.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Đồng xanh

Trong mắt tôi, Thầy luôn là một người đàn ông “chuẩn man” với dáng vóc vạm vỡ, khỏe mạnh, cơ bắp chắc nịch. Trông Thầy không giống lắm với vẻ bề ngoài của một anh họa sĩ mà ta thường bắt gặp trong các tác phẩm văn chương cũng như ở ngoài đời. Không “bẩn bẩn, nhếch nhác”, không liêu xiêu, lúc nào cũng ngà ngà say và nói những câu chuyện trên mây, Thầy nói chuyện có duyên, cười rất tươi và cái bắt tay luôn khiến người ta có cảm giác vừa tin cậy vừa thân thiện.

Năm đầu tiên bước chân vào trường Mỹ thuật, tôi được xếp vào lớp do Thầy làm chủ nhiệm. Thầy đòi hỏi khá cao ở những đứa sinh viên năm nhất như chúng tôi. Điều đó làm tôi rất quyết tâm mỗi khi làm bài, vì tôi muốn bài mình phải thật hoàn chỉnh, phải được điểm cao. Mỗi khi vẽ xong, lớp bày bài hàng ngang để Thầy nhận xét và chấm, tôi luôn ngắm nghía tác phẩm của mình, trong lòng đầy tự tin và chắc mẩm bài mình sẽ được Thầy tuyên dương, được đem ra làm mẫu cho các bạn. Và quả thật, bài của tôi thường được điểm cao, vì như Thầy nói thì “những bài như thế này, đối với sinh viên năm nhất, không có gì để chê nữa!”. Tôi nở mặt nở mày, trong lòng hỉ hả mà không mảy may suy ngẫm cho kỹ về lời “khen” của Thầy. Chỉ đến một lần, như mọi lần, tôi nộp một bài vẽ chỉn chu, hoàn hảo và khoanh tay đắc ý đợi Thầy mang bài mình lên đặt ở hàng đầu…

Nhưng, tôi đã bị choáng! Thầy đem bài tôi xuống phía gần chót lớp và “phang” cho tôi một điểm 4 mặn chát. Điểm 4 như cái tát giáng thẳng vào mặt tôi. Tôi giận run, bước ra giữa lớp hỏi Thầy:

- Em không hiểu tại sao bài em lại bị điểm kém? Thầy có thể chỉ ra chỗ sai của em được không?

Thầy nhìn tôi mỉm cười:

- Em vẽ khá, tôi không cố tình hạ thấp em, nhưng tôi phải làm những gì cần làm. Hy vọng một ngày nào đó, nhìn lại bài vẽ này, em sẽ hiểu vì sao tôi cho em điểm thấp.

Điểm 4 thầy dành cho tôi mang một ý nghĩa sâu sắc mà tôi biết trong suốt cuộc đời, mình sẽ chẳng thể nào quên được. Đôi khi, người ta cần phải nhận được những cú hích tích cực. Những cú hích có khi làm người ta đau điếng, thậm chí ngã sóng soài, nhưng nếu không có nó, người ta có thể dễ ngủ quên trong sự tự hài lòng, mãn nguyện với những sản phẩm “đèm đẹp” - không mang một dấu ấn riêng nào -  của mình.

Khi ra trường, Thầy gặp tôi với tư cách một đồng nghiệp và gợi lại câu chuyện xưa. Tất nhiên là tôi nhớ từng chi tiết một. Tôi cám ơn Thầy. Cả Thấy và tôi cùng tôi cười xòa, và đó là lần duy nhất chúng tôi nhắc đến điểm 4 ấy.

Là đồng nghiệp, đôi lần chúng tôi đi nhậu với nhau. Thầy không cho tôi gọi Thầy bằng Thầy nữa.

– Ngoắc tay nhé – Thầy bảo – Từ giờ bình đẳng, không đứa nào là Thầy là Trò gì hết. Gọi tớ bằng Anh cho khỏe. Đi nhậu mà cứ thầy thầy trò trò, nhậu cái quái nào được!

Khi cuộc nhậu đã đến hồi “nóng” lên vui vẻ, Thầy thường cao hứng hát. Thầy có tố chất của một ca sĩ với chất giọng ấm và âm vực vô cùng rộng. Bài tủ của Thầy là bài Đồng xanh:

Đồng xanh là chốn đây, thiên đường cỏ cây
Là nơi bầy thú hoang đang vui đùa trong nắng say
Đây, những dòng suối vắng im phơi mình bên lùm cây
Đây những dòng nước mát khẽ vươn tay về thung lũng
Và những đôi nhân tình đang thả hồn dưới mây chiều.
Ta yêu đồng xanh như đã thương yêu con người
Ta yêu đôi tình nhân kia, như gió thương yêu mây tr
ời …”

Thầy hát “phiêu” như những bức tranh Thầy vẽ. Chúng tôi thì phiêu theo giọng hát của Thầy. Những lúc ngà ngà như vậy, chúng tôi thấy cuộc đời là những bức tranh còn thơm mùi sơn dầu mới vẽ, còn ướt đẫm những mảng màu tươi rói của những cánh đồng ngát hương Tình yêu. Chỉ thế thôi, đủ để thấy cuộc đời này đáng sống lắm rồi.

Mấy tháng trước, tôi nghe nói Thầy bị bệnh nặng, nhưng lên Facebook vẫn thấy Thầy cười tươi như chưa từng mang một căn bệnh hiểm nghèo nào. Nụ cười dường như vẫn trẻ hơn nhiều so với tuổi năm mươi đời cuối của Thầy.

Cách đây mấy ngày, nhân dịp 20/11, tôi ghé nhà thăm Thầy. Người nhà Thầy ra tiếp, bảo rằng mấy hôm nay Thầy mệt, giờ đang ngủ nên không ra được. Tôi đành ra về mà không gặp Thầy.

Trưa nay, nghe bạn bè nhắn tin, nói Thầy vừa mất.

Tôi choáng váng thẫn thờ, chẳng làm việc được nữa. Bên tai tôi giờ đây chỉ còn văng vẳng giọng hát của Thầy:

Ta yêu đồng xanh như đã thương yêu con người
Ta yêu đôi tình nhân kia, như gió thương yêu mây tr
ời …”

Vĩnh biệt Thầy! Có một vầng mây trắng vừa bay lướt qua Đồng xanh, nơi mà những mảng màu lúc nào cũng ánh lên sắc lóng lánh của Tình yêu dành cho cuộc đời này.

26.11.2013


Bài viết liên quan: Những người thầy của tôi

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Nếu...

Đôi lúc mình cứ lan man tự hỏi những câu ngớ ngẩn kiểu:

- Nếu sáng nay mình ra ngoài đường không đi hướng này mà đi về hướng khác thì liệu ngày hôm nay có khác?

- Nếu ngày hôm nay mình gặp người này mà không gặp người kia thì liệu ngày mai có khác?

- Nếu ngày mai mình không làm việc này mà làm việc nọ thì tương lai mình có khác?

- Nếu đáng lẽ mình phải thi đậu vào trường này để làm việc ở công ty này, nhưng mình lại thi không đậu, hoặc thi đậu ở trường khác để rồi làm việc ở một công ty khác thì liệu cuộc đời mình có khác?

Haiz…! Hình như chuyện này bên đạo Phật gọi là CÁI DUYÊN. Khổ nỗi mình không rành về triết học Phật giáo nên câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Bạn blog của mình chắc là nhiều người nghiên cứu đạo Phật, lại cũng có người không nghiên cứu đạo Phật, nhưng thích suy tư kiểu triết học, nên mình hy vọng sẽ nhận được một số lời chia sẻ cho câu hỏi của mình.

Và, hôm nay nhân tiện lan man, post lên đây một số tranh của trùm phát xít Hitler. Mình thực sự ngỡ ngàng khi xem những bức tranh này. Khả năng về hình họa, màu sắc, bố cục của Hitler rất đáng để một trường Mỹ thuật danh tiếng nhận vào làm sinh viên. Và rất có thể ông ta sẽ trở thành một sinh viên giỏi. Nhưng không hiểu sao, Hoc viện Nghệ thuật Vienna đã 2 lần đánh rớt Hitler?

Hix! Và thế là... 

... có chiến tranh thế giới, có thảm sát người Do Thái, có nỗi đau thương đổ lên đầu hàng triệu con người, có máu chảy đẫm ướt cả một trang lịch sử nhân loại...

(Ghi chú: Viết những dòng này trong lúc cơ quan đang tưng bừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo. Viết thế thôi, không có ý gì với các Thầy Cô đâu ạ! :D)

Một số bức tranh do Hitler vẽ:


d

Bức tranh màu nước "Ngôi nhà với cây cầu bên dòng sông" vẽ năm 1910 của Adolf Hitler, một họa sĩ sống chật vật ở Vienna, Áo. Ảnh: DPA.

d
Hitler làm họa sĩ vài năm ở Áo, trước khi tham gia quân đội trong Thế chiến 1. Ảnh: DPA.

d
Bức họa Shot Mill - năm 1910. Ảnh: DPA.

d
Bức họa "Berglandschauft mi See" năm 1913. Ảnh: AP.

d
Nhà thờ Karlskirche ở Vienna. Mặc dù không ai biết Hitler có tất cả bao nhiêu tác phẩm, hiện còn 723 bức vẽ được cất giữ. Ảnh: AP.

d
Bức họa thể hiện tòa nhà cổ La Rotonde ở Vienna, được sử dụng như khu triển lãm quốc tế vào cuối thế kỷ 19. Ảnh: Getty.
d
Bức họa Farmstead. Ảnh: Getty.
d
Tranh nước về cặp tình nhân chèo thuyền trên hồ vẽ đầu những năm 1900. Ảnh:Getty.
d
Bức họa về một kho thóc ở Áo, đầu những năm 1900. Ảnh: Getty.
d
Bức tranh nước phong cảnh đầu những năm 1900. Ảnh: Getty.
d
Bức họa về một tòa nhà cổ kính ở Áo. Ảnh: Getty.
d
Cây cầu Hero và nhà thờ Karl, Vienna. Ảnh: Getty.
d
Bức họa miêu tả một khu phố cổ ở Vienna. Ảnh: Getty.

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Thơ "dở"

Nè các bạn yêu văn thơ trên Blogspot!
Đọc bài của tôi mãi, chắc các bạn cũng chán như các anh giai hàng ngày phải ăn mãi một món cơm.
Biết các bạn chán, nên hôm nay tôi đem phở về cho các bạn ăn đổi món. Chúc các bạn ngon miệng!


Thơ “dở”

Hermann Hesse

Hermann Hesse (1877 - 1962)

Tôi có cảm giác một trong số những bài thơ “dở” này lại không dở chút nào, nó mang một thứ mùi hương trong mình, chính những điểm yếu, những khiếm khuyết lồ lộ của nó lại gây ấn tượng, độc đáo, thân mật và duyên dáng; và tôi nhận ra một tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ từng có thời làm mê hoặc lòng người giờ đã trở nên nhợt nhạt và xơ cứng.

Tôi nhớ hồi khoảng 10 tuổi, có một lần ở trường, chúng tôi được đọc một bài thơ mà nhan đề của nó, nếu tôi nhớ đúng, là “Cậu con trai nhỏ bé của Speckbacher”. Bài thơ kể về một cậu bé quả cảm, người đã tham gia vào một trận chiến đấu, xông pha giữa cơn mưa đạn để nhặt đạn dược về cho nghĩa quân và trở thành một anh hùng nổi tiếng. Cả lớp chúng tôi ai cũng hào hứng với bài thơ và khi thầy giáo hỏi chúng tôi một cách hơi châm biếm: “Các trò nghĩ đây là một bài thơ hay sao?”, chúng tôi đều gào lên phấn khích: “Dạ, đúng ạ!” Nhưng ông thầy lại lắc đầu, mỉm cười và nói: “Không, đó là một bài thơ dở.” Thầy tôi đã đúng, theo một cách nào đó. Theo những quy phạm và thị hiếu của thời đại, đây không phải là bài thơ hay. Nó thiếu sự chân thực, tinh tế, nó thiếu sự tự nhiên, nó là một tác phẩm có phần thô sơ. Song bài thơ lại đem lại cho những cậu bé chúng tôi những rúng động mãnh liệt.

Mười năm sau, khi tôi chừng 20 tuổi, tôi có thể đọc bất kỳ bài thơ nào trên thế giới và tự quyết định nó là bài thơ hay hay dở. Đó là việc đơn giản nhất trên đời. Tất cả những gì người ta cần làm là liếc vào trang sách, đọc mấy dòng thơ rõ tiếng một chút - vậy là xong việc.

Một phần ba thập niên nữa lại tiếp tục trôi qua, số bài thơ tôi đã đọc lên đến hàng trăm và một lần nữa tôi lại ở trong tình thế không phán quyết được một bài thơ cụ thể nào đó là hay hay dở. Giờ đây tôi nhận được rất nhiều bài thơ, phần lớn được viết bởi những người còn trẻ, họ muốn tôi cho biết những bài thơ của họ hay hay dở và giúp cho họ được các nhà xuất bản nhận lời in. Và các nhà thơ trẻ bao giờ cũng ngạc nhiên và thất vọng khi nhận thấy nhà thơ già Hesse, người được xem là đã học hỏi bằng kinh nghiệm, lại chẳng đúc kết được gì từ kinh nghiệm của mình mà chỉ lật qua từng trang bản thảo như một động thái vô nghĩa, ông ta còn chẳng đủ can đảm để phán quyết xem những bài thơ của họ là xuất sắc hay vô giá trị. Điều mà ở tuổi 20 tôi có thể làm được hoàn toàn tự tin chỉ trong hai phút giờ lại là việc khó khăn đối với tôi. Có lẽ tôi không nên nói đó là việc khó, mà phải nói đó là việc bất khả. (Thứ mà chúng ta gọi là “kinh nghiệm” là một vấn đề gây bối rối. Khi ta còn trẻ, ta mặc nhiên xem nó là thứ đến một cách tự động. Song vấn đề không giản đơn như thế. Có những người có khả năng đạt đến sự thấu suốt từ kinh nghiệm; họ có kinh nghiệm từ khi là học trò; họ sinh ra đã có tư chất của một kẻ nhiều kinh nghiệm – và có những người khác, trong đó có cả tôi, những người có thể 40 hay 60 tuổi, thậm chí sống đến trăm tuổi nhưng rốt cục lại trở về cát bụi mà chẳng hề học được hay hiểu được cái thứ “kinh nghiệm” này là gì).

Sự tự tin tôi có khi đánh giá các bài thơ lúc mình 20 tuổi có duyên do thực tế: tôi dành tình cảm mãnh liệt và đặc quyền cho một số bài thơ, một số nhà thơ đến độ ngay lập tức, một cách rất bản năng, tôi so sánh mọi bài thơ, nhà thơ khác với những bài thơ ấy, những nhà thơ ấy. Nếu một bài thơ nào đó giống với những bài thơ trong nhóm yêu thích của tôi, đấy là bài thơ hay. Còn ngược lại, tôi sẽ không thấy nó có phẩm chất đáng kể nào.

Vẫn có một số thi sĩ mà tôi đặc biệt yêu quý, một số người trong đó là những thi sĩ mà tôi đã mến mộ từ hồi mình 20 tuổi. Nhưng giờ đây, dường như tôi lại có phần ngờ vực hơn những bài thơ có vẻ giống như tác phẩm của những nhà thơ ngày trước mình yêu thích.

Lúc này tôi không định bàn về các nhà thơ và thơ ca nói chung; tôi chỉ muốn nói đôi lời về thứ thơ “dở” – tức là về những bài thơ mà hầu như bất cứ ai, ngoài trừ chính nhà thơ, sẽ xếp chúng ngay vào cùng với những thứ văn vẻ tầm thường, vớ vẩn, những lối viết trước đó không ai viết thế.

Nhưng quả thật giờ đây, tôi lại thường xuyên cảm thấy một bài thơ mà mọi người đều cho là dở lại đem đến cho tôi những khoái cảm thực sự, tôi dường như có xu hướng chấp nhận nó, thậm chí ca ngợi nó, trong khi đó những bài thơ hay, kể cả những bài thơ hay nhất, lại thường không rung lên trong tôi một âm vang đáp lại nào. Tôi có cảm giác một trong số những bài thơ “dở” này lại không dở chút nào, nó mang một thứ mùi hương trong mình, chính những điểm yếu, những khiếm khuyết lồ lộ của nó lại gây ấn tượng, độc đáo, thân mật và duyên dáng; và tôi nhận ra một tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ từng có thời làm mê hoặc lòng người giờ đã trở nên nhợt nhạt và xơ cứng.

Tôi có thể thấy nhiều nhà thơ trẻ của chúng ta cũng có kinh nghiệm tương tự. Về nguyên tắc, họ đã tránh viết những bài thơ “hay”. Khi một nhà thơ trẻ trong số này bỗng dưng hoài niệm quá khứ - Werfel là một thí dụ - anh ta bỗng quên đi bản ngã của mình và bắt đầu dàn trải những lời thơ hoa mỹ theo phong cách cổ điển xưa cũ thì chính điều ấy lại đem đến cho độc giả của nhà thơ một cảm giác khó chịu rất lạ. Những nhà thơ còn rất trẻ  của chúng ta, những người chưa bao giờ bị cuốn vào những lỗi lầm như thế, đã đi đến kết luận rằng: thế gian này đã có đủ những bài thơ đẹp, rằng họ không được sinh ra và được đặt trên hành tinh này chỉ để tạo ra mấy dòng thơ xinh xẻo hơn, để tiếp tục trò chơi kiên nhẫn mà cha ông của họ đã bắt đầu. Họ hoàn toàn đúng và những bài thơ của họ thường có sức hấp dẫn, sự hưng phấn giống như những gì tôi nhận thấy từ những bài thơ “dở” mà tôi đã nói đến.

Và lý do chẳng phải tìm ở đâu xa. Thoạt đầu, một bài thơ là một thứ gì đó rất đơn giản và bộc phát. Nó là một sự thoát ra, một tiếng gọi, một tiếng gào, một hơi thở dài, một chuyển động, nhờ đó, tâm hồn tìm được sự giải tỏa hoặc nhận ra một xung lực thúc đẩy. Ở chức năng đầu tiên, nguyên thủy, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, chẳng ai có quyền phê phán một bài thơ. Thứ cảm hứng đó chẳng nói với ai khác ngoài chính bản thân nhà thơ: đó là tiếng khóc, là sự mộng mơ, là động thái mang tính bản năng của nhà thơ. Đôi khi bài thơ dường như không chỉ thỏa mãn sự giải phóng cảm xúc của nhà thơ. Một số bài thơ còn kích thích, truyền cảm hứng đến những người bên cạnh nhà thơ. Những bài thơ ấy là những bài thơ hay. Có lẽ điều này xảy ra khi nhà thơ biểu đạt được một điều gì đó chung cho cả loài người, điều cũng có thể đến với những người khác. Song tôi không chắc lắm.

Chính tại đây, chúng ta bị mắc kẹt trong một cái vòng luẩn quẩn không may. Vì những bài thơ “đẹp” khiến tác giả nổi tiếng nên sẽ có rất nhiều những bài thơ khác được viết ra với một tham vọng không gì khác hơn là trở nên “đẹp”, tác giả của chúng không có ý niệm gì về tính sáng tạo, vẻ ban sơ, sự hồn nhiên mà thiêng liêng của bài thơ. Những bài thơ ấy không còn là những giấc mơ hay tiếng khóc của một tâm hồn, sự bùng vỡ của nỗi đau hay niềm hoan lạc, những hình ảnh của những ước muốn thầm thì hay những công thức thần bí, những động thái của một nhà hiền triết hay điệu bộ của một gã điên – không, chúng chỉ còn là miếng thịt thơm ngon dành cho khách hàng là công chúng. Chúng được viết ra để thu về lời lãi từ việc cung cấp cho công chúng sự vui thích, sự chỉ dẫn hay những cái gì khác nữa mà công chúng thèm khát. Và những bài thơ như thế thường được hoan nghênh đón nhận. Nhưng có những ngày mà thế giới đúng đắn kia trở nên nhàm chán quá đỗi đối với tôi, khi tôi muốn phá cũi xổ lồng, muốn đốt đền, tôi mới phát hiện được rằng tất cả những bài thơ “đẹp”, thậm chí kể cả những điển phạm thiêng liêng, đều như thể đã từng bị kiểm duyệt, bị thiến hoạn, chúng trở nên ba phải, nhạt nhẽo, héo hắt như một bà cô già. Vào những ngày ấy, tôi thích những bài thơ dở hơn. Càng tệ bao nhiêu, chúng lại càng làm tôi vui thú bấy nhiêu.

Nhưng chẳng bao lâu sẽ đến cái ngày mà những bài thơ dở cũng trở nên đơn điệu. Việc đọc những bài thơ dở chỉ là một khoái cảm lướt qua. Và sau cùng, đọc những bài thơ dở thì có gì tốt? Tại sao bạn không tự viết những bài thơ dở? Làm việc đó đi, độc giả, và cả bạn nữa sẽ nhận ra việc sáng tác những bài thơ dở là một khoái thú hấp dẫn hơn nhiều so với việc đọc những bài thơ đẹp nhất từng được viết nên.


        Hải Ngọc dịch

Nguồn: Hermann Hesse, “Bad Poetry”, bản Anh ngữ của Roy Temple House, Poetry, Vol.70, No.4 (Jul., 1947), p.202-5.