.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

THAN MOI THAM GIA CHUONG TRINH OM MIEN PHI

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ… ấy ấy của bạn OM , ngày 31/1/2012, nhằm ngày mùng 9 Tết Nhâm Thìn,

Thân mời các bạn đi qua ngang cửa thì ghé vào nhà, các bạn đã vào nhà thì tham gia chương trình OM MIEN PHI.

Chương trình sẽ mở cửa từ hôm nay cho đến ngày bạn OM đăng bài mới.

Rất yêu thương được đón tiếp tất cả các bạn.

Thân mến!

 

OM.

Co quan-Xuan 2012



Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Đầu năm làm sàm nói một mình

Mấy ngày Tết, ghé qua nhà blog của bạn bè thấy tưng bừng, nhà mình thì im thin thít. Ngượng ghê. Trưa nay không ngủ, trong lúc chờ 2 cha con ở quê lên, mình ngồi gõ gõ mấy hàng, gọi là bài viết cũng ngượng lắm, cho nên tạm gọi là tập làm văn nói đi. Kệ, đầu năm chữ nghĩa một tí cho nó giống mọi người.

Ăn Tết mỗi một mình mà cũng bận rộn ghê! Sáng mình luôn phải dậy sớm vì đám chim sẻ chứng nào tật nấy, cứ mùa xuân là lại bay vào tủ sách nhà mình làm tổ và… tỏ tình inh ỏi. Bần thần tiếc giấc ngủ quý giá, nhưng lỡ thức mất rồi, nên mình đành lăn qua lăn lại mấy cái rồi vùng dậy. Đầu tiên là phải cho 2 bạn Ni-Na ra ngoài để các bạn chạy vào bãi cỏ hoang làm cái việc sung sướng mỗi buổi sáng. Trong lúc các bạn tận hưởng sự sung sướng thì mình tưới cây, quét nhà, quét sân, thay nước cho 5 cái bàn thờ và thắp nhang. Trên lầu có hai bàn thờ. Một bàn thờ ông bà nội bên chồng – ông ở giữa, hai bà hai bên (ông đi tu mà sướng thế!). Bàn thờ kia ở trong một “phòng” riêng, ba chồng mình theo đạo khác nên phải thờ riêng như vậy. Trên bàn thờ là một người cụ thể nào đó, đầu vấn khăn, để ria mép, chứ không phải là Phật hay Chúa. Mỗi lần thắp nhang là mình lại ngập ngừng một lúc rồi khấn gọi bằng “ông”: “Mời ông dùng nước con mới pha”. Ở dưới nhà có bàn thờ Thiên, bàn thờ ông Táo, bàn thờ ông Địa và ông Thần Tài. Mình thân với ông Địa nhất. Bao giờ thắp nhang bàn thờ ông Địa, mình cũng khấn lâu hơn một tí, thỉnh thoảng còn ngồi sờ sờ cái bụng bự và uống bia với ông nữa.

Cúng kiếng xong, mình ra sân căn dặn, dạy dỗ 2 bạn Ni – Na những điều mà chắc các bạn ấy đã thuộc lòng: “Chúng mày phải ngoan, ăn ở cho sạch sẽ, đừng có đào bới hỏng cây cối của tao, không cần đuổi chim sẻ, coi nhà coi cửa cho đàng hoàng…” 2 bạn cúi đầu vâng dạ, nhưng mình thừa biết chúng nó đang lầm bầm “Biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Mình vừa quay vào là đã nghe 2 bạn gầm gừ sồng sộc đe doạ mấy ả chim sẻ. Thôi kệ! Ai bảo trời sinh ra chim sẻ lại còn sinh ra chó làm gì! Như mọi ngày thì mình bật máy vi tính xem có thư từ chat chit gi không, sau đó nấu một nồi cơm cho mình và 2 bạn ăn chung, rồi ngồi vào bàn trang điểm, tô tô vẽ vẽ tí cho nó tươi đời, xức nước hoa thơm ngây ngất, rồi… ồ mề ly, mế ly, ồ mê ly… lên đường theo tiếng gọi của các cuộc ăn nhậu. Nhưng hôm nay, sau mấy ngày ăn nhậu đến mệt phờ, mình quyết định sẽ không ra khỏi nhà nữa.

Suốt từ trước Tết đến giờ, mình đã phải nghe mấy bà hàng xóm ở dãy nhà trọ phía sau tra tấn bằng karaoke, hết “Đón xuân này ta nhớ xuân xưa” đến “Tết này anh không thèm chơi đánh bài”, hết Nỗi buồn gác trọ đến Nửa đêm ngoài phố…, hôm nay thì nhất quyết tra tấn lại họ. Mình loay hoay lắp lắp gắn gắn đầu karaoke. Sắm cái đầu về lâu rồi, nhưng chả có dịp nào thể hiện giọng ca ngọt ngào đầy chất trữ tình của mình, phải tranh thủ đi thôi kẻo cha con nó về, nghe được lại nổi da gà. Loay hoay mãi, toát mồ hôi hột mà không hiểu sao chỉ có mỗi một bên loa nghe được. Thôi kệ, mất treble thì ta chơi bass. Giọng nữ trung cộng thêm bass vào nghe cũng quyến rũ lắm! Có cảm giác khi mình cất giọng lên thì lũ chim sẻ cũng ngừng hót, cả đám chim bố chim mẹ tương lai đều thò đầu ra khỏi những chiếc tổ trên kệ sách, tròn mắt lắng nghe. Đêm nay, lúc trước khi sản xuất mấy quả trứng chim, thế nào gã chim sẻ cũng tán tỉnh với cô vợ mới cưới bằng những lời có cánh kiểu như “Em yêu của anh, giọng em còn hay hơn cả giọng con chim bự sáng nay” (mặc dù gã biết thừa là giọng vợ gã thì làm sao sánh với giọng nữ trung đệm bass của “con chim bự” được!).

Mình mới hát được mấy bài thì có điện thoại. Đầu dây bên kia là giọng một người đàn ông “Em hả, lâu quá không gặp, nhớ bữa nay là ngày gì không cưng?”. Cha mẹ ơi, lâu quá mới được nghe người khác gọi là “cưng”, sướng tê người! “Dạ, em… không nhớ, anh là… ai ạ?”. Bên kia khựng lại giây lát rồi vội vã:“Chết cha!, tui lộn số, xin lỗi nha!”. Mình vứt điện thoại xuống bàn. Thế là hết tê người! Mình nghêu ngao hát tiếp: “tàn giấc mơ hoa, bóng người khuất xa…” (nhạc chachacha nhưng mình thích chơi theo điệu tango nên chứ hát tango, chết ai nào!) Lại có chuông điện thoại. Giọng ban nãy “Alô, có phải Nhi không?” “Anh lại lộn số rồi, đây không phải số của Nhi nhé!”. Cúp máy. Hát tiếp bài khác “…đừng yêu em anh nhé, em không muốn làm người lớn đâu, ứ ư ư. Đừng yêu em anh nhé, em muốn làm con dế vô tư…” (Uầy, mình mà làm con dế vô tư thì chả có ai đón con giùm nhỉ?). Lại có chuông điện thoại. Mình bật máy gào lên át cả tiếng nhạc: “Anh ơi, đã bảo anh lộn số rồi mà!” Đầu dây bên kia là giọng của chồng “Ủa, anh đây mà em! ”

Thì ra chồng thông báo là hai cha con đã ra bến xe, nhưng không mua được vé. Như mọi năm thì chồng sẽ có cớ để tiếp tục ghé nhà bạn ở Cần Thơ ăn nhậu tiếp, hôm sau mới về. Đấy là lúc Tí Nhân còn bé, ba nói gì cũng đúng, ba nói là phải nghe lời. Nhưng năm nay có vẻ cu cậu phản ứng nên ba phải cố loay hoay tìm cách kiếm vé. Trước Tết, mình đã nhắc nhở là muốn về quê thì phải lo đặt vé trước, nhưng chồng phẩy tay “Không cần, lúc nào đi thì ra mua vé luôn”. Hậu quả là ngày 27, cô em phải chạy vạy nhờ vả khắp nơi mới kiếm được mấy tấm vé đi ngày 28 Tết. Vậy mà chuyến về chồng vẫn không chừa. Tí Nhân gọi điện cho mẹ ấm ức “con đã kêu ba đặt vé từ hôm qua mà ba không chịu, bây giờ phải ngồi chờ xem có ai bỏ chuyến thì mình mới có chỗ”. Bực quá, mình hết cả hứng tra tấn hàng xóm, bỏ xuống nhà và ngồi đây gõ gõ mấy dòng này.

Suốt thời gian ngồi gõ, điện thoại với tin nhắn réo liên tục (chắc là mấy ngày qua, mọi người mải ăn uống nên quên, hôm nay mới nhớ ra việc chúc Tết). Mình không thể vừa nhắn tin, vừa nghe điện thoại, vừa cho ra đời được một bài viết đầy tính triết lý, tính xã hội, tính nhân văn sâu sắc, nên đành làm bài tập làm văn nói thế này thôi.

Tí Nhân vừa gọi điện về, bảo không mua được vé nên ba phải chung với mấy hành khách nữa thuê xe taxi về. Hơn 170km, đi xe taxi, tha hồ mà hoành tráng nhé! Kakaka! Nhưng mình biết tính chồng, năm sau cũng sẽ lại “để mai tính” cho mà xem! Ai đời, vợ thì muốn cái gì là phải làm ngay tức thì, chồng thì lúc nào cũng đủng đỉnh “có gì đâu mà gấp”. Thì thôi, kệ đi! Ai bảo trời sinh ra anh lại còn sinh ra em để chúng mình thành vợ thành chồng, suốt ngày cằn nhằn nhau và để trói đời nhau vào một cái tổ mà cho dù có đi đến tận đâu đâu thì mình cũng phải tìm mọi cách để quay về!

Làm xàm một mình. Chúc Năm mới an lành cho anh, cho em, cho con trai và tất cả mọi người!

PS. Chuyện linh tinh không muốn làm phiền các bạn nên không có ô bình luận.



Avatar-3

 

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

10 tuổi

 Ti Nhan 10 tuoi 2

Ngày 19 này mới đến sinh nhật Tí Nhân, nhưng do sinh nhật cận Tết quá, cha con lại sắp sửa về quê nên mẹ quyết định tổ chức sinh nhật cho bạn í sớm hơn một chút.

Tí Nhân phấn khởi nhẩm tính kế hoạch, với số tiền khoảng 1 triệu (mẹ cho tiền trọn gói như vậy), kể cả nước ngọt và bánh kem thì sẽ làm món gì và mời bao nhiêu người. Mẹ gợi ý cho vài món, cuối cùng Tí Nhân quyết sẽ đãi 3 món là thịt gà ragout bánh mì, chả giò và bắp xào. Bạn bè thì – sau khi suy nghĩ kỹ – Tí Nhân quyết định mời 8 người.

Nhà mình ở quận 7 hầu như chẳng có bạn bè gì nên Tí Nhân tổ chức sinh nhật ở nhà Ngoại. Buổi sáng, Tí Nhân sang nhà Ngoại, vừa bước xuống xe, việc đầu tiên là bạn í đứng ngay trước cửa lớn tiếng thông báo “tối nay Tí Nhân làm sinh nhật lúc 6 giờ”. Lập tức, bạn bè từ các nhà trong xóm bỗng chốc túa cả ra đường, râm ran bàn tán sôi nổi. Tí Nhân vào nhà lôi ra xấp thiệp mời và bắt đầu viết. Các bạn chạy vào đứng xung quanh thi nhau đọc tên của mình cho Tí Nhân ghi vào thiệp, ghi xong tấm thiệp nào là lập tức chủ nhân của tấm thiệp giật ngay chiếc phong bì có tên mình và giữ khư khư với vẻ mặt hết sức mãn nguyện. Tình hình “gay cấn” như vậy, nên Tí Nhân không thể mời 8 bạn như dự định, mà con số giờ đây lên đến 12 khách mời, cộng thêm nhân vật chính nữa là 13. May quá, mẹ có đầy kinh nghiệm trong chuyện này nên đã chuẩn bị thiệp khá dư dả. (Chẳng là cứ mỗi lần mẹ mời bạn bè đến nhà thì vào phút chót, ba lại tranh thủ mời thêm bạn của ba, “đánh úp” làm cho mẹ không kịp trở tay. Đầu tiên mẹ bực lắm, nhưng lâu dần mẹ cũng quen và bây giờ thì… ngon rồi, vì luôn có kế hoạch dự phòng).

8 tiếng chờ đợi đến giờ khai tiệc trôi qua chậm chạp. Cả xóm xôn xao bàn tán với nhau xem mua quà gì. Bạn thì rút ống tiết kiệm, bạn thì xin tiền bố mẹ, bạn thì mặc định đi mua quà là bố mẹ phải chở đi. Quà mua xong rồi được chuyền tay nhau xem trước với lời dặn dò phải cực kỳ giữ bí mật, không để Tí Nhân biết.

Còn nửa tiếng nữa mới đến 6 giờ, cả 12 bạn đã thập thò trước cửa. Mấy bạn sốt ruột quá còn leo lên bờ rào, thò cổ nhìn vào. Tí Nhân lăng xăng chạy tới chạy lui, mặt mày “nghiêm trọng”, thỉnh thoảng lại nhìn ra cửa xua tay: “chưa đến giờ!”. Mẹ có 30 phút rảnh rỗi để ngắm nhìn Tí Nhân. Năm ngoái, Tí Nhân để đầu đinh, cái đầu tròn vo với “sọ khỉ” phía sau hoàn hảo không lẫn vào đâu được, ai cũng khen đẹp, ai cũng muốn sờ một cái. Thế mà năm nay bạn í nhất quyết phải có mái tóc dài để thỉnh thoảng vuốt nước cho nó dựng lên. Bạn í không muốn mái tóc là của mình mà lại để cho người khác quyết định.

Mẹ nhớ hồi xưa, lúc 10 tuổi, mẹ nhất nhất nghe theo lời của ông bà ngoại (tức là bố mẹ của mẹ – là ông bà ngoại của Tí Nhân). Ông bà bảo gì mẹ làm nấy. Hàng tháng, bà ngoại tự tay cắt tóc cho mẹ – và cắt cho mẹ đến tận những năm mẹ học đại học. Mẹ không được phép và cũng không bao giờ có ý nghĩ sẽ làm trái lời ông bà. 10 tuổi, mẹ biết làm nhiều việc lắm, kể cả việc lao động để kiếm tiền. Mẹ đi học một buổi, buổi còn lại thì xắt rau muống, nấu cám heo, rửa chuồng và tắm cho heo. Heo là của ông bà nuôi để kiếm tiền bù thêm vào đồng lương ít ỏi hàng tháng. Ông bà nuôi heo, còn mẹ tranh thủ nuôi gà thả chung với heo, ăn cám của heo. Gà của mẹ đẻ trứng, mẹ bán trứng lấy tiền để dành. Tiền đúng là tiền của mẹ, nhưng tiêu xài gì thì là quyền quyết định của ông bà. Tất cả mọi người quen với gia đình đều bảo mẹ ngoan, và mẹ cũng nghĩ như vậy.

Bây giờ, Tí Nhân dở nhiều thứ so với mẹ hồi đó. Tí Nhân chỉ biết mỗi việc học, còn ngoài ra thì làm việc gì cũng lóng ngóng. Nhớ năm lớp 4, có lần mẹ phải nằm bệnh viện gần một tuần lễ, mẹ đã tranh thủ ngốn hết cả ba tập truyện Con đường đau khổ của A. Tolstoi, còn Tí Nhân đến giờ này vẫn chỉ biết đọc truyện tranh. 10 tuổi, mẹ biết bịa ra các loại chuyện cổ tích kể cho dì Phúc mỗi tối để “đổi công” dì Phúc gãi lưng cho mẹ, còn Tí Nhân thì kể một câu chuyện xảy ra ở lớp thôi cũng không đến đầu đến đũa. Nói chung, mẹ “giỏi” hơn Tí Nhân nhiều lắm!

Thì đấy, ai cũng khen mẹ mà! Mẹ đã từng nhận những lời khen của mọi người như một điều hiển nhiên. Khi Tí Nhân ra đời, mẹ cũng dạy Tí Nhân theo cách ông bà ngày xưa đã dạy mẹ. Lúc nhỏ, bạn Tí Nhân cũng ngoan lắm cơ. Mẹ nói gì bạn í cũng nghe theo vì bạn í coi mẹ như là thần tượng. Nhưng rồi đến một ngày, khi ba kể chuyện ngày xưa ba giỏi thế nào, mẹ cũng kể chuyện ngày xưa mẹ giỏi ra sao, đột nhiên Tí Nhân buông một câu “Ba mẹ cái gì cũng giỏi, con cái gì cũng dở, con biết rồi! Nhưng tại sao ba mẹ giỏi mà bây giờ ba mẹ cũng nghèo chứ chẳng giàu?”.Tí Nhân làm cả ba lẫn mẹ đều sững người.

Mẹ chợt hiểu ra, cái mà ngày xưa mọi người coi là “ngoan”, thực ra chưa c hắc đã là điều hay. Suốt 11 năm phổ thông, mẹ đã học cho ông bà chứ không phải học cho mình. Mẹ đã nghe lời ông bà từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn mà chưa một lần nghĩ đến việc chủ động quyết định những vấn đề của mình. Mẹ đọc rất nhiều sách, nhưng suốt những năm phổ thông, chưa bao giờ mẹ được là học sinh giỏi văn chỉ vì mẹ luôn thụ động, luôn làm bài tập làm văn theo ý của thầy cô giáo…

Nhưng cũng may mà Tí Nhân đã làm cho mẹ chợt tỉnh. Tỉnh rồi, mẹ sẽ không bao giờ nói câu “Con phải cố gắng học giỏi để vui lòng thầy cô giáo, vui lòng ba mẹ”. Điều ấy không sai, nhưng bạn Tí Nhân có cố gắng học giỏi thì điều trước tiên phải là để khẳng định bản thân mình đã, rồi mới đến việc làm vui lòng mọi người chứ!

6 giờ đúng. Đã đến giờ khai tiệc. Bạn Tí Nhân chạy ra mở cửa, khoát tay: “Đến giờ rồi!” Cả 12 bạn ùa vào như một cơn lốc.

10 tuổi, mẹ chưa một lần nào được tổ chức sinh nhật như Tí Nhân đâu. Chỉ với ví dụ so sánh đơn giản thế thôi, mẹ cũng có cơ sở để đặt một niềm hi vọng rằng Tí Nhân sẽ sung sướng hơn mẹ. Điều gì mẹ không làm được hôm nay có thể – một phần nào – là hệ quả của ngày hôm qua. Vì thế, mẹ tạo điều kiện cho Tí Nhân  tự quyết những vấn của bạn í (trong phạm vi có thể), để mai này bạn í sẽ giành quyền chủ động quyết định cuộc đời của chính mình. Mẹ nhìn Tí Nhân hân hoan giữa đám bạn bè. Yêu lắm, con trai của mẹ!

Ti Nhan 10 tuoi 3
Ti Nhan 10 tuoi