.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

CÂY CƠM NGUỘI, ANH VÀ EM VÀ...

Có lẽ người viết truyện này sợ tựa đề dài quá chăng, nên bỏ lửng tựa đề bằng dấu ba chấm. Vậy cần phải nói rõ một cách đầy đủ, cụm từ đó là: “Cây cơm nguội, Anh và Em và Đồng nghiệp”.
Họ có ba người. Anh là trưởng phòng, Em là nhân viên trong phòng, kém Anh vài tuổi, còn Đồng nghiệp là một cô bạn cùng cơ quan, nhưng ở bộ phận khác, không liên quan gì đến phòng của Anh và Em. Đồng nghiệp kém Em vài tuổi nữa, nên tất nhiên kém anh một số tuổi kha khá.
Buổi sáng, vợ đưa Anh cùng chiếc va-li công tác đến cơ quan, dặn dò: “Hà Nội mùa này mát mẻ, ra ngoài ấy anh nhớ mua cho em một chiếc áo thun dài tay của Trung Quốc nhé!”. “Được rồi” - Anh đáp nhưng lại quên không hỏi xem vợ thích màu gì. Lấy nhau gần hai mươi năm rồi, nhưng Anh vẫn không hiểu thực sự nàng thích gam màu như thế nào. Đúng ra Anh cũng vừa định hỏi điều ấy, nhưng Anh lại chợt thấy bóng Em đang xách va-li đi lên cầu thang, thế là quên khuấy đi mất. “Thôi, em đi làm đi không thì muộn mất!” - Anh giục vợ và chỉ mong nàng nổ máy thật nhanh. May quá, nàng cũng chẳng nấn ná làm gì. Từ khi lên làm trưởng phòng, những chuyến đi công tác như thế này của anh không còn làm cho nàng cảm thấy nhớ nhung gì nữa. Nhưng đối với Anh thì khác. Chuyến đi này thực sự làm Anh phấn khích, vì Anh không đi một mình, mà bên cạnh còn có Em.
Anh đuổi theo Em đến lầu một, chỉ chút nữa là bắt kịp. Vừa định cất tiếng bảo để anh xách giúp cho thì một chú nhóc thanh niên ở phòng gần đấy bỗng ló mặt ra như thể đã đứng canh sẵn giây phút này từ lâu, được dịp chớp lấy cơ hội của anh. “Để em xách giúp chị” - hắn nói.
“Chị với chả em!”, anh bực dọc nghĩ thầm. Anh biết chắc trăm phần trăm là từ cách đây hai phút, chú em đã đứng ở cửa sổ phòng nhìn xuống sân , thế mà cứ làm ra vẻ tình cờ. Cơ mà cơ quan thiếu gì con gái vừa trẻ vừa chưa chồng, sao hắn cứ phải lẵng nhẵng chị chị em em thế không biết? Nhưng nói đi thì cũng nói lại, tại sao Anh cũng thế nhỉ? Thôi kệ, dù sao thì hôm nay hắn sẽ phải ở nhà, còn Anh sẽ đi công tác với Em.
Cùng lên máy bay có cả Đồng nghiệp, thế là bên cạnh Anh có đến hai em. Đầu tiên Anh thấy thú vị với ý nghĩ này, nhưng sau lại hơi tiêng tiếc, giá mà chỉ Anh với Em thôi có khi hay hơn. Anh vốn không phải là gã đàn ông tham lam như người đời vẫn cho là giống đàn ông thường như thế. Trên máy bay, em nói vừa phải, đủ để anh hiểu là tuy hơi không yên tâm chuyện chồng con ở nhà, nhưng Em cũng thích chuyến công tác này, bởi vì không phải dễ để có dịp thăm lại Hà Nội, nơi mà cả tuổi thơ đẹp đẽ của Em đã trôi qua với những mùa thu có mùi hoa sữa và hàng cây cơm nguội mà các nhà thơ và nhạc sĩ thường nhắc đến. “Cây cơm nguội như thế nào hả chị, em nghe nói nhiều nhưng thực sự chưa nhìn thấy bao giờ.” - Đồng nghiệp ngồi bên cạnh hỏi xen vào. “Được rồi, thế thì tối nay, họp xong anh sẽ dẫn hai chị em đi xem cây cơm nguội ngay trước cửa nhà bạn gái anh hồi xưa. Cô ấy là bạn gái đầu tiên của anh”. “Thế thì thú vị đây!” - Em nói nhỏ vừa đủ để anh nghe thấy. Em là như vậy, luôn nhỏ nhẹ và vừa phải.
Buổi chiều họp. Lại tiến độ, lại công việc, lại doanh thu trước thuế, sau thuế..., anh thấy đầu mình ong ong. Buổi tối, tắm rửa xong, đầu nhẹ đi một chút. Đúng như đã hẹn, Anh gõ cửa phòng hai chị em. “Lên đường thôi, mình sẽ đi xem cây cơm nguội!”.
Từ khách sạn đến nhà bạn gái cũ của Anh phải đi qua ba dãy phố, rẽ phải, rẽ trái, xong rồi lại rẽ phải, đi lên một đoạn dốc ngắn.  Mất khoảng ba mươi phút đi bộ là đến. Hà Nội buổi tối thơm mùi hoa sữa. Đồng nghiệp sung sướng và vui vẻ ra mặt, nói líu lo suốt. Em thì trầm tĩnh hơn. Vả lại, khi quay về những kỷ niệm của mình, trầm tư có lẽ là một dấu hiệu đương nhiên. Anh ngửi thấy mùi hoa sữa ở khắp nơi, trên từng bước chân, trên các cánh cửa của những ngôi nhà cũ, trên các shop quần áo mà họ tranh thủ ghé qua, trên mái tóc Em... Anh đi phía sau, lặng lẽ ngắm nhìn những sợi tóc loà xoà trên gáy Em và thấy mùi hoa sữa mỗi lúc một nồng nàn hơn. Giá mà không có Đồng nghiệp, chắc chắn Anh sẽ làm một cử chỉ gì đấy mà suốt mấy năm qua, Anh chỉ dám nghĩ tới, chưa bao giờ dám thực hiện một lần. Cái cảm giác muốn làm một cái gì đó gần giống như cái cảm giác của lần đầu tiên, năm mười chín tuổi, Anh hẹn hò với cô bạn gái ở dưới gốc cây cơm nguội trước nhà cô. Trong bóng tối sẫm, Anh cũng ngửi thấy một mùi hương nồng nàn, không rõ là mùi gì, nhưng nó làm Anh như mất phương hướng và quên hết tất cả những gì định nói. Rồi những lần hẹn sau, cũng cái mùi hương ấy cứ làm Anh bối rối, bao nhiêu lời tỏ tình cứ trôi tuột đi đâu mất. Cho đến  lần cuối cùng, cô bạn bảo với Anh : “Em nghĩ chúng mình là bạn thôi!”.
Giá như là bây giờ, chắc Anh không để cho cô bạn nói câu ấy, hoặc nếu đã nói rồi thì Anh cũng không để cho cô thực hiện lời nói của mình. Nhưng... Anh lại đang ngửi thấy mùi hương làm Anh bối rối đấy thôi. Biết đâu đấy, hơn hai mươi năm sau sẽ có một ngày Anh tự nhủ “Giá như là mình bây giờ, mình sẽ không để cho những sợi tóc loà xoà kia vương mãi trên gáy Em”. Biết đâu đấy!...
Sau cô bạn gái đầu tiên, cả cuộc đời Anh cứ là những lần giá như, giá như... tiếp nối nhau, cho đến ngày Anh lấy được một người vợ tốt, tiếp theo là hai đứa con khoẻ mạnh ra đời. Rồi Anh được bổ nhiệm về cơ quan này làm trưởng phòng. Trong phòng của Anh có Em.
Em không đẹp đến nỗi khiến cho tất cả những gã đàn ông phải như Anh phải quay lại nhìn, cũng không dịu dàng đến nỗi khiến cho tất cả đám thanh niên như gã làm ở phòng lầu một phải loay hoay chị chị em em, nhưng tất cả con người Em là một sự vừa phải chừng mực. Sự vừa phải đó đủ làm cho thằng đàn ông trong Anh cứ khao khát như nhìn thấy rượu ngon mà không có dịp nhấp thử. Anh đã chờ đợi dịp công tác này lâu rồi, nhưng giá như... (lại giá như).
Giá như tối nay không có Đồng nghiệp...
Anh đi sau, Em và Đồng nghiệp đi trước. Đồng nghiệp vui vẻ, ríu rít khen mùa thu Hà Nội thật dễ thương, mùi hoa sữa thật quyến rũ, khen “chị thật đúng là người Hà Nội, không thể khác được”. “Hà Nội đẹp thì rõ rồi, hoa sữa thơm cũng rõ rồi - Anh nghĩ bụng - bao nhiêu thi sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ đã ca ngợi, đâu cần cô em phải khen thêm làm gì. Cô em toàn nói những chuyện thừa trong buổi tối dịu dàng như thế này!”.
Trên đường đi, họ rẽ vào một trung tâm mua sắm. Em bảo em nhớ hồi xưa, đây là một cửa hàng bách hoá nho nhỏ, phía ngoài có một cái tủ kính bày những con búp bê bé tí bằng len. Mỗi lần bố mẹ dẫn đi qua đây, em thường dán mắt nhìn vào tủ kính, tưởng tượng đó là một nơi đầy những câu chuyện cổ tích diệu kỳ mà người lớn không sao hiểu được. Có lần dẫn chồng ra thăm Hà Nội, Em có chỉ cho chồng xem và kể về điều bí mật nho nhỏ này. Chồng em lơ đãng nghe rồi bảo “Ở ngoài này hàng điện tử nhiều hơn trong kia, chắc anh phải mua vài món đem vào”. Em cười. Nụ cười thoáng chút buồn làm tim anh chợt nhoi nhói. Sao anh lại không phải là người để em dẫn đến trước cửa hàng và kể về giấc mơ tuổi thơ của em nhỉ? Anh sẽ là người hiểu rõ hơn ai hết, hiểu hơn chồng em, hiểu hơn Đồng nghiệp, điều đó là chắc chắn rồi. Đơn giản vì tuổi thơ của Anh cũng trôi qua ở chính nơi này, với những con phố thân quen quanh năm nằm yên bình dưới hai hàng cây cơm nguội.
Trung tâm mua sắm mới khai trương được chừng nửa năm, hàng hiệu bày ngợp mắt, giá cả tính bằng đô, cao chót vót chắc không thua gì ở bên Mỹ. Chị em chỉ đi xem, không mua gì. Anh cũng muốn chọn gì đấy giá vừa phải, mua làm quà cho hai chị em mỗi người một món, nhưng thấy giá cao quá, nên chặc lưỡi: thôi! Nếu cố mua thì cũng được, nhưng chẳng lẽ lại không mua gì cho vợ thì cũng thấy áy náy, mà mua đến ba món thì... Tóm lại là thôi! Tầng trên cùng của toà nhà trung tâm là sàn nhảy disco và rạp chiếu phim. Đồng nghiệp bảo “Mình vào sàn nhảy đi”. Anh không thích trò này lắm, mới học nhảy, dáng dấp còn ngượng nghịu, chả dại vào những chỗ dành cho dân sành điệu như thế này làm gì. Em bảo “Hay là mình vào xem phim”. Ừ, xem phim, sao lại không nhỉ. Mặc dù mục đích cuối cùng của cuộc đi dạo tối nay là thăm lại nhà bạn gái xưa của Anh, hay nói đúng hơn là cho Đồng nghiệp xem cây cơm nguội, nhưng nhà vẫn còn đấy, cây cơm nguội có đi đâu mất mà sợ, thế nên xem phim cũng hay. Anh khéo léo sắp xếp cho Đồng nghiệp vào trước, tiếp đến là Em, rồi Anh vào sau cùng. Vừa là người lịch sự, luôn nhường đường cho phụ nữ trẻ, vừa được ngồi một chỗ hợp lý nhất mà bất cứ gã đàn ông nào cũng muốn được như vậy.
Phim chắc cũng hay. Khán giả thỉnh thoảng lại cười ồ. Đồng nghiệp cười thoả thuê, Em cười khúc khích. Sao tay Anh cứ như thừa, không biết để thế nào. Anh muốn choàng tay qua vai em như bình thường Anh vẫn choàng vai đùa vui với các cô trẻ đẹp ở cơ quan. Nhưng ở cơ quan và trong rạp chiếu phim là hai nơi hoàn toàn khác nhau. Để tay lên thành ghế thì lại chạm vào cánh tay mềm mại của Em, cánh tay mà hằng đêm chắc là luôn thường trực một mùi thơm dịu ngọt, sẵn sàng để cho một gã cao to, đen trùi trũi gối cái đầu tóc ám mùi khói thuốc lá của hắn lên đó. Mấy lần anh định cứ liều đặt tay lên ghế, và, một cách bình thản nhất, nắm lấy bàn tay em, nhưng rồi lại thôi. Giá như...
Phim kết thúc. Càng về đêm, Hà Nội càng ngào ngạt mùi hoa sữa. Đã muộn nên Anh rảo bước đi trước dẫn đường. Phố vắng tanh, chỉ còn vài đôi khoác tay nhau đi dạo, thi thoảng có một ông đi xe đạp gõ lách xách thay cho tiếng rao tẩm quất. Nhà cô bạn gái xưa kia rồi. Tim anh đập hơi mạnh hơn bình thường, không rõ vì hồi hộp hay đơn giản chỉ vì đi bộ hơi nhanh. Họ đứng trước cửa nhà. Nhưng lạ quá, đúng ngôi nhà ấy, thậm chí cánh cổng vẫn giữ nguyên màu sơn cũ, nhưng không còn cây cơm nguội ở đó. “Thế cây cơm nguội của anh đâu?” Đồng nghiệp ngạc nhiên hỏi. “Anh không biết” - Anh ngơ ngẩn đáp. Em bảo : “Mình sẽ tìm người để hỏi xem cây cơm nguội đâu rồi”. Nhưng có vẻ mọi người ở xung quanh đã đi ngủ hết, trên đường chỉ còn lại vài khách vãng lai, nếu có hỏi chắc họ cũng sẽ chỉ nhìn ba anh em như nhìn những người ngoài hành tinh, hoặc là tệ hơn, họ sẽ chỉ lắc đầu mà không thèm nhìn gì cả.
Họ tần ngần đứng một hồi lâu rồi quay về. Đường về khách sạn phải đi qua ba dãy phố, mất khoảng ba mươi phút đi bộ. Đầu tiên là xuống một cái dốc, sau đó rẽ trái, rẽ phải rồi lại rẽ trái là đến. “Hai chị em ngủ ngon nhé”, Anh đưa Em và Đồng nghiệp về đến cửa phòng. “Chúc anh ngủ ngon”. Họ chia tay nhau để về phòng nghỉ, chuẩn bị cho một cuộc làm việc với đối tác vào sáng sớm.

Ghi chú: Truyện còn đoạn kết, tuần sau OM sẽ đăng đoạn kết này. Từ giờ đến khi đó, mời bạn nếu có dừng bước ghé qua nhà OM thì viết cho OM xin một đoạn kết của riêng bạn. Mong lắm, nhé, nhé, nhé... Cảm ơn bạn nhiều! :)

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

NỖI và NIỀM

Em bảo: Chiều nay em không nấu cơm. Mình ra ngoài ăn, mừng Lễ!Anh đồng ý đi, nhưng buông một câu: “Có vui gì đâu mà ăn mừng!”Trong khi chờ gọi món, anh hỏi: “Ngày ấy chắc em còn nhỏ quá, không nhớ gì đâu nhỉ?”
.................................................
Nhỏ thì đúng là nhỏ, nhưng em còn nhớ. Buổi trưa hôm ấy nóng hầm hập, mẹ đang mang bầu em Phúc, em và mẹ nằm trên giường trong căn phòng 9 mét vuông ở khu tập thể Nam Đồng, ba ngồi bên cạnh chiếc đài nghe tin tức. Bỗng nhiên, ba bật dậy reo lên: “Giải phóng Sài Gòn rồi!”. Rồi em thấy cả khu tập thể râm ran, náo nhiệt. Mọi người chạy ra khỏi phòng, chạy ra đường hò reo.
Ngày hôm sau, em về nhà ông bà. Theo chỉ đạo của Tiểu khu, mọi người đều phải chuẩn bị một chiếc cờ đỏ sao vàng bằng giấy. Ông mua giấy về làm cho cả nhà mỗi người một lá cờ, dán vào chiếc que kem làm cán. Rồi mọi người cầm cờ ra đường, hát vang và hô to khẩu hiệu. Em không nhớ là hô gì, chỉ nhớ là mình hét rất to: “Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!”.
Rồi tiếp theo vài ngày nữa, ba có lệnh của toà soạn báo cử đi công tác biệt phái vào Sài Gòn. Miền Nam là quê hương của ba. Trở về miền Nam, với ba, chắc hẳn là một niềm hạnh phúc.
Em vẫn còn nhớ được từng đó chuyện. Nói chung, trong tâm trí của em thì đó là một ngày vui.
Còn với anh thì khác. Ngày hôm đó, anh thấy xe nhà binh chạy chạy ầm ầm qua nhà anh ở đường Phan Thanh Giản – nay là đường Điện Biên Phủ – những người lính ở trên xe giơ tay chào. Ở dưới đường, mọi người nhốn nháo, hoang mang. Có vài cô, vài chị bật khóc vì không biết chuyện gì sẽ đến với những anh lính kia và đến với gia đình mình.
Tuy nhiên, ba thì rất phấn khởi. Với một niềm tin đầy lãng mạn, ba tuyên bố rằng đất nước giờ đây đã thống nhất, ba hứa sẽ dẫn má và các con đi du lịch ra phía Bắc để biết đất nước mình tươi đẹp như thế nào.
Niềm vui thống nhất của ba chưa được bao lâu, giấc mơ mà ba truyền cho các con chưa kịp ngấp nghé đến cánh cổng hiện thực thì...
... Một ngày, như cơn ác mộng – ba từ một kỹ sư sáng giá, lương tháng dư dả để nuôi gia đình một vợ, 8 con – bỗng bị biến thành một người thợ, với mức lương chỉ đủ nuôi sống bản thân. Ba đi làm từ sáng đến tối mịt, về đến nhà là mệt mỏi cáu gắt. Mấy anh em sợ hãi, chỉ còn biết nem nép không dám hó hé câu nào. Đến một ngày, nhắm không thể sống nổi, má dẫn mấy đứa nhỏ về quê ngoại. Ba cùng mấy anh lớn ở lại thêm một thời gian rồi cũng phải nghe theo má, quyết định rứt ruột bán căn nhà của mình – ngôi nhà từ hồi ông bà nội để lại mà gia đình đã sinh sống, đã từng có với nó biết bao kỷ niệm.
Năm ấy, anh đã 11 tuổi nên ký ức vẫn còn rất rõ ràng. Với anh, ngày tháng tư năm ấy là ngày mở đầu cho một quãng thời gian thật buồn.
.................................................
Suốt bữa ăn, anh và em cùng yên lặng. Chỉ có con trai là cười nói phấn khởi vì được ăn ngon.
Nhìn con, em nghĩ: thì thôi, những gì đã qua hãy để cho lắng xuống. Mình hãy vui vì có một ngày tháng Tư năm xưa đã làm nhân duyên để gia đình mình được ở bên nhau, tháng Tư này...

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10203922903377702&set=a.1383927282959.2057032.1375304149&type=1

Dưới đây là bài viết của bạn Nguyễn Thuý Hà, một trong những người bạn mà mình rất yêu quý. Copy vào đây để lưu.

Âu cũng tại bác Hậu Khảo Cổ

đã định đi ngủ sớm (đêm nay Elle hết sốt, chắc mẩm mẹ sẽ được một đêm thẳng giấc) mà lại thấy còm của bác Hậu, còm trả nhời xong lại tiện tay phóng sang nhà bác tí, rồi cái tí này lại làm mất ngủ luôn sau khi đọc mấy bài liên quan đến 30 tháng 4 và nhất là bài "MỘT NGÀY KHÔNG NHƯ MỌI NGÀY"của bác Hậu. Tự nhiên muốn viết. Muốn viết cho mình quá! Bây giờ đã là 2giờ sáng ngày 30/4 giờ Cali. Tại sao mình lại ở đây? Mình theo chồng! Thế, chồng tại sao ở đây? cũng vì ngày 30/ 4. Ngày này bên kia phố phường tưng bừng cờ đỏ thì bên đây trên con đường Bolsa khu Little SaiGon cũng phấp phới cờ vàng. Bên kia hoan hô thì bên nay đả đảo. Ngày này khi bạn bè mình bên kia vẫn đang chạy đua chặng cuối của lớp cao học chính trị mà trong đó ắt có môn "Tư tưởng Hồ Chí Minh" thì bên này sáng nay mở một kênh truyền hình tiếng Việt thấy đùng đoàng bộ phim "Sự thật về Hồ Chí Minh"... Cứ đến ngày 30/ 4 bên đó, bên này, hoan hô, đả đảo, vết thương lại ứa "đã thôi cấp tính- đã thành kinh niên".
Mình ước ao có những ngày 30/ 4 thôi cờ giong trống mở, cờ trống thời bình có khi chính là gươm giáo. Bén ngọt vết thương.
“Không một điều gì, không một ai bị lãng quên”. Nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào…
“Năm tháng trôi qua, các cuộc chiến tranh sẽ thôi gào thét… chỉ còn tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng…”. Bao giờ những ngày Tháng Tư này sẽ là Ngày Hòa Hợp, Hòa Giải của chúng ta?"(trích "Một ngày không như mọi ngày")
Bao giờ?
Mình đọc câu thơ
"dân tộc này
vĩnh viễn không còn nói chuyện với nhau nữa..." của bạn Bùi Dzũ cũng từ trang nhà bác Hậu mà không muốn tin là như thế. Câu chuyện Bắc- Nam trong mỗi gia đình Việt có những rối bời đắng chát nhưng không phải cuối cùng là câm tịt "không còn nói với nhau được nữa". Ông Nội mình và ba mình 2 đời đảng viên CS, ông Nội chồng và ba chồng 2 đời cảnh sát quốc gia VNCH. Chỉ 2 năm sau ngày "giải phóng"- ba chồng chết trong trại cải tạo, má chồng nuốt nước mắt một mình gồng gánh 5 đứa con thơ... Ngày chồng quyết định về VN cưới mình, má chồng kịch liệt phản đối và bảo: "Con nghĩ sao nếu ba con còn sống?" Chồng đáp gọn bân: "Ba còn sống là ba cho con cưới liền!". Chuyện này chính má chồng kể lại cho mình nghe- trong chuỗi những chuyện xưa chuyện nay mà bà đã mở lòng khi bắt đầu chấp nhận gọi con xưng má với mình.
Đúng là với bà- không điều gì bị lãng quên- nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào- mình cũng thế. Nhớ để mà sống tốt hơn với nhau chứ không phải để mài giáo, tuốt gươm, cờ giong trống mở...
Nên mình tin rằng dân tộc này vẫn còn nói chuyện được với nhau
và sẽ có những ngày THÁNG TƯ thôi tùng xèng, há chị Hậu?
mà tình yêu là một nhịp cầu.

Ảnh của Hà Tuệ Hương.

Đưới đây là một bài viết của bạn Nguyễn Thuý Hà, một trong những người bạn mà mình rất yêu quý. Cop vào đây để lưu.




NẾU TUI LÀ SẾP

- Nếu tui là sếp, tui sẽ nâng cao vấn đề bảo vệ môi trường. Bằng cách nào á? Tui sẽ cho tất cả những nhân viên có khả năng làm việc độc lập qua mạng được làm việc ở nhà. Chỉ cần giao cho họ thời hạn phải hoàn thành công việc, nếu không hoàn thành đúng thời hạn thì sẽ triệu tập vào, phê bình và bắt ngồi đúng 8 tiếng trong cơ quan (như hiện nay). Làm được như vậy, tui sẽ tiết kiệm cho cơ quan tiền điện, tiền khấu hao máy tính, tiền nước sạch và nước thải, tiền thuê lao công dọn dẹp, tiền giấy vệ sinh, tiền thuê vệ sĩ ngồi trước cửa để ghi tên ai đến trễ mấy phút..., và quan trọng là sẽ hạn chế việc nhân viên tụ tập nói xấu sếp và nói xấu lẫn nhau mỗi khi rảnh việc, góp phần làm trong sạch môi trường. Ngoài ra, nếu nhân viên không phải đến cơ quan thường xuyên, họ sẽ không dùng xe máy và không thải khí ô nhiễm ra đường.
- Nếu tui là sếp, tui sẽ tạo điều kiện cho nhân viên (mấy người mà tui bắt phải ngồi 8 tiếng đó) xả stress thoải mái. Bằng cách nào á? Tui sẽ làm 1 hộp thư đặt ở một góc hành lang khuất. Nhân viên có thể gửi thư cho tui qua hộp thư đó. Thư góp ý, thư nói xấu, thư xỉ vả, thư/thơ tình... đều được tuốt! Và thư có ký tên hay không ký tên, với tui cũng chẳng quan trọng. Hàng ngày tui sẽ nhờ thư ký duyệt qua trước. Thư/thơ tình thì tui giữ lại để lâu lâu mở đọc tự sướng. Thư góp ý thì tui đọc ngay để biết mà sửa mình. Thư xỉ vả thì tui chả thèm đọc, (ai xỉ vả thì người đó tự nghe) tui để đó bán ve chai. Tất nhiên tiền bán ve chai thì tui xài vì đó là của tui, chẳng phải tham nhũng của ai. Ở trên hộp thư, tui sẽ dán tấm hình Avatar Facebook của tui. Để chi vậy? Để nhân viên có thể đến đó tha hồ chửi bới, mắng mỏ, xỉa xói, vẽ râu lên mặt tui hay làm bất cứ điều gì mà họ thấy hả cơn giận. Hả rồi thì họ có thể vuốt ve hay hun tui. Tuỳ! Sao cũng được!
- Nếu tui là sếp - như đã nói - nhân viên của tui sẽ được sống trong môi trường trong sạch nhé, được xả stress nhé, đầu óc họ sẽ thoáng đãng, xả bớt ghét rồi thì từ từ họ sẽ hết ghét nhau, và dĩ nhiên hết ghét tui.
Nếu tui là sếp, nhân viên sẽ ngày càng yêu tui hơn.
Bởi vậy nên tui sẽ chẳng bao giờ là sếp. Biểu tượng cảm xúc grin
Ảnh của Hà Tuệ Hương.


https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10203392740123952&set=a.1383927282959.2057032.1375304149&type=1



Lưu mấy cái link