.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Bà Nội


Bà có hai cô con gái. Chồng mất khi bà vừa 50 tuổi - cái tuổi mà bà cho rằng người ta đang rất khỏe mạnh và chín muồi về mọi mặt – trong những lúc chông chênh, bà đôi lần thấy tiếc và tự nhủ: giá mà lúc còn có thể, bà cố đẻ thêm một thằng con trai nữa có phải vui cửa vui nhà không! Đấy là nói thế, chứ những năm bảy mấy tám mươi, ăn bo bo vàng mắt, có thêm đứa con nữa chắc gì vợ chồng bà nuôi nổi!
Hai cô con gái lần lượt lấy chồng. Cô chị thì yên ổn, cô em thì kém may mắn hơn – giữa đường gãy gánh, vợ chồng đường ai nấy đi. Chúng hận nhau đến nỗi không muốn nhìn mặt nhau nữa. Bà ôm cháu ngoại vào lòng, buồn tê tái. Vài năm sau, vợ chồng cô chị ra ở riêng, nhà chúng cách nhà bà đến 10 cây số, nên đến cuối tuần mới về thăm bà một lần. Cô em kiếm được học bổng đi học nước ngoài, vừa là để đi xa khỏi nơi làm gợi nhớ đến cái quá khứ không mấy vui vẻ với người chồng cũ, vừa là một cơ hội để đến với người mới. Cô gửi lại con gái tuổi teen ở nhà cho bà nuôi giúp.
Vậy là bà ở với cháu ngoại gái, căn nhà luôn vắng vẻ vì cháu đi học cả ngày. Chỉ đến cuối tuần, nhà mới thêm tiếng người khi có thằng cháu ngoại trai về chơi. Hồi xưa, bà yêu mẹ của hai đứa cháu ngoại như thế nào thì bây giờ, bà lại yêu chúng như thế, thậm chí còn hơn thế. Bà lẩn mẩn chép vào trong sổ tay một câu nói của ai đó: “Đứa con đầu tiên giống như con búp bê của mẹ. Đứa cháu đầu tiên giống như đứa con đầu lòng của bà ngoại”. Tháng ngày lặng lẽ trôi, bà vừa mong cho cháu chóng lớn lại vừa chạnh lòng khi nghĩ đến một ngày không xa, cháu gái sẽ rời khỏi vòng tay ôm ấp của bà để theo mẹ đến phương trời xa, tận bên kia quả địa cầu. Bây giờ tối nào bà cháu cũng ôm nhau ngủ, nhưng đến lúc ấy, khi bà thức thì nó sẽ ngủ, bà ngủ thì nó lại thức… chỉ cần nghĩ đến đó thôi là bà đã buồn nẫu cả người.
Con rể cũ của bà tuần nào cũng về thăm con vài lần. Những lúc con gái bà về nước thì nó tránh mặt, thỉnh thoảng mới ghé qua nhà, không vào mà chỉ đứng ngoài hỏi thăm qua loa. Khi con gái bà đi thì nó lại thường xuyên về. Nó vẫn gọi bà bằng mẹ. Vừa vào đến nhà là nó mở tủ lạnh hỏi mẹ có gì ăn không, con đói quá. Ăn xong, nó ôm vai bà khen mẹ nấu món gì cũng ngon, con mà ở đây thì chắc con béo trục béo tròn, chả lấy được vợ. Bà chỉ cười. Nó mồm mép như tép nhảy, chưa lấy vợ là vì chưa muốn lấy chứ muốn thì thế nào chả có đứa “dính”.
Một ngày, con gái bà dẫn bạn trai Việt Kiều về nước. Rồi một đám cưới không rình rang, nhưng trang trọng, lịch sự diễn ra trước sự thở phào của họ hàng. Cuối cùng thì con gái bà cũng có được một Happy Ending. Cô dâu chú rể đẹp đôi, ngời ngời hạnh phúc như chưa từng có quãng đời gập ghềnh trước đó. Hai tháng sau, thằng rể cũ cũng có thiệp hồng. Nó mang thiệp đến mời cả họ hàng nhà bà. “Mẹ động viên các cô các chú ráng đi dự đám cưới con, cho đàng trai đông vui, xôm tụ!”. Nó nói vậy. Hoá ra nó coi bà như mẹ và “gom” hết anh chị em của bà thành đàng trai của nó. Bà buồn cười, trong lòng cảm thấy vui vui. Lâu lắm rồi, từ hồi hai đứa đem nhau ra toà đến giờ, hôm nay bà mới thấy niềm vui quay trở lại.
Sau đám cưới, nhà lại vắng hoe, lại chỉ còn hai bà cháu ăn cơm tối và ngủ với nhau.
Vài tháng sau, con gái bà email báo tin vui “Vợ chồng con sắp có em bé!”
Thằng con rể cũ cũng dẫn vợ mới đến nhà cười toe toét, chỉ vào bụng vợ khoe: “Có bầu rồi mẹ ạ!”
Con gái bà đẻ cho bà thêm một đứa cháu ngoại gái. Thời buổi công nghệ thông tin, đứa trẻ ở bên kia bán cầu vừa ra đời thì bên này bà đã được xem đoạn video quay cảnh cháu bà chui ra, còn lòng thòng dây rồn, khóc oe oe. Bà xúc động đến chảy nước mắt, thầm nghĩ: Trên đời này chắc không có gì kỳ diệu bằng cái sinh vật nhỏ bé ngo ngoe mấy ngón tay bé tí, biết khóc, biết ngậm núm vú kia. Ơn trời, cháu bà khoẻ mạnh, xinh xắn quá! Mà sao cháu mãi tận đẩu tận đâu, bà chưa gặp nó mà bà đã yêu nó thế! Bà chưa kịp định thần với niềm vui lâng lâng này thì ngay ngày hôm sau, thằng rể cũ lại gọi điện thông báo: “Mẹ ơi, vợ con đẻ rồi! Con gái”.
Tay xách nách mang, hai bà cháu chở nhau vào bệnh viện. Cháu bà đi thăm em nó thì rõ rồi, nhưng bà đi thăm ai thì chính bà cũng chưa rõ lắm. Bà thận trọng ôm cái sinh vật bé tí vào lòng, gọi nó bằng con, xưng , tự nhiên thấy lòng ấm áp một cách là lạ, ngồ ngộ.
Ngày nào bà cũng lên mạng xem hình cháu ngoại ở bên kia. 70 tuổi, bà tự nhiên sinh ra nghiện check mail, nghiện Facebook. Ở nhà thì cứ chốc chốc lại mở máy, đi đâu vừa về đến nhà, việc đầu tiên cũng lại là mở máy. Bà vặn volume thật to để nghe tiếng nó khóc, tiếng nó cười, nhìn thấy nó lớn lên từng ngày. Ở bên này, con gái thằng rể cũ cũng lớn lên y như cháu ngoại bà. Ngay bên cạnh nhà bà có một cô giữ trẻ. Sáng nào hai vợ chồng nó cũng chở con đến gửi, tiện thể ghé vào nhà bà uống ly nước, nhờ vả: thỉnh thoảng mẹ đáo qua bên kia dòm cháu giùm tụi con. Ấy là cứ dặn thế, chứ chẳng nhờ thì một ngày bà cũng năm lần bảy lượt chạy qua nhà hàng xóm, rảnh rỗi còn bế cháu về nhà chơi. Có vài người khách đến nhà hỏi: cháu ngoại hả bà? Bà ớ người ra, chẳng biết trả lời sao. Giải thích thì vòng vèo quá nên bà cứ trả lời bừa: cháu nội đó!
- Ủa, tưởng bà chỉ có con gái?
- Ừmh, có cả con trai nữa.
Khách về rồi, bà nựng đứa bé:
- Thằng bố mày! Tự nhiên lại làm cho bà thành bà nội!
Đứa bé toét miệng cười:
- Ội… ội…
Bà mắng yêu:
- Nói gì mà nói lắm thế! Mấy tháng nữa con gái bà mang cháu ngoại bà về chơi, hai đứa tha hồ thi nhau nói nhé!
Ừ thì bố mẹ hai đứa bé không nhìn mặt nhau, nhưng trẻ con có lỗi gì đâu! Chúng sẽ lớn lên, biết đâu lại thành bạn bè thân thiết. Ôi, trẻ con! Những điều kỳ diệu mà chúng mang đến cho người lớn nhiều lắm. Ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, trẻ con cũng luôn làm cho người lớn gần nhau hơn. Bà cầu mong ở nơi đây, dưới mái nhà của bà, trẻ con sẽ biến cả điều tưởng như không thể trở thành có thể. Sao lại không nhỉ, dù gì thì chúng cũng có chung một BÀ mà!