.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Sách cũ

 Thật là sung sướng mỗi khi cầm trên tay một quyển sách mới tinh, còn thơm mùi mực in. Sung sướng hơn là khi vừa cầm trên tay, vừa ngắm nhìn kết quả lao động của mình, gật gù: “Có thế chứ! Ít ra đổ mồ hôi suy suy nghĩ nghĩ, làm đi làm lại, tranh luận sùi bọt mép, cuối cùng cũng ra được cái hình hài yêu quý này”. Nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy. Cứ 10 quyển sách ra đời thì có đến 7 quyển không theo ý mình vì phải chiều theo “bố mẹ đẻ” của chúng, tức là tác giả và BTV. Mình chỉ là mẹ đỡ đầu thôi.

Chuyện lan man quá, vào chuyện chính nè!

Nói đến sách mới để nói sang chuyện sách cũ. Cái gì chả thế, đầu tiên là mới, sau đó thì đương nhiên là phải cũ.

Mình hay dành thời gian loanh quanh ở mấy tiệm sách cũ. Buổi trưa là thời gian lý tưởng nhất để chúi mũi vào hàng đống sách cũ chất như núi trong những cửa hàng chật hẹp dọc đường THL. Ông chủ cửa hàng lúc ấy thiu thiu ngủ gà ngủ gật, bà chủ thì mở TV xem phim Hồng Kông, chả ai buồn để ý, chả ai buồn hỏi han xem mình muốn tìm sách gì. Điều kiện thật tuyệt vời! Đầu tiên là mình sà vào chồng sách nước ngoài xem họ vẽ vời, trình bày ra sao. May mắn thì vớ được vài quyển mà ở cửa hàng sách mới chả thể nào kiếm được. Sau đó, mình xê dịch sang dãy sách văn học, bắt đầu lướt qua các gáy sách để xem tựa. Công đoạn này thật vất vả vì sách VN không tuân theo một quy ước nào cho gáy sách: quyển thì chữ chạy từ dưới lên, quyển thì chữ chạy từ trên xuống, mấy quyển dày dày thì chữ nằm ngang. Khi đọc, đầu hết nghiêng qua trái rồi lại nghiêng qua phải. Nếu ai nhìn thấy bộ dạng “lắc lư cái đầu, lắc lư cái mình” của OM những lúc đó chắc buồn cười lắm! Hết sách văn học thì sang đến dãy thơ, hết thơ thì sang khu vực sách y tế và sức khoẻ… Khoảng 1 tiếng đồng hồ thì liếc xong cửa hàng sách cũ và ra về với mớ chiến lợi phẩm không “đụng hàng”.

Về nhà, mình mở từng quyển ra săm soi. Sách nước ngoài thì xếp lên kệ, chỗ nào dễ lấy nhất để lâu lâu đem ra coi… hình. Thơ thì để đầu giường để tiện lúc nào đọc lúc đó. Sách sức khoẻ thì đọc ngay, rồi cất ngay. Còn lại, sách văn học, nhất là tiểu thuyết thì trân trọng cất vào tủ và thường thì… chả có lúc nào đọc! Mua sách văn học vì quyển sách đó hồi xưa mình đã từng mơ ước mà không mua được; hay vì quyển đó hồi xưa mình thích lắm, nhưng giấy đen kịt, xấu xí, sau này in lại đẹp hơn; hoặc vì nhớ cái quyển sách đó hồi xưa mình đã cho nhỏ X, nhỏ Y mượn, rồi bị nó “xù”, không trả; và có khi chỉ vì… thích mua. Thế thôi!

Lâu lâu ngồi soạn lại đống sách cũ, thấy có những cuốn giấy đen như ruột bánh mì đen hoặc vàng như đường thốt nốt, hay đã cũ, rách tơi tả, chặc lưỡi “thôi, vứt đi!”. Vứt xong thấy thương quá, lại nhặt vào. Mỗi cuốn sách đều lưu giữ trong đó một kỷ niệm của mình. Cuốn này ông bà mua tặng khi mình là học sinh giỏi, cuốn kia là của đứa bạn thân lặn lội săn lùng tận đâu đâu mang về cho mình, cuốn kia nữa bạn trai đã mua bằng số tiền mà đáng ra bạn ấy có thể đổi được mấy cái phiếu ăn sinh viên, cuốn khác mình mua lúc lang thang một mình trong một buổi chiều ướt nước mưa khi vừa chia tay với anh. Cũng có khi cuốn sách lưu giữ những kỷ niệm không phải của mình. Mua nó ở hiệu sách cũ, mở ra thấy ở trang bìa lót đã có sẵn những dòng chữ của ai đó ghi tặng cho một ai đó khác. Chợt thoáng buồn. Sao người ta lại nỡ…
Loi de tang sach 2

Trưa nay, lúc đồng nghiệp tranh thủ sáu mươi phút quý báu để nghỉ trưa, mình không ngủ, loay hoay chụp lại một số lời đề tặng ghi ở trang bìa lót. Xong, mình vào Photoshop, lẩn mẩn lôi hết những dòng chữ đó vào một untitled, layer nọ chồng lên layer kia. Mình xoá bớt layer trên thì layer dưới lộ ra. Kỷ niệm chồng lên kỷ niệm, những mảnh ký ức nhoè vào nhau. Thương quá, sách cũ ơi!
Loi de tang sach 1

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Tieng Viet khong dau

Minh biet la hom nay da hon 1 tuan ke tu ngay minh post bai lan cuoi, tuc la den luc phai co bai moi rui! Nhung than oi, cai may vi tinh (khong ro la ban gai hay ban trai cua minh) lai tro chung, khong the nao go duoc tieng Viet. Thinh thoang muon comment cho ai, danh phai quay qua anh dong nghiep ben canh "anh oi, em co chut tam su can duoc giai quyet ngay, anh thong cam cho em muon may chut xiu." Suot 2 ngay nay, may anh IT cua co quan nhay ra nhay vao ca`i di ca`i lai may cua minh ma no cu tro tro, nhat dinh khong cho go bat ky mot cai dau nao.

The moi biet noi kho cua cac hoa si neu chang may bi mu, cac nhac si chang may bi diec, cac ca si chang may bi cam va cac ba vo chang may co ong chong khong bao gio phai di cong tac (Ua, minh co bi lac de khong ta?)
Hom nay lai tiep tuc song voi noi kho cua minh.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Con vỏi con voi



Con vỏi con voi, cái vòi đi trước
Con Voi

Tôi xin kể nốt, cái chuyện con voi

Con Voi 2

 

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Nhân ngày giỗ, đọc lại thơ ông ngoại

Nhà của em, nhà của chúng mình

Đầm ấm tường hoa, mái ngói,
Ba gian nhà gỗ xinh xinh
Nhà của Em,
Nhà của chúng mình.
Hiên trước ngát hoa chanh, hoa bưởi
Đêm trăng thoang thoảng hương cau
Thơm bể nước mưa trong mát
Cho em rửa mặt, gội đầu,
Nước ngâm bồ kết,
Đượm rễ hương lài
Em nâng vành lược
Chải xuôi mái tóc êm dài.
Nước tràn ngấn cổ
Nước đọng bờ vai
Em nghiêng nghiêng má
Nhìn anh mỉm cười.
Ríu rít trên cành bưởi
Đôi vành khuyên rủ nhau kiếm mồi,
Nụ chanh hé nở
Đón gió ban mai.
Theo nhịp võng đưa kẽo kẹt,
Em ru con
Điệp khúc ngân nga:
À ơi… ơi… cái cò, cái vạc
Bồng bồng ra lộc ra hoa
Bát canh rau muống
Liễn dưa vại cà
Sớm hôm tần tảo
Em lo việc nhà.
Nhà của Em
Nhà của chúng ta.


Một cơn dâu bể
Gạch vỡ ngói tan
Ba gian đầm ấm
Quằn quại đau trong lửa cháy tro tàn.
Còn đâu nữa cây chanh cây bưởi
Đôi vành khuyên ríu rít chuyền cành
Bể nước mưa trong mát
Hương cau thoang thoảng đêm thanh!
À… ời ơi! Cái cò cái vạc
Bồng bồng ra lộc ra hoa
Võng đưa kẽo kẹt
Nhà của Em
Nhà của chúng ta.
À… ời… ơi!
”Đất Bụt lại ném chim Giời
Chim thì bay mất, đất rơi xuống chùa”
Gánh vàng đi đổ sông Ngô
Đêm nằm mơ tưởng đi mò sông Thương
Tiếc công bác mẹ
Đắp móng xây tường
À… ời ơi!
Mồ hôi nước mắt
Đã thừa muối mặn gừng cay
Thắt lưng buộc bụng
Để có hôm nay.


Đã qua nửa thế kỷ
Thời gian nhuộm mái đầu
Tiếc thương mái nhà cũ
Chúng mình càng thương nhau.


Biết thân

Soi gương mới thấy mình già
Qua cầu mới biết xuân đà hết xuân
Cái duyên xưa đã nhạt dần
Già rồi nên sớm biết thân mình già
Hết thời nụ mướp hoa cà
Thương nhau nay chỉ có bà với ông.


Duyên anh

Duyên anh nếu chỉ có thơ
Càng dài câu chuyện càng chờ hết duyên
Duyên anh, em nhớ hay quên
Vườn xuân đợi Én, gió quen song đào
Cánh diều cao tít tầng cao
Ngân nga ý sáo gửi vào tình thơ
Bao nhiêu đợi, bấy nhiêu chờ
Với em, anh chẳng bao giờ hết duyên.


Chiếc vòng quay

Bà thì tóc bạc, tôi răng long
Phúc đức Trời chưa bắt tội còng
Nằm chõng vẫn còn vừa vặn chán
Chưa cần lo tính chuyện mua nong


Muốn giữ cái xuân: Xuân bất lão
Ta sắm cho nhau một chiếc vòng
Ông lắc cho tròn khuôn ngực lép
Bà quay giữ trọn tấm lưng cong


Xuôi ngược hai chiều theo một nhịp
Tình nghĩa chung nhau một chiếc vòng.


Một đêm hè

Em là cây quạt lượt
Cho anh giải cơn nồng
Anh là thuyền đợi bến
Chờ đón em qua sông


Trăng khuya cao lồng lộng
Say nằm giữa dòng trong
Sao đổi ngôi vội vã
Có một đêm hè, em nhớ không?
(Mấy bài này ông làm trong khoảng thời gian 74-75 tuổi. Không biết bằng tuổi ông lúc đó, mình còn nhớ mặt chữ nữa không?
)
Ta Thuc Binh

Control z (*)

Lâu rồi, mình xem một phim Mỹ, giờ không nhớ tên gì nữa. Phim kể về một anh chàng nhà báo nuôi mơ ước trở thành nhà văn. Lần nọ, anh có dịp về một miền quê cách xa thành phố. Ở đây anh gặp gỡ một ông nhà văn già và dần dần chiếm được cảm tình của ông này. Khi đã thân thiết đủ để chia sẻ với nhau nhiều điều, ông nhà văn tặng cho anh nhà báo nọ một cái máy đánh chữ cổ lỗ sĩ. Anh nhà báo ngạc nhiên bảo: “Cháu đã có máy tính xách tay rồi mà!”. Ông nhà văn đáp: “Đừng viết văn bằng máy tính. Máy tính sẽ làm cho ta dễ dãi khi viết ra câu văn của mình. Hãy dùng máy đánh chữ này để có trách nhiệm với từng câu, từng chữ…”. Bộ phim khá hay, nhưng sau nhiều năm thì mình chỉ nhớ nhất chi tiết này. Cái trò đời, càng già càng hay quên. Khi quên thì có thể quên đủ thứ, nhưng đã nhớ cái gì thì cứ nhớ mãi.

Nhớ vậy thôi, như một bài học, học thuộc bài nhưng chả bao giờ áp dụng. Thế cho nên cái bàn phím máy tính của mình có một số phím đã mòn hết cả chữ, trong đó thấy rõ nhất là phím control và phím z. Thậm chí khi làm việc, ngón áp út và ngón trỏ ở bàn tay trái luôn luôn thường trực ở 2 vị trí đó. Nếu cất công làm một thống kê thì không biết là trong một ngày mình sử dụng control z bao nhiêu lần? Chắc là phải nhiều lắm lắm! Đôi khi không ở trước máy tính, mình ngồi đâu đó viết hay vẽ bằng bút, thấy câu chữ hay nét vẽ không được như ý, bất chợt lại nhận ra mình đang định control z.

Có tiếc không, khi cuộc đời này chẳng có phím control z nào để cho ta có cơ hội làm lại nhiều điều?
Hehe. Xem ra câu hỏi này quá thừa bởi vì cuộc sống vẫn cứ trôi một chiều như nó vốn là như thế. Đơn giản thế này thôi: hãy cố sống tốt với chính mình (trước) và với mọi người (sau) để mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, mình chẳng bao giờ phải loay hoay mơ về phím control z.


-------------------------
(*) control+z là tổ hợp phím cho phép ta quay lại một (hoặc nhiều) bước đã thực hiện trên máy tính

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Bà về với Ông

Tuổi thơ của tôi gắn liền với hai khái niệm: Hà Nội và ông bà ngoại.

Ong Ba& T.Huong

Tôi sinh ra ở Hà Nội và lớn lên dưới mái nhà của ông bà. Lúc tôi sinh ra, mẹ tôi còn là sinh viên, luôn bận rộn với việc học hành, các bài vẽ và những chuyến đi thực tế dài ngày; ba tôi làm ở toà soạn báo, thường xuyên phải trực đêm, nên việc chăm sóc, dạy dỗ tôi phải nhờ nhiều vào ông bà. Tối tôi nằm giữa nghe ông bà kể chuyện, ban ngày ông bà bày trò cho tôi chơi. Lớn lên chút nữa, bà bắt đầu dạy tôi làm việc nhà và ông dạy những bài học về cách cư xử để trở thành người Hà Nội thanh lịch. Nhờ có ông bà, tôi mới biết cách cầm chổi quét nhà, cách rửa ấm chén pha trà, cách nấu cơm bằng bếp củi, bếp dầu, cách cầm cây kim may vá… Cả những chuyện hết sức đơn giản như khách đến nhà phải chủ động chạy ra chào hỏi, mời nước;  chuyện khi ăn cơm phải xới phần cháy lên ăn trước, để phần nồi cơm tươm tất cho những người ăn sau; chuyện bước đi phải nhấc cao chân, không được lê dép lẹp xẹp… cho đến chuyện đi đường gặp đám tang thì bất luận trời nắng hay mưa cũng phải phải bỏ mũ để tiễn đưa người đi về thế giới khác. Có lẽ trẻ con sau này hiếm khi được dạy dỗ tỉ mỉ như vậy, nên người Hà Nội giờ đây không còn là người Hà Nội thanh lịch như những hình ảnh còn lưu lại trong ký ức của tôi. Tiếc thay!
Ong Ba 2 chau

Lên 8 tuổi, tôi theo ba mẹ vào Sài Gòn, bắt đầu một cuộc sống mới không có ông bà.

Thỉnh thoảng, có những lần giận ba mẹ, tôi cứ nung nấu ý nghĩ mình sẽ phải quay ra Hà Nội, vì chỉ có ông bà mới hiểu được những nỗi ấm ức mà tôi đang phải giữ ở trong lòng, vì ba mẹ suốt ngày chỉ có công việc mà không có thời gian để hiểu những tâm tư của tôi. Nhưng muốn ra Hà Nội thì phải có tiền mua vé tàu, mà tôi thì một xu cũng chẳng có, thế nên trong đầu tôi dần hình thành một kế hoạch… đi bộ. Theo kế hoạch đó, khi nghỉ hè bắt đầu, tôi sẽ nắm vài nắm cơm và cứ đi theo đường rày xe lửa theo hướng Nam – Bắc, kiểu gì thì cũng đến nơi, không sợ bị lạc. Thỉnh thoảng, tàu dừng lại hay đi chậm, tôi sẽ nhảy lên tàu, ngồi ở góc nào đó. Nếu bị phát hiện thì đến ga tiếp theo lại… xuống đi bộ! Kế hoạch hoàn hảo đó luôn nung nấu trong đầu óc non nớt của tôi. Rất may, tôi không thực hiện được vì cứ đến hè là ông bà lại vào thăm hoặc tôi lại được ra Nà Nội thăm ông bà… Cứ thế cho đến khi tôi đủ lớn để hiểu lòng ba mẹ và để biết rằng mình phải chấp nhận cuộc sống không có ông bà bên cạnh.

Ông và bà là một mẫu lý tưởng để cho không chỉ con cháu, mà bất cứ một cặp vợ chồng ở bất cứ nơi nào cũng phải ngưỡng mộ. Có với nhau 5 người con gái, 2 người con trai (không kể một cậu đã mất, còn lại tất cả 7 người đều được học hành cho đến khi thành đạt), ông bà vẫn luôn quấn quýt bên nhau bằng một thứ tình cảm mà thời đại của tôi bây giờ khó lòng hiểu được! Tôi luôn nhớ hình ảnh ông bà luôn khoác vai hoặc nắm tay nhau khi đi dạo ngoài đường, ông luôn xách túi bên bà khi đi chợ, buổi tối bà xoa lưng cho ông, rồi đến lượt ông bóp vai cho bà. Chẳng bao giờ thấy ông bà rời nhau nửa bước. Còn nhớ một lần bà có việc phải vào Sài Gòn mà không có ông đi cùng. Vài ngày trước khi bà đi, ông đã nôn nao không ngủ được. Đêm ông thức dậy viết thư cho bà. Tiễn bà ra ga xong, ông ra bưu điện bỏ thư vào thùng. 3 ngày sau, bà vào đến Sài Gòn cũng vừa lúc thư của ông đến. Tình yêu như vậy có lẽ chỉ xảy ra ở thời điểm đôi trai gái chưa cưới, đang mê đắm nhau, chứ ở hai ông bà già đã có 7 người con cùng cháu nội cháu ngoại đầy nhà thì tôi chưa từng gặp bao giờ.

Vậy mà cách đây tròn 13 năm, ông đã phải đi xa bà. Năm ấy ông 82 tuổi.

Suốt 13 năm qua, bà ngủ trong phòng có bàn thờ ông. Xung quanh phòng của bà treo đầy ảnh của các cháu, các chắt từ lúc ẵm ngửa cho đến dăm bảy tuổi. Bà nhìn ảnh ông để hàng ngày hẹn sẽ về với ông, nhìn ảnh các cháu chắt để thấy chúng lớn lên như một minh chứng cho niềm hạnh phúc tuổi già.

Mỗi lần có dịp ra Hà Nội, tôi lại chạy ào đến ôm bà, thấy bà lúc thì đeo kính, lại cầm thêm chiếc kính lúp đọc báo Văn nghệ, lúc thì ngồi xem chương trình phim truyện, không cần kính mà vẫn đọc được phụ đề lướt trên màn hình. Tôi mừng. Thầm cầu trời cho bà sống lâu trăm tuổi, biết đâu lại được chứng kiến sự ra đời của thế hệ chút chít.

Nhưng lần này ra Hà Nội, bà đã muốn đi gặp ông. Bà nằm im bất động trên giường đã 10 ngày nay, không ăn, chỉ thỉnh thoảng nhấp môi một chút nước. Mọi người hỏi Bà đã thấy ông chưa?, bà bảo thấy rồi. Tôi gọi: “Bà ơi, cháu đây!”, bà chỉ “ừ”, không đủ sức nói thêm. Vậy mà bà vẫn nấn ná chưa đi. Các dì bảo bà đang “chờ” mẹ cháu ra cho đủ mặt. Tôi gọi điện báo mẹ ra gấp. Trưa hôm sau, mẹ bay ra. Bà không “ừ” được nữa, nhưng mấp máy mắt. Hơn một tiếng sau bà đi.
Ba Ngoai

Thầy chùa xem ngày tháng bảo tang này là Hồng tang. Bà vừa nhắm mắt là có người đợi sẵn, dẫn bà đi ngay, gia quyến không nên quá đau buồn. Tôi đoán chắc ông đang đợi bà. Có thể ông đứng đợi bên chiếc xe đạp peugeot màu xám bạc quen thuộc của ông, để chở bà như ngày xưa, cũng có thể ông sẽ nắm tay bà đi bộ…

Sau đám tang bà, tôi ra sân bay để trở lại Sài Gòn. Hà Nội đang chuyển mùa, sắp sang hè. Qua cửa kính xe, tôi nhìn đám lá vàng bay đầy trên phố, biết rằng từ nay, mỗi lần đáp xuống sân bay Nội Bài, tôi sẽ không bao giờ còn cái cảm giác lâng lâng, háo hức, muốn bay ngay về căn nhà trong con ngõ nhỏ, chạy lên gác để ôm bà nói rằng: “Bà ơi, cháu đã về!”. Không còn là nơi trở về, Hà Nội với tôi từ nay và mãi mãi về sau sẽ chỉ còn là nơi đến.

Xem thêm blog Phạm Hoài Nam