.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Chuyện ma của ông Ngoại (1)

Ngày bé, thích nhất là những buổi tối sáng trăng được nghe ông Ngoại kể chuyện cổ tích. Lớn hơn tí nữa, những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa được thay bằng cổ tích hiện đại hơn. Chen vào cổ tích, thỉnh thoảng ông lại kể chuyện ma. Chuyện ma ông kể là những câu chuyện ông sưu tầm được từ các tác phẩm viết bằng tiếng Pháp hoặc sách của các tác giả Việt Nam từ trước năm 1945. Nhưng thỉnh thoảng ông cũng kể chuyện người thật việc thật, mà chính ông đã trải qua. Hình như ông “có duyên” với… ma. Từ lúc trẻ, ông đã gặp được ma – điều mà rất nhiều người, như tôi chẳng hạn -  cả đời chưa lần nào được chứng kiến. Sợ thì sợ đấy, nhưng vẫn thích. Thích thì thích đấy, nhưng năm tháng trôi qua rồi cũng quên. Giờ, trong đầu tôi chỉ còn nhớ được vài chuyện. Nhớ mang máng thôi, không rõ lắm. Hôm nay ngồi lạch cạch ghi lại để lỡ mai này có quên thì vẫn còn có chỗ mà tìm.

Chuyện thứ nhất: AO SAU NHÀ


Quê ông ở mạn trung du – từ Bắc Giang đi tiếp lên vài chục cây số nữa là đến. Như hầu hết các trai làng, mười sáu, mười bảy tuổi, ông cũng có bạn gái. Bạn gái ông là con nhà lành, xinh đẹp, dịu dàng. Họ thân nhau lâu rồi, nhưng thời đó bạo gan lắm thì cũng chỉ dám nắm tay nhau, vội vội vàng vàng một tí rồi lại ngượng nghịu buông ngay ra. Cứ vài bữa, chàng đến nhà nàng, rồi tuần sau, cách vài bữa, nàng lại đến nhà chàng. Mỗi lần nàng đến chơi, ông bà cụ thân sinh của chàng lại tế nhị rút đi chỗ khác để cho hai trẻ ngồi với nhau ở chiếc phản kê nhà sau. Chiếc phản kê sát vách, gần cửa sổ. Ngoài cửa sổ là ao rộng, nơi có đám bèo xanh xanh lững lờ nổi đầy trên mặt nước. Đêm trăng, ngồi ở phản có thể được tắm trong thứ ánh sáng trong ngần tuôn lai láng vào cửa sổ, được hưởng trọn làn gió mát từ hướng nam thổi tới và nghe tiếng ếch nhái kêu ộp oạp ngoài ao. Chẳng biết đã bao nhiêu đêm trăng trôi qua như thế trong bình yên, trong cái ngọt ngào của tình yêu tinh khiết mà người ta chỉ có thể trải qua một lần trong đời.

Và nếu câu chuyện cứ thế tiếp diễn thì sẽ đến một ngày ngoài ngõ pháo nổ đì đùng, xác pháo rắc đầy đường. Rồi thì những đứa trẻ ra đời. Rồi thì vân vân…

Nhưng tình đầu mấy khi thành, cho nên một ngày nàng báo rằng nàng phải theo gia đình đi xa. Tối chia tay, nàng đến nhà chàng. Họ lại ngồi ở tấm phản sát cửa sổ, lặng im trong một nỗi đau chẳng thể nói thành lời. Họ lắng nghe tiếng côn trùng thổn thức. Tiếng ếch nhái kêu đêm ấy cũng trở nên não nề kỳ lạ. Trời về khuya, thời gian đã hết, nàng cáo từ ra về. Chàng bảo: “Ngồi thêm một lát nữa đi, rồi để tôi đưa M về lần cuối…”. Nàng im lặng, mắt ngấn nước. Chàng thấy tim mình nhói đau, có gì đó như đang từ từ trôi, trôi tuột khỏi tay chàng. Trong đêm cuối cùng này, chàng muốn được một lần ôm nàng vào lòng – điều mà bấy lâu nay chàng chẳng dám làm, chỉ dám nghĩ đến trong những giấc mơ ngọt ngào nhất. Thế rồi, chàng vòng tay ra phía sau lưng nàng…

Tay chàng chạm vào một thứ gì đó mềm mềm. Một luồng hơi lạnh bất chợt chạy dọc sống lưng, phút chốc làm chàng cảm thấy mình như nghẹt thở. Phía sau lưng nàng có một chiếc đuôi mềm, mượt như đuôi con sóc. Chiếc đuôi khẽ động đậy. Chàng giật thót mình, rụt tay lại. Nàng quay hẳn lưng lại phía chàng, chiếc đuôi quất mạnh, rồi cũng nhanh như một con sóc, nàng lao mình ra ngoài cửa sổ.

Một tiếng “tõm” vang lên trong đêm thanh vắng, chìm nghỉm vào giữa muôn trùng ếch nhái kêu. Nàng biến mất. Từ đó, không ai gặp lại nàng và gia đình nàng nữa.

Năm tháng trôi qua, ông tôi lập gia đình, lấy vợ - là bà Ngoại tôi. Không biết ông có kể chuyện này cho bà Ngoại nghe không, hay là giấu kỹ, chỉ dành riêng kể cho tôi nghe? Suốt mấy chục năm ròng, ông không gặp lại người bạn gái ấy, nhưng sau ngày Sài Gòn giải phóng, bỗng nhiên một lần, ông tìm lại được manh mối của người xưa. Bà Ngoại tôi lúc ấy không hài lòng với cuộc gặp gỡ này, nhưng – như hầu hết những người phụ nữ khôn ngoan -  bà im lặng, đồng ý để ông đi gặp. Câu chuyện gặp gỡ thế nào, tôi không được biết vì ông không kể, chỉ biết rằng đó là lần cuối cùng, ông gặp lại bà ấy. Vài năm sau, bà ấy ra nước ngoài định cư, rồi mất ở xứ người.

Không có một kết thúc, không có một câu trả lời rõ ràng, chỉ còn câu chuyện kể của ông lảng vảng trong những đêm tôi ngồi một mình ngắm ánh trăng rọi qua cửa sổ. Tôi hiểu tình đầu luôn đẹp và cũng luôn mong manh. Ở đâu đó trong cõi nhân gian này, tình đầu còn là điều gì đó bí ẩn đến rùng mình…

Thôi, ngủ đi…!
Còn 2 chuyện nữa, khi nào rảnh thì kể tiếp.

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Chào nhé Cấp Một ơi!


Tôi 11 tuổi. Cuối tháng Năm vừa rồi, tôi đã được phát giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bậc Tiểu học. Trong buổi Lễ Tổng kết, đồng thời là Lễ Tri ân cha mẹ, lần đầu tiên trong suốt 5 năm học, tôi được mẹ dẫn vào tận sân trường và cùng ngồi dự với tôi đến cuối buổi. Buổi lễ Tổng kết do đó có vẻ đặc biệt hơn so với tất cả những buổi lễ trước đây. Lúc ra về, mẹ bảo tôi hãy kể lại toàn bộ buổi lễ theo một cách khác với những bài tập làm văn tường thuật mà tôi đã từng làm ở trường. Việc này đối với tôi quá khó vì suốt 5 năm qua, tôi được dạy tập làm văn theo một công thức không thay đổi, đó là bài văn phải có mở bài: buổi lễ diễn ra ở đâu, lúc mấy giờ, thành phần tham dự ; Thân bài: buổi lễ gồm mấy phần, chương trình văn nghệ có những tiết mục gì, ai lên phát biểu, bài phát biểu có những ý gì, ra sao ; Cuối cùng là kết luận: em rất thích buổi lễ (tất nhiên rồi – không thích thì cũng phải nói thích), vì sao thích, em rút ra được những gì sau buổi lễ… vân vân và vân vân... Bây giờ mẹ lại yêu cầu tôi kể theo một cách khác, thú thực là tôi chẳng biết bắt đầu như thế nào.

Có lẽ bắt đầu là việc tôi phải khoác ra ngoài một bộ quần áo tốt nghiệp màu xanh dương. Bộ này tôi đã có dịp mặc một lần vào hồi tốt nghiệp Mẫu giáo. Tôi còn nhớ hôm đó cô Hiệu trưởng trường Mẫu giáo hỏi “Có bạn nào xung phong lên hát không?” Tôi không định xung phong, nhưng chợt thấy bạn Mỹ Duyên đang nhìn mình. Bạn Mỹ Duyên xinh nhất lớp, tôi rất thích nắm tay bạn ấy và thích ngồi gần bạn ấy trong tất cả các bữa cơm. Giây phút cô Hiệu trưởng hỏi, bạn Mỹ Duyên nhìn tôi với vẻ đầy khích lệ. Thế là tôi xung phong hát. Cả trường vỗ tay rần rần, và tôi cảm thấy bạn Mỹ Duyên là người vỗ tay to nhất. Sau đó tôi vào lớp Một và chẳng bao giờ gặp lại bạn Mỹ Duyên nữa. Bây giờ, tôi lại ngồi trước sân trường đầy nắng, súng sính trong bộ quần áo giống y như bộ quần áo năm nào, trong lòng bỗng thoáng một chút nhung nhớ như tôi vừa kể. Hôm nay, sân trường không chỉ có màu áo xanh mà còn có cả màu áo đỏ rực. Áo xanh là áo dành cho tất cả học sinh lớp 5, còn áo đỏ là dành riêng cho những bạn tốt nghiệp với số điểm tối đa là 20. Hôm biết kết quả tôi chỉ được 18 điểm, mẹ có vẻ buồn, vì trước đó tôi có thông báo với mẹ là tôi làm đúng hết, không sai chút nào. Môn Văn không được 10 điểm thì cũng là bình thường thôi, nhưng môn Toán tôi cũng không được 10 điểm làm cho mẹ thất vọng, tôi cảm thấy áy náy lắm. Tôi thanh mình với mẹ:

- Con hiểu bài, làm đúng hết, nhưng bị sơ suất mấy chỗ. Chẳng hạn như khi làm phép tính chia, bên phải là số chia chẵn, bên trái là số chia lẻ, đáng lẽ bên trái con phải viết là 004 thì con lại chỉ viết có số 4. Hay là bài toán đố, người ta hỏi thể tích nước trong bể chứa là bao nhiêu, con trả lời “thể tích nước trong bể chứa là…”, trong khi đáp án viết: “Thể tích của bể cũng chính là thể tích nước trong bể là”. Thế nên con bị trừ điểm.

Mẹ nghe xong, suy nghĩ một lúc rồi bảo tôi:

- Thôi, bỏ qua chuyện này đi! Nếu con không phải là điệp viên 004 thì đối với mẹ cũng như hầu hết tất cả mọi người, số 4 hay số 004 cũng như nhau cả! Còn chuyện thể tích nước cũng là chuyện nhỏ. Có những chuyện lớn hơn, như nhà mình phải trả tiền nước gấp 3 lần những nhà bình thường khác vì mình không có hộ khẩu thường trú ở đây. Hoặc lớn hơn nữa là ở Cà Mau, có nơi người ta phải bỏ ra 1 triệu đồng để mua 1 mét khồi nước sạch. Đó mới thực là những chuyện con cần quan tâm.

Nghe mẹ nói thế, tôi cũng bớt áy náy, nhưng khi cô giáo bảo “Các em hãy viết một bức thư gửi cha mẹ mình, nói lên những tình cảm chân thật nhất, những niềm vui và những nỗi buồn mà em muốn chia sẻ nhất” thì tôi lại nhớ đến điểm số 18 của mình. Tôi viết vào tờ giấy nhiều lắm, trong đó có câu: “Kết quả thi vừa rồi con chỉ được có 18 điểm. Con vô cùng xin lỗi ba mẹ và xin hứa từ nay con sẽ cố gắng hơn để ba mẹ vui lòng”. Tôi viết xong, bỏ vào phong bì dán lại. Trong buổi lễ Tri Ân, tôi chạy đến bên mẹ, đưa tờ giấy rồi nói thầm đủ để mẹ nghe: “Đây là thư con gửi ba mẹ, nhưng thôi, mẹ cất đi, đừng đọc nhé!”.

Tôi chẳng biết tại sao mình đã bỏ công ra viết thư, rồi lại không muốn cho ba mẹ đọc? Tôi hay tự mâu thuẫn với mình vậy đó. Chuyện này cũng giống như chuyện tôi với bạn T.Tâm. Bạn T.Tâm là bạn gái duy nhất làm cho tôi cảm thấy xúc động mỗi khi đứng gần. Cảm giác xúc động này đến với tôi từ năm lớp 3 và càng ngày tôi càng thấy nó rõ rệt hơn. Mỗi khi bạn T.Tâm đến bên tôi, nở một nụ cười thân thiện là tôi lại thấy tim mình đập rất to – to đến nỗi tôi sợ chính bạn T.Tâm cũng nghe thấy. Tối về nhà, thỉnh thoảng tôi nhớ bạn ấy ghê gớm, cũng có đôi khi tôi hạ quyết tâm ngay hôm sau sẽ tìm cách nắm tay bạn ấy một cái. Tôi thấy mình thật cương quyết và tự nhủ chuyện ấy chẳng có gì khó, ngay ngày mai mình sẽ làm. Nhưng rồi hết ngày này qua ngày khác, tôi chẳng làm được. Thậm chí mỗi lần bạn ấy đến gần, tôi còn vội vàng lảng ra xa.
Hôm nay cũng thế, suốt buổi lễ, tôi không ngồi gần bạn T.Tâm. Ở trên sân khấu, các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn lần lượt diễn ra. Các bạn ngồi dưới và phụ huynh ngồi xung quanh vỗ tay rần rần, còn tôi thì không thể nào rời mắt khỏi cái bím tóc dễ thương cứ ngoắt qua ngoắt lại một cách vô tình. Hôm nay là buổi cuối cùng ngồi ở cái sân trường quen thuộc này, có khi nào cũng là buổi cuối cùng tôi được thoả sức nhìn ngắm cái nơ hồng hồng, cái cổ cao cao và đôi mắt mí lót luôn ẩn nụ cười thân thiện kia không?

Sau các tiết mục văn nghệ là đến phần phát biểu của cô Hiệu trưởng. Thứ hai nào tôi cũng ngồi ở đây nghe cô phát biểu rồi, nên tôi chẳng lạ gì nữa. Đại khái cũng là “Các em học sinh thân mến, hôm nay là ngày…, để đạt được thành quả này, ngoài công của các thầy cô giáo, không thể không kể đến công lao của các bậc cha mẹ…, cô mong các em hãy…” này nọ. Thôi, đại ý vậy đi, kể mãi chán lắm. Rồi đến phần phát biểu của đại diện cha mẹ học sinh. Lại cũng na ná như thế. Cũng cám ơn các thầy cô từ cô Hiệu trưởng đến các thầy cô chủ nhiệm, đến các cô bảo mẫu, các bác lao công, vân vân và vân vân… Ở đưới, đám bạn bè bắt đầu quay qua quay lại, chơi đập tay, chuyền cho nhau xem những món đồ chơi mà ngày thường không được mang vào lớp học. Tiến ồn ào râm ran lan từ chỗ này đến chỗ kia. Mấy bạn Sao đỏ bắt đầu đứng dậy làm nhiệm vụ của mình. Tất cả chúng tôi, hầu như ai cũng ghét mấy đứa Sao đỏ. Chúng rất hách dịch và chuyên đi mách lẻo. Ghét thì ghét đấy, nhưng trong thâm tâm, đứa nào cũng ao ước một lần trong đời được làm Sao đỏ để xem cảm giác quyền hành sung sướng như thế nào. Ở ngay phía sau tôi là một Sao đỏ đang gườm gườm quát mấy bạn đùa giỡn. Các bạn lập tức im thin thít. Mà kể cũng lạ, chỉ một lát nữa thôi, chúng tôi sẽ chia tay, ai về nhà nấy, tất cả đều bình đẳng. Thế mà đến giây phút này, mọi người cũng vẫn sợ Sao đỏ ghi tên. Có khi nào cái từ Sao đỏ sẽ ăn sâu vào đầu óc chúng tôi mãi mãi với nỗi khiếp sợ vô lý đến khó hiểu không nhỉ? Chịu, tôi không biết được!

Phần cuối cùng của buổi lễ là bài phát biểu của đại diện học sinh lớp 5. Một bạn trai đeo kính bước lên bục. Cả trường bỗng yên lặng hướng hết về phía sân khấu. Bạn trai cất giọng du dương, phát âm đúng chuẩn, lúc trầm lúc bổng: “Thế là thấm thoát 5 năm học đã trôi qua. Nhớ ngày nào, chúng em như những con chim non ngơ ngác đứng trước sân trường, được đôi bàn tay ân cần của các thầy cô dìu dắt…” Tôi bỗng chốc thấy da gà mình nổi lên rần rật. Tôi chẳng thể nào nói được như bạn ấy đâu, thậm chí bảo tôi viết bài phát biểu tương tự như vậy tôi cũng chẳng viết được. Mà nếu tôi có viết được hoặc có khả năng diễn đạt rõ ràng như bạn ấy thì tôi cũng không thể lên trước sân khấu nói những điều hoàn toàn không phải cảm nghĩ của mình như vậy. Èo, mắc cỡ chết! :p . Dưới sân trường, đột nhiện có vài bạn gái rơm rớm nước mắt. Tôi không xúc động gì với bài phát biểu, nhưng thấy các bạn chảy nước mắt, tự nhiên tôi cũng hơi nghẹn ngào. Có điều, mình là con trai, phải cứng rắn lên, ai lại khóc bao giờ! Ở trên kia, bạn trai vẫn thao thao: “Giờ đây, khi chúng ta chuẩn bị rời xa mái trường thân yêu này, xin gửi lại lời chào đến các lớp đàn em còn ở lại. Mong các em hãy viết tiếp… viết tiếp… viết tiếp…” Bạn ấy lúng túng, chắc là… quên bài!  Cả sân trường như nín thở vì sợ hỏng bài phát biểu. Ở phía sau hậu trường, thấp thoáng bóng một cô giáo chạy lên “nhắc vở”: “Viết tiếp những trang truyền thống của trường”. Bạn trai nhắc lại: “Viết tiếp những trang truyền thống của trường”. Ôi trời, cả trường thở phào!

Buổi lễ kết thúc. Mọi người chạy ùa ra chụp hình. Mẹ cũng lấy máy ảnh ra định chụp, nhưng tôi trốn mất. Từ năm lên 10 tuổi đến nay, tự nhiên tôi mọc ria mép. Ria càng ngày càng đen làm cho tôi hết sức xấu hổ. Tôi luôn trốn chụp hình là vậy. Không chụp được tôi, mẹ bèn quay sang chụp bạn T.Tâm. Bạn T.Tâm cười rất tươi như bạn ấy xưa nay vẫn thế. “Tạm biệt N. nhé!” Bạn ấy chỉ nói vậy rồi leo lên phía sau xe máy của mẹ bạn, đi mất.

Hôm nay là ngày cuối cùng của tôi ở trường Tiểu học. Nhiều năm nữa, không biết tôi có còn nhớ ngày này không, nhưng có một điều chắc chắn tôi sẽ không quên được, đó là hôm ấy có hai người phụ nữ mà tôi rất yêu thương đã có mặt trong lễ Tổng kết của tôi. Mai này, một người sẽ tiếp tục đưa tôi đến trường cấp II, còn người kia…chẳng biết có còn gặp lại nữa không. Mấy ngày trước, đám bạn gái cứ chuyền tay nhau những quyển lưu bút, trong đó ép mấy cánh hoa phượng đỏ. Tôi thường bảo các bạn ấy “sến”. Nhưng hôm nay, đứng giữa sân trường, ngước nhìn lên mấy cành phượng đỏ rực, tự nhiên tôi cứ nhớ cái bím tóc lúc lắc, và tự nhiên tôi thấy mình cũng... sến!