lại nằm mơ để nghiệm ra hạnh phúc luôn là điều có thật.

3. Mơ thấy một khoảng không gian với ánh sáng đẹp đến huyền ảo, nhưng lại quên máy ảnh hoặc máy ảnh không chụp được.

Chiếc máy ảnh bắt đầu trở thành nỗi khát khao của tôi từ lúc tôi lên 6 tuổi, khi lần đầu tiên tìm thấy một chiếc máy ảnh hư cũ trong tủ của ông ngoại. Tôi ghé mắt nhìn vào kính ngắm, thấy cả thế giới thu vào trong đó và tự nhủ sau này khi có tiền, việc đầu tiên là phải sắm một chiếc máy chụp ảnh. Năm tôi 16 tuổi, ba đi nước ngoài về mang làm quà cho tôi chiếc máy ảnh Zenit của Nga sản xuất. Đó là món quà giá trị nhất trong đời mà tôi được nhận. Bây giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác lâng lâng như trong mơ khi đưa máy lên ngắm, ngửi thấy cái mùi máy mới ấn tượng đến ngây ngất.

Người ta bảo: “Nếu muốn làm cho ai nghèo đi, hãy cho anh ta một chiếc máy ảnh”. Điều này có lẽ đúng. Tôi đã tiêu không biết bao nhiêu tiền để nuôi máy. Một ngày, thấy tôi quá say mê nhiếp ảnh, ba tôi đã phải bán đi một chỉ vàng mua cho tôi thêm chiếc máy phóng-rọi và cho tôi trưng dụng một trong hai cái nhà tắm để cải tạo thành phòng tối rửa ảnh. Tôi có thể ngồi cả buổi trong cái phòng 2m vuông nóng như nung ấy, loay hoay với các loại hoá chất: Genol, Hydoquinol, Carbonat, Bromur, Sulfit…, mày mò với các loại giấy láng, giấy lụa của Nga, của Đức, nghịch ngợm với đủ thứ hiệu ứng phòng tối…

Có thứ đam mê tưởng như sẽ đi theo mình suốt cuộc đời, thế mà đến một ngày ta lại rẽ hẳn sang một ngã khác. Duy cái cốt lõi của niềm đam mê ấy thì không mất đi, nó trốn vào nằm sâu trong những giấc mơ như một sự ám ảnh về những điều ta không thực hiện được.

4. Mơ thấy mình đang bay. Đầu tiên tôi bay lên khỏi chiếc ghế mà mình đang ngồi ở bên bàn vi tính, sau đó bay dập dờn chạm lưng vào trần nhà. Rồi tôi bay ra khỏi cửa, bay là là phía trên con hẻm quanh co để ra ngoài đường lớn. Nhìn xuống, thấy mình đã bỏ xa ở phía dưới tất cả đám người đang vất vả bon chen trong một thành phố đầy bụi bặm. Tôi vỗ cánh thấy mình bồng bềnh bay cao hơn, tranh thủ hít lấy hít để căng đầy phổi thứ không khí trong lành để lấy sức bay xa. Nhưng chỉ bay được một lúc là thấy mình mỏi cánh, tôi lại quay về, tìm đúng con hẻm nhà mình và từ từ đáp xuống.
Đến một ngày nào đó, tôi biết mình sẽ mơ một giấc mơ mà ở đó tôi sẽ bay đi mãi, không bao giờ quay lại. Nhưng ngày đó còn xa, xa lắm! Còn lúc này đây, dẫu có phiêu diêu trên đôi cánh bay khắp nơi thì cũng có lúc tôi phải trở về với cuộc sống vất vả bon chen ở bên dưới. Nhưng điều quan trọng nhất là giữa những bon chen tất bật ấy, tôi vẫn tìm thấy đường để quay về đúng con hẻm nhỏ quanh co, nơi có ngôi nhà hạnh phúc của mình.