.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Viết blog

Cách đây chừng 2 tháng, mình còn cho rằng mình hoàn toàn không thích việc viết bài rồi đưa lên mạng cho thiên hạ cùng đọc. Thế rồi bỗng nhiên thấy em gái tâm sự những điều rất đáng quan tâm. Rồi qua blog của em gái, tự nhiên lại thấy bạn TH với những bài rất... phụ nữ, yêu ơi là yêu. Rồi từ blog của bạn TH, gặp lại bạn LH viết những bài lãng mạn đầy chất văn chương đến đáng ngạc nhiên. Mình tò mò tìm blog của cô bạn nối khố TD, thấy bạn vẫn thú vị như ngày nào. Nhân tiện bạn K khuyên mình nên có 1 blog để lưu giữ lại những hình ảnh tư liệu, mình nghe lời bạn lập 1 cái nhà trên Y!360PL này. Đáng lẽ nhà mình phải là nơi để lưu các tư liệu ảnh miễn phí như lời khuyên của bạn K thì mình lại nổi hứng… bỗng nhiên muốn viết.


Viết được vài bài, bắt đầu thấy các gương mặt quen thuộc ghé thăm nhà: Bùng, CL, XL, TL, BĐH, NVN… Đặc biệt, bạn Bùng là người chịu khó ghé nhà mình nhiều nhất, tuy ít viết và cũng ít còm men, nhưng sáng sớm nào bạn ý cũng ghé nhà (hổng biết đã kịp đáng răng súc miệng chưa) làm mình rất cảm động. Gần đây nhất, thấy bạn Kiều Tâu (đấy là bạn tự xưng như vậy, chứ ko phải mình đặt tên) cũng lò dò vào nhà mình. Thấy lớp Văn bắt đầu xôm tụ trở lại, vui quá! Hoá ra cái thế giới ảo này không phải chỉ là chỗ để tán gẫu, xả stress như mình vẫn thường nghĩ oan. Đôi khi nó cũng dễ thương nếu người ta biết cư xử lịch sự, biết đưa lên những thông điệp không làm tổn hại đến ai và biết tuân thủ những nguyên tắc nhất định về văn hoá mạng. (Điều này mình đã rút ra từ chính kinh nghiệm bản thân và cố gắng để không phạm sai lầm).


Lớp mình có một vài bạn vẫn thường xuyên vào thăm nhà bạn bè, nhưng lặng lẽ không nói với ai và cũng không để lại “dấu vết” gì. Có thể bạn không muốn xuất hiện trước mọi người, không muốn chia sẻ (giống như mình hồi trước thôi). Vậy thì cũng từ chính kinh nghiệm bản thân, mình đề nghị mấy bạn ấy thử xuất hiện đi, vì “không thử thì làm sao biết”. Chúng mình tuy khác nhau mọi thứ, nhưng đều có chung 4 năm làm bạn với văn chương. Viết lách một tí cũng là một cách để đỡ quên chữ nghĩa. Và nếu phát huy những mặt tích cực thì thế giới ảo sẽ giúp cho chúng mình xích lại gần nhau hơn các bạn ạ!

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Xe đạp ơi (Không phải của Phương Thảo, Ngọc Lễ)

Bạn có thường xuyên tập thể dục không? Nếu thường xuyên thì bạn là người thật giỏi đấy, vì tập thể dục là việc dễ làm cho người ta chán nhanh nhất. Tôi thì chọn đạp xe làm môn thể dục của mình. Để đỡ chán, tôi lên kế hoạch thay đổi lộ trình thường xuyên. Tôi tìm được tất cả 5 lộ trình chính. Thứ nhất, chạy dọc theo con đường TXS cặp bờ sông; Thứ nhì, chạy loanh quanh trong khu dân cư Tân H. ở gần nhà; Thứ ba, làm một vòng trong khu dân cư Tân P.; Thứ tư, băng qua đường lớn để rẽ vào khu dân cư Tân Q.; Thứ năm, theo trục lộ Bắc-Nam tiến về phía đô thị mới PMH.

1. Chạy dọc theo con đường TXS cặp bờ sông. Con đường có hàng cây hoa vàng không biết tên gì, cứ mùa hè đến là thả từng chùm dài rực rỡ khiến cho lần nào chạy qua, tôi cũng phải quay sang nhìn. Bên bờ sông, những người đàn ông, đàn bà gầy gò, lam lũ trải những tấm nilon trên vỉa hè, bày bán đủ loại trái cây chắc là tự trồng ở vườn nhà và được chở đến đây bằng ghe. Trái cây của họ trông có vẻ bé và không bóng bẩy đẹp mắt, nhưng tôi thường ghé mua vì tin rằng nó không có thuốc tăng trưởng. Một lần, trong lúc dừng lại mua nải chuối, tôi bắt gặp một gia đình ba người, đôi vợ chồng trẻ và một đứa bé chừng 4 tuổi đang ăn cơm chiều ở dưới ghe. Mâm cơm đạm bạc, chẳng có gì, nhưng nhìn nụ cười của họ, tôi cảm thấy rõ ràng họ là một gia đình hạnh phúc.

Năm lên 4 tuổi, tôi cũng có một gia đình hạnh phúc như vậy, nhưng thời đó là chiến tranh, phải đi sơ tán. Tôi theo ông bà ngoại sơ tán ở Phú Thọ. Một buổi sáng, đang bưng bát cơm trộn đầy muối vừng đen, tôi bỗng thấy ba mẹ tôi xuất hiện trên hai chiếc xe đạp. Họ đã dậy từ mờ sáng, đạp xe một quãng đường hơn 70 cây số từ Hà Nội lên miền trung du này để gặp con. Uống vài ngụm nước, ba mẹ bế tôi ngồi vào ghế mây được buộc phía sau xe đạp, bẻ rất nhiều cành cây có lá, cắm xung quanh chiếc ghế để che nắng cho tôi, rồi tất bật lên xe chở tôi về Hà Nội chơi vài ngày. Ba mẹ thay phiên nhau chở tôi. Tôi hân hoan ngồi phía sau và mơ ước đến cảnh sắp được về nhà mình, mà không hề biết rằng để đạp xe một chặng đường dài như vậy, người ta phải cần một sự nỗ lực đến đáng khâm phục. 9 giờ tối, ánh đèn Hà Nội hiện ra, tôi được bế xuống đất, tuy ngã khuỵu xuống vì quá tê chân, nhưng đó là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được thế nào là hạnh phúc. Sau này, khi ba tôi mất đi ở tuổi 55, tôi vuốt mắt cho ba và trong giây phút đó, toàn bộ câu chuyện về chiếc xe đạp cắm đầy lá bỗng hiện ra như một ký ức hạnh phúc không thể phai mờ.

2. Chạy loanh quanh trong khu dân cư Tân H. ở gần nhà. Khu dân cư mới với những con đường nội bộ nhỏ và yên tĩnh là nơi thật lý tưởng để tập thể dục. Ở đó có đám trẻ con thoải mái rủ nhau ra giữa đường nhảy lò cò và tập trượt patin mà không hề sợ xe cộ. Một lần tôi bắt gặp hai ông bà tuổi trạc gần 60 đang tập xe đạp cho đứa cháu gái chừng 5-6 tuổi. Ông chạy đằng sau giữ thăng bằng, bà chạy bên cạnh động viên cháu, vui quá! Bằng tuổi đó, bà ngoại vẫn thường chở tôi đi chơi, đi ăn kem, đi chợ, hoặc có khi chỉ đơn giản là đi quanh hồ Ha-le cho mát. Tôi ngồi phía sau ôm chặt bà. Bà bảo: “Khi nào bà già, không đi xe đạp được nữa thì cháu đèo bà nhé!” Tôi hứa: “Cháu yêu bà lắm, nhất định cháu sẽ đèo bà”. Đến bây giờ tôi vẫn nợ bà ngoại lời hứa trẻ thơ ấy mà không có dịp thực hiện. Nhớ đến bà với chiếc xe đạp Phượng Hoàng, mắt thấy cay cay.

Lớn hơn bé gái kia một chút, ông ngoại bắt đầu tập xe đạp cho tôi. Tôi chạy không quen, cứ thỉnh thoảng lại cán phải gạch đá hoặc lọt bánh xe vào ổ gà, ngã nhào. Ông bảo: “Muốn đi cho vững, cháu đừng sợ sệt nhìn xuống bánh xe mà phải nhìn thẳng con đường phía trước”. Sau này, khi lớn lên, tôi hiểu đó là bài học triết lý đầu tiên ông dành cho tôi.

3. Làm một vòng trong khu dân cư Tân P. Đây là khu dân cư mới đầu tiên ở quận này. Ở đây có chợ búa tương đối bình dân, có những ngôi nhà vừa phải, không quá to không quá nhỏ. Tôi thấy hai bé gái chở nhau bằng xe đạp, cô chị chừng 12-13 tuổi, đứa em nhỏ hơn chừng dăm tuổi ngồi sau xách một bọc trái cây, xem ra cả hai đều vui vẻ lắm. Cỡ tuổi đó, tôi ra sao nhỉ? Nhà có hai chị em gái, lúc ấy tuy thân nhau, nhưng tôi suốt ngày choành choẹ với em. Rồi một hôm, tôi chở em bằng một chiếc xe sườn ngang đi chơi. Tránh một ổ gà ở giữa đường, tôi loạng choạng không nhảy xuống được vì vướng cái sườn ngang quái ác. Thế là cả hai chị em ngã nhào. Chiếc xe đè lên người em. Tôi còn nhớ cảm giác khó diễn tả lúc đó, khi em tôi khóc ngất không thành tiếng vì đau. Tôi lao vào, đỡ em dậy và lần đầu tiên hiểu ra mình đã thật sự yêu thương em như thế nào.

4. Băng qua đường lớn để rẽ vào khu dân cư Tân Q. Trước khi vào đến khu này, tôi phải đi ngang qua siêu thị. Tầng trên cùng của siêu thị là một cụm rạp chiếu phim. Vốn là người mê phim nên bao giờ đi ngang, tôi cũng phải nhìn lên xem rạp đang chiếu những phim gì. Hồi trước, lúc còn học cấp II, tôi thường cùng Hoài N, anh họ con bác, đi loanh quanh khắp Sài Gòn để tìm phim xem. Hai đứa chở nhau bằng xe mini đi một vòng qua các rạp Măng Non, Đồng Khởi, Bến Thành, Vinh Quang, Công Nhân…, có nhiều khi chả tìm được phim nào, phải về không. Chúng tôi thân nhau lắm, đi đâu cũng có nhau. Có lần Hoài N. nói với tôi: “Mai mốt, nếu trái đất có nổ tung thì mình nắm tay nhau nhé!” Tôi hỏi: “Để làm gì?”, đáp: “Để cùng nhau bay lên trời”. Thời gian trôi qua, chẳng biết chúng tôi dần dần xa cách nhau từ khi nào. Hoài N. giờ là một người nổi tiếng và giàu có, còn tôi thì mãi chỉ là một công chức nghèo. Nhưng tôi luôn nhớ đến câu nói đầy cảm động ấy để giữ mãi hình ảnh ngây thơ của anh trong lòng.

5. Theo trục lộ Bắc-Nam tiến về phía đô thị mới PMH. Đó là lộ trình dài nhất trong 5 lộ trình, chỉ dành cho hôm nào thấy trong người khoẻ khoắn. Trên đường Bắc-Nam có một trường đại học mới xây dựng, cuối buổi chiều, các cô cậu sinh viên tươi tắn ào ra đường nói cười rôm rả. Bây giờ sinh viên đa số đi xe gắn máy chứ không như thời của chúng tôi, toàn xe đạp. Tôi học ở trường ĐH cách thành phố 22km, xe đạp gần như phương tiện duy nhất để đầu tuần đi đến trường và cuối tuần đi về nhà. Thế nhưng trong lớp, số người có xe đạp chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Xe để ở ký túc xá luôn có bạn hỏi mượn. Mượn để đi chợ mua thêm chút đồ ăn cải thiện, mượn đi thăm bà con hoặc bạn bè ở quanh đó, có khi mượn xe chở người yêu ra trung tâm TĐ chỉ để ăn với nhau nửa ký kem rồi lại đạp về. Tôi là một trong số những người có xe đạp. Những tháng đầu tiên, tôi luôn đạp đi đạp về một mình quãng đường 22 cây số ấy, nhưng đến học kỳ II thì không còn đạp một mình nữa. Tôi ngồi phía sau cho anh chở. Quãng đường SG-TĐ như đẹp đẽ, thơ mộng hơn, như một bài ca ngọt ngào mà ta sẽ mãi mang theo suốt cuộc đời mình…

Kết luận: Khi bánh xe lăn, ta thấy quá khứ chầm chậm trôi ngược chiều, thấy ta may mắn được sống trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè. Đó là điều kiện để nuôi dưỡng những cảm xúc đẹp đẽ, làm cho cho cuộc đời này đáng sống hơn.
Nhưng bạn ơi, hãy quên hết những điều tôi vừa kể! Viết dông dài chẳng qua chỉ là để  thoả mãn cái sự viết lách của tôi thôi. Điều quan trọng cần nhớ là đạp xe rất có lợi cho sức khoẻ. Còn chần chừ gì nữa, hãy lên xe và đạp đi thôi!

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

Anh giai miền Tây

Nhớ hồi xưa, cô giáo tiểu học thường đọc cho nghe mấy bài văn tức cười của các bạn trẻ con, đại loại như: “Nhà em có nuôi một bà Nội…”. bây giờ, cứ theo cái mạch văn như vậy thì mình sẽ có bài tập làm văn như sau:

Nhà em có nuôi một anh giai miền Tây, đến nay đã được hơn 15 năm. Trước đó, lúc em còn là con gái, em luôn nghĩ sẽ nuôi một anh giai Hà Nội cơ! Anh giai đó sẽ phải là người lịch lãm, ga-lăng, tâm hồn lãng mạn, tinh tế, sâu sắc… Rồi không hiểu sao, cuối cùng em lại tìm được một anh giai miền Tây. Nói cho ngay, hồi đó anh cũng đẹp trai. Anh có nước da trắng hồng, tóc nâu mềm, mắt bồ câu hiền và dễ thương. Anh nói năng chậm rãi, nhỏ nhẹ, cái miệng hơi móm luôn cười với mọi người, yêu lắm!

Rồi em bắt đầu đem anh về nuôi, và từ đó cũng bắt đầu shock hết chuyện này đến chuyện khác. Đầu tiên là không còn được ăn Tết ở Sài Gòn, mà phải theo anh về quê. Để về được đến nhà ba má ở quê anh, em phải đi xe đò từ sáng sớm, qua 2 cái bắc, tổng cộng quãng đường khoảng gần 200 cây số, rồi xuống xe đò, bắt xe lôi đi khoảng 20 cây số đến thị trấn. Ở thị trấn, em sẽ ở lại một đêm ở nhà cô em gái anh, sáng hôm sau sẽ đi ghe máy khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ nữa mới vào đến nhà. Lần đầu tiên trong đời phải đi xe đò một quãng đường xa như vậy, đến được nhà cô em gái ở thị trấn, em mệt lả. Anh thì dường như không quan tâm lắm, vì đi như vậy là chuyện quá bình thường, thế nên anh lập tức lao ngay vào bàn nhậu với đám bạn bè đang chờ sẵn. Tàn cuộc nhậu buổi chiều, anh lăn ra ngủ. Thức dậy vào lúc chập tối, anh vui vẻ chuẩn bị sẵn tinh thần để lao vào cuộc nhậu đêm. 8 giờ tối, cuộc nhậu tăng 2 bắt đầu ở một quán nào đó mà em cũng không biết. Trước khi đi, anh dặn dò em: “Anh đi chơi với các bạn một chút, em mệt thì cứ ngủ trước”. Em nằm thao thức ở một nơi hoàn toàn xa lạ và ước gì toàn bộ chuyến đi này chỉ là một giấc mơ đáng ghét. 1 giờ sáng, anh về say khướt, lăn ra ngáy ầm ầm như những gã ngốc trong truyện cổ tích, như không hề tồn tại một anh giai da trắng, nụ cười hiền lành mà em vẫn nuôi trong nhà. Đêm trắng dài dằng dặc cuối cùng cũng trôi qua. Sáng hôm sau anh uể oải thức dậy, thuê một chiếc ghe máy rồi dẫn em về nhà ba má.

Nhà ba má lúc đó thuộc vùng sâu vùng xa, chưa có điện. Nước sinh hoạt được múc từ dưới mương lên (mương vừa là đường giao thông, vừa là chỗ tắm của trẻ con, thỉnh thoảng mấy con chó cũng xuống tắm theo, là nơi giặt giũ, rửa chân, và… gì gì nữa, không dám nghĩ tới). Nước từ dưới mương ấy được đổ đầy vào các lu rồi lóng phèn, để vài ngày là có thể dùng làm nước tắm giặt, rửa rau và uống. Em tự nhủ: “Thôi, cũng được. Mình tập sống hoà mình với thiên nhiên!”. Ở nhà ba má, ngày nào anh cũng có độ nhậu, lúc nào không nhậu thì nằm võng lim dim ngủ. Em lạ nước lạ cái, không ngủ được, một phần cũng ngại khi thấy má dậy từ rất sớm và lui cui làm việc cho đến tối mịt, chẳng kể gì đến tết nhất. Ở nhà mẹ, em vốn được chiều chuộng, nên cũng không biết làm gì nhiều, ngoài việc rửa chén. Thôi thì xung phong lãnh luôn nhiệm vụ rửa chén buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều… Má biểu: “Tội nghiệp con nhỏ, về đây với má mà tối ngày rửa chén, không được đi tới đâu!”.

Đó là một trong những kỷ niệm shock.

Tiếp theo đó là hàng loạt những loại shock khác nhau. Đó là anh không có khái niệm gì (hoặc không quan tâm, hoặc không nhớ) về ngày 8/3, ngày Valentine, ngày 20/10. Sinh nhật em anh cũng quên. Em không dại dột im lặng nữa, nên em nhắc nhở anh về sinh nhật, anh bảo: “anh đã cho em cả cuộc đời anh rồi nè!”. Đó là anh rất mắc cỡ khi nhìn thấy đàn ông đi mua hoa tặng cho người phụ nữ của mình (chỉ nhìn thấy họ, anh đã mắc cỡ rồi, nói chi đến chuyện tự tay anh đi mua hoa). Đó là những khi em bệnh, anh vẫn vô tư đi chơi với bạn đến khuya. Đó là anh luôn có câu cửa miệng “để mai làm, để từ từ tính, có gì đâu mà gấp…” mỗi khi em nhờ làm một việc gì. Đó là trong các bữa tiệc, anh luôn bỏ em ngồi một mình, còn anh đi sang bàn khác, lý do: đàn bà ngồi với đàn bà, đàn ông phải ngồi với đàn ông cho dễ nói chuyện. Đó là anh không bao giờ nắm tay hoặc khoác vai em khi đi ngoài đường. Đó là… nhiều lắm, không thể kể hết được.

Những đêm thao thức nằm chờ anh đi nhậu về, em thường tự an ủi mình: “Đó là sự khác biệt về văn hoá. Thôi thì số mình như vậy, không than vãn nữa”.

Năm tháng trôi qua, em dần thích nghi với tất cả những khác biệt về văn hoá ấy, không bực bội, không cãi nhau, không trách cứ gì nữa, nhưng trong thâm tâm, em vẫn ngưỡng mộ anh A, anh B, anh C, những người rất đàn ông mà em biết. Đó là những người luôn âu yếm khoác vai vợ khi đi ra đường, luôn mua hoa tặng vợ vào những ngày kỷ niệm, luôn ngồi cạnh vợ ở các bữa tiệc, luôn xuýt xoa khi ngắm nhìn vợ trong những chiếc áo mới mua…

Rồi năm tháng lại tiếp tục trôi qua. Một ngày, em nghe nói vợ chồng anh A đã chia tay nhau. Anh A đã lừa dối vợ rất lâu trước khi vụ việc được phát hiện. Rồi em lại nghe nói vợ anh B đã đưa đơn ly dị, vì trong một lần về nhà đột xuất, chị ấy đã bắt gặp anh B với người đàn bà khác ngay trên giường của mình. Mấy ngày trước, em lại biết tin anh C vừa thu xếp đồ đạc dọn đi đâu không biết, vì “bỗng dưng anh không còn yêu vợ nữa”.
Gần đây, em xin nghỉ việc không ăn lương. Em có thời gian tĩnh tâm lại để suy nghĩ về nhiều điều mà mười mấy năm qua em không có dịp suy nghĩ cho tường tận. Tất nhiên, một trong những điều em nghĩ tới đầu tiên và nhiều nhất, phải kể đến, là Anh giai miền Tây của em. Buổi sáng, ngồi ăn và uống trà với nhau, em thấy tóc anh bạc nhiều. Chắc hôm nào em sẽ đi mua thuốc về nhuộm lại tóc cho anh. Có rất nhiều thứ thuộc về con người anh mà em không bao giờ nên mơ tưởng đến chuyện sẽ thay đổi được, nhưng riêng chuyện nhuộm tóc thì trong tầm tay, cớ gì không làm, để em lại nhìn thấy anh trẻ trung, dễ thương với mái tóc nâu mềm như ngày xưa, khi em quyết định đem anh về nuôi cho đến bây giờ!

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Triết lý vụn

Hầu như mỗi phụ nữ bình thường đều để sẵn trong nhà, ở góc nào đó, một hộp kim chỉ – lớn hay nhỏ, nhiều hay ít – tuỳ theo nhu cầu và sở thích của từng người. Tôi cũng có một hộp kim chỉ. Trong hộp có một lố kim may tay, dao lam, kéo, phấn màu, kim băng, thước dây, chỉ may đủ các màu… Thỉnh thoảng, quần áo của chồng con bị sứt chỉ, đứt nút, rách nho nhỏ là tôi lại có dịp dùng đến hộp kim chỉ của mình, vừa để chứng tỏ mình cũng biết chút chút chuyện nữ công và biết chăm lo đến gia đình, vừa coi đó như là một niềm vui mỗi khi nắn nót  đặt tình cảm vào từng đường kim mũi chỉ. Lúc rảnh, tôi còn đem áo của mình ra, khi thì đính thêm vài cái hạt cườm, khi thì tháo cái ren của áo này gắn vào áo khác, khi thì thay mới cả một bộ nút. Dẫu biết rằng có thay thì cũng chả ai thèm để ý, nhưng vẫn cứ thích “biến hoá” như thế, ít ra cũng thoả mãn được cái tính ưa thay đổi mà mình không có điều kiện (hoặc không dám) thể hiện bằng những việc lớn lao hơn.


Nói về hộp kim chỉ trước, để bây giờ nói về chuyện triết lý. Triết lý là một trong những sở thích của tôi từ khi bắt đầu thành thiếu nữ. Hồi học cấp 3, ông ngoại tôi thường bảo: “Sao cháu cứ thích chẻ sợi tóc ra làm 8 như thế? Suy nghĩ đơn giản một chút thì sẽ đỡ khổ, cháu ạ!”. Lần khác, vào cuối năm lớp 11, cô giáo dạy Toán viết vào sổ Lưu bút của tôi: “Cô rất tự hào vì có một học trò tư duy sâu sắc như em, nhưng nếu em bớt triết lý đi một chút thì có thể cuộc sống sau này của em sẽ suôn sẻ hơn”.


Thời gian trôi qua, tôi trưởng thành hơn và chỉ triết lý vụn thôi. Gọi là “vụn” vì bản thân tôi là một phụ nữ bình thường, có đôi chút chữ nghĩa vừa đủ để sáng đưa con đi học rồi đến cơ quan làm việc, chiều hết giờ lại đón con về, loay hoay với những chuyện bé nhỏ trong gia đình, tư tưởng không rộng mở, cũng không có gì là to tát. Bây giờ tôi hình dung mớ triết lý vụn của tôi giống như hộp kim chỉ, nho nhỏ, vừa đủ xài. Thỉnh thoảng tôi mua thêm ít chỉ màu, thay mấy cây kim đã gỉ sét, bổ sung thêm những bộ nút vui mắt vào hộp kim chỉ của mình. Đôi khi thấy cuộc sống gia đình trở nên nhàm chán, tôi thay nút. Khi nó cũ kỹ, tôi đính cho nó mấy hạt cườm và tự cảm thấy thích thú khi trông nó mới hơn. Khi nó có vết rách nho nhỏ, tôi dùng chỉ tiệp màu vá lại…


Ông ngoại tôi nói đúng, cô giáo dạy toán của tôi nói đúng, nhưng có lẽ tôi cũng có phần đúng khi vẫn giữ cho mình một chút triết lý vụn, cất vào một góc nào đó để sửa sang lại chút khiếm khuyết (nếu có) của cuộc đời.

Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Làm bạn với cây

Đôi khi mệt mỏi vì các mối quan hệ, tạm thời ngưng chơi với người, tôi quay ra chơi với cây. Người ta bảo khi bắt đầu vui thú với cây cỏ là khi mình bắt đầu già. Có thật như vậy không nhỉ? Nhưng dù điều đó là thật đi chăng nữa thì tôi cũng không thể kìm nén cái thú xách cuốc ra “vườn” xới đất, nhổ cỏ và nhìn ngắm đám lá xanh mơn mởn đang lên.

Hồi xưa tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ thích chơi với cây. Thỉnh thoảng hứng lên, cũng có thử trồng vài cái hoa, hết hứng thì thôi, bỏ đó, đến lúc nó chết lúc nào cũng chẳng hay. Mẹ tôi bảo: “cây cũng như người, không chỉ tưới nước là nó lên tốt đâu, con phải thường xuyên động chạm đến nó…”. Từ từ, tôi nghiệm ra điều mẹ nói là đúng. Những lúc rỗi rãi, cầm cái bay, xới xới xung quanh gốc, ngắt bỏ những lá già, lá hỏng, tự nhiên thấy cây lớn nhanh hẳn.

Nhà tôi nằm ở khu đất mới, dân cư chưa đông. Trước nhà có khoảng đất trống nên tranh thủ “khai hoang” làm thành mảnh vườn nho nhỏ trồng rau. Xung quanh nhà trồng xả (nghe đồn trồng xả như vậy cho rắn khỏi vào nhà) và hoa Mười giờ đủ màu, trông vui mắt ra trò! Trong sân có một cái giàn, cứ mùa mưa bắt đầu là tôi trồng những dây leo, ưu tiên loại nào lên nhanh nhất, đẹp nhất và có ích nhất. Mùa mưa năm nay, dây Kim đồng leo và dây Ổ qua được chọn làm “gương mặt đại diện”.

Mỗi khi mưa xuống, cây cối quanh nhà trở nên xanh mướt. Ra sân, ra vườn ngắm cái màu xanh mơn mởn ấy, nghĩ bụng: “Sao có lúc mình cứ loanh quanh với các mối quan hệ rối rắm, cứ loay hoay những chuyện hơn thua mà không biết bỏ qua đi một chút. Một chút bỏ qua thôi, thua thiệt về mình cũng chẳng bao nhiêu, về nhà rủ con trai ra vườn nhổ cỏ, chẳng phải là một cái “được” to hơn nhiều lần so với cái “mất” đó sao!”
Lam ban 

Rau muống  

Lam ban 4

Mẹ đang phụ giúp làm hàng rào cho vườn rau
 Lam ban 5

Dưa gang leo trên hàng rào
 

Lam ban 2

Giàn ổ qua trong sân
Lam ban 3

 

Đây là món khoái khẩu mỗi ngày. Cây trứng cá trồng ngoài đường, trước nhà, trái cực ngọt và thơm. Nhưng năm nay chắc phải chia tay với nó thôi, vì rễ phá hỏng hết tường.

 

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Công chức

Hàng năm, đến ngày đầu tháng 9 này bao giờ cũng phải làm một cái thở phào nhẹ nhõm. Vừa được nghỉ xả hơi vài ngày, vừa có một ít tiền đủ để thoả mãn cái ý thích tiêu xài mà thiếu nó, cuộc đời sẽ buồn đi nhiều.


Năm nay không có gì để thở phào vì mình đã thở phào trước đó 2 tuần rồi.


Ngồi nghĩ thấy đời công chức thật tội nghiệp. Lương ba cọc ba đồng, làm quanh năm suốt tháng, chẳng thu xếp nổi cho mình một cuộc đi du lịch cho hoành tráng, kiểu như đi một tour các nước châu Á láng giềng, đi châu Âu hay là đi Mỹ chẳng hạn. Lâu lâu được một vài ngày nghỉ, vợ chồng nào thuộc loại “ham vui” thì sẽ rủ rê thêm vài cặp nữa đi… Đầm sen chơi, nhà nào có tâm hồn ăn uống thì tụ tập nấu nướng, ăn nhậu, để cuối cùng thì vợ chủ xị sẽ… lãnh đủ phần dọn dẹp. Nhà nào thích bình lặng thì lăn ra ngủ, ngủ từ đêm cho tới tận trưa hôm sau, rồi ngủ từ chiều cho tới tận tối.


Nếu lấy đời công chức kiểu này ra để viết thành truyện thì đảm bảo chẳng nhà xuất bản nào nhận in. Lúc đó chắc sẽ phải tự bỏ tiền ra làm sách liên kết, rồi phát hành bằng cách đem đến nhà bạn bè năn nỉ: “mày cầm giùm tao cuốn này rồi kiếm một chỗ trên giá sách để giùm tao, chứ đừng bán ve chai, tội nghiệp”.


À há! Nói cho vui vậy, nghe cứ như mình đang ở cõi… bên trên đời công chức. Thực ra thì vẫn loanh quanh ở đâu đó thôi. Vẫn nhớ công việc mà mình căm cụi làm quanh năm suốt tháng. Vẫn nhớ cái cảm giác sung sướng khi cầm trên tay sản phẩm vừa ra lò, còn thơm mùi giấy và mực in. Vẫn thích những buổi sáng uống trà với bạn bè, bàn chuyện chính trị và gia đình, chuyện phương hướng công tác sắp tới và phim Mỹ…

Và vẫn thấy đời công chức có thể viết thành truyện hay hay. Vấn đề là… hãy đợi đấy! (Nu-pa-ga-di!)

Chồng

Nói đến chồng, tự nhiên là phải nói đến bao nhiêu thói hư tật xấu. Nào là hút thuốc lá như ống khói, nào là thích đàn đúm, nhậu nhẹt với bạn bè, nào là làm việc gì cũng lề mề, nước đến chân mới nhảy, nào là bừa bãi, bẩn thỉu, nào là vô tâm, nào là lười, luôn luôn hẹn mai, mốt, ngày kia… Ôi thôi, luôn luôn cứ phải là câu “chán quá!”.

Dưng mà thử đặt tình huống này xem nhá. Nếu biết là mình sẽ chỉ sống với chồng 3 ngày nữa thôi, sau đó anh sẽ bỏ mình đi… đâu không biết, chỉ để lại một tờ giấy với câu đại loại như thế này: “Anh vẫn yêu em, nhưng sống với em, anh mệt mỏi quá!”. Và biết chắc 100% là anh sẽ đi, không níu kéo lại được, thì với 3 ngày con lại, mình sẽ làm gì nhỉ?

Ồ, chắc là sẽ nhiều nước mắt lắm đây. Rồi sẽ nấu cho chồng những món mà anh thích nhất (cái vụ này bình thường chẳng mấy khi mình làm vì đã có người khác làm rồi), sẽ pha cà phê cho anh vào mỗi buổi sáng và ngồi bên cạnh hứng trọn cái đám khói thuốc lá của anh. Sẽ thu dọn lại (không cằn nhằn) những thứ anh bày bừa. Sẽ lén cất đi 1 cái áo “bốc mùi” nhất của anh để giữ làm kỷ niệm. Sẽ nhớ lại tất cả những ngày xưa đẹp đẽ khi 2 đứa quen nhau…

Và lúc này, nếu có ai hỏi: “chồng bạn là người như thế nào?”, tất nhiên mình sẽ trả lời: “Anh ấy là người rất đúng mực, hiền lành, tốt bụng, thương yêu vợ con, chịu khó làm việc (mà còn là người giỏi chuyên môn nữa). Hồi xưa anh ấy cũng đẹp trai lắm, bây giờ tuy hơi hói, hơi mập nhưng nhìn kỹ vẫn thấy còn rất OK…”
Tóm lại, trong lúc khóc lóc, nếu Bụt hiện lên bảo “cho con trở lại năm 25 tuổi để tìm lại 1 người chồng cho ưng ý”, thì chắc chắn mình cũng sẽ lại chọn anh xã này thôi.

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Tôi ghét

Ngoài ghét chiến tranh và sự giả dối, giống như mấy cô hoa hậu, mình còn ghét một số thứ và ao ước giá như không phải sống chung với nó. Chẳng hạn:
- Trước, trong và sau các buổi nhậu của chồng.
- Các câu nói đại loại: “để mai mốt, từ từ rồi làm, có gì đâu mà gấp…”.
- Tính toán tiền bạc, các thứ hoá đơn và bill tính tiền.
- Đi chơi và ăn uống với những người không thân.
- Nằm giường nệm, ăn các món đặc sản miền Bắc, đi xe tay ga, nghĩ xem hôm nay ăn món gì.
- Dạy con học tiếng Việt và tập làm văn, nói chuyện thơ ca với chồng, cãi nhau với người luôn nghĩ mình đúng.
- Họp sơ kết quý, tổng kết năm, gương mặt lạnh và cái bắt tay mềm nhũn.

Tôi thích

Không thể kể hết được tất cả những thứ mình thích – nhất là đối với một người khá “tham lam”. Tuy nhiên, có vài thứ không phải là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, nhưng mà thiếu nó thì chắc đời buồn đi nhiều. Chẳng hạn:
- Máy vi tính, máy ảnh, điện thoại di động Nokia loại rẻ tiền.
- Internet, phim Mỹ, nước hoa.
- Triết lý vụn vặt, ghi chép linh tinh, tiêu tiền (tất nhiên trong giới hạn cho phép).
- Làm việc 30 tiếng 1 tuần, về nhà mẹ vào chiều thứ 6, mua sắm vào ngày thứ 7, sắp xếp dữ liệu trong máy tính và lưu ra đĩa DVD vào mỗi tháng, trồng cây vào mùa mưa.
- Nhìn (không phải là đọc) những quyển sách mới, nhất là những quyển do mình vẽ bìa.
- Uống trà, chat với bạn thân, làm những bài thơ dở dang, đọc các ghi chép của bạn bè, hát trong khi tắm, lang thang trong nhà sách.
- Nhìn vào mắt con trai, nói: “Mẹ yêu con nhất trên đời!”