.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Bà mặc áo tím hoa cà


Ngày 9/6/1990 Ông ngoại mình (74 tuổi) có bài thơ gửi cho các con và các cháu đọc. Bài này không được chọn in trong tập thơ của Ông. Hôm nay lang thang trên Facebook, bắt gặp bài thơ này, do một chú con rể ông, còn lưu giữ , vừa post lên. Vừa đọc, vừa cười, vừa lau nước mắt.

Mọi thứ trên Facebook ngày mai sẽ trôi tuột đi mất, mình cóp lại, đem về đây để dành, lâu lâu mở ra ngắm một tình yêu chẳng bao giờ có tuổi.


Bà mặc áo tím hoa cà



Trầm ngâm ngắm lọ nước mơ
Ông ngồi làm một bài thơ ... nịnh Bà.

Bà mặc áo tím hoa cà
Có hai chùm cúc buông tà hai bên
Nhẹ nâng bộ tí cao thêm
Làm bà thêm đẹp, thêm duyên đậm đà.

Bà mặc áo tím hoa cà
Nhẹ nhàng thanh thản đi ra đi vào
Bà mình mới đẹp làm sao
Ông mình ngơ ngẩn lao đao vì Bà

Bà mặc áo tím hoa cà
Ung dung ngồi ở giữa nhà nghỉ ngơi
Suy tư, nhàn nhã, thảnh thơi
Mơ màng dõi hướng chân trời xa xa.

Bà mặc áo tím hoa cà
Nghiêng mình tựa bóng bình hoa cúc vàng
Bâng khuâng, trầm mặc dịu dàng
Bức tranh tuyệt tác "Cô nàng bên hoa".

Bà mặc áo tím hoa cà
Đi bài thể dục: người già dưỡng sinh
Nhịp nhàng khi chậm, khi nhanh
Tiến, lui khoan nhặt ai xinh hơn Bà.

Bà mặc áo tím hoa cà
Dễ dàng, cởi mở thực thà hơn ai
Trải bao cay đắng mọi mùi
Mà sao Bà vẫn tươi cười như hoa.

Bà mặc áo tím hoa cà
Săn sóc con cháu, việc nhà chăm lo
Từ việc nhỏ đến việc to
Cơm dẻo, canh ngọt, ấm no cậy Bà.

Bà mặc áo tím hoa cà
Mang làn đi chợ mua cà về bung
Giận Ông, Bà vẫn chiều Ông
Nuôi Ông, Bà biết là Ông thích cà.

Bà mặc áo tím hoa cà
Ông mang kính lão cùng Bà dạo chơi
Rõ ràng đẹp lứa xứng đôi
Răng long, đầu bạc Ông vui bên Bà.
Bà mặc áo tím hoa cà
Mời Ông đi nếm phở gà điểm tâm
Bà cười: "Ông dở, Ông hâm"
Tại sao Ông cứ đăm đăm ngắm Bà?

Bà mặc áo tím hoa cà
Ông Giời khéo kết duyên Bà với Ông
Đôi ta tình nghĩa mặn nồng
Trăm năm ấm lạnh có Ông có Bà

Bà mặc áo tím hoa cà
Khen thơ Ông viết nịnh Bà có duyên
Thưởng cho Ông đúng một nghìn
Lên câu lạc bộ làm tiền uống bia

Bà mặc áo tím hoa cà
Ông sơ mi trắng, giặt là mới toanh
Bà đi dép đẹp màu xanh
Ông mang kính trắng long lanh gọng vàng
Bà che dù đỏ Thái Lan
Ông túi du lịch nhẹ nhàng trên vai
Ung dung, lịch sự, khoan thai
Người ta cứ tưởng là hai Việt Kiều
Về thăm tổ quốc thân yêu
Chắc rằng trong túi có nhiều Đôla.

Bà mặc áo tím hoa cà
Ông mang soóc lửng, bị Bà chê Ông:
"Người đâu trông thực khó trông
Sao Ông chẳng biết rằng Ông đã già!"

Bà mặc áo tím hoa cà
Ông khen Bà đẹp thì Bà mắng Ông:
"Nịnh vợ mà cũng chẳng xong
Duyên Ông đã hết, tuổi Ông đã già!"

Bà mặc áo tím hoa cà
Ông ghé tai Bà, kể chuyện ngày xưa
Bà rằng: "sao chẳng biết dơ
Già rồi mà vẫn ẫm ờ ba hoa"

Bà mặc áo tím hoa cà
Ưa món bánh đúc, thích quà Hồng Xiêm
Mỗi người một khẩu vị riêng
Ông mê xôi lạc cho nên khác Bà!

Bà mặc áo tím hoa cà
Ông thích đi bộ, còn Bà xích lô
Ông mê dạo cảnh bờ hồ
Bà say lễ Phật ở chùa Quang Hoa

Bà mặc áo tím hoa cà
Hai mái đầu bạc hay cà khịa nhau
Bà ơi, tình nặng nghĩa sâu
Tình xưa khăng khít, nghĩa sau đậm đà

Bà mặc áo tím hoa cà
Ông thương Bà lắm, càng già càng thương
Con tằm vương mối tơ vương
Gừng cay, muối mặn, đoạn trường cùng qua.

Bà mặc áo tím hoa cà
Có hai chùm cúc buông tà hai bên
Bà mình vừa đẹp vừa duyên
Ông thương Bà lắm, Ông khen thực lòng.

Bà ơi đừng vội mắng Ông
Ông buồn! Ông biết rằng Ông đã già
Mặn nồng tình nghĩa đôi ta
Áo tím hoa cà, thương hỡi là thương!

---- -Bà mặc áo tím hoa cà......

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Note cho buổi sáng mưa



L ạ c


Tinh mơ lạc trận mưa rào
Có con chim sẻ lạc vào mái hiên
Anh liêu xiêu lạc vào em
Để câu thơ lạc giữa lem nhem buồn.


Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Chuyện ma của ông ngoại (3)

Chuyện thứ ba: TRÊN ĐỒI


Thời Pháp, ở Hà Nội có trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp sáng lập và quản lý. Ông Ngoại tôi tên B, ông là sinh viên của trường. Đã là sinh viên Mỹ thuật thì - thời nào cũng vậy - việc đi thực tế mỗi năm hai lần, ở một miền quê nào đó là việc đương nhiên. Lần ấy, chàng sinh viên B cùng một người bạn đi thực tế ở một làng vùng trung du, cách Hà Nội ngót trăm cây số.

Anh B và bạn ở nhà một người quen. Sau một tuần lễ làm quen, vẽ ký hoạ chân dung một vài người trong làng, hai anh đi lang thang tìm chỗ vẽ phong cảnh và nhìn thấy một quả đồi ở xa xa, không thuộc địa phận của làng. Hai anh quyết định rủ nhau sáng sớm mai sẽ lên đồi ký hoạ phong cảnh.

Khi những tia nắng ban mai vừa lên, họ quầy quả mang bảng vẽ, giấy, bút, màu lỉnh kỉnh lên đồi. Thằng bé 6 tuổi tên Tèo, con của ông bà chủ thấy hai vị khách chuẩn bị đi chơi cũng lon ton chạy theo. Ở chân đồi, họ gặp một lão già trông bẩn thỉu, rách rưới, tay vẫn còn cầm một chai rượu, ngật ngưỡng đi về phía họ.

- Các anh đi đâu đấy? Lão cất giọng lè nhè hỏi.
- Chúng cháu đi lên đồi. Anh B trả lời qua quýt.
- Này, tôi bảo - lão già đằng hắng khạc đờm trong cổ họng - Lên đó thì lên một người thôi, chớ lên mấy người, lại còn thêm thằng bé này nữa, không hay đâu. Lên càng đông thì lại càng chết nhé!

Nói rồi lão bỏ đi, cười khùng khục, tiếng cười nghe rờn rợn, nửa người nửa chẳng giống người.

Mới sáng ra đã gặp chuyện khó chịu, nhưng hai anh sinh viên cố gạt bỏ hình ảnh lão già say rượu ra khỏi tâm trí để chuẩn bị cho một ngày làm việc phấn chấn. Trên đồi, gió hiu hiu mát. Từ đỉnh đồi, có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát một khung cảnh rộng lớn. Có thể thấy xa xa, cổng làng yên ả với lũy tre ánh lên màu xanh pha màu vàng óng của nắng sớm. Hai người bạn đi loanh quanh, mỗi người chọn cho mình một góc cách xa nhau để đặt bảng vẽ. Họ mải chăm chú thu vào tầm mắt bố cục và màu sắc của bức tranh nắng sớm, không ai nói với ai câu nào. Thằng Tèo chạy quanh một lát, nắng lên, cu cậu có vẻ chán nên bảo: “Thôi, các chú ở đây, cháu về nhà đây”. Anh B nhìn theo bóng nó khuất ở lưng chừng đồi, mỉm cười, nhớ lại hồi bằng tuổi nó, mình đã bắt đầu mê vẽ.

Rồi anh B cắm cúi ký hoạ. Bỗng anh nghe ở phía đằng kia, bạn mình nói mấy câu gì đó bằng tiếng Pháp.

- Anh nói gì, tôi không nghe rõ? Anh B hỏi bạn cũng bằng tiếng Pháp.

Bạn anh quay lại, ngơ ngác hỏi bằng tiếng Việt:

- Ơ, tôi có nói gì đâu!

Anh B tự nhủ chắc mình nghe nhầm. Nhưng chỉ được một chốc, anh lại nghe có giọng nói bằng tiếng Pháp.

Và…

Anh bỗng rùng mình sởn gai ốc. Giữa ngọn đồi hoang vắng không một bóng người, anh không chỉ nghe một giọng nói mà còn nghe rõ có hai giọng khác nhau đang đối thoại, hay nói đúng hơn là họ đang cãi nhau bằng tiếng Pháp. Anh buông bảng vẽ, chạy nhanh đến chỗ bạn mình. Bạn anh, trái lại, vẫn bình thản vẽ như không hề nghe âm thanh gì.

- Anh không nghe gì thật sao? Anh B hỏi nhỏ trong hơi thở dồn dập.
- Không! Có chuyện gì vậy?

Im lặng một chốc. Giọng nói lại vang lên từ đâu đó ở gần hai người. Theo hướng âm thanh, anh B nhìn sang phía chênh chếch và phút chốc nhận ra có mấy ngôi mộ ở ngay sau lưng bạn mình. Không nói thêm câu nào nữa, anh chạy về chỗ, vơ vội đồ nghề rồi giục bạn:

- Về thôi! Về nhanh! Nhanh!

Sự hốt hoảng của anh B lây cả sang anh bạn. Họ vội vã đứng lên. Vừa cất chân định bước đi, anh B lại nghe tiếng người, lần này nói bằng tiếng Việt:

- Này, hai anh kia, chạy đâu! Đã lên đây, lại còn dám ngồi quay lưng vào ta thì ta không để cho các anh yên đâu!

Anh B lắp bắp:
- Không, chúng tôi không cố ý, xin lỗi, chúng tôi đi đây!

Anh bỏ chạy. Bạn anh thở hổn hển chạy theo, vẫn chưa hết ngơ ngác. Chạy xuống đến chân đồi, họ lại bắt gặp lão say rượu. Lão lại cười khùng khục rờn rợn như lúc sáng:
- Thấy rồi phải không? Sắp có chuyện rồi!

Chẳng cần đợi lâu. Chỉ đến trưa đã có chuyện không hay xảy ra. Người bạn anh B bỗng nhiên choáng váng, nôn mửa rồi lên cơn sốt. Chủ nhà phải luộc trứng, lấy tóc rối đánh gió và cho anh uống nước gừng, bệnh tình mới đỡ hơn một chút. Mải lo cho bạn anh B, mọi người không để ý trưa hôm đó, thằng Tèo con ông chủ nhà đi đâu, không thấy về ăn cơm. Đến chừng phát hiện ra thì trời đã xế chiều. Mọi người hoảng hốt túa ra đi tìm khắp ngả. Thằng Tèo mới 6 tuổi, có đi đâu thì cũng không thể đi xa khỏi luỹ tre làng. Vậy mà tìm khắp làng trên xóm dưới cũng chẳng thấy nó đâu. Mẹ thằng Tèo bắt đầu hoảng loạn, gào tên con, khiến anh B lòng dạ rối bời. Anh biết dù gì thì mình cũng có một phần lỗi trong đó, khi đã không cản khi nó đi theo mình lên đồi.

Anh chạy ra khỏi cổng làng thì bất chợt ngừng lại vì nhác thấy lão già ban sáng đang đang ngật ngưỡng đi về phía mình. Anh định quay đi hướng khác để tránh mặt lão, nhưng không kịp nữa rồi. Lão gọi:
- Này, anh kia! Có chuyện gì, kể đi!

Anh B đành thuật lại vắn tắt cho lão nghe những sự kiện xảy ra từ sáng đến giờ. Nghe xong, lão cất giọng khàn khan, nhừa nhựa bảo:
- Cái làng này không ai tin ta. Hồi sáng, anh đã chứng kiến chuyện trên đồi. Anh là người ở nơi khác đến, anh có tin ta hay không thì tuỳ! Ta bảo, nếu muốn tìm được thằng Tèo còn nguyên vẹn thì anh phải quay lên đồi ngay bây giờ, kẻo muộn.

- Lên đó xong cháu phải làm gì nữa? – Anh B hoang mang hỏi, trong người không khỏi cái cảm giác rợn sống lưng khi nghĩ lại chuyện hồi sáng.

- Chỉ có anh là nghe được những tiếng nói ấy. Vậy thì phải đến đúng chỗ cũ rồi tiếp tục nghe xem họ nói gì. Đi một mình, không được có thêm ai nữa, kẻo rồi người ta lại bị vật như cậu bạn đấy. Sợ rồi hả? Vậy thì vào nhà ta uống hớp rượu cho tỉnh.

Bán tín bán nghi, nhưng chẳng còn cách nào khác, anh B theo lão già về túp lều tồi tàn của lão, hớp mấy ngụm rượu để lấy tinh thần. Mặt trời xuống thấp, hắt nốt những tia nắng cuối cùng xuống rặng tre trước khi tắt hẳn. Lão già đưa cho anh B một chiếc đèn bão, bảo: “Cầm lấy, lát nữa là cần đấy”.

Có chút rượu, anh B lấy hết can đảm, một mình trở lại đồi.

Lên đến chỗ hai anh ngồi hồi sáng là vừa đúng lúc trời sập tối. Gió thổi. Anh nghe như trong từng cơn gió có những tiếng thở dài não nuột. Gió thổi qua tai anh, thổi vào sau gáy như thể có bàn tay vô hình nào đó đang vươn những ngón tay dài lướt qua cổ anh. Anh run bần bật, châm lửa mãi mới thắp được đèn. Lấy hết can đảm, anh nói to:

- Xin các vị khuất mày khuất mặt thứ lỗi cho con nếu con có làm điều gì phật ý các vị. Con đi tìm thằng Tèo, cầu xin các vị giúp cho con. Cháu nó còn bé quá…

Chưa kịp dứt lời, anh chợt nghe thấy có tiếng gì đó trong gió thoảng. Trống ngực đập thình thịch, mồ hôi vã ra lạnh toát, anh nín thở lắng nghe. Tiếng nói rõ dần, anh xác định được là tiếng Pháp.

- Tôi biết là anh sẽ quay lại đây mà – Người Pháp nói – Nhưng chắc tôi không giúp gì được cho anh đâu. Chỉ một người có thể giúp được. Ông ta đang nằm bên cạnh tôi đây. Này ông Phan, có gì muốn nói với anh bạn trẻ này không?

Im lặng một lát. Anh B cảm thấy như thời gian kéo dài lê thê và có vẻ như anh sắp ngất xỉu vì tim đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Rồi có tiếng người cất lên, lần này là tiếng Việt:

- Khá khen cho anh một mình đến nơi này. Tôi rất mừng là cuối cùng cũng có một người nghe được tiếng nói của mình để tôi có thể kể cho người ấy một câu chuyện. Câu chuyện đã làm tôi chết rồi mà vẫn không được thanh thản.

Hồi còn sống, tôi là con út trong một gia đình khá giả. Tôi sống phóng túng, mãi chưa chịu lấy vợ. Rồi bố mẹ tôi lần lượt qua đời. Tôi được chia cho nhiều tiền bạc. Tôi cầm tiền đi lang thang khắp nơi, đến khi số tiền chỉ còn lại một nửa thì tôi đến làng này. Tôi phải lòng một người con gái ở đây và quyết định dừng chân để xây dựng một tổ ấm. Với nửa số tiền còn lại, tôi cũng còn giàu hơn khối người, nên chuyện cưới vợ với tôi cũng thật dễ dàng. Chỉ có điều, hai vợ chồng ở với nhau đến mấy năm mà chẳng đẻ được đứa con nào. Một lần, tôi tìm đến một thầy lang nổi tiếng. Ông ta bắt mạch rồi báo cho tôi một tin sét đánh: tôi không thể có con. Tôi buồn đến nẫu cả người, nhưng giấu, không cho vợ biết.

Thêm một năm nữa trôi qua. Một ngày, vợ tôi bỗng thông báo là cô ấy có chửa. Tôi lặng đi rất lâu khi nghe tin ấy. Tôi muốn tin là có một phép màu kỳ lạ khiến cho chúng tôi có con, nhưng một nỗi ám ảnh cứ bám riết lấy tôi mỗi khi nhớ đến lời ông thấy lang đã phán.

Đứa trẻ ra đời được 2 tháng thì tôi bắt gặp vợ mình đang lén lút với thằng đàn ông khác. Tôi không muốn kể lại câu chuyện trần trụi nhục nhã ấy ra đây, chỉ biết rằng lúc đó, trong người tôi như có một dòng máu điên chảy rần rật. Tôi xách dao chạy đến, định băm vằm cái thằng khốn nạn đã cướp vợ mình, nhưng chẳng may hắn lại khoẻ hơn tôi. Vật lộn một lúc, hắn dìm đầu tôi vào lu nước và cứ giữ như thế cho đến khi tôi chết ngạt.

Giờ tôi nằm đây, bên cạnh ông bạn người Pháp dở hơi này. Hắn chết không toàn thây, cũng chẳng có được một ngôi mộ tử tế. Vậy mà hắn toàn nói với tôi về lòng vị tha, về sự khoan dung, trong khi trong tôi không thể nguôi ngoai mối căm thù. Hàng ngày, tôi nung nấu ý nghĩ muốn bóp cổ cái thằng chủ nhà mà anh đang ở. Chính nó đã cướp vợ tôi. Rồi vì sức yếu, không thể làm được việc đó, nên tôi quyết tâm phải bắt thằng Tèo, cho vợ chồng chúng nó nếm mùi đau đớn. Tôi không thể làm gì đối với người khoẻ mạnh như anh, nhưng có thể vật ngã những người yếu hơn, như bạn của anh chẳng hạn. Nhất là sáng nay hắn lại phạm thượng quay đít vào tôi. Khà khà, hôm nay quả là một ngày đẹp trời khi các anh dẫn thằng Tèo lên đây nộp mạng cho tôi.

Người trong mộ cười gằn, tiếng cười khàn đục từ cõi âm vọng lên đủ để khiến cho một người bình thường có thể sợ hãi đến ngất xỉu. Anh B cố giữ cho mình khỏi khuỵu xuống vì anh hiểu tính mạng của thằng Tèo phụ thuộc hoàn toàn vào mình. Anh B lấy hết sức giữ cho giọng mình khỏi run rẩy:
- Thưa ông, tôi đã nghe hết câu chuyện. Tôi hiểu, ai ở trong hoàn cảnh của ông cũng sẽ đều căm giận như vậy. Nhưng xin ông hãy rủ lòng thương. Thằng bé chẳng có tội tình gì. Nếu ông bắt nó đi thì oan cho nó lắm. Người chết thì đã chết rồi, thêm một mạng người nữa phải chết, thêm nỗi đau đớn tột cùng cho những người còn sống, phỏng có làm cho ông thanh thản hơn không?

Tiếng người Pháp nói chen vào:
- Cậu ấy nói đúng đấy. Tôi nghe được, nhưng không thạo nói tiếng Việt, nên không thể diễn đạt được ý mình đầy đủ như vậy. Ông Phan à, ông suy nghĩ lại đi.

Người tên Phan gằn giọng, tiếng nói rít qua kẽ răng như tiếng gió thổi từ địa ngục:
- Này, tên kia, mi giỏi thật! Mi đã dẫn xác lên đến đây còn dám cãi lý với ta à! Ta kể cho mi nghe câu chuyện không phải để mi dạy khôn ta nhé!

Tiếng nói vừa dứt, một luồng gió lạnh buốt thổi vào mặt anh B làm anh thấy xây xẩm, choáng váng. Ngọn đèn trong tay anh chao đảo.

- Ông muốn giết cả tôi à! – Vừa giữ thăng bằng cho mình khỏi ngã, anh B vừa khảng khái đáp – Tôi không sợ ông! Hãy trả thằng bé đây!

Một luồng gió nữa tạt mạnh vào người anh. Có tiếng Pháp vọng đến tai anh:
- Chạy đi, chạy xuống đồi, về hướng Tây. Gặp một bụi cây rậm rạp thì tìm trong đó. Chạy đi, nhanh lên kẻo muộn!

Anh B chạy. Cơn gió lạnh gầm rít đuổi theo sát sau lưng anh. Ở lưng đồi, cơn gió dường như đuổi kịp, quất mạnh vào người khiến anh vấp ngã. Chiếc đèn bão văng ra xa, tắt ngấm. Cơn gió vây lấy anh, vươn những ngón tay vô hình xiết chặt cổ họng anh. Anh B ho sặc sụa, vùng vẫy cố thoát khỏi những ngón tay khủng khiếp ấy. Rồi bỗng nhiên, anh trượt thêm lần nữa và lăn lông lốc xuống phía dưới. Anh bị mắc phải một bụi cây, dừng lại, và đột nhiên thấy cơn gió biến mất. Định thần mấy giây, anh nghe trong bụi cây có tiếng rên rỉ khe khẽ. Chẳng còn đèm đóm gì, anh căng mắt bò vào giữa bụi cây, mặc cho những chiếc cành khô móc rách áo, cào vào da thịt đến chảy máu. Anh lờ mờ nhìn thấy thằng Tèo ngồi thu lu ở chính giữa bụi, chẳng biết nó chui vào đó bằng đường nào. Nó không nói được vì hình như trong mồm ngậm đầy đất, chỉ ú ớ những từ vô nghĩa.

Anh B lôi được thằng Tèo ra, cõng nó về nhà. Suốt dọc đường về, không còn cơn gió nào đuổi theo anh nữa.

Thằng Tèo nằm nghỉ mấy hôm thì bình phục. Nó không nhớ được gì nhiều, chỉ kể rằng vào buổi sáng hôm ấy, lúc chạy xuống đồi, nó gặp một người đàn ông rủ nó đi ăn cỗ. Nó theo người ấy đi, được ăn rất nhiều món ngon. Cha mẹ thằng Tèo lập một bàn thờ giữa sân tạ ơn Trời Đất đã phù hộ cho nó tai qua nạn khỏi. Còn anh B và bạn anh thì bỏ dở chuyến đi thực tế, quay lại Hà Nội sớm hơn dự định. Trước khi đi, anh B gọi chị chủ nhà ra chỗ riêng nói chuyện. Anh bảo chị nếu cảm thấy mình đã phạm lỗi gì với một ai đó đã chết thì hãy thành thật ăn năn, xin người ta tha lỗi và hàng ngày cầu cho người ta được thanh thản, trút bỏ hận thù mà siêu thoát. Chị chủ nhà lặng người, không nói được câu nào.

Nhiều năm trôi qua, sau ngày hoà bình lập lại, anh B – lúc đó đã là giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội – mới có dịp trở lại nơi thực tập năm xưa. Anh tìm lại ngọn đồi, nhưng rồi lưỡng lự chẳng dám lên. Thôi thì hãy để cho mọi thứ ngủ yên, hy vọng mọi hận thù đã được quên lãng. Anh chỉ băn khoăn thương cho người Pháp - có lẽ là một người lính chết trận - còn nằm lại trên đồi, không có được một ngôi mộ tử tế, không có được những bàn tay của người thân hàng ngày chăm sóc. Nhưng rồi anh lại nghĩ, có lẽ người ấy thực sự chẳng cần đến những thứ mà người Á Đông chúng ta vẫn cho là quan trọng. Một khi thân xác đã trở về với cát bụi và tâm hồn luôn thanh thản thì nơi người ta đến chắc hẳn đã là chốn Thiên đường, còn gì nữa để mà bận tâm, mà vướng vít!

******************************

Trong các chuyện ma của ông Ngoại, tôi thích nhất câu chuyện này, có lẽ là do tính chất ly kỳ của cốt truyện. Câu chuyện được kể xong bao giờ cũng là lúc đến giờ phải đi ngủ. Ông hôn lên trán tôi: "Ngủ ngoan cháu nhé!"

Ngày ông mất, tôi bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, hôn lên trán ông, thì thầm: "Ngủ yên ông nhé!" Tôi nhớ đến câu chuyện của ông và biết nơi ông ở chắc chắn sẽ là chốn Thiên đường.


Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Ha ha =))

Trên mạng có mấy bài văn bất hủ của các cháu, đọc từ lâu rồi, nhưng  cứ lúc nào quá căng thẳng, mở ra đọc lại thì cũng được một trận cười lăn cười bò, giảm xì trét.

Có người đọc xong, nhận xét rằng đây là chuyện đáng buồn về thực trạng dạy văn, học văn ở nước ta. Mình thì thấy đúng là chuyện dạy - học môn Văn ở ta quả là đáng buồn, nhưng là đáng buồn ở những bài văn khác. Ở đây, mình chỉ thấy sự ngô nghê, buồn cười của con trẻ. Xem ra nó vẫn sống động và có tác động tích cực gấp nhiều lần so với mấy bài văn mẫu mà trẻ con cứ nhắm mắt mà "tương" vào bài, và cô giáo cứ nhắm mắt mà chấm, miễn sao cho đúng với đáp án và thang điểm là được.

Không thể trách được các cô giáo, vì với cơ chế giáo dục như hiện nay thì các cô còn có lựa chọn nào khác? Nghe đồn Bộ trưởng Bộ GD lên TV tuyên bố là năm 2015 sẽ có SGK mới. Lại cũng nghe đồn là đến thời điểm này, các nhà nghiên cứu làm SGK vẫn đang... lung bung, chưa thống nhất được sẽ làm theo hướng nào.

Hehe. Làm SGK phải chuẩn bị trước khoảng 6-7 năm. Vậy thì làm cách nào để có sách mới vào năm 2015 nhỉ? Nhức đầu quá!

Thôi, lại lấy văn của các cháu ra đọc vậy!

Những bài văn bất hủ của học trò

Đề: Tả ông nội.
Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây?
Đề: Tả một dụng cụ lao động.
Chiếc xẻng nhà em có rất nhiều công dụng, để hốt rác, và còn dùng để xúc cứt chó nữa.
Đề: Miêu tả về bố.
Bố em có một hàm răng vàng, hàm răng vàng luôn chỉ bảo em những điều hay lẽ phải.
Đề: Em hãy miêu tả mùa Xuân.
Mùa xuân ở quê em mở rất nhiều hội. Những ngày ấy trên đường có rất nhiều các ông các bà tay cầm ô đen ô đỏ đứng nói chuyện râm ran như bầy chim líu lo gọi mẹ.
Đề: Tả cây chuối.
Nhà em có cây chuối rất to, chiều nào em cũng leo lên cây chuối ngồi hóng mát. Khi em leo lên, cành chuối rung rinh.
Đề: Tả một con vật mà em yêu nhất.
Nhà em có nuôi một con gà trống rất đẹp, em rất yêu nó. Hằng ngày, em cho nó ăn. Chiều chiều, em dắt nó đi dạo mát 15 phút.
Đề: Tả về cô giáo mà em yêu quý.
Cô giáo em rất đẹp. Cô có vầng trán cao thể hiện sự thông minh. Mái tóc cô dài thướt tha như dòng nước. Nhưng em thích nhất vẫn là cái răng nanh của cô, nó làm cho nụ cười của cô thêm phần quyến rũ. Cô còn hay đọc tập làm văn cho tụi em chép nữa.
Đề: Tả người thầy em yêu quý nhất.
Thấm thoắt đã ba mùa hoa ban nở, thầy giáo phải tạm biệt chúng em để về xuôi. Cả làng cả bản đứng tiễn thầy vô cùng ngậm ngùi. Riêng em đứng nhìn theo thầy cho đến khi thầy xa dần, xa dần, đến khi nhỏ bằng con chó em mới quay lại bản.
Đề: Tả anh bộ đội.
Anh bộ đội cao khoảng 1,20 m, súng AK dài 1m rưỡi.
Đề: Tả buổi chào cờ đầu tuần.
Sáng thứ hai tuần nào cũng vậy, trường em lại tổ chức chào cờ. Đầu tiên là thầy hiệu phó phụ trách lao động lên mắng mỏ một tí. Sau đó đến lượt thầy hiệu trưởng lên mắng. Khi thầy hiệu trưởng mắng, cái cục ở cổ thầy cứ chạy đi, chạy lại. 
Đề: Tả cây bàng.
Ở cạnh nhà em cách một quán phở có một cây bàng. Cây bàng đã sống trên 10 năm nên nó đã già và nó đã biến thành cây đa.
Đề: Em hãy tả một con vật mà em yêu thích nhất.
Nhà em có một con chim chích bông, nó nhỏ và xinh, lông nó màu vàng óng, em thấy nó không ngừng nhảy và mổ mồi. Em rất yêu con gà của ông em.
Đề: Tả em bé.
Gần nhà em có một em bé rất dễ thương, vì hay bị té nên đầu em bị móp.
Đề: Đặt câu hỏi với vần: ôm, ốp.
Mẹ em tát em đôm đốp.
Đề: Đặt câu về phần gieo âm tiết.
Có con trâu, bị ruồi bâu. Có con chim, bị vỡ tim.
Đề: Tả con trâu (của một học sinh thành phố).
Nhà em có nuôi một con trâu. Nó đáng yêu lắm. Hàng ngày, mẹ xích nó ở góc hiên. Trên cổ nó có đeo một cái nơ màu hồng thật xinh xắn. Nó ăn rất ít cơm. Nó có khuôn mặt trái xoan thanh tú.
Đề: Tả một buổi học.
Tùng tùng tùng, tiếng trống vang lên báo hiệu đã đến giờ vào lớp. Không còn cảnh nô nghịch, chạy nhảy nhốn nháo nữa. Các bạn, ai ai vào vị trí của người đó. Sách vở để ngay ngắn trên bàn. Cô giáo bước vào lớp. Học sinh đứng dậy chào cô. Cô mặc chiếc áo dài hoa rất đẹp. Tóc cô thẳng mượt thả đến ngang lưng. Cô đặt chiếc cặp đen lên bàn và cất tiếng dịu dàng: "Hôm nay có ai đóng tiền không?"
Đề: Tả con gà trống.
Nhà em có con gà trống rất to, chân dài. Hôm qua nó bị thiến rồi nên nó không đạp mái được nữa.
Đề: Tả con lợn.
Con lợn nhà em. Cái mỏ nó nhọn. Cái đuôi nó cong. Cái mào nó đỏ. Cái cựa nó sắc. Em rất yêu con lợn nhà em.
Đề: Tả bác công nhân.
Tay bác toàn dầu mỡ, trán thì lấm tấm mồ hôi, tai bác như hai cái mộc nhĩ. Thỉnh thoảng bác hay ra bờ rào vườn rau nhà em đi vệ sinh.
Đề: Tả con trâu.
Quê em nhà nhà làm nông nghiệp nên gia đình ai cũng có một con trâu. Chú trâu nhà em rất khỏe mạnh và chăm chỉ. Ngày ngày chú theo bố em ra đồng để cày ruộng. Thân hình chú vạm vỡ, 2 chiếc ngà dương lên oai hùng. Chân chú rất to và đen hơn chân bố em.
Đề: Tả con gà.
Nhà em có nuôi 1 con gà trống, chú ăn rất khỏe lớn rất nhanh càng lớn chú càng giống gà mái.
Đề: Tả về gia đình em.
Nhà em có 3 người, em thì đi học, mẹ em thì làm ruộng, còn bố em làm bộ đội ngoài đảo xa và bán điện thoại di động.
Đề: Tả con gà trống (của một học sinh thành phố).
Nhà em có một con gà trống. Trông nó rất đẹp. Toàn thân nó phủ một màu vàng. Nó chẳng biết gáy cũng chẳng biết làm gì. Miệng nó thường ngậm một bông hoa hồng. Mẹ em thường đặt nó trên bàn thờ để thắp hương cúng cụ.
Đề: Đặt câu có từ Hán Việt.
Cái thủ của bạn Hương rất to.
Đề: Tả về vật nuôi trong nhà em.
Nhà em có một con mèo tam thể rất đẹp. Nó tên là Miu Miu. Lông nó óng mượt. Đôi mắt nó tròn to như 2 hòn bi. Mấy cái râu vểnh lên vểnh xuống. Từ ngày có Miu Miu, chuột chạy hết sang nhà hàng xóm. Em rất quý con mèo nhà em.
Đề: Tả con gà trống.
Mẹ đi chợ mua cho em một con gà trống con. Em rất thích. Sau mấy tháng chăm nom chú gà, bây giờ nhà em có thêm được 5 chú gà con.
Đề: Tả cô giáo em.

Cô giáo em cao 1m3, dáng người to ngang trông rất vừa vặn... Mỗi khi chúng em lên nộp bài, mắt cô sáng lên như 2 cái đèn pin.
Đề: Tả con bò.
Giữa trưa hè nóng nực, em thấy con bò kéo xe trên phố, mồ hôi chảy ròng ròng. Em học tập con bò tính cần cù chăm chỉ.
Đề: Tả chú bộ đội.
Cạnh nhà em có một chú là bộ đội. Năm nay chú đã 20 tuổi đời. Chú luôn đeo súng ngắn. Khi chú ngồi, khẩu súng của chú chìa ra trông rất oai phong.
Đề: Tả người cao tuổi.
Xóm em có rất nhiều bà lão, nhưng em thích nhất là bà Khoái ở cạnh nhà em. Đầu bà to bằng trái dừa, mặt bà nhìn như mặt tượng, hai cái tai nhọn và vầng trán lồi lên sự thông minh. Mỗi khi em qua nhà bà chơi bà thường nói: "Mày ở chơi thêm tý nữa hãy về".

*********************
Các bạn mình "ở chơi thêm tí nữa hãy về" nhé! Đừng bình luận làm chi cho mệt đầu! Cho mình biết bạn thích nhất (một - hoặc những) bài nào? :))