Ta thăm ngôi chùa cổ ấy lần cuối cùng là vào một mùa hè, nắng vàng như mật tràn đầy con đường dẫn vào chùa, nắng lốm đốm qua vòm lá in xuống đất nhảy nhót theo từng bước chân ta qua.
Năm ấy, ta đi công tác ở Hà Nội. Lãnh đạo chi nhánh nói miệng rằng chuyến công tác kéo dài khoảng 2 tuần, cố gắng thu xếp việc gia đình để đi. Ra đến Hà Nội, gặp đúng mùa “chiến dịch”, lãnh đạo Tổng đề nghị ta phải ở lại, thời hạn không xác định – có thể là 2 tháng – và không được phép về. Lòng ta rối bời vì thương thằng con trai mới vừa 3 tuổi, phải ở nhà với ba, không biết sẽ được ba chăm kiểu gì! Một ngày nghỉ, ta cảm thấy mình đang mất phương hướng. Ta mượn chiếc xe máy của người quen, rong ruổi về phía Hà Tây hỏi đường lên chùa, mong tìm kiếm chút tĩnh lặng cho lòng thăng bằng lại.
Chùa nằm trên một ngọn đồi, xung quanh trồng nhiều loại cây cao, gió xào xạc, mát rượi. Ta đi loanh quanh, ngắm nhìn từ mái chùa cong vút, mềm mại mà uy nghi đến tận những góc nhỏ nhất của ngôi chùa, nơi mà từng dấu ấn chạm khắc tinh xảo của các nghệ nhân xưa vẫn còn lưu lại khắp nơi. Ta sờ tay vào từng bệ đá, từng chiếc cột đã lên nước nhẵn bóng, cảm giác mơ hồ về hồn thiêng, về những Được – Mất của cuộc đời và thấy lòng dần dần thanh thản lại. Những nỗi bực dọc và khó chịu hàng ngày cứ loãng dần ra trong tiếng gió vi vu và tiếng mõ xa xa. Chọn một chiếc cột to, ta ngồi dựa lưng vào đó và thiếp đi dăm phút, vừa đủ để mơ có ai đó cho mình chiếc oản bọc trong giấy bóng tím hồng, bóc ra là dậy một mùi thơm tinh khiết.
Giấc mơ tinh khiết đó, ta giữ mãi trong lòng. Thỉnh thoảng, ở Sài gòn, giữa cái bộn bề của công việc, giữa cái nóng nực, kẹt xe, khói bụi, ô nhiễm…, ta lại mang giấc mơ ấy ra, thả cho nó bay bay lên cao, và ta bay bay lên theo, bỏ lại phía dưới vô số điều phiền muộn.
Thế mà hôm qua, các tờ báo đồng loạt đưa tin dữ: ngôi chùa ấy đã bị người ta phá. Lên mạng gõ tên chùa, ta không còn tin được vào những hình ảnh ô trọc đang phơi ra trước mắt. Cổ họng ta nghẹn đắng.
Tối về trằn trọc mãi, quá nửa đêm, ta phải bò dậy uống 2 viên thuốc ngủ. Lúc thiếp đi, ta thấy một đám người khắc khổ – trong đó có mình – đang còng lưng khuân vác gạch, ngói, xi măng, phá phá, xây xây cái gì đó. Nhìn lên dàn giáo phía trên, ta thấy một đám người khác ăn mặc lịch sự hơn, nhưng trên trán người nào cũng đóng một cái dấu đỏ có chữ “Dốt”. Họ cầm những chiếc roi dài, quất vun vút vào không khí và hò hét điều khiển đám người ở dưới.
Ta toát mồ hôi, tỉnh dậy, tự nhủ “chỉ là mơ thôi!”.
Nhưng có phải chỉ là mơ không? Ai biết!
"Ta sờ tay vào từng bệ đá, từng chiếc cột đã lên nước nhẵn bóng, cảm giác mơ hồ về hồn thiêng, về những Được – Mất của cuộc đời và thấy lòng dần dần thanh thản lại." Em gặp lại cảm xúc này của mình vào một chiều nắng rọi nghiêng nghiêng qua những đền tháp Chàm ở Mỹ Sơn, Quảng Nam quê em. Cảm xúc đó thật tuyệt.
Trả lờiXóaBài viết hay quá OM. Mang tính thời sự nóng hổi nhưng được thổi lồng vào đó hơi ấm của tình cảm con người đối với những di sản di vật. Dù không là nhà văn, không viết Văn, chỉ viết ra suy nghĩ và cảm xúc thật của mình, nhưng chị đã viết như một nhà văn chân chính vậy. Ngưỡng mộ và iu chị :x
Khi viết những dòng này, chị nghĩ rằng chỉ viết cho riêng mình thôi. Vì thế chị rất vui khi có người đồng cảm và hiểu được tâm trạng mình vào những lúc... ẩm ương như vậy.
XóaThôi, đừng khen chị quá, mắc cỡ lắm! o%
Em ít khen ai lắm chị. Khen gián tiếp thì nhiều còn khen trực tiếp thường cũng làm em ngượng mà. Nhưng lúc không kìm được thì phải buộc ra đó thôi. ;)
Xóa:p :X
XóaChị ơi, có lẽ là tạm thời di dời để trùng tu chăng, chứ còn nếu như phá chùa thật thì... Em không dám nghĩ tới nữa!
Trả lờiXóaNhưng dù là trùng tu thì cũng phải làm sao cho đúng với cái Tâm, thể hiện ít nhất ở việc phải trân trọng, nâng niu những hiện vật của di tích. Nếu như để cho người đời (mà chị Om là một trong số rất nhiều người như vậy) có cảm giác xót xa, ô trọc... thì hẳn là đã mất đi sự thiêng liêng, trân quý ấy mất rồi!
P/s: Em là Bếp Xanh đây ạ, lâu lắm em mới vào và sang thăm chị nhưng chị lại khóa cửa. Lần dò đọc lại mọt số bài viết cũ của chị, em dừng lại ở đây với một nỗi buồn không thật rõ ràng.
"Lúc thiếp đi, ta thấy một đám người khắc khổ – trong đó có mình – đang còng lưng khuân vác gạch, ngói, xi măng, phá phá, xây xây cái gì đó. Nhìn lên dàn giáo phía trên, ta thấy một đám người khác ăn mặc lịch sự hơn, nhưng trên trán người nào cũng đóng một cái dấu đỏ có chữ “Dốt”. Họ cầm những chiếc roi dài, quất vun vút vào không khí và hò hét điều khiển đám người ở dưới." Đọc đoạn kết này của chị, em nghĩ nhiều đến chữ Nghiệp,chị à. Và không hẳn là mơ đâu, phải không chị?
Lâu quá mới thấy Bếp Xanh! :) tưởng em bận nấu nướng mà quên đường vào blig rồi chứ! :D
Trả lờiXóaCái vụ trùng tu thì đúng là người ta trùng tu đấy em ạ, nhưng không hiểu lý do gì mà bỗng dưng phá hết những công trình vô giá đã tồn tại qua bao năm tháng. Sự thiếu hiểu biết, thiếu một cái nền văn hoá đã làm cho họ trở thành những kẻ phá hoại. Chán lắm!
Chị hay nằm mơ. Vừa nằm xuống, chưa kịp ngủ đã mơ. Giấc mơ của chị đôi khi thực thực hư hư...
Cám ơn em đã ghé nhà chị. Chị nghỉ blog một thời gian, bao giờ có hứng sẽ viết tiếp, gặp nhau sau, em nhé!
Chị sớm quay lại chị nhé, mỗi khi vào blog là em vẫn sang nhà chị xem có động tĩnh gì không đấy. Chị và lão tan262 là hai người bạn lớn đầu tiên của nhà Bếp Xanh, thế mà khi em đến thì cả hai đều đóng cửa đi vắng. Buồn buồn ghê đi!
XóaHihi, đừng buồn nhé! Chị sẽ cố gắng để quay lại sớm
Xóa