.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Bưu điện thành phố

Lên mạng mà gặp một bài viết có tựa đề khô khan kiểu như “Bưu điện thành phố” thì chắc mình sẽ chẳng bao giờ click vào, chứ đừng nói đến chuyện sẽ bỏ thời gian ra xem. Thế nhưng hôm nay - trong làn không khí lành lạnh của những ngày cuối năm, khi Sài Gòn nắng hanh, gió nhẹ vừa đủ để thổi tung đám lá vàng trên mặt đường - thì bỗng nhiên mình lại có hứng viết về cái bưu điện trung tâm ấy.

Ngày xửa ngày xưa, vào những năm 80 của thế kỷ trước, có con bé mười mấy tuổi đã từng mê mẩn bưu điện trung tâm này. Ở vào cái tuổi mới lớn, nhu cầu giao lưu bạn bè của nó xem ra là vô bờ bến. Nó giao lưu với các anh bộ đội ngoài biên giới, hải đảo, các anh thanh niên xung phong ở tận mấy nông trường Đakmil, Đăknông xa lắc …, nó cũng có những người bạn mắt xanh tóc vàng chưa bao giờ gặp mặt, ở mãi tận đẩu tận đâu xứ Đông Âu xa xôi mà nó mới chỉ biết đến qua một vài truyện dịch tình cờ đọc được ở đâu đó. Thời ấy, chuyện giao lưu chỉ được thực hiện dưới mỗi một hình thức là thư gửi qua đường bưu điện. Những lá thư được nó viết nắn nót trên những tờ giấy A5 gập đôi, tờ nọ lồng vào tờ kia và bấm kim ở chính giữa như một quyển sách nhỏ. Nó mê viết thư như trẻ con bây giờ mê xem phim hoạt hình và chơi game vậy. Mỗi lá thư viết xong, nó đều cho vào phong bì trắng tự làm, cẩn thận dán một con tem ngay ngắn và đạp xe lên tận bưu điện trung tâm để bỏ thư vào thùng. Sau đó là những ngày chờ đợi. Mỗi lần bác đưa thư đi chiếc xe đạp – với tiếng chuông leng keng không lẫn vào đâu được – là nó lại chạy ra sân nhìn theo cho đến khi bác đi khuất. Xen vào giữa vô số lần bác đi ngang qua như vậy là những lần bác dừng lại gọi: “HTH, có thư!”. Nó vồ lấy những bức thư với các kiểu phong bì khác nhau, có phong bì làm bằng giấy vở học trò, có phong bì mua sẵn với dòng chữ “gửi máy bay” in ở góc dưới, có phong bì in màu thật đẹp còn thơm mùi giấy nước ngoài. Nó cầm những chiếc phong bì trên tay với niềm sung sướng không lời diễn tả.

Thực ra ngoài chuyện gửi và nhận thư, nó cũng có đôi lần được gọi đến bưu điện để nghe điện thoại đường dài. Đó là những lần anh bạn trai là thuỷ thủ tàu viễn dương, đang lênh đênh ở đâu đó,  bỗng dưng “nổi hứng” muốn nghe giọng nói của nó. Vào một giờ hẹn trước, nó phải trực sẵn ở quầy điện thoại, khi cô nhân viên bưu điện bắt được tín hiệu thì nó cầm máy lên. Thường thì anh nghe thấy giọng của nó, nhưng nó không nghe được giọng của anh, cô nhân viên bưu điện phải làm chiếc cầu nối. Cô bảo: “Anh ấy nói anh ấy rất nhớ em, anh ấy nói Tết này anh sẽ về, anh ấy bảo anh đang ở Hồng Kông…” vân vân và vân vân. Hình như lúc ấy nó chỉ coi anh như một người bạn nên những cuộc trò chuyện như vậy không để lại cho nó một ấn tượng sâu đậm nào. Bưu điện là nơi để nó gửi đi tình yêu thương của mình chứ không phải là nơi để nhận những lời nói ngọt ngào.

Đối với nó, bưu điện cũng còn có một sức hấp dẫn khác.

Hồi ấy nó đang học cấp III. Nói đến trường cấp III là phải nói đến môn Toán, vì nó học dốt Toán vô cùng. Những giờ Toán trôi qua trong cuộc đời nó nặng nề và dài dằng dặc như hàng thế kỷ. Nó không muốn chôn vùi mình trong cái sự hãi hùng đó nên thường trốn tiết. Nếu nghỉ học cả buổi thì phải có giấy phép và tất nhiên cũng không thể nghỉ nhiều, nhưng nếu đầu giờ buổi sáng có mặt trong lớp thì coi như ngày hôm đó vẫn học bình thường. Vậy là nó đi học buổi sáng và đến tiết Toán thì trốn. Không hiểu nó làm cách nào mà cả người cả xe đạp đều trót lọt khi đi ngang cái cổng bé xíu có bác bảo vệ đeo kính lúc nào cũng ngồi nhìn chăm chăm vào từng người qua lại? Thoát khỏi cái cổng đó, nó như con chim sổ lồng tung cánh vào bầu trời tự do. Những năm 80, buổi sáng ở Sài Gòn lúc nào cũng mát mẻ như bây giờ vào tiết trời cuối năm. Đường phố vắng hoe đến nỗi nghe rõ cả tiếng lá xào xạc trên những tán cây dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa trải dài đến tận Dinh Độc lập và công viên trước Nhà thờ Đức Bà. Nó vừa đạp xe vừa hát, thường thì cứ tua đi tua lại mỗi một bài, tua đến lần thứ mười mấy thì thấy mình đã đến bên hông nhà thờ và đánh một vòng ôm cua để rẽ vào Bưu điện trung tâm.

 
Bưu điện Trung tâm Thành Phố

Photo by : HMoong

Ngoài đường thì vắng, nhưng bưu điện thì lúc nào cũng tấp nập. Ngay giữa bưu điện, người ta thiết kế một hàng dài mấy chục chỗ ngồi, mỗi chỗ đều được ngăn vách thành từng ô giống như chỗ ngồi của phóng viên trong các toà soạn báo. Nó chọn cho mình ô ở phía góc xa, chỗ vừa ít người qua lại, vừa có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát khắp nơi. Ở quầy bưu phẩm có người đàn bà chừng 50 tuổi đang hỏi han cô nhân viên về thủ tục gửi quà, chắc chắn bà đang cầm trên tay gói nhu yếu phẩm gửi cho con trai là bộ đội đang đóng quân ngoài biên giới. Ở quầy thư nước ngoài có một chị khoác chiếc khăn quàng màu xanh da trời, tay cầm khư khư chiếc phong bì vừa dán, chắc là gửi cho người yêu. Một anh không còn trẻ nhưng cũng chưa già, quần áo xốc xếch, đang vội vàng ghi thông tin gì đó ở quầy chuyển tiền, chắc là gửi tiền lương tháng của mình về cho vợ con ở quê. Một ông già cũng ngồi ở một ô như nó viết thư, làm nó hơi thắc mắc một chút, không hiểu bằng tuổi này, ông còn có nhu cầu viết thư cho ai mà chăm chú, mà nét mặt đầy yêu thương đến vậy…

 

Nó ngồi đó, nhìn tất cả mọi người qua lại và… viết truyện. Cốt truyện và các nhân vật đều đã được nó xây dựng từ trước, nhưng chỉ đến khi ngồi ở một góc bưu điện, diện mạo từng người mới hiện lên rõ đến từng chi tiết và trở nên thực sự sống động.

Cứ như vậy, rất nhiều truyện ngắn của nó đã ra đời ở Bưu điện thành phố.

Năm tháng cứ dần trôi…
Lâu rồi, nó không còn vào Bưu điện thành phố nữa. Không còn anh bạn trai ở lênh đênh trên biển, không còn những anh bộ đội, anh thanh niên xung phong ở biên giới, ở nông trường, không còn những người bạn tóc vàng mắt xanh ở tận đẩu tận đâu phía bên kia địa cầu, và những truyện ngắn của nó đã nằm kỹ đâu đó ở dưới đáy mấy chiếc thùng carton chất đống trong góc nhà.


Thỉnh thoảng đi qua bưu điện, như một thói quen, nó chợt muốn dừng lại để gửi xe. Sau phút ngập ngừng, nó chợt tỉnh, chợt cười ngơ ngẩn một mình rồi nhấn ga cho xe chạy qua, để lại Bưu điện thành phố xa dần phía sau lưng.

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Xem phim "Mùi hương đàn bà"


 

Muốn viết nhiều thứ, nhưng người chưa khoẻ hẳn nên cứ lười lười. Thôi thì xem phim vậy.

Phim Mỹ nhá, tên phim Mùi hương đàn bà  nghe đã thấy vô cùng “gợi”. Tuy nhiên, thực tế thì phim không nói về “chuyện ấy”. Tóm tắt phim thế này:

Charlie Simms (Chris O'Donnell) là một học sinh giỏi nhưng nhà nghèo, đang học tại một trường trung học vào khoảng những năm 50-60 gì đó – mình không chắc lắm. Một hôm, cậu tình cờ chứng kiến những người bạn của mình tạo dựng một vụ scandal để làm bẽ mặt thầy hiệu trưởng – bản thân ông thầy này là một người xấu. Chuyện xảy ra. Ông hiệu trưởng biết thóp cậu bé đã chứng kiến ai là người gây nên trò này, nên gọi cậu lên gặp và cho cậu 2 lựa chọn: một là khai tên những người bạn ấy ra, cậu sẽ được giới thiệu vào một trường danh tiếng với học bổng hấp dẫn, hai là nếu không khai, cậu sẽ bị mất cơ hội vào đại học và trước mắt sẽ bị đưa ra hội đồng kỷ luật.

Charlie lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Cậu không muốn và không thể tố giác bạn mình và phải đối mặt với một tương lai không mấy sáng sủa. Với một tâm trạng rối bời như vậy, trong một lần đi làm thuê để kiếm thêm tiền, cậu tình cờ gặp cựu trung tá Frank Slade (Al Pacino). Cựu trung tá này đã về hưu, bị mù, uống rượu và hay cáu kỉnh. Cảm thương với hoàn cảnh của vị trung tá, Charlie gần gũi với ông và mỗi ngày lại khám phá thêm vẻ đẹp phía bên trong con người có vẻ như thật khó chịu này. Cậu kể cho ông nghe về chuyện của mình.

Ngày Charlie phải ra ngồi ở ghế xét xử của Hội đồng kỷ luật, điều bất ngờ đã xảy ra: trung tá Frank Slade xuất hiện dưới vai trò một phụ huynh của Charlie. Khi Charlie bị kết tội, ông đã đứng lên phát biểu một bài đầy nhiệt huyết để bảo vệ cậu với những câu hỏi về giá trị đạo đức khi nhà trường ép học sinh phải khai ra những đồng đội của mình. Bài phát biểu của ông khiến cả Hội đồng lặng đi, và sau khi bàn bạc, Hội đồng quyết định tha bổng cho Charlie.

Xem xong phim, mình suy nghĩ mãi về chuyện giáo dục của nước người từ những năm giữa thế kỷ 20, tức là cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Suy nghĩ rồi lại liên tưởng đến nước mình. Bản thân mình cũng đã có đến 11 năm ngồi ghế nhà trường, nên ban đầu mình thấy cũng khó chấp nhận với chuyện học sinh lại có thể đi bêu xấu thầy hiệu trưởng trước toàn trường như vậy. Mình cứ thấy lấn cấn với cách giải quyết vấn đề của phim. Trên thực tế, học sinh hư thì phải bị kỷ luật chứ sao lại có chuyện lật ngược vấn đế như thế? Dù thầy giáo là người như thế nào thì cũng là thầy, và học sinh không có quyền làm thầy mất mặt. Tuy nhiên, suy nghĩ lại, mình thấy triết lý được đưa ra trong phim cao hơn nhiều so với những điều mình cảm thấy lấn cấn.

Hồi mình đi học, mỗi khi cô giáo cần chấm bài hay ra khỏi lớp một thời gian, cô thường chọn một bạn đi lên đứng trên bục giảng để theo dõi lớp học. Nếu thấy bạn nào nói chuyện thì bạn đứng trên bục có quyền ghi tên và khi cô quay trở lại lớp, cô sẽ bắt bạn đó thụt dầu (2 tay bắt chéo trước ngực, nắm 2 vành tai và đứng lên ngồi xuống khoảng từ 20 đến 100 lần, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ). Hồi ấy, mình nhớ đứa nào cũng khao khát được một lần đứng trên bục để tỏ rõ uy quyền của mình. Đến khi bạn bị lên trước lớp thụt dầu thì mọi người ở dưới cười “lêu lêu” và rất khoái chí.

Bây giờ, nghe con trai kể thì trường của con có các bạn Sao đỏ. Đầu giờ, các bạn Sao đỏ rảo quanh, ghi tên những ai đi trễ, quên đeo khăn quàng, ra khỏi lớp khi đang giờ ôn bài… Giờ ra chơi, ai bỏ áo ra ngoài quần, ai chạy nhảy (trường cấm không cho chạy nhảy, sợ ngã), ai chơi đá cầu cũng đều bị Sao đỏ ghi tên. Con trai tâm sự “Ước gì con được làm Sao đỏ”, mình hỏi: “Để làm gì?”, “Để ghi tên các bạn mà không ai ghi tên mình”.

Vậy đó, cái chuyện học sinh tình nguyện và thích thú khi được tố cáo bạn mình đã ăn sâu vào tiềm thức trẻ con. Nhiều đứa trẻ lớn lên sẽ có thói quen thích gặp riêng sếp để tố cáo đồng nghiệp của mình. Đồng nghiệp bị “rớt điểm” với sếp cũng đồng nghĩa với việc mình được tăng điểm, vân vân và vân vân.

Phim đã đoạt giải Quả cầu vàng cho hạng mục Diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Xem một đoạn ông Trung tá mù nhảy điệu Tango tại đây

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Miên man Đà Lạt

Cuối năm lại đến. Như mọi lần, cứ cuối năm, tôi lại loanh quanh với ý nghĩ phải vứt bỏ hết các thứ mệt mỏi ở cơ quan, chạy trốn lên Đà Lạt. Tôi rao trên blog “Có ai muốn đi ĐL với mình không?”. Chỉ ngay ngày hôm sau, có bạn đã gọi điện: “Cuối tháng này tao với mày đi nhé!”.

Cuối tháng, đúng hẹn, hai đứa giao con cái cho chồng, khoác hai cái balô lên đường. Bước lên xe khách, việc đầu tiên là tôi tắt điện thoại và lập tức thấy đầu nhẹ bâng. Mấy cu cậu thanh niên ngồi bên cạnh có vẻ phấn chấn nói líu lo không ngớt. Nhưng tôi chỉ nghe những câu chuyện đó giống như tiếng chim chứ chẳng hiểu một tí nội dung gì trong đó, cả trung tâm thần kinh còn dành chỗ để cho mây trắng tự do lơ lửng bay ra bay vào. Xe lắc la lắc lư, người lơ mơ ngủ gà ngủ gật, đến chiều thì cũng leo được lên cao nguyên. Dã quỳ vàng ngút mắt. Bảo cái màu vàng ấy là vui vì sắc óng rực rỡ cũng được mà bảo là buồn vì cứ mãi vàng chơi vơi ở nơi cao nguyên heo hút này thì cũng không sai. Ừ thôi, chuyện vui buồn không phải là chuyện của hoa, chỉ là chuyện của người. Lúc này, người chợt tỉnh ngủ và một niềm vui lâng lâng không có lời diễn tả cứ mơn man khắp mặt, tay chân và những chỗ không bị trang phục che khuất.

Không thể nhớ chính xác bao nhiêu lần tôi đã chạy trốn thành phố để lên đây, nhưng về những người bạn đã chịu đi cùng tôi, nhẫn nại chiều theo cái ước muốn ẩm ương của mình thì tôi nhớ hết, nhớ từng người với từng kỷ niệm nhỏ nhất mà có thể chính họ cũng không nhớ được. Đi lần sau thì lại nhớ lần trước, đi với người này thì lại nhớ người kia, nỗi nhớ cứ không mời mà đến, không có cách gì ngăn được.

Tối, hai đứa đi chợ đêm, uống ly sữa đậu nành nóng hổi. Bạn hỏi: “Có nhớ ai không?”. Tất nhiên là có chứ. Nhớ một người bạn lúc đó còn độc thân, nay đã yên bề gia thất với hai nàng công chúa. Một buổi tối xa xăm nào đó, hai đứa co ro dưới một cây dù, dẫn nhau ra chợ đêm chỉ để ăn một củ khoai và uống ly sữa đậu nành nóng, rồi lại dẫn nhau về dưới mưa. Bạn ấy hỏi “Sao H. không đi với chồng mà lại rủ mình?”. Không biết câu trả lời của tôi như thế nào, nhưng tôi nhớ cái cảm giác thật chơi vơi khi nghe câu hỏi đó. Rõ ràng là trong suốt cuộc hôn nhân của mình, người ta không thể không có lúc phải trải qua những ngày tháng chông chênh. Tôi đi với bạn ấy trong một khoảng thời gian chông chênh như vậy. Tôi đã nói câu gì đó và bạn an ủi tôi bằng một câu bình thường như người ta vẫn thường động viên nhau: “Chuyện có gì đâu, bao nhiêu người mong lấy được chồng như H. mà không được ấy chứ!”. Chúng tôi đội mưa về, bạn ấy cầm dù, cây dù mỏng không thể ngăn được từng cơn gió thổi những giọt mưa lạnh buốt tạt vào người. Nghĩ đến sự chông chênh của mình, tôi hơi chạnh lòng và thấy cổ họng mình nghèn nghẹn, nhưng tôi biết, nếu lúc này tôi đi bên chồng thì anh sẽ cố tình nhường phần khô ráo cho tôi. Tình yêu là có thật, vậy, cớ gì, cớ gì… cớ gì…?Tối hôm đó, bạn trùm chăn ngủ sớm, còn tôi thì thao thức và tự hứa với lòng, khi trở về Sài Gòn, việc đầu tiên là sẽ ôm chồng và nói rằng “Em nhớ anh”

Sáng sớm, hai đứa thuê chiếc xe máy, tay lăm lăm tấm bản đồ du lịch. Tôi cầm lái và định hướng, bạn ngồi sau chỉ đường cụ thể: đi hết con dốc rẽ phải, gặp ngã ba rẽ trái, leo lên con dốc kia…, chỉ trỏ một hồi, đột nhiên chúng tôi thấy mình lại quay về đúng chỗ cũ. Tôi cười xoà, lẩm nhẩm mấy câu trong một bài hát nổi tiếng: “Phố núi cao phố núi trời gần. Phố xá không xa nên phố tình thân. Đi dăm phút đã về chốn cũ …”. Chuyện đi loanh quanh lại quay về chỗ cũ là chuyện chẳng có gì lạ đối với khách du lịch đến Đà Lạt. Năm ngoái, đi lên đây với chị bạn, hai chị em cũng từng đi loanh quanh như thế này đến hàng chục lần. Tôi vốn là đứa định hướng tốt, nhưng cứ lên đến Đà Lạt là khả năng định hướng của tôi bị phân tán đến không thể hiểu nổi. Nhưng ngồi phía sau, chị cũng chẳng cần biết là tôi chở chị đi đâu. Cứ đi, lên dốc rồi lại xuống dốc, rẽ trái rồi lại rẽ phải, chỉ cần đi, không cần đích đến, miễn là quên hết chuyện công việc bất ổn ở cơ quan, cái chuyện đang từng ngày gặm nhấm, ăn mòn tình yêu của chúng tôi đối với công việc và đối với nơi mình đã gắn bó bao năm. Bảo là quên, nhưng thực ra nó chỉ tạm thời lắng đi, cứ có dịp là lại trào lên từng đợt như người ta bị chứng đầy hơi khó chịu.

Tôi chở chị đi vòng vèo theo một con đường xuống thung lũng. Đường đi chỉ khoảng hơn 1 mét, vừa đủ cho hai xe máy đi ngược chiều tránh nhau, nhưng tuyệt nhiên chẳng có chiếc xe hay một bóng người nào, nhiều đoạn gồ ghề trơn trượt, cỏ dại mọc đầy. Càng xuống sâu, tôi càng cảm thấy nỗi sợ của người ngồi phía sau tăng dần. Đến một lúc, không còn đủ bình tĩnh nữa, chị rụt rè bảo tôi dừng lại. Tôi muốn đi tiếp để thấy được nơi tận cùng con đường, dẫu dưới ấy chỉ là một ngôi làng nhỏ hay là một vườn cây thì cái cảm giác đến được nơi cuối đường cũng làm tôi sung sướng. Nhưng phải chiều theo ý chị, chúng tôi đành dừng lại chụp hình, người nọ chụp cho người kia, ngắm mấy cây hồng quả đỏ trĩu ở xa xa qua ống kính rồi quay xe trở lên. Chị bảo: “Chị không còn ở cái tuổi thích phiêu lưu nữa.” Tôi hiểu và hoàn toàn thông cảm với chị, nhưng vẫn tự nhủ “nếu có dịp, mình sẽ quay lại đi hết con đường”. Vài tháng sau chuyến đi, chị xin về hưu. Ban đầu, người ta không chấp nhận, nhưng chị cương quyết dừng lại giữa đường, nơi chị thấy mình không thể đi tiếp được nữa. Tôi kém chị chục tuổi nên có lẽ cái ngày tôi muốn dừng lại còn xa lắm. Con đường ngoằn ngoèo đầy bất trắc trước mặt sẽ là con đường tôi sẽ phải tiếp tục đi.

Hai ngày có xe máy như được gắn thêm chân, chúng tôi đi không biết mệt, lang thang khắp các ngóc ngách, quán xá. Cô bạn biết tôi đi đến đâu cũng thích ghé thăm viện bảo tàng nên chủ động chỉ về hướng có chữ Bảo tàng Lâm Đồng to tướng khi đi ngang qua toà nhà nằm trên đồi. Ghé vào bảo tàng hơn một tiếng đồng hồ, hoàn toàn thỏa mãn, chúng tôi tiếp tục thăm nhà thờ Domain, trường Đại học, trường Cao đẳng ĐL. Tôi chỉ cho bạn xem chỗ tôi đã khiêu vũ với thầy L mà không làm sánh một giọt nước nào ra khỏi chiếc ly đang đầy tràn, chỗ tôi đã hạnh phúc như thế nào khi được đứng sát bên người yêu – nay là anh xã – nghe hàng thông rót vào tai những lời yêu thương bất tận. Tôi chỉ không kể cho bạn về một nỗi đau xa xưa thoáng hiện về khi đập vào mắt tôi là tòa nhà đẹp như mơ của trường Cao đẳng. Ai cũng có một nỗi đau riêng nào đó mà không dễ gì có thể đem kể với mọi người. Hơn thế nữa, cũng chẳng nên nhắc lại chuyện buồn trong một ngày nắng hanh vàng quyến rũ đến ngẩn ngơ như thế này, nên tôi thả câu chuyện cũ vào đám mây lững lờ trôi về phía cuối chân trời. Đám mây của tôi cứ trôi, cứ trôi và tan ra ở nơi nào đó mà tôi không biết. Thế thôi…

Hai ngày rong ruổi qua mau. Hôm trở về Sài Gòn, chúng tôi phải ra xe sớm. Hai đứa chẳng kịp chạy ra chợ uống ly sữa đậu nành nóng. Thời gian ít ỏi khiến tôi cũng chẳng kịp tìm lại con đường đi xuống thung lũng mà tôi đã chở chị đi năm ngoái. Xe chuyển bánh, bỏ lại hai bên đường bạt ngàn dã quỳ. Bạn trầm ngâm hơn lúc đi, xe chạy thật lâu sau mới nghe bạn bảo: “Lần trước đi Đà Lạt với mày, tính đến nay đã 10 năm. 10 năm như chớp mắt. Không biết tao với mày bao giờ mới quay trở lại đây lần nữa?”. Tôi lơ đãng nhìn rừng thông, bảo: “Thì chắc là chớp mắt một cái nữa thôi mà!”. Nói xong rồi lại thầm nghĩ: 4 lần chớp mắt nữa chắc là cũng đến lúc mình phải ra đi, có ai nhắc mình nhớ mang theo triền dã quỳ vàng rực này đến nơi bên kia của thế giới không?

4 lần chớp mắt – lâu hay mau – chẳng biết!. Những gì đã qua thì cũng đã qua, phía trước thì còn dài. Thôi thì cứ trải nghiệm ngày hôm nay đi.

Xe chạy xuống đèo. Hướng đi tới là Sài Gòn, là nhà, là cuộc sống bộn bề tất bật của tôi. Sau lưng là Đà Lạt với triền dã quỳ ngút mắt, vàng đến nao lòng, miên man, miên man…

Da Lat 11.11

4 lần chớp mắt – lâu hay mau – chẳng biết! Cứ post tấm hình này để giữ lại một khoảnh khắc Đà Lạt, lúc ta không còn trẻ mà cũng chưa kịp già.