.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Tay nào có, tay nào không

Tôi yêu lần đầu tiên vào năm 16 tuổi. Nhưng tôi không định kể về mối tình đầu ấy của mình đâu. Có một mối tình khác, trước đó, xa hơn kia! Một mối tình chẳng phải tình yêu, nhưng để tìm một từ khác để diễn tả nó thì cũng thật khó.
Đó là khi tôi lên… 7 tuổi.
Tôi và cậu ấy học cùng lớp Một với nhau. Hai đứa học giỏi gần như ngang nhau, thậm chí cậu ấy còn có phần nhỉnh hơn tôi một chút, nhưng chẳng hiểu sao cô giáo lại chọn tôi làm lớp trưởng. Làm lớp trưởng, có nghĩa là tôi được phép đứng trước hàng, quay mặt về phía các bạn – trong đó có cậu – hô: “Các bạn, nghiêm! Xếp thành hàng đôi, so hàng, đằng trước, thẳng! Bước vào lớp!”. Tôi rất thích thú khi chứng kiến cậu ấy phải làm theo lệnh của mình.
Sở dĩ tôi thích thú là vì những khi không ở trong lớp học, cậu ấy luôn hơn tôi về nhiều mặt. Cậu ấy cao hơn tôi, chơi bắn bi giỏi hơn tôi, chạy nhanh hơn tôi, và cậu ấy còn biết thắt dây giày thành cái nơ trông rất đẹp, còn tôi thì học mãi mà chẳng thắt được đẹp như thế. Ở ngoài, tôi lép vế như vậy, nên vào lớp tôi phải tranh thủ “ra oai” với cậu. Chẳng biết cậu có bực không, nhưng thỉnh thoảng khi tôi bị tuột dây giày, cậu ấy vẫn ra tay nghĩa hiệp giúp buộc nó lại.
Cậu ấy đọc sách rất nhiều và tranh thủ đọc bất cứ lúc nào nếu vớ được một cuốn sách hay. Có vài lần, trên đường đi học về, cậu vừa đi vừa đọc sách, đến nỗi đâm sầm cả vào cột điện. Đọc sách nhiều nên cậu nói năng mạch lạc, câu nào ra câu ấy, đến nỗi mấy đứa bạn vừa thán phục, vừa bực dọc, đặt cho cậu cái biệt danh là “Cụ Non”. Từ bây giờ, ta sẽ gọi cậu bằng cái tên ấy.
Tôi và Cụ Non hay cãi nhau, chủ yếu là cãi lý. Tỉ như tôi khen: “anh Đê-a-nôp (*) đẹp trai, ai cũng phải công nhận điều đó” thì thế nào Cụ Non cũng bảo “Đẹp hay không là do bạn nhìn chứ không phải là do anh ấy đẹp thật. Ví dụ mình đi xem tranh ở triển lãm, bạn ngắm một bức tranh thấy đẹp, nhưng tôi lại chẳng thấy đẹp thì sao!”. Hoặc giả tôi và Cụ Non hẹn nhau đúng 12 giờ rưỡi sẽ đi học. Nếu Cụ Non ghé nhà rủ tôi đi, lúc 12 giờ 29 phút thì dứt khoát tôi chưa đi, còn Cụ Non thì dứt khoát đi trước.
Hay cãi nhau như vậy, nhưng chúng tôi thân nhau lắm, chỉ cần xa nhau mấy ngày là nhớ. Có lần, tôi được đi Đồ Sơn vài ngày, tôi nhớ Cụ Non đến nỗi quyết định phải mang nước biển về cho Cụ Non nếm thử. Tôi đã phải ôm khư khư một lọ nước biển từ Đồ Sơn về đến Hà Nội, và hai đứa ngồi trước bậc thềm, mỗi đứa cầm một que tăm, chấm mút nước biển trong lọ. Chỉ thế thôi là đủ vui lắm rồi.
Lần khác, hai đứa giận nhau. Chúng tôi giận nhau đến nỗi đã đưa ngón út ra ngoéo tay nhau – dấu hiệu để thề là sẽ không bao giờ thèm chơi với nhau nữa. Nhưng chỉ được mấy ngày, cả Cụ Non và tôi đều nhận ra mình đã ngu ngốc đến chừng nào. Rồi, chắc là không chịu được nữa, Cụ Non đến gặp tôi. Cậu đưa 2 nắm tay ra trước mặt tôi, bảo:
- Bạn chọn đi, nếu chọn đúng tay nào có hạt đậu thì chúng mình chơi lại với nhau, còn nếu chọn tay nào không có gì thì mình bỏ nhau luôn!
Tôi hồi hộp lắm, nhưng cũng rụt rè chọn một nắm tay. Cụ Non xòe tay ra mỉm cười – không rõ là với tôi hay với hạt đậu nho nhỏ nằm trên đó.
Mãi sau này, tôi mới biết là Cụ Non ăn gian. Cả hai nắm tay Cụ đều có hạt đậu.

Ngày tôi phải rời Hà Nội vào Sài Gòn, một trong những nỗi mất mát lớn nhất của tôi là phải xa Cụ Non. Tôi đi mà không dám gặp cậu để chào từ biệt vì tôi sợ mình sẽ òa khóc và không có cách nào nín được.
Suốt những năm đầu xa nhau, tôi và Cụ Non vẫn trao đổi thư từ thường xuyên, chỉ đến khi tôi bắt đầu có người yêu thì thư từ mới thưa dần. Ngày tôi vào Đại học, Cụ Non gửi thiệp kèm theo lời chúc tôi học giỏi. Cậu thì không vào đại học mà rẽ ngang sang trường trung cấp chuyên nghiệp để có thể sớm đi làm, phụ giúp gia đình.
Tôi bước vào trường đại học, làm quen với môi trường mới, với những người bạn mới. Rồi tôi lần lượt yêu vài người. Ra trường, cũng giống như hầu hết bạn bè, tôi đi làm vài năm rồi kết hôn, nhưng ký ức về Cụ Non với một hạt đậu nhỏ bé, dễ thương đến nao lòng vẫn còn theo tôi mãi.
Nhiều lần tôi có dịp đi công tác ở Hà Nội, nhưng không hiểu sao, tôi không có ý định tìm gặp lại Cụ Non. Có lẽ là do đã từ lâu, chúng tôi không còn trao đổi thư từ với nhau, tin tức không được cập nhật và giữa hai đứa cũng không còn có những vấn đề chung nữa, nên nghĩ đến chuyện gặp nhau là tôi ngại. Tuy nhiên, Hà Nội quá nhỏ để tôi có thể tránh mặt Cụ Non. Một lần có việc đi ngang qua nhà, tôi gặp bố Cụ Non đang quét sân. Tôi chào ông. Ông giữ tôi lại một lúc lâu để hỏi thăm tình hình. Câu chuyện về việc tôi ra Hà Nội lập tức đến tai Cụ Non. Ngay chiều ấy, Cụ đến gặp tôi. Chúng tôi đi ăn bún chả Hàng Mành, đi uống cà phê, trò chuyện đủ thứ trên đời, kể cho nhau nghe chuyện công việc, chuyện gia đình, con cái… Khi chuẩn bị ra về, bỗng dưng Cụ Non nắm lấy tay tôi. Chưa kịp định thần, tôi nghe cậu ta nói nhỏ, gần như thì thầm:
- Trời nóng quá, chúng mình tìm một phòng khách sạn tâm sự đi, bạn!
Tôi ngỡ ngàng đến nỗi chẳng nói được lời nào. Nhìn đôi bàn tay Cụ Non, phút chốc một đoạn phim thật dễ thương lướt qua trong tâm trí tôi. Trong đoạn phim đó có một đôi bàn tay nhỏ bé đã nắm chặt hai hạt đậu kỳ diệu – mầm sống mà tôi luôn nâng niu suốt mấy chục năm qua như một báu vật của tuổi thơ.
Đoạn phim kết thúc. Hai hạt đậu rơi xuống đất và tôi biết mình sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy nó lần nữa trong đời.


(*) Tên nhân vật chính trong phim truyền hình nhiều tập Trên từng cây số được chiếu trên Truyền hình VN những năm 70.