.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

ĐỊA ĐÀNG

Một hôm Gió lái nẻo hoang
Hứng tình, Mây Nõn nhịp nhàng đu theo.
Nắng Vàng nằm ngửa lưng đèo
Hớ hênh bất chợt lộn vèo xuống khe.
Lạch khô vụt tỉnh cơn mê
Rong rêu ướt đẫm nước về mơn man.

Này em,
lạc gót địa đàng
Hình như...
Trái Cấm chừng đang mọng rồi!

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

DỄ XA NHAU

Mấy hôm nay nhận ra thật rõ một điều là mình quá dễ vỡ. Chuyện vớ vẩn, nhỏ như con thỏ mà cũng làm mình chán, mất hết cả hứng thú văn chương với blog. Phá lệ, hôm nay chẳng viết chuyện văn chương nữa. Viết cái bài khô khốc này, nếu bạn nào không thích thì vui lòng bỏ qua nhé!

Hôm qua trong người khó ở, mình cắc cớ post một câu hỏi lên Facebook. Nếu là ở một nước khác thì câu hỏi của mình cũng bình thường thôi, nhưng ở nước mình thì nó thành ra chuyện chính trị. Và chính vì nó là chuyện chính trị, nên mọi người vào còm, hoặc là nói bóng nói gió, hoặc là trả lời “đều”, chẳng ai có một câu trả lời rõ ràng, (trừ câu trả lời khá nghiêm túc của bạn Hà Thị Thanh Vi. Bạn này thì từ đó đến giờ, luôn đi thẳng vào vấn đề khi còm, nhưng câu trả lời của bạn ấy xem ra vẫn chưa làm mình thoả mãn). Và mình cũng nhận thấy mỗi khi có chuyện gì thuộc về chính trị được post lên thì thái độ của bạn bè được bộc lộ rõ. Người đồng ý thì like, nói nửa kín nửa hở, người không đồng ý thì hiếm khi cãi, chỉ lẳng lặng quay đi, mà quay đi thực chất là câu trả lời “tôi không thích!”. Mình không biết chính trị có đem người ta xích gần lại với nhau hay không, nhưng mình biết rõ chính trị dễ làm cho người ta xa nhau.

Vào những năm 2002-2003, khi Internet vừa được Bộ VHTT & TT cho phép chính thức hoạt động ở nước ta, mình cũng tập toẹ làm quen với phương tiện mới mẻ này. Mình lên Internet và tham gia vào một mạng xã hội nào đó (quên tên rồi), có cơ sở ở nước ngoài. Vì đối với ta, Internet còn quá mới mẻ, nên cái mạng xã hội đó được rất ít người Việt tham gia. Trong số ít ỏi người Việt đó, mình có quen được một bạn nam. Không rõ bạn ở đâu, làm gì, mình chỉ biết bạn hơn mình khoảng chục tuổi, là dân Tổng hợp Toán. Bạn tỏ ra rất hiểu biết về xã hội, về văn học nên mình rất quý bạn, có thể nhắn tin qua lại hoặc chat với bạn rất lâu về đủ thứ chuyện, cho đến một ngày...

Ngày đó, bạn bắt đầu nói về chuyện chính trị. Đầu tiên mình còn nghe, còn trả lời cho phải phép. Nhưng sau đó, chuyện chính trị trở nên dày đặc hơn. Mình mệt. Mình nhắn cho bạn rằng em phải đi cày từ sáng đến chiều, tối về còn phải chăm sóc con nhỏ, em chỉ nghĩ đến chuyện sao cho có đủ tiền nuôi con thôi, ngoài ra em không biết gì, cũng không quan tâm gì đến chính trị đâu. Bạn nhắn cho mình rất nặng nề, rằng: em đâu phải sống trong rừng hay ở hoang đảo, em sống trong một đất nước, một xã hội cụ thể, mà đất nước và xã hội thì luôn gắn với thể chế chính trị. Là người, sao có thể thờ ơ với đất nước mình? Sau tin nhắn đó, mình giận bạn và chủ động cắt đứt quan hệ. Mình không bao giờ gặp lại bạn nữa. Đó là mất mát đầu tiên thật đáng tiếc, nó làm cho mình day dứt.

Sau chuyện đó, mình bỏ cái mạng xã hội này, tham gia vào một vài mạng xã hội khác, nhưng chỉ là lớt phớt vì mình không tìm được bạn bè “hợp khẩu vị”.

Năm 2009, Facebook mon men vào Việt Nam. Mình cũng mon men theo chân những người đầu tiên “làm nhà” trên Facebook. Cái chợ Phây hiện đại, năng động, mới mẻ làm mình mê mẩn. Nhưng cũng chính ở đây, mình lọt vào một trận địa những người hăng máu với chính trị. Họ hăng đến nỗi mình chẳng dám ho he gì, thậm chí còn cảm thấy sợ.

Năm 2010, Facebook bắt đầu bị chặn. Trong thời gian chưa tìm được cách bẻ khoá, mình “chơi tạm” bên Yahoo! Plus. Định là chơi tạm, nhưng cái nhà bên này lại làm cho mình thích. Ở đây, mọi người chơi thuần tuý văn chương, thơ phú, hầu như không ai đả động gì đến chính trị, nếu có thì cũng chỉ thi thoảng, và nhè nhẹ thôi. Chính ở đây, mình đã gặp được nhiều bạn bè nhất so với tất cả các mạng mà mình từng tham gia. Có những người bạn từ mạng ảo đã bước hẳn ra đời thường, gặp nhau, ăn chung, đi chơi chung, thậm chí còn... ngủ chung thân mật. Mình còn giữ được những tình thân này cho đến hôm nay và luôn cảm ơn Yahoo! Đã cho mình một ngôi nhà ít màu chính trị.

Tuy nhiên, ngôi nhà ấy ít màu chính trị không có nghĩa là những con người ở ngôi nhà ấy không mang trong người một chính kiến nhất định. Mình đã chứng kiến nhiều lần, trong những cuộc offline xảy ra “hục hặc”giữa người này và người kia cũng chỉ vì chuyện chính kiến khác nhau. Mình lờ mờ nhận ra cái sự thân thiết – ở một chừng mực nào đó – chỉ là tầng nổi, tầng bên ngoài. Nếu khác chính kiến, bạn không thể thân “hết mình” được. Nó như ngọn núi lửa nằm ở bên trong mỗi con người, nếu không khéo léo, lỡ chọc vào miệng núi lửa thì ngọn lửa sẽ phun ra.

Trong một dịp trò chuyện cởi mở với một anh Blogger nhà thơ, anh có đề nghị mình nói thẳng nói thật chính kiến. Mình bảo: “Anh và em đang là bạn bè thân thiết, nói ra chuyện ấy để xa nhau sao? Vì em có thể chắc chắn một điều là chính kiến của anh và của em khác hẳn nhau!”. Anh cười hiền rất dễ thương. Khi ngọn núi lửa trong anh còn nằm ngủ im lìm thì anh chắc sẽ luôn dễ thương như vậy. Mình cảm thấy may vì không ở gần anh để có thể chứng kiến một ngày nó phun ra lửa. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là tình bạn giữa anh và mình chỉ đến đó thôi, không thể thân hơn!

Năm 2012, Yahoo! Làm ăn thua lỗ nên đóng cửa. Mình đành dọn sang ngôi nhà Blogspot này. Bạn bè cũ rơi rụng lả tả. Sau hơn 2 năm thì bạn cũ hầu như chạy hết sang với “trai trẻ” Facebook. Mình thì loay hoay giữa 2 nơi: một cái chợ đông vui, hàng giá rẻ với một cái shop hàng tuyển quanh năm ế khách. Mình quyết định chọn cách khi nơi này, khi nơi kia.

Một lần, quay về Facebook, mình nhận lời kết bạn với một chị ở nước ngoài. Mình không ghét bỏ gì chị (mà cũng có biết chị là người thế nào đâu mà yêu với ghét!), nhưng sau khi kết bạn, mình cảm thấy mình đã phạm sai lầm. Chị thường hay viết bài về chính trị. Thấy mình không có ý kiến gì thì chị nhắc tên mình, buộc lòng mình phải vào cho phải phép lịch sự. Có lần, mình nói với chị rằng: em chỉ quan tâm đến thơ văn, nghệ thuật thôi, chứ chuyện thể chế này nọ thì em dốt lắm, không biết gì mà nói. Chị bảo (giống như cái anh Tổng hợp Toán ngày nào) rằng: Không biết thì phải tìm hiểu để xem nhà cầm quyền cai trị mình bằng phương thức như thế nào, chứ không biết mà cứ mãi chấp nhận không biết thì họ dễ cai trị mình. (Ối giời, nói đúng thế thì mình biết cãi vào đâu!). Tất cả những bài mình viết hoặc mình chia sẻ, dù thuộc chủ đề nào, chị cũng đều vào còm rất nhiệt tình, còm được mấy câu thì chị bắt đầu lái câu chuyện sang chính trị và hai chị em bắt đầu... cãi nhau. Bài sau cùng trên Facebook, mình muốn bày tỏ ước muốn hoà hợp dân tộc sau 40 năm thống nhất đất nước. Thực ra, đây là vấn đề chính trị, nhưng mình cố tình tránh, không nói chuyện chính trị, chỉ đơn thuần là tình cảm, ước muốn của mình thôi. Nhưng khi bài viết được đưa lên, đa số mọi người xoay hẳn sang hướng chính trị, và dĩ nhiên chị lại nhiệt tình còm theo hướng đó, và 2 chị em lại... cãi nhau. Đỉnh điểm cuộc cãi nhau này là lúc chị bảo: “Nói thật bạn đừng buồn, chứ bạn thật là chậm hiểu! Mình đi đây, không quay lại nữa đâu!”. Mình cũng chào chị lịch sự rồi xoá còm và block chị luôn! Mình rất day dứt với việc phải block một người bạn. (Chưa bao giờ mình block một người nào trên FB), nhưng có một thực tế là sau khi block, mình thấy nhẹ nhõm hẳn. FB rất hay ở chỗ khi ta block ai thì sẽ không bao giờ ta nhìn thấy người đó, hoặc còm của người đó ở bất cứ đâu. – Cái này thì Blog chưa làm được.

Hôm qua, post câu hỏi lên Facebook, hôm nay lại muốn gỡ xuống rồi! Hỏi thì có được gì đâu, có câu trả lời nào sáng tỏ đâu, nhiều khi lại vạ miệng. Mình có cô bạn học cùng lớp ĐH đã từng bị đi tù vì vạ miệng với một bài viết sự thật. Ngày bạn đi tù, chỉ cần lên Google gõ tên viết tắt CGĐL là ra ngay cả ngàn kết quả, và từ ngày đó, bạn trở thành nổi tiếng cho đến bây giờ. Con đường bước vào chính trị với bạn chẳng bằng phẳng chút nào và cái giá của sự nổi tiếng xem ra cũng đắt!

Mình không thích chính trị và sẽ là một “cư dân mạng” loanh quanh chơi với chữ nghĩa thôi.

Nhưng chẳng hiểu sao mấy hôm nay trong lòng khó ở, mình lại nhớ đến câu nói của anh Tổng hợp Toán: “Là người, sao có thể thờ ơ với đất nước mình?”.

Hôm qua mưa cả ngày, hôm nay trời âm u. Chán quá!

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

LỘC VỪNG “VẼ” TRÊN “VỆT MÀU”

Tôi qua nhà Lộc Vừng và bắt gặp bài viết này. Bạn khoá phần bình luận nên tôi không thể xin phép bạn được... Thôi thì tự tiện mang bài viết này về, nếu bạn không bằng lòng thì tôi sẽ cất đi sau. Cảm ơn bạn rất nhiều!  

Đi tìm ẩn số của một bài thơ



Ngược phố tan tầm, ngược chiều gió thổi
Ngược lòng mình tìm về nông nổi
Lãng du đi vô định cánh chim trời

Công bằng mà nói, lần đầu tiên tôi tìm và đọc trọn vẹn bài thơ mở đầu bằng 3 câu thơ này. Bài thơ có cái tên dài lê thê: Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh. Cá nhân tôi không thích đọc những bài thơ về tình đầu không phai hay về cái gì đó đại loại như sự rung động về quá khứ. Cho đến khi tôi đọc bài thơ “Vệt màu” của chị OM. Một bài thơ đẹp – như nhận xét của một bạn blog. Với tôi, bài thơ không chỉ đẹp mà cái khiến tôi tò mò với một niềm say mê khám phá, là thông điệp mà chị muốn nói là gì? Thật sự, đây là một đáp án không thể tìm ngay được lời giải, là tâm sự không thể gọi ngay cho tròn một tiếng. Tôi nghĩ đến thuyết “Tảng băng trôi” củaErnest Hemingway. Và tôi muốn đi tìm.

“Vệt màu” không phải là bài thơ đầu tiên chị OM dùng thể thơ 5 chữ - một lối tự sự trữ tình đủ để người ta có cảm giác đang đứng giữa ranh giới của cái cũ và cái mới theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có lần tôi đã nói với chị rằng chọn thể thơ 5 chữ để diễn tả được cảm xúc không phải là điều dễ dàng. Nó có thể “chết” ngay khi vừa được sinh ra nếu như nó chỉ là tự sự. Và ngược lại, nó bắt rễ bền chặt ngay vào trái tim người đọc, nếu nó vượt lên chất tự sự thông thường của kiểu trò chuyện thủ thỉ đặc trưng này. “Vệt màu” đứng ở vị trí thứ hai trong hai điều giả định nói trên. Đó là một câu chuyện  bằng thơ, là những say – tỉnh – đục – trong của thứ cảm xúc mà chính con người  không thể điều khiển được, dù sản sinh ra nó: tình yêu. Này nhé: một chiều nỗi chênh chao nhuộm lên cảm xúc, Anh ghé quán  gọi cafe trong tâm trạng rủ buồn “Phả khói vào chùng buông” (khói cafe và có chăng còn là khói thuốc). Em đến sau (Tình cờ do vô thức hay là chủ ý hò hẹn, dù thế nào thì “đối tượng” của cảm xúc đang lăn từng giọt theo tách café cũng đã xuất hiện). Café cho Anh, nước Cam vắt cho Em- Ta có một nhịp tích tắc của thời gian lắng đọng bên nhau. Trong khoảng tích tắc dài vô chừng mà cũng ngắn chẳng tày gang đó, biết bao kỷ niệm ùa về.

Có một ngày xưa lắc
Tim giấu mấy vần thơ
Cuối giảng đường vắng ngắt
Anh đã chờ, đã chờ…

Có một ngày xưa lắc
Em vờ lướt qua anh
Tà áo bay hờ hững
Thơ tròng trành,tròng trành…

Đó là những kỷ niệm mà Anh và Em cũng nhắc lại, hay chỉ là những đoạn phim quay chậm hiện lên trong ký ức mỗi người khi đối diện trước Café – Cam?

Tôi nghĩ, và tôi thích cái ý nghĩ đó chỉ là ký ức hiện về. Kể cả những dở dang làm trái tim ai se thắt bối rối, cũng chỉ là cảm xúc đang xôn xao trong tâm tư và được giấu kín sau ý nghĩ rằng thời gian dù đã trôi qua bao mùa mưa nắng, thì những vần thơ yêu “xưa lắc” năm nào của Anh vẫn chỉ là nhịp lặng của con tim tuổi trẻ trước một rung cảm đẹp. Để rồi:

Ngày em may áo cưới
Thơ anh mặn vị tro.

Ở phía đối diện,  Em ngập tràn suy tư về cái thuở cố làm ra “hờ hững” lướt qua anh, ngậm ngùi tiếc nuối một tình yêu đi lạc ngay từ giây phút đầu tiên. Cho nên giấc mơ một ngày mỏi mệt được “Gục bên nụ tình đầu” là hoàn toàn có thật, rất đời, rất Người. Thật lạ là đọc đến những câu thơ cuối cùng của bài thơ, tôi lại nhớ đến thần thoại  “Ngàn lẻ một đêm”. Ý niệm ban đầu của tôi về một cuộc hò hẹn tình cờ của Anh và Em biến mất. Tức là con số “hai người” biến mất, để chỉ còn lại là một. Có thể là Anh, và cũng có thể là Em, trong buổi chiều “ngược nắng” ấy đã tạm quên nhịp sống “xe – người – xe” khi tìm cho mình một góc thầm lặng để suy tư….

“Vệt màu” – ngay cái tên của nó, đã không báo hiệu đó chỉ là một câu chuyện tình, chuyện đời nói trên. Đó là một khúc nhạc tình yêu sâu lắng. Và hơn cả, đó  là một bức tranh tâm trạng đa sắc màu.  Cho nên vì thế mà đa nghĩa. Tôi thích “Vệt màu” vì tầng nghĩa thứ hai này. Bởi lẽ, đồng hành cùng câu chuyện thơ, là những sắc màu của buổi xế chiều. Nếu là một bức tranh,thì tôi thích nó thế này: nền tranh là sự pha trộn của sắc café nâu ẩn hiện sau những vòng khói (khói café và khói thuốc). Tâm điểm của bức tranh là sắc vàng, không thật vàng, nhưng đủ làm khói café và khói thuốc quẩn quanh vây quấn lấy nhau làm nên “vệt thời gian” không phai.  Thử hình dùng nếu thiếu “tâm điểm” này,thì tranh có còn là tranh không???

Nhưng, quan trọng hơn,bức tranh đó không phải là tranh tĩnh. Nó là tranh động. Nói cho đúng, trong cảm nhận của tôi, nó là tranh loang – sắc nâu đậm đặc ban đầu, sắc vàng sóng sánh trong nắng chiều xế bóng, theo thời gian, cũng đang loang mờ dần dần – như một vùng mây biếc mây hồng trong giấc mơ tình yêu kỳ diệu cứ nhạt dần khi đêm trôi về ngày.

Vệt màu loang chới với
Nhuộm thẫm cả góc bàn

Bạn đã bao giờ quan sát thời gian trong buổi hoàng hôn và giây phút bình minh chưa?

Trước khi trời tối, bao giờ cũng có giây phút bừng sáng, dù chỉ trong giây lát, rồi nét bừng sáng ấy chìm vào bóng đêm. Và, khi mặt trời lên, bao giờ trước lúc ánh sáng của ngày hiển hiện, cũng có một nhịp tối sầm nhẹ như một làn gió thoảng. Tôi nghĩ về điều đó, khi đọc đến:

Giờ tan tầm tất bật
Loang loáng xe – người – xe
Chỉ vệt màu bất động
Dường che khuất lối về

Nhược điểm của bài thơ, như nhận xét cũng của một bạn blog là có quá nhiều ngôn từ trau chuốt. Nó làm cho “bài thơ đẹp, cái đẹp của cảm xúc”. Tôi cũng thích nhận xét này. Nhưng tôi băn khoăn, không lẽ nhiều ngôn từ đẹp thế mà không có “nhãn”? Và tôi lại đi tìm. Thì đây: là những động từ khuấy động bức tranh tâm trạng. Ban đầu là Anh, trong buổi chiều uể oải, có một khoảng lặng để “phả” khói vào chùng buông. (chùng buông: tôi không hiểu tiếng Nam cho lắm, nhưng tôi nghĩ nó là sự pha trộn giữa hai nét nghĩa: không gian và thời gian). Khi “em đến” cái khoảng lặng “chùng buông” ấy xôn xao nhịp đập nhanh hơn bình thường của trái tim yêu. Bởi thế mà từ “khuấy” trong câu thơ “Khuấy thời gian mênh mang” chính là điểm vào bức tranh, linh hồn của sự sống. Khi trái tìm cùng lên tiếng nấc, bước qua cái lằn ranh mong manh của cảm xúc, thì cảm xúc không còn “đẹp” nữa. Chị OM tinh tế với chuyện…nhỏ nên chị OM dùng “nén” và “giữ” cho cảm xúc ấy mãi thăng hoa:

Café chiều sóng sánh
Anh nén giọt thời gian
Ly cam tan lành lạnh
Em cố giữ khỏi tràn

Bài thơ mở và khép lại thời gian và không gian từ chiều về tối. Giữa hai khoảng đó, câu chuyện kéo dài từ “xưa lắc” đến hiện tại. Và chủ thể trữ tình Anh – Em như là hai nốt nhạc trầm kéo dài những luyến láy du dương của bài ca tình đầu không phai, mở đầu đã là cao trào để rồi kết thúc ngân buông nhẹ như một hơi thở gần. Vì thế nên với tôi, 4 câu thơ cuối dồn tụ mọi ý niệm về bài thơ này:

Chợt nắng chiều vụt tắt
Ta tỉnh giấc bàng hoàng
Có vệt màu sám hối
Vừa vẽ vào thời gian

Vệt màu của chiều, vệt màu của sự gặp gỡ, vệt màu của sự “sám hối” – như chị nói – đều chạm khắc vào thời gian một cái gì đó mà tôi không thể cắt nghĩa theo lối chiết tự được. Vệt màu, chứ không phải là sắc màu. Tôi không am hiểu về hội họa cho lắm. Tôi chỉ nghĩ: vệt màu thường khó phai, khi đã loang trên tranh vẽ. Như trên đã nói: tôi không thích đọc những bài thơ về tình đầu không phải hoặc cái gì đại loại như thế. Nhưng khi đọc bài thơ với cảm xúc rất “đẹp” này, tôi đã thay đổi suy nghĩ: hình như nếu trong tim ai không có một “vệt màu” thì cuộc sống sẽ đơn điệu biết bao! Bởi khi ấy, ta đâu cần”bàng hoàng” và “sám hối” – dù có thật hay  chỉ là trong tâm tưởng???

Đáp án của “Vệt màu” với tôi vẫn là ẩn số.

Link của bài viết gốc Đi tìm ẩn số của một bài thơ

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Vệt màu

Cà phê chiều vắng khách
Giọt giọt vệt nâu buồn
Và anh - chiều uể oải
Phả khói vào chùng buông.

Em đến sau, nhè nhẹ
Mang chút nắng xế vàng
Thả vào ly cam vắt
Khuấy thời gian mênh mang.

Có một ngày xưa lắc
Tim giấu mấy vần thơ
Cuối giảng đường vắng ngắt
Anh đã chờ, đã chờ...

Có một ngày xưa lắc
Em vờ lướt qua anh
Tà áo bay hờ hững
Thơ tròng trành, tròng trành...

Mấy vần thơ còn đó
Theo anh suốt bao mùa
Ngày em may áo cưới
Thơ anh mặn vị tro

Chằng chịt đường muôn ngả
Ta để lạc mất nhau
Vẫn mơ ngày mỏi gối
Gục bên nụ tình đầu.

Cà phê chiều sóng sánh
Anh nén giọt thời gian
Ly cam tan lành lạnh
Em cố giữ khỏi tràn.

Chiều rót tia nắng cuối
Xiên qua cà phê - cam
Vệt màu loang chới với
Nhuộm thẫm cả góc bàn.

Giờ tan tầm tất bật
Loang loáng xe - người - xe
Chỉ vệt màu bất động
Dường che khuất lối về.

Chợt nắng chiều vụt tắt
Ta tỉnh giấc bàng hoàng
Có vệt màu sám hối
Vừa vẽ vào thời gian.

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

"CÂY CƠM NGUỘI..." VÀ BẠN BLOG

Nếu bạn đang đọc entry này mà chưa đọc đoạn đầu truyện ngắn  CÂY CƠM NGUỘI, ANH VÀ EM VÀ... , thì mọi chuyện sẽ không còn gì thú vị nữa. Mời bạn bấm vào tên truyện và bỏ ra 5 phút để đọc. Tôi viết truyện ngắn này và bỏ ngỏ phần sau rồi mời các bạn ghé qua, mỗi người cho xin một cái kết cho câu chuyện. Sau hơn một tuần, nhiều bạn blog đã vào chia sẻ với tôi. Đa số đoạn kết của các bạn đều xoay quanh chuyện tình yêu và hôn nhân mà bỏ qua Cây cơm nguội. Tôi thấy cũng phải thôi, vì câu chuyện bị dừng giữa chừng, chẳng liên quan gì đến Cây cơm nguội, nên để đoán và viết cho liền mạch là một điều gần như không thể.
Ở lần giao lưu này, không phải bạn nào ghé nhà cũng cho tôi một phần kết theo như yêu cầu, nhưng tất cả các bạn đều đã rất thiện chí. Tôi trân trọng cảm ơn mọi người và xin phép đăng tất cả những đoạn kết mà bạn bè đã đóng góp.

Đoạn kết của bạn N.
Buổi sáng thức dậy. Ánh nắng tươi rói nhưng khuôn mặt của anh thì nhìn rất tệ sau một đêm mất ngủ... dù vẫn cười nói như không có chuyện gì xảy ra, nhưng... chỉ có em phát hiện ra điều đó nơi anh.
...........
Sau khi chào hai em, anh về phòng mình... lấy chai nước lọc uống một hơi như mình vừa trải qua một cơn khát trên sa mạc. Thả tấm thân lên chiếc giường êm ái, nhưng anh hình như không cảm nhận thấy điều ấy... đầu óc anh cứ quẩn quanh về hình bóng em... về cây cơm nguội, và cả đồng nghiệp - dù rằng khi nghĩ tới đồng nghiệp anh chẳng vui tí nào....
đồng hồ đã chỉ 00: 45... Anh úp mặt vào gối dỗ giấc ngủ muộn màng.... Trong giấcc mơ, anh thấy hai nhóc đang cãi nhau đòi bố hoà giải... khi anh vừa đi làm về....
Cùng lúc ấy, một chiếc xe thắng kít ngay cổng, vợ anh bước xuống... cùng với ánh mắt trìu mến của gã ngồi trên xe máy...
Mọi thứ trong anh như đang sôi lên hơn 100đ.C. Anh thả chiếc xe máy thật mạnh (quên dựng chân chống) chiếc xe đổ rầm... Anh giật mình tỉnh giấc...
.......
Em nói chúng mình đi ăn sáng gần thôi vì sắp đến giờ gặp đối tác rồi... Anh gật đầu. Trong lúc ăn, anh như nhớ ra điều gì... rút điện thoại và bấm máy: em hả... mấy mẹ con ăn sáng chưa... chiều mai bố về...
Ồ có một tin nhắn mình chưa đọc: 05h:30 "Anh... chúc anh một ngày làm việc hiệu quả, nhớ ăn sáng để còn làm việc nhé anh!" Em và con nhớ anh nhiều..." 
Đồng nghiệp vẫn vô tư náo nhiệt... em vẫn lặng lẽ nhẹ nhàng... và anh lúc này chỉ mong công việc của mình sớm đạt đúng như dự định... để anh sớm về nơi có một bóng hồng và hai thiên thần đang đợi anh...
OM nghĩ: Thật là nhân văn với đoạn kết có hậu và không làm tổn thương ai! Phải chăng phụ nữ luôn mong muốn những điều tốt nhất cho gia đình dù chỉ là trong một câu chuyện không phải của mình?

Đoạn kết của chị Nhật Thành Hồ
Anh nằm bắc tay lên trán...Có cài gì đó...trông trống, thiêu thiếu. À, ra là phòng nghỉ không có màn. Anh chợt mỉm cười, nhớ tới câu càm ràm quen thuộc của vợ: " Màn mùng để thế này, đêm ngủ muỗi nó tha ra ngoài vườn không biết!" Nàng cẩn thận dém từng góc rồi nhẹ nhàng nằm xuống... Mùi tóc thoảng nhẹ hương bồ kết. À, ngày mai sau khi xong việc, mình sẽ rủ Em và đồng nghiệp ghé cửa hàng thời trang mua cho cô ấy chiếc áo thun dài tay...Màu gì nhỉ? Ờ, mai nhờ Em chọn giúp vậy, phụ nữ họ sành lắm.
OM nghĩ: Đôi khi chỉ cần một thói quen, một câu càm ràm của vợ cũng đủ để làm thức tỉnh một người đàn ông đang đứng ở ranh giới giữa Phở và Cơm nguội :D

Đoạn kết của bạn Dã Quỳ
"Khi không còn ai hẹn hò dưới gốc cây cơm nguội thì cây đã buồn rầu, chết rũ từ thuở ấy.
Ký tên, Bạn"
Anh vừa tỉnh giấc thì đã thấy một tin nhắn như thế trong điện thoại của mình như một phép lạ!
OM nghĩ: Cuộc sống luôn có những bất ngờ. Bất ngờ mà vẫn logic.

Đoạn kết của anh H.S.
Thoáng cái mà ba trăm sáu mươi lăm ngày đã trôi qua. Đêm nay, trong chuyến đi công tác ở cái nơi đầy hương hoa sữa ấy, Em lại nhận được tin nhắn của Đồng nghiệp, hỏi thăm cây cơm nguội. Bao nhiêu kỉ niệm về đêm dạo đường phố Hà Nội của Anh, Em và Đồng nghiệp lại ùa về!
Đang ngồi với cô ban gái thời “để chỏm” bên li kem “Tình yêu vĩnh cửu” trong cửa hàng Bốn Mùa, nhìn ra Hồ Gươm tuyệt đẹp, mặc cho cô bạn gái líu lo chuyện ngày xưa đi nhặt hoa phượng rơi bên hồ, Em trầm ngâm và thỉnh thoảng lại tủm tỉm nhớ lại cuộc dao chơi thú vị ấy. Đúng là ba người có một điểm chung để có thể cùng đi với nhau, đó là Hà Nội. Mẹ Đồng nghiệp vốn là người Hà Nội, một cô gái tài hoa và lãng mạn, đem lòng yêu người thầy dạy của mình. Hai người cùng nhau về Sài gòn, nơi quê hương của thầy, rồi Đồng nghiệp được sinh ra ở đó. Thế là cô gái Sài Gòn luôn mơ ước được trở về quê mẹ để có thể thấu hiểu “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng…” là như thế nào, để tìm hiểu xem Hà Nội quyến rũ và thơ mộng như thế nào mà cha cô, một người có vẻ khô khan và nghiêm khắc lại có thể “ngã lòng” với một cô gái Hà Nội trong đêm dạo Hồ Tây (như mẹ cô vẫn thường vui vẻ kể lại)...
Còn Anh là một chàng trai Hà Nội “chính hiệu”. Có thể nói không ngoa rằng Anh sinh ra và lớn lên bên những gốc me, gốc sấu. Anh thích nghêu ngao câu hát “phố nhỏ ngõ nhỏ nhà tôi ở đó…”, đôi lúc còn “quá khích” huýt sáo bài hát “ dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…” ngay cả trong lúc làm việc. Anh rời Hà Nội vào Nam công tác với nhiều nỗi niềm với “chiến trường xưa”, nơi một thời trai trẻ “vượt Trường sơn” của anh. Hình như anh có kể về những kỉ niệm đẹp với Sài gòn những ngày đầu giải phóng, có cả những tình cảm “xao xuyến” của những cô gái Sài gòn thời ấy với chàng trai trẻ Hà Nội lãng mạn và có phần nhút nhát. Đến tận bây giờ anh vẫn còn tuyên bố “rất thích tính cách sôi nổi, bộc trực, dễ thương của con gái Sài Gòn!”.
Có lẽ chính vì vậy mà Em có cảm giác rằng anh rất cởi mở và thân thiện với Đồng nghiệp, một cô gái Sài Gòn gốc Hà Nội. Mặc dù Em, cũng như anh, là người sinh ra và lớn lên ở Thủ đô, sống ở miền Nam đã lâu, có thể được coi là người Sài gòn, nhưng nét thanh lịch của người Tràng An có khi còn kém “hấp dẫn” Anh hơn tính cách của Đồng nghiệp. Em có cảm giác nhiều khi anh như muốn tìm lại “chuyện ngày xưa” ở Sài gòn thông qua Đồng nghiệp. Giữa Em và Đồng nghiệp lại có những nét tính cách khá hợp nhau, nhất là trong cách ăn mặc. Quả là giữa ba người đều có một Hà Nội, nhưng Hà Nội cụ thể trong mỗi người lại một khác. Khi anh đề nghị đưa hai chị em đi thăm cây cơm nguội vào buổi tối hôm ấy, Em đoán trước sẽ có một buổi tối thú vị, vì đã lâu lắm rồi Em chưa có dịp đi dạo trên đường phố Hà Nội mùa Hoa sữa, hơn nữa lại đi dạo với những người bạn có cùng một nỗi niềm. Bộ phim hôm đó quả là hay, vui nhộn nhẹ nhàng, tên phim là gì nhỉ? Hình như là “Anh, Em và Dupree” thì phải. (Phim được dịch là “Kẻ phá bĩnh”). Em ngồi giữa hai người, thấy Anh luôn hướng vào phía trong, nhìn Đồng nghiệp một cách đầy hàm ý. Em thầm nghĩ không biết mình có phải kẻ phá bĩnh hay không? Em chẳng thích tí nào cái tính hay “hớn hở” của Anh, chẳng biết đằng nào mà lần với cái sự nhiệt tình như nhau với mọi cô gái. Nhưng dù sao sự tế nhị và chân thành của Anh với cả hai chị em là dễ thương. Giữa thời buổi kinh tế thị trường thế này mà còn mơ mộng, thích thú rủ nhau đi thăm cây cơm nguội - có thể nói là một trong những biểu trưng của Hà Nội, để nhớ lại những ngày xưa, để chia sẻ những tình cảm và ý nghĩ về quê hương, về những người thân thì cả ba người quả là lãng mạn. Trên đường về, Em cảm thấy bỗng nhiên họ gần nhau hơn, đời đẹp hơn. Em lặng lẽ rảo bước theo hai anh em, bâng khuâng trong đêm đầy hương hoa sữa.
Cô bạn nhắc “ăn đi chứ, kem chảy hết rồi kìa!” Em chợt bừng tỉnh thoát khỏi suy tưởng về chuyện cây cơm nguôị. Giá như hai người bạn ấy của Em giờ này cũng ngồi ở đây để được thưởng thức đêm Hồ Gươm như Em thì tuyệt vời biết mấy. Em nhẹ nhàng đưa thìa kem lên miệng. Vị thơm và ngọt của món kem “Tình yêu vĩnh cửu” ngọt ngào như như câu chuyện cây cơm nguội của ba người.
OM nghĩ: Đâu phải đàn ông chỉ luôn nghĩ đến khía cạnh ngoại tình. Người viết đoạn kết này đã hướng người đọc đến sự lãng mạn mà bất cứ cặp Anh – Em nào (như trong truyện) cũng nên tham khảo để tự tìm hướng giải quyết cho mình.

Đoạn kết của chị T.G.
Nửa đêm Đồng nghiệp chợt thức giấc. Căn phòng khách sạn được chiếu sáng mờ ảo bằng ngọn đèn ngủ đầu giường.  Đưa mắt nhìn sang giường của Chị, cô không thấy có ai cả. Cô giương mắt nhìn cho kĩ một lần nữa, quả nhiên không hề có ai nằm trên đó. Cái chăn vẫn mở ra, cái gối mà lúc nãy có cái đầu với mái tóc đen của chị loà xoà trên đó, giờ đây trống trải một cách bí ẩn. Chạy ra toilet, Chị không có ở đó. Ngoài lan can không một bóng người. Cô chạy ra cửa, cánh cửa đã bị mở chốt trong và khép hờ… Đồng nghiệp chợt hiểu, mình bị tỉnh giấc là do tiếng cửa mở khe khẽ khi chị lách ra đi đâu đó…
Chị có thể đi đâu vào cái giờ khuya lắc khuya lơ này được nhỉ ? Trí óc đàn bà thóc mách và giàu tưởng tượng trong Đồng nghiệp đã giúp cô hình dung thấy cảnh chị lén lút (?) rời khỏi căn phòng khi nghe một ám hiệu nào đó. Chà, tiếc thật, cô đã không chứng kiến được giây phút Chị rón rén trở dậy, khe khẽ mở  cánh cửa, và… có thể một tiếng của ai đó thì thào nóng bỏng ngoài cánh cửa… Điều làm Đồng nghiệp không sao hiểu nổi. Chị , một người đàn bà của gia đình, luôn chỉ tìm thấy niềm vui khi loanh quanh luẩn quẩn với những công việc nội trợ chán ngắt, giữa đống nồi niêu xoong chảo… Một người đàn bà không thể chấp nhận được trên đời này lại có những vui thú ngoài chồng,  ngoài con… luôn khước từ những cuộc chơi hứa hẹn nhiều niềm vui bất tận giữa thiên nhiên tuyệt diệu chỉ vì một lí do  lãng xẹt -  không có những đứa con hay ông chồng vô vị ở bên cạnh . Có phải chăng, mùi hương hoa sữa ngọt ngào từ những con phố lúc tối đã khiến cho chị không thể cầm lòng? Người ta vẫn nói rằng, để hiểu cho hết một con người, bạn phải mất rất nhều thời gian… và có thể bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu hết được người bạn của mình. Với Đồng nghiệp cũng vậy, Chị là người như thế nào cô cũng không thể biết . Khi thì cô thấy đó là một người nội trợ điển hình, lúc lại đá chút văn chương hão huyền với những triết lí vớ vẩn, khi thì lại thấy Chị quan tâm đến tình hình chính trị, đến vấn đề nhân quyền gì đó , nói chung là rất “hổ lốn”. Đã gần hai giờ đồng hồ trôi qua, chiếc đồng hồ trên tường đã chỉ ba giờ kém 5 phút. Giờ này Chị đang làm gì nhỉ? Đang dạo bước cùng Anh (người đàn ông lúc tối) trên những phố phường HN đang say ngủ (có họa là điên – Đồng nghiệp nghĩ thầm) để huyên thuyên về những câu chuyện Romantic không có thật trên đời, hay đang ở cùng anh trên một chiếc giường ấm cúng nào đó, trong một căn phòng nào đó (ôi điều này nghe có vẻ li kì đây). Trong đêm, Đồng nghiệp nằm và suy nghĩ miên man. Có điều gì đó, như là một nỗi cô đơn…?
Đồng nghiệp thiếp đi, cho đến khi những tia sáng ban mai lấp loé qua những khe cửa sổ chiếu thẳng vào phòng. Tỉnh giấc, Đồng nghiệp cảm thấy một cảm giác an lành trong lòng. Chị vẫn đang say sưa ngủ, như chưa hề có đêm qua. Bỗng nhiên Đồng nghiệp nhớ đến cô công chúa trong truyện cổ Grim, mỗi đêm đều làm rách nát một đôi giày vì đã lén đi khiêu vũ tại một dạ tiệc bí ẩn. Cô đưa mắt nhìn xuống đôi giày của Chị ở góc phòng. Nó vẫn nằm đó, thản nhên, không nói cho cô một điều gì về hành trình của nó trong đêm. Có tiếng gõ cửa, Anh mời hai chị em đi ăn sáng. Đồng nghiệp lặng lẽ quan sát gương mặt Anh. Hôm nay trông Anh thật tươi tắn, hớn hở (bao giờ chả thế!), hàng ria mép hình như mới mọc dài thêm một chút, trông thật lẳng lơ. Còn Chị, dường như cũng có gì đó… trông có dịu dàng hơn, duyên dáng hơn, vui vẻ hơn, tình tứ hơn… mọi cái đều hơn thì phải (?). Chỉ có mỗi mình Đồng nghiệp, sau một đêm mất ngủ với rất nhiều dấu hỏi trong đầu trông có vẻ mệt mỏi hơn, đơn độc hơn, xanh xao hơn… cũng với rất nhiều cái hơn .
Vừa đưa ly cà phê sữa lên miệng, nhấm nháp những vị đắng ngọt và béo ngậy, Đồng nghiệp vừa suy nghĩ về ý nghĩa của TÌNH YÊU. Đó là đề tài mà người ta nói mãi, không bao giờ biết chán, nhưng tại sao nó vẫn chứa muôn vàn những điều bí ẩn...
OM nghĩ: Tận sâu trong đáy lòng của mỗi người phụ nữ đều có một khoảng trống nhỏ dành cho Trái cấm của Vườn địa đàng. Tuy nhiên, đa số phụ nữ VN chỉ nghĩ đến nó thôi chứ không bao giờ thử, nên họ gửi gắm điều ấy vào các con chữ.


Đoạn kết của bạn Nguyen Phuong Thao
Vào đến phòng nghỉ, Anh chợt thấy không khí quá nóng bức nên bước tới mở toang cửa sổ. Lòng anh vẫn vẩn vơ với bao ý nghĩ “giá như...”. Một làn khí mát rượi ùa vào khiến hai mi mắt anh sụp xuống. Không cưỡng lại được cơn buồn ngủ bất thần, Anh không kịp thay quần áo đã ngã người xuống giường ngủ thiếp lúc nào không hay. Trong giấc ngủ chập chờn, Anh thấy có một bóng đen không biết xuất hiện từ đâu tiến lại gần. Bóng đen mang hình dáng một cô gái trẻ với mái tóc xoã ngang lưng. Bóng đen đứng lại phía chân giường, khẽ cúi người rồi buông ra một chuỗi ăm thanh xì xào vang vọng đến như từ một thế giới khác:
- Anh, Anh phải đi theo em...
Một cảm giác lạnh buốt từ bàn chân chạy lê thẳng đến tim khiến Anh phải rùng mình. Anh đáp. Giọng đứt quãng:
- Không... xin đừng... Anh còn nhiều chuyện phải làm bây giờ. Anh không muốn theo em...
Nhưng bóng đen vẫn nói giọng cương quyết:
- Không, nhất định lần này, anh phải đi theo em...
Anh vội lắp bắp:
- Khoan, Anh xin thề...
Anh chưa nói hết câu thì bóng đen đã chen vào ngắt lời anh:
- Anh không cần thề thốt làm gì nữa. Anh đã lỗi thề một lần, nhưng lần ấy em cảm thông với anh vì anh còn quá trẻ, lại là con trai một trong nhà, cần lấy vợ sinh con cho gia tộc. Nhưng lần này...
Anh hấp tấp đính chính:
- Nhưng lần này, anh đâu đã làm gì!
Bóng đen đưa tay gạt ngang, giọng gay gắt hơn:
- Anh chỉ chưa có hành động bên ngoài, nhưng đầu óc mơ mộng hão huyền của anh thì cũng xem như là ngoại tình tư tưởng...
Vừa dứt lời, bóng đen giận dữ nắm hai chân anh...
Aaaaaaaaa....
Anh hốt hoảng muốn kêu cứu nhưng âm thanh tắc nghẹn trong cuống họng khiến Ah ú ớ không ra lời. Anh vùng vẫy, cố hết sức vùng dậy...
Anh mở mắt, choàng tỉnh. Bất giác Anh đưa tay ôm ngực, tim vẫn còn đập thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Hoá ra chỉ là một giấc mơ. Hú hồn.
Cô gái Anh vừa gặp trong cơn ác mộng chính là X, người yêu đầu đời của Anh. Anh và cô đã từng thề non hẹn biển dưới gốc cây cơm nguội, và thậm chí cả hai còn thề độc là cây cơm nguội sẽ chết rũ nếu một người phản bội lại người kia. Đáng tiếc thay, một hôm cô ấy bị tai nạn, qua đời. Mối tình đầu thơ mộng đành đứt đoạn giữa đàng. Trong lúc cô hấp hối, Anh vì qua yêu cô nên hứa suốt đời ở giá, không yêu ai nữa. ...
Dĩ nhiên, đó chỉ là lời hứa hẹn bồng bột của tuổi trẻ, khi mộ của cô đã xanh cỏ thì Anh đã vội vã xuất giá tòng thê. Anh có một gia đình hạnh phúc với hai đứa con xinh như thiên thần.

Anh nhìn quanh quất căn phòng và chợt nhớ rằng Anh đã quên bật đèn từ lúc trở vào phòng. Một làn gió ập đến khiến Anh bất giác phải rùng mình vì cảm giác lạnh buốt, rờn rợn. Anh vội bật dậy, xỏ giày rồi bước nhanh ra khỏi...
Anh đi lang thang không định hướng dọc theo hành lang. Rồi một cách rất tình cờ, Anh dừng chân trước cửa phòng Em. Số phòng quen thuộc khiến Anh bừng tỉnh. Đưa mắt liếc đồng hồ, biết rằng giờ này đã khá tối rồi. Đầu óc Anh lại rộn lên những ý nghĩ tiếc nuối “giá như...”, xen lẫn một thoáng tiếc nuối... nhất định lần này...
Em đang ở trong nhà tắm, làm vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đi ngủ. Đột nhiên Em nghe có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Ai đến thăm vào giờ này mà không báo trước thế nhỉ? Em hoài nghi tự nhủ.
- Ai đó?
Em hỏi vọng ra ngoài nhưng không nghe tiếng trả lời. Em khoan thai tiếp tục việc thay áo quần dang dở rồi mới đủng đỉnh tiến về phía cửa.
- Anh...
Tiếng kêu thất thanh tắt nghẹn trong cổ, Em kinh hoàng mở to mắt nhìn xuống bóng người đang đổ gục trước phòng mình.
Hu hu hu
Tiếng xe cấp cứu vang inh ỏi cả khu phố yên tĩnh về đêm.
Tại khu cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán anh bị tai biến mạch máu não. Anh được đưa vào phòng mổ gấp. Tính mạng được giữ lại, nhưng Anh lại bị mất trí nhớ gần.
Tai nạn ngoài ý muốn đã kết thúc chuyến đi chơi của ba người sớm hơn dự định.
Em và Đồng nghiệp đến thăm Anh vào một buổi chiều. Nhìn Anh ngơ ngơ ngẩn ngẩn như một đứa trẻ, Đồng nghiệp xót xa chép miệng:
- Thật tội nghiệp cho anh, một người cha cha, người chồng mẫu mực. Ông Trời đúng là không có mắt !
OM nghĩ: Từ đoạn đầu hứa hẹn một câu chuyện tình vụng trộm, bạn đã đi xa đến mức biến nó thành một truyện ngắn đầy tính liêu trai. Bạn ra tay trừng trị người đàn ông chán cơm thèm phở bằng một cái kết không có hậu. Người vợ ở nhà, dạy chồng mãi không được nên... tức khí... viết truyện cho bõ tức. Hihi... :)

Đoạn kết của bạn Taconem
Ngày hôm sau - sự sắp đặt diệu kỳ của số phận xuất hiện - Hội nghị cho biết chương trình có thêm một cuộc tham quan đối tác đột xuất (hay đại loại hoạt động gì đó) vào ngày làm việc thứ ba, đoàn công tác của Anh phải cử một người tham gia (chuyến đi 1 ngày 1 đêm ở Quảng Ninh, Phú Thọ gi đó). Theo yêu cầu, người có chức vụ cao nhất trong đoàn (là Anh) phải đi, nhưng cuối cùng Anh đã dùng quyền hạn và sự khéo léo của mình để "ủn" Đồng nghiệp tham dự "chuyến đi mơ ước" này. Cơ hội ngàn năm có một, ngàn cân sợi tóc, ngàn vàng - một cây... mà!  Tối hôm đó sau khi ăn uống, tắm rửa...  cả ba lại cùng nhau dạo phố cà phê cà pháo, lại lơ đãng lơ mơ ký ức cây Cơm nguội, bồ cũ, bé xưa, búp bê bách hóa..., nhưng tối nay chuyện Cơm nguội có vẻ hơi nguội vì Đồng nghiệp có vẻ ko còn hứng thú, trong khi Anh với Em thì thật bụng đang kín đáo nôn nao...
Thế rồi sớm hôm sau Đồng nghiệp cũng phụng phịu leo lên xe bus Hội nghị - tạm rời Hà Nội mùa thu cơm nguội - trong 24 tiếng!
Anh và Em thì tiếp tục chỉnh chu com-lê váy áo vào ngày làm việc thứ ba không Đồng Nghiệp bên cạnh, cà vạt với giày gót nhọn thỉnh thoảng nhìn chỉ mong... cởi phắt!
Thế rồi tối cũng tới, anh lại ướm lời: cơm xong mình đi Em nhé, đi tìm cây Cơm nguội ở đường Trần, Nguyễn, Phan...  gì đó, Anh vẫn còn bao chuyện muốn kể về tuổi trẻ nơi đây, Em có khác gì đâu, cũng còn muốn thả vào tai anh những giấc mơ ngọt ngào thơ bé! Chỉ chúng mình mới nói được với nhau thôi!
Rồi bên nhau đi loanh quanh, tìm phát ra ngay tình huống tay Em vừa đủ trong tay Anh nóng hổi!
Nhưng đi một hồi cũng chả tìm được cây Cơm nguội nào, quái lạ!
Hỏi mấy bà bán nước ven đường mới biết: cây ấy bị ông Thảo gì gì lệnh chặt hết từ tháng trước rồi!
Ôi, bẽ bàng đến thế thì về thôi Anh, còn gì nữa mà tìm! Hà Nội bây giờ đã chẳng là Hà Nội của ký ức trong ta! Ừ, khuya rồi, về thôi Em! 
Về thì về phòng Anh hay về phòng Em? chắc ghé phòng Anh chút, Anh cho xem cái này hay lắm!
Đoạn ở phòng Anh thì nhiều cao trào rồi, chẳng hạn cái gáy thơm trước rồi cái tóc lòa xòa thơm sau... thơm thơm một hồi Anh vừa êm ái xoay người Em sang để nhìn vào mắt, ngó vào miệng... thì bỗng đâu điện thoại Em chuông báo nhắn tin éo éo! Em đành nhẹ nhàng cầm điện thoại lên. Là tin nhắn của chú nhóc cơ quan:"Hà Nội có lạnh không? 3 ngày rồi không gặp mà tưởng như 3 tháng... Thôi, ngủ ngon nhé!" Anh hỏi có việc gì à? Em nói là cô bạn nhắn linh tinh ấy mà, rồi đi đến tủ tìm chai nước uống cho đỡ... nóng! Em uống ngụm nước mát rượi mà cảm giác như vừa nâng bát cơm lên đã nhai nhằm sạn. Mà bữa ăn (...vụng) chỉ mới bắt đầu!
Anh lại đến bên Em, nắm tay, choàng eo, thơm gáy, hít tóc, xoay người, ngực - ngực, môi - môi... thì đến lượt điện thoại anh bỗng rùng rùng, anh kệ nhưng nó rùng thêm mấy chặp nữa, đành phải buông Em, nhấc điện thoại lên, cho phải phép. Điện thoại bên kia đã cúp máy, chỉ còn tin nhắn thoại của Đồng nghiệp: "Em biết giờ này anh đang ở với chị ấy! Chị ấy không có trong phòng vì em vừa gọi vào phòng không ai bắt máy! Em biết anh chỉ muốn tống em đi cho khuất mắt! Em biết hết!"
Chết giở!
Té ra là vậy, chả có cơm nguội nào! Chỉ có... phở - tưởng ngon mà không phải lúc nào cũng dễ nuốt!
Anh thở hắt, tắt điện thoại, quẳng luôn vào gầm giường, quay về hướng Em.
Nhưng Em vừa đủ tinh tế để nhận biết một thứ vớ vỉn gì đó đã xen vào, rất kịp lúc.
Em bước ra mở cửa, rồi khép một tiếng cạch (lại) vừa đủ "Để tránh cho em mất một lời chào/ Và bớt cho trời một chút gió xôn xao..." (thơ Chu Hoạch)

Còn lại Anh và Hà Nội đêm... phải gió.
Giờ lo mà nhắn tin trả lời Đồng nghiệp cho chuyến công tác sắp kết thúc, đừng lợn cợn vô duyên khó xử.
Rồi ngày mai lo mà tìm mua cho vợ cái áo thun dài tay... màu gì cũng được!
Ông bà mình bảo rồi, nhớ không Anh:
"Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ thiếp như Cơm Nguội đỡ khi đói lòng!"
OM nghĩ: Bạn có một cách nhìn sự việc thật hài hước và duyên dáng. Xin trích dẫn lời của bạn:
Chuyện ngoại tình nói chung hay "tình công sở" nói riêng, tiêu biểu cái cặp Anh - Em trong truyện của này (nghĩa là xuất phát từ tình trạng vợ chồng nhàm chán nhau là chính, chứ mâu thuẫn vợ chồng không đến mức gay gắt, sắp đến vực thẳm ly hôn...), thì nhu cầu ngoại tình chỉ nhằm là xoa dịu những thiếu thốn âm ỉ (mà không tới mức thiếu là chết). Nói nôm na, đây là kiểu "chán cơm thèm phở", mơ mộng bóng gió một hồi cho thỏa rồi cũng đi đến công đoạn cuối cùng là... giường chiếu. Những nhu cầu lãng mạn tinh thần tuy có thực nhưng cũng chỉ là phấn son trang điểm, chứ sau cuộc "măm phở" ấy, son phấn sẽ mau chóng trôi tuột xuống dạ dày! :) Những cảm giác lãng mạn, tâm lý phức tạp... nhằm tăng phần thanh cao, hạ phần nhục dục cũng chỉ là cái cách của mấy nhà văn nhà thơ tô vẽ cho có chuyện mà thôi.
Do đó, chuyện cơm phở lén lút, vụng trộm đương nhiên sẽ gặp nhiều tình huống trớ trêu mà người trong cuộc muốn "xong việc" thì phải mắt nhắm mắt mở cho qua thôi, chứ nhìn thẳng vào thì sẽ bẽ bàng. Ai càng nhạy cảm càng thấu cái bẽ bàng này. Mà thường là đàn bà thấu hơn!
Đồng thời, cứ cơm-cơm phở-phở thì dễ là hài hước vì đã là chuyện không nghiêm túc ngay thẳng, không là chính kịch hẳn là hài kịch!”.

Đoạn kết của OM

Một ngày trước khi kết thúc đợt công tác, Anh cứ loanh quanh với cái ý nghĩ mình có nên lặng lẽ rủ em đi chơi riêng không. Chẳng mấy khi có được một dịp thuận lợi như thế này. Anh hình dung mình sẽ được nắm bàn tay mềm mại của Em trong đêm hoa sữa nồng nàn, được ngửi lại mùi hương vương trên gáy Em. Rồi tiếp theo, về khuya sẽ là...  gì, là gì nữa..., chỉ mới nghĩ đến thôi, anh đã cảm thấy khắp người rạo rực. Mấy lần, anh đã rút điện thoại ra, nhắn tin, rồi lại xoá, rồi lại nhắn, rồi... thôi!
Tối mịt, anh bỗng nhớ ra mình vẫn còn nhiệm vụ phải mua cho vợ một chiếc áo dài tay. Anh tản bộ đi dọc theo vài con đường có nhiều shop quần áo. Đầu tiên anh rẽ phải, xong rồi rẽ trái, rồi lại rẽ phải. Tìm được chỗ mua áo xong lại nhớ ra không biết vợ thích màu gì. Gọi cho nàng, định hỏi, nhưng mãi chẳng có ai cầm máy. Đàn bà thật lạ, sắm điện thoại di động làm gì mà cứ đi đâu là lại để vào cốp xe, mỗi lần như thế có mà trời gọi cũng chả nghe! Phân vân một hồi rồi Anh quyết định sẽ mua cho nàng chiếc áo màu vàng, vì bây giờ là mùa thu. Mùa thu có hoa cúc vàng, lá cây cũng ngả sang vàng, nhất là mấy cây cơm nguội, mùa này đang vàng ươm. Và Anh bỗng chợt nhớ ra cây cơm nguội - tuổi mười chín của anh.
Cô bán hàng tươi cười gói cho Anh chiếc áo và còn cảm ơn với vẻ rất chân thành, một sự thay đổi lớn, chứng tỏ Hà Nội đã có dấu hiệu quên dần cái thời bao cấp mà các cô mậu dịch viên luôn tự coi mình là thượng đế. Nhưng Anh không để ý đến điều này lắm vì Anh đã quyết định phải đi thăm lại nơi đã từng có cây cơm nguội đầy kỷ niệm của Anh, và hỏi cho ra lẽ vì sao nó lại biến mất như vậy.
Đi lên hết con dốc ngắn, Anh đến trước cửa nhà cô bạn gái xưa. Đúng là không có cây cơm nguội, cũng không có dấu hiệu chứng tỏ nó đã từng tồn tại.
- Anh gì ơi, ngồi xuống đây uống cho bà già này cốc nước chè - Một bà lão ngồi bên cái bàn có mấy cái ghế gỗ thấp lè tè xung quanh cất tiếng mời chào.
Nhấp ngụm chè nóng đặc quánh, anh ướm giọng hỏi:
- Bà ơi, bà có biết cây cơm nguội hồi xưa mọc ở trước cổng ngôi nhà này, bây giờ đâu rồi không?
Bà già ngạc nhiên:
- Làm gì có cây cơm nguội nào nhỉ!
- Không, nhất định là có bà ạ. Hồi ấy, tối tối cháu vẫn đến đây, đứng ngay dưới gốc cây mà!
- Chắc anh nhầm rồi. Nhà tôi ở đây đã gần nửa thế kỷ, tôi nhớ từng viên gạch, từng gốc cây ở đây, không hề có cây cơm nguội nào đâu anh ạ. Không tin thì anh cứ thử hỏi những người khác mà xem.
Vừa lạ lùng, vừa cảm thấy như có một điều gì đó hụt hẫng, Anh vội vã đứng lên hỏi thêm vài người nữa, nhưng thật kỳ lạ, tất cả đều khẳng định chưa hề trông thấy một cây cơm nguội nào.
Anh ra về. Không còn nghĩ đến mùi hương trên tóc Em, không còn tơ tưởng đến những gì sau đó, một cảm giác buồn bực và hoang mang cứ lấn lướt mọi cảm xúc. Nó theo Anh suốt dọc con đường: xuống dốc, rẽ trái, rẽ phải, rồi lại rẽ trái... và cảm giác ấy bám riết lấy Anh suốt cả chặng đường bay hơn một ngàn bảy trăm kilômet về nhà. Có điều gì đó như bị khuyết trong chuyến công tác này, khuyết trong tim Anh...
***
Một ngày trước khi kết thúc đợt công tác, Em cứ nghĩ mãi về buổi tối ba người đi dạo trên những con đường hoa sữa, nghĩ đến những giây phút biết mình đang bị nhìn trộm từ phía sau. Trên tay Em vẫn còn cái cảm giác là lạ pha một chút mê mê, không thực, khi có đôi lần tay Anh chạm nhẹ vào tay Em. Và Em tự hỏi mình có thực sự muốn ăn một trái táo của vườn địa đàng – trái táo mà em chưa một lần nếm thử trong đời – hay không? Em bần thần với những ý nghĩ của mình suốt từ chiều cho đến tối mịt.
Rồi em bỗng nghĩ ra hôm nay đã là ngày cuối cùng ở đây, Em cần phải mua một ít quà cho chồng con, gọi là kỷ niệm Hà Nội. Em tản bộ đi dọc theo vài con đường có nhiều cửa hàng. Đầu tiên Em rẽ phải, xong rồi rẽ trái, rồi lại rẽ phải, ghé ba cửa hàng, mua ở mỗi cửa hàng một món đồ phù hợp với từng người. Em mua cho cậu con trai lớn một cái quần jean vằn vện, tha hồ mà diện với đám bạn choai choai, mua cho cô con gái nhỏ chiếc áo có nhiều ren, đúng kiểu nó vẫn thích. Em đắn đo một lúc rồi mua cho chồng một cái bật lửa thật đẹp, mặc dù Em chẳng bao giờ khuyến khích chồng hút thuốc. Có lẽ đôi khi cũng cần một cái bật lửa để nhóm lên cái gì đó, như “ngọn lửa tình yêu” chẳng hạn. Thế là thoả mãn cả nhà. Riêng Em chưa có gì. Em đi tiếp, thế nào lại đi lên con dốc ngắn và nhận ra nơi Anh đã dẫn hai chị em đi xem (hụt) cây cơm nguội.
- Cô gì ơi, ngồi xuống đây uống cho bà già này cốc nước chè - Một bà lão ngồi bên cái bàn có mấy cái ghế gỗ thấp lè tè xung quanh cất tiếng mời chào.
Nhấp ngụm chè, ăn một chiếc kẹo lạc, Em hỏi bà lão:
- Bác có biết cái cây cơm nguội hồi xưa ở đây, bây giờ đâu rồi không?
Bà cụ cười móm mém:
- Tôi ở đây gần nửa thế kỷ rồi, chứng kiến một chuyện rất hay mà chắc là không ở đâu có được. Cô nhìn cây si này, nhìn kĩ vào nhé! Đấy, cô thấy gì không. Cây si lớn lên, gốc cây nứt ra, dần dần ôm cây cơm nguội vào trong. Bây giờ nhìn lên cao sẽ thấy cả cành cây si lẫn cành cây cơm nguội, đẹp không? Cô chắc là ở miền Nam ra, vào trong ấy nhớ kể cho mọi người nghe chuyện này nhé!
Em lặng người nhìn lên. Đúng là cây si đang xé thân mình ra, ôm cây cơm nguội vào lòng. Dĩ nhiên khi về trong ấy, em sẽ kể cho tất cả mọi người nghe: Ở Hà Nội có một cây si và một cây cơm nguội... chúng ôm lấy nhau, quyện lẫn vào nhau, để mỗi lần ngồi dưới tán cây uống nước, bạn có thể nhìn lên và liên tưởng đến những điều đẹp đẽ về một tình yêu bền vững qua ngày tháng. Dù cuộc sống gia đình không phải là thứ tình yêu lãng mạn mà khi còn con gái Em vẫn tưởng tượng ra, nhưng tự trong thâm tâm, Em vẫn luôn mơ ước và muốn tin vào một tình yêu như vậy. Em về khách sạn, nhắn tin cho chồng: “Mai em bay lúc 10 giờ sáng”.
Rồi em lên giường đi ngủ.
***
Một ngày trước khi kết thúc đợt công tác, Đồng nghiệp không biết mình nên đi đâu. Đồng nghiệp không muốn rủ Anh và Chị đi dạo phố lần nữa, vì cô đâu phải một con bé ngốc nghếch đến nỗi không hiểu sự có mặt rất thừa của mình trong đêm hoa sữa khoả đầy những con phố vắng. Đồng nghiệp cũng không có người nào đặc biệt để mua quà cho họ. Năm nay cô đã bắt đầu tuổi “băm”, cả nhà ai cũng lo sốt vó cho chuyện chồng con của cô. Mà kể cũng lạ, chuyện của cô, cô không thấy có gì bất ổn, sao mọi người cứ phải cuống cuồng lên thế không biết! Cô đang phân vân không biết có nên mua cho mấy anh bạn trai, mỗi anh một món quà hay không. Trong tử vi của Đồng nghiệp có sao Đào hoa chiếu mệnh, cho nên có lẽ vì vậy, cô có một tá các anh theo đuổi. Không mua quà gì thì cũng hơi kỳ kỳ, mà mua thì có khi các anh lại “tưởng bở”.
Phân vân suy nghĩ, Đồng nghiệp tản bộ đi dọc theo vài con đường có nhiều cửa hàng. Đầu tiên cô rẽ phải, xong rồi rẽ trái, rồi lại rẽ phải, đi lên một con dốc ngắn, và phút chốc cô đã đứng trước cái cổng có màu sơn cũ, nơi mà đêm hôm trước, Anh đã dẫn hai chị em đi xem cây cơm nguội hụt. Cô nhìn quanh. Trước cổng có một cây gì đó, lá vàng ươm tuyệt đẹp, mà chắc là đêm hôm trước do ánh đèn điện tối quá nên cô không để ý.
- Cô gì ơi, ngồi xuống đây uống cho bà già này cốc nước chè - Một bà lão ngồi bên cái bàn có mấy cái ghế gỗ thấp lè tè xung quanh cất tiếng mời chào.
Đồng nghiệp vui vẻ ngồi xuống một trong những cái ghế thấp lè tè ấy. “Bà có trà đá không, cho cháu một ly!”
- Cô chắc ở miền Nam ra? Bà không có trà đá như ở miền Nam đâu. Hay là bà rót cho cô một cốc nước vối vậy nhé! Uống nước vối mát lắm.
Đồng nghiệp uống từng ngụm, thích thú vì trong từ điển tiếng Việt của cô có thêm từ “nước vối”. Cô hỏi bà cụ:
- Cháu nghe nói ở đây hồi trước có cây cơm nguội, bây giờ nó đâu rồi hả bà?
Bà cụ cười móm mém:
- Cây cơm nguội là cây này đây cô ạ. Nó mọc ở đây lâu lắm rồi, không nhớ là từ hồi nào. Đấy, cô xem, mùa thu trông nó vàng ơi là vàng, đẹp chưa!
Lạ thật, Đồng nghiệp nghĩ bụng, thế mà đêm hôm trước, cả ba người không ai nhìn ra cây cơm nguội. Cô ngẩng đầu nhìn nó một lần chót trước khi đứng lên về khách sạn. Những tán cây xoè ra vàng ươm dưới cái nắng chiều dịu ngọt của mùa thu, và Đồng nghiệp hiểu rằng cô sẽ đem theo hình ảnh này về miền Nam để mỗi lần hình dung về một màu vàng ngọt ngào nhất, cô sẽ nhớ đến một chuyến công tác, có anh, có hai chị em và cây cơm nguội.

Ghi chú: Câu chuyện không hoàn toàn là hư cấu và nó xảy ra đã lâu. Một trong hai nhân vật nữ là OM đấy, bạn ạ! :D

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

CÂY CƠM NGUỘI, ANH VÀ EM VÀ...

Có lẽ người viết truyện này sợ tựa đề dài quá chăng, nên bỏ lửng tựa đề bằng dấu ba chấm. Vậy cần phải nói rõ một cách đầy đủ, cụm từ đó là: “Cây cơm nguội, Anh và Em và Đồng nghiệp”.
Họ có ba người. Anh là trưởng phòng, Em là nhân viên trong phòng, kém Anh vài tuổi, còn Đồng nghiệp là một cô bạn cùng cơ quan, nhưng ở bộ phận khác, không liên quan gì đến phòng của Anh và Em. Đồng nghiệp kém Em vài tuổi nữa, nên tất nhiên kém anh một số tuổi kha khá.
Buổi sáng, vợ đưa Anh cùng chiếc va-li công tác đến cơ quan, dặn dò: “Hà Nội mùa này mát mẻ, ra ngoài ấy anh nhớ mua cho em một chiếc áo thun dài tay của Trung Quốc nhé!”. “Được rồi” - Anh đáp nhưng lại quên không hỏi xem vợ thích màu gì. Lấy nhau gần hai mươi năm rồi, nhưng Anh vẫn không hiểu thực sự nàng thích gam màu như thế nào. Đúng ra Anh cũng vừa định hỏi điều ấy, nhưng Anh lại chợt thấy bóng Em đang xách va-li đi lên cầu thang, thế là quên khuấy đi mất. “Thôi, em đi làm đi không thì muộn mất!” - Anh giục vợ và chỉ mong nàng nổ máy thật nhanh. May quá, nàng cũng chẳng nấn ná làm gì. Từ khi lên làm trưởng phòng, những chuyến đi công tác như thế này của anh không còn làm cho nàng cảm thấy nhớ nhung gì nữa. Nhưng đối với Anh thì khác. Chuyến đi này thực sự làm Anh phấn khích, vì Anh không đi một mình, mà bên cạnh còn có Em.
Anh đuổi theo Em đến lầu một, chỉ chút nữa là bắt kịp. Vừa định cất tiếng bảo để anh xách giúp cho thì một chú nhóc thanh niên ở phòng gần đấy bỗng ló mặt ra như thể đã đứng canh sẵn giây phút này từ lâu, được dịp chớp lấy cơ hội của anh. “Để em xách giúp chị” - hắn nói.
“Chị với chả em!”, anh bực dọc nghĩ thầm. Anh biết chắc trăm phần trăm là từ cách đây hai phút, chú em đã đứng ở cửa sổ phòng nhìn xuống sân , thế mà cứ làm ra vẻ tình cờ. Cơ mà cơ quan thiếu gì con gái vừa trẻ vừa chưa chồng, sao hắn cứ phải lẵng nhẵng chị chị em em thế không biết? Nhưng nói đi thì cũng nói lại, tại sao Anh cũng thế nhỉ? Thôi kệ, dù sao thì hôm nay hắn sẽ phải ở nhà, còn Anh sẽ đi công tác với Em.
Cùng lên máy bay có cả Đồng nghiệp, thế là bên cạnh Anh có đến hai em. Đầu tiên Anh thấy thú vị với ý nghĩ này, nhưng sau lại hơi tiêng tiếc, giá mà chỉ Anh với Em thôi có khi hay hơn. Anh vốn không phải là gã đàn ông tham lam như người đời vẫn cho là giống đàn ông thường như thế. Trên máy bay, em nói vừa phải, đủ để anh hiểu là tuy hơi không yên tâm chuyện chồng con ở nhà, nhưng Em cũng thích chuyến công tác này, bởi vì không phải dễ để có dịp thăm lại Hà Nội, nơi mà cả tuổi thơ đẹp đẽ của Em đã trôi qua với những mùa thu có mùi hoa sữa và hàng cây cơm nguội mà các nhà thơ và nhạc sĩ thường nhắc đến. “Cây cơm nguội như thế nào hả chị, em nghe nói nhiều nhưng thực sự chưa nhìn thấy bao giờ.” - Đồng nghiệp ngồi bên cạnh hỏi xen vào. “Được rồi, thế thì tối nay, họp xong anh sẽ dẫn hai chị em đi xem cây cơm nguội ngay trước cửa nhà bạn gái anh hồi xưa. Cô ấy là bạn gái đầu tiên của anh”. “Thế thì thú vị đây!” - Em nói nhỏ vừa đủ để anh nghe thấy. Em là như vậy, luôn nhỏ nhẹ và vừa phải.
Buổi chiều họp. Lại tiến độ, lại công việc, lại doanh thu trước thuế, sau thuế..., anh thấy đầu mình ong ong. Buổi tối, tắm rửa xong, đầu nhẹ đi một chút. Đúng như đã hẹn, Anh gõ cửa phòng hai chị em. “Lên đường thôi, mình sẽ đi xem cây cơm nguội!”.
Từ khách sạn đến nhà bạn gái cũ của Anh phải đi qua ba dãy phố, rẽ phải, rẽ trái, xong rồi lại rẽ phải, đi lên một đoạn dốc ngắn.  Mất khoảng ba mươi phút đi bộ là đến. Hà Nội buổi tối thơm mùi hoa sữa. Đồng nghiệp sung sướng và vui vẻ ra mặt, nói líu lo suốt. Em thì trầm tĩnh hơn. Vả lại, khi quay về những kỷ niệm của mình, trầm tư có lẽ là một dấu hiệu đương nhiên. Anh ngửi thấy mùi hoa sữa ở khắp nơi, trên từng bước chân, trên các cánh cửa của những ngôi nhà cũ, trên các shop quần áo mà họ tranh thủ ghé qua, trên mái tóc Em... Anh đi phía sau, lặng lẽ ngắm nhìn những sợi tóc loà xoà trên gáy Em và thấy mùi hoa sữa mỗi lúc một nồng nàn hơn. Giá mà không có Đồng nghiệp, chắc chắn Anh sẽ làm một cử chỉ gì đấy mà suốt mấy năm qua, Anh chỉ dám nghĩ tới, chưa bao giờ dám thực hiện một lần. Cái cảm giác muốn làm một cái gì đó gần giống như cái cảm giác của lần đầu tiên, năm mười chín tuổi, Anh hẹn hò với cô bạn gái ở dưới gốc cây cơm nguội trước nhà cô. Trong bóng tối sẫm, Anh cũng ngửi thấy một mùi hương nồng nàn, không rõ là mùi gì, nhưng nó làm Anh như mất phương hướng và quên hết tất cả những gì định nói. Rồi những lần hẹn sau, cũng cái mùi hương ấy cứ làm Anh bối rối, bao nhiêu lời tỏ tình cứ trôi tuột đi đâu mất. Cho đến  lần cuối cùng, cô bạn bảo với Anh : “Em nghĩ chúng mình là bạn thôi!”.
Giá như là bây giờ, chắc Anh không để cho cô bạn nói câu ấy, hoặc nếu đã nói rồi thì Anh cũng không để cho cô thực hiện lời nói của mình. Nhưng... Anh lại đang ngửi thấy mùi hương làm Anh bối rối đấy thôi. Biết đâu đấy, hơn hai mươi năm sau sẽ có một ngày Anh tự nhủ “Giá như là mình bây giờ, mình sẽ không để cho những sợi tóc loà xoà kia vương mãi trên gáy Em”. Biết đâu đấy!...
Sau cô bạn gái đầu tiên, cả cuộc đời Anh cứ là những lần giá như, giá như... tiếp nối nhau, cho đến ngày Anh lấy được một người vợ tốt, tiếp theo là hai đứa con khoẻ mạnh ra đời. Rồi Anh được bổ nhiệm về cơ quan này làm trưởng phòng. Trong phòng của Anh có Em.
Em không đẹp đến nỗi khiến cho tất cả những gã đàn ông phải như Anh phải quay lại nhìn, cũng không dịu dàng đến nỗi khiến cho tất cả đám thanh niên như gã làm ở phòng lầu một phải loay hoay chị chị em em, nhưng tất cả con người Em là một sự vừa phải chừng mực. Sự vừa phải đó đủ làm cho thằng đàn ông trong Anh cứ khao khát như nhìn thấy rượu ngon mà không có dịp nhấp thử. Anh đã chờ đợi dịp công tác này lâu rồi, nhưng giá như... (lại giá như).
Giá như tối nay không có Đồng nghiệp...
Anh đi sau, Em và Đồng nghiệp đi trước. Đồng nghiệp vui vẻ, ríu rít khen mùa thu Hà Nội thật dễ thương, mùi hoa sữa thật quyến rũ, khen “chị thật đúng là người Hà Nội, không thể khác được”. “Hà Nội đẹp thì rõ rồi, hoa sữa thơm cũng rõ rồi - Anh nghĩ bụng - bao nhiêu thi sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ đã ca ngợi, đâu cần cô em phải khen thêm làm gì. Cô em toàn nói những chuyện thừa trong buổi tối dịu dàng như thế này!”.
Trên đường đi, họ rẽ vào một trung tâm mua sắm. Em bảo em nhớ hồi xưa, đây là một cửa hàng bách hoá nho nhỏ, phía ngoài có một cái tủ kính bày những con búp bê bé tí bằng len. Mỗi lần bố mẹ dẫn đi qua đây, em thường dán mắt nhìn vào tủ kính, tưởng tượng đó là một nơi đầy những câu chuyện cổ tích diệu kỳ mà người lớn không sao hiểu được. Có lần dẫn chồng ra thăm Hà Nội, Em có chỉ cho chồng xem và kể về điều bí mật nho nhỏ này. Chồng em lơ đãng nghe rồi bảo “Ở ngoài này hàng điện tử nhiều hơn trong kia, chắc anh phải mua vài món đem vào”. Em cười. Nụ cười thoáng chút buồn làm tim anh chợt nhoi nhói. Sao anh lại không phải là người để em dẫn đến trước cửa hàng và kể về giấc mơ tuổi thơ của em nhỉ? Anh sẽ là người hiểu rõ hơn ai hết, hiểu hơn chồng em, hiểu hơn Đồng nghiệp, điều đó là chắc chắn rồi. Đơn giản vì tuổi thơ của Anh cũng trôi qua ở chính nơi này, với những con phố thân quen quanh năm nằm yên bình dưới hai hàng cây cơm nguội.
Trung tâm mua sắm mới khai trương được chừng nửa năm, hàng hiệu bày ngợp mắt, giá cả tính bằng đô, cao chót vót chắc không thua gì ở bên Mỹ. Chị em chỉ đi xem, không mua gì. Anh cũng muốn chọn gì đấy giá vừa phải, mua làm quà cho hai chị em mỗi người một món, nhưng thấy giá cao quá, nên chặc lưỡi: thôi! Nếu cố mua thì cũng được, nhưng chẳng lẽ lại không mua gì cho vợ thì cũng thấy áy náy, mà mua đến ba món thì... Tóm lại là thôi! Tầng trên cùng của toà nhà trung tâm là sàn nhảy disco và rạp chiếu phim. Đồng nghiệp bảo “Mình vào sàn nhảy đi”. Anh không thích trò này lắm, mới học nhảy, dáng dấp còn ngượng nghịu, chả dại vào những chỗ dành cho dân sành điệu như thế này làm gì. Em bảo “Hay là mình vào xem phim”. Ừ, xem phim, sao lại không nhỉ. Mặc dù mục đích cuối cùng của cuộc đi dạo tối nay là thăm lại nhà bạn gái xưa của Anh, hay nói đúng hơn là cho Đồng nghiệp xem cây cơm nguội, nhưng nhà vẫn còn đấy, cây cơm nguội có đi đâu mất mà sợ, thế nên xem phim cũng hay. Anh khéo léo sắp xếp cho Đồng nghiệp vào trước, tiếp đến là Em, rồi Anh vào sau cùng. Vừa là người lịch sự, luôn nhường đường cho phụ nữ trẻ, vừa được ngồi một chỗ hợp lý nhất mà bất cứ gã đàn ông nào cũng muốn được như vậy.
Phim chắc cũng hay. Khán giả thỉnh thoảng lại cười ồ. Đồng nghiệp cười thoả thuê, Em cười khúc khích. Sao tay Anh cứ như thừa, không biết để thế nào. Anh muốn choàng tay qua vai em như bình thường Anh vẫn choàng vai đùa vui với các cô trẻ đẹp ở cơ quan. Nhưng ở cơ quan và trong rạp chiếu phim là hai nơi hoàn toàn khác nhau. Để tay lên thành ghế thì lại chạm vào cánh tay mềm mại của Em, cánh tay mà hằng đêm chắc là luôn thường trực một mùi thơm dịu ngọt, sẵn sàng để cho một gã cao to, đen trùi trũi gối cái đầu tóc ám mùi khói thuốc lá của hắn lên đó. Mấy lần anh định cứ liều đặt tay lên ghế, và, một cách bình thản nhất, nắm lấy bàn tay em, nhưng rồi lại thôi. Giá như...
Phim kết thúc. Càng về đêm, Hà Nội càng ngào ngạt mùi hoa sữa. Đã muộn nên Anh rảo bước đi trước dẫn đường. Phố vắng tanh, chỉ còn vài đôi khoác tay nhau đi dạo, thi thoảng có một ông đi xe đạp gõ lách xách thay cho tiếng rao tẩm quất. Nhà cô bạn gái xưa kia rồi. Tim anh đập hơi mạnh hơn bình thường, không rõ vì hồi hộp hay đơn giản chỉ vì đi bộ hơi nhanh. Họ đứng trước cửa nhà. Nhưng lạ quá, đúng ngôi nhà ấy, thậm chí cánh cổng vẫn giữ nguyên màu sơn cũ, nhưng không còn cây cơm nguội ở đó. “Thế cây cơm nguội của anh đâu?” Đồng nghiệp ngạc nhiên hỏi. “Anh không biết” - Anh ngơ ngẩn đáp. Em bảo : “Mình sẽ tìm người để hỏi xem cây cơm nguội đâu rồi”. Nhưng có vẻ mọi người ở xung quanh đã đi ngủ hết, trên đường chỉ còn lại vài khách vãng lai, nếu có hỏi chắc họ cũng sẽ chỉ nhìn ba anh em như nhìn những người ngoài hành tinh, hoặc là tệ hơn, họ sẽ chỉ lắc đầu mà không thèm nhìn gì cả.
Họ tần ngần đứng một hồi lâu rồi quay về. Đường về khách sạn phải đi qua ba dãy phố, mất khoảng ba mươi phút đi bộ. Đầu tiên là xuống một cái dốc, sau đó rẽ trái, rẽ phải rồi lại rẽ trái là đến. “Hai chị em ngủ ngon nhé”, Anh đưa Em và Đồng nghiệp về đến cửa phòng. “Chúc anh ngủ ngon”. Họ chia tay nhau để về phòng nghỉ, chuẩn bị cho một cuộc làm việc với đối tác vào sáng sớm.

Ghi chú: Truyện còn đoạn kết, tuần sau OM sẽ đăng đoạn kết này. Từ giờ đến khi đó, mời bạn nếu có dừng bước ghé qua nhà OM thì viết cho OM xin một đoạn kết của riêng bạn. Mong lắm, nhé, nhé, nhé... Cảm ơn bạn nhiều! :)