.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Dấn thân


thi_nang_ngach2011 - Upanh.com

Mình bị kẹt vào một cuộc chiến không lối ra. Đang chuẩn bị tư thế để hi sinh sao cho anh dũng!

PS: Mới vào nhà bạn De&Soi và cười một chặp về "Sát thủ đầu mưng mủ". Muốn viết bài mà không có thời gian nên đề nghị các gái cho ý kiến về chuyện này nhé! OM rất quan tâm các gái nghĩ gì.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Nhặt nhạnh chữ của thầy

Thầy nguyên là Bộ trưởng Bộ TT-TT, nay đã nghỉ hưu. Thầy dạy lớp mình 2 buổi và đó là 2 buổi hiếm hoi mà mình không ngáp, cũng không loay hoay online với cái Ipod. Đây không phải entry, chỉ là nhặt nhạnh vài ý của thầy mà mình thấy cần lưu tâm, có dịp thì sẽ kiểm chứng lại, post lên đây để khỏi quên.

- Trong thời gian tới, báo giấy có thể sẽ mất đi, nhưng sách giấy thì không mất.
- Hãy làm sách sao cho có thể dùng để làm phim.
- Người ta có thể đọc báo để học cách làm giàu, nhưng muốn làm người thì phải đọc sách.


- Những triều đại thịnh là những triều đại tôn trọng đạo đức. Nhìn vào một triều đại mà các giá trị đạo đức bị đảo lộn thì đó là triều đại suy.
- Người có đức mà không có tài dễ trì trệ. Người có tài mà không có đức dễ dẫn đến hỗn loạn (Lý Quang Diệu).
- 5 tiêu chuẩn để chọn người lý tưởng: Học lực sinh đồ ; Gia cư hạ túc ; Vật lực khả khang ; Đức hạnh ôn hoà ; Ngôn ngữ khả tín. (Lê Thánh Tông)
- Đáng sợ nhất là 3 loại người: Dốt mà không biết mình dốt ; Nói và làm khác nhau ; Tham lam + danh vọng.
- Trong gia đình cũng như trong một tập thể, người thông minh nhân hậu lại thường hay bị thiệt thòi nhiều nhất. (Làm lãnh đạo phải quan tâm đến vấn đề này).
- Từ cổ chí kim, người quân tử thường chết vì tiểu nhân.
- Tập thể không biết bảo vệ nhau, để cho người xấu lộng hành là tập thể nhu nhược.
- Người lãnh đạo có tài là người biết tập trung những người tài xung quanh mình. Ngược lại, nếu thấy người tài quay lưng lại và bỏ đi, ta có thể kết luận lãnh đạo là người bất tài!
-  Người ta sinh ra, bản chất là hướng thiện. Nếu người ta trở nên xấu và ác thì chính là do người lãnh đạo xấu và ác.
- Bạn hãy thử nghỉ việc đi đâu vài ngày. Trong thời gian bạn đi, nếu công việc gặp khó khăn ách tắc thì bạn có quyền tự hào một chút. Bằng không, nếu công việc vẫn trôi chảy thì phải xem lại, hẳn bạn là người vô tích sự.

- Người có văn hoá là người: mới gặp họ thì ngại, nói chuyện với họ thì khoái, chia tay họ rồi thì muốn gặp lại.
- Nếu cần khám phá một người phụ nữ, bạn nên tập trung khám phá từ cổ nàng trở lên, từ cổ trở xuống thì nói chung là giống nhau thôi.

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Ngày đầu tiên đi học

Hôm nay trời nắng chang chang
OM đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một mẩu bánh mì
Và mang một túi đồ nghề con con

(Xin lỗi bạn Phan Thị Vàng Anh nhé!)

Túi đồ nghề của OM gồm có:
- 2 quyển giáo trình (mua hết hơn 200 nghìn, đang lo, không biết học xong thì sẽ làm gì với 2 cuốn này. Cân kí bán thì chắc là lỗ to!). Cái này là món quý nhất trong túi, vì nó là chiếc chìa khoá (trong 1 chùm chìa khoá to tướng) giúp OM lên ngạch.
- 1 bịch thuốc tây đủ loại gồm thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, vitamin, sát trùng đường hô hấp, men tiêu hoá, giảm ho… Cái này là món quan trọng thứ nhì giúp OM đủ sức tồn tại từ đầu cho đến cuối buổi học.
- 2 cái điện thoại: 1 cái dành cho bạn bè và 1 cái dành cho cơ quan. Khi nào cảm thấy cái cho cơ quan đã làm việc đủ năng suất rồi thì tắt đi.
- 1 cái Ipod bé tí, vừa đủ để lên mạng theo dõi mấy mục đáng quan tâm như: dự báo thời tiết, giá vàng, hàng khuyến mãi, hay là gái nào mới viết bài đưa lên blog, v.v…
- Kính lão, gương, lược, kẹo, giấy chùi mũi (tất nhiên, vì không thể gặp các anh thầy mà thò lò mũi được).
Còn vài thứ khác, nhưng chắc hẳn đã là gái thì ai cũng sẽ có những thứ đó trong túi, nên OM không phải kể ra nữa. Tóm lại là đồ nghề đi học rất gọn gàng.


Ngày đầu vào lớp, OM đến bàn đăng ký, liếc thấy giữa một dãy cán bộ ngồi nghiêm chỉnh tiếp nhận học viên, có một  em giai trẻ măng. OM tiến đến trước mặt, mỉm cười với em: “Cho chị xin 1 tờ đăng ký!”. Em lễ phép đưa tờ giấy bằng 2 tay. Vừa định hỏi “Em là sinh viên trường này à?” thì em đã tự giới thiệu: “Em là giáo viên chủ nhiệm lớp chị” (Icon choáng).

Tiếp theo, OM lại choáng lần nữa khi thầy dạy chuyên đề đầu tiên bước vào. Thầy sáng long lanh, cao mét 8, kính trắng, miệng cười duyên. Khi thầy đi ngang qua, OM nhận thấy hương nước hoa Armani for men cùng với hương của lăn khử mùi Gucci cứ lảng bảng trong bầu không khí “im lặng đến tê người”. Thầy giảng bài, giọng đầm ấm, thiết tha, nhưng OM chả hiểu gì mấy bởi lúc thầy đứng xa thì OM mải mê nhìn thầy, còn khi thầy lại gần, OM lại bị chi phối bởi… hắt hơi. Vừa hắt hơi vừa nhớ tới thơ Xuân Diệu:
Quái lạ sao mà cứ hắt hơi
Hắt hơi liên tục chẳng nghỉ ngơi
Xin thầy đứng xa xa ra tí
Kẻo em chết mất, ối thầy ơi
!”
(Ủa, mà không biết có phải thơ Xuân Diệu không? Nhớ mang máng thế).


Chắc thầy biết rõ ưu điểm long lanh của mình nên suốt buổi học, thầy tranh thủ cầm micro, vừa giảng bài vừa đi lại giữa các dãy bàn trong lớp y như phong cách mấy ca sĩ biểu diễn rời khỏi sân khấu, xuống giao lưu cùng khán giả. Thầy cứ giảng mấy câu lại bất ngờ đưa mic cho một học viên kém may mắn nào đó ở gần thầy và hỏi: “Em hiểu gì về vấn đề tôi vừa nêu?”. OM hãi quá nên cứ thấy thầy đi gần đến chỗ mình là lại cúi gằm mặt xuống và lại… hắt hơi. (Lạ thật!).

Toàn bộ bài giảng của thầy chả liên quan gì đến công việc chuyên môn của OM.  Ơn trời, buổi học thứ nhất cũng kết thúc vào lúc 4h30 chiều, và cuối cùng, OM chỉ hiểu được mấy điều thế này:
- Đi học mới biết: Ở nước ta, có công ty nhập rác thải của thế giới (những thứ mà các nước tiên tiến đã bỏ đi từ mấy chục năm nay), đem về cho dân mình xài.
- Đi học mới biết: May quá, OM không làm nhà báo, vì nếu mà OM làm nhà báo thì chắc sẽ chỉ viết được những bài kiểu như Kẹt xe thường xuyên ở giao lộ ABC, Diễn viên XYZ lộ hàng, Giá vàng tăng giảm, Bí quyết để “cưa” chàng…, hay đại loại như thế thôi! (Bạn nào đã từng được mấy thầy ở Ban Tuyên giáo giảng bài thì chắc cũng có cùng ý nghĩ này)
- Đi học mới biết: Có nâng ngạch thì mình cũng vẫn 3 năm được tăng lương 1 lần chứ có được tăng sớm hơn đâu (nhưng khi biết thì đã muộn, vì đã lỡ… đi học rồi)


Thôi thì đành… đi học.

Nhân đây, OM cũng muốn viết 1 tờ đơn xin phép, đại ý thế này:

CHXHCNVN
ĐL-TD-HP
Đơn xin phép
Kính gửi các Gái mạng
Tui là OM
Tui viết đơn này kính xin các Gái mạng cho tui được nghỉ blog chừng 4 tuần.
Lý do: Tui mắc đi học cả ngày, tối về lại phải tranh thủ làm việc cơ quan và dạy dỗ chồng con nên không còn thời gian chơi blog nữa.
Kính mong các Gái mạng xem xét và giải quyết đơn này của tui.
Trân trọng cảm ơn


Kí tên
Một đam mê, một dại khờ




Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

UỐNG TRÀ VỚI BA

Tôi hẹn với ba “Chiều đi làm về con ghé”, ba bảo “Ừ, từ ngày ba mẹ chia tay nhau, ba ít gặp con. Chiều qua đây nhé, ba chờ!”

Hết giờ làm việc, tôi chạy về nhà ba. Việc đầu tiên là pha một ấm trà ngon. Ba thích uống trà, nên công đoạn pha trà cũng phải đúng quy cách: tráng ấm bằng nước thật sôi, bỏ trà vào ấm rồi rót ít nước sôi vào để đánh thức búp trà, lắc qua lắc lại rồi đổ nước đi, lần rót nước tiếp theo mới là lần để trà ra nước. Tách trà cũng phải tráng qua bằng nước sôi, rót ra tách xong lại đổ vào bình, rồi lại rót ra một lần nữa. Bây giờ mới là lúc uống trà.

Ba im lặng nhìn tôi pha trà, có vẻ hài lòng với cách thức bài bản của con gái. Xoay xoay tách trà nóng trong tay, tôi hỏi: “Sao ba cứ nhìn con? Thôi, con đã về ngồi đây rồi, cần nói với con chuyện gì, ba cứ nói đi!”
- Lâu ngày không gặp, ba chỉ muốn biết cuộc sống của con thế nào thôi, có hạnh phúc không?
Hình như ông bố nào cũng hay hỏi con mình câu đó. Tôi nhìn tách trà trong tay, đáp:
- Hạnh phúc xem ra cũng vô chừng lắm ba ạ. Nói về gia đình thì con không có gì để phiền muộn cả. Chồng con biết lao động, biết thương yêu vợ con – tất nhiên là thương yêu theo cách của anh ấy chứ không biểu hiện như cách ở nhà mình. Con trai con mau lớn, ngoan ngoãn, biết nghe lời… Nói tóm lại, có vẻ con là người hạnh phúc.


Ba nhìn sâu vào mắt tôi:
- Sao lại là “có vẻ” hả con?
- Thế cho nên con mới nói hạnh phúc là vô chừng. Ngoài gia đình ra, con còn có công việc ngoài xã hội. Mà chắc chắn con là người không thành công trong công việc của mình. Có một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu con, rằng có phải mình đã chọn nhầm đường? Câu hỏi đôi khi như một cái gai nhọn làm cho mình thật vướng víu, khó chịu, ba ạ.
Ba gật đầu:
- Ba hiểu ý con. Bây giờ con tạm gác câu hỏi đó sang một bên và tự hỏi mình một câu khác đi. Chẳng hạn: Mỗi buổi sang ngủ dậy, con có thấy đi làm như là một cực hình không? Khi bắt đầu một việc gì đó, con có suy nghĩ cách nào để làm cho tốt không? Và khi đã bắt tay vào làm việc đó, con có cảm thấy hứng thú không?
- Tất nhiên là cảm giác của con về công việc luôn tích cực.
- Vậy, tóm lại là con yêu công việc?
- Vâng, chắc chắn là con yêu nó rồi. Con đã thử bỏ nghề một lần hồi năm ngoái, nhưng cầm trong tay tiền lương người ta trả cho một công việc chán ngắt, con thấy đời mình rõ là vô nghĩa quá!
- Vậy là con chọn đúng đường đấy chứ!
- Nếu mình chưa thử hết các con đường thì làm sao biết được đúng sai hả ba?
- Ba luôn nhớ câu ngạn ngữ: “không bao giờ là muộn cả”, cho nên nếu con cảm thấy còn sức lực, còn cơ hội thì cứ thử. Nhưng đôi khi phải lựa chọn một trong hai, đôi khi phải hi sinh, đôi khi lại đi lạc lần nữa… Con dám không?


Tôi phì cười:
- Lâu lâu gặp nhau mà ba con mình nói chuyện triết lý ghê quá! Con biết con đã qua cái tuổi để sục vào khám phá tất cả các con đường mà mình nhìn thấy. Tuổi của con hiện thời, cách phù hợp nhất là đi tiếp con đường mình chọn. Nhưng khổ nỗi, phía trước mặt con bây giờ mông lung, mù mịt, chẳng biết lối nào mà đi.
- Nếu quá tầm nhìn của mình thì nhìn từng bước thôi con ạ. Ba không kỳ vọng con phải là người giỏi giang, nhìn xa trông rộng, nắm tương lai trong tay. Con là con thôi, cứ sống với chính mình. Ba không sợ con thất bại trong sự nghiệp, chỉ sợ một ngày con không còn đam mê, không còn lửa ở trong lòng, không còn tình yêu…, lúc đó đời con chắc buồn lắm. Mà con buồn thì ba cũng chẳng vui gì!


Miệng thốt ra từ “buồn”, nhưng mắt ba cười, tôi cũng cười. Thỉnh thoảng lên gân lên cốt, triết lý với nhau một tí.

Có tiếng dép đi lên cầu thang. Tôi bảo:
- Mẹ lên kìa, ba nói chuyện với mẹ đi! Hôm nay cuối, con tranh thủ thăm ba, tuần sau con phải đi học mấy tháng rồi, chắc không có thời gian trò chuyện thế này.
Ba se se bộ ria liếc nhìn ra phía cửa:
- Lại đi học à! Thế nghĩa là con vẫn còn trẻ. Cứ tranh thủ học đi, đường còn dài mà.


Tất nhiên rồi, tôi vẫn còn trẻ, vẫn phải tiếp tục học, dẫu phía trước còn đang… là gì đi nữa. Bao nhiêu năm nay, ba vẫn dõi theo từng bước chân con gái trên suốt quãng đường quanh co, mệt nhoài này. Đường tôi chọn không bằng phẳng như cả ba và tôi đều mong muốn, nhưng tôi sẽ vừa đi vừa gánh nước tưới cho đám hoa hai bên đường. Sau này, lỡ đám con cháu mình lại chọn đúng con đường này, ít ra chúng sẽ được ngắm hoa đẹp. Cứ tưởng tượng vậy đi!
Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 18 của ba. Tôi cắm nén nhang lên bàn thờ không quên thì thầm "ba phù hộ cho cả nhà mình mạnh khoẻ nhé!". Nhang Bắc, mùi thơm dìu dịu, khói bay lan cả căn phòng ướp vào cả tách trà trên tay.