Những đứa trẻ của thế kỷ thứ 21 sẽ dần dần không còn biết đến khái niệm về máy chụp ảnh phim, và khi được hỏi “phim chụp ảnh là gì?” thì cha mẹ chúng sẽ phải trả lời dài dòng rằng “hồi xưa, lúc con chưa ra đời…”
… Vậy là hồi xưa – thực ra cũng chưa phải là xưa lắm – lúc công nghệ kỹ thuật số chưa ra đời, OM đã từng rước về nhà khoảng gần chục “anh bạn” với những “khẩu súng” dài ngắn khác nhau. Các anh cùng có chung một đặc điểm là nồi đồng cối đá, phần cơ gần như chẳng bao giờ hỏng. OM luôn có một cảm giác lâng lâng khó tả khi ôm cái body của các anh lên ngang mày, dí mũi hít hít cái mùi đặc trưng không lẫn vào đâu được, vừa thấy mình thật hạnh phúc vì có từng ấy anh trong tay, vừa thấy lòng tham của mình trở nên vô đáy vì lúc nào cũng khao khát có thêm nhiều anh nữa.
Vì yêu các anh ngày xưa quá, nên mở đề dài dòng, thực ra bài này chỉ định xoay quanh cái tựa đề “Âm bản”. Tiếp theo câu chuyện, …vậy là cha mẹ sẽ phải giải thích cho những đứa trẻ thế kỷ 21 rằng: máy ảnh hồi xưa chủ yếu chụp bằng phim âm bản. Phim âm bản sẽ được đưa vào máy rọi (phóng) ảnh để in hình xuống giấy ảnh. Giấy ảnh sau khi bắt hình từ phim rọi xuống, được nhúng vào thuốc hiện rồi ngưng lại trong thuốc hãm, sẽ cho ra những tấm ảnh để lại cho đời sau. Chuyện phòng tối rất thú vị và ly kỳ, OM sẽ kể khi nào có dịp, còn hôm nay chỉ kể về những tấm ảnh thuộc loại đặc biệt thôi.
Để có tiền chơi ảnh, OM phải làm thêm, phải đi chụp các loại “đám”. Đám cưới, đám sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi… thì khỏi nói, vì nó luôn mang niềm vui đến cho mọi người và mang… tiền về cho OM. Nhưng ngoài các đám vui vẻ ấy ra, còn một đám khác buồn đến nẫu người – là đám ma. OM chụp đám ma xong, khuya về, đem phim vào phòng tối, ngồi một mình và làm những việc cần phải làm. Khi những tấm giấy ảnh được nhúng vào thuốc hiện, gương mặt người chết hiện lên từ từ dưới ánh sáng đỏ quạch leo lét, sóng sánh trong làn nước thuốc. Có nhiều lần, OM chợt thấy ớn lạnh, nổi gai ốc khi cảm giác ai đó đang lơ lửng đứng phía sau lưng, đang chăm chú xem những động tác mình làm. Đó chính là những giây phút mà triết lý về sự sống và cái chết luôn hiện về, lảng bảng trong bầu không khí 2m vuông đặc quánh của phòng tối.
OM trong phòng tối (Ảnh chụp khoảng năm 1990)
Người ta thuê thợ ảnh chụp đám ma vì… phải có ảnh, chứ thực ra khi đem ảnh đến cho gia đình, chẳng ai trong số họ buồn giở ra xem. Tuy nhiên, gia chủ luôn luôn cần một tấm ảnh khác, đó là ảnh chân dung để thờ. Không phải ai cũng có sẵn một tấm ảnh chân dung của người thân để chuẩn bị cho ngày người ấy ra đi. Thường thì chân dung được tách ra từ một tấm ảnh chụp chung nào đó và họ thuê OM làm lại sao cho đủ chất lượng để đặt lên bàn thờ. OM không có tiền mua ống kính macro để chụp lại những tấm ảnh nhỏ nên phải chế ra nhiều cách. Có thể quay ngược ống kính normal, một tay giữ chắc cho ống kính khít vào thân máy, tay kia bấm nút chụp. Cách này nhanh nhưng hơi khó và ảnh thường chỉ rõ phần giữa, mờ xung quanh. Cách thứ hai là lại… vào phòng tối! Trong bóng tối hoàn toàn, OM cắt một đoạn phim chưa tráng gắn vào máy rọi với mục đích biến máy rọi thành máy ảnh. Đặt tấm ảnh nhỏ xíu xuống mặt bàn và hắt vào đó một nguồn sáng trong tích tắc, tấm phim sẽ bắt được hình của tấm ảnh và ta có được một phim âm bản. Trong khoảnh khắc khi ánh sáng đèn loé lên, bắt vào gương mắt người đã khuất, nếu điều đó diễn ra một trăm lần thì cả một trăm lần OM đều cảm giác như người đó vụt sống dậy. Hàng ngàn thước phim cuộc đời họ, những buồn - vui, được - mất, hạnh phúc - đau khổ… như vừa quét qua và cô đặc lại trong một giây loé sáng.
Sau khi đem tấm phim âm bản đó rọi lại và in ra thành ảnh, OM còn một công đoạn nữa là ngồi “tút” lại ảnh. Công việc là dùng mũi dao lam cạo lên những vùng bị rạn, bị xước để giấy ảnh có thể bám màu và dùng một loại màu đặc biệt chấm lên đó. Việc này đòi hỏi tập trung cao độ, khéo tay và tỉ mẩn. Vừa làm, OM vừa “trò chuyện” với bức ảnh “Ông / Bà chịu khó tí nhé, cháu làm cẩn thận cho đẹp, để cho con cháu ông / bà hàng ngày nhìn, nhớ đến ông / bà những lúc đẹp lão như thế này…” OM làm công việc đó, trước tiên là để có tiền – tất nhiên – nhưng có lẽ cũng không hẳn là để có tiền. Làm để mà làm thôi, cứ làm như thế với hết khả năng và tấm lòng của mình và cảm giác mình đã lưu giữ được những điều đẹp đẽ.
Khi ông bà ngoại bước sang tuổi “xưa nay hiếm” cũng là lúc OM đã thôi chơi ảnh, ông bà nhờ OM đem ảnh ra tiệm thuê người ta làm sẵn cho những bức hình thờ. OM không muốn đem ra tiệm vì người ta chỉ làm cho tấm hình “nhẵn nhụi”, da dẻ hồng hào, đẹp lên theo cách mà thợ ảnh cho là đẹp. OM muốn tự tay làm hình cho ông bà với tất cả những tình cảm của mình. Này là mái tóc bạc phơ của ông bà – mái tóc mà lúc OM chào đời, nó vẫn còn đen nhánh, mái tóc mà khi lớn lên một chút, OM đã bao lần vừa tìm nhổ những sợi bạc, vừa nghe ông bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Này là ánh mắt yêu đời, mãi trẻ trung cho đến tận những ngày cuối đời của ông. Này là cái vết nám nho nhỏ trên má của bà mà lần nào ra Hà Nội, OM cũng phải sờ lên đó…, OM muốn giữ lại tất cả…
Chỉ có một tấm hình thờ mà OM hầu như không sửa chữa gì cả, đó là tấm hình của ba. Ba mất đi ở tuổi 55, cái tuổi mà người ta còn sung sức lắm, còn yêu cuộc đời này lắm… OM không sửa và cũng không thể sửa gì được, vì một khi trái tim ta còn đau thì bàn tay ta chẳng thể làm được việc gì cho chính xác.
Hôm rồi về quê, thấy má (chồng) đã chuẩn bị một bức ảnh thờ. Thợ ảnh sửa cho gương mặt má thành “mặt hoa da phấn láng o”, phông nền phía sau tím tím hồng hồng như phông nền đám cưới. Má có vẻ không hài lòng. OM hứa “Con về nhà sẽ làm cho má một tấm thật đàng hoàng”. Nói là làm. OM tìm được một tấm má không cười, nhưng ánh mắt có sẵn nụ cười sâu ở bên trong. Nụ cười của một người mẹ mãn nguyện khi thấy đàn con mà mình đã chắt chiu từng chén cơm, từng tấm áo nuôi cho khôn lớn, nay đã trưởng thành. Bây giờ có công nghệ kỹ thuật số, làm hình khoẻ rồi, cứ nhẩn nha trên photoshop, làm không ưng thì lại sửa. Vừa làm ảnh cho má trên máy tính, OM vừa tủm tỉm cười, hình dung mình 40 năm nữa cũng sẽ phải làm hình thờ. Lúc ấy, bà OM gàn dở chắc là sẽ nhất định không cho con cháu đem hình mình ra tiệm vì “lỡ chúng nó sửa bà thành mặt hoa da phấn, xoá mất tiêu mấy cái tàn nhang trên má thì còn gì là bà nữa!”
Đó là nghĩ cho vui, có khi đến lúc ấy, công nghệ sẽ chuyển sang một loại hình mới, không biết chừng lại quay về Âm bản! Thì sự phát triển của xã hội mình đôi khi vẫn ngược dòng đấy thôi, chẳng đoán trước được! Chỉ có một điều chắc chắn là chúng ta đang sống trong thế giới Dương bản, nhưng cũng đôi khi ta đứng thật lâu trước tấm ảnh của người thân và cảm nhận một cách rõ ràng rằng: gương mặt thân yêu đang nhìn thẳng vào ta là nhân chứng cho sự giao thoa giữa Âm bản và Dương bản…
Suy nghĩ thế có trừu tượng quá không?