.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Có những nỗi đau chẳng giống ai


Thế giới này có ba phần tư diện tích là nước. Nhà mình có ba phần tư đồ đạc là sách. Sách nhà mình có ba phần tư tổng số là… của mình.

Người ta bảo “Cháy nhà mới ra mặt chuột”, còn mình thì bảo “Sửa nhà mới ra mặt sách”. Trời đất ạ, cơ man nào là sách, dọn đến mấy ngày vẫn không xong! Chồng mình mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt mày hầm hầm, liên tục cằn nhằn: “Em phải xem lại, bỏ được gì thì bỏ đi, chỗ đâu mà chứa!” Mình cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chẳng nói chẳng rằng, cứ lầm lũi buộc buộc, xếp xếp, nhồi chặt vào các thùng carton. Nhưng rồi cũng đến lúc không thể nhồi nhét được nữa, đành phải bỏ bớt.

Đầu tiên là các loại tạp chí Mỹ thuật, Nhiếp ảnhNgười đưa tin Unesco “lên đường”. Mình đã cất công sưu tầm hai loại tạp chí này trong nhiều năm tuổi trẻ. Cuốn nào bình thường thì đã loại bỏ, chỉ giữ lại những cuốn hay. Vậy mà bây giờ tập hợp lại cũng thành một đống ngất ngưởng, chỉ tổ sướng mấy bà thu mua ve chai!

Xếp thứ hai trong danh sách loại bỏ là các loại sách nghiên cứu phê bình văn học. Nhớ hồi xưa, lúc còn học ở trường TH, sách này đâu dễ kiếm! Lứa tụi mình phải đi lùng từng quyển ở khắp nơi. Mài đũng quần trong thư viện của trường không đủ, phải chạy sang thư viện ĐH Sư phạm, vờ trà trộn với sinh viên Sư phạm để được mượn sách đọc. Rồi ròng rã những ngày mang khúc bánh mì vào thư viện Khoa học Tổng hợp, Khoa học xã hội, mượn cuốn sách xong rồi đọc ngấu nghiến, quên cả ăn, trưa mệt quá thì lăn ra hành lang thư viện mà ngủ… Những cuốn sách thời đó sao mà quý giá làm vậy! Sau này, khoảng một năm sau khi ra trường, có lần đi ngang qua nhà của một thầy giáo, mình tình cờ bắt gặp một bà ve chai đang mua lại đúng những cuốn sách quý giá một thời ấy. Sau mấy phút ngỡ ngàng do dự, đi qua rồi quay lại, cuối cùng mình đề nghị bà bán lại toàn bộ chỗ sách ấy cho mình với giá không hẳn là rẻ, nhưng có thể là quá rẻ so với niềm vui sướng của mình lúc đó. Vậy là mình được sở hữu khoảng 50 cuốn sách mơ ước. Mình đem về nhà, cất kỹ và từ đó đến nay không một lần nào… mở ra xem lại. (Mời đọc bài Lan man chuyện… Chim  tại đây).

Đứng thứ ba là các loại sách mình “tha” về từ các cửa hàng sách cũ. (Mời đọc bài Sách cũ tại đây). Rất nhiều cuốn mình bỏ tiền ra mua vì lý do đơn giản: trên trang đầu cuốn sách có lời đề tặng. Ai đó đã tặng cho ai đó trong một chiều Sài Gòn đẫm nước mưa, trong một chuyến đi công tác xa về, trong một dịp kỷ niệm đáng nhớ… Ai đó đã tặng cho ai đó khi đứa con tinh thần của họ được xuất bản, khi niềm hạnh phúc còn tươi mới, những lời đề tặng chan chứa yêu thương… Thế rồi vì những lý do nào đó, những cuốn sách không còn được đặt trên giá mà lại phiêu bạt đến một nơi bụi bặm ẩm thấp, nằm lẫn giữa vô số các loại sách tạp nhan khác. Mình mua về vì không đành lòng nhìn thấy chúng nằm phơi ra đó như phơi bày những điều phũ phàng, trần trụi. Mình cố làm một điều gì đó… chắc là để giữ lại một chút lãng mạn còn sót lại… Nhưng bây giờ thì không thể nữa, đành để cho chúng ra đi! Đôi khi ta có thể phải gạt đi điều tốt đẹp này để đổi lấy sự bình yên khác, dẫu trong lòng day dứt lắm.

Sách vẫn còn quá nhiều. Chồng tiếp tục cằn nhằn. Mình lại phải xử lý đống sách cũ giấy đã ngả sang vàng nâu như màu bánh tráng nướng, chỉ cần đụng nhẹ vào là các trang sách rơi ra tơi tả. Toàn những cuốn sẽ đứt từng khúc ruột nếu phải bỏ đi. Đó là những cuốn sách đầu tiên trong đời khi mình biết đọc như Không gia đình, Túp lều bác Tôm, Truyện cổ An-đec-xen, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Mái trường thân yêu…, đến những cuốn gắn liền với một thời tuổi trẻ như Những người khốn khổ, Tuổi mười bảy, Hãy để ngày ấy lụi tàn, Chiến tranh và Hòa bình, Con đường đau khổ… Hầu hết sách này đều có chữ của ba, mẹ, ông, bà, các dì các cậu ghi giúp tên mình ở trang bìa lót, hoặc trịnh trọng hơn nữa là những lời đề tặng “Tặng cháu TH yêu quý nhân dịp…”. Một nửa trong số đó đã theo mình suốt chiều dài hơn 1.700 cây số từ Hà Nội vào Sài Gòn và đã ở bên mình suốt 40 năm nay. Mình nhắm mắt xé các trang bìa lót mang những dòng chữ thân thương ấy và để kệ đống sách cho chồng muốn làm gì thì làm chứ mình không đủ can đảm tự tay vứt đi.

Trời vào hè nóng rẫy. Nóng quá nên dường như không kìm nén được thêm nữa, trời đành đổ một cơn mưa nhỏ. Mình đứng trên lan can nhìn xuống đường, thấy bà mua ve chai đang vội vã phủ tấm bạt che đống sách và đẩy chiếc xe chở đầy kỷ niệm của mình đi khuất dần. Có gì đó đang trôi đi cùng với cơn mưa, cũng có gì đó không thể trôi đi đâu được. Ừ thì trên đời vẫn có những nỗi đau chẳng giống ai mà!

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Cái kệ sách


Mình sắp phải sửa nhà. Cực chẳng đã mới sửa nhà, chứ mỗi lần sửa là một lần tốn kém tiền bạc và tổn hao sức khỏe, nhưng nhà mình xuống cấp trầm trọng quá rồi, không sửa không được.
10 năm trước, lúc vợ chồng con cái mình rời nhà mẹ, dọn về đây ở, em đã kiên quyết mang theo một cái kệ sách cũ  - cái kệ mà theo như lời anh thì đáng phải chẻ ra làm củi đun từ lâu rồi. Anh hỏi sao em cứ nhất định phải giữ nó. Em trả lời rằng hè năm thứ nhất đại học, em đi làm thêm, cái kệ đó là toàn bộ tháng lương đầu tiên của em. Em nói mà không nhìn anh, nhưng vẫn cảm giác ánh mắt anh nhìn em là lạ. Anh khẽ thở dài, rồi im lặng, không nói gì nữa. Chỉ có một lần, giữa bữa nhậu với bạn bè, anh buột miệng chỉ cái kệ sách, bảo: “Tui nói vợ tui bỏ cái kệ kia đi, nhà mới mà cứ giữ cái kệ cũ làm chi. Nhưng vợ tui không chịu! Chắc là hồi xưa được bồ tặng!”. Anh nói một cách thản nhiên, không ra đùa, cũng không biểu lộ trạng thái tình cảm gì.
Lần này nhà mình sắp phải sửa, sắp phải dọn dẹp, bỏ bớt đồ cũ. Hôm qua, em thoáng thấy anh đứng trước cái kệ sách cũ của em… Em lặng lẽ lảng ra chỗ khác.
… Tháng lương đầu tiên của mùa hè năm nào đó, em có mua một chiếc kệ sách. Nó không phải chiếc kệ này, và sau mấy lần mẹ sửa nhà, nó đã lưu lạc đâu đó, em thậm chí chẳng nhớ nổi!
Còn mùa hè năm ấy, năm thứ 3 đại học, em đã có chiếc kệ này. Chính nó đấy. Nó không phải là hàng bán sẵn. Đầu tiên, nó là những tấm gỗ cây sần sùi (thời ấy chưa xuất hiện gỗ ép tiện lợi như bây giờ). Những tấm gỗ ấy được mua bằng tiền dành dụm của một chàng sinh viên nghèo – nghèo lắm – nếu so với chuẩn nghèo của thời nay. Nó được chở về nhà, được cưa cưa đục đục bằng những dụng cụ mộc không chuyên. Suốt cả một tuần lễ, người ấy đã đổ mồ hôi, đổ công sức đánh vật với những tấm gỗ. Người ấy còn đi ngắm nghía, vẽ ra kiểu nọ kiểu kia, mà nếu một người bình thường nhìn vào có thể thấy nó chẳng giống ai! Em không bao giờ quên được cánh tay gầy, nổi đầy gân xanh – kết quả của những ngày dài ăn không đủ no với những phần cơm ký túc xá đạm bạc – vẫn cố hết sức điều khiển chiếc cưa cùn để cưa cho đứt rời miếng ván. Buổi sáng, buổi chiều, người ấy kỳ cạch đục, gõ, đóng…, còn buổi trưa, lúc em ngủ, người ấy thức, rón rén đo đo vẽ vẽ để khỏi làm ảnh hưởng đến em. Em nằm thiu thiu ngủ bên cạnh đống gỗ ngổn ngang, ngửi mùi hăng hắc của những vỏ bào, thỉnh thoảng hé mắt liếc nhìn đôi vai chưa đủ rộng để thành một người lớn thực thụ. Em nhìn lưng áo ướt đẫm và những giọt mồ hôi không kịp lau, rớt đầy trên các thanh gỗ, tạo thành những “hoa văn” kỳ dị. Em hiểu, nếu không có một tình yêu trong vắt đến ngây thơ thì chẳng ai tự bắt mình phải đổ nhiều mồ hôi đến vậy.
Chiếc kệ sách của em ra đời như vậy đó. Nhưng rồi trên đời này có muôn vàn lý do để những người bạn, những người yêu chia tay nhau. Một năm sau, em chia tay với người ấy. Chiếc kệ sách được kê ở góc bàn làm việc của em. Một lần, em đi xa nhà khoảng 2 tuần. Khi trở về, em thấy chiếc kệ của mình bị cưa đi hết những phần được coi là “kỳ quặc”, trông nó đơn giản, bình thường như tất cả những chiếc kệ bình thường khác. Mẹ bảo sẵn có ông thợ mộc đến nhà làm mấy thứ đồ gỗ lặt vặt, mẹ nhờ ông cưa đi cho đỡ ngứa mắt. Em đã bỏ vào phòng và khóc. Em khóc rất lâu vì giận mẹ, vì nhớ đến tấm vai chưa thành người lớn, nhớ cánh tay nổi đầy gân và những giọt mồ hôi không phải của em. Hi hi. Nghĩ lại thấy buồn cười. Nhưng em dám chắc rằng em sẽ không bao giờ để con mình phải khóc vì những chuyện tương tự. Đa số các vết thương đều sẽ tự lành sau một thời gian, nhưng tốt nhất là không nên có các vết thương, anh nhỉ!
Gần 20 năm ở bên anh, anh đã cho em nhiều thứ, trong đó phải kể đến rất nhiều kệ sách được kê, treo ở khắp các bờ tường từ nhà dưới lên nhà trên. Cám ơn anh nhé! Anh biết đời em gắn liền với sách và em không thể sống thiếu những chiếc kệ mà! Chuyện xưa thì em quên từ lâu rồi. Em không còn nhớ bờ vai xưa, đôi tay xưa, những giọt mồ hôi xưa ấy nữa. Và chắc chắn em sẽ quên hẳn nếu như hôm qua em không nhìn thấy anh đứng trước cái kệ sách.
Mình sắp sửa nhà. Bao nhiêu việc phải lo: nào tiền bạc, nào thời gian, nào kế hoạch, nào các loại thợ xây, thợ mộc, thợ sắt, thợ điện…, vậy mà việc đầu tiên làm em loay hoay lại là cái kệ sách cũ. Thật không công bằng với anh khi em cứ muốn giữ nó ở trong nhà, nhưng cũng thật không công bằng với em nếu ngày mai, nó bị mang sang dãy nhà trọ hàng xóm để họ chẻ ra làm củi.
Em nghĩ mông lung về những dòng sông chảy mãi mà ta chỉ có thể tắm một lần duy nhất. Chỉ là mông lung vậy thôi, không buồn, không tiếc, không thương nhớ.
Nhưng…
Liệu em có thể cất một giọt nước thật nhỏ vào đâu đó thật sâu trong ký ức, để thỉnh thoảng mơ về dòng nước trong vắt đã một lần chảy qua đời mình không nhỉ?

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Làm sao để giết được một con chuột?


Nếu con chuột cứ lang thang ở ngoài đường, tối vào sân ăn mấy thứ thức ăn thừa của chó thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Đằng này, nó lại mon men bò vào phòng ngủ của Thị. Đêm đầu tiên, nó theo đường cửa chính bò vào. Nó sục xạo phía sau dãy tủ và kệ ti vi, tìm được mấy mẩu báo cũ và sung sướng xé nát để thoả mãn cơn ngứa răng. Sau đó, nó bò vào gầm giường Thị và chơi trò đánh đu trên các thanh vạt giường. Thị không ngủ được, bật dậy tìm chuột thì nó đã nhanh chân trốn mất. Quay lại giường, chưa kịp chợp mắt đã nghe nó bò ra sột soạt. Nhìn sang bên cạnh thấy chồng vẫn ngáy khò khò, đã tức, Thị lại càng thêm tức.
Sáng hôm sau, Thị bảo chồng: “Anh phải đặt bẫy chuột cho em. Cứ thế này thì em không thể ngủ được!”. Chồng bảo: “Em kéo mấy cái tủ dịch ra khỏi tường, giường thì che kín xung quanh lại. Chuột vào thấy mọi thứ không giống như cũ, nó sẽ không vào nữa đâu!”. Thị làm theo. Nhưng đêm hôm sau lại thấy con chuột bò vào, lại lục sục suốt đêm, lại chơi trò đánh đu ở dưới vạt giường, dù Thị đã lấy giấy dán xung quanh giường. Nói với chồng, chồng bảo: “Đừng quan tâm đến nó nữa! Em cứ coi nó như con gián, cứ ngủ bình thường đi!”. Nói thế mà cũng nói! Nếu Thị ngủ được như chồng thì Thị đã ngáy thật to cho con chuột sợ mà chạy mất chứ đâu phải hậm hực thế này!
Đêm thứ ba, Thị ôm chăn gối sang ngủ với con, mặc kệ chồng ngủ một mình. Nửa đêm, đang ngủ, Thị bỗng lại nghe tiếng con chuột rục rịch ở phòng bên. Giữa đêm thanh vắng, tiếng rục rịch nghe rõ một một, cứ như có ai thò sợi rơm ngoáy trong lỗ tai. Lần này, Thị quyết tâm đặt bẫy chuột!
Đêm thứ tư, Thị đặt một cái bẫy, trong có miếng cá chiên thơm phức. Thị thức, nhìn thấy con chuột bò vào bằng đường cửa sổ. Con chuột to hơn chuột nhắt một tí – Thị đoán nếu so với tuổi người thì nó chừng 10 tuổi. Bệ cửa sổ chả có vật cản nào mà con chuột vẫn phát ra tiếng động đáng ghét, tựa như nó đang cười rúc rích, khoái chí vì sắp được tiếp tục trò chơi thú vị. Nó nghếch nghếch cái mũi lên, đánh hơi thấy trong phòng có mùi thức ăn thơm ngon và bò rất nhanh đến chỗ cái bẫy. Chuột chui vào bẫy. Phập! Cửa bẫy sập xuống và nó nằm gọn trong lồng. Thị bật đèn, nhìn thấy con chuột run bần bật, mắt tròn mở to, sợ hãi. Một cảm giác vừa ghê tởm, vừa thương hại quét nhanh qua tâm trí Thị. Thị lại ôm chăn gối qua phòng con, vừa nhắm mắt dỗ mình ngủ, vừa cố quên đi cái hình ảnh khó chịu ban nãy. Trằn trọc mãi, gần sáng Thị mới chợp mắt. Ngủ chưa được bao lâu thì Thị bị đánh thức bởi tiếng thầm thì của con trai: “Mẹ ơi, mẹ cứ ngủ tiếp một lúc nữa đi. Hôm nay ba đưa con đi học!” Chưa kịp định thần về “chuyện lạ” thì hai cha con đã nhanh chóng dắt xe đi mất. Lúc này Thị mới sực tỉnh và chợt hiểu: Xưa đến giờ, có bao giờ chồng tự nguyện dậy sớm đưa con đi học đâu, nhưng hôm nay chuyện đó xảy ra vì chồng … sợ phải giải quyết con chuột.
Thị rón rén vào phòng. Con chuột nằm im, nép sát vào một góc, lấm lét nhìn Thị sợ hãi, miếng mồi thơm ngon vẫn nguyên vẹn, chứng tỏ nó sợ đến nỗi chẳng dám động vào. Thị cũng sợ hãi không kém khi nghĩ đến chuyện phải giết con chuột này. Nghe nhiều người chỉ cách tưới xăng lên người nó, rồi cho một mồi lửa, chỉ 2 phút là xong, Thị rùng mình, sởn gai ốc. Người khác lại bảo tốn xăng làm gì, dội nước sôi cho gọn. Thị cũng rùng mình! Thị nghĩ, cách nhân đạo nhất là nhúng cả cái lồng vào xô nước cho nó chết ngạt. Lại rón rén cầm cái lồng ra sân, hứng đầy một xô nước, Thị lấy hết can đảm nhúng cái lồng vào xô. Con chuột cuống quýt bò ngược treo người lên phía nóc lồng, run bần bật, ánh mắt cầu khẩn van lơn. Thị vụt kéo chiếc lồng ra khỏi xô nước, ngồi bệt xuống đất chứng kiến sự bất lực của mình. Sắp đến giờ đi làm mà vẫn không giải quyết được con chuột. Nếu cứ để nó trong lồng cho đến cuối giờ chiều, đợi chồng đi làm về giải quyết  thì đó khác nào là hành động kéo dài sự sợ hãi của con chuột. Thị loay hoay tiến thoái lưỡng nan. Bố chồng Thị ra sân, nhìn thấy cảnh con dâu loay hoay với con chuột cũng lấy làm bối rối lắm. Nhìn thấy thế, chẳng lẽ không giúp con dâu, mà giúp  nó thì giúp bằng cách nào? Ông theo đạo, tu tại gia, ăn chay đến nay đã được hơn 40 năm, đến con muỗi ông cũng không nỡ đập, huống hồ đây lại là cả một con chuột! Suy nghĩ một hồi, ông bảo: “Con chở ba ra ngoài đường, chỗ bờ sông, ba thả nó đi”. Thị thở phào: “Thôi, thế cũng được!”
Bờ sông cách nhà 500m. Thả chuột xong, hai cha con chở nhau về. Thôi thì coi như thoát được cái chuyện kinh khủng là phải giết con chuột. Thị chào ba chồng, quày quả quay lại đi làm. Chưa kịp nổ máy xe thì Thị bỗng hét lên. Thị vừa nhìn thấy NÓ – con chuột lớn hơn con chuột nhắt, áng chừng cỡ 10 tuổi nếu so với tuổi người – lũm chũm túm lông còn ướt, vừa vọt nhanh qua cánh cổng, chui tọt vào nhà.
Bố chồng ngẩn người. Thị cũng ngẩn người! Biết chuột là loài phá hoại, là loài chỉ biết ăn những thứ có sẵn mà chả giúp ích gì cho đời, là thứ mang bệnh dịch đến cho nhân loại. Biết chính con chuột này đã phá hoại giấc ngủ của một người vợ hiền, một người mẹ tốt, một phụ nữ năm nào cũng được cơ quan phát cho tờ giấy chứng nhận “Hai giỏi” kèm theo 200 nghìn. Vậy mà giết nó đâu phải dễ! Bởi vì cái xấu, cái ác đôi khi được ẩn đằng sau sự bé nhỏ, đáng thương mà những người hiền lành như Thị, như chồng, như bố chồng của Thị chẳng có đủ can đảm để loại bỏ nó ra khỏi cuộc đời này.
Thật trớ trêu thay!