.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Ác mộng


Ta thăm ngôi chùa cổ ấy lần cuối cùng là vào một mùa hè, nắng vàng như mật tràn đầy con đường dẫn vào chùa, nắng lốm đốm qua vòm lá in xuống đất nhảy nhót theo từng bước chân ta qua.

Năm ấy, ta đi công tác ở Hà Nội. Lãnh đạo chi nhánh nói miệng rằng chuyến công tác kéo dài khoảng 2 tuần, cố gắng thu xếp việc gia đình để đi. Ra đến Hà Nội, gặp đúng mùa “chiến dịch”, lãnh đạo Tổng đề nghị ta phải ở lại, thời hạn không xác định – có thể là 2 tháng – và không được phép về. Lòng ta rối bời vì thương thằng con trai mới vừa 3 tuổi, phải ở nhà với ba, không biết sẽ được ba chăm kiểu gì! Một ngày nghỉ, ta cảm thấy mình đang mất phương hướng. Ta mượn chiếc xe máy của người quen, rong ruổi về phía Hà Tây hỏi đường lên chùa, mong tìm kiếm chút tĩnh lặng cho lòng thăng bằng lại.

Chùa nằm trên một ngọn đồi, xung quanh trồng nhiều loại cây cao, gió xào xạc, mát rượi. Ta đi loanh quanh, ngắm nhìn từ mái chùa cong vút, mềm mại mà uy nghi đến tận những góc nhỏ nhất của ngôi chùa, nơi mà từng dấu ấn chạm khắc tinh xảo của các nghệ nhân xưa vẫn còn lưu lại khắp nơi. Ta sờ tay vào từng bệ đá, từng chiếc cột đã lên nước nhẵn bóng, cảm giác mơ hồ về hồn thiêng, về những Được – Mất của cuộc đời và thấy lòng dần dần thanh thản lại. Những nỗi bực dọc và khó chịu hàng ngày cứ loãng dần ra trong tiếng gió vi vu và tiếng mõ xa xa. Chọn một chiếc cột to, ta ngồi dựa lưng vào đó và thiếp đi dăm phút, vừa đủ để mơ có ai đó cho mình chiếc oản bọc trong giấy bóng tím hồng, bóc ra là dậy một mùi thơm tinh khiết.

Giấc mơ tinh khiết đó, ta giữ mãi trong lòng. Thỉnh thoảng, ở Sài gòn, giữa cái bộn bề của công việc, giữa cái nóng nực, kẹt xe, khói bụi, ô nhiễm…, ta lại mang giấc mơ ấy ra, thả cho nó bay bay lên cao, và ta bay bay lên theo, bỏ lại phía dưới vô số điều phiền muộn.

Thế mà hôm qua, các tờ báo đồng loạt đưa tin dữ: ngôi chùa ấy đã bị người ta phá. Lên mạng gõ tên chùa, ta không còn tin được vào những hình ảnh ô trọc đang phơi ra trước mắt. Cổ họng ta nghẹn đắng.


Tối về trằn trọc mãi, quá nửa đêm, ta phải bò dậy uống 2 viên thuốc ngủ. Lúc thiếp đi, ta thấy một đám người khắc khổ – trong đó có mình – đang còng lưng khuân vác gạch, ngói, xi măng, phá phá, xây xây cái gì đó. Nhìn lên dàn giáo phía trên, ta thấy một đám người khác ăn mặc lịch sự hơn, nhưng trên trán người nào cũng đóng một cái dấu đỏ có chữ “Dốt”. Họ cầm những chiếc roi dài, quất vun vút vào không khí và hò hét điều khiển đám người ở dưới.

Ta toát mồ hôi, tỉnh dậy, tự nhủ “chỉ là mơ thôi!”.
Nhưng có phải chỉ là mơ không? Ai biết!

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Nước C và nước V

Nước C và nước V giáp biên giới với nhau, có thể qua lại bằng xe ô tô. Anh A là công dân của nước C, anh N là công dân của nước V, một hôm gặp nhau, ngồi uống cà phê tâm sự. Gọi là tâm sự, nhưng hầu như chỉ có anh A nói, vì có vẻ anh A là người rất ngưỡng mộ nước bạn. Anh A bảo:

- Nước tôi là nước nhỏ, đang phát triển, còn phải học tập đất nước các anh nhiều thứ. Lần đầu tiên, khi bước qua cửa khẩu là tôi đã nhận ra điều đó. Ở cửa khẩu nước C, du khách ngồi yên trên xe, nhân viên hải quan sẽ lên xe và kiểm tra hộ chiếu. Qua đến cửa khẩu nước V, mọi người phải xuống xe, lôi tất cả hành lý ra xách tay, đi đến chỗ xuất trình hộ chiếu rồi kéo hành lý đi thêm một đoạn nữa. Nhìn tổng quan thì cảm giác như bên cửa khẩu của anh có vẻ lộn xộn, nhếch nhác, nhưng thực ra tôi thấy rất ổn vì làm thế sẽ không để lọt mấy thằng gian nhập cảnh trái phép bằng cách trốn trong gầm xe hoặc dưới gầm ghế.


Tay
xách nách mang đi qua cửa khẩu

- Rất nhiều hệ thống quan trọng của nước C chúng tôi là do người V của các anh đầu tư, như hệ thống xăng dầu, hệ thống viễn thông… Thậm chí cả khu di tích Kỳ quan thế giới mà chúng tôi rất tự hào cũng do người V đầu tư. Người V qua nước tôi làm ăn có vẻ phát đạt, nhưng không hiểu sao ở trong nước, họ hay kêu làm ăn khó khăn? Không lẽ họ hợp với… khí hậu ở nước tôi hơn?

- Nước C chúng tôi có rất nhiều hồ lớn nhỏ, trong hồ có nhiều cá, nhưng nhà nước khuyến cáo người dân chỉ đánh bắt phục vụ cho nhu cầu gia đình, không đánh bắt để bán lại. Trên thực tế thì người dân C hầu hết theo đạo Phật Tiểu thừa, họ sống ngày nào biết ngày đó, nên dù không có khuyến cáo của nhà nước thì họ cũng chỉ đánh bắt vừa đủ ăn, do đó sản lượng cá ở các sông hồ không được khai thác triệt để như nước V các anh.

- Ở nước tôi không dùng thuốc tăng trưởng cho cây ăn trái và vật nuôi, vì thế trái cây của chúng tôi nhỏ và xấu, vật nuôi cũng không khá hơn là bao. Chúng tôi cũng không dùng thuốc trừ sâu nên các loại côn trùng như dế, châu chấu, điên điển, nhện, bò cạp… thả sức mà sinh sôi, nảy nở. Người dân lại mất công đặt bẫy bắt chúng, chế biến thành các món ăn rồi bán cho khách du lịch. Thật mất thể diện quá! Trong khí đó, ở nước các anh, bói ra một con sâu cũng khó khăn. Lâu dần, người dân V lại có một thói quen rất nhân bản và tao nhã là mua sản phẩm ở những nơi bán rau có những lá rau bị sâu ăn, chứng tỏ họ muốn chung sống hoà bình cùng thiên nhiên. Ý thức quá tuyệt!


Dế - một món đặc sản côn trùng được khách du lịch đặc biệt quan tâm

- Ở nước V, mũ bảo hiểm được bày bán khắp nơi, giá rẻ, và đa số người dân chọn mũ giá rẻ để mua. Trong khi đó, người dân nước C thường có thói quen đội mũ bảo hiểm “xịn” dù nhà nước không bắt buộc phải đội mũ. Đó là một thói quen vô cùng trưởng giả vì nước chúng tôi còn nghèo, mua mũ “xịn” là một sự lãng phí không cần thiết. Hơn nữa, số người chết vì tai nạn giao thông ở nước tôi đâu có nhiều như ở nước các anh, việc gì phải đội mũ tốt!


Trước cửa chợ trung tâm: Người đi xe máy toàn đội mũ bảo hiểm loại tốt

- Buổi sáng sớm, ở nước chúng tôi, nếu anh đi chợ, chỉ trả giá mà không mua hàng thì người bán hàng sẽ bảo “nếu anh đi chỗ khác, giá mắc hơn thì quay lại mua hàng của tôi nha!”. Rồi họ cám ơn anh. Tất cả đều theo một công thức tẻ nhạt như vậy. Ngược lại, mấy bữa trước tôi đi chợ ở thủ đô của anh, tôi trả giá rồi không mua hàng, người bán hàng đọc cho tôi một bài rất dài với nhiều âm điệu cao thấp khác nhau mà tôi không hiểu mấy, nhưng nghe rất hay. Trong bài đó có rất nhiều từ “dell”, giống như thương hiệu máy tính vậy. Sau khi đọc bài, họ còn đốt giấy quơ quơ, chắc là một cách để cám ơn tôi đã ghé thăm gian hàng của họ.

- Ở nước tôi có nhiều đảng chính trị. Mỗi lần bầu cử là một lần người dân lại phải mất công băn khoăn suy tính để chọn đảng nào tốt hơn… À, nhưng mà tôi ít học mà lại nói lạc đề sang chuyện vĩ mô mất rồi! Thôi, để tôi tiếp tục nói những chuyện đời thường nhé!

- Tiền của nước C, từ năm 2007-2008 đến giờ, giá vẫn giữ nguyên so với tiền đô. Cứ 4 nghìn của tôi đổi được 1 đô. Trong khi đó, năm 2008, tiền của các anh 15 nghìn đổi được 1 đô, năm 2012, 21 nghìn đổi 1 đô. Điều này là một động thái khuyến khích người dân dùng tiền của nước mình. Cứ đà tăng như vậy, đến năm 2020, tiền V đổi ra đồng đô sẽ khoảng 30 nghìn/1 đồng. Tôi thấy rất OK.

 

- Ở C chúng tôi, hầu hết các công trình điêu khắc công cộng đều có hình tượng người ở tư thế tĩnh, đứng chắp tay cúi chào. Ở những tư thế khác thì bàn tay luôn duỗi, các ngón tay thẳng. Tôi thấy đó là biểu hiện của sự hiền lành đến nhu nhược. Trong khí đó, ở nước các anh, tất cả tranh cổ động, tượng đài… đều ở tư thế xông lên, tay cầm súng, cầm búa như sẵn sàng chiến đấu. Mặc dù thời bình thì chiến đấu với ai, tôi cũng chưa rõ, nhưng cứ chuẩn bị sẵn đi, thằng nào đánh mình thì mình đánh lại, nếu không đánh được thì quay ngược đầu lại chạy cũng nhanh hơn là cứ ở tư thế đứng yên, phải không anh?


Tượng thần Vishnu ở bến phà
Neak Luong

- Chúng tôi chỉ có 2 điệu múa có thể coi là “quốc vũ” là múa Lâm Thôn và Apsara. Còn ở nước các anh, các điệu múa nhiều vô kể, đến nỗi tôi choáng ngợp vì không còn biết điệu múa nào là đặc trưng của nước các anh nữa! Có thể nói, văn hoá nước của anh hoà nhập với quốc tế một cách nhuần nhuyễn. Đi xem các chương văn nghệ, tôi thấy có tiết mục cầm cờ chạy qua chạy lại giống Trung Quốc, thỉnh thoảng bồng bế nhau, nhón nhón chân giống ballet của châu Âu, rồi ngay sau đó có thể chuyển qua hip hop như Mỹ. Tóm lại là tôi rất ngưỡng mộ.


Một tiết mục trong chương trình múa do Trương Nghệ Mưu đạo diễn, giá vé 40$
Câu chuyện chắc còn dài, nhưng OM chỉ nghe đến đó. Post lên đây để ghi nhớ lại chuyến đi đến đất nước C lần thứ 3