.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Cho người tình lỡ

Chiều xuống, mặt trời đỏ mọng buông nốt vạt nắng cuối ngày xuống lưng đồi làm những bóng cây ven triền dốc như đổ dài thêm. Dòng sông tít xa mãi phía dưới kia lững thững chảy, cuốn theo bóng nước vàng sóng sánh hư ảo. Tôi chợt nghĩ “có lẽ mình đang mơ”. Mọi thứ xung quanh lúc ẩn lúc hiện, lúc vàng rực một màu nắng chiều, lúc lại ngả bàng bạc như trong một bức tranh nào đó của Monet. Tôi đang đi với anh. Chỉ có hai chúng tôi ở trên đồi, bóng hai đứa như ngả nằm xuống mặt đất. Giữa cái mênh mông đến hư ảo và đẹp như không có thật, cả hai cùng ngỡ ngàng đến lặng cả người, không ai dám cất tiếng, sợ âm thanh của mình làm tan mất tất cả.

Nắng tắt dần, mặt trời như lỏng dần rồi từ từ tan chảy, kéo theo những vạt nắng lui ra xa. Bất giác, tôi thấy chân mình đang chạy đuổi theo những vạt nắng, như muốn níu nó nán lại lâu thêm chút nữa. Nhưng không kịp, không kịp rồi…

Và bỗng chốc, tôi thấy mình đang đi lạc vào một nghĩa trang. Không còn nắng, nghĩa trang như không có màu. Lạ thật, trên đời này làm gì có sự vật nào hiện hữu mà không có màu? Nhưng rõ ràng tôi nhìn thấy mọi thứ trong nghĩa trang đang trở nên trong veo: những ngôi mộ lát đá trong đến nỗi như lẫn với cỏ cây, cỏ cây lẫn với đất, đất lẫn với những chiếc ghế đá dọc lối đi, lối đi trên mặt đất lẫn với mây ở cuối chân trời… Những đám mây bồng bềnh, thay đổi hình dạng, lúc thì những cánh hoa tuyết, lúc lại mang hình dáng những ngôi nhà có cửa sổ khuất sau màn mưa…

Tôi gọi tên anh. Nhưng không thấy anh đâu. Dường như anh đã trở nên trong suốt lẫn vào tất cả. Tôi cuống cuồng chạy quanh tìm anh, nhưng chẳng thấy gì ngoài một mình mình giữa nghĩa trang không màu, đẹp như truyện cổ tích và lạnh lẽo đến rợn người. Tôi gào lên khản cả giọng…

“Em! Tỉnh dậy đi!”

Có tiếng người gọi xa lắc như từ phía cuối những đám mây.

Phải mất vài giây nữa tôi mới tỉnh lại. Chồng nằm bên cạnh đang vừa ngái ngủ vừa lay lay vai tôi. “Em vừa nằm mơ”. Tôi thanh minh. Anh “ừ” rồi quay lưng lại, ngủ tiếp không thấy thắc mắc gì. Chắc trong mơ, tôi đã không gọi tên “người kia”. Thật hú hồn!

Những giấc mơ tương tự như thế này đã theo tôi trong suốt mười mấy năm qua, kể từ ngày tôi quyết định chia tay anh. Trong những giấc mơ đó, cảnh vật luôn đẹp đến man dại với đủ các sắc màu, mà bình thường, không bao giờ tôi thấy được. Tôi luôn đi bên anh, cùng anh chứng kiến tất cả, nhưng đến phút cuối cùng, bao giờ anh cũng tan biến, chẳng để cho tôi kịp nói với anh một lời chia tay…

Tôi chẳng kể cho ai nghe về giấc mơ của mình vì có kể thì cũng chẳng ai hình dung được. Thậm chí tôi còn nghe nhiều người nói rằng giấc mơ của họ chỉ có sự kiện chứ không bao giờ có màu. Mà hình như trước khi chia tay anh, tôi cũng chỉ toàn nằm mơ những giấc mơ đen trắng. Mơ đen trắng giản dị hơn mơ màu. Mơ đen trắng nhẹ nhàng hơn mơ màu. Mơ đen trắng không làm ta tái tê mỗi khi tỉnh dậy…

Tôi đến với anh năm tôi vừa vào lớp 11. Thực ra, từ trước đó rất lâu, có lẽ là từ khi 5-6 tuổi, tôi đã mơ về một người như anh, nhưng chỉ đến năm 16 tuổi, tôi mới gặp anh lần đầu. Anh làm tôi mê đắm đến quên ăn, quên ngủ. Tôi lao vào anh như thiêu thân. Tôi sẵn sàng bỏ cả xem phim, bỏ cả đi chơi với bạn bè, cả viết truyện – một công việc mà tôi ưa thích nhất thời đó – chỉ để được im lặng bên anh. Tôi thích được ở bên anh mọi lúc mọi nơi: trong một chuyến đạp xe ra ngoại thành, khi lang thang ở một bến sông, lúc nhẩn nha đi trong rừng cao su đường Sơn Quán – nơi có nghĩa trang thành phố trầm mặc, hoặc ngồi với nhau trong ánh sáng mờ ảo của một căn phòng chật hẹp, ngột ngạt… Chỉ cần có anh bên cạnh là tôi biết mình đang hạnh phúc.

Tôi gắn bó với anh từ lớp 11 năm ấy cho đến khi học trường ĐH thứ nhất, rồi trường ĐH thứ hai, rồi năm đầu đi làm. Tôi biết mình yêu anh nhiều hơn là nhận được tình yêu từ anh. Đáp lại tình yêu của tôi, anh chỉ “vờn vờn”, đôi khi anh xoa đầu tôi như cách người lớn vỗ về trẻ nhỏ. Tôi nhận những cái xoa đầu của anh, biết rằng cuộc tình này không dành cho mình. Chuyện gì đến rồi cũng phải đến.

Tôi có người mới. Người mới không làm tôi mê đắm như đã mê đắm anh, nhưng tôi tìm được sự tin cậy và an bình. Một tình yêu không giông tố như mùa mưa bão, không khúc khuỷu như sông, cũng không rực lửa mùa hè. Đó là một tình yêu mà tôi cần để đi suốt cuộc đời.

Từ đó, tôi từ giã những giấc mơ đen trắng để mơ những giấc mơ màu, Dẫu biết rằng khi tỉnh dậy, những giấc mơ màu luôn làm tôi khắc khoải, nhưng tôi sẽ không đánh đổi bất cứ giấc mơ màu nào của mình để quay lại giấc mơ đen trắng giản đơn ngày xưa. Cuộc đời cho ta những ngã rẽ để ta tự mình chọn lựa, cũng cho ta những giấc mơ màu để nhắc ta đã từng trải qua một thời, một cuộc tình như thế.

…………………….

Hôm rồi, sau chuyến đi với nhóm “Gái mạng”, chị ĐN có rủ rê quay trở lại “Đầm xương khô” (Tên chị ấy đặt cho một cái đầm mà cả nhóm tình cờ gặp trên đường đi). Đầm có vẻ đẹp mê hồn, làm tôi – trong một phút giây nào đó – chợt nghĩ “hay là mình lại mơ?”. Nơi ấy đẹp thế, nhưng rồi tôi từ chối không quay trở lại cùng với chị. Thực ra, tôi có cùng lúc mấy lý do để không đi, nhưng lý do lớn nhất thì chưa thể giải thích cho chị hiểu.

Hôm nay, tôi viết bài này cho anh – người tình lỡ - và cũng là một lời thanh minh gửi đến chị ĐN.
Nhưng tôi cam đoan là đọc đến đây, chị ĐN cũng vẫn chưa hiểu gì, cho đến khi chị ấy bấm vào đây  và đọc lại những gì chị ấy đã đọc vào một lần trước. Đừng đọc tất cả, chỉ đọc đoạn số 3 thôi, để biết “Anh” là ai, nhé!

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

KẸT XE

PN. từ Mỹ về chơi. Nó định cư ở Mỹ đã được hơn 5 năm. Lần này về, nàng TN. và tôi chợt nảy ra ý định nhân dịp PN về, tụ tập mấy đứa bạn học từ hồi cấp II, gặp nhau tám cho vui. Mấy chục năm rồi, từ hồi rời trường cấp II Khởi Nghĩa, chúng tôi không gặp nhau. Bạn cùng lớp tứ tán khắp nơi, còn tìm được số điện thoại để gọi cho nhau đã là một điều cực kỳ may mắn.

TN. nhiệt tình lục lọi, hỏi thăm người này người kia, cuối cùng rủ thêm được 3 bạn nữa. Cuộc vui bắt đầu từ buổi trưa ở nhà TN. và dự định kết thúc vào giác khuya tại nhà hàng Tân cảng do chồng của N. lớp trưởng. – PGD khu du lịch BQ – làm chủ xị. Chương trình gồm có ăn trưa với bò nướng ở nhà TN, chụp ảnh lưu niệm, nằm dài tám với nhau chuyện xưa xửa xừa xưa và chuyện nay nảy này nay (tất nhiên). Sau đó cả bọn sẽ diện đầm đẹp, leo lên xe hơi của đại gia TN, thẳng tiến đến nhà hàng Tân cảng ăn món lẩu và đặc sản nướng. “Tăng 2” sẽ có chồng của các nàng cùng tham dự.

Chương trình là thế, nhưng đến chiều, PN. lại có việc phải đi. Không kịp thay váy  đẹp, nó leo lên xe máy, chỉ kịp hẹn với chúng tôi là sẽ gặp nhau trước cổng nhà hàng.

Đúng như kế hoạch, 5 giờ rưỡi, đám con gái – nay đã thành các mợ son phấn, váy đầm các kiểu -  leo lên chiếc xe hơi 7 chỗ sang trọng, hiệu gì đó mà tôi không biết, hoặc có biết thì cũng sẽ không thể lưu được vào cái bộ nhớ vốn chật cứng những lo toan của mình. Xe chậm chạp lăn bánh qua những con đường nườm nượp toàn những người là người, khó khăn lắm mới vượt qua được chục cái ngã tư đèn xanh đèn đỏ để rẽ vào đường ĐBP. Nhưng chẳng được bao lâu thì xe lọt vào giữa một rừng xe hơi đậu ken kín, san sát nhau. Thôi chết, kẹt xe rồi!




Ket xe




Đúng là kẹt thật. Qua cửa kính xe, tôi nhìn thấy đám tài xế taxi bắt đầu mở cửa xe, leo lên vỉa hè kiễng chân nhìn dáo dác. Không biết nguyên nhân kẹt xe là gì, và cũng không biết bắt đầu kẹt từ đoạn nào, cả đám sồn sồn ngồi trong xe thở dài ngao ngán. Kẹt xe, chuyện duy nhất có thể làm là tiếp tục tám. Nàng BP. kể về cửa hàng thời trang nho nhỏ do mình làm chủ, về chuyện bận rộn đưa đón những đứa cháu con anh con chị, về cuộc sống độc thân của mình. Nàng TP. kể về cửa hàng uốn tóc của nó ở mãi tận đẩu tận đâu ngoại vi thành phố mà có nghe đến chục lần nữa, tôi cũng chẳng biết chính xác nó nằm ở chỗ nào. Nàng TN. kể về công việc hàng ngày của mình: sáng dậy lo bữa ăn sáng cho cả nhà, chở con đi học, chạy qua nhà ngoại chăm sóc ba đang ốm, rồi lại đón con, lại chở con đi học… loay hoay như vậy suốt từ thứ hai đến thứ sáu. Cuối tuần thì vợ chồng đi Bình Dương chăm lo 30 mẫu cao su. Chừng ấy cao su để biến hai vợ chồng từ trắng tay trở thành đại gia, và để bây giờ, mấy đứa bạn có thể ngồi trên chiếc xe hơi khô ráo này khi ngoài trời bắt đầu đổ cơn mưa dữ dội.

Tôi cũng tham gia tám với đám bạn, nhưng chẳng còn mấy hồ hởi như ban đầu. Tôi đang lo PN không biết giờ này đang ở đâu?

14, 15 tuổi, PN là đứa bạn thân nhất của tôi, thân đến nỗi tôi vẫn thường nghĩ rằng mai mốt chúng tôi sẽ kiếm chồng ở gần gần để lúc nào cũng có thể gặp nhau nếu muốn. Tôi đem dự tính này kể cho mẹ. Mẹ tôi ngồi may vá gì đó, không ngẩng lên, bảo: “Ở tuổi con, đứa con gái nào chả có bạn thân. Lớn lên, nào chồng nào con, có khi cả mấy năm chẳng buồn gặp nhau ấy chứ!”. Tôi cười: “Tụi con sẽ không như vậy đâu!”.  PN ở với mẹ và hai đứa em. Nó nhanh nhẹn, thông minh nhưng mặt luôn buồn rười rượi vì một nỗi mặc cảm mà chẳng mấy khi nó muốn chia sẻ với ai -  nỗi mặc cảm của đứa con gái bị cha bỏ rơi. Cuộc sống của tôi thì suôn sẻ hơn nên tôi vô tư, nhiều khi vô tình chạm vào nỗi đau của nó mà chẳng hay biết gì. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục chơi thân với nhau, chia nhau từng cái bánh ngon hoặc không ngon, từng trái khế ngọt hoặc chua lè, từng quyển sách giấy vàng ố, chữ lem nhem như giấy gói hàng… Năm cuối cùng của cấp II kết thúc, chúng tôi cùng thi đậu vào một trường cấp III, nhưng chỉ có tôi là tiếp tục học, còn PN thì rẽ ngang sang trường trung cấp chuyên nghiệp, vì đó là con đường ngắn nhất để nó có thể kiếm tiền phụ với mẹ nuôi 2 đứa em. Trường PN học ở tận Thủ Đức. Ngày chia tay, nó rưng rưng chực khóc, tôi buồn tê tái. Thủ Đức cách SG đến hơn 20 cây số, đạp xe thấy quãng đường thật xa, nên những lần gặp nhau ngày một  thưa thớt dần, nghe phong phanh nó đã yêu. Ừ, yêu thì yêu, đường xa thì đường xa, điều ấy không hề làm ảnh hưởng đến tình bạn của hai đứa. Nhưng rồi lại nghe phong phanh chuyện yêu đương của nó trục trặc, chuyện gia đình của nó khó khăn về kinh tế... Rồi một ngày, nó thông báo với tôi: “Tao đi lao động nước ngoài, mày ạ”. Nó đi. Đi như chạy trốn người yêu. Đi như một cách giải thoát khỏi cái nghèo khó. Tôi không đi tiễn nó. Phải đối diện với những cuộc chia tay luôn là điều tôi ghét.

PN sang một nước Đông Âu xa lắc xa lơ mà tôi chả bao giờ được biết đến qua sách truyện hay phim ảnh. Thỉnh thoảng, nó viết thư cho tôi. Trong thư của nó, mỗi từ ngữ đều như căng mọng những giọt nước mắt. Nó mang em gái sang nuôi và không có ý định quay về nước nữa. Lại nghe đâu nó đã qua mấy cuộc tình dang dở…

Những tưởng PN định cư ở cái xứ xa lắc đó luôn, nào ngờ, một ngày nó xuất hiện ở SG, cũng đột ngột như ngày nó quyết định ra đi. Nó về để chuẩn bị đi đến một đất nước thứ 3, nơi có một tình yêu đích thực và người đàn ông mà nó dự định lấy làm chồng…

Trời vẫn mưa như trút. Chẳng biết PN đã đến nơi chưa hay vẫn ở ngoài đường. Tôi sốt ruột định rút điện thoại ra gọi thì vừa hay có tiếng chuông đổ. Trong máy, tiếng nó lẫn vào tiếng mưa: “Tao đi lạc đường rồi! Qua khỏi cầu SG mới biết là mình lạc thì không có đường quay lại nữa, đành phải tiếp tục thôi, đến ngã tư Bình Thới may ra…” Ôi trời, khổ thân quá! Đám bạn gái ngồi trong xe khô ráo ồ lên vẻ thông cảm.

 Hình như chúng nó không biết chuyện PN hồi ấy…

Hồi ấy, nó đã tìm được một tình yêu đích thực và quyết tâm lặn lội sang một nước thứ 3 để thăm quê hương chồng sắp cưới. Đi chưa được bao lâu, tôi lại thấy nó quay về. “Tao huỷ đám cưới” – Nó thông báo cụt ngủn như vậy. Đằng sau lời thông báo cụt ngủn, tôi nhìn thấy một nỗi đau nào đó mà có lẽ ai chưa trải qua thì sẽ không thể hình dung được.

Điện thoại lại rung. “Xe tôi bon bon trên dặm đường…”, bản nhạc quen thuộc tôi cài vào điện thoại reo ầm ĩ như trêu tức mọi người khi trên thực tế, chiếc xe không còn một khoảng trống nào để nhúc nhích. “Tao tìm được chỗ quay xe rồi” – PN thông báo.

Hơn mười năm trước, sau cú ngã đau điếng, cuối cùng PN cũng tìm được lối quay lại. Đám cưới của nó, tôi vui như dự đám cưới của chị em trong nhà. Cô dâu rạng rỡ ôm hoa lên sân khấu hát với chú rể. Lâu lắm rồi tôi mới được nhìn thấy nó có nụ cười như vậy. Cả cô dâu và chú rể đều không còn trẻ nữa. Đám cưới làm cho hai họ và bạn bè vui mừng hớn hở. Sau đám cưới, một đứa trẻ bụ bẫm như cha và gương mặt sáng sủa, thông minh như mẹ ra đời Nhưng rồi mọi thứ cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Chỉ vài tháng sau khi nó có con, tôi lại được nghe kể về những cuộc cãi vã bất tận…

Chuyện gì đến cũng phải đến, PN thông báo “Tao li dị”. Tôi chưa hết bàng hoàng thì nó thông báo tiếp “Tao phải đi, không thể ở đây được nữa”. Tôi thử lựa lời khuyên giải, nó lắng nghe và im lặng. Rồi nó bế con sang Mỹ, tay trắng làm lại từ đầu. Ngày nó ra sân bay, tôi nhắn tin “Tao không đi tiễn. Chúc mày mọi sự tốt lành”. Tôi không gửi email cho PN như hồi xưa hai đứa đã từng gửi thư cho nhau. Thỉnh thoảng thấy tên nó xuất hiện trên cửa sổ chat, tôi nhảy vào, hỏi thăm câu được câu mất. Nó không có thời gian chat, không thể mở email kiểm tra thư vì quá bận. Tôi tìm thấy tên nó trên mạng xã hội, chỉ để thỉnh thoảng cứ đến sinh nhật và ngày lễ lại gửi một tin nhắc chúc mừng và không bao giờ nhận được hồi âm. Dường như công cuộc mưu sinh trên đất Mỹ luôn đưa những kẻ tay trắng như vào vòng xoáy quay cuồng như vậy! Gặp nhau, nó thanh minh: “Tao vừa đi làm, vừa học thêm một nghề khác hẳn nghề trước đây tao đã học. Biết là phài dành thời gian cho người thân, nhưng tao đâu còn con đường nào khác”. Tôi gật đầu. Hiểu mà! Tụi mình từ xưa đến giờ vẫn hiểu nhau, đâu cần phải nói nhiều.

Trời tối sầm. Mưa ngớt một lúc rồi lại đổ xuống ầm ầm. Cái gạt nước phải làm việc liên tục mà mọi thứ trước mắt vẫn nhoè nhoẹt. Đã bảy rưỡi. PN lại gọi điện. Tôi bảo: “Thương mày quá PN ơi, nhưng bọn tao biết làm sao bây giờ, ráng chịu đi”. Nó đáp: “Tao ướt hết rồi đây này”. Tôi biết. Từ lúc quen PN đến bây giờ, đời nó có bao giờ khô đâu. Hôm nay có ướt thì cũng chỉ là thêm ướt mà thôi! 5-10 phút nữa tiếp tục trôi, mãi đến khi sức chịu đựng của mọi người xem chừng đã sắp biến thành cơn phẫn nộ thì từ phía sau có tiếng hú còi của xe mô tô cảnh sát. Lại thêm vài phút nữa, những chiếc xe hơi phía trước đã bắt đầu nhúc nhích. Tôi gọi điện cho PN: “Cố lên nhé, xe bắt đầu thông rồi”. Ở đầu bên kia, nó cười hiền: kiểu gì thì cũng phải chờ thôi.

Mưa bớt nặng hạt. Xe lăn bánh. Mọi người thở phào: Có thế chứ! Phía trước là ngã tư Hàng Xanh, là con đường dẫn tới nơi chúng tôi hẹn nhau. Tôi hình dung ra PN với bộ quần áo ướt sũng nhưng gương mặt rạng rỡ khi nhìn thấy chúng tôi. Chắc nó cũng biết, ở xứ ta, kẹt xe là chuyện thường ngày, nhất là vào mùa mưa. Nhưng cơn mưa nào rồi cũng tạnh, kẹt xe hàng giờ thì cũng đến lúc phải thông. Cố lên PN nhé! Kiểu gì thì mày cũng phải chờ tao, giống như kiểu gì thì tao cũng sẽ đến gặp mày, ngồi bên cạnh mày như hồi xưa. Và mình sẽ lại tiếp tục cuộc vui, mặc kệ trời mưa, mặc kệ dự báo khi quay về có thể kẹt xe lần nữa.
Chuông điện thoại của tôi reo vang bản nhạc cũ  “Xe tôi bon bon trên dặm đường…” Tôi mỉm cười nghe giọng thân thuộc của nó ở đầu dây bên kia: “Tao vẫn chờ mày nè!”