.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Giao lộ định mệnh và Để mai tính

Tình hình là 10 ngày sau khi được anh bạn cho vé xem phim VN, có vẻ ngày tận thế vẫn chưa đến, nên trong lúc chờ đợi, mình tranh thủ rủ mấy cô bạn đi “coi fin” kẻo đến lại không kịp…

Đầu tiên là phim Giao lộ định mệnh (GLĐM) chiếu lúc 1 giờ kém 15 phút, buổi trưa.
376288682_men_20in_20black2

Nghe nói phim bị hụt giải Cánh diều vàng vì nghi đạo phim Shattered của Mỹ, nhưng kệ, miễn là hay thì cứ coi thôi!

Đầu phim là mưa rơi rơi trên đường, chiếc xe hơi lao nhanh dưới làn mưa, đến giao lộ thì gặp một chiếc xe tải. Xe hơi thắng két lại, nhưng không kịp nữa rồi, 2 xe đâm vào nhau. Một tai nạn thảm khốc xảy ra. Ô, style phim Mỹ, có vẻ hấp dẫn đây! Nhân vật nữ kêu “anh ơi” bằng giọng lơ lớ chẳng rõ người miền nào rồi mở cửa xe lết lết xuống đường, đi 1 đoạn rõ xa và lâu (Không biết tại sao lại không tìm hiểu xem cái người ngồi bên cạnh mình đã chết chưa, hay chí ít cũng phải nỗ lực làm anh ấy tỉnh lại chứ). Phía sau lưng cô, chiếc xe hơi bỗng bốc lửa, rồi phát nổ tan tành. Cô này quay đầu lại nhìn, chả thấy biểu cảm gì mấy. Mình đoán chắc cô này cũng chả yêu gì anh í, nên xui thì chết, ráng chịu đi!

Hết cảnh đầu.

Cảnh tiếp theo, bà mẹ chồng cô này xuất hiện. A, Diễm My đây rồi. Diễm My đẹp dịu dàng như thiên thần của thập niên 80, sau 30 năm trời vắng bóng, nay lại hiện về trong vai bà mẹ chồng nhìn mặt là biết thuộc loại diều hâu nanh nọc. Bà mẹ chồng cất giọng gằn gằn đanh thép nói với bác sĩ chữa trị cho con trai bà – hiện mặt đang bị biến dạng như một đống thịt vì bỏng cấp độ 3 – rằng: “Ông phải khôi phục toàn bộ lại gương mặt cho con trai tôi, ông hiểu chưa!”. Mình mà là BS thì mình sẽ bảo: “Ông nội tui cũng không làm được! Bà đi mà làm!”. Nhưng ông BS này đúng là thuộc lời thề Hypocrates nên không nói như vậy, chỉ im lặng tuân lệnh. Hết cảnh 2.

Cảnh 3, anh con trai tỉnh dậy, không nhận ra người phụ nữ trẻ ngồi bên cạnh giường là vợ mình. Cô này khóc lóc, nói anh không nhận ra em sao, giọng lơ lớ nửa Bắc nửa Nam, nửa Cali. Xong rồi anh này được tháo băng mặt ra, lại đẹp trai ngời ngời như chồng của Trương Ngọc Ánh, chẳng hề thấy vết tích gì của vụ tai nạn. Trình độ y học của VN kỳ diệu thật! À, không phải, có 1 BS nước ngoài đứng đó, hình như là BS Yamoto… gì đó. Thế cho nên phải nói lại: Trình độ y học của Nhật Bản kỳ diệu thật! Hết cảnh 3.

Cảnh 4… Mà thôi, cứ kể từng cảnh thế này mình chẳng có thời gian mà dạy con học nữa. Kể nhanh nhanh để còn kể sang phim tiếp theo nữa chứ! Anh này trở về cuộc sống bình thường nhưng không bình thường nữa vì anh ấy bị mất trí nhớ, quên hết mọi thứ. Anh bắt đầu làm quen lại với công việc và những người xung quanh, trong đó đáng chú ý là một cô thư ký trẻ trung, một anh bạn thân “như anh em trong nhà” và 1 tay mafia nào đó tên là Bình Minh. À, không phải, tên gì đó, nhưng mình quên rồi, chỉ nhớ tên thật của anh đẹp giai này là Bình Minh thôi. Tay mafia Bình Minh xuất hiện khá nhiều trong phim, nhưng cuối cùng kết thúc thì mình ngơ ngác, chẳng hiểu nhân vật này đóng vai trò gì. Nếu mình là đạo diễn thì mình đã bỏ hẳn anh Bình Minh ra, thấy cũng chả ảnh hưởng gì đến diễn biến câu chuyện, lại đỡ tốn tiền thuê anh ý đóng fin, lại đỡ bực mình vì cái giọng khó chịu của anh ý khi cứ cố tình kéo dài trường độ âm thanh ra cho có vẻ liêu trai.

Trước đây mình đã xem 1 phim Mỹ có tựa đề Regarding Henry do Harrison Ford đóng. Bộ phim tuyệt vời kể về quá trình đi tìm lại ký ức của một luật sư bị tai nạn, mất trí nhớ. Khi trí nhớ dần trở lại thì cũng là lúc anh ta hiểu ra cuộc sống trước đây của mình mà mọi người vẫn tưởng là hoàn hảo, thực ra chỉ là một tấn kịch xấu xa và giả dối. Chính vụ tai nạn đã làm thay đổi suy nghĩ của anh, và anh quyết định từ bỏ hết những giá trị vật chất mà ai cũng mơ ước ấy để trở về cuộc sống bình dị, hạnh phúc bên gia đình.

Đạo diễn GLĐM chắc chắn là có “tham khảo” phim này. Ngoài ra, chắc cũng “tham khảo” cả phim The Number 23 do Jim Carey đóng nên GLĐM  như là một bản chắp vá 3 (hoặc nhiều) phim Mỹ với nhau. Thì nghe nói anh Victor Vũ này đi học ở Mỹ về, nên thế nào mà chẳng học được cái gì đó. GLĐM mang hơi hướng của phim kinh dị, trường phái Alfred Hitchcock khi dẫn dắt người xem đi từ tình tiết ly lỳ này đến tình tiết ly kỳ khác. Chỉ có điều, dẫn thì dẫn, dắt thì dắt, mình chả thấy hồi hộp, hấp dẫn ở chỗ nào. Hết phim cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ hỏi mấy cô bạn: “Ơ, thế chi tiết này, chi tiết kia đưa vào để làm gì nhỉ?”. Bạn bảo: “Đi xem phim VN mà cứ hỏi lắm thế! Đạo diễn còn chưa chắc đã biết để làm gì, nữa là tao!”

Bực mình quá, mà đã cất công đến rạp rồi nên thừa… thắng xông lên, mua mấy cái hotdog và chai nước suối, tiếp tục đấu trí với phim nữa.

Phim Để mai tính (ĐMT), chiếu xuất 3h chiều.


Aha! Phim có anh giai Dustin Nguyen đầu bé, cổ cao, lưng dài nói giọng vừa lơ lớ vừa lè nhè như mấy anh giai miền Tây trong các cuộc nhậu. Xem anh ấy trong phim Cánh đồng bất tận thấy cũng được, nên hy vọng phim này cũng có cái để xem đây!

Đầu tiên là fin chiếu cảnh anh Dustin Nguyen trong bộ đồng phục nhân viên dọn vệ sinh trong KS, tên gì đó, mình lại quên béng mất rồi! Anh này đang mắc tiểu thì bị thằng bạn – chắc là tổ trưởng tổ vệ sinh – bảo phải đi dọn toilet nữ, nên kéo phec-mơ-tuya xuống rồi mà không kịp tiểu, lại phải kéo lên. Sang nhà vệ sinh nữ, không biết đã kịp dọn xong chưa, thì anh ấy không nhịn được nữa, đành phải vào đại 1 phòng, đóng cửa lại để… xả. Xong rồi, không hiểu sao, anh ấy lại… cởi cả quần, ngồi xuống bồn cầu. Lúc này, cô ca sĩ Mai đi vào, sau đó có thêm 1 phụ nữ chạy vào gõ cửa, đòi lấy lại chiếc điện thoại bỏ quên trong phòng toilet. Tất nhiên anh này không mặc quần nên đâu dám mở cửa. Thế là chị kia đạp cửa xông vào và tố cáo với chủ KS là anh này định chiếm đoạt chiếc ĐT chị bỏ quên. May quá, có cô Mai giả vờ làm chứng nên anh Dustin Nguyen thoát tội. Cô Mai là 1 ca sĩ không nổi tiếng, đang cặp với 1 đại gia. Tối hôm đó, cô không đi cùng người yêu, vì phải đến gặp lại bạn bè cũ trong ban nhạc mà hồi xưa cô tham gia. Thấy Mai đi, anh Dustin Nguyen này bám theo, đến một quán bar, anh ấy vào quán gọi rượu để tiện quan sát cô. Gọi rượu trong quán bar mà trong bóp của anh chỉ có mấy tờ bạc lẻ, mình thấy ái ngại quá! Chờ cô Mai tụ họp với đám bạn xong, anh lân la ra hỏi chuyện, mời cô uống rượu (không biết lấy tiền đâu ra mà mời?), Hai người uống say, leo lên xe máy cà tàng của anh Dustin Nguyen, chạy đi đâu chả biết. Rồi xe bị xẹp bánh, 2 người xuống xe tâm sự xong… hôn nhau (nhưng mình mắc cỡ quá, che mắt lại, không nhìn nên không biết hôn ra làm sao).

Đi về khuya, lại say xỉn, cô Mai bị người yêu đại gia nghỉ chơi. Cô theo ban nhạc cũ đi Nha Trang. Anh Dustin Nguyen nghe tin bèn mua vé chạy theo cô ra Nha Trang. Trong quá trình tìm kiếm tung tích cô Mai, anh gặp chàng đồng tính Việt kiều tên Hội và được Hội chọn mặt gửi vàng, nhận làm tài xế kiêm… bạn trai trong vòng 2 tuần.

Về phía cô Mai, cô là ca sĩ không tên tuổi. Ban nhạc của cô chuyên đi hát trong các nhà hàng khách sạn. Tuy nhiên, trình độ dân trí ở VN mình khá cao, nên khán giả ngồi ở nhà hàng KS nghe ca nhạc mà cứ như ngồi trong nhà hát, ai nấy chăm chú nghe như đang thưởng thức nhạc thính phòng, và cô Mai luôn được mọi người dành cho những tràng pháo tay nồng nhiệt, mặc dù chả bao giờ đạo điễn để cho cô hát xong 1 bài. Fin quay cảnh cô hát bài nào cũng chỉ có 6-7 câu, tự nhiên nhạc chấm dứt và khán giả vỗ tay ầm ầm. Có một anh đẹp giai complet càvạt chỉnh tề được ống kính dành cho những góc quay rất trịnh trọng. Nhìn kỹ hoá ra lại anh Bình Minh. Chắc lần này anh ấy đóng vai quan trọng đây. Nhưng hoá ra anh Bình Minh đóng có mỗi một cảnh chừng 2 phút, sau đó tuyệt nhiên không xuất hiện lần nào nữa làm mình buồn quá. Kiểu như xem phim thấy chàng Brad Pitt, đang mừng được xem anh đẹp giai thì anh ấy lại chỉ xuất hiện để gọi điện thoại nói dăm ba câu rồi biến mất.

Kể tiếp nhé: Cô Mai lọt vào mắt xanh một đại gia khác, nhưng có vẻ không yêu anh này, chỉ nhận hoa với quà của anh ấy thôi, còn vẫn lén đi chơi với anh Dustin Nguyen. Lạ thiệt. Anh đại gia này vừa đẹp trai, vừa lịch lãm, không còn gì để chê được nữa, vậy mà sao cô Mai không yêu nhỉ? Nghĩ lại, đoán chắc là anh Dustin Nguyen tuy xuất thân từ gia đình lao động, ở xóm lao động, làm nghề lao động chân tay nhưng rất là trí tuệ. Anh ấy biết đọc bản nhạc do cô Mai sáng tác và còn góp ý để cô sửa chữa cho hay hơn. Rồi anh ấy triết lý về cuộc sống hay lắm. Mình mà gặp anh lao công này chắc cũng siêu lòng luôn quá, nhưng có lẽ mình sẽ yêu anh đại gia kia hơn (ngu sao không yêu!)

Nói vậy thôi chứ không có ý bảo cô Mai ngu đâu. Tình yêu mà, ai nói được! Sau những nỗ lực của anh Dustin Nguyen, đôi lúc tưởng chừng như thất bại trong cuộc chinh phục cô Mai, cuối cùng như hầu hết các phim hài, 2 nhân vật chính tất nhiên là đến với nhau. Rồi chắc là cô Mai tiếp tục đi hát, trở thành ca sĩ nổi tiếng. Phim có hậu. Chỉ băn khoăn không biết rồi anh Dustin Nguyen sẽ làm nghề gì? Lấy vợ là ngôi sao ca nhạc mà mình lại đi làm nghề lao công thì coi sao được.
Thương anh í quá, và thương cả phim Việt, sao cứ lận đận loanh quanh mãi chẳng mở mày mở mặt ra được với thiên hạ. Thương phim Việt một phần, thương mình nhiều phần, vì mình nhiệt tình với phim nước nhà thế mà sao chả có mấy phim đáp lại tấm chân tình của mình? Chuyện này chắc là phải tốn nhiều thời gian và công sức để viết bài trên blog đây, nhưng mà mình lại bận nhiều việc quá chưa viết tiếp được. Thôi, để mai tính vậy!

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Buổi chiều trước ngày tận thế

Đó là một buổi chiều giữa tháng 3, mấy ngày sau khi báo chí đưa tin về thảm hoạ động đất và sóng thần ở nhật Bản. Anh nhắn tin cho tôi: “Có mấy cái vé xem phim, anh không nghĩ là em thích đi với anh. Hẹn em ở quán cà phê X, anh sẽ đưa vé để em đi xem phim với người nào mà em yêu”.

Chiều muộn, tôi quần lửng áo thun, leo lên chiếc xe đạp tập thể dục chạy tà tà đến quán X.

Nhật Bản quá xa, nên dù thảm hoạ có thật sự kinh hoàng thì có vẻ cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống thường ngày nơi đây. Tôi đạp xe lướt qua những gương mặt hoàn toàn không quen biết, hít thở cái mùi hăng hắc của dầu máy từ những chiếc ghe và xà lan đậu dọc bờ sông, chợt nghĩ rằng sẽ thật buồn biết bao khi cuộc sống yên bình tươi đẹp này có thể sẽ bị chôn vùi trong đống đổ nát nếu một ngày kia thảm hoạ thiên tai xảy ra. Thấy trên mạng đang lan truyền tin đồn vài ngày nữa sẽ là ngày “siêu Mặt trăng”, lúc đó Mặt trăng sẽ đến rất gần Trái đất và rất có thể đó sẽ là ngày tận thế. Nếu đúng như vậy thì ta chỉ còn vài ngày nữa thôi để tận hưởng những hương vị ngọt ngào của cuộc đời này.

Quán cà phê chiều, khách vắng hoe. Anh ngồi một góc, nơi có thể dễ dàng nhìn thấy tất cả những người ra vào quán, tất nhiên trong đó có tôi. Tuy nhiên, khi tôi bước vào, anh vờ lơ đãng nhìn ra cửa, không quay lại. Đã lâu rồi, tôi không còn hiểu anh như ngày xưa – cái thời xa thật xa như trong truyện cổ tích, hai đứa yêu nhau bằng một tình yêu trong sáng và… ngờ nghệch. Lúc này anh ngồi đó, vừa quen thuộc vừa xa lạ với điếu thuốc lá tàn gần hết và ly cà phê tan trong đá nhạt thếch.

Tôi nhẹ nhàng ngồi trước mặt anh, không bất ngờ, không ồn ào. Anh cũng nhìn tôi, không vồn vã, không có biểu lộ gì tỏ ra vui mừng. Chúng tôi uống cà phê, nói chuyện linh tinh rời rạc: chuyện vợ anh với những chuyến công tác ở nước ngoài, mấy đứa con học trường chuẩn quốc tế nhanh nhẹn và tự lập. Tôi cũng kể về công việc của mình ở một cơ quan đang trên đà tuột dốc không phanh, về cậu con trai đang học lớp 3 ở trường công lập loại thường thường, luôn lo lắng sợ cô la phạt vì muôn vàn lý do khác nhau. Ngắm nhìn anh với gương mặt đã xuất hiện nhiều nếp nhăn, tôi hiểu những nếp nhăn ấy chính là cái giá để trả cho những thành đạt mà anh có được, và đằng sau những thành đạt đó là… gì nữa, tôi chịu! Chúng tôi không còn là những người độc thân đang yêu nhau, không còn chung một lứa tuổi 20 để có thể hiểu nhau như đã từng hiểu. Vài ngày nữa, nếu giờ phút tận thế đến thì chắc hẳn người mà tôi nghĩ đến đầu tiên cũng là con, là chồng, là những người ruột thịt chứ không phải anh.

Chuyện vãn, anh bảo tôi xoè tay ra. Tôi làm theo, xoè bàn tay với mấy vết chai sần của mình cùng thoáng chút mặc cảm vừa đủ để anh… không nhận ra. Anh đặt vào đó mấy tấm vé xem phim và nhắc lại: “Đi với người nào mà em yêu thương đi!”. Ồ, tất nhiên rồi! Xung quanh tôi có rất nhiều người mà tôi yêu thương, sẽ chẳng có gì khó để tôi chọn lấy một người và rủ họ “hôm nay đi xem phim với tớ nhé!”. Nhưng chỉ thế thôi, vì chắc chắn sẽ chẳng có ai làm cho tôi khao khát như thời 20 tuổi. Thời ấy có một căn gác nhỏ áp mái nhà, tôi ngủ ở trên đó và hằng đêm luôn khao khát có một chiếc thang dây. Đúng 12 giờ đêm, tôi sẽ thả chiếc thang dây từ phòng của tôi xuống đất và anh đã chờ sẵn ở quanh đấy, lập tức hăm hở leo lên. Anh sẽ ngồi với tôi suốt đêm ở ban công mà không bị ai nhắc nhở đến giờ về. Chúng tôi sẽ ngắm những vì sao và mơ ước về một tương lai thật tươi đẹp, nơi có một căn nhà nhỏ xinh xắn với sân thượng ngập ánh trăng.

Hồi ấy, trong giấc mơ của chúng tôi không hề có kịch bản sau: anh ra trường, nghề nghiệp không ổn định, đầy mặc cảm về hoàn cảnh của mình ; tôi chờ mãi chẳng thấy anh ngỏ lời cầu hôn nên… bực mình quen người khác. Người tôi yêu sau này đầy lạc quan, tự tin và “người lớn” hơn hẳn khi đường đường chính chính đến gặp mẹ tôi nói rằng “Cô cho phép con đến nhà với em… Con hứa sẽ giữ gìn quan hệ của hai đứa để không xảy ra chuyện gì đáng tiếc…” Thế là tôi không còn giấc mơ về chiếc thang dây nữa. Mọi chuyện trở nên hoàn hảo với một đám cưới cũng hoàn hảo, chỉ ngoại trừ việc thiếu… anh.

Quán cà phê bắt đầu lác đác khách ghé vào. Tôi cầm mấy tấm vé xem phim, cám ơn anh rồi chào tạm biệt về trước, trong bụng nghĩ vẩn vơ, biết đâu đây sẽ là lần gặp cuối cùng khi ngày tận thế đã gần kề. Vậy mà không nói với nhau chuyện gì cho “tình cảm” hơn những lần gặp trước được sao! Nghĩ vậy, tôi ngập ngừng chờ anh ở chỗ gửi xe, định bụng nếu anh cùng đi ra lấy xe lúc này, tôi sẽ nói với anh điều gì đó. Nhưng chờ 1 phút không thấy anh ra, tôi đành lên xe đạp về nhà mình, chạy ngược hẳn lại với chiều về nhà anh. Lại chạy ngang bờ sông, lại những gương mặt không hề quen biết, lại mùi dầu máy từ dưới sông theo gió tạt lên mặt đường… Cuộc sống vẫn tiếp diễn như muôn vàn buổi chiều đã trôi qua, và ngay cả vài ngày nữa, nếu siêu Mặt trăng có đem ngày tận thế đến cho nhân loại thì tôi với anh vẫn là hai đường thẳng song song, mãi mãi chẳng bao giờ gặp nhau trên cõi đời này.

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Người trí thức

Đề thi giữa kỳ môn Tiếng Việt của HS lớp 3 trường TBT có 1 câu tập làm văn: “Em hãy kể về một người trí thức (người lao động trí óc) mà em biết”. Đón con trai lúc tan học, việc đầu tiên mình hỏi:
- Con làm bài tập làm văn được không?
- Dễ thôi mà mẹ!
- Con kể về ai?
- Con kể về cô B (cô giúp việc ở nhà).
- Thôi chết rồi, thế con kể sao?
- Thì con kể cô B đi chợ, nấu cơm, giặt đồ, lau nhà…, quá trời việc luôn!

Mình rầu quá! Ở nhà từ bà ngoại cho đến cha mẹ, các dì các cậu, các cô các chú, ai cũng là người lao động trí óc hết. Thế mà con lại chọn một người lao động chân tay duy nhất để đưa vào bài tập làm văn. Phen này thế nào cũng bị cô giáo mắng vốn.

Nghĩ lại cũng thấy mình ít nhiều có lỗi với con. Thứ nhất là không dành thời gian ôn tập, kiểm tra bài, thứ nhì là không gần gũi nói chuyện, đến nỗi thằng bé chắc cũng chẳng hình dung được mẹ làm công việc gì suốt 8 tiếng ở cái cơ quan gọi là NXB… ấy. Thôi, đành rút kinh nghiệm, từ giờ trở đi sẽ tìm cách khắc phục dần dần, sửa lỗi từ ngọn xuống gốc vậy.

Đầu tiên là sẽ giải thích cho con “người trí thức” là gì, sau đó mình sẽ cho con một bài tập làm văn mẫu kể về người trí thức.

Việc giải thích thì dễ thôi, 2 phút là xong. Giờ đến phần bài văn mẫu:

Em có quen một nữ trí thức, cô ấy tên là…. (XYZ – gì cũng được, không quan trọng, nhưng có thể tên là H đi, cho dễ gọi), năm nay cô vừa tròn 30 tuổi. Cô H có vóc người nhỏ nhắn, dáng đi nhanh nhẹn. Nghe nói cô rất thích khiêu vũ nên em thấy mỗi lần có việc cần phải đi nhanh, đôi chân mảnh dẻ của cô lại như lướt trên sàn gạch. Mái tóc ngắn của cô dày, nâu óng với những đường dợn sóng phía trước, lúc nào cũng bồng bềnh hững hờ trên vầng trán cao thanh tú. Cô H có đôi mắt đẹp luôn dành cho người đối điện cái nhìn đấy thiện cảm và tin cậy.

(Vì là kể người trí thức, nên tiếp theo có lẽ phải dành nhiều giấy mực để tả về công việc của cô ở cơ quan). Lúc mới vào cơ quan, cô H vừa lấy bằng cử nhân của trường ĐH thứ 2. Cô là người năng động, thích làm việc, hay giúp đỡ mọi người và luôn hoàn thành công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Chính vì thế, cô luôn được các đồng nghiệp yêu quý và đánh giá cao. Vì yêu công việc, cô H có thể cặm cụi suốt nhiều giờ đồng hồ bên máy tính, làm với hết khả năng của mình mà không hề nghĩ đến chuyện hơn thiệt. Vừa làm cô lại vừa hát nho nhỏ vừa đủ để làm cho không khí trong phòng làm việc trở nên nhẹ nhàng dễ chịu. Vì làm việc tốt, nên cô H được các sếp tin cậy giao cho nhiều việc quan trọng và cô có rất nhiều cơ hội thăng tiến.

Kết luận: Em rất yêu quý cô H. Lớn lên, khi ra đời, em cũng sẽ cố gắng học tập những đức tính của cô để đạt thật nhiều kết quả tốt trong công việc, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình giúp ích cho sự phát triển của đất nước.

Bài văn mẫu như thế có vẻ ổn rồi. Tuy nhiên nãy giờ chỉ là viết nháp thôi, bây giờ viết thật, tất nhiên phải sửa chữa chút ít cho chân thực hơn.

Em có quen một nữ trí thức, cô ấy tên là H, năm nay cô khoảng ngoài 40 tuổi (30 tuổi là lúc cô ấy mới vào cơ quan, từ đó đến nay cũng mười mấy năm rùi). Cô H có vóc người thấp, hơi đậm, dáng đi hơi nặng nề do đùi và hông to. Nghe nói cô rất thích khiêu vũ nên em thấy mỗi lần cần có việc cần phải đi nhanh, hông của cô lại lắc qua lắc lại theo một điệu nhạc nào đó mà cô đang lẩm nhẩm trong đầu. Mái tóc ngắn của cô càng ngày càng mỏng đi so với tuổi tác và ở phía trước đã ngả sang màu vàng, (ba em bảo tóc người ta sẽ bắt đầu bạc ở những chỗ đổi màu như vậy). Lọn tóc vàng phía trước thỉnh thoảng lại được cô hất cao lên để lộ vầng trán có vài nếp nhăn. Cô H có đôi mắt đẹp. Cô biết thế nên thường vẽ một chút ở viền dưới mắt để tăng thêm phần hấp dẫn. Đôi mắt cô luôn dành cho người đối điện, nhất là các chú cả tre trẻ lẫn gia già, cái nhìn lúng liếng đầy… tình cảm.

Lúc mới vào cơ quan, cô H vừa lấy bằng cử nhân của trường ĐH thứ 2. Cô là người năng động, thích làm việc, hay giúp đỡ mọi người và luôn hoàn thành công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, bây giờ do đã tích luỹ được kinh nghiệm nhiều năm, nên cô điều tiết sự năng động của mình giảm từ 10 phần xuống còn 6. Dù vậy, do nhìn thấy sự năng động và khả năng ở dạng tiềm ẩn, nên cô vẫn được lãnh đạo ưu ái phân công chuyển hết từ công ty nọ sang công ty kia rồi lại quay về công ty nọ….Chính vì thế,  cô lại thêm rất nhiều kinh nghiệm trong việc đóng đồ đạc vào thùng carton và  khiêng bàn ghế từ phòng này sang phòng khác. Vì yêu công việc, cô H có thể cặm cụi suốt nhiều giờ đồng hồ bên máy tính, làm với hết khả năng của mình, vừa làm vừa nghĩ: “không biết mình làm việc này để làm gì?”. Vừa làm cô lại vừa hát nho nhỏ vừa đủ để quên đi các áp lực đang đè nặng lên tâm trí. Vì làm việc tốt, nên cô H được các sếp tin cậy giao cho nhiều việc, làm mãi không hết. Và cũng vì làm tốt công việc nên cô được ưu ái cho làm việc trực tiếp mãi, vì cô mà lên làm quản lý thì không có ai làm việc trực tiếp thay cho cô.

Kết luận: Em rất yêu quý cô H. Lớn lên, khi ra đời, em cũng sẽ tham khảo những đức tính của cô để rút ra bài học cho bản thân. Em muốn làm sếp vì làm sếp phù hợp với khả năng của em hơn. Được làm sếp, em hứa sẽ góp một phần sức lực nhỏ bé của mình giúp ích cho sự phát triển của đất nước.
Đọc lại thấy hình như bản nháp hay hơn bài văn mẫu. Giữa cái chân thực và cái hay, dạy cho con chọn cái nào bây giờ? Coi vậy chớ khó à nha!

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Lần đầu

Trong đời, có những lần đầu mà tôi biết mình sẽ lưu giữ mãi mãi trong ký ức: như lần đầu đến trường, lần đầu rời bỏ nơi mình sinh ra để đến miền đất khác, lần đầu biết yêu, lần đầu đi làm, lần đầu tự ràng buộc mình vào cuộc sống vợ chồng… Có lẽ không thể kể hết những lần đầu, nhưng kể ra một vài lần đầu thì có thể lắm chứ!

Này nhé:

- 5 tuổi, lần đầu tôi phải đi học ở lớp mẫu giáo sau 2 năm trời trì hoãn hết lần này đến lần khác. Tôi không muốn mẹ đưa vào lớp vì rất sợ giây phút chia tay. Mẹ chỉ chở đến đầu ngõ và tôi tự đi vào. Tôi đi nép vào tường, lưng thẳng, đầu ngẩng cao tiến về phía trước và cố nuốt những giọt nước mắt tủi thân chỉ chực chờ dịp trào ra. Cô giáo ngồi ở bàn giữa lớp mỉm cười ra hiệu cho tôi bước vào, còn lũ bạn thì tròn xoe mắt tò mò nhìn nhân vật mới tới. Giờ ra chơi, đám con trai chơi các loại trò vận động, chạy nhảy, còn đám con gái xúm lại chơi đồ hàng. Tôi vốn nhút nhát, chả dám làm quen với ai mà cũng không thích chơi đồ hàng, nên lủi thủi loanh quanh một mình, cổ họng như có ai bóp nghèn nghẹn. Cô giáo lúc đó tuổi chừng ngoài hai mươi, giờ ra chơi tranh thủ đem truyện cổ tích ra đọc. Còn nhớ cuốn truyện đó có tựa đề là Bức gấm thêu, tôi lén đứng sau lưng cô, cô đọc trang nào là tôi đọc được hết trang đó. Gần hết giờ ra chơi cô mới phát hiện ra tôi đứng sau lưng và hết sức ngạc nhiên khi thấy tôi biết đọc chữ, mà lại đọc với tốc độ rất nhanh. Vào giờ học, cô gọi tôi ra đứng giữa vòng tròn ở lớp học và giới thiệu: “Các cháu, đây là bạn TH. Bạn TH đã biết đọc truyện rồi đấy, các cháu có thấy giỏi không?”. Đám bạn ồ lên: “Thưa cô, giỏi ạ!”. Ngày đầu đi học, tôi không phải làm quen với ai mà tự nhiên được tất cả các bạn trong lớp ngưỡng mộ. Sướng thế!

- 2 năm sau, tôi vào lớp Một. Ngày đầu tiên, tôi mặc một chiếc áo mới do mẹ tự tay may cho tôi. Không hiểu lúc đó mẹ quên không mua khuy áo hay vì một lý do nào đó, mà áo của tôi có 5 chiếc khuy hoàn toàn khác nhau. Đến lớp, có một đứa bạn gái phát hiện ra. Lập tức cô nàng gọi những đứa con gái khác đến vây quanh tôi chỉ trỏ và lăn ra cười. Tôi xấu hổ đến muốn chui xuống đất, nhưng cố làm mặt tỉnh, bảo: “Mẹ tớ nói áo chỉ có một loại khuy thì quá bình thường, người nổi tiếng phải mặc áo nhiều loại khuy”. Nói “cứng” như vậy, nhưng từ đó trở đi, tôi không bao giờ mặc chiếc áo đó nữa và cũng không bao giờ kể cho mẹ nghe lý do tại sao. Nghĩ lại thấy thương mẹ, thương mình và thương cả chiếc áo chỉ được mặc có một lần. Tuy nhiên, có điều thú vị là sau đó tôi thấy vài đứa bạn gái cũng bắt chước đòi mẹ đơm nhiều loại khuy vào áo. Chắc chúng thích giống người nổi tiếng chăng?

- Ngày đầu tiên rời xa gia đình để vào trường đại học cách nhà hơn 20 cây số, tôi lại bắt gặp mình có cái cảm giác nghèn nghẹn ở cổ y như mười mấy năm trước. Ba chở tôi bằng xe máy đến trường rồi quay về, để lại tôi một mình lóng ngóng như một con bé ngốc với chiếc vali quần áo và một mớ lỉnh kỉnh sách vở, chiếu cói, xô nhôm… Đứng trước ngôi trường và nhìn ký túc xá nằm trên một vùng đồi mêng mông toàn cây tràm và đất nhuốm một màu đỏ quạch, tôi thấy mình thật lạc lõng và bé nhỏ. Thế rồi, tôi thấy mấy đứa con gái cùng lớp khóc toáng lên khi chia tay với cha mẹ và bất chợt tự hào đôi chút vì xem ra mình cũng “dũng cảm” hơn chúng. Đó là một lần đầu không có nước mắt, mở màn cho quãng đời đẹp nhất mà tôi có được.

- 26 tuổi, tôi làm phóng viên ảnh ở một tờ báo - lúc bấy giờ là một tờ báo khá lớn. Tuy nhiên, một thời gian sau, trong nội bộ toà soạn có nhiều sóng gió, đấu đá lẫn nhau, các phóng viên giỏi lần lượt bỏ toà soạn ra đi. Lần ấy, phóng viên thể thao sáng giá ĐH cũng quyết định bỏ việc. Trước khi bỏ đi, anh gặp tôi với tư cách như một người anh khuyên nhủ đàn em, nhưng trong những lời khuyên nhủ của anh, tôi thấy rõ sự kẻ cả và hả hê, kiểu như: “anh đi, cô ở lại ráng mà làm mấy việc của anh đi nhé! Mấy thằng PV thể thao kia chỉ biết viết bài thôi, không chụp ảnh được như anh đâu, nên cô phải lãnh luôn việc chụp ảnh”. Nghe anh rỉ rả nói chuyện, tôi biết anh không tin tôi có thể làm được việc đó. Và cái lần đầu tiên kinh khủng ấy đến khi tôi phải vác máy ảnh ra sân vận động. Gọi là “vác” không hề quá chút nào vì lúc ấy tôi chỉ cân nặng 40 kí mà phải khuân 2 cái máy ảnh cơ nặng trịch cùng chân máy và ống télé 300 to gần bằng một khúc thân cây chuối. Chiều tối, trời mưa tầm tã, tôi trùm áo mưa đứng dưới sân vận động cùng với hàng chục PV nam to khoẻ, lực lưỡng. Vài người trong số họ liếc nhìn tôi với con mắt thương cảm, số khác thì không thèm giấu sự ngạc nhiên pha lẫn đôi chút coi thường. Mưa quất vào mặt, vào mắt tôi cay xè. Cũng may, nhờ mưa nên không ai trông thấy tôi khóc. Tôi vừa khóc rấm rứt vừa lia máy ảnh theo các đường bóng, mắm môi chụp được mười mấy kiểu. Thế mà một điều kỳ diệu đã xảy ra khi cả mười mấy tấm ảnh tôi chụp đều đạt yêu cầu một cách mỹ mãn. Không biết sau đó anh ĐH có xem ảnh của tôi không, nhưng tôi hiểu mình đã vượt qua được lần đầu để đủ tự tin cho những lần tiếp theo.

- Hôm nay, lại thêm một lần đầu. Lần đầu quay lại nơi xuất phát sau một thời gian thất bại khi cố tìm cho mình một lối thoát khỏi đời công chức. Tôi đã đủ thời gian để chiêm nghiệm và nói điều này: dẫu bạn có được học hành đàng hoàng, dẫu suốt 5 năm ĐH, bạn luôn đứng đầu lớp, dẫu ở nơi làm việc, bạn được hầu hết đồng nghiệp đánh giá cao thì cũng không có nghĩa là đời công chức phải mỉm cười với bạn.

Một ngày ta trở lại, lại gặp những gương mặt cũ, chỗ ngồi cũ, công việc cũ…, chỉ có tên công ty là mới. Một ngày không nghẹn ngào, không có những giọt nước mắt, chỉ thấy ta không còn trẻ nữa để rưng rưng đón nhận lần đầu. Không biết nhiều năm nữa, tôi có nhớ lần đầu này như như nhớ những chuyện tôi vừa kể không. Nhưng, kể về những chuyện đã qua để tự thấy mình đã từng vượt qua những lần đầu khó khăn. Hôm nay, dẫu đời công chức không dành cho tôi một nụ cười thì tôi cũng chẳng đến nỗi keo kiệt để nhăn nhó lại với nó. Cứ cười bất cứ khi nào có thể, biết đâu một ngày nào đó nó sẽ mỉm cười lại với mình! Biết đâu sẽ có một lần đầu hạnh phúc đang chờ mình ở phía trước. Biết đâu…
(Bài này đáng lẽ phải đưa lên từ 1.3, nhưng mạng ở công ty bị dở chứng nên loay hoay hôm nay mới post)