.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Nhảy

Nhay

Có thể còn từ khác nghe sang trọng hơn từ nhảy, như từ khiêu vũ chẳng hạn, nhưng tôi vẫn thích dùng từ nhảy. Mỗi lần nhắc đến nó là trong đầu tôi lại văng vẳng hai câu thơ (không rõ có phải của Lưu Trọng Lư không):

Nhảy, nhảy đi cô gái nhỏ
Tuổi trẻ bay vèo theo nhịp gõ trái tim.


Tôi không thuộc bài thơ, chỉ biết mỗi hai câu ấy, nhưng mỗi lần nó lướt qua đầu, tôi lại thầm nghĩ “sao mà làm thơ khéo thế, triết lý về cả một thời tuổi trẻ sôi động, nồng nhiệt và thêm một chút ngông cuồng… tất cả gói gọn trong chỉ trong vỏn vẹn có hai dòng”.

Nhảy, nhảy đi cô gái nhỏ

Tôi nhìn thấy bóng mình xa… rất xa… trong câu thơ ấy.

Cùng với bóng tôi, tôi nhìn thấy bóng những cậu con trai trẻ măng, mặt còn đầy lông tơ và bóng của những người đàn ông đầy sức quyến rũ đến mê dại dưới ánh đèn chớp nháy và nhịp trống dội thình thịch vào tim.

Nhảy, nhảy đi cô gái nhỏ

Không nhớ tôi tập nhảy những bước đầu tiên là khi nào, chỉ nhớ hình ảnh dưới ánh đèn mập mờ (vì điện luôn bị mất một pha) trong phòng 114 ký túc xá, mấy anh lớp trên tranh thủ buổi tối lên phòng các em năm thứ nhất để dạy nhảy với hi vọng được làm bạn trai của một em nào đó mà mình thích. Các em mang giày thể dục, nắm tay các anh và cùng hát thay cho tiếng nhạc. Chách chách chách bùm bùm – một, hai, ba, chập. Tôi có một anh như thế làm bạn nhảy. Anh 22 tuổi, cao 1 mét 75, điển trai. Mỗi lần nhảy với tôi, anh đều nhìn tôi với đôi mắt sâu, đẹp mơ màng. Thỉnh thoảng, nhân một dịp kỷ niệm nào đó, ban quản lý ký túc xá lại tổ chức vũ hội từ 8 giờ tối cho đến 1-2 giờ sáng. Đó là những dịp “danh chính ngôn thuận” để anh giữ tôi trong vòng tay thật lâu và thì thầm trong hơi thở gấp gáp: “Em có đồng ý làm bạn gái của anh không?”. Tôi đồng ý. Anh đẹp trai thế cơ mà!

Rồi tôi chia tay anh vì một lý do vớ vẩn nào đấy mà tôi không thể nào nhớ được chính xác.

Tôi có bạn nhảy mới. Bạn bằng hoặc kém tôi một tuổi, đôi mắt tròn thơ ngây và mái tóc nâu vàng mềm óng. Tôi còn trẻ nhưng cũng đủ chút nhạy bén để hiểu: bạn tham gia đăng ký lớp học nhảy vì tôi biết nhảy, bạn thích nhảy vì tôi thích nhảy, bạn có thể làm tất cả mọi điều nếu tôi thích điều đó. Sau 2 năm học, chúng tôi rời ký túc xá, trở về thành phố. Sài Gòn lúc đó rộ lên phong trào khiêu vũ. Hàng chục điểm khiêu vũ mọc lên khắp các nhà văn hoá quận và chúng tôi tiếp tục làm bạn nhảy của nhau cho đến khi tôi cảm thấy bạn không thể là một bờ vai cho tôi dựa vào đó. Cuộc sống không phải là vũ trường và đôi tay mạnh mẽ của bạn chỉ có thể dẫn tôi trong các bước nhảy chứ không thể dẫn tôi đi tiếp đến một miền hạnh phúc mà tôi mơ ước.

Dù chủ động chia tay bạn, nhưng tôi vô cùng hụt hẫng.Tối thứ bảy, chủ nhật, tôi leo lên căn phòng nhỏ áp mái nhà, mở nhạc khiêu vũ, nằm nghe những điệu nhạc nhói buốt thình thịch dội vào tim. Nhạc Boléro. T’rach chách bum chách bùm chách bum! Nhịp này có thể nhảy điệu Rumba nhé, điệu Rum ba của tình yêu, của mê đắm và của cả những nỗi buồn không có tên, chẳng có lời diễn giải.

Và một lần, khi đang nghe nhạc Boléro, em xuất hiện.

Em kém tôi vài tuổi, người thư sinh, mảnh dẻ, gương mặt sáng sủa với nụ cười rất duyên. Em rủ: “Từ bây giờ, tối thứ bảy, chị em mình đi nhảy nhé!”. Tối thứ bảy, em đến chở tôi bằng xe đạp. Trên sàn nhảy, không bao giờ em rời tôi nửa bước để nhảy với người khác. Cứ như thế, em làm bạn nhảy của tôi được nửa năm. Tôi chịu ơn em vì em đã đưa tôi ra khỏi nỗi buồn, em thắp lên trong tôi một ngọn lửa xua đi đôi điều u ám không đáng có ở lứa tuổi đầy sôi động. Nhưng chỉ thế thôi! Rồi tôi có người yêu. Em không đạp xe đến nhà tôi vào tối thứ bảy, còn tôi thì xếp em vào trong chiếc tủ “Thời con gái” của mình. Em nằm trong ngăn “Hoàng tử bé”.

Tôi giao hẹn với người yêu: “Muốn cưới em, anh phải học nhảy”. Anh bảo: “Được rồi, cưới xong anh sẽ học”. Chúng tôi cưới nhau và anh không bao giờ học nhảy.

Bây giờ, thỉnh thoảng năm thì mười hoạ, tôi mới có dịp đi nhảy với vài người bạn. Từ khi có Bước nhảy hoàn vũ, thiên hạ chuyển sang học Dance Sport. Món đó quá khó nên tôi chịu thua. Đi vào sàn, tôi vẫn chỉ biết nhảy những điệu kiểu cổ điển. Một đôi lần, trong ánh sánh chếnh choáng và tiếng nhạc đầy mê lực, có người bạn nào đó ghì sát tôi vào người, hoặc có ai đó nói trong hơi thở: “chị có thích… em không?”, tôi đều lặng đi trong giây lát trước khi tỉnh táo lại và giữ khoảng cách cần thiết cho mình.

Người đàn bà trong tôi vẫn nhìn thấy bóng mình xa, rất xa… trong câu thơ và trong nhịp trống thình thịch dội mạnh từ quá khứ.

Nhảy, nhảy đi cô gái nhỏ
Tuổi trẻ bay vèo theo nhịp gõ trái tim.


T’rách chách bum chách bùm chách bum…

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Tí Nhân đi học

Tí Nhân vừa học xong lớp 3, tháng 9 này sẽ vào lớp 4. Tí Nhân rất thích đi học, nên mỗi năm đến hè, nghe tiếng ve râm ran và phượng nở đỏ rực sân trường là lòng bạn ấy lại man mác buồn vì suốt hai tháng sẽ phải xa bạn bè, thầy cô và ngôi trường thân yêu. Mà quả vậy, những ngày được đi học đối với Tí Nhân là những ngày tuyệt vời, cô giáo là cô Tiên và ngôi trường giống như một thiên đường.

Buổi sáng, Tí Nhân dậy sớm rồi gọi mẹ dậy. Xong, bạn ấy làm vệ sinh cá nhân thật nhanh, ăn sáng rồi mặc quần áo chỉnh tề, thắt khăn quàng ngay ngắn trước khi bước ra khỏi nhà. Đến trường, Tí Nhân hân hoan chạy vào lớp, chào bạn bè rồi vui đùa, chơi đập tay hoặc kể chuyện cho nhau nghe. Cô giáo bước vào lớp mỉm cười vui vẻ: “Chào các em!”. Tí Nhân và bạn bè đáp lại: “Chào cô!” Có bạn còn hỏi “hôm nay cô có khoẻ không?”, bạn khác thì khen “cô mặc áo này đẹp quá!”. Chào hỏi xong, cô bảo: “Thôi, các em về chỗ, mình học bài mới nào!”. Cô giảng bài, thỉnh thoảng quay lại hỏi “các em hiểu chưa?”. Các bạn giơ tay phát biểu: “Em chưa hiểu chỗ này, chưa hiểu chỗ kia, tại sao lại thế này mà không phải thế khác, theo em thì làm như thế này dễ hơn…” Cô giáo lắng nghe tất cả các ý kiến rồi trả lời từng bạn một… Cứ như vậy, mấy tiết học trôi qua thật nhanh. Buổi học sáng trôi qua, đến giờ nghỉ trưa, cả lớp đi xuống nhà ăn, mỗi người cầm một cái khay và tự chọn cho mình một khẩu phần mà mình thích. Hết giờ ăn là đến giờ ngủ trưa. Phòng ngủ có máy lạnh mát mẻ nên các bạn chỉ nói chuyện với nhau chừng 15 phút là mắt ríu lại. Cả lớp ngủ ngon lành. Buổi chiều, Tí Nhân và các bạn được uống một ly sữa hoặc nước ép trái cây trước khi vào học các môn phụ như tiếng Anh, vi tính, thủ công, hát… Giờ học mấy môn này thoải mái chẳng khác nào những giờ vui chơi tự do. Tùng… tùng… tùng…, trống báo hiệu giờ học kết thúc, các bạn còn nấn ná thêm chút nữa rồi mới ra khỏi lớp, không quên hẹn nhau sáng mai đến sớm để tiếp tục học mà vui…

Ti Nhan di hoc

Chuyện đi học của Tí Nhân là vậy.

Hoặc là mẹ xem nhiều phim Mỹ quá nên tưởng tượng ra chuyện đi học của Tí Nhân là vậy.

Bây giờ không tưởng tượng nữa, để mẹ xem thực tế thế nào nhé:

Tí Nhân vừa học xong lớp 3, tháng 9 này sẽ vào lớp 4. Khi tiếng ve bắt đầu râm ran và phượng nở đỏ rực, Tí Nhân mơ màng nhìn ra sân trường đầy nắng và tự nhủ: “cố lên, cố lên, sắp thoát khỏi nơi này 2 tháng rồi!”. “Cốp!”, Tí Nhân giật mình quay lại và hoảng hồn khi thấy cô giáo đã bước xuống, đứng ngay bên cạnh, đập mạnh cây thước lên mặt bàn: “Cô cảnh cáo em lần này là lần thứ ba rồi nhé! Đưa sổ báo bài đây, cô sẽ viết cho bố mẹ em biết. Mai đi học mang sổ này đưa cô để cô kiểm tra xem bố mẹ em đã ký tên chưa. Em nghe rõ không?” Tí Nhân sợ hãi lí nhí nhận lại sổ, lòng đầy lo lắng. Phen này về nhà bị phạt là cái chắc! Không dám mơ màng nữa, Tí Nhân khoanh tay trên mặt bàn cố gắng lắng nghe cô giáo giảng bài. Nhưng mà tập trung nghe giảng khó lắm cơ, vì cô cứ giảng đều đều, nghe một tí là chỉ muốn gục xuống ngủ. Kể ra chống tay lên trán, che mắt lại ngủ một tí cũng được, nhưng lại sợ nói mơ, cô nghe được thì chết! Giảng xong bài, cô quay lại đặt câu hỏi rồi nhắc: “Em nào biết, giơ tay lên! Trong lớp, các em phải mạnh dạn giơ tay phát biểu, nếu không thì cuối năm có đạt kết quả giỏi cũng không được xếp loại thi đua tốt đâu!”. Nghe cô nói xong, vài cánh tay rụt rè giơ lên (rõ, ai mà chả muốn được xếp loại thi đua tốt!). Tí Nhân nhìn các bạn rồi cũng đành giơ tay. Cô giáo lại nhắc: “Cô đã dặn các em bao nhiêu lần, giơ tay cũng phải đúng cách: Giơ tay trái, khuỷu tay chống thẳng trên mặt bàn, không được chồm chồm lên. Các em không tập thói quen giơ tay đúng cách, mai mốt có đoàn thanh tra đến, người ta trừ điểm đấy!”. (Khiếp, sao từ thời đi học của mẹ đến thời đi học của con, ai nghe đến từ đoàn thanh tra cũng đều sợ thế không biết!). Thỉnh thoảng, Tí Nhân thấy bài giảng của cô khó hiểu, nhưng bạn ấy chẳng hỏi, vì làm sao dám ngắt lời cô! Khi cô ngừng giảng bài, cô cũng đâu có hỏi xem các bạn có thắc mắc gì không. Nếu trong buổi học, bạn nào có ý kiến gì khác với ý của cô thì nhớ ghi vào giấy rồi tối về nói lại cho bố mẹ nghe nhé, vì chỉ cần dạy cho đúng giáo án là cô đã phải vắt chân lên cổ chạy đua với thời gian rồi, làm sao có thể nghe chuyện thắc mắc của các bạn được! 4 tiết học trôi qua sao mà lâu như 4 tuần lễ!

Buổi trưa, cả lớp lục tục ăn cơm ngay tại bàn học. Xuất cơm 16 nghìn trông không được ngon, nhưng thôi, cứ chan canh thẳng vào cơm như lời cô khuyên, nuốt cho dễ. Được ăn thế này vẫn sướng hơn học! Xong bữa trưa, chén bát được dọn đi, lấy chỗ để nằm ngủ. Ngủ ngay tại lớp, hơi nóng hầm hập dội hắt từ của sổ vào, (nhưng xem ra Tí Nhân vẫn sướng hơn mẹ ở chỗ còn được nằm ngay giữa phòng, chứ mẹ thì buổi trưa phải rúc vào góc phòng đầy dây nhợ máy tính – vừa bẩn thiếu không khí). Buổi trưa mà lỡ không ngủ được thì cũng phải nhắm mắt nằm yên. Quay qua quay lại mà để cô bắt gặp thì chắc chắn được ăn cây thước vào mông.

Buổi chiều, các bạn được phát bữa xế - một chiếc bánh Bibica ngọt đến khé cổ. Tí Nhân len lén nhét ngay vào cặp. Không ăn mà để cô nhìn thấy thì sẽ bị la. Trong tuần có 2 tiết buổi chiều được học môn Tin học. Đây là môn học mà bạn Tí Nhân ưa thích nhất. Mỗi bạn được ngồi vào một cái máy tính và tập làm quen với các thao tác mà Tí nhân đã biết từ năm 3 tuổi. Tuy nhiên, thích là một chuyện, còn có được học hay không thì lại là chuyện khác, vì máy tính rất hay trục trặc. Có hôm máy không khởi động được, thầy cứ loay hoay bật lên tắt xuống năm lần bảy lượt cho đến khi vào được đến màn hình window là vừa hết giờ. Hôm khác, bàn phím lại không gõ được, đến lúc gõ được rồi thì lại không ra được dấu tiếng Việt. Tóm lại, cứ chắc mẩm là giờ Tin học sẽ được ngồi chơi cho tinh thần thoải mái, đợi đến giờ bố mẹ đón về.

Tan học, mẹ đón ở sân trường. Nhìn thấy Tí Nhân chạy ra quần áo xốc xếch, khăn quàng quăn góc, bao giờ mẹ cũng hỏi: “Hôm nay con đi học thế nào? Có gì vui không kể cho mẹ nghe!”. Bạn Tí Nhân hăm hở leo lên sau xe mẹ, đáp: “Vui nhất là bây giờ, mẹ ạ!”

Ôi, 4h30 là thời khắc tuyệt vời nhất trong một ngày đi học của Tí Nhân! (Cũng giống như mẹ hồi xưa thôi!)

Hơn 30 năm rồi, dường như mọi thứ vẫn không thay đổi là bao khi hầu hết trẻ em VN học ở trường công đều có một ước mơ giống nhau: “Ước gì mai không phải đi học!”

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Có một ngày...

Có một ngày, như mọi ngày, mình dậy sớm chuẩn bị đi làm. Nhưng hơi khác mọi ngày một chút, con trai cũng dậy theo mà không cần gọi. Con nhìn mình ngập ngừng một chút rồi bảo: “Con về quê với ba mấy ngày, mẹ ở nhà đừng buồn nha! Đi làm nhớ đội mũ bảo hiểm!” (Chả là mình rất hay quên mũ). Định hôn con trai một cái nhưng rồi lại thôi. Dạo này thấy cu cậu có vẻ lớn, cương quyết từ chối không cho ba hôn và tỏ ra ngượng ngập mỗi lần mẹ hôn lên trán.

Có một ngày, mình lên xe phóng đi làm với cảm giác sung sướng. Hôm nay, một ngày tự do, không có ai chờ mình vào buổi chiều, sẽ về muộn, sẽ cà phê với bạn bè đến tối, sẽ ôm máy tính viết blog đến khuya mà không phải nghe tiếng TV bên cạnh, không có ai đi tới đi lui, thỉnh thoảng lại nhòm vào màn hình. Tự do thật là tuyệt!

Có một ngày, như mọi ngày, mình đến cơ quan sớm nhất, mở máy lạnh, máy tính, pha trà… Nhưng hoá ra lại là một ngày không suôn sẻ như mọi ngày. Bắt đầu giờ làm việc, mình đã bị yêu cầu phải sửa chữa mấy cái bìa mà mình nghĩ là đã rất hoàn hảo. Tiếp đến là 3 bản thảo trong một serie mà mình đã bỏ nhiều công sức biên tập đến “tan nát”, nay lại bị trả về lần thứ 2 với lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng mà “đau”, rằng: Anh nghĩ em nên bỏ thời gian ra đọc thật kỹ lại, bản thảo còn quá nhiều lỗi!. Lần đầu tiên trong suốt mười mấy năm làm việc, mình bị rơi vào tình huống đáng buồn và đáng chán nản như vậy. Cầm bản thảo trong tay, chỉ muốn vứt đi hết và khóc to lên cho hả dạ.
Co 1 ngay

Minh họa của Trịnh Lý (một người bạn mình chưa gặp bao giờ)

Có một ngày, mình không thể bắt mình tập trung đọc bản thảo được nữa nên quyết định chat với bạn bè. Suốt cả năm nay, mình toàn giấu mặt trên công cụ chat, chỉ ló mặt ra khi thực sự cần thiết trao đổi với ai đó, nên hôm này vừa đặt chế độ Available là lập tức có năm bảy bạn nhảy vào hỏi thăm ngay. Chat không kịp, mà vừa chat vừa nghĩ đâu đâu, đành phải trở lại chế độ Offline như mọi khi. Tưởng là làm một thay đổi nhỏ cho qua cơn chán, nhưng hoá ra vẫn là “một ngày như mọi ngày”. Lại lấy bản thảo ra ngồi đọc mà chẳng hiểu gì cả.

Có một ngày tâm trạng uể oải và trong đầu cứ văng vẳng ý nghĩ “sao mình khổ thế này”, thì bỗng nhiên lại có dịp trò chuyện với 3 người bạn trên blog mà mình chưa lần nào gặp mặt. Bạn thứ nhất là một bạn trai (đã kịp search trên Google thấy bạn ấy là một nhân vật khá nổi tiếng và thành công trong sự nghiệp). Bạn này chat rất nhanh. Khi chỉ trò chuyện với một ai đó qua công cụ chat thì tốc độ chat nhanh hay chat chậm có thể nói với mình một số điều. Thứ nhất, bạn ấy còn trẻ (mắt tinh, tay khoẻ) ; Thứ hai, bạn ấy có phản xạ nhạy bén ; Thứ ba, bạn ấy có một chỗ ngồi riêng biệt, không bị ai đi qua đi lại hay nhòm ngó (thường thường chỉ có sếp mới có chỗ ngồi như vậy) ; Thứ tư, bạn ấy thường xuyên chat với vô số người khác (đừng tưởng bở là chỉ chat với mình). Những câu chuyện phiếm qua chat, đối với người này thì chỉ là trò vô bổ mất thời gian, nhưng đối với người khác thì có thể không hẳn như vậy. Chat với bạn này mình thấy vui, ít ra là tạm thời quên đi cái u ám theo suốt buổi sáng.

Người thứ hai là một bạn gái đáng tuổi em mình. Em còn rất trẻ nhưng đã có một sự nghiệp mà chắc hẳn nhiều người nhìn vào phải mơ ước. Tuy nhiên, cuộc sống dường như hiếm khi cho ai được trọn vẹn mọi thứ. Qua blog, mình biết em là người sống nhiều bằng tình cảm và mang một trái tim mong manh dễ vỡ. Trò chuyện với em xong, bỗng cảm thấy có gì đó chơi vơi, thấy em giống như một ngôi sao sáng trong đêm nhưng lại cô đơn giữa cuộc đời này. Mình đâu thể giúp gì được, có chăng chỉ là một chút chia sẻ, một chút cảm thông. Chẳng biết điều đó có làm em vui hơn không?

Người thứ ba cũng là một bạn gái kém mình vài tuổi. Bạn này đã rời VN lâu lắm rồi và đang yên ổn với một hạnh phúc bình dị mà bạn ấy đã phải chắt chiu mới có được. Bạn kể cho mình nghe về quãng đời đầy khó khăn, gian nan mà bạn đã phải vượt qua, phải cố đứng dậy, bước tiếp và bước tiếp để có được ngày hôm nay. Mình rất thích vào blog của bạn này. Theo như bạn nói thì bạn mới chỉ học phổ thông, nhưng mình thấy bạn có nhiều tố chất của nhà văn. Biết đâu chừng, một ngày nào đó khi không còn phải lo chuyện cơm áo, bạn sẽ trở thành nhà văn thật thì sao! Cứ chờ xem nhé!

Có một ngày, mình được tự do nhưng không còn hứng thú để đi chơi. Mình rời cơ quan đúng 4h30 và về nhà đúng 5h kém 10. Trời đổ cơn mưa lớn, không đạp xe tập thể dục như mọi ngày, mình vào phòng đóng cửa lại và gào lên hát một mình. Nhưng tiếng hát không át nổi tiếng mưa dội ầm ầm trên mái tôn, chợt thấy mình đang chống chếnh, chợt thấy thèm được yêu như hơn 20 năm trước, chợt thấy cơn mưa hôm nay làm cho lòng mình bị dột mất rồi!

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Nhiều chuyện

Đọc báo mạng thấy có bài Phụ nữ nói nhiều sẽ dễ thành công. OM không phải là người thành công trong sự nghiệp, chắc tại vì không nói nhiều. Mà nói nhiều có phải là nhiều chuyện không nhỉ?

Buổi sáng sớm, OM đi cùng con trai qua nhà bà Y đầu hẻm ăn phở. Bà Y nấu phở chủ yếu phục vụ cho bà con lối xóm – những người làm biếng nấu ăn buổi sáng ở nhà và làm biếng cả việc di chuyển ra mấy quán xa hơn. Vì chỉ phục vụ có một nhúm khách nên nồi nước phở của bà Y nhạt thếch! Hai mẹ con xì xụp ăn thật nhanh, còn bà Y thì tha thẩn đi tới đi lui đợi khách. Xem ra đã mỏi chân mà vẫn chả có khách nào, bà Y ngồi xuống cạnh hai mẹ con bắt chuyện:

- Nè, biết hôn, bà Tư bán cơm tấm kế bên đây, bả mắc công chuyện nhà nên nghỉ bán 2 tuần. Vậy mà cái bà Năm hổng biết điều, lựa lúc người ta nghỉ, nhảy ra bán. Tưởng bán gì, ai dè cũng lại cơm tấm. Bà Tư tức quá chửi bà Năm một trận. Bà Năm quay qua chửi lại, biểu: “Tui bán trước nhà tui, bà bán trước nhà bà, mắc mớ gì mà bà quậy!”. Bà Tư cãi không lại, lôi ông chồng ra cãi tiếp: “Nhà này bán cơm tấm mấy tháng nay rồi, có muốn bán hàng thì kiếm thứ khác mà bán, sao bắt chước người ta chi vậy?”. Bà Năm thấy bà Tư lôi chồng ra cũng bắt chước lôi chồng mình ra luôn. Ổng la: “Tui bán hàng chứ có ăn giựt của ai đâu, mấy người nhiều chuyện quá đi!”… Rồi em vợ bà Tư – tức là cái ông bán hột vịt lộn ấy mà - thấy chuyện lùm xùm, bực mình quá cũng chạy ra…

Sáng sớm, ăn tô phở lạt nhách, lại nghe bà bán phở tuôn một tràng chuyện hàng xóm cãi nhau, OM thấy lỗ tai mình lùng bùng. Con trai thầm thì: “Sao tự nhiên bà Y kể chuyện người ta cãi lộn với mẹ chi vậy?”. OM bảo: “Thôi, ăn lẹ đi, người ta nhiều chuyện đó mà!”. Suốt quãng đường chở con đi học, OM cứ nhìn thấy quán phở nào có mấy bà ngồi nói chuyện với nhau là lại hình dung ra họ đang “nhiều chuyện”, nghĩ bụng, thèm ăn một tô phở đậm đà, dậy mùi quế, hồi, gừng, và mỡ bò lẫn vào tiếng nhạc du dương quá.

Đến cơ quan, bật máy vi tính và máy lạnh lên định thưởng thức chút không khí mát mẻ và tranh thủ sáng sớm duyệt qua nhà mấy bà tám trên blog thì… phụt! Cúp điện! Đành thở dài cái thượt, lững thững xuống thang ra ngoài cổng ngồi quán cóc lề đường. Mùa hè nóng, cúp điện là không thể tiếp tục ngồi trong phòng được nên chỉ chốc lát, quán cóc vốn dành riêng cho sinh viên và dân lao động đã đầy người. Nhìn đi nhìn lại thấy toàn trí thức, trông sáng cả cái vỉa hè. Trong cơ quan không được hút thuốc nên các anh em trí thức ngồi quán đều tranh thủ đem các loại thuốc lá vỏ xanh vỏ đỏ - trên vỏ có ghi Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ - ra đốt lấy đốt để, phả những làn khói đầy lãng mạn lên tóc các chị em trí thức. OM kéo chiếc ghế nhựa thấp lè tè ra một góc riêng, định bụng sẽ phân bổ chai sữa đậu nành ra làm nhiều lần rót, đủ để uống lai rai cho đến lúc có điện trở lại và tranh thủ một mình thư giãn trước khi vào làm việc. Nhưng cái sự một mình xem ra không thực hiện được. Chỉ trong giây lát, một âm thanh đặc trưng của các quán vỉa hè bắt đầu nhen nhóm và bùng phát. Tiếng người nói chuyện, cười đùa lẫn vào tiếng còi xe tạo thành một thứ ong ong hỗn độn. Thôi, đành phải lắng tai nghe câu chuyện của vài người nào đó để quên đi sự hỗn độn ấy vậy. Ở gần OM nhất có hai chị đang nói chuyện. Chị A bảo: “Nói nhỏ chuyện này, nghe rồi bỏ nha! Hôm qua chị đi đường, thấy ông X chở em nào rất xinh vào một quán rất kín đáo. Đành rằng ông X bỏ vợ rồi, nhưng cặp với em nào thì cũng phải tương xứng một chút chứ, đằng này trông trẻ cỡ bằng con ông ấy. Đàn ông có mắt mà cứ như mù. Cỡ em đó thì yêu đương gì cái loại già như ông, yêu cái bóp của ông thôi.” Chị B tiếp lời: “Chị nói đúng, đàn ông đến già vẫn không trưởng thành. Thế chị có biết chuyện xì căng đan của ông Y không, em chỉ nói riêng với chị thôi, cơ quan không ai biết đâu. Ông Y đang vợ đẹp con ngoan, gia đình yên ấm, thì lại lên cơn thèm phở. Ông cặp với một em trẻ măng rồi để lại hậu quả. Em trẻ măng mang cái bụng đến tận nhà hỏi Anh tính sao đây?. Thế là tan cửa nát nhà.” Chị A ngạc nhiên: “Thật vậy hả. Thế thì mình phải bảo cho con bé C biết chuyện này. Chồng của nó tính tình cũng bay bướm hệt như ông Y, vậy mà không hiểu sao nó cứ ca ngợi chồng hết lời. Có ngày rồi hối không kịp”. Chị B lại bảo: “Nhưng chuyện này nhớ dặn nhỏ C đừng để lộ với ai nhé, chỉ mấy chị em mình biết với nhau thôi. À, nhưng còn chị D nữa, cũng ảo tưởng về chồng lắm, chắc phải kể cho chị ấy nghe sơ sơ để còn đề phòng…”

OM căng tai lên nghe chuyện, quên mất, lại rót hết cả chai sữa đậu nành vào ly và uống ừng ực cạn đến đáy. Phen này khéo về nhà cũng phải o bế anh giai nhiều hơn. Thực ra anh đi với ai OM cũng không quan tâm lắm đâu, vì biết tính anh, lâu lâu cũng khoái ăn quà / nhưng rồi lại vẫn về nhà ăn cơm. Biết vậy, nhưng sợ có người nhìn thấy rồi lại kể cho người khác, rồi người khác lại kể cho người khác nữa… biết đâu…!

Có điện. OM quay về phòng, gặp ông Y đang đi xuống cầu thang, hỏi “Anh đi đâu thế?” “Hôm nay anh nghỉ phép, vợ gọi về phụ với bả mấy chuyện. Đàn ông ngoài việc nước ra, lâu lâu cũng phải chăm lo đến gia đình nữa, em ạ.”

Chiều về đến đầu hẻm, thấy bà Tư và bà Năm đang nói chuyện vui vẻ với nhau. (Ủa, vậy chuyện cãi lộn giải quyết sao rồi ta?). Con trai hỏi: “Mẹ ơi, người ta bảo đàn bà nhiều chuyện. Thế mẹ có nhiều chuyện không?” OM bảo: “Tất nhiên là không”.

Đấy là nói với con trai như vậy. Lúc này, ngồi bên máy tính, chợt tự hỏi: Nếu không nhiều chuyện thì sao mình lại ngồi đây gõ gõ bài này nhỉ?
Nhieu chuyen