.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Chuyên mục “Sức khoẻ và đời sống” - LÊN ĐỈNH MÀ KHÔNG XUỐNG ĐƯỢC

Có khi nào bạn lâm vào tình thế trớ trêu: lên đỉnh mà không xuống được? Xin mời tham khảo bài viết sau:
Ảnh chỉ mang tính chất câu view

Đó là vào một ngày cuối thu, trời mát mẻ, có 3 chị sồn sồn tự dẫn nhau lên đỉnh.

Nghe dân địa phương chỉ đường, trên đỉnh núi là bản Pa Phách của người Mông. Bản Pa Phách cách thị trấn Mộc Châu chừng 5-7 cây số. Đường đi đến chân núi rất đẹp. Ba chị đi 2 chiếc xe Honda cũ, thuê của nhà nghỉ, vừa đi vừa ngắm cảnh, xuýt xoa và hăm hở.






Đến chân núi, nhìn lên ngọn núi hiểm trở, dốc đứng, các chị chẳng biết sợ là gì. Thi Nhung bảo: “Em đã từng đi đến những bản như thế này, đường đi cũng khó chẳng kém, em có kinh nghiệm!”. Nàng cài số 1, tăng hết ga leo dốc. Nàng Cua Biển cũng hăng hái không kém, rồ ga bám sát theo. Chỉ có nàng OM là hơi hèn hơn một chút nên đi bộ. 


Đi được một quãng dốc thì xe không thể lên tiếp được nữa, các nàng bèn cài số 1, đẩy bộ. Thêm được một quãng nữa thì đẩy bộ cũng chẳng ăn thua, các nàng đành thở dốc dừng xe lại.

Khi  tim đã bớt đập nhanh, nhịp thở ổn định trở lại, cả 3 nàng biết rằng không thể lên đến bản nên quyết định quay trở xuống. Lúc này, nhìn lại con đường, các nàng mới kinh hãi nhận ra mình không thể leo xuống được nữa. Họ đang lâm vào một tình thế tiến thoái lượng nan và chiều đang xuống dần. Sau một hồi bàn tính, Thi Nhung quả quyết: “Các chị cứ làm theo em, cài số 1 và dẫn bộ từ từ xuống, vì bản thân số 1 đã ghìm bớt xe của mình lại!”. Cua và OM không chấp nhận giải pháp đó, nhưng Thi Nhung vẫn kiên quyết làm. Nàng dẫn xe đi trước để làm mẫu cho các chị. Dẫn bộ được một đoạn ngắn, tự nhiên chiếc mũ bảo hiểm của nàng rơi xuống đất. Cua và OM hét lên: “Không được cúi xuống nhặt! Bóp thắng, dừng lại!” Nhưng như có ai khiến, Thi Nhung vẫn cúi xuống dùng tay trái nhặt mũ. Lúc này tay phải vẫn đặt trên tay ga nên khi cúi người, tay ga đột ngột bị tăng. Chiếc xe vọt lên trước, kéo theo cả người trượt theo trườn dốc rồi đổ lăn quay giữa đường. Thi Nhung bị ngã đau, thâm tím và xây xát. Khi Cua và OM chạy xuống đến nơi thì chiếc xe thuê đã vỡ nát phần nhựa phía trước. Cả người và xe nằm sát bên mép vực, chỉ còn chừng 2 tấc nữa là… xong phim!

Các nàng mặt cắt không còn giọt máu, chỉ thiếu nước ôm nhau ngồi khóc giữa đường. Nhưng rồi, như một phép màu, từ trên đỉnh núi vắng tanh, bỗng một chiếc xe máy lượn lách, nhảy chồm chồm trên những tảng đá từ từ chạy xuống. Ngồi trên xe là một thanh niên trẻ. Ba nàng vẫy tay rối rít ra hiệu cho chiếc xe dừng lại và nhờ em trai “dẫn độ” 2 chiếc xe của mình xuống chân núi. Em trai tự giới thiệu mình là người dân tộc Mường – nhiệt tình và vui vẻ giúp các bà chị “đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm”. Tổng cộng, để mang hết 3 chiếc xe xuống núi, em phải chạy xe xuống dốc tất cả 3 lần và đi bộ lên 2 lần. Xuống đến nơi, em còn loay hoay cả tiếng đồng hồ giúp các chị “băng bó” tạm chiếc xe để có thể chạy đến điểm sửa xe gần nhất cách đó khoảng 5km. 



Đưa một phong bì gọi là “mời em ly cà phê”, nhưng em kiên quyết từ chối. Chia tay với em, các chị chỉ kịp biết tên em là Trung.


Câu chuyện “Lên đỉnh mà không xuống được” là như vậy. (Thực ra đã kịp lên đến đỉnh đâu, nói cho oai vậy thôi!).



 Sau đây là một số kinh nghiệm du lịch bụi Mộc Châu.

Mộc Châu cách Hà Nội 190km về phía Tây Bắc. Quãng đường không xa lắm, nên có thể đi xe máy theo hướng QL6. Tuy nhiên, nếu không đủ sức thì bạn có thể đi xe khách. Lên mạng thấy có 2 bến xe khách là Mỹ Đình và Yên Nghĩa có xe đi Mộc Châu, nhưng tụi mình chọn xuất phát từ một bến xe nhỏ ở số 35 Nguyễn Tuân (Q. Thanh Xuân). Chất lượng xe khách ở Hà Nội nói chung ngang với cất lượng xe khách Sài Gòn cách đây… 15 năm, tức là vẫn còn phổ biến cảnh nhồi nhét khách, chất hàng hoá cồng kềnh, đưa đón, thả khách liên tục suốt quãng đường. Vì vậy, các bạn nên chuẩn bị tâm lý, giày dép, quần áo gọn nhẹ, và nhất là người phải… sạch sẽ thơm tho, để khi cần có thể… leo qua đầu các hành khách trên xe. Ngoài ra, nếu giữa đường cần phải xuống xe, bạn cũng có thể chọn cách tiện lợi hơn là leo ra ngoài bằng cửa sổ. Đón xe khách cả lượt đi lẫn lượt về đều khá dễ dàng vì nhà xe nào cũng tích cực tìm khách.

Khách sạn ở Mộc Châu không nhiều và cũng không được mới, giá vừa với chất lượng (khoảng trên dưới 100 ngàn/ người/ đêm). Tuy nhiên ta cũng có thể lựa chọn phương án ở các homestay và nhà sàn. Nhà sàn có thể ở được đông người, giá chừng 50 ngàn/ người/ đêm, nhưng phải dùng chung nhà vệ sinh.

Khi thuê xe máy để đi, các bạn phải xem xét thật kỹ chiếc xe và kiên quyết từ chối nếu chủ xe đưa cho bạn những xe có vấn đề về thắng (phanh) và số. Ở Mộc Châu có một số bản người dân tộc, nghe nói rất đẹp. Các bạn chỉ cần lên mạng search là sẽ thấy hình ảnh và các hướng dẫn cụ thể. Những bản của người Mông thường được chia ra làm 2: bản trên núi và bản dưới, mỗi bản đều có nét đẹp riêng. Nếu lượng sức mình không thể leo lên cao thì các bạn không nên liều (như 3 chị “lên đỉnh” vừa kể). Chỉ nên chọn những phương án chắc chắn và an toàn nhất.

Xem Album ảnh Mộc Châu tại đây

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Ký hoạ một chiều mưa

Nghỉ lễ 2/9, tôi nhận được một cuộc gọi từ số lạ:
- A lô, chị có phải là chị T.H. ?
- Vâng, tôi đây.
- Chào chị, em là… (xưng tên một blogger).
Ồ, ngạc nhiên chưa !

Blogger này tôi mới quen chừng nửa năm nay. Em kém tôi kha khá tuổi nhưng chưa bao giờ gọi tôi bằng chị xưng em trên blog. Em lấy một nickname khá shock với một lời giới thiệu treo trước cửa cũng khá shock. Lần đầu tiên theo chân về nhà em, tôi "dội ngược" vì những bài viết sắc sảo, chặt chẽ, mang nhiều tính lý trí cùng những câu trả lời comment gai góc, thẳng thừng đôi khi đến tàn nhẫn.

Nhưng em đã sang nhà tôi, đã có những góp ý rất tỉ mỉ với nhiều bài viết của tôi, nên… chẳng lẽ tôi lại… sợ em ! Nghĩ thế nên tôi quay lại và… rón rén nói một vài lời. Em trả lời tôi không vòng vo, với cách xưng hô lịch sự và lạnh lùng. Dần dần rồi tôi cũng quen và mạnh dạn hơn. Tôi ngỏ ý muốn gặp em vào mùa thu, cụ thể là tháng 10, khi tôi lấy phép năm để ra Hà Nội chơi. Thay cho một câu trả lời kiểu các blogger vẫn thường dùng, đại khái như "Ôi, em mong đến ngày gặp chị quá" hay là "gặp nhau chắc sẽ vui lắm đây", thì em buông gọn lỏn : "Bao giờ cho đến tháng Mười!".

Đã thế, tôi sẽ gọi tên em là Tháng Mười.

Vậy là tôi nhận được cuộc gọi của Tháng Mười vào ngày nghỉ lễ 2/9. Em bảo đang ở Sài Gòn, xưng chị em với tôi và hỏi tôi có thể dành thời gian để gặp nhau được không. Nếu cần thì em đến nhà tôi cũng được. Chỗ Tháng Mười ở cách nhà tôi chừng hai mấy cây số nên tôi biết mình không thể đến đó, cũng không thể bắt em đến nhà mình được. Tôi hẹn em ở một quán cà phê dễ tìm, ngay trung tâm Sài Gòn.

Trời đổ cơn mưa lớn. Tôi đến trước, tìm một chỗ ngồi trên gác, gần cửa sổ để có thể nhìn xuống đường, ngắm những người đi vào quán và đoán xem ai sẽ là Tháng Mười.
Nghe nói Tháng Mười sẽ đi cùng một người bạn nữa, tôi để ý hai cô gái đang loay hoay gửi xe, chuẩn bị vào quán. Cô nhuộm tóc vàng hoe hoe đứng trước cổng ra vào, rút điện thoại bấm gọi. Tôi cầm sẵn điện thoại chờ đợi. Nhưng cô gái tóc hoe đã lên tiếng nói chuyện mà điện thoại của tôi vẫn chưa reo. Không phải rồi! Tiếp theo là một cặp nam nữ có vẻ rất đẹp đôi bước vào. Cô gái cũng vừa đi vừa bấm điện thoại. Nhưng rồi máy của tôi vẫn hoàn toàn yên lặng. Chán. Tôi không nhìn xuống đường nữa mà bắt đầu quay sang đoán hình dáng của Tháng Mười. Tôi hình dung Tháng Mười có dáng người hơi thô, tóc nhuộm highlight, mặc quần jean bạc, có vài vết xé rách ở đùi và đầu gối. Cũng có thể Tháng Mười có style giống tôi -  quần bó, mang giày boot, đeo ba-lô. Hehe! (đấy là tôi cười một mình).

Chợt điện thoại của tôi reo vang. "Lên gác rồi rẽ trái nhé!" -  Tôi nói với Tháng Mười. Trong chốc lát, một cô gái nhỏ bé đi lên cầu thang, xuất hiện trước mặt tôi. Đi theo cô là một người đàn ông đứng tuổi. Người đàn ông gặp tôi tay bắt mặt mừng như đã quen nhau từ lâu lắm. Phải 15 phút sau, tôi mới biết anh là một blogger nổi đình nổi đám trên blog và trên FB với những bài viết phân tích các vấn đề xã hội một cách sâu sắc. Mà thôi, có lẽ tôi sẽ ký hoạ về anh sau, còn giờ thì tập trung vào cô gái Tháng Mười.

Hoàn toàn không như tôi hình dung, Tháng Mười ăn mặc nghiêm chỉnh một cách vừa phải, xách một chiếc túi nữ tính một cách vừa phải, đi một đôi giày mà một phụ nữ vừa phải sẽ chọn để đi. Em nở nụ cười thân thiện, gọi một ly sữa chứ không phải ly cà phê đen như tôi nghĩ. Ngạc nhiên chưa! Thế mà tôi cứ ngỡ em sẽ nghênh ngang, phớt đời, có khi còn hút thuốc và nói chuyện trống không với tôi kia! Em nghe nhiều hơn nói, cười nhiều hơn là tự kể về mình, giọng em mỏng mảnh với âm vực hơi cao, nghe vui vui. Tháng Mười làm khoa học, sống bằng một nghề mà xã hội luôn mặc định là nghề cao quý, thậm chí nhiều người đang hái ra tiền với nghề ấy. Vậy mà một ngày Tháng Mười bỏ việc. Em liên hệ với anh blogger nổi đình nổi đám này, đề nghị anh giúp em tìm một công việc ở Sài Gòn, việc gì cũng được.

- Thế rồi anh tìm việc gì cho em ? – Tôi hỏi.

- Bưng bê cà phê buổi tối chị ạ ! – Em trả lời.

Dĩ nhiên là tôi không tin lời em, nhưng Anh Nổi Tiếng gật đầu xác nhận.

Đợi cho Anh Nổi Tiếng rời khỏi bàn đi ra ngoài một chút, tôi tranh thủ hỏi Tháng Mười xem sự thật là như thế nào. Em trả lời thành thật rằng em bưng bê cà phê buổi tối, còn ban ngày thì được tự do. Em nghiên cứu đường xe bus và sẽ đi khám phá Sài Gòn. Em sẽ ở lại đây đến một ngày nào đó – ngày nào thì em cũng chưa biết và chẳng ai biết được, trừ người ở trên kia – Em đưa tay chỉ lên trời.

Ba tiếng đồng hồ buổi chiều trôi qua nhanh với những câu chuyện liên tục, gần như không có khoảng thời gian nghỉ. Chia tay hai người bạn, tôi về, trong đầu cứ nghĩ mãi về cuộc gặp gỡ kỳ lạ này, về việc Tháng Mười đã làm -  cái việc mà ngay cả trong mơ tôi cũng không bao giờ dám nghĩ là mình sẽ làm được. Ai cũng sống, nhưng có lẽ mục đích sống của mỗi người khác nhau. Tôi cần và luôn hướng tới một cuộc sống ổn định, còn Tháng Mười thì không dừng lại. Em đang tìm kiếm cho mình một điều gì đó - điều không ai biết - đó là bí mật của riêng em.

Hồi xưa, thầy dạy vẽ khuyên chúng tôi nên có một cuốn sổ ký hoạ thường xuyên mang theo bên mình. Những bức ký hoạ chưa phải là tranh, nhưng đến một ngày, nó sẽ là một phần da thịt, hoặc là cái cớ để ta tạo nên một bức tranh.

Bây giờ, với tôi, việc viết blog dường như là việc xa xỉ. Dẫu chỉ là "viết cho khỏi quên chữ" thì nó cũng khiến tôi phải bớt đi một chút việc nhà, bớt đi một khoảng thời gian đáng ra có thể làm một công việc nào đó kiếm thêm tiền, hay chí ít thì nó cũng làm tôi bớt đi một khoảng được nghỉ ngơi, trò chuyện với con. Nhưng tôi vẫn phải viết như một kiểu ký hoạ.

Bức tranh Tháng Mười vẫn còn ở đâu đó phía trước…

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Ngày 19/8/2014

Nghe nói sắp phải chia tay vĩnh viễn với Thương xá Tax, mình nói với mấy đồng nghiệp trong phòng rằng chắc phải xách máy ảnh đi chụp Tax, sẵn, đi một vòng quanh khu vực ấy trước khi mọi thứ biến mất. Mọi người thì bảo ở đó đang bán hàng giảm giá đến 50% đấy, tranh thủ ra mua đi.

Mấy chị em xin giấy ra ngoài, lý do “đi chụp ảnh tư liệu”, rồi đáp taxi “ra Sài Gòn” để khỏi phải loay hoay với việc gửi xe. Ra đến nơi, cái đập vào mắt mình là cả khu vực trung tâm Lê Lợi, Nguyễn Huệ đã bị quây rào kín, không còn thấy quang cảnh gì ở quanh bùng binh phun nước nữa, chỉ thấy người, người, người. Ôi chao, cơ man nào là người chen chúc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, hùng hục xông vào bới những đống hàng giảm giá đang đổ tràn ra nền nhà. Có rất nhiều bảo vệ đi qua đi lại, thỉnh thoảng lại dùng loa cầm tay nhắc nhở mọi người cẩn thận kẻo kẻ gian móc túi. Ôi, Sài Gòn “của mình”, Thương xá Tax “của mình” trước ngày từ biệt lại trở nên thế này sao?

Mình đi một vòng từ cửa trước ra cửa sau, từ tầng trệt lên tầng 3, rồi lại từ tầng 3 xuống tầng trệt với cảm giác khó tả. Trời nóng bức, mệt. Trong khi chờ các bạn mua sắm, mình ra cửa, ngồi ở trước một ô cửa kính, chỗ có bày tấm bảng quáng cáo to đùng. Nhớ hồi xưa, chính nơi ấy có cửa hàng kem Bắc Cực.

Hồi những năm bảy mấy, cụm từ “đi chơi Sài Gòn” luôn là cụm từ làm cho hai chị em mình sung sướng. Thỉnh thoảng vào buổi tối, ba lấy xe vespa chở cả ba mẹ con ra đây. Việc đầu tiên là ba đưa cho mình một vốc tiền xu – những đồng xu mệnh giá 5 đồng có hình cánh hoa và 10 đồng in hình bông lúa ở mặt sau để mua kem Bắc Cực.


Cho đến bây giờ thì hình như kem Bắc Cực vẫn là loại kem ngon nhất mà mình từng được biết đến. Có lẽ kem cũng khá đắt nên ba mẹ thường không ăn. Cầm cây kem trên tay, hai chị em sang đường, ngồi cạnh hồ phun nước (chỉ thứ bảy, chủ nhật mới phun), vừa thưởng thức vị ngọt lịm của kem, vừa ngắm Sài Gòn lung linh.


                            
   (Ảnh nguồn: Internet)

Lớn lên một chút, vào những năm tám mấy, kem Bắc Cực không còn nữa, thay vào chỗ đó là Cửa hàng Bách hoá tổng hợp. Thời buổi khó khăn, nên dù cửa hàng chỉ lèo tèo bán những loại đồ dùng phục vụ nhu cầu tối thiểu, nhưng đám trẻ con cấp 2, cấp 3 tụi mình cũng vẫn thích thỉnh thoảng đạp xe ra đó để ngắm chơi, thòm thèm nhìn những thứ mà biết mình sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để mua. Ngắm chán chê rồi thì đạp xe vòng vòng “quanh Sài Gòn” – chẳng biết để làm gì, nhưng thích thì vẫn thích lắm!



 (Ảnh nguồn: Internet)

Vào Đại học, mình đi học ở Thủ Đức, một tuần mới về Sài Gòn một lần, thời gian ở chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 ngày chủ nhật, nhưng mình thường không nén nổi cái thú đạp xe ra trung tâm, vào cửa hàng bách hoá tổng hợp cũ – lúc này đã được trả về tên xưa là Thương xá Tax. Mình đi lang thang trong cửa hàng cả tiếng đồng hồ chủ yếu cũng là để ngắm, thỉnh thoảng chỉ dám mua những món đồ thật rẻ. Đời thế mà vẫn vui, Sài Gòn thế mà vẫn đẹp.



 (Ảnh nguồn: Internet)

Và hôm nay, mình lại đi lang thang, cảm giác bước chân đang giẫm lên từng centimet kỷ niệm xưa – nghe thì “sến rện”, nhưng chẳng biết dùng từ nào khác. Muốn chụp “Sài Gòn của mình” mà chẳng có góc nào để chụp. Định quay vào chụp cái cảnh hỗn loạn trong lòng thương xá Tax, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy không đành! Trời đổ cơn mưa rào giống như hàng trăm ngàn cơn mưa rào đã từng qua đây. Chỉ có mình – đang ngồi ngáp trước cửa thương xá Tax -  là khác, và nơi này, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi cũng sẽ là nơi khác.

Có một cậu bảo vệ mặt non choẹt đứng trước mặt mình: “Cô ơi, xin mời đi chỗ khác, đừng ngồi trước biển quảng cáo!”

Thế à! Vậy thì về thôi! Vĩnh biệt thương xá Tax của một thời đời mình đẹp và “Sài Gòn của mình” còn đang đẹp!

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Vườn địa đàng héo úa

Ngày xửa ngày xưa, vào đời Hùng King(*) thứ… bao nhiêu, không rõ, người ta sống với nhau vô tư và còn chưa có khái niệm rõ ràng về Thật và Ảo. Hùng King lo cho dân những vấn đề THẬT thuộc hạ tầng cơ sở, còn những vấn đề ẢO thuộc thượng tầng kiến trúc hoa lá cành… thì người dân tự lo. Mọi loài cây cối, hoa lá mà họ thường gọi bằng cái tên trìu mến là “Thế giới Ảo” nảy nở trong một quả cầu khổng lồ, đó chính là Vườn Địa Đàng. Để tạo ra và chăm sóc Vườn Địa Đàng, mỗi thần dân đều có thể tự nguyện đóng góp công sức của mình thông qua những quả cầu nho nhỏ, trong veo và xinh xắn của riêng mỗi người. Vào một ngày đẹp trời nào đó, khi trong đầu bỗng nảy ra tư tưởng bay bổng hoặc những áng văn chương nhiều màu sắc, bạn có thể cầm quả cầu lên, soi vào đấy và nói những lời hay ý đẹp. Người khác sẽ nhìn thấy gương mặt bạn thông qua những quả cầu của riêng từng người. Lời hay ý đẹp cứ thế lan đi khắp nơi, và cuối cùng bay đến Vườn Địa Đàng. Cây cối, hoa lá trong vườn được tưới bằng tư tưởng đẹp và văn chương, thi ca muôn màu nên lúc nào cũng tươi tốt.

(Ảnh nguồn Internet)

Như rất nhiều người khác, nàng cũng hăm hở mang về cho mình một quả cầu long lanh. Nàng yêu quý quả cầu của mình lắm. Hàng ngày nàng nâng niu nó trên tay, ghé mắt vào xem và cổ vũ cho những người bạn đáng yêu ở khắp mọi nơi đang tưới cho Vườn Địa Đàng bằng muôn vàn áng thơ văn rực rỡ. Để đáp lại, mỗi khi nàng thốt ra những lời hay ý đẹp, bạn bè của nàng lại mỉm cười khích lệ với nàng và nàng coi đó là một niềm hạnh phúc.

Nếu Vườn Địa Đàng cứ như thế mà sinh sôi, phát triển thì hẳn nàng đã giữ mãi quả cầu bé nhỏ của mình cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, và hẳn là nhân loại ngày nay đã được thừa hưởng một lá phổi xanh tươi, khỏi phải lo khói bụi, ô nhiễm như bây giờ. Nhưng… khổ nỗi cuộc đời cứ luôn xuất hiện những từ “nhưng”. Một ngày, khi ghé mắt vào quả cầu, nàng thảng thốt nhận ra có một vài cây hoa đang xanh tươi, bỗng dưng xuất hiện những chiếc lá úa vàng, rồi từ từ chuyển sang héo rũ. Nàng đau khổ khi nhận ra nguyên nhân là do có ai đó đã “cuỗm” lời hay ý đẹp của người khác, biến nó thành của mình. Hoa trong Vườn Địa Đàng không phải là vật vô tri, vô giác. Những lời nói ăn cắp đã khiến chúng ủ rũ. Từng ngày từng ngày trôi qua, lại thêm nhiều cây non gục xuống. Nàng lại tìm hiểu và phát hiện ra ai đó, thay vì góp ý chân thành với bạn mình, lại đem thả những lời nặng nề, xúc phạm. Xúc xiểm bạn mình chưa làm họ thoả cơn thèm khát, họ tiếp tục dùng những lời lẽ cay độc hơn - mà bất cứ một người bình thường nào nghe thấy cũng đều phải nổi da gà - để gửi đến hôn thê, hôn phu của bạn, làm cho những gia đình đang yên ấm bỗng trở nên nhiên xào xáo, vợ chồng nghi ngờ lẫn nhau. Những lời nói như thuốc độc lan đến Vườn Địa Đàng, khiến cho nhiều cây non không đủ sức chống đỡ, đã tàn lụi dần. Nàng cố công tìm hiểu xem những người đó là ai, để hòng cầu xin họ hãy thương xót cho Vườn Địa Đàng. Nhưng mọi nỗ lực của nàng trở nên vô vọng vì họ đã khôn khéo che mặt hoặc đeo mặt nạ khi phun những lời độc địa vào quả cầu nhỏ long lanh vô tội.

Một ngày, như thường lệ, nàng nâng quả cầu nhỏ của mình lên và kinh hãi nhận ra Vườn Địa Đàng chỉ còn lỗ chỗ những mảng cây xanh, xen lẫn vào đó là những mảng cây vàng héo rũ, hoa lá rụng tơi tả. Nàng khóc. Rồi nàng cất quả cầu vào sâu trong ngăn tủ và không dám lấy ra nhìn vào đó nữa.

Ngày đó, nàng không biết rằng cũng có nhiều người làm giống nàng. Và cũng từ đó, người dân bắt đầu phân biệt rõ hai khái niệm THẬT và ẢO, trong đó, khái niệm ẢO luôn được gán cho ý nghĩa xấu. Vườn Địa Đàng dần dần biến mất, thay vào đó là một cái hội chợ dành phần lớn diện tích cho việc trưng bày mặt nạ. Hội chợ vẫn tồn tại đến ngày nay.

__________________________________________

(*)Hùng King: Mượn từ của bạn Thuỷ Nguyệt

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Tay nào có, tay nào không

Tôi yêu lần đầu tiên vào năm 16 tuổi. Nhưng tôi không định kể về mối tình đầu ấy của mình đâu. Có một mối tình khác, trước đó, xa hơn kia! Một mối tình chẳng phải tình yêu, nhưng để tìm một từ khác để diễn tả nó thì cũng thật khó.
Đó là khi tôi lên… 7 tuổi.
Tôi và cậu ấy học cùng lớp Một với nhau. Hai đứa học giỏi gần như ngang nhau, thậm chí cậu ấy còn có phần nhỉnh hơn tôi một chút, nhưng chẳng hiểu sao cô giáo lại chọn tôi làm lớp trưởng. Làm lớp trưởng, có nghĩa là tôi được phép đứng trước hàng, quay mặt về phía các bạn – trong đó có cậu – hô: “Các bạn, nghiêm! Xếp thành hàng đôi, so hàng, đằng trước, thẳng! Bước vào lớp!”. Tôi rất thích thú khi chứng kiến cậu ấy phải làm theo lệnh của mình.
Sở dĩ tôi thích thú là vì những khi không ở trong lớp học, cậu ấy luôn hơn tôi về nhiều mặt. Cậu ấy cao hơn tôi, chơi bắn bi giỏi hơn tôi, chạy nhanh hơn tôi, và cậu ấy còn biết thắt dây giày thành cái nơ trông rất đẹp, còn tôi thì học mãi mà chẳng thắt được đẹp như thế. Ở ngoài, tôi lép vế như vậy, nên vào lớp tôi phải tranh thủ “ra oai” với cậu. Chẳng biết cậu có bực không, nhưng thỉnh thoảng khi tôi bị tuột dây giày, cậu ấy vẫn ra tay nghĩa hiệp giúp buộc nó lại.
Cậu ấy đọc sách rất nhiều và tranh thủ đọc bất cứ lúc nào nếu vớ được một cuốn sách hay. Có vài lần, trên đường đi học về, cậu vừa đi vừa đọc sách, đến nỗi đâm sầm cả vào cột điện. Đọc sách nhiều nên cậu nói năng mạch lạc, câu nào ra câu ấy, đến nỗi mấy đứa bạn vừa thán phục, vừa bực dọc, đặt cho cậu cái biệt danh là “Cụ Non”. Từ bây giờ, ta sẽ gọi cậu bằng cái tên ấy.
Tôi và Cụ Non hay cãi nhau, chủ yếu là cãi lý. Tỉ như tôi khen: “anh Đê-a-nôp (*) đẹp trai, ai cũng phải công nhận điều đó” thì thế nào Cụ Non cũng bảo “Đẹp hay không là do bạn nhìn chứ không phải là do anh ấy đẹp thật. Ví dụ mình đi xem tranh ở triển lãm, bạn ngắm một bức tranh thấy đẹp, nhưng tôi lại chẳng thấy đẹp thì sao!”. Hoặc giả tôi và Cụ Non hẹn nhau đúng 12 giờ rưỡi sẽ đi học. Nếu Cụ Non ghé nhà rủ tôi đi, lúc 12 giờ 29 phút thì dứt khoát tôi chưa đi, còn Cụ Non thì dứt khoát đi trước.
Hay cãi nhau như vậy, nhưng chúng tôi thân nhau lắm, chỉ cần xa nhau mấy ngày là nhớ. Có lần, tôi được đi Đồ Sơn vài ngày, tôi nhớ Cụ Non đến nỗi quyết định phải mang nước biển về cho Cụ Non nếm thử. Tôi đã phải ôm khư khư một lọ nước biển từ Đồ Sơn về đến Hà Nội, và hai đứa ngồi trước bậc thềm, mỗi đứa cầm một que tăm, chấm mút nước biển trong lọ. Chỉ thế thôi là đủ vui lắm rồi.
Lần khác, hai đứa giận nhau. Chúng tôi giận nhau đến nỗi đã đưa ngón út ra ngoéo tay nhau – dấu hiệu để thề là sẽ không bao giờ thèm chơi với nhau nữa. Nhưng chỉ được mấy ngày, cả Cụ Non và tôi đều nhận ra mình đã ngu ngốc đến chừng nào. Rồi, chắc là không chịu được nữa, Cụ Non đến gặp tôi. Cậu đưa 2 nắm tay ra trước mặt tôi, bảo:
- Bạn chọn đi, nếu chọn đúng tay nào có hạt đậu thì chúng mình chơi lại với nhau, còn nếu chọn tay nào không có gì thì mình bỏ nhau luôn!
Tôi hồi hộp lắm, nhưng cũng rụt rè chọn một nắm tay. Cụ Non xòe tay ra mỉm cười – không rõ là với tôi hay với hạt đậu nho nhỏ nằm trên đó.
Mãi sau này, tôi mới biết là Cụ Non ăn gian. Cả hai nắm tay Cụ đều có hạt đậu.

Ngày tôi phải rời Hà Nội vào Sài Gòn, một trong những nỗi mất mát lớn nhất của tôi là phải xa Cụ Non. Tôi đi mà không dám gặp cậu để chào từ biệt vì tôi sợ mình sẽ òa khóc và không có cách nào nín được.
Suốt những năm đầu xa nhau, tôi và Cụ Non vẫn trao đổi thư từ thường xuyên, chỉ đến khi tôi bắt đầu có người yêu thì thư từ mới thưa dần. Ngày tôi vào Đại học, Cụ Non gửi thiệp kèm theo lời chúc tôi học giỏi. Cậu thì không vào đại học mà rẽ ngang sang trường trung cấp chuyên nghiệp để có thể sớm đi làm, phụ giúp gia đình.
Tôi bước vào trường đại học, làm quen với môi trường mới, với những người bạn mới. Rồi tôi lần lượt yêu vài người. Ra trường, cũng giống như hầu hết bạn bè, tôi đi làm vài năm rồi kết hôn, nhưng ký ức về Cụ Non với một hạt đậu nhỏ bé, dễ thương đến nao lòng vẫn còn theo tôi mãi.
Nhiều lần tôi có dịp đi công tác ở Hà Nội, nhưng không hiểu sao, tôi không có ý định tìm gặp lại Cụ Non. Có lẽ là do đã từ lâu, chúng tôi không còn trao đổi thư từ với nhau, tin tức không được cập nhật và giữa hai đứa cũng không còn có những vấn đề chung nữa, nên nghĩ đến chuyện gặp nhau là tôi ngại. Tuy nhiên, Hà Nội quá nhỏ để tôi có thể tránh mặt Cụ Non. Một lần có việc đi ngang qua nhà, tôi gặp bố Cụ Non đang quét sân. Tôi chào ông. Ông giữ tôi lại một lúc lâu để hỏi thăm tình hình. Câu chuyện về việc tôi ra Hà Nội lập tức đến tai Cụ Non. Ngay chiều ấy, Cụ đến gặp tôi. Chúng tôi đi ăn bún chả Hàng Mành, đi uống cà phê, trò chuyện đủ thứ trên đời, kể cho nhau nghe chuyện công việc, chuyện gia đình, con cái… Khi chuẩn bị ra về, bỗng dưng Cụ Non nắm lấy tay tôi. Chưa kịp định thần, tôi nghe cậu ta nói nhỏ, gần như thì thầm:
- Trời nóng quá, chúng mình tìm một phòng khách sạn tâm sự đi, bạn!
Tôi ngỡ ngàng đến nỗi chẳng nói được lời nào. Nhìn đôi bàn tay Cụ Non, phút chốc một đoạn phim thật dễ thương lướt qua trong tâm trí tôi. Trong đoạn phim đó có một đôi bàn tay nhỏ bé đã nắm chặt hai hạt đậu kỳ diệu – mầm sống mà tôi luôn nâng niu suốt mấy chục năm qua như một báu vật của tuổi thơ.
Đoạn phim kết thúc. Hai hạt đậu rơi xuống đất và tôi biết mình sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy nó lần nữa trong đời.


(*) Tên nhân vật chính trong phim truyền hình nhiều tập Trên từng cây số được chiếu trên Truyền hình VN những năm 70.

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

“Cuối cùng cho một tình yêu” (*)

Mình sinh ra ở miền Bắc XHCN trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nên – như tất cả mọi người sống trong thời đó – mình coi nước nga như một thiên đường. Mình yêu Kachiusa và những điệu nhảy dân gian Nga, yêu Liev Tolstoi với Chiến tranh và hòa bìnhAnna Karenia, yêu những anh chàng Ivan chân chất, hiền lành, tốt bụng. Tóm lại, nước Nga là nơi mình luôn mơ đến. Còn nhớ những năm 15-16 tuổi, mình thường len lén cắt hình ảnh những thanh niên Nga mắt xanh, tóc vàng, đẹp trai ngời ngời, cất vào đâu đó giữa những trang sách để thỉnh thoảng lấy ra ngắm nghía và thầm mơ một ngày nào đó, mình sẽ kiếm được một anh như vậy làm chồng. Rồi thì thư từ, kết bạn với những cô bạn Vanhia, Natasa. Liuba thật dễ thương ở mãi tận Krasnodar, Rostov, Vologda… Rồi thì tham gia những cuộc thi tìm hiểu về nước Nga Xô Viết, cũng được lĩnh giải ba, tư gì đó. Lên đến đại học, chương trình của ta bắt buộc học ngoại ngữ Nga. Mình vui sướng tiếp nhận ngôn ngữ ấy như một điều đương nhiên phải thế, thậm chí suốt 4 năm học thời đó, hình như mình được điểm rất cao và thi tốt nghiệp đã đạt đến điểm tối đa. Nhạc Nga thì mình mê lắm. Đến bây giờ, trong ổ cứng của mình vẫn còn lưu giữ vài trăm ca khúc Nga do chính người Nga biểu diễn.

Người xưa vẫn bảo Yêu nhau yêu cả đường đi…

Vậy mà bây giờ…, dường như tình yêu đó đang bị phản bội.

Mình đã đủ nhận thức và đủ… già để hiểu là không có thứ tình yêu viển vông dành cho một đất nước nào đó. Tất cả chỉ là lợi ích quốc gia được đặt lên trên hết. Nhưng không hiểu sao, những ngày này, có gì đó vẫn làm cho mình buồn khôn tả.

Nhà thơ Nga Yevtushenko đã từng thảng thốt:
Những bí ẩn tuổi thơ tan biến
Như những bến bờ sáng sớm mù sương...
Thuở những Tô - nhi - a, Ta - nhi - a duyên dáng
Bí ẩn đi nhón gót giữa sân trường…
                                                          (Bằng Việt dịch)

Giờ thay từ “Bí ẩn” thành từ “Tình yêu” thì có lẽ cũng hợp với tâm trạng của mình lúc này. Một chút luyến thương, một chút cay đắng một chút ngậm ngùi… vừa đủ để đưa tiễn tình yêu của một thời tuổi trẻ chỉ biết đến những điều tốt đẹp trong ngần.

Chào nhé những Ruslan và Ludmila của miền cổ tích Nga. До свидания!


(*) Tên một bài hát của Trịnh Công Sơn

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Không thể viết dài nên viết ngắn ngủn

Đây là cảm nhận riêng của mình thôi, rằng blog không thích hợp với chuyện chính trị, không thích hợp với việc cập nhật thông tin hàng ngày. Blog không mạnh về bề nổi mà mạnh về "lớp lắng", "lớp trầm tích". Nếu Facebook cập nhật bề nổi hàng ngày thì Blog sẽ là chỗ gạn lọc những thông tin ấy để lấy phần cô đọng.

Chính vì cảm nhận như vậy, nên khi tình hình xã hội có những vấn đề nổi cộm hoặc những biến động buộc mình phải quan tâm thì đó là lúc mình không thể tĩnh tâm mà gạn lọc thông tin, cũng tức là mình không thể viết blog được.

Hix, có ai không đồng ý với mình không thì cho mình một lời? Nếu mọi người đồng ý thì không cần nói gì, mình sẽ lại nghỉ blog một thời gian.

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Thư gửi một em trai nổi tiếng

Không biết là một sự may mắn hay kém may mắn mà chị làm quen với em từ khá sớm. Đó là vào năm 2009, lúc đó em chưa là người nổi tiếng như bây giờ. Gặp đúng thời điểm chị đang có nhu cầu tìm bạn thì em xuất hiện như một luồng gió mới mẻ thổi vào đời chị. Ấn tượng đầu tiên của chị về em là một chàng trai trẻ tuổi, thông minh, vui vẻ và nhạy bén. Em là hình ảnh trái ngược với những người đàn ông lớn tuổi trịnh trọng, khó tính, ít cởi mở mà trước đó chị đã từng quen biết.

Thú thật là chị mê em ngay! (Chị cũng tệ thật đấy. Không hiểu sao có thể quay ngoắt, đi mê một chàng trai trẻ hơn mình, mà mình chỉ mới quen biết chưa được bao lâu). Chị lao vào em như một con thiêu thân lao vào ánh sáng chói loà của ngọn đèn mà không cần biết là có thể mình sẽ chết rụi trong cái thứ ánh sáng ma mị đó. Bất kể ở nơi đâu, bất kể đang làm gì, chị cũng nghĩ đến em và tranh thủ bất cứ lúc nào rảnh rỗi là lại đâm đầu đến, chỉ để nhìn thấy gương mặt em rạng ngời với nụ cười thân thiện.

Rồi dần dần chị phát hiện ra không chỉ có mình chị là mê em đắm đuối. Xung quanh em còn có rất nhiều phụ nữ khác, đủ mọi lứa tuổi với nhiều loại nghề nghiệp khác nhau, cũng chết mê chết mệt vì trí tuệ và sự trẻ trung của em. Biết vậy, nhưng chị mù quáng đến nỗi không gom đủ lý trí để bắt mình dừng lại. Chị chấp nhận sự chung đụng ấy và tự nhủ: “Kệ, miễn sao mình sung sướng, thoả mãn là được!”. Và dường như tất cả những người phụ nữ đến với em, ít nhiều đều có thứ suy nghĩ kỳ lạ giống như chị vậy.

Không chỉ lấy được sự cảm tình của phụ nữ, em còn lôi kéo được cả đám nam giới tụ tập ở nhà mình. Thật lạ, những người chơi với em dần dà đều cảm thấy mình tốt hơn, cao thượng hơn, quyến rũ hơn dưới con mắt  của những người khác. Họ gặp nhau ở nhà em và bàn luận từ chuyện nhỏ nhặt hàng ngày đến chuyện lớn lao liên quan đến vận mệnh đất nước, từ chuyện từng cá nhân cho đến chuyện ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Mọi người bỗng tự tin hơn, lớn tiếng hơn trong việc bảo vệ cái tốt và lên án những cái xấu.

Chị đến với em, quen được bao nhiêu bạn bè, học hỏi được từ những người bạn ấy bao điều mới mẻ. Chị đến với em như gặp được một báu vật của đời, sung sướng đón nhận bao điều mới mẻ mà em mang đến cho mọi người. Và chị cũng sung sướng chấp nhận vô điều kiện chuyện chung đụng, va chạm kỳ lạ giữa những con người xa lạ, đến từ tứ xứ, chẳng có chút gì liên quan đến mình, mà tựu trung chỉ vì họ là bạn bè của em.

Cho đến một ngày…

…Một ngày chị bỗng nhận ra sao mình kỳ quặc quá! Ở nhà em, chị được nghe nhiều thứ đến nỗi chẳng còn thời gian để mà suy nghĩ một cách sâu lắng về những chuyện của riêng mình. Giống như nhiều người khác, chị gặp em và chỉ chăm chăm muốn bộc lộ bề nổi của mình cho mọi người thấy, muốn được chú ý, muốn được khen ngợi. Và như một chuỗi phản ứng dây chuyền, chị cũng quay sang hào phóng tặng cho bạn bè của em những lời khen ngợi đôi khi vượt quá xa mức độ mà họ nên nhận. Chị chắc lưỡi “Khen một tiếng, có mất mát gì đâu!”. Mà phải rồi, có mất mát gì đâu! Mình khen họ, họ khen mình, tất cả đều sướng, tất cả đều được lợi.

Nhưng không hẳn là tất cả đều được lợi đâu em ạ. Sự khích lệ một cách tài tình của em đã tạo thành một hiệu ứng dây chuyền khiến nhiều người xấu lại cứ cho rằng mình tốt, nhiều người dốt lại tưởng mình giỏi. Nếu ai cũng có quyền khen ngợi người khác một cách dễ dãi vô tội vạ thì tất cả đều cũng lại có quyền chê bai, công kích người khác trên quan điểm chủ quan của mình một cách không cần kiềm chế. Một ngày, chị hãi hùng khi nhìn thấy ở nhà em có một đám những “nhà thơ” sản xuất ra hàng núi “thơ” với ngôn từ kêu xủng xoảng, vô giá trị, nhưng vẫn được mọi người xúm vào khen ngợi như một tài năng xuất chúng. Một ngày, chị thấy ở nhà em có một đám người lười biếng chỉ chuyên đợi người khác nói một vấn đề nào đó là nhào vào lên tiếng hùa theo. Một ngày, chị thấy ở nhà em có cả đám đông cuồng nộ nhảy vào mạt sát một người không thương tiếc.

Ngày ấy, chị đã phải bỏ về và suy nghĩ lại. Hôm sau, chị đến gặp em. Em nhìn vào mắt chị tinh tế và nhẹ nhàng hỏi: “Chị đang nghĩ gì?”

Nghĩ gì ư? Chị biết rằng sẽ rất khó để nói thật suy nghĩ của mình, rằng chị muốn chia tay với em. Mà giả dụ có nói được điều đó thì cũng không có nghĩa là chị có thể chia tay thật. Chị chỉ tự nhủ với lòng mình là cần phải tỉnh táo hơn giữa cuộc sống muôn màu, giữa những giá trị thực thực ảo ảo này. Em rực sáng và mạnh mẽ như ngọn lửa. Chơi với em, hoặc ta như được tiếp thêm lửa, hoặc ta tựa như đang đùa với lửa.

Chị sẽ không để mình một ngày phải cháy thành tro đâu, Facebook ạ!

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Cho em một ngày...

Phụ nữ luôn bị ràng buộc bởi bao nhiêu thứ trách nhiệm. Nhìn mấy bạn này mà xem:



Cho nên, một ngày nọ, các bạn ấy quyết định sẽ dẹp hết các thứ trách nhiệm nhùng nhằng sang một bên, để đến nhà bạn OM chơi.


Ngày ấy nắng chang chang, đến em Ni cũng phải le lưỡi. Nhưng các bạn thì dường như không phiền hà gì (không thấy ai le lưỡi nên đoán vậy), ai cũng tươi rói. Chị em gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chả ai bảo ai đều lao ngay vào bếp. Nấu nướng khí thế, ăn uống quần quật. Ăn xong mới chợt nhớ ra là chưa chụp hình. Nào thì chụp (dù bàn ăn đã dọn đi hết)


Ăn xong rồi thì phải ngơi một chút. Các bạn đang mơ về nơi xa lắm. Công nhận phụ nữ đến cả ngủ cũng vẫn không quên tạo dáng, mỗi nàng một vẻ chả đụng hàng!


Ngủ dậy, ta lại ăn. Ai cũng sắp dư cân cả rồi, nhưng có mỗi một ngày để ăn chơi, kìm hãm sự sung sướng làm chi cho khổ, nên chúng ta cứ ăn thả cửa đi. Và cứ ăn là lại hăng hái đến nỗi quên cả chụp hình. Thôi thì show hình karaoke vậy!

Cho em một ngày, một ngày thôi...
Qua ngày đó thì chúng ta lại trở về với bổn phận hàng ngày.
Hẹn gặp lại lần sau nhé!


Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Chaos Theory

Tạm dịch: Thuyết Hỗn loạn. Phim Mỹ, sản xuất năm 2008.
Nội dung phim: Frank Allen (Ryan Reynolds) là một giáo sư chuyên diễn thuyết về vấn đề quản lý thời gian. Anh có một gia đình hạnh phúc với vợ và một con gái 6 tuổi xinh xắn, dễ thương. Thấy chồng mình quá nghiêm chỉnh trong chuyện giờ giấc mà đôi khi không cần thiết phải như vậy, một ngày kia, vợ anh vặn đồng hồ chậm 10 phút để anh có thêm chút thời gian thư giãn trước khi đi làm. Không may, hôm đó lại là ngày Frank phải đi diễn thuyết ở xa, cần phải qua một chuyến phà khởi hành đúng 8 giờ. Bị muộn phà, dẫn đến muộn buổi diễn thuyết – mà nội dung buổi điễn thuyết đó lại chính là vấn đề quản lý thời gian – Frank vô cùng xấu hổ và giận vợ. Cuối giờ chiều, anh bực bội vào quán uống rượu. Say rượu, anh lên giường với một cô gái mới quen, cũng trong tình trạng say mèm. Khi vợ gọi điện, cô gái kia đã bắt máy, tạo nên một mối nghi ngờ đầu tiên cho vợ anh.

Buổi tối, trên đường lái xe về nhà, Frank gặp một phụ nữ chuyển dạ một thân một mình nên anh phải chở cô đến bệnh viện. Ở bệnh viện, nhân viên y tế tưởng nhầm anh là chồng của sản phụ nên buộc anh phải ghi thông tin của mình vào phiếu nhập viện. Frank vội vã làm cho xong thủ tục rồi lái xe về nhà. Trong thời gian đó, do không thấy “chồng” của sản phụ đâu, nhân viên y tế bệnh viện gọi điện về nhà Frank và gặp đúng vợ anh. Cơn bão bùng nổ, Frank về đến nhà lập tức bị đuổi đi mà không có cơ hội để thanh minh.

Quá buồn khổ, mấy ngày sau Frank đến bệnh viện yêu cầu thử máu để có được tờ giấy chứng nhận rằng anh hoàn toàn không liên quan gì đến đứa trẻ mới sinh kia. Nhưng thật trớ trêu, khi nhận được kết quả thử máu, Frank mới biết mình bị một chứng bệnh bẩm sinh là bệnh Klinefelter, hay còn gọi là bệnh VÔ SINH. Sự thật đau đớn khi một câu hỏi được ném thẳng vào mặt Frank, rằng tại sao suốt 6 năm nay, ở nhà anh lại hiện diện một đứa bé gái dễ thương như thiên thần?

Vậy là, từ việc chiếc đồng hồ bị vặn sai 10 phút đã dẫn đến một chuỗi xáo trộn tiếp theo, và sự hỗn loạn trong cuộc sống của Frank bắt đầu. Nếu các bạn muốn biết diễn biến của câu chuyện hấp dẫn này thì…

…phải xem phim thôi!


Đấy là vì tôi mê phim quá, mà dạo này không có mấy thời gian để xem nên đành kể lại một đoạn phim này cho đỡ cơn nghiện. Những điều tôi viết tiếp dưới đây có thể chẳng liên quan gì đến bộ phim.

Buổi sáng chở con trai đi học, hai mẹ con thường phải vất vả để thoát khỏi cảnh kẹt xe. Buổi chiều đón con về, hai mẹ con cũng phải mướt mồ hôi lách qua cái dòng người ken kín để về đến nhà kịp trước 6 giờ. Cứ cái đà này, có lẽ trong vòng chục năm tới, đường phố sẽ không thể đi lại được nữa. Con trai hỏi:

- Mẹ ơi, sao cứ kẹt xe hoài vậy?
- Chuyện con hỏi làm nhức đầu vô số người rồi đấy! Biết bao nhiêu chuyên gia, biết bao nhiêu cái đầu uyên bác đã vật vã với câu hỏi làm sao để hết kẹt xe, nhưng chẳng ai đưa ra lời giải đáp được cả.
- Ơ, con chỉ hỏi tại sao kẹt xe thôi mà!
- Tại vì đường nhỏ mà người đông chứ sao!
- Tại sao không làm đường lớn hơn?
- Làm đường lớn hơn thì nhà cửa sẽ nhỏ lại. Mà người càng ngày càng nhiều, nhà cửa nhỏ thì lấy đâu ra đủ chỗ để ở!
- Mẹ ơi, có người sinh ra thì cũng có người mất đi. Cứ cho là trẻ con sinh ra nhiều hơn người già mất đi thì con cũng không hiểu người ở đâu ra mà càng ngày càng đông nhanh thế này?
- Họ ở quê lên con ạ.
- Sao họ không ở quê mà phải đổ lên đây?
- Tại ở quê, mọi thứ khổ quá, công việc vất vả, điều kiện thiếu thốn…
- Tại sao nhà nước lại để cho miền quê thiếu thốn hơn thành phố?
- Mẹ chịu thôi, con ạ. Đến đây thì mẹ không giải thích được nữa vì đó là chuyện vĩ mô.
- Vĩ mô là gì?
- Là chuyện to lớn mà chỉ có những người ở vị trí to lớn mới giải quyết được thôi.
- Người ở vị trí to lớn thì cũng là người, cũng có bộ não giống mình. Người ta giải quyết việc lớn, mình không giải quyết được nhưng mình cũng phải biết nguyên nhân chứ hả mẹ?
- Con hỏi nhiều, mẹ nhức đầu quá! Mẹ còn phải nấu cơm cho cả nhà, rồi rửa chén, rồi phải đi tưới cây, giặt giũ, ủi đồ, chăm sóc chó, dọn dẹp nhà cửa... Mà tất tần tật từng đó việc, mẹ chỉ có mỗi buổi tối. Tốt nhất là con lo học hành đàng hoàng đi, rồi từ từ con sẽ tự tìm được câu trả lời.
- Vậy, câu trả lời bây giờ là con cần học giỏi, phải không mẹ?
- Ừ, học giỏi thì con sẽ hiểu nguyên nhân tại sao miền quê lại nghèo. Hiểu nguyên nhân, con sẽ biết làm cách nào đó để quê không nghèo nữa. Không nghèo thì người dân sẽ không đổ lên thành phố. Thành phố sẽ ít tai nạn giao thông và không còn hỗn loạn như bây giờ…
- Thế sao những người vĩ mô không học giỏi từ đầu để bây giờ khỏi hỗn loạn?
- Shut up! Ăn cơm đi!

(Đôi khi người lớn cáu với trẻ con vì điều mà mình không trả lời được. Vô lý thật!)

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

CÒN GÓC XANH XƯA

Mình được tặng thơ trên FB. Có lẽ không nên kìm hãm sự sung sướng, nên mình ôm về đây để dành. Cảm ơn anh Art !

CÒN GÓC XANH XƯA .
.Tranh : Theo FB Đào Kiến Quốc .
. Gởi Hà Tuệ Hương

Tưởng phai
Ước vọng một đời 
Những ngày tháng , những buồn vui ...
Rộn ràng
Tưởng phai
Dạ khúc mơ màng
Bỗng dưng
Mưa vỡ bàng hoàng duyên xưa !

Hình như ...
Có những ước mơ ?
Hình như
Có những ngày chờ trông nhau ?
Biết là
Vời vợi vách sâu
Sao không bắc một nhịp cầu
Tầm hương ?

Để mưa đổ suốt đêm trường
Để phai lạnh hết con đường em theo ...
Chẳng ngáng núi ,
Chẳng vương đèo
Chẳng ngăn sông suối cũng bèo bọt nhau !

Ngược xuôi
Những phố không nhau
Hai mươi năm
Đủ thay màu tóc chưa ?
Hai hàng cây đổ lá thưa
Cho người đổ bóng dưới mưa sụt sùi .

Người xa ...
Tình cũng xa rồi
Không dưng
Nhớ một góc trời
Xưa
Xanh .........!

*DẠ KHÚC . ( Serenade - Franz Schubert )
. Lời Việt : Phạm Duy - Trình bày : Lệ Thu .

http://www.youtube.com/watch?v=TYx8fugzmDs

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Tiếng khóc trong đêm khuya

(Trích Truyện kể của Gianni Rodari)


Chắc các bạn còn nhớ sự tích nàng công chúa với hạt đậu: nàng công chúa đó nằm ngủ trên bảy tấm nệm, và nàng không ngủ được vì người ta đã để một hạt đậu dưới núi các tấm nệm đó. Các bạn còn nhớ không? Thế thì sự tích sau đây về một ông già đối với bạn có lẽ còn rõ ràng hơn...

Ông già này chính là lòng tốt.

Một buổi tối kia, khi ông ta đi ngủ, chuẩn bị tắt đèn thì nghe một tiếng gì đấy, tiếng khóc...

- Kỳ lạ thật! - Ông ta nói, - Chắc là có ai trong nhà.

Ông ta ngồi dậy, mặc quần áo, đi một vòng xung quanh căn hộ chật hẹp mà ông ta sống một mình, thắp đèn lên, nhìn khắp nơi.

- Không, không có ai cả, chắc là ở bên nhà hàng xóm.

Ông trở lại giường, nhưng một lúc sau, ông lại nghe tiếng khóc ấy.

- Hình như tiếng khóc ấy đi lên từ dưới đường. Chắc như thế rồi, chắc có ai khóc ở dưới ấy. Ta phải di xem mới được.

Ông lại ngồi dậy, quấn chặt quần áo đến mức tối đa, vì đêm lạnh, rồi đi xuống đường.

- Không có ai cả. Nhưng hình như tiếng khóc vẳng lên từ đây. Có thể là ở con đường bên cạnh.

Đi dò theo tiếng khóc, ông lang thang từ con đường này đến con đường khác, từ chỗ này đến chỗ khác, đi khắp cả thành phố, đến tận căn nhà cuối cùng của con đường cuối cùng. Dưới một gốc cây, ông phát hiện ra một ông già nhỏ bé đang rên khe khẽ.

- Ông làm gì ở đây? Ông đang bệnh à?

Ông già nhỏ bé nằm dài trên vài miếng giẻ rách, khi nghe gọi loáng thoáng, ông ta giật mình.

- Cái gì đấy? À, tôi hiểu rồi, ông là ông chủ của nhà này. Tôi đi, tôi đi ngay đây...

- Thế thì ông muốn đi đâu?

- Đi đâu? Tôi cũng không biết đi đâu nữa. Tôi không có nhà, tôi sống một mình. Tôi đã trú ở đây... Đêm nay, trời lạnh quá... ông hãy thử ngủ trên ghế dài, trong vườn hoa công cộng, chỉ đắp có vào tờ báo. Không có cái gì để chống lại cái chết. Nhưng ông có thể làm được gì nào? Tôi đi, tôi đi ngay đây...

- Khoan, đợi đấy đã, ông nghe tôi nói đây! Tôi không phải là chủ nhà.

- Vậy thì ông muốn gì? Một chỗ nằm nho nhỏ à? Thế thì đến đây, không có chăn, nhưng cũng có chỗ cho hai người...

- Không, không, tôi muốn nói rằng chỗ của tôi... ấm hơn, có một cái đi-văng...

- Một cái đi-văng? Chỗ ấm hơn?

- Hãy đến với tôi, đến với tôi. Và ông biết chúng ta sẽ làm gì chứ? Trước khi đi ngủ, chúng ta uống một chén sữa đầy...

Hai ông già cùng đi với nhau. Ngày hôm sau, ông đem ông già nhỏ bé đến bệnh viện. Ông ta bị sưng phổi ác tính vì ngủ trong vườn hoa công cộng dưới cánh cổng. Rồi ông trở về nhà. Trời đã khuya, ông đi ngủ, nhưng ông lại nghe tiếng khóc...

- Thấy chưa! - Ông nói - Lại bắt đầu rồi. Tìm trong nhà vô ích, vì mình biết chắc là không có ai. Thử cố gắng ngủ cũng vô ích, chắc chắn với cái thứ tiếng ấy trong tai, mình không thể nào ngủ được. Can đảm lên, đi xem nào!

Cũng như đêm trước, ông già ra khỏi nhà, đi theo hướng tiếng khóc, mà lần này xem ra đến từ chỗ xa hơn nhiều. Ông đi ngang qua thành phố, rồi bước rất lâu. Và ông gặp một điều hết sức kỳ lạ. Ráng sức đi, ông thấy mình ở trong một thành phố lạ, không quen biết, rồi lại đến một thành phố khác. Ông lại tiếp tục bước, càng lúc càng xa. Ông đi hết cả vùng, ông đến một làng nhỏ nằm vắt vẻo trên một ngọn núi. Ở đó có một người đàn bà khốn khổ khóc vì con bệnh, không ai giúp đi tìm thầy thuốc.

- Tôi không thể để nó ở đây một mình và cũng không thể đem cháu đi được vì tuyết...

Quả thực là tuyết quá nhiều. Đêm giống như một vùng hoang mạc trắng.

Ông già nói:

- Nào, nào, hãy cho tôi biết người thầy thuốc ở đâu. Tôi sẽ đến tìm ông ta và đưa ông ta đến. Về phần đứa bé, thì hãy làm mát trán của nó bằng một miếng vải ẩm. Như thế nó sẽ thấy dễ chịu, và may ra nó có thể ngủ được...

Ông già làm tất cả những gì ông có thể làm được. Và thế là môt lần nữa, ông lại ở trong phòng. Đã sang đêm hôm sau, và cũng như thường lệ, khi ông sắp đi ngủ, một tiếng khóc lại đến với ông trong giấc ngủ, một tiếng khóc gần đâu đây. Không thể nghe tiếng khóc như vậy được, vừa thở dài, ông ta lại mặc quần áo vào rồi lại lên đường. Và một chuyện kỳ lạ, rất kỳ lạ tương tự lại đến với ông. Lần nào, ông băng qua toàn nước Pháp, đi qua biển, đến một xứ có chiến tranh. Ở đó có một gia đình mà nhà cửa đã trúng bom, đang chán nản, thất vọng.

- Can đảm lên! Can đảm lên! - Ông già nói - Tôi sẽ giúp các bạn!

Tất nhiên ông không thể nào giải quyết tất cả mọi việc nhưng sau khi an ủi mọi người, ông lại quay về nhà.

Trời đã sáng hắn rồi, không thể nào ngủ lại được.

- Đêm nay mình phải ngủ sớm hơn một chút.

Ông tự bảo.

Vẫn luôn luôn có ai đó khóc ở Châu Âu, Châu Phi, hay Châu Á, Châu Mĩ. Về khuya, luôn có tiếng khóc đến tai ông, làm ông không ngủ được. Đêm này qua đêm khác, không hề mệt mỏi, ông đi về phía tiếng khóc xa xôi. Ngay cả khi tiếng khóc đến từ phía bên kia trái đất, ông cũng nghe được. Ông nghe và không thể nào ngủ được...

ĐOẠN KẾT THỨ NHẤT

Ông già là người tốt, rất tốt. Nhưng vì thiếu ngủ, ông trở nên bẳn tính, rất bẳn tính.

- Nếu ta có thể ngủ chỉ môt hay hai đêm thôi nhỉ?

Ông than thở.

- Vì nói cho cùng, không phải chỉ có mình ta trên trái đất này! Không có lẽ không ai nghe những tiếng ấy? Không lẽ không ai muốn đi xem thử điều gì đang xảy ra?

Nhiều buổi chiều, khi nghe tiếng ấy, ông dằn mình lại.

- Lần này ta không dậy nữa. Ta bị cảm, ta rất đau lưng, không ai có thể trách ta được.

Nhưng tiếng khóc ấy nài nỉ, nài nỉ cho đến mức ông ta buộc lòng phải ngồi dậy.

Ông càng ngày càng thấy mệt mỏi, càng ngày càng bẳn tính.

Cuối cùng, ông có thói quen trước khi đi ngủ, lấy bông nhét vào tai. Vì vậy, ông không nghe những tiếng khóc và có thể ngủ được. Ông ta nói:

- Ta không thể làm như thế lâu dài được. Chỉ để nghỉ một chút thôi, như là ta nghỉ vài ngày vậy.

Ông làm như vậy trong vòng một tháng.

Một buổi chiều kia, ông không bịt tai nữa. Ông lắng tai nghe mà không nghe gì nữa. Ông rình nghe đến khuya: không có một tiếng khóc nào, chỉ có tiếng chó sủa phía xa xa. Ông kết luận:

- Hoặc không còn ai khóc nữa. Hoặc ta bị điếc. Dầu sao cũng còn khá ơn. 


ĐOẠN KẾT THỨ HAI 

Đêm này qua đêm khác, năm này qua năm khác, ông già đeo đuổi việc của mình. Ông dậy bất cứ giờ nào và đi từ đầu này đến đầu kia của trái đất để giúp đỡ ai đó. Ông chỉ ngủ vài giờ vào buổi chiều, không kịp cởi quần áo, trên chiếc ghế dựa và còn có vẻ mệt mỏi hơn nữa.

Hàng xóm bắt đầu nghi ngờ:

- Đêm nào ông ta cũng đi đâu?

- Ông ta lê la, là một tay du thử du thực, bạn không biết à?

- Một tên ăn trộm, chắc chắn như thế! Không còn nghi ngờ gì nữa!

- Phải thấy tận mắt!

Một đêm kia, trong cư xá có vụ trộm. Hàng xóm quy tội cho ông già. Họ khám nhà, lục tung cả lên. Ông ra sức chống lại:

- Tôi vô tội! Tôi vô tội!

- Ừ, thế thì ông hãy nói cho tôi biết, đêm hôm qua ông ở đâu?

- Đêm qua? À à, tôi ở Ac-hen-ti-na, có một nông dân ở đó mất con bò cái và...

- Không, gan thật! Ở Ac-hen-ti-na! Đi tìm bò cái!

Cuối cùng, ông vào nhà tù. Hằng đêm, ông nghe tiếng khóc và rất lấy làm thất vọng vì không thể ra khỏi nhà giam cứu người đang gọi mình.


ĐOẠN KẾT THỨ BA 

Ngay bây giờ chưa có đoạn kết thứ ba. Nhưng cũng có thể như thế nào. Một đêm, trên toàn trái đất, không còn một người nào khóc, không còn một em bé bị bệnh... Đêm sau cũng vậy, những đêm sau nữa cũng vậy. Không ai khóc nữa, không ai đau khổ nữa.

Một ngày nào đó, điều đó có thể xảy ra. Ông ta dã quá già để thấy ngày đó. Tuy nhiên, ông tiếp tục thức dậy, bởi vì điều gì ông đã làm, ông vẫn làm, không bao giờ mất niềm hy vọng.


Làm sao để không còn cảm thấy day dứt, bất lực, đôi khi đến mất ngủ vì những chuyện chả liên quan gì đến mình nhỉ? Đêm nằm nghĩ miên man. Ở đâu đó có 4 cảnh sát địa phương trói một thanh niên lại khi chưa xác định được tội của anh ta, và đã thi nhau tra tấn bằng những nhục hình ghê tởm. Những đau đớn về thể xác là không thể chối bỏ, nhưng còn những đau đớn về tinh thần, những mất mát về niềm tin... thì liệu người thanh niên kia có còn tìm lại được không? Ở đâu đó có gã lái xe cố tình vượt đèn đỏ, va chạm với 3 mẹ con đang chở nhau, khiến họ bị ngã xuống đường và một chiếc xe bus đã cán chết đứa trẻ 12 tuổi trước mắt mẹ và anh trai cháu. Có còn nỗi đau đớn nào khủng khiếp hơn thế nữa không? Và ở đâu đó có tay tài xế cán phải một cô gái rồi quay lại cố cán thêm lần nữa cho cô chết hẳn. Kinh hãi quá! Mà đó chỉ là những chuyện rất nhỏ trong một biển mênh mông những chuyện đau lòng mang tính chất "vĩ mô" hơn.
Liệu có cách nào để ta không còn nghe những tiếng khóc trong đêm khuya nữa?


Ghi chú: Mình đang dự định sẽ viết mấy truyện mà trong đó truyện nào cũng có vài đoạn kết để người xem tự chọn, nhưng tự nhiên tình cờ lại đọc được tác phẩm này, nên... im luôn!