.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Viết "lấy ngày"

Hôm nay ngày đẹp 12.12.2012, tớ chào từ biệt anh Yahoo!, dọn sang đây với 2 bàn tay trắng.
Tớ cũng là người bình thường thôi, nên chẳng thể không buồn với các cuộc chia tay. Tuy nhiên, ngẫm đi ngẫm lại, thấy hợp - tan là chuyện thường, và trong cuộc đời, người ta vẫn cứ phải làm lại từ đầu chuyện này chuyện nọ - cũng là bình thường thôi.
Tớ sẽ vui với nhà mới này và rủ bạn bè cùng vui! Vậy đi!

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Chia tay

Bạn sẽ làm gì khi biết chỉ còn vài ngày nữa là phải chia tay vĩnh viễn với ngôi nhà của mình?
Buồn, khóc (kiểu này )?
Đi tìm bạn bè để chia sẻ nỗi buồn?
Vội vàng đóng gói, thu dọn đồ đạc vì sợ mất?
Hoang mang?
Bơ vơ, không biết mình sẽ về đâu?
Đi tìm khu đất mới?
...
Nhưng dù cảm xúc thế nào, làm gì và đi đâu thì bạn cũng phải / nên / cần thiết tiếp tục vui sống.
Mình cũng vậy.
Thôi, chào Yahoo! nhé! Mình đi đây! 

Nhà mới của mình: http://tuehuong-ha.blogspot.com/


Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Có ai buồn không?


Xem hình ảnh này, không biết có ai buồn không? Bỗng dưng trước cửa nhà mình hiện thông báo Yahoo!Blog Việt Nam sẽ chấm hoạt động vào ngày 17.1.2013, không một lời giải thích. Mình tức tốc chạy sang nhà người đại diện định hỏi thì đã có đến 208 comments ở bên đó, và chủ nhà im lặng, không trả lời. Có lẽ đã đến lúc chúng mình phải nghĩ đến chuyện dời hẳn nhà, nhưng đi đâu thì mình chưa tìm ra. 
Chơi Facebook thì mình thấy không ổn. Thứ nhất là Facebook dường như không được nhà nước Việt Nam ủng hộ. Chơi ở đây cũng phập phồng lắm, chẳng biết lúc nào thì die. Thứ hai là khi vượt tường lửa vào Facebook thì mọi thứ đều bị chậm, ảnh hưởng đến công việc. Thứ ba là Facebook như một cái chợ, không thích hợp để đưa lên những bài viết ít nhiều mang tính tự sự như chúng mình vẫn đăng ở đây.
Rời bỏ ngôi nhà đã gắn bó nhiều năm với mình là điều không ai muốn, nhưng rõ ràng Yahoo!Blog có vẻ đang ngắc ngoải thật rồi!

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Kiễng chân

Nhớ có đôi lần, mình với bạn đã tranh
luận với nhau. Mình bảo rằng mỗi khi có dịp cần phải thi đua, cần phải chứng tỏ
bản thân là mình luôn cố gắng hết mức, có thể nói là mình luôn “kiễng chân” lên
để với tay cao hơn những người cùng với. Bạn bảo:
- Kiễng thế để làm gì?
- Để khẳng định mình.
- Khẳng định để làm gì? Có ai quan tâm đến việc mày phải cố sức thế đâu!
- Không cần ai quan tâm, chỉ cần tao biết mình cố gắng và đạt được thứ cao hơn
mọi người.
- Đó là một kiểu “làm nổi”.
- Tao không “làm nổi” (mà thật là mình đâu có muốn “làm nổi”!). Nhưng khi với
được cao hơn mọi người, tao sướng trong lòng.
- Mày tự lừa dối mình thôi. Mày vẫn chỉ cao bằng chừng đó. Có cố kiễng chân thì
thực chất mày cũng đâu có cao hơn.
- Vấn đề không phải là tao muốn mình cao hơn, mà vấn đề là tao muốn nhìn thấy
mình với tới những thứ cao hơn.
Bạn cáu:
- Nói chuyện với mày bực mình, mày ngang lắm!
Mình cũng cáu:
- Còn mày thì bảo thủ bỏ xừ!
Những cuộc tranh luận như vậy hầu như chẳng bao giờ có hồi kết.

Đó là chuyện mấy năm về trước.

Bây giờ đôi lúc mình lờ mờ nhận ra
hình như bạn nói có lý.

Bởi vì nếu chịu khó quan sát, mình sẽ
thấy được nhiều kiểu “với” mà chẳng cần kiễng chân.

Người ta có thể leo lên ghế. Không có
ghế thì đi mua ghế - dĩ nhiên!

Người ta có thể trèo lên những tấm
lưng - vốn đã khòm sẵn - của người khác.

Người ta có thể được người khác công
kênh lên (mà mục đích có khi lại là với chùm nho trên cao đưa xuống cho người ở
dưới).


Tóm lại là nhiều cách lắm. Không cần
nghĩ, chỉ cần tận mắt nhìn thấy các kiểu leo trèo là mình thấy mệt lắm rồi.
Mình muốn nói với bạn rằng “Mày nói cũng có lý, tao cứ kiễng chân thế để làm gì
nhỉ? Chỉ là thoả mãn một chút ngông nghênh của tuổi trẻ thôi!”. Đấy, mình đã định nói
với bạn như thế.

Nhưng, mỗi buổi sáng tỉnh dậy, chuẩn bị bắt đầu một
ngày mới với những công việc đang chờ đợi, đột nhiên mình lại thấy mình đang
kiễng chân…


pxAHZ48qzTdVE0RlaNE8rg

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Những người thầy của tôi

Trong đời, có những người đã ảnh hưởng nhiều đến tính cách của tôi. Dù có vài người không phải là thầy, nhưng tôi vẫn coi họ là Thầy theo một nghĩa nào đó. Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để tôi nhớ về họ với lòng biết ơn - không màu mè, không khách sáo - chỉ là lòng biết ơn mộc mạc và chân thành.
Ong ngoai Ta Thuc Binh


Ông Ngoại, 1976.




Ba Ha Quang Phuong


                                                  Ba tôi.




Me Ta Dieu Tam


Mẹ tôi.




Co Hoang Phuong Lien


                                      Cô giáo Toán lớp 11.
Cô nói câu này khi tôi viết thư hỏi "Tại sao em phải học những phương trình, tích phân, đạo hàm..., trong khi nó chẳng giúp ích gì cho em về sau?"


Nguyen Duy Anh


Bạn D.A. Người đầu tiên dạy tôi về nhiếp ảnh và phòng tối, năm 1985.



Thay Bui Duc Liem


Thầy dạy ngoại ngữ năm thứ 3 ĐHTH.




Si Hoang


Hoạ sĩ, nhà tạo mẫu S.H




Duong MInh Long


Nhà nhiếp ảnh D.M.L




Nguyen Thanh Liem


Bạn đời.




Thay Tran Huu Tri


Thầy chủ nhiệm năm I, ĐHMT. Thầy không muốn tôi dừng lại một chỗ, tự hài lòng với những bài vẽ "đèm đẹp" của mình.




Thay To Hoai Nam


Thầy chủ nhiệm năm II, ĐHMT






Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

"Việt Nam, trên đường chúng ta đi..."

Không thể tưởng tược được là chúng mình đã cùng nhau làm một cuộc rong chơi ngoạn mục đến vậy.
1 giờ mới về đến nhà, hôm nay lại phải đi làm sớm, mình không có thời gian viết bài, chỉ post ảnh lên thôi.
Người ta bảo "đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Cám ơn chị Dona, Thím Bambi, bạn Cua và tất cả những người bạn mà mình đã gặp trên đường xuyên Việt. Mọi người đã cho mình rất nhiều cái "sàng khôn" mà mình sẽ không bao giờ quên được.

Mui ne 10.12











Ganh Son 10.12

Mui Ne 2

Ganh Da Dia 10.12 Tao dang

Nha Trang 10.12

Cua-Hoi An

Cau Hien Luong 10.12

Dona lam roi may anh

Dam Chuon-Hue-10.12

Di vao tam bao 10.12

Thanh Hoa 10.12

Duong Lam 2  Duong Lam 11.12 Tuan ChauHa Long 11.12

Ho Guom

Do Ngoc











Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Nói nhảm


Nhớ lại từ đó tới giờ, thấy đời tớ liên quan đến mấy lĩnh vực này: Báo chí, Xuất bản, Giáo dục, Mỹ thuật. Hầu hết bạn bè của tớ cũng làm loanh quanh mấy nghề như Nhà báo, Biên tập viên, Giáo viên, Họa sĩ. Nhìn chung, thì trừ nghề Báo ra, mấy nghề này đều nghèo cả, nhưng mà được cái cao quý.
Cứ mỗi lần tớ được cử đi học chuyên môn nghiệp vụ là một lần được nghe mọi người ca ngợi nghề Biên tập. Rằng thì Biên tập là một nghề đặc biệt, đòi hỏi phải có một trình độ học vấn cao, kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội sâu rộng, rằng thì Biên tập viên luôn là linh hồn trong các nhà xuất bản, không có biên tập viên thì không có nhà xuất bản. Vân vân và vân vân. Nhưng mà tớ thấy thời buổi này có ai coi trọng biên tập viên nữa đâu. Thậm chí có nhà xuất bản chả có mống biên tập viên nào mà vẫn được gọi là nhà xuất bản nữa kìa. Bây giờ, ngoài học sinh ra còn mấy ai cầm quyển sách mà đọc, cho nên sách cứ ế chỏng chơ, biên tập viên lĩnh lương mấy triệu sống cầm hơi, vừa ăn cơm với tí rau luộc vừa mơ về nơi xa lắm. Nơi mà buổi sáng ngủ dậy, biên tập viên được ăn một tô phở tái nạm gầu gân nghi ngút khói rồi vào cơ quan ngồi đọc bản thảo một cách cẩn thận, tỉ mỉ mà không phải lo lắng gì về chuyện bản thảo của mình có được đấu thầu hay
không, sách có bị ế hay không. Ở nơi xa lắm ấy, hẳn biên tập viên được ngẩng cao đầu, ngang hàng với Hành chính, Tổng hợp, Kế toán, Phát hành… và chẳng bao giờ phải lo lắng về chuyện mình sẽ phải
tách ra, nhập vào, chuyển công tác, chuyển chỗ làm…
Các bạn biên tập viên của tớ ơi, xét cho cùng, giấc mơ cũng quan trọng lắm. Giấc mơ cũng có đẳng cấp của giấc mơ. Cứ mơ cách nào đó để các bạn vẫn luôn thấy mình thuộc đẳng cấp cao quý – vì dưới
con mắt tớ, đúng là các bạn vẫn thuộc đẳng cấp cao quý mà! Nhưng dưới con mắt
người khác thì tớ không biết đâu nhé. Hehe.
Giờ nói đến các bạn giáo viên nè. Người Việt mình có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhất tự vi sư, bán tự vi sư, cho nên nghề giáo hẳn là nghề cao quý rồi. Nhưng nói xong rồi ngẫm nghĩ lại tí, thấy nghề giáo thì cũng là một nghề, cũng ăn lương để mà đi dạy, đi dạy để mà ăn lương. Như vậy, nghề giáo cũng bình đẳng với các nghề khác thôi. Kiến thức của giáo viên thì đương nhiên phải hơn kiến thức của học sinh, nhưng chưa chắc
đã hơn kiến thức của những người khác, vậy thì sao lại phải coi nghề giáo là nghề cao quý? Tớ nghĩ mãi, cuối cùng kết luận rằng, nghề giáo cao quý là vì thầy cô giáo nhận được đồng lương rất khiêm tốn, nhưng những kiến thức mà các thầy cô truyền đạt lại cho các em thì không gì có thể có gì đong đếm được. Nói đến đây, tớ liên tưởng ngay đến con ong. Ong hút mấy cái nhụy hoa linh tinh, thế mà đem về làm thành mật được mới giỏi. Chả biết hoa ở đâu ra nhiều thế để cho ong làm ra bao nhiêu mật, bán đầy trong siêu thị. Nói đến ong xong, tớ lại nghĩ sang bò. Bò chỉ ăn cỏ vớ vẩn, thế rồi chả hiểu sao cỏ lại biến được thành sữa. Dĩ nhiên sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng còn các ông già thì không dùng sữa mẹ được, nên sữa bò là tốt nhất. Ngoài các ông già ra, còn nhiều người khác cũng không dùng được sữa mẹ, cho nên tóm lại là sữa bò rất tốt.
Ơ, nói lung tung một hồi, từ thầy cô giáo lại nhảy sang bò mất rồi! Nói tiếp chuyện nhà báo nhé.
Thỉnh thoảng tớ cũng được đi học chuyên môn nghiệp vụ chung với mấy bạn báo chí, cho nên tớ biết nghề của các bạn luôn được xã hội trọng vọng. Nghề của các bạn là khai thác sự thật, đem sự thật ra ánh sáng và đấu tranh cho sự công bằng xã hội. Hồi xưa, cũng có thời kỳ tớ làm nghề đó rồi nhé (khoe tí), nhưng mà tớ tự nhận thấy mình không đủ năng lực nên ba chân bốn cẳng chạy mất từ lâu rồi. Từ sau cuộc chạy mất dép đó, mỗi lần nhắc đến nhà báo là trong lòng tớ lại dâng lên một nỗi khâm phục khó tả. Các bạn thật dũng cảm khi dám phơi bày sự thật, dù sự thật đôi khi được giam giữ bởi các thế lực rất chi là đen tối. Chỉ cần người dân biết đến sự thật đó lập tức báo chí các bạn kịp thời đưa tin ngay. Thời gian gần đây, theo dõi báo chí, tớ thấy các bài viết không còn tản mạn nhiều vấn đề như hồi xưa nữa mà tập trung vào vài vấn đề nổi cộm thôi. Tỉ như chuyện tin đồn về 4000 tấn vàng ở đâu đó (tớ quên rồi), rồi chuyện thả gái mại dâm, hay là chuyện tranh chấp giữa Trung Quốc Nhật Bản… được báo chí nhắc đến cả tuần lễ nay, đến nỗi dù tớ chẳng có thì giờ đọc báo, chỉ đi qua đi lại nhìn mấy tờ báo bán ở sạp thôi cũng đủ biết rồi. Mấy ngày nay còn có thêm chuyện cá sấu sổng chuồng, trục vớt cổ vật, tấn công trẻ mầm non nữa. Tóm lại là cướp giật, mại dâm, đâm chém, chết ở nhà trọ, xe máy đâm xe ô tô, nước này tranh chấp đất của nước kia (không phải nước mình)… đều được đưa lên mặt báo đủ cả. Phục các bạn ghê cơ!

Tớ không thể làm báo như các bạn được cho nên giờ tớ chọn nghề vẽ vời. Có một anh bạn làm nghề kinh doanh định nghĩa họa sĩ như thế này: “Nếu thấy một thằng bẩn bẩn, nhặt một cục đất đặt lên bàn rồi đi ra đi vào ngắm cục đất, gật gù cười cười thì đó chính là họa sĩ”. Hehe. Thế các bạn đã từng bao giờ nghe nói ông họa sĩ này tậu được mấy cơ ngơi nhờ bán tranh, ông họa sĩ kia mua nhà, mua đất ở bên Mỹ cũng nhờ bán tranh chưa? Để tớ kể cho mà nghe. Hồi xưa ông họa sĩ Van Gogh cả đời chỉ bán được có mỗi 1 bức tranh thôi, họa sĩ Gauguin thì vẽ tranh xong đem tranh làm chuồng gà. Ở ta, họa sĩ Bùi Xuân Phái, lúc đương thời chả có toan mà vẽ, toàn vẽ  lên mấy miếng bìa bé tí. Họa sĩ Dương Bích Liên thuê người mẫu về nhà vẽ, mùa đông phải đốt cả bộ bàn ghế duy nhất trong nhà để sưởi ấm cho mẫu. Thế nên, nếu có nghe chuyện họa sĩ giàu có thì các bạn tỉnh táo một chút nhé! Có thể họ giàu có vì… buôn đồ cổ chứ không phải vì bán tranh
đâu! Nhưng mà tớ thấy họa sĩ là một nghề cao quý. Cao quý bởi vì bản thân nghề vẽ sẽ chẳng bao giờ làm hại được ai, có chăng là đôi khi làm cho mấy cô người mẫu xấu xấu lại hóa thành đẹp, làm cho mấy cái cây chết khô bên một dòng kênh bốc mùi kiểu như kênh Nhiêu Lộc lại trở nên sống mãi.
Nói lảm nhảm nãy giờ để chốt lại vài điều: Nếu mơ được, hãy cứ mơ đẹp cho đáng công mơ. Nếu phải ăn cỏ khô thì cũng cố nhả ra dòng sữa. Nếu không thể nói hết mọi điều thì cố nói lời hay ý đẹp thôi. Nếu cuộc
đời này xấu thì hãy nhìn nó bằng con mắt thơ ngây nhất để làm cho nó đẹp ở một góc độ nào đó. Cứ như vậy thì nghề nào của chúng mình cũng cao quý cả! (Hay chí ít thì cũng cho là cao quý đi. Chết ai đâu!)

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Buổi chiều nhăng nhố

Nhăng nhố à, Nhăng nhố ơi
Nhăng nhố đi chơi
Với ta một chiều…
(Trần Tiến)



Đầu giờ chiều, em xin tờ giấy ra khỏi cơ quan trong giờ làm việc, lấy lý do bị mệt, phải đi khám bệnh. Thực ra mệt thì có mệt, nhưng đi khám bệnh thì không. Gặp lúc trái gió trở trời, sổ mũi, nhức đầu…, bệnh cũ, chỉ cần lôi thuốc cũ ra mà uống, đi khám chi cho mất cả buổi, mệt thêm. Chủ yếu là em muốn đi, đi đâu cũng được, miễn là ra khỏi cơ quan.

Dạo này, em hay mệt mỏi, chắc là đã đến cái ngưỡng để bước qua một giai đoạn khác. Anh cũng vậy. Tối về nhà, anh thường than thở rằng anh mệt quá, chán quá, rằng cái bọn Tây đúng là mang dòng máu thực dân, trả cho mình từng ấy lương là phải tìm cách vắt cạn sức lực của mình, rằng anh như người ở trong vũng bùn, càng tìm cách thoát thì càng lún sâu thêm. Em an ủi anh rằng ở đâu cũng thế thôi, chẳng cứ Tây hay Ta, rằng em cũng vậy, cái chính là mình chưa già và con mình còn nhỏ quá, cứ phải cố gắng thôi. Hoàn cảnh nó như thế thì mình phải tự tạo cho mình những phút giây thư thái để lấy sức mà chiến đấu tiếp. Động viên vậy, chứ tự trong lòng, em cũng thấy chán. Càng ngày vợ chồng mình càng ít chia sẻ với nhau hơn. Tối về, ăn cơm xong, em dạy con học, anh xem TV. Đến khi em xem TV thì anh chuyển sang đọc sách về đạo Phật. Đến khi em đi ngủ thì anh ôm cái laptop lướt web đến khuya. Hồi trước, sáng chủ nhật, gia đình mình còn có một buổi đi ăn sáng, thư giãn ở công viên, trưa trưa đi mua sắm… Giờ thì hết rồi, vì anh đã có thú vui khác. Anh dậy từ 5 giờ sáng, chạy xe ra ngoại thành gặp mấy người bạn và cùng nhau đi mua cá rồi đem ra ngã ba sông thả. Dẫu biết người ta gọi việc đó là phóng sinh, nhưng thú thật là em không hiểu và không thể chấp nhận được cái thú vui kỳ lạ đó. Nếu không có người thả chim thả cá thì cũng không xuất hiện những kẻ chuyên đi bắt chim bắt cá. Lúc đó, thế giới có phải tốt hơn không! Đã mấy lần em lựa lời nói với anh, nhưng anh tỏ vẻ khó chịu. Ừ, thì thôi, chuyện ai nấy làm, đường ai nấy đi vậy.

Chúng mình đang già đi…

Tình mình đang cũ…

Bây giờ tự nhiên em nhiễm thói quen nói theo vần kiểu “Sát thủ đầu mưng mủ”. Nói “tình mình đang cũ…” là nghĩ ngay đến vế sau “…như cái... mũ”. Mà quả là em đang đội trên đầu một cái mũ bảo hiểm cũ rích. Nó đây:


Mũ này em mua từ năm 2002, lúc mới sinh Tí Nhân. Mũ kiểu che kín tai, quai đeo chắc chắn và có cả đai nhựa để treo mũ trên xe. Em đã đội qua nhiều loại mũ khác nhau, nhưng cuối cùng kết luận rằng mình thích loại mũ này nhất. Chỉ có điều, bây giờ có lẽ nó không còn hợp thời trang nữa nên em không mua được chiếc nào tương tự. Hôm nay cũng vậy. Thoát ra khỏi cổng cơ quan, em hướng xe ra ngay phía đường Phạm Hồng Thái, chỗ chuyên bán mũ. Tìm mãi. Chọn được đúng kiểu mình thích thì nó lại quá to so với đầu. Không mua được mũ, chẳng biết nên đi đâu. Em chạy xe chầm chậm ngó nghiêng phố xá. Thấy có một cửa hàng bán quần áo và mấy thứ vòng đeo tay, dây đeo cổ vui mắt, em dừng xe, ghé vào xem thử. Vào rồi mới biết hoá ra cửa hàng bán đồ chủ yếu phục vụ cho các teen. Chẳng lẽ lại ra! Em đành nấn ná đi loanh quanh xem, cuối cùng dừng lại trước quầy bán các loại decal dạng sticker xanh xanh đỏ đỏ. Nhìn thì thích mắt, nhưng nghĩ mãi, chẳng biết mua những thứ vớ vẩn này làm gì. Cô bé bán hàng gợi ý: mua về cho con cô dán chơi. Ừ thì mua. Loại 2 nghìn be bé chắc là dán lên tập vở loại 5 nghìn to hơn chắc là dán lên cửa tủ quần áo. Có nhiều màu sắc ngộ nghĩnh, em chọn một lúc, thế quái nào tính ra cũng hết hơn 80 nghìn. Rõ dở hơi!

Chiều về, đưa cho con xem, bảo mẹ mua cái này cho con dán chơi. Nó nhìn đám decal bằng nửa con mắt rồi bóc vài tấm ra dán ngay lên trán. Em đòi lại không cho bóc nữa. Nó trả ngay, vẻ con đây chả thiết mấy thứ vớ vẩn này.

Em lại thấy mình đang chán. Chán một lúc, tự nhiên trong đầu em nảy ra chuyện để làm. Em lôi đống decal ra bầy đầy trong phòng ngủ, bảo con mang tập vở lên ngồi bên cạnh. Em vừa xử lý đống giấy, vừa giảng bài cho nó. Anh lên phòng, nhìn đống đồ bầy hầy của em lắc đầu: “Em có biết mình bao nhiêu tuổi rồi không?” Em trả lời: “Biết. Muôn đời em vẫn trẻ hơn anh 4 tuổi!”.


2 tiếng rưỡi đồng hồ, con vừa làm xong bài thì em cũng vừa làm xong công việc của mình. Nó đây:


Anh thậm chí chả buồn nhìn thành phẩm của em, chỉ bảo “Nhố nhăng quá!” Tính anh cứ thế, chả trách sao chóng già! Sao anh không nghĩ như em: nếu không thể có được những thứ mới, sao chúng mình không làm mới lại những thứ đã cũ? Biết là thời buổi này đang thừa những chuyện nhăng nhố rồi, nhưng điều nhăng nhố em làm chiều nay có đáng để anh suy nghĩ chút nào không?

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

“Ai cho ta lương thiện?”


Mấy ngày hôm nay, trời ui ui, nắng một tí rồi lại mưa sụt sùi. Nở thấy buồn nẫu người. Nếu bảo là buồn vì trời mưa thì nghe có vẻ “sến” quá. Từ hồi chưa kết tóc se duyên với Chí, Nở đã chúa dị ứng với mấy mẩu Tìm bạn bốn phương trên báo, đại loại như: “Nữ ngoài 30 tuổi, hiền, lãng mạn, thích lang thang một mình dưới mưa…”. Chỉ đọc đến đó là người Nở đã nổi hết da gà. Thế nên nếu bảo Nở buồn vì mưa thì thật là bôi bác Thị quá. Cuối cùng, Nở đã tìm ra lý do khiến mình buồn. Chắc hẳn đó là do Nở đang ở thời kỳ tiền mãn… khóa!

Sáng nay, như thường lệ, Nở chở Chí con đi học. Đúng 7 giờ kém 15, hai mẹ con Nở xách nhau ra khỏi nhà. Luồn lách đi qua cái chợ chồm hổm mất đúng 5 phút. 5 phút nữa để chạy đến chân cầu chữ Y. Từ xa, Nở đã thấy một biển người nhích từng tí một trên cầu. Không ổn rồi! Nở quyết định quay ngoắt xe, vòng lại lên cầu Nguyễn Văn Cừ. Tất nhiên không chỉ có mỗi Nở biết khôn. Hầu hết những người đi đường khi nhìn thấy cảnh tượng ngán ngẩm đang diễn ra trên cầu chữ Y đều làm như Nở. Tuy nhiên, Nở muốn mình phải khôn hơn họ. Thị nhanh chân phóng trước, chen vào những chỗ còn trống, thậm chí leo cả lên lề đường. Trước đây, Thị vốn ghét những kẻ thiếu văn hóa, cứ hơi một tí là phóng lên lề đường làm hỏng hết cả gạch lát vỉa hè, nhưng lâu dần, Thị nhận ra nếu cứ ghét như thế thì thằng Chí con sẽ luôn luôn phải đến trường muộn giờ học. Thôi thì cứ làm kẻ thiếu văn hóa đi cho nó lành! Sau khi làm những chuyện khôn hơn người đó, Nở đến được chân cầu Nguyễn Văn Cừ lúc 7 giờ đúng. Nhưng hỡi ôi, trên cầu Nguyễn Văn Cừ lại là một biển người cũng đang nhích từng tí một. Đã trót thì trét, hai mẹ con Nở đành nhắm mắt đưa chân. Thằng Chí con lầm bầm: “Mẹ ơi, nếu quá 7 giờ 15 mà con chưa đến được cổng trường thì mẹ cho con nghỉ, vì đi học muộn cô sẽ la con, lớp sẽ bị ảnh hưởng đến xếp loại thi đua!”. Nghe Chí con nói, bất giác Nở nhếch miệng cười. Nở nghĩ nếu mình có quyền phán xét thì Thị sẽ xếp cái gọi là “thi đua” này vào hàng “Những điều ngu ngốc nhất của lịch sử phát triển nhân loại”. Trên cầu là mũ bảo hiểm nhấp nhô, trên trời là mây đen kéo đến. Lạy trời xin đừng mưa!

Nói đến mưa, Nở thường hay nhớ lại những tháng ngày vất vả mà hào hùng, những tháng ngày mà Nở đã không quản khó khăn, gian khổ, dốc sức vào sự nghiệp làm hàng hóa phục vụ cho học sinh cả nước. Làm loại hàng hóa đó khổ lắm, nói ra thì người ngoài không thể hình dung được công việc khổ như thế nào, chỉ biết là Nở thường xuyên phải về tối, ngập ngụa trong những cơn mưa. Thời cao điểm, Nở cùng với nhiều đồng nghiệp khác phải bỏ cả chồng con ở nhà, đi công tác hàng mấy tháng trời để làm nhiệm vụ mà xã hội giao phó. Sản phẩm ra đời nếu còn sót bất cứ một lỗi nào – dù nhỏ như con thỏ – thì cũng bị dư luận nhảy bổ vào xỉa xói, bị mang ra trước các cuộc họp để nhắc nhở, bị cấp trên hạ bậc thi đua… Nhưng ơn trời, hồi ấy, Nở đã không vướng vào một lỗi nào. Nở có thể tự hào vì mình luôn làm tốt các công việc được giao. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm mà Nở và đồng nghiệp đã đổ hàng vại mồ hôi, hàng núi công sức ấy ra đời thì có thông tin rằng mỗi năm, sản phẩm đó mang lại một khoản lỗ lên đến hàng mấy tỷ đồng cho cơ quan. Tất cả những người trực tiếp tham gia vào công việc đó đều được cơ quan tách ra công ty riêng để tự xoay xở, làm sản phẩm khác mà sống. Từ đó đến nay, trong suốt 5 năm, Nở luôn được thuyên chuyển qua hết công ty này đến công ty khác. 5 năm, Nở không được mở mang, nâng cao công tác chuyên môn, nhưng bù lại, Thị đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong việc khuân bàn ghế và đóng thùng. Lần cuối, Nở được chuyển về công ty hiện tại, Công ty của Thị được giao nhiệm vụ làm ra sản phẩm, nhưng không được đem bán. Việc bán sản phẩm lại được giao cho công ty khác. Nếu có ai hỏi “công việc của bạn thế nào?” thì Nở biết mình sẽ trả lời kiểu như: trồng lúa thì sẽ được hưởng phần gốc, trồng khoai lang thì sẽ được hưởng phần ngọn. Nói thế cho nó ngắn gọn, dễ hiểu.

Trước đây, Nở ngoan hiền lắm. Nở luôn muốn mình là một người lương thiện. Vài ba lần, cơ quan tổ chức các khóa học nâng cao nghiệp vụ, lãnh đạo tuyên bố ai đạt kết quả cao nhất sẽ được cho đi nước ngoài. Nở đã ngây thơ tin điều đó là sự thật , đã cố gắng để có 3 lần đạt được điểm cao nhất, và cho đến bây giờ, Nở vẫn chưa một lần nào được đặt chân ra nước ngoài. Bây giờ Nở khôn ra rồi. Nở biết rằng sống ở đời chả nên tin cái gì quá, rằng muốn đi nhanh thì phải chen lấn, xô đẩy, phải leo lên lề. Sợ gạch lát vỉa hè bị hỏng ư? Thế việc hỏng mấy viên gạch với việc thằng Chí con đi học trễ, bị cô giáo la mắng, lớp bị hạ bậc thi đua thì cái nào đáng sợ hơn?
Dòng người trên cầu cứ nhích dần, cuối cùng cũng xuống đến dốc cầu. Nở chen sang phần đường ô tô để rẽ trái cho dễ, mặc cho mấy chiếc ô tô nối đuôi nhau phía sau lưng Thị bấm còi chửi bới om sòm. Nở cắm đầu nhấn ga chạy một mạch đến trường của Chí con vừa đúng lúc cổng trường định khép lại. Ôi chao, thở phào! Nở nghĩ nên tự thưởng cho mình một tô phở tái. Muộn giờ làm ư, thây kệ! Mà xét cho cùng, Nở cũng có gì để mất đâu! Cùng lắm là phê bình, hạ bậc thi đua, cùng lắm là mất vài trăm nghìn tiền lao động tiên tiến, nhưng Nở lại được ăn phở, được hả hê khi thấy mình chả còn sợ hãi điều gì nữa. Ngày xưa, Chí đã từng gào lên “Ai cho tao lương thiện?” thì ngày nay, Nở cũng có thể vừa thưởng thức tô phở vừa lẩm bẩm “Ai cho ta lương thiện?”. Nở không xưng “tao” như Chí mà xưng “ta” nhé! Dù gì thì Nở cũng là trí thức mà!

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Ác mộng


Ta thăm ngôi chùa cổ ấy lần cuối cùng là vào một mùa hè, nắng vàng như mật tràn đầy con đường dẫn vào chùa, nắng lốm đốm qua vòm lá in xuống đất nhảy nhót theo từng bước chân ta qua.

Năm ấy, ta đi công tác ở Hà Nội. Lãnh đạo chi nhánh nói miệng rằng chuyến công tác kéo dài khoảng 2 tuần, cố gắng thu xếp việc gia đình để đi. Ra đến Hà Nội, gặp đúng mùa “chiến dịch”, lãnh đạo Tổng đề nghị ta phải ở lại, thời hạn không xác định – có thể là 2 tháng – và không được phép về. Lòng ta rối bời vì thương thằng con trai mới vừa 3 tuổi, phải ở nhà với ba, không biết sẽ được ba chăm kiểu gì! Một ngày nghỉ, ta cảm thấy mình đang mất phương hướng. Ta mượn chiếc xe máy của người quen, rong ruổi về phía Hà Tây hỏi đường lên chùa, mong tìm kiếm chút tĩnh lặng cho lòng thăng bằng lại.

Chùa nằm trên một ngọn đồi, xung quanh trồng nhiều loại cây cao, gió xào xạc, mát rượi. Ta đi loanh quanh, ngắm nhìn từ mái chùa cong vút, mềm mại mà uy nghi đến tận những góc nhỏ nhất của ngôi chùa, nơi mà từng dấu ấn chạm khắc tinh xảo của các nghệ nhân xưa vẫn còn lưu lại khắp nơi. Ta sờ tay vào từng bệ đá, từng chiếc cột đã lên nước nhẵn bóng, cảm giác mơ hồ về hồn thiêng, về những Được – Mất của cuộc đời và thấy lòng dần dần thanh thản lại. Những nỗi bực dọc và khó chịu hàng ngày cứ loãng dần ra trong tiếng gió vi vu và tiếng mõ xa xa. Chọn một chiếc cột to, ta ngồi dựa lưng vào đó và thiếp đi dăm phút, vừa đủ để mơ có ai đó cho mình chiếc oản bọc trong giấy bóng tím hồng, bóc ra là dậy một mùi thơm tinh khiết.

Giấc mơ tinh khiết đó, ta giữ mãi trong lòng. Thỉnh thoảng, ở Sài gòn, giữa cái bộn bề của công việc, giữa cái nóng nực, kẹt xe, khói bụi, ô nhiễm…, ta lại mang giấc mơ ấy ra, thả cho nó bay bay lên cao, và ta bay bay lên theo, bỏ lại phía dưới vô số điều phiền muộn.

Thế mà hôm qua, các tờ báo đồng loạt đưa tin dữ: ngôi chùa ấy đã bị người ta phá. Lên mạng gõ tên chùa, ta không còn tin được vào những hình ảnh ô trọc đang phơi ra trước mắt. Cổ họng ta nghẹn đắng.


Tối về trằn trọc mãi, quá nửa đêm, ta phải bò dậy uống 2 viên thuốc ngủ. Lúc thiếp đi, ta thấy một đám người khắc khổ – trong đó có mình – đang còng lưng khuân vác gạch, ngói, xi măng, phá phá, xây xây cái gì đó. Nhìn lên dàn giáo phía trên, ta thấy một đám người khác ăn mặc lịch sự hơn, nhưng trên trán người nào cũng đóng một cái dấu đỏ có chữ “Dốt”. Họ cầm những chiếc roi dài, quất vun vút vào không khí và hò hét điều khiển đám người ở dưới.

Ta toát mồ hôi, tỉnh dậy, tự nhủ “chỉ là mơ thôi!”.
Nhưng có phải chỉ là mơ không? Ai biết!

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Nước C và nước V

Nước C và nước V giáp biên giới với nhau, có thể qua lại bằng xe ô tô. Anh A là công dân của nước C, anh N là công dân của nước V, một hôm gặp nhau, ngồi uống cà phê tâm sự. Gọi là tâm sự, nhưng hầu như chỉ có anh A nói, vì có vẻ anh A là người rất ngưỡng mộ nước bạn. Anh A bảo:

- Nước tôi là nước nhỏ, đang phát triển, còn phải học tập đất nước các anh nhiều thứ. Lần đầu tiên, khi bước qua cửa khẩu là tôi đã nhận ra điều đó. Ở cửa khẩu nước C, du khách ngồi yên trên xe, nhân viên hải quan sẽ lên xe và kiểm tra hộ chiếu. Qua đến cửa khẩu nước V, mọi người phải xuống xe, lôi tất cả hành lý ra xách tay, đi đến chỗ xuất trình hộ chiếu rồi kéo hành lý đi thêm một đoạn nữa. Nhìn tổng quan thì cảm giác như bên cửa khẩu của anh có vẻ lộn xộn, nhếch nhác, nhưng thực ra tôi thấy rất ổn vì làm thế sẽ không để lọt mấy thằng gian nhập cảnh trái phép bằng cách trốn trong gầm xe hoặc dưới gầm ghế.


Tay
xách nách mang đi qua cửa khẩu

- Rất nhiều hệ thống quan trọng của nước C chúng tôi là do người V của các anh đầu tư, như hệ thống xăng dầu, hệ thống viễn thông… Thậm chí cả khu di tích Kỳ quan thế giới mà chúng tôi rất tự hào cũng do người V đầu tư. Người V qua nước tôi làm ăn có vẻ phát đạt, nhưng không hiểu sao ở trong nước, họ hay kêu làm ăn khó khăn? Không lẽ họ hợp với… khí hậu ở nước tôi hơn?

- Nước C chúng tôi có rất nhiều hồ lớn nhỏ, trong hồ có nhiều cá, nhưng nhà nước khuyến cáo người dân chỉ đánh bắt phục vụ cho nhu cầu gia đình, không đánh bắt để bán lại. Trên thực tế thì người dân C hầu hết theo đạo Phật Tiểu thừa, họ sống ngày nào biết ngày đó, nên dù không có khuyến cáo của nhà nước thì họ cũng chỉ đánh bắt vừa đủ ăn, do đó sản lượng cá ở các sông hồ không được khai thác triệt để như nước V các anh.

- Ở nước tôi không dùng thuốc tăng trưởng cho cây ăn trái và vật nuôi, vì thế trái cây của chúng tôi nhỏ và xấu, vật nuôi cũng không khá hơn là bao. Chúng tôi cũng không dùng thuốc trừ sâu nên các loại côn trùng như dế, châu chấu, điên điển, nhện, bò cạp… thả sức mà sinh sôi, nảy nở. Người dân lại mất công đặt bẫy bắt chúng, chế biến thành các món ăn rồi bán cho khách du lịch. Thật mất thể diện quá! Trong khí đó, ở nước các anh, bói ra một con sâu cũng khó khăn. Lâu dần, người dân V lại có một thói quen rất nhân bản và tao nhã là mua sản phẩm ở những nơi bán rau có những lá rau bị sâu ăn, chứng tỏ họ muốn chung sống hoà bình cùng thiên nhiên. Ý thức quá tuyệt!


Dế - một món đặc sản côn trùng được khách du lịch đặc biệt quan tâm

- Ở nước V, mũ bảo hiểm được bày bán khắp nơi, giá rẻ, và đa số người dân chọn mũ giá rẻ để mua. Trong khi đó, người dân nước C thường có thói quen đội mũ bảo hiểm “xịn” dù nhà nước không bắt buộc phải đội mũ. Đó là một thói quen vô cùng trưởng giả vì nước chúng tôi còn nghèo, mua mũ “xịn” là một sự lãng phí không cần thiết. Hơn nữa, số người chết vì tai nạn giao thông ở nước tôi đâu có nhiều như ở nước các anh, việc gì phải đội mũ tốt!


Trước cửa chợ trung tâm: Người đi xe máy toàn đội mũ bảo hiểm loại tốt

- Buổi sáng sớm, ở nước chúng tôi, nếu anh đi chợ, chỉ trả giá mà không mua hàng thì người bán hàng sẽ bảo “nếu anh đi chỗ khác, giá mắc hơn thì quay lại mua hàng của tôi nha!”. Rồi họ cám ơn anh. Tất cả đều theo một công thức tẻ nhạt như vậy. Ngược lại, mấy bữa trước tôi đi chợ ở thủ đô của anh, tôi trả giá rồi không mua hàng, người bán hàng đọc cho tôi một bài rất dài với nhiều âm điệu cao thấp khác nhau mà tôi không hiểu mấy, nhưng nghe rất hay. Trong bài đó có rất nhiều từ “dell”, giống như thương hiệu máy tính vậy. Sau khi đọc bài, họ còn đốt giấy quơ quơ, chắc là một cách để cám ơn tôi đã ghé thăm gian hàng của họ.

- Ở nước tôi có nhiều đảng chính trị. Mỗi lần bầu cử là một lần người dân lại phải mất công băn khoăn suy tính để chọn đảng nào tốt hơn… À, nhưng mà tôi ít học mà lại nói lạc đề sang chuyện vĩ mô mất rồi! Thôi, để tôi tiếp tục nói những chuyện đời thường nhé!

- Tiền của nước C, từ năm 2007-2008 đến giờ, giá vẫn giữ nguyên so với tiền đô. Cứ 4 nghìn của tôi đổi được 1 đô. Trong khi đó, năm 2008, tiền của các anh 15 nghìn đổi được 1 đô, năm 2012, 21 nghìn đổi 1 đô. Điều này là một động thái khuyến khích người dân dùng tiền của nước mình. Cứ đà tăng như vậy, đến năm 2020, tiền V đổi ra đồng đô sẽ khoảng 30 nghìn/1 đồng. Tôi thấy rất OK.

 

- Ở C chúng tôi, hầu hết các công trình điêu khắc công cộng đều có hình tượng người ở tư thế tĩnh, đứng chắp tay cúi chào. Ở những tư thế khác thì bàn tay luôn duỗi, các ngón tay thẳng. Tôi thấy đó là biểu hiện của sự hiền lành đến nhu nhược. Trong khí đó, ở nước các anh, tất cả tranh cổ động, tượng đài… đều ở tư thế xông lên, tay cầm súng, cầm búa như sẵn sàng chiến đấu. Mặc dù thời bình thì chiến đấu với ai, tôi cũng chưa rõ, nhưng cứ chuẩn bị sẵn đi, thằng nào đánh mình thì mình đánh lại, nếu không đánh được thì quay ngược đầu lại chạy cũng nhanh hơn là cứ ở tư thế đứng yên, phải không anh?


Tượng thần Vishnu ở bến phà
Neak Luong

- Chúng tôi chỉ có 2 điệu múa có thể coi là “quốc vũ” là múa Lâm Thôn và Apsara. Còn ở nước các anh, các điệu múa nhiều vô kể, đến nỗi tôi choáng ngợp vì không còn biết điệu múa nào là đặc trưng của nước các anh nữa! Có thể nói, văn hoá nước của anh hoà nhập với quốc tế một cách nhuần nhuyễn. Đi xem các chương văn nghệ, tôi thấy có tiết mục cầm cờ chạy qua chạy lại giống Trung Quốc, thỉnh thoảng bồng bế nhau, nhón nhón chân giống ballet của châu Âu, rồi ngay sau đó có thể chuyển qua hip hop như Mỹ. Tóm lại là tôi rất ngưỡng mộ.


Một tiết mục trong chương trình múa do Trương Nghệ Mưu đạo diễn, giá vé 40$
Câu chuyện chắc còn dài, nhưng OM chỉ nghe đến đó. Post lên đây để ghi nhớ lại chuyến đi đến đất nước C lần thứ 3

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Sướng – Khổ: Chuyện còn dài


Vấn đề sướng – khổ là vấn đề mà mình luôn nghĩ đến. Mình đã từng viết bài Chuyện Chó Mèo để nêu phát biểu của mình về vấn đề này rồi. Hôm nay, mình lại định viết thêm.

Mình định viết kể chuyện hồi xửa hồi xưa, hồi đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Thời ấy, ở Hà Nội còn chế độ tem phiếu, mỗi người (cán bộ) chỉ được 2 lạng rưỡi thịt mỗi tháng. Cả nhà phải nhường thịt cho đứa trẻ nhỏ nhất nhà lúc đó – là mình – với mong muốn mình đầy đủ chất dinh dưỡng để được khoẻ mạnh và thông minh. Nhưng chỉ với từng đó thịt thì cả nhà có nhường kiểu gì cũng không đủ, cho nên mình bây giờ hoặc là khoẻ mạnh (thì không thông minh), hoặc thông minh (thì không khoẻ mạnh). Cái này mình không tự đánh giá được, cho nên sẽ để đấy cho bạn bè nhận xét.

Mình định kể chuyện hồi ấy, quần áo không đủ mà mặc. Hồi 4 tuổi, có lần thấy ông ngoại có một chiếc quần đùi mới, mình đã bảo “Ông ơi, bao giờ quần ông rách thì ông cho cháu xin, để mẹ cháu may áo cho cháu nhé!”. Hồi ấy, phụ nữ Hà Nội, từ già đến trẻ đều mặc một kiểu giống nhau: áo “phin” trắng hoặc xanh nhạt, quần lụa đen, dép nhựa. Một buổi sáng nào đó, mẹ mình đứng nói chuyện với bạn trai, mình nhìn thấy quần mẹ có một vết mạng rất khéo, mình đã kêu ầm lên “Quần mẹ có chữ T, tên mẹ kìa”, làm mẹ ngượng muốn chui xuống đất. Nhưng mà viết blog phải viết cho văn vẻ, trí tuệ một tí, nên mình không định nói chuyện thịt và chuyện quần áo. Mình định nói là sao hồi ấy khổ thế mà người Hà Nội không mấy ai than khổ. “Em vẫn đạp xe ra phố / Anh vẫn tìm âm thanh mới”, đời vẫn đầy niềm tin, đầy lãng mạn.


Rồi mình định kể chuyện ngày nảy ngày nay. Mình đang sống ở thế kỷ 21, và ở một thành phố lớn nhất trong cả nước. Thế nhưng nếu bạn nào đã được mình mời lên phòng ngủ thì chắc sẽ ngạc nhiên lắm, vì mình giăng mùng và ngủ chiếu (còn nhớ có lần đọc một bài bạn m â y viết từ thời xa xưa có tên là “Hồi nhỏ tôi ngủ mùng” mà thấy bùn cừi, vì bây giờ mình cũng vẫn ngủ mùng, không lẽ mình chưa lớn! Hehe). Phòng ngủ của mình không có máy lạnh, cả một mảng tường lớn là cửa sổ lắp kính. Ban đêm, mình chỉ cần mở hé 1 cánh – trong số 4 cánh cửa sổ – là đủ mát lạnh, phải đắp mền rồi. Đêm nào lãng mạn một tí thì mình nhìn ra cửa sổ, ngắm sao, ngắm những chiếc máy bay bay lướt qua bầu trời, cao hứng thì làm vài câu thơ để rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, và sáng ra là quên sạch những vần thơ ướp hương đêm hồi hôm. Mình vẫn tự giặt quần áo bằng tay dù nhà có máy giặt. Mình vẫn tắm nước lạnh và đạp xe đạp mỗi buổi chiều thay vì mua những chiếc máy tập thể dục tiện lợi để ở nhà. Mình không trồng hoa hay cây kiểng mà trồng rau muống, mồng tơi, rau cải….


Và mình chẳng thấy mình khổ tí nào!


Mình định nói chuyện xa hơn, như chuyện bên xứ Triều Tiên chẳng hạn. Lãnh đạo Triều Tiên, mấy ông Kim Jong-gì đấy, toàn người trong một gia đình, cứ cha chết thì con lên thay. Họ ăn toàn sơn hào hải vị, ngày nào cũng có tôm hùm được tuyển, chọn những con ngon nhất mà ăn. Trong khi đó, dân Triều Tiên, k
hoảng 16 triệu người, tương đương hai phần ba dân số phải đối mặt với nạn đói. Người Triều Tiên cũng chỉ mặc có một kiểu quần áo, chẳng có Internet mà chơi FaceBook với Yahoo! (eo ơi, làm sao mà chịu nổi). Thế nhưng, hàng ngày, họ vẫn dẫn nhau đến đập đầu bôm bốp vào tượng đài Kim Nhật Thành để tỏ lòng biết ơn.


Vì họ không biết là họ khổ.


Khi không cảm thấy, hay không biết là mình khổ thì có phải là khổ không?

Định viết nhiều lắm, nhưng bỗng nhiên mình tìm thấy trên mạng có bài này, chẳng rõ tác giả là ai. Xem xong, mình sướng quá (vì chủ yếu là xem hình, chả phải đọc gì nhiều), nên quyết định không viết nữa, copy bài người khác lên cho khoẻ!














Đăng bài lên rồi mình sẽ yên tâm đi chơi mấy ngày, để cho bạn bè ra vào, đọc và bình luận. Chủ nhật mình trở về, vào nhà xem các bình luận và tiếp tục… sướng. Xem ra chuyện sướng khổ cũng đơn giản thôi, phải không?

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Kiếp này


Tình cờ mình tìm được lời giải cho lá số tử vi của mình từ năm 1992, lúc mình còn chưa lập gia đình. Người giải lá số này là một cựu sinh viên có 2 bằng đại học ở trường Lomonosov, đã từng làm việc ở một cơ quan phòng chống mê tín dị đoan. Hồi xưa mình mê tử vi lắm, thường tìm đến cô, không chỉ là muốn biết tương lai của mình mà còn là để học lóm. Học một thời gian, mình bị nghiện tử vi, đến nỗi cứ nhìn ai cũng đoán cung Mệnh của họ có sao gì, có đêm còn nằm mơ thấy mình chạy trong dải Ngân hà, chứng kiến sao Thái Dương và Thái Âm gặp nhau… Sau khi có con, mình tự hứa là sẽ bỏ hẳn tử vi, vì không muốn có một yếu tố nào ảnh hưởng và chi phối cuộc đời mình nữa.

Đây là toàn bộ nội dung mà mình ghi lại khi cô ấy cầm lá số của mình trên tay và “đọc” một cách trôi chảy như đọc… báo.





Đúng 20 năm đã trôi qua, giờ đọc lại bỗng rùng mình vì độ chính xác của nó. Chẳng lẽ có gì đó – thật vô hình – đã chi phối cuộc đời mình như vậy sao?