.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Buổi chiều nhăng nhố

Nhăng nhố à, Nhăng nhố ơi
Nhăng nhố đi chơi
Với ta một chiều…
(Trần Tiến)



Đầu giờ chiều, em xin tờ giấy ra khỏi cơ quan trong giờ làm việc, lấy lý do bị mệt, phải đi khám bệnh. Thực ra mệt thì có mệt, nhưng đi khám bệnh thì không. Gặp lúc trái gió trở trời, sổ mũi, nhức đầu…, bệnh cũ, chỉ cần lôi thuốc cũ ra mà uống, đi khám chi cho mất cả buổi, mệt thêm. Chủ yếu là em muốn đi, đi đâu cũng được, miễn là ra khỏi cơ quan.

Dạo này, em hay mệt mỏi, chắc là đã đến cái ngưỡng để bước qua một giai đoạn khác. Anh cũng vậy. Tối về nhà, anh thường than thở rằng anh mệt quá, chán quá, rằng cái bọn Tây đúng là mang dòng máu thực dân, trả cho mình từng ấy lương là phải tìm cách vắt cạn sức lực của mình, rằng anh như người ở trong vũng bùn, càng tìm cách thoát thì càng lún sâu thêm. Em an ủi anh rằng ở đâu cũng thế thôi, chẳng cứ Tây hay Ta, rằng em cũng vậy, cái chính là mình chưa già và con mình còn nhỏ quá, cứ phải cố gắng thôi. Hoàn cảnh nó như thế thì mình phải tự tạo cho mình những phút giây thư thái để lấy sức mà chiến đấu tiếp. Động viên vậy, chứ tự trong lòng, em cũng thấy chán. Càng ngày vợ chồng mình càng ít chia sẻ với nhau hơn. Tối về, ăn cơm xong, em dạy con học, anh xem TV. Đến khi em xem TV thì anh chuyển sang đọc sách về đạo Phật. Đến khi em đi ngủ thì anh ôm cái laptop lướt web đến khuya. Hồi trước, sáng chủ nhật, gia đình mình còn có một buổi đi ăn sáng, thư giãn ở công viên, trưa trưa đi mua sắm… Giờ thì hết rồi, vì anh đã có thú vui khác. Anh dậy từ 5 giờ sáng, chạy xe ra ngoại thành gặp mấy người bạn và cùng nhau đi mua cá rồi đem ra ngã ba sông thả. Dẫu biết người ta gọi việc đó là phóng sinh, nhưng thú thật là em không hiểu và không thể chấp nhận được cái thú vui kỳ lạ đó. Nếu không có người thả chim thả cá thì cũng không xuất hiện những kẻ chuyên đi bắt chim bắt cá. Lúc đó, thế giới có phải tốt hơn không! Đã mấy lần em lựa lời nói với anh, nhưng anh tỏ vẻ khó chịu. Ừ, thì thôi, chuyện ai nấy làm, đường ai nấy đi vậy.

Chúng mình đang già đi…

Tình mình đang cũ…

Bây giờ tự nhiên em nhiễm thói quen nói theo vần kiểu “Sát thủ đầu mưng mủ”. Nói “tình mình đang cũ…” là nghĩ ngay đến vế sau “…như cái... mũ”. Mà quả là em đang đội trên đầu một cái mũ bảo hiểm cũ rích. Nó đây:


Mũ này em mua từ năm 2002, lúc mới sinh Tí Nhân. Mũ kiểu che kín tai, quai đeo chắc chắn và có cả đai nhựa để treo mũ trên xe. Em đã đội qua nhiều loại mũ khác nhau, nhưng cuối cùng kết luận rằng mình thích loại mũ này nhất. Chỉ có điều, bây giờ có lẽ nó không còn hợp thời trang nữa nên em không mua được chiếc nào tương tự. Hôm nay cũng vậy. Thoát ra khỏi cổng cơ quan, em hướng xe ra ngay phía đường Phạm Hồng Thái, chỗ chuyên bán mũ. Tìm mãi. Chọn được đúng kiểu mình thích thì nó lại quá to so với đầu. Không mua được mũ, chẳng biết nên đi đâu. Em chạy xe chầm chậm ngó nghiêng phố xá. Thấy có một cửa hàng bán quần áo và mấy thứ vòng đeo tay, dây đeo cổ vui mắt, em dừng xe, ghé vào xem thử. Vào rồi mới biết hoá ra cửa hàng bán đồ chủ yếu phục vụ cho các teen. Chẳng lẽ lại ra! Em đành nấn ná đi loanh quanh xem, cuối cùng dừng lại trước quầy bán các loại decal dạng sticker xanh xanh đỏ đỏ. Nhìn thì thích mắt, nhưng nghĩ mãi, chẳng biết mua những thứ vớ vẩn này làm gì. Cô bé bán hàng gợi ý: mua về cho con cô dán chơi. Ừ thì mua. Loại 2 nghìn be bé chắc là dán lên tập vở loại 5 nghìn to hơn chắc là dán lên cửa tủ quần áo. Có nhiều màu sắc ngộ nghĩnh, em chọn một lúc, thế quái nào tính ra cũng hết hơn 80 nghìn. Rõ dở hơi!

Chiều về, đưa cho con xem, bảo mẹ mua cái này cho con dán chơi. Nó nhìn đám decal bằng nửa con mắt rồi bóc vài tấm ra dán ngay lên trán. Em đòi lại không cho bóc nữa. Nó trả ngay, vẻ con đây chả thiết mấy thứ vớ vẩn này.

Em lại thấy mình đang chán. Chán một lúc, tự nhiên trong đầu em nảy ra chuyện để làm. Em lôi đống decal ra bầy đầy trong phòng ngủ, bảo con mang tập vở lên ngồi bên cạnh. Em vừa xử lý đống giấy, vừa giảng bài cho nó. Anh lên phòng, nhìn đống đồ bầy hầy của em lắc đầu: “Em có biết mình bao nhiêu tuổi rồi không?” Em trả lời: “Biết. Muôn đời em vẫn trẻ hơn anh 4 tuổi!”.


2 tiếng rưỡi đồng hồ, con vừa làm xong bài thì em cũng vừa làm xong công việc của mình. Nó đây:


Anh thậm chí chả buồn nhìn thành phẩm của em, chỉ bảo “Nhố nhăng quá!” Tính anh cứ thế, chả trách sao chóng già! Sao anh không nghĩ như em: nếu không thể có được những thứ mới, sao chúng mình không làm mới lại những thứ đã cũ? Biết là thời buổi này đang thừa những chuyện nhăng nhố rồi, nhưng điều nhăng nhố em làm chiều nay có đáng để anh suy nghĩ chút nào không?

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

“Ai cho ta lương thiện?”


Mấy ngày hôm nay, trời ui ui, nắng một tí rồi lại mưa sụt sùi. Nở thấy buồn nẫu người. Nếu bảo là buồn vì trời mưa thì nghe có vẻ “sến” quá. Từ hồi chưa kết tóc se duyên với Chí, Nở đã chúa dị ứng với mấy mẩu Tìm bạn bốn phương trên báo, đại loại như: “Nữ ngoài 30 tuổi, hiền, lãng mạn, thích lang thang một mình dưới mưa…”. Chỉ đọc đến đó là người Nở đã nổi hết da gà. Thế nên nếu bảo Nở buồn vì mưa thì thật là bôi bác Thị quá. Cuối cùng, Nở đã tìm ra lý do khiến mình buồn. Chắc hẳn đó là do Nở đang ở thời kỳ tiền mãn… khóa!

Sáng nay, như thường lệ, Nở chở Chí con đi học. Đúng 7 giờ kém 15, hai mẹ con Nở xách nhau ra khỏi nhà. Luồn lách đi qua cái chợ chồm hổm mất đúng 5 phút. 5 phút nữa để chạy đến chân cầu chữ Y. Từ xa, Nở đã thấy một biển người nhích từng tí một trên cầu. Không ổn rồi! Nở quyết định quay ngoắt xe, vòng lại lên cầu Nguyễn Văn Cừ. Tất nhiên không chỉ có mỗi Nở biết khôn. Hầu hết những người đi đường khi nhìn thấy cảnh tượng ngán ngẩm đang diễn ra trên cầu chữ Y đều làm như Nở. Tuy nhiên, Nở muốn mình phải khôn hơn họ. Thị nhanh chân phóng trước, chen vào những chỗ còn trống, thậm chí leo cả lên lề đường. Trước đây, Thị vốn ghét những kẻ thiếu văn hóa, cứ hơi một tí là phóng lên lề đường làm hỏng hết cả gạch lát vỉa hè, nhưng lâu dần, Thị nhận ra nếu cứ ghét như thế thì thằng Chí con sẽ luôn luôn phải đến trường muộn giờ học. Thôi thì cứ làm kẻ thiếu văn hóa đi cho nó lành! Sau khi làm những chuyện khôn hơn người đó, Nở đến được chân cầu Nguyễn Văn Cừ lúc 7 giờ đúng. Nhưng hỡi ôi, trên cầu Nguyễn Văn Cừ lại là một biển người cũng đang nhích từng tí một. Đã trót thì trét, hai mẹ con Nở đành nhắm mắt đưa chân. Thằng Chí con lầm bầm: “Mẹ ơi, nếu quá 7 giờ 15 mà con chưa đến được cổng trường thì mẹ cho con nghỉ, vì đi học muộn cô sẽ la con, lớp sẽ bị ảnh hưởng đến xếp loại thi đua!”. Nghe Chí con nói, bất giác Nở nhếch miệng cười. Nở nghĩ nếu mình có quyền phán xét thì Thị sẽ xếp cái gọi là “thi đua” này vào hàng “Những điều ngu ngốc nhất của lịch sử phát triển nhân loại”. Trên cầu là mũ bảo hiểm nhấp nhô, trên trời là mây đen kéo đến. Lạy trời xin đừng mưa!

Nói đến mưa, Nở thường hay nhớ lại những tháng ngày vất vả mà hào hùng, những tháng ngày mà Nở đã không quản khó khăn, gian khổ, dốc sức vào sự nghiệp làm hàng hóa phục vụ cho học sinh cả nước. Làm loại hàng hóa đó khổ lắm, nói ra thì người ngoài không thể hình dung được công việc khổ như thế nào, chỉ biết là Nở thường xuyên phải về tối, ngập ngụa trong những cơn mưa. Thời cao điểm, Nở cùng với nhiều đồng nghiệp khác phải bỏ cả chồng con ở nhà, đi công tác hàng mấy tháng trời để làm nhiệm vụ mà xã hội giao phó. Sản phẩm ra đời nếu còn sót bất cứ một lỗi nào – dù nhỏ như con thỏ – thì cũng bị dư luận nhảy bổ vào xỉa xói, bị mang ra trước các cuộc họp để nhắc nhở, bị cấp trên hạ bậc thi đua… Nhưng ơn trời, hồi ấy, Nở đã không vướng vào một lỗi nào. Nở có thể tự hào vì mình luôn làm tốt các công việc được giao. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm mà Nở và đồng nghiệp đã đổ hàng vại mồ hôi, hàng núi công sức ấy ra đời thì có thông tin rằng mỗi năm, sản phẩm đó mang lại một khoản lỗ lên đến hàng mấy tỷ đồng cho cơ quan. Tất cả những người trực tiếp tham gia vào công việc đó đều được cơ quan tách ra công ty riêng để tự xoay xở, làm sản phẩm khác mà sống. Từ đó đến nay, trong suốt 5 năm, Nở luôn được thuyên chuyển qua hết công ty này đến công ty khác. 5 năm, Nở không được mở mang, nâng cao công tác chuyên môn, nhưng bù lại, Thị đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong việc khuân bàn ghế và đóng thùng. Lần cuối, Nở được chuyển về công ty hiện tại, Công ty của Thị được giao nhiệm vụ làm ra sản phẩm, nhưng không được đem bán. Việc bán sản phẩm lại được giao cho công ty khác. Nếu có ai hỏi “công việc của bạn thế nào?” thì Nở biết mình sẽ trả lời kiểu như: trồng lúa thì sẽ được hưởng phần gốc, trồng khoai lang thì sẽ được hưởng phần ngọn. Nói thế cho nó ngắn gọn, dễ hiểu.

Trước đây, Nở ngoan hiền lắm. Nở luôn muốn mình là một người lương thiện. Vài ba lần, cơ quan tổ chức các khóa học nâng cao nghiệp vụ, lãnh đạo tuyên bố ai đạt kết quả cao nhất sẽ được cho đi nước ngoài. Nở đã ngây thơ tin điều đó là sự thật , đã cố gắng để có 3 lần đạt được điểm cao nhất, và cho đến bây giờ, Nở vẫn chưa một lần nào được đặt chân ra nước ngoài. Bây giờ Nở khôn ra rồi. Nở biết rằng sống ở đời chả nên tin cái gì quá, rằng muốn đi nhanh thì phải chen lấn, xô đẩy, phải leo lên lề. Sợ gạch lát vỉa hè bị hỏng ư? Thế việc hỏng mấy viên gạch với việc thằng Chí con đi học trễ, bị cô giáo la mắng, lớp bị hạ bậc thi đua thì cái nào đáng sợ hơn?
Dòng người trên cầu cứ nhích dần, cuối cùng cũng xuống đến dốc cầu. Nở chen sang phần đường ô tô để rẽ trái cho dễ, mặc cho mấy chiếc ô tô nối đuôi nhau phía sau lưng Thị bấm còi chửi bới om sòm. Nở cắm đầu nhấn ga chạy một mạch đến trường của Chí con vừa đúng lúc cổng trường định khép lại. Ôi chao, thở phào! Nở nghĩ nên tự thưởng cho mình một tô phở tái. Muộn giờ làm ư, thây kệ! Mà xét cho cùng, Nở cũng có gì để mất đâu! Cùng lắm là phê bình, hạ bậc thi đua, cùng lắm là mất vài trăm nghìn tiền lao động tiên tiến, nhưng Nở lại được ăn phở, được hả hê khi thấy mình chả còn sợ hãi điều gì nữa. Ngày xưa, Chí đã từng gào lên “Ai cho tao lương thiện?” thì ngày nay, Nở cũng có thể vừa thưởng thức tô phở vừa lẩm bẩm “Ai cho ta lương thiện?”. Nở không xưng “tao” như Chí mà xưng “ta” nhé! Dù gì thì Nở cũng là trí thức mà!