.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Bưu điện thành phố

Lên mạng mà gặp một bài viết có tựa đề khô khan kiểu như “Bưu điện thành phố” thì chắc mình sẽ chẳng bao giờ click vào, chứ đừng nói đến chuyện sẽ bỏ thời gian ra xem. Thế nhưng hôm nay - trong làn không khí lành lạnh của những ngày cuối năm, khi Sài Gòn nắng hanh, gió nhẹ vừa đủ để thổi tung đám lá vàng trên mặt đường - thì bỗng nhiên mình lại có hứng viết về cái bưu điện trung tâm ấy.

Ngày xửa ngày xưa, vào những năm 80 của thế kỷ trước, có con bé mười mấy tuổi đã từng mê mẩn bưu điện trung tâm này. Ở vào cái tuổi mới lớn, nhu cầu giao lưu bạn bè của nó xem ra là vô bờ bến. Nó giao lưu với các anh bộ đội ngoài biên giới, hải đảo, các anh thanh niên xung phong ở tận mấy nông trường Đakmil, Đăknông xa lắc …, nó cũng có những người bạn mắt xanh tóc vàng chưa bao giờ gặp mặt, ở mãi tận đẩu tận đâu xứ Đông Âu xa xôi mà nó mới chỉ biết đến qua một vài truyện dịch tình cờ đọc được ở đâu đó. Thời ấy, chuyện giao lưu chỉ được thực hiện dưới mỗi một hình thức là thư gửi qua đường bưu điện. Những lá thư được nó viết nắn nót trên những tờ giấy A5 gập đôi, tờ nọ lồng vào tờ kia và bấm kim ở chính giữa như một quyển sách nhỏ. Nó mê viết thư như trẻ con bây giờ mê xem phim hoạt hình và chơi game vậy. Mỗi lá thư viết xong, nó đều cho vào phong bì trắng tự làm, cẩn thận dán một con tem ngay ngắn và đạp xe lên tận bưu điện trung tâm để bỏ thư vào thùng. Sau đó là những ngày chờ đợi. Mỗi lần bác đưa thư đi chiếc xe đạp – với tiếng chuông leng keng không lẫn vào đâu được – là nó lại chạy ra sân nhìn theo cho đến khi bác đi khuất. Xen vào giữa vô số lần bác đi ngang qua như vậy là những lần bác dừng lại gọi: “HTH, có thư!”. Nó vồ lấy những bức thư với các kiểu phong bì khác nhau, có phong bì làm bằng giấy vở học trò, có phong bì mua sẵn với dòng chữ “gửi máy bay” in ở góc dưới, có phong bì in màu thật đẹp còn thơm mùi giấy nước ngoài. Nó cầm những chiếc phong bì trên tay với niềm sung sướng không lời diễn tả.

Thực ra ngoài chuyện gửi và nhận thư, nó cũng có đôi lần được gọi đến bưu điện để nghe điện thoại đường dài. Đó là những lần anh bạn trai là thuỷ thủ tàu viễn dương, đang lênh đênh ở đâu đó,  bỗng dưng “nổi hứng” muốn nghe giọng nói của nó. Vào một giờ hẹn trước, nó phải trực sẵn ở quầy điện thoại, khi cô nhân viên bưu điện bắt được tín hiệu thì nó cầm máy lên. Thường thì anh nghe thấy giọng của nó, nhưng nó không nghe được giọng của anh, cô nhân viên bưu điện phải làm chiếc cầu nối. Cô bảo: “Anh ấy nói anh ấy rất nhớ em, anh ấy nói Tết này anh sẽ về, anh ấy bảo anh đang ở Hồng Kông…” vân vân và vân vân. Hình như lúc ấy nó chỉ coi anh như một người bạn nên những cuộc trò chuyện như vậy không để lại cho nó một ấn tượng sâu đậm nào. Bưu điện là nơi để nó gửi đi tình yêu thương của mình chứ không phải là nơi để nhận những lời nói ngọt ngào.

Đối với nó, bưu điện cũng còn có một sức hấp dẫn khác.

Hồi ấy nó đang học cấp III. Nói đến trường cấp III là phải nói đến môn Toán, vì nó học dốt Toán vô cùng. Những giờ Toán trôi qua trong cuộc đời nó nặng nề và dài dằng dặc như hàng thế kỷ. Nó không muốn chôn vùi mình trong cái sự hãi hùng đó nên thường trốn tiết. Nếu nghỉ học cả buổi thì phải có giấy phép và tất nhiên cũng không thể nghỉ nhiều, nhưng nếu đầu giờ buổi sáng có mặt trong lớp thì coi như ngày hôm đó vẫn học bình thường. Vậy là nó đi học buổi sáng và đến tiết Toán thì trốn. Không hiểu nó làm cách nào mà cả người cả xe đạp đều trót lọt khi đi ngang cái cổng bé xíu có bác bảo vệ đeo kính lúc nào cũng ngồi nhìn chăm chăm vào từng người qua lại? Thoát khỏi cái cổng đó, nó như con chim sổ lồng tung cánh vào bầu trời tự do. Những năm 80, buổi sáng ở Sài Gòn lúc nào cũng mát mẻ như bây giờ vào tiết trời cuối năm. Đường phố vắng hoe đến nỗi nghe rõ cả tiếng lá xào xạc trên những tán cây dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa trải dài đến tận Dinh Độc lập và công viên trước Nhà thờ Đức Bà. Nó vừa đạp xe vừa hát, thường thì cứ tua đi tua lại mỗi một bài, tua đến lần thứ mười mấy thì thấy mình đã đến bên hông nhà thờ và đánh một vòng ôm cua để rẽ vào Bưu điện trung tâm.

 
Bưu điện Trung tâm Thành Phố

Photo by : HMoong

Ngoài đường thì vắng, nhưng bưu điện thì lúc nào cũng tấp nập. Ngay giữa bưu điện, người ta thiết kế một hàng dài mấy chục chỗ ngồi, mỗi chỗ đều được ngăn vách thành từng ô giống như chỗ ngồi của phóng viên trong các toà soạn báo. Nó chọn cho mình ô ở phía góc xa, chỗ vừa ít người qua lại, vừa có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát khắp nơi. Ở quầy bưu phẩm có người đàn bà chừng 50 tuổi đang hỏi han cô nhân viên về thủ tục gửi quà, chắc chắn bà đang cầm trên tay gói nhu yếu phẩm gửi cho con trai là bộ đội đang đóng quân ngoài biên giới. Ở quầy thư nước ngoài có một chị khoác chiếc khăn quàng màu xanh da trời, tay cầm khư khư chiếc phong bì vừa dán, chắc là gửi cho người yêu. Một anh không còn trẻ nhưng cũng chưa già, quần áo xốc xếch, đang vội vàng ghi thông tin gì đó ở quầy chuyển tiền, chắc là gửi tiền lương tháng của mình về cho vợ con ở quê. Một ông già cũng ngồi ở một ô như nó viết thư, làm nó hơi thắc mắc một chút, không hiểu bằng tuổi này, ông còn có nhu cầu viết thư cho ai mà chăm chú, mà nét mặt đầy yêu thương đến vậy…

 

Nó ngồi đó, nhìn tất cả mọi người qua lại và… viết truyện. Cốt truyện và các nhân vật đều đã được nó xây dựng từ trước, nhưng chỉ đến khi ngồi ở một góc bưu điện, diện mạo từng người mới hiện lên rõ đến từng chi tiết và trở nên thực sự sống động.

Cứ như vậy, rất nhiều truyện ngắn của nó đã ra đời ở Bưu điện thành phố.

Năm tháng cứ dần trôi…
Lâu rồi, nó không còn vào Bưu điện thành phố nữa. Không còn anh bạn trai ở lênh đênh trên biển, không còn những anh bộ đội, anh thanh niên xung phong ở biên giới, ở nông trường, không còn những người bạn tóc vàng mắt xanh ở tận đẩu tận đâu phía bên kia địa cầu, và những truyện ngắn của nó đã nằm kỹ đâu đó ở dưới đáy mấy chiếc thùng carton chất đống trong góc nhà.


Thỉnh thoảng đi qua bưu điện, như một thói quen, nó chợt muốn dừng lại để gửi xe. Sau phút ngập ngừng, nó chợt tỉnh, chợt cười ngơ ngẩn một mình rồi nhấn ga cho xe chạy qua, để lại Bưu điện thành phố xa dần phía sau lưng.

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Xem phim "Mùi hương đàn bà"


 

Muốn viết nhiều thứ, nhưng người chưa khoẻ hẳn nên cứ lười lười. Thôi thì xem phim vậy.

Phim Mỹ nhá, tên phim Mùi hương đàn bà  nghe đã thấy vô cùng “gợi”. Tuy nhiên, thực tế thì phim không nói về “chuyện ấy”. Tóm tắt phim thế này:

Charlie Simms (Chris O'Donnell) là một học sinh giỏi nhưng nhà nghèo, đang học tại một trường trung học vào khoảng những năm 50-60 gì đó – mình không chắc lắm. Một hôm, cậu tình cờ chứng kiến những người bạn của mình tạo dựng một vụ scandal để làm bẽ mặt thầy hiệu trưởng – bản thân ông thầy này là một người xấu. Chuyện xảy ra. Ông hiệu trưởng biết thóp cậu bé đã chứng kiến ai là người gây nên trò này, nên gọi cậu lên gặp và cho cậu 2 lựa chọn: một là khai tên những người bạn ấy ra, cậu sẽ được giới thiệu vào một trường danh tiếng với học bổng hấp dẫn, hai là nếu không khai, cậu sẽ bị mất cơ hội vào đại học và trước mắt sẽ bị đưa ra hội đồng kỷ luật.

Charlie lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Cậu không muốn và không thể tố giác bạn mình và phải đối mặt với một tương lai không mấy sáng sủa. Với một tâm trạng rối bời như vậy, trong một lần đi làm thuê để kiếm thêm tiền, cậu tình cờ gặp cựu trung tá Frank Slade (Al Pacino). Cựu trung tá này đã về hưu, bị mù, uống rượu và hay cáu kỉnh. Cảm thương với hoàn cảnh của vị trung tá, Charlie gần gũi với ông và mỗi ngày lại khám phá thêm vẻ đẹp phía bên trong con người có vẻ như thật khó chịu này. Cậu kể cho ông nghe về chuyện của mình.

Ngày Charlie phải ra ngồi ở ghế xét xử của Hội đồng kỷ luật, điều bất ngờ đã xảy ra: trung tá Frank Slade xuất hiện dưới vai trò một phụ huynh của Charlie. Khi Charlie bị kết tội, ông đã đứng lên phát biểu một bài đầy nhiệt huyết để bảo vệ cậu với những câu hỏi về giá trị đạo đức khi nhà trường ép học sinh phải khai ra những đồng đội của mình. Bài phát biểu của ông khiến cả Hội đồng lặng đi, và sau khi bàn bạc, Hội đồng quyết định tha bổng cho Charlie.

Xem xong phim, mình suy nghĩ mãi về chuyện giáo dục của nước người từ những năm giữa thế kỷ 20, tức là cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Suy nghĩ rồi lại liên tưởng đến nước mình. Bản thân mình cũng đã có đến 11 năm ngồi ghế nhà trường, nên ban đầu mình thấy cũng khó chấp nhận với chuyện học sinh lại có thể đi bêu xấu thầy hiệu trưởng trước toàn trường như vậy. Mình cứ thấy lấn cấn với cách giải quyết vấn đề của phim. Trên thực tế, học sinh hư thì phải bị kỷ luật chứ sao lại có chuyện lật ngược vấn đế như thế? Dù thầy giáo là người như thế nào thì cũng là thầy, và học sinh không có quyền làm thầy mất mặt. Tuy nhiên, suy nghĩ lại, mình thấy triết lý được đưa ra trong phim cao hơn nhiều so với những điều mình cảm thấy lấn cấn.

Hồi mình đi học, mỗi khi cô giáo cần chấm bài hay ra khỏi lớp một thời gian, cô thường chọn một bạn đi lên đứng trên bục giảng để theo dõi lớp học. Nếu thấy bạn nào nói chuyện thì bạn đứng trên bục có quyền ghi tên và khi cô quay trở lại lớp, cô sẽ bắt bạn đó thụt dầu (2 tay bắt chéo trước ngực, nắm 2 vành tai và đứng lên ngồi xuống khoảng từ 20 đến 100 lần, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ). Hồi ấy, mình nhớ đứa nào cũng khao khát được một lần đứng trên bục để tỏ rõ uy quyền của mình. Đến khi bạn bị lên trước lớp thụt dầu thì mọi người ở dưới cười “lêu lêu” và rất khoái chí.

Bây giờ, nghe con trai kể thì trường của con có các bạn Sao đỏ. Đầu giờ, các bạn Sao đỏ rảo quanh, ghi tên những ai đi trễ, quên đeo khăn quàng, ra khỏi lớp khi đang giờ ôn bài… Giờ ra chơi, ai bỏ áo ra ngoài quần, ai chạy nhảy (trường cấm không cho chạy nhảy, sợ ngã), ai chơi đá cầu cũng đều bị Sao đỏ ghi tên. Con trai tâm sự “Ước gì con được làm Sao đỏ”, mình hỏi: “Để làm gì?”, “Để ghi tên các bạn mà không ai ghi tên mình”.

Vậy đó, cái chuyện học sinh tình nguyện và thích thú khi được tố cáo bạn mình đã ăn sâu vào tiềm thức trẻ con. Nhiều đứa trẻ lớn lên sẽ có thói quen thích gặp riêng sếp để tố cáo đồng nghiệp của mình. Đồng nghiệp bị “rớt điểm” với sếp cũng đồng nghĩa với việc mình được tăng điểm, vân vân và vân vân.

Phim đã đoạt giải Quả cầu vàng cho hạng mục Diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Xem một đoạn ông Trung tá mù nhảy điệu Tango tại đây

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Miên man Đà Lạt

Cuối năm lại đến. Như mọi lần, cứ cuối năm, tôi lại loanh quanh với ý nghĩ phải vứt bỏ hết các thứ mệt mỏi ở cơ quan, chạy trốn lên Đà Lạt. Tôi rao trên blog “Có ai muốn đi ĐL với mình không?”. Chỉ ngay ngày hôm sau, có bạn đã gọi điện: “Cuối tháng này tao với mày đi nhé!”.

Cuối tháng, đúng hẹn, hai đứa giao con cái cho chồng, khoác hai cái balô lên đường. Bước lên xe khách, việc đầu tiên là tôi tắt điện thoại và lập tức thấy đầu nhẹ bâng. Mấy cu cậu thanh niên ngồi bên cạnh có vẻ phấn chấn nói líu lo không ngớt. Nhưng tôi chỉ nghe những câu chuyện đó giống như tiếng chim chứ chẳng hiểu một tí nội dung gì trong đó, cả trung tâm thần kinh còn dành chỗ để cho mây trắng tự do lơ lửng bay ra bay vào. Xe lắc la lắc lư, người lơ mơ ngủ gà ngủ gật, đến chiều thì cũng leo được lên cao nguyên. Dã quỳ vàng ngút mắt. Bảo cái màu vàng ấy là vui vì sắc óng rực rỡ cũng được mà bảo là buồn vì cứ mãi vàng chơi vơi ở nơi cao nguyên heo hút này thì cũng không sai. Ừ thôi, chuyện vui buồn không phải là chuyện của hoa, chỉ là chuyện của người. Lúc này, người chợt tỉnh ngủ và một niềm vui lâng lâng không có lời diễn tả cứ mơn man khắp mặt, tay chân và những chỗ không bị trang phục che khuất.

Không thể nhớ chính xác bao nhiêu lần tôi đã chạy trốn thành phố để lên đây, nhưng về những người bạn đã chịu đi cùng tôi, nhẫn nại chiều theo cái ước muốn ẩm ương của mình thì tôi nhớ hết, nhớ từng người với từng kỷ niệm nhỏ nhất mà có thể chính họ cũng không nhớ được. Đi lần sau thì lại nhớ lần trước, đi với người này thì lại nhớ người kia, nỗi nhớ cứ không mời mà đến, không có cách gì ngăn được.

Tối, hai đứa đi chợ đêm, uống ly sữa đậu nành nóng hổi. Bạn hỏi: “Có nhớ ai không?”. Tất nhiên là có chứ. Nhớ một người bạn lúc đó còn độc thân, nay đã yên bề gia thất với hai nàng công chúa. Một buổi tối xa xăm nào đó, hai đứa co ro dưới một cây dù, dẫn nhau ra chợ đêm chỉ để ăn một củ khoai và uống ly sữa đậu nành nóng, rồi lại dẫn nhau về dưới mưa. Bạn ấy hỏi “Sao H. không đi với chồng mà lại rủ mình?”. Không biết câu trả lời của tôi như thế nào, nhưng tôi nhớ cái cảm giác thật chơi vơi khi nghe câu hỏi đó. Rõ ràng là trong suốt cuộc hôn nhân của mình, người ta không thể không có lúc phải trải qua những ngày tháng chông chênh. Tôi đi với bạn ấy trong một khoảng thời gian chông chênh như vậy. Tôi đã nói câu gì đó và bạn an ủi tôi bằng một câu bình thường như người ta vẫn thường động viên nhau: “Chuyện có gì đâu, bao nhiêu người mong lấy được chồng như H. mà không được ấy chứ!”. Chúng tôi đội mưa về, bạn ấy cầm dù, cây dù mỏng không thể ngăn được từng cơn gió thổi những giọt mưa lạnh buốt tạt vào người. Nghĩ đến sự chông chênh của mình, tôi hơi chạnh lòng và thấy cổ họng mình nghèn nghẹn, nhưng tôi biết, nếu lúc này tôi đi bên chồng thì anh sẽ cố tình nhường phần khô ráo cho tôi. Tình yêu là có thật, vậy, cớ gì, cớ gì… cớ gì…?Tối hôm đó, bạn trùm chăn ngủ sớm, còn tôi thì thao thức và tự hứa với lòng, khi trở về Sài Gòn, việc đầu tiên là sẽ ôm chồng và nói rằng “Em nhớ anh”

Sáng sớm, hai đứa thuê chiếc xe máy, tay lăm lăm tấm bản đồ du lịch. Tôi cầm lái và định hướng, bạn ngồi sau chỉ đường cụ thể: đi hết con dốc rẽ phải, gặp ngã ba rẽ trái, leo lên con dốc kia…, chỉ trỏ một hồi, đột nhiên chúng tôi thấy mình lại quay về đúng chỗ cũ. Tôi cười xoà, lẩm nhẩm mấy câu trong một bài hát nổi tiếng: “Phố núi cao phố núi trời gần. Phố xá không xa nên phố tình thân. Đi dăm phút đã về chốn cũ …”. Chuyện đi loanh quanh lại quay về chỗ cũ là chuyện chẳng có gì lạ đối với khách du lịch đến Đà Lạt. Năm ngoái, đi lên đây với chị bạn, hai chị em cũng từng đi loanh quanh như thế này đến hàng chục lần. Tôi vốn là đứa định hướng tốt, nhưng cứ lên đến Đà Lạt là khả năng định hướng của tôi bị phân tán đến không thể hiểu nổi. Nhưng ngồi phía sau, chị cũng chẳng cần biết là tôi chở chị đi đâu. Cứ đi, lên dốc rồi lại xuống dốc, rẽ trái rồi lại rẽ phải, chỉ cần đi, không cần đích đến, miễn là quên hết chuyện công việc bất ổn ở cơ quan, cái chuyện đang từng ngày gặm nhấm, ăn mòn tình yêu của chúng tôi đối với công việc và đối với nơi mình đã gắn bó bao năm. Bảo là quên, nhưng thực ra nó chỉ tạm thời lắng đi, cứ có dịp là lại trào lên từng đợt như người ta bị chứng đầy hơi khó chịu.

Tôi chở chị đi vòng vèo theo một con đường xuống thung lũng. Đường đi chỉ khoảng hơn 1 mét, vừa đủ cho hai xe máy đi ngược chiều tránh nhau, nhưng tuyệt nhiên chẳng có chiếc xe hay một bóng người nào, nhiều đoạn gồ ghề trơn trượt, cỏ dại mọc đầy. Càng xuống sâu, tôi càng cảm thấy nỗi sợ của người ngồi phía sau tăng dần. Đến một lúc, không còn đủ bình tĩnh nữa, chị rụt rè bảo tôi dừng lại. Tôi muốn đi tiếp để thấy được nơi tận cùng con đường, dẫu dưới ấy chỉ là một ngôi làng nhỏ hay là một vườn cây thì cái cảm giác đến được nơi cuối đường cũng làm tôi sung sướng. Nhưng phải chiều theo ý chị, chúng tôi đành dừng lại chụp hình, người nọ chụp cho người kia, ngắm mấy cây hồng quả đỏ trĩu ở xa xa qua ống kính rồi quay xe trở lên. Chị bảo: “Chị không còn ở cái tuổi thích phiêu lưu nữa.” Tôi hiểu và hoàn toàn thông cảm với chị, nhưng vẫn tự nhủ “nếu có dịp, mình sẽ quay lại đi hết con đường”. Vài tháng sau chuyến đi, chị xin về hưu. Ban đầu, người ta không chấp nhận, nhưng chị cương quyết dừng lại giữa đường, nơi chị thấy mình không thể đi tiếp được nữa. Tôi kém chị chục tuổi nên có lẽ cái ngày tôi muốn dừng lại còn xa lắm. Con đường ngoằn ngoèo đầy bất trắc trước mặt sẽ là con đường tôi sẽ phải tiếp tục đi.

Hai ngày có xe máy như được gắn thêm chân, chúng tôi đi không biết mệt, lang thang khắp các ngóc ngách, quán xá. Cô bạn biết tôi đi đến đâu cũng thích ghé thăm viện bảo tàng nên chủ động chỉ về hướng có chữ Bảo tàng Lâm Đồng to tướng khi đi ngang qua toà nhà nằm trên đồi. Ghé vào bảo tàng hơn một tiếng đồng hồ, hoàn toàn thỏa mãn, chúng tôi tiếp tục thăm nhà thờ Domain, trường Đại học, trường Cao đẳng ĐL. Tôi chỉ cho bạn xem chỗ tôi đã khiêu vũ với thầy L mà không làm sánh một giọt nước nào ra khỏi chiếc ly đang đầy tràn, chỗ tôi đã hạnh phúc như thế nào khi được đứng sát bên người yêu – nay là anh xã – nghe hàng thông rót vào tai những lời yêu thương bất tận. Tôi chỉ không kể cho bạn về một nỗi đau xa xưa thoáng hiện về khi đập vào mắt tôi là tòa nhà đẹp như mơ của trường Cao đẳng. Ai cũng có một nỗi đau riêng nào đó mà không dễ gì có thể đem kể với mọi người. Hơn thế nữa, cũng chẳng nên nhắc lại chuyện buồn trong một ngày nắng hanh vàng quyến rũ đến ngẩn ngơ như thế này, nên tôi thả câu chuyện cũ vào đám mây lững lờ trôi về phía cuối chân trời. Đám mây của tôi cứ trôi, cứ trôi và tan ra ở nơi nào đó mà tôi không biết. Thế thôi…

Hai ngày rong ruổi qua mau. Hôm trở về Sài Gòn, chúng tôi phải ra xe sớm. Hai đứa chẳng kịp chạy ra chợ uống ly sữa đậu nành nóng. Thời gian ít ỏi khiến tôi cũng chẳng kịp tìm lại con đường đi xuống thung lũng mà tôi đã chở chị đi năm ngoái. Xe chuyển bánh, bỏ lại hai bên đường bạt ngàn dã quỳ. Bạn trầm ngâm hơn lúc đi, xe chạy thật lâu sau mới nghe bạn bảo: “Lần trước đi Đà Lạt với mày, tính đến nay đã 10 năm. 10 năm như chớp mắt. Không biết tao với mày bao giờ mới quay trở lại đây lần nữa?”. Tôi lơ đãng nhìn rừng thông, bảo: “Thì chắc là chớp mắt một cái nữa thôi mà!”. Nói xong rồi lại thầm nghĩ: 4 lần chớp mắt nữa chắc là cũng đến lúc mình phải ra đi, có ai nhắc mình nhớ mang theo triền dã quỳ vàng rực này đến nơi bên kia của thế giới không?

4 lần chớp mắt – lâu hay mau – chẳng biết!. Những gì đã qua thì cũng đã qua, phía trước thì còn dài. Thôi thì cứ trải nghiệm ngày hôm nay đi.

Xe chạy xuống đèo. Hướng đi tới là Sài Gòn, là nhà, là cuộc sống bộn bề tất bật của tôi. Sau lưng là Đà Lạt với triền dã quỳ ngút mắt, vàng đến nao lòng, miên man, miên man…

Da Lat 11.11

4 lần chớp mắt – lâu hay mau – chẳng biết! Cứ post tấm hình này để giữ lại một khoảnh khắc Đà Lạt, lúc ta không còn trẻ mà cũng chưa kịp già.

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Vui quá!

Tình hình là sau 12 ngày bị mất chìa khoá vào nhà, hôm nay OM lại tìm thấy nó nhờ sự cẩn thận quá mức của Yahoo! Cứ chê lão dở hơi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy lão cũng dễ thương lắm!

Năm ngoái, cũng thời gian này, OM chán đến mức không vào nhà cả tháng trời. Sau khi hết chán, OM mở cửa sổ bằng một câu chuyện kể đi ăn đám cưới. Hôm nay post lên đây chuyện đi ăn đám cưới của người ta - không phải của mình - gọi là lấy hên!



Hôm nay đám cưới ca em. H hàng hang hc đến xem rn ràng. Đáng nh pháo n đùng đoàng. Nhưng vì cm pháo, c làng im re. Tám gi mt chiếc xe. Cm đy hoa hoét le te đi vào. Tr con bu ti ào ào. Đa thì s lp, đa vào bóp phanh. M em la ó tht thanh. Tiên sư b lũ tr ranh quê mùa. B em lườm: “chuyện như đùa. Bà lên thành ph mi va my năm”.

Trang đim thuê hết năm trăm. Đang t đu ngõ xăm xăm đi vào. Gp ai cũng toét ming chào. Thì ra không biết đa nào cô dâu.

Chín gi khách kha đã bâu, n ào náo nhit như trâu xng chung. Cô dâu trang đim trong bung. Mt lũ gái gú da tường đng xem.

Mười gi đã thy bem bem. Xe nhà chú r màu kem, đi vào. Chú r đáng mt anh hào. Cao tầm thước rưỡi, đang chào bà con.

Ch hôn đng dy lon ton. Quát tháo inh i như còn thanh xuân. Hai h chào hi ân cn. Cô dâu chú r thì đn mt ra.

Ước gì đám cưới qua loa. Đ đêm hí hí, thế là xong phim. Bao năm mi gi đi tìm. Gi coi như được chết chìm cùng nhau.

Ch hôn nói mt lúc lâu. Bng nhiên Mic tt, dây đu b tuôn. Ch biết làm cách nào hơn. Ch hôn ngi xung "k con bà mày!".

Bây gi đến đon trao tay. Chú r rút nhn mt mày uy nghi. Khách kha hớn hở xầm xì. Đa bo 2 ch, đa thì mt cây.

Cô dâu hi nh: vàng tây? Chú r lm bm: tây thì đã sao? Nhn anh mua Hàng Đào. Em an tâm nhn, thôi, vào thp hương.

C 2 đng trước hương đường. Cô dâu tranh th soi gương, vut đu. Chú rm lu bu. Vái lia vái lịa hồi lâu, ri chun.

Cô dâu thoáng chút bun bun. Nm tay phụ mẫu, l tuôn m m. Chú r đóng ca đánh rm. Cô dâu git thót, đâm sm vào xe.

Đến chiu đám cưới vng hoe. Cô dâu gi đin: đã v đến nơi. B em th ht mt hơi. Thế là cc n có nơi rước ri.

(From: Yahoo! - edit by OM)

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

11.11.11

Hôm nay lại ốm, viêm họng, sụt sịt và đọc tin tức gì trên báo cũng thấy mủi lòng (chả hiểu tại sao). Công việc, bài vở bù đầu, lại bị cơ quan gọi vào họp cả buổi sáng. Nhưng hôm nay là ngày đặc biệt nên gõ vào đây mấy chữ để mai này còn có cái giở ra xem và nhớ lại cái ngày bao nhiêu năm mới có 1 lần như thế này, mình đã sống như thế nào.

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Ô, thật vậy sao?

Trong rất nhiều chuyên đề về công tác báo chí, có 1 ngày, lớp mình được học cả 2 buổi về công tác xuất bản. Giảng viên là Tổng biên tập của một nhà xuất bản (NXB) có tiếng trên toàn quốc – một nhà xuất bản vẫn đứng vững và phát triển mạnh trong thời buổi mà ngành xuất bản đang lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn như lúc này. Thầy giảng bài hay, nhưng càng nghe mình càng thấy… làm sao í, chả đúng với những điều mình nhìn thấy gì cả. Lại ghi chép ra đây một số vấn đề thầy truyền đạt, đặng giữ lại mà làm 1 tư liệu… buồn.

Thầy bảo:

- Trong một NXB, biên tập viên (BTV) luôn là linh hồn. Một cơ quan xuất bản không có BTV thì không thể gọi là NXB.
Hahaha! Vậy chớ cái chỗ chả có một mống BTV nào, toàn hành chánh với tổng hợp mà mình vẫn thấy hàng ngày í, gọi tên là gì cho đúng nhở?


- Chúng tôi rất tôn trọng BTV và lương của họ luôn phải cao nhất.
Chắc câu này thầy nói đùa? BTV chỉ làm sách, có in ấn, phát hành, buôn bán gì đâu mà có tiền! Không kiếm ra tiền thì lấy đâu ra mà trả lương cao! Đơn vị nào nhiều BTV thì lương của đơn vị đó phải thấp nhất, có khi chỉ bằng một nửa, có khi chưa bằng một nửa so với các đơn vị khác.
Rất nhiều lần, trong các cuộc họp, mấy bạn BTV có đưa ra câu hỏi đại ý là: Tại sao trong cùng một nhà mà cty của chúng tôi (tức là cty của các bạn BTV ấy mà) luôn luôn phải chịu thiệt thòi, luôn luôn nhận lương thấp hơn những cty khác. Câu trả lời mà các bạn í nhận được là thế này: Người ta có số, phải chấp nhận số phận thôi. (Mình thấy, rõ là các bạn đưa ra câu hỏi thật ngô nghê. Đúng vậy, giày dép còn có số nữa là… Nhưng có điều, số phận con người nói chung là do ông Trời định đoạt, còn số phận của BTV nói riêng thì không phải do ông Trời. Híhí, chắc là do ông nào đó bà con với ông Trời soạn thảo (?))


- BTV và Kỹ - Mỹ thuật là trái tim, là dòng chảy (thầy viết 2 dòng này ra giữa bảng và đập đập bàn tay vào những con chữ). Chúng tôi luôn làm hết sức để giữ chân những người này, vì để họ buồn, họ bỏ đi thì NXB sẽ đau lòng lắm!
Có ai đau lòng hem, giơ tay lên coi nà? Hầu hết những người quyết định chọn nghề làm sách đều là những người yêu sách vở. Họ có bỏ đi thì họ vẫn yêu sách và sẽ tìm đến những nơi khác cũng chuyên làm sách. Nhưng thời buổi mà các NXB sống lay lắt (Cả nước được mấy nhà như nhà của thầy đâu) thì họ biết đi đâu bây giờ! Cho nên cứ yên tâm làm cho họ buồn, làm họ bất mãn, mất lòng tin, chán nản… thoải con gà mái nhé!


- Hàng năm, nếu trên thế giới có hội chợ sách là chúng tôi ưu tiên cử BTV và hoạ sĩ đi dự. Chỉ có đi như thế, họ mới mở mang kiến thức, tiếp cận được những vấn đề mới mẻ, mới học tập được nghề làm sách của thiên hạ.
Thầy ơi, thế nếu có đứa đã làm nghề này mười mấy năm rồi, nhưng năm này qua năm khác chỉ ngồi một chỗ nhìn các bạn (í, các em chứ - vì toàn những người tuổi nghề ít hơn nó nhiều) đi dự hội chợ này, hội chợ kia thì sao? Có gọi nó là BTV hay hoạ sĩ được không? Nhiều em trong số đi hội chợ đó, cả đời chưa bao giờ làm 1 cuốn sách nào nên chắc là phải ưu tiên cho các em đi để biết nghề làm sách. Còn biết rồi – thậm chí có thể làm cả cuốn sách từ A đến Z - thì đi làm quái gì nữa, thầy nhở!


- Chúng tôi chỉ triệu tập BTV vào đầu giờ buổi sáng thứ 2, còn lại thì họ có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu. Thậm chí, ở NXB của chúng tôi, có những BTV lâu lâu còn sang Mỹ ở vài tháng (thầy nói tên BTV này – hoá ra là 1 bạn hoạ sĩ hồi đó học cùng trường với mình). Chỉ cần họ bảo đảm tiến độ bản thảo là chúng tôi chấp nhận. Chúng tôi quản lý cái đầu chứ không quản lý cái mông của họ.
Hơhơhơ! Thế mới biết xưa nay có rất nhiều cái mông đã được quản lý  chặt chẽ.


Là lá la. Vậy là sao ta? Nghe giảng để mà vui và ghi chép lại để mà buồn.

Mở tử vi ra xem thôi!
PS. Ghi chép này có tính chất ngành nghề chuyên biệt nên không có ô bình luận để tránh làm mất thời giờ của bạn bè.
Đã đi học là phải ghi chép thôi, nên nếu ai không vừa lòng với ghi chép này thì cũng xin thông cảm! Bạn không nhất thiết phải vào nhà mình và đọc những điều làm cho bạn khó chịu, xin mời ra ngoài kia vì ở đó chắc chắn có rất nhiều điều dễ nghe đang chờ bạn.

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Dấn thân


thi_nang_ngach2011 - Upanh.com

Mình bị kẹt vào một cuộc chiến không lối ra. Đang chuẩn bị tư thế để hi sinh sao cho anh dũng!

PS: Mới vào nhà bạn De&Soi và cười một chặp về "Sát thủ đầu mưng mủ". Muốn viết bài mà không có thời gian nên đề nghị các gái cho ý kiến về chuyện này nhé! OM rất quan tâm các gái nghĩ gì.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Nhặt nhạnh chữ của thầy

Thầy nguyên là Bộ trưởng Bộ TT-TT, nay đã nghỉ hưu. Thầy dạy lớp mình 2 buổi và đó là 2 buổi hiếm hoi mà mình không ngáp, cũng không loay hoay online với cái Ipod. Đây không phải entry, chỉ là nhặt nhạnh vài ý của thầy mà mình thấy cần lưu tâm, có dịp thì sẽ kiểm chứng lại, post lên đây để khỏi quên.

- Trong thời gian tới, báo giấy có thể sẽ mất đi, nhưng sách giấy thì không mất.
- Hãy làm sách sao cho có thể dùng để làm phim.
- Người ta có thể đọc báo để học cách làm giàu, nhưng muốn làm người thì phải đọc sách.


- Những triều đại thịnh là những triều đại tôn trọng đạo đức. Nhìn vào một triều đại mà các giá trị đạo đức bị đảo lộn thì đó là triều đại suy.
- Người có đức mà không có tài dễ trì trệ. Người có tài mà không có đức dễ dẫn đến hỗn loạn (Lý Quang Diệu).
- 5 tiêu chuẩn để chọn người lý tưởng: Học lực sinh đồ ; Gia cư hạ túc ; Vật lực khả khang ; Đức hạnh ôn hoà ; Ngôn ngữ khả tín. (Lê Thánh Tông)
- Đáng sợ nhất là 3 loại người: Dốt mà không biết mình dốt ; Nói và làm khác nhau ; Tham lam + danh vọng.
- Trong gia đình cũng như trong một tập thể, người thông minh nhân hậu lại thường hay bị thiệt thòi nhiều nhất. (Làm lãnh đạo phải quan tâm đến vấn đề này).
- Từ cổ chí kim, người quân tử thường chết vì tiểu nhân.
- Tập thể không biết bảo vệ nhau, để cho người xấu lộng hành là tập thể nhu nhược.
- Người lãnh đạo có tài là người biết tập trung những người tài xung quanh mình. Ngược lại, nếu thấy người tài quay lưng lại và bỏ đi, ta có thể kết luận lãnh đạo là người bất tài!
-  Người ta sinh ra, bản chất là hướng thiện. Nếu người ta trở nên xấu và ác thì chính là do người lãnh đạo xấu và ác.
- Bạn hãy thử nghỉ việc đi đâu vài ngày. Trong thời gian bạn đi, nếu công việc gặp khó khăn ách tắc thì bạn có quyền tự hào một chút. Bằng không, nếu công việc vẫn trôi chảy thì phải xem lại, hẳn bạn là người vô tích sự.

- Người có văn hoá là người: mới gặp họ thì ngại, nói chuyện với họ thì khoái, chia tay họ rồi thì muốn gặp lại.
- Nếu cần khám phá một người phụ nữ, bạn nên tập trung khám phá từ cổ nàng trở lên, từ cổ trở xuống thì nói chung là giống nhau thôi.

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Ngày đầu tiên đi học

Hôm nay trời nắng chang chang
OM đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một mẩu bánh mì
Và mang một túi đồ nghề con con

(Xin lỗi bạn Phan Thị Vàng Anh nhé!)

Túi đồ nghề của OM gồm có:
- 2 quyển giáo trình (mua hết hơn 200 nghìn, đang lo, không biết học xong thì sẽ làm gì với 2 cuốn này. Cân kí bán thì chắc là lỗ to!). Cái này là món quý nhất trong túi, vì nó là chiếc chìa khoá (trong 1 chùm chìa khoá to tướng) giúp OM lên ngạch.
- 1 bịch thuốc tây đủ loại gồm thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, vitamin, sát trùng đường hô hấp, men tiêu hoá, giảm ho… Cái này là món quan trọng thứ nhì giúp OM đủ sức tồn tại từ đầu cho đến cuối buổi học.
- 2 cái điện thoại: 1 cái dành cho bạn bè và 1 cái dành cho cơ quan. Khi nào cảm thấy cái cho cơ quan đã làm việc đủ năng suất rồi thì tắt đi.
- 1 cái Ipod bé tí, vừa đủ để lên mạng theo dõi mấy mục đáng quan tâm như: dự báo thời tiết, giá vàng, hàng khuyến mãi, hay là gái nào mới viết bài đưa lên blog, v.v…
- Kính lão, gương, lược, kẹo, giấy chùi mũi (tất nhiên, vì không thể gặp các anh thầy mà thò lò mũi được).
Còn vài thứ khác, nhưng chắc hẳn đã là gái thì ai cũng sẽ có những thứ đó trong túi, nên OM không phải kể ra nữa. Tóm lại là đồ nghề đi học rất gọn gàng.


Ngày đầu vào lớp, OM đến bàn đăng ký, liếc thấy giữa một dãy cán bộ ngồi nghiêm chỉnh tiếp nhận học viên, có một  em giai trẻ măng. OM tiến đến trước mặt, mỉm cười với em: “Cho chị xin 1 tờ đăng ký!”. Em lễ phép đưa tờ giấy bằng 2 tay. Vừa định hỏi “Em là sinh viên trường này à?” thì em đã tự giới thiệu: “Em là giáo viên chủ nhiệm lớp chị” (Icon choáng).

Tiếp theo, OM lại choáng lần nữa khi thầy dạy chuyên đề đầu tiên bước vào. Thầy sáng long lanh, cao mét 8, kính trắng, miệng cười duyên. Khi thầy đi ngang qua, OM nhận thấy hương nước hoa Armani for men cùng với hương của lăn khử mùi Gucci cứ lảng bảng trong bầu không khí “im lặng đến tê người”. Thầy giảng bài, giọng đầm ấm, thiết tha, nhưng OM chả hiểu gì mấy bởi lúc thầy đứng xa thì OM mải mê nhìn thầy, còn khi thầy lại gần, OM lại bị chi phối bởi… hắt hơi. Vừa hắt hơi vừa nhớ tới thơ Xuân Diệu:
Quái lạ sao mà cứ hắt hơi
Hắt hơi liên tục chẳng nghỉ ngơi
Xin thầy đứng xa xa ra tí
Kẻo em chết mất, ối thầy ơi
!”
(Ủa, mà không biết có phải thơ Xuân Diệu không? Nhớ mang máng thế).


Chắc thầy biết rõ ưu điểm long lanh của mình nên suốt buổi học, thầy tranh thủ cầm micro, vừa giảng bài vừa đi lại giữa các dãy bàn trong lớp y như phong cách mấy ca sĩ biểu diễn rời khỏi sân khấu, xuống giao lưu cùng khán giả. Thầy cứ giảng mấy câu lại bất ngờ đưa mic cho một học viên kém may mắn nào đó ở gần thầy và hỏi: “Em hiểu gì về vấn đề tôi vừa nêu?”. OM hãi quá nên cứ thấy thầy đi gần đến chỗ mình là lại cúi gằm mặt xuống và lại… hắt hơi. (Lạ thật!).

Toàn bộ bài giảng của thầy chả liên quan gì đến công việc chuyên môn của OM.  Ơn trời, buổi học thứ nhất cũng kết thúc vào lúc 4h30 chiều, và cuối cùng, OM chỉ hiểu được mấy điều thế này:
- Đi học mới biết: Ở nước ta, có công ty nhập rác thải của thế giới (những thứ mà các nước tiên tiến đã bỏ đi từ mấy chục năm nay), đem về cho dân mình xài.
- Đi học mới biết: May quá, OM không làm nhà báo, vì nếu mà OM làm nhà báo thì chắc sẽ chỉ viết được những bài kiểu như Kẹt xe thường xuyên ở giao lộ ABC, Diễn viên XYZ lộ hàng, Giá vàng tăng giảm, Bí quyết để “cưa” chàng…, hay đại loại như thế thôi! (Bạn nào đã từng được mấy thầy ở Ban Tuyên giáo giảng bài thì chắc cũng có cùng ý nghĩ này)
- Đi học mới biết: Có nâng ngạch thì mình cũng vẫn 3 năm được tăng lương 1 lần chứ có được tăng sớm hơn đâu (nhưng khi biết thì đã muộn, vì đã lỡ… đi học rồi)


Thôi thì đành… đi học.

Nhân đây, OM cũng muốn viết 1 tờ đơn xin phép, đại ý thế này:

CHXHCNVN
ĐL-TD-HP
Đơn xin phép
Kính gửi các Gái mạng
Tui là OM
Tui viết đơn này kính xin các Gái mạng cho tui được nghỉ blog chừng 4 tuần.
Lý do: Tui mắc đi học cả ngày, tối về lại phải tranh thủ làm việc cơ quan và dạy dỗ chồng con nên không còn thời gian chơi blog nữa.
Kính mong các Gái mạng xem xét và giải quyết đơn này của tui.
Trân trọng cảm ơn


Kí tên
Một đam mê, một dại khờ




Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

UỐNG TRÀ VỚI BA

Tôi hẹn với ba “Chiều đi làm về con ghé”, ba bảo “Ừ, từ ngày ba mẹ chia tay nhau, ba ít gặp con. Chiều qua đây nhé, ba chờ!”

Hết giờ làm việc, tôi chạy về nhà ba. Việc đầu tiên là pha một ấm trà ngon. Ba thích uống trà, nên công đoạn pha trà cũng phải đúng quy cách: tráng ấm bằng nước thật sôi, bỏ trà vào ấm rồi rót ít nước sôi vào để đánh thức búp trà, lắc qua lắc lại rồi đổ nước đi, lần rót nước tiếp theo mới là lần để trà ra nước. Tách trà cũng phải tráng qua bằng nước sôi, rót ra tách xong lại đổ vào bình, rồi lại rót ra một lần nữa. Bây giờ mới là lúc uống trà.

Ba im lặng nhìn tôi pha trà, có vẻ hài lòng với cách thức bài bản của con gái. Xoay xoay tách trà nóng trong tay, tôi hỏi: “Sao ba cứ nhìn con? Thôi, con đã về ngồi đây rồi, cần nói với con chuyện gì, ba cứ nói đi!”
- Lâu ngày không gặp, ba chỉ muốn biết cuộc sống của con thế nào thôi, có hạnh phúc không?
Hình như ông bố nào cũng hay hỏi con mình câu đó. Tôi nhìn tách trà trong tay, đáp:
- Hạnh phúc xem ra cũng vô chừng lắm ba ạ. Nói về gia đình thì con không có gì để phiền muộn cả. Chồng con biết lao động, biết thương yêu vợ con – tất nhiên là thương yêu theo cách của anh ấy chứ không biểu hiện như cách ở nhà mình. Con trai con mau lớn, ngoan ngoãn, biết nghe lời… Nói tóm lại, có vẻ con là người hạnh phúc.


Ba nhìn sâu vào mắt tôi:
- Sao lại là “có vẻ” hả con?
- Thế cho nên con mới nói hạnh phúc là vô chừng. Ngoài gia đình ra, con còn có công việc ngoài xã hội. Mà chắc chắn con là người không thành công trong công việc của mình. Có một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu con, rằng có phải mình đã chọn nhầm đường? Câu hỏi đôi khi như một cái gai nhọn làm cho mình thật vướng víu, khó chịu, ba ạ.
Ba gật đầu:
- Ba hiểu ý con. Bây giờ con tạm gác câu hỏi đó sang một bên và tự hỏi mình một câu khác đi. Chẳng hạn: Mỗi buổi sang ngủ dậy, con có thấy đi làm như là một cực hình không? Khi bắt đầu một việc gì đó, con có suy nghĩ cách nào để làm cho tốt không? Và khi đã bắt tay vào làm việc đó, con có cảm thấy hứng thú không?
- Tất nhiên là cảm giác của con về công việc luôn tích cực.
- Vậy, tóm lại là con yêu công việc?
- Vâng, chắc chắn là con yêu nó rồi. Con đã thử bỏ nghề một lần hồi năm ngoái, nhưng cầm trong tay tiền lương người ta trả cho một công việc chán ngắt, con thấy đời mình rõ là vô nghĩa quá!
- Vậy là con chọn đúng đường đấy chứ!
- Nếu mình chưa thử hết các con đường thì làm sao biết được đúng sai hả ba?
- Ba luôn nhớ câu ngạn ngữ: “không bao giờ là muộn cả”, cho nên nếu con cảm thấy còn sức lực, còn cơ hội thì cứ thử. Nhưng đôi khi phải lựa chọn một trong hai, đôi khi phải hi sinh, đôi khi lại đi lạc lần nữa… Con dám không?


Tôi phì cười:
- Lâu lâu gặp nhau mà ba con mình nói chuyện triết lý ghê quá! Con biết con đã qua cái tuổi để sục vào khám phá tất cả các con đường mà mình nhìn thấy. Tuổi của con hiện thời, cách phù hợp nhất là đi tiếp con đường mình chọn. Nhưng khổ nỗi, phía trước mặt con bây giờ mông lung, mù mịt, chẳng biết lối nào mà đi.
- Nếu quá tầm nhìn của mình thì nhìn từng bước thôi con ạ. Ba không kỳ vọng con phải là người giỏi giang, nhìn xa trông rộng, nắm tương lai trong tay. Con là con thôi, cứ sống với chính mình. Ba không sợ con thất bại trong sự nghiệp, chỉ sợ một ngày con không còn đam mê, không còn lửa ở trong lòng, không còn tình yêu…, lúc đó đời con chắc buồn lắm. Mà con buồn thì ba cũng chẳng vui gì!


Miệng thốt ra từ “buồn”, nhưng mắt ba cười, tôi cũng cười. Thỉnh thoảng lên gân lên cốt, triết lý với nhau một tí.

Có tiếng dép đi lên cầu thang. Tôi bảo:
- Mẹ lên kìa, ba nói chuyện với mẹ đi! Hôm nay cuối, con tranh thủ thăm ba, tuần sau con phải đi học mấy tháng rồi, chắc không có thời gian trò chuyện thế này.
Ba se se bộ ria liếc nhìn ra phía cửa:
- Lại đi học à! Thế nghĩa là con vẫn còn trẻ. Cứ tranh thủ học đi, đường còn dài mà.


Tất nhiên rồi, tôi vẫn còn trẻ, vẫn phải tiếp tục học, dẫu phía trước còn đang… là gì đi nữa. Bao nhiêu năm nay, ba vẫn dõi theo từng bước chân con gái trên suốt quãng đường quanh co, mệt nhoài này. Đường tôi chọn không bằng phẳng như cả ba và tôi đều mong muốn, nhưng tôi sẽ vừa đi vừa gánh nước tưới cho đám hoa hai bên đường. Sau này, lỡ đám con cháu mình lại chọn đúng con đường này, ít ra chúng sẽ được ngắm hoa đẹp. Cứ tưởng tượng vậy đi!
Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 18 của ba. Tôi cắm nén nhang lên bàn thờ không quên thì thầm "ba phù hộ cho cả nhà mình mạnh khoẻ nhé!". Nhang Bắc, mùi thơm dìu dịu, khói bay lan cả căn phòng ướp vào cả tách trà trên tay.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Cho người tình lỡ

Chiều xuống, mặt trời đỏ mọng buông nốt vạt nắng cuối ngày xuống lưng đồi làm những bóng cây ven triền dốc như đổ dài thêm. Dòng sông tít xa mãi phía dưới kia lững thững chảy, cuốn theo bóng nước vàng sóng sánh hư ảo. Tôi chợt nghĩ “có lẽ mình đang mơ”. Mọi thứ xung quanh lúc ẩn lúc hiện, lúc vàng rực một màu nắng chiều, lúc lại ngả bàng bạc như trong một bức tranh nào đó của Monet. Tôi đang đi với anh. Chỉ có hai chúng tôi ở trên đồi, bóng hai đứa như ngả nằm xuống mặt đất. Giữa cái mênh mông đến hư ảo và đẹp như không có thật, cả hai cùng ngỡ ngàng đến lặng cả người, không ai dám cất tiếng, sợ âm thanh của mình làm tan mất tất cả.

Nắng tắt dần, mặt trời như lỏng dần rồi từ từ tan chảy, kéo theo những vạt nắng lui ra xa. Bất giác, tôi thấy chân mình đang chạy đuổi theo những vạt nắng, như muốn níu nó nán lại lâu thêm chút nữa. Nhưng không kịp, không kịp rồi…

Và bỗng chốc, tôi thấy mình đang đi lạc vào một nghĩa trang. Không còn nắng, nghĩa trang như không có màu. Lạ thật, trên đời này làm gì có sự vật nào hiện hữu mà không có màu? Nhưng rõ ràng tôi nhìn thấy mọi thứ trong nghĩa trang đang trở nên trong veo: những ngôi mộ lát đá trong đến nỗi như lẫn với cỏ cây, cỏ cây lẫn với đất, đất lẫn với những chiếc ghế đá dọc lối đi, lối đi trên mặt đất lẫn với mây ở cuối chân trời… Những đám mây bồng bềnh, thay đổi hình dạng, lúc thì những cánh hoa tuyết, lúc lại mang hình dáng những ngôi nhà có cửa sổ khuất sau màn mưa…

Tôi gọi tên anh. Nhưng không thấy anh đâu. Dường như anh đã trở nên trong suốt lẫn vào tất cả. Tôi cuống cuồng chạy quanh tìm anh, nhưng chẳng thấy gì ngoài một mình mình giữa nghĩa trang không màu, đẹp như truyện cổ tích và lạnh lẽo đến rợn người. Tôi gào lên khản cả giọng…

“Em! Tỉnh dậy đi!”

Có tiếng người gọi xa lắc như từ phía cuối những đám mây.

Phải mất vài giây nữa tôi mới tỉnh lại. Chồng nằm bên cạnh đang vừa ngái ngủ vừa lay lay vai tôi. “Em vừa nằm mơ”. Tôi thanh minh. Anh “ừ” rồi quay lưng lại, ngủ tiếp không thấy thắc mắc gì. Chắc trong mơ, tôi đã không gọi tên “người kia”. Thật hú hồn!

Những giấc mơ tương tự như thế này đã theo tôi trong suốt mười mấy năm qua, kể từ ngày tôi quyết định chia tay anh. Trong những giấc mơ đó, cảnh vật luôn đẹp đến man dại với đủ các sắc màu, mà bình thường, không bao giờ tôi thấy được. Tôi luôn đi bên anh, cùng anh chứng kiến tất cả, nhưng đến phút cuối cùng, bao giờ anh cũng tan biến, chẳng để cho tôi kịp nói với anh một lời chia tay…

Tôi chẳng kể cho ai nghe về giấc mơ của mình vì có kể thì cũng chẳng ai hình dung được. Thậm chí tôi còn nghe nhiều người nói rằng giấc mơ của họ chỉ có sự kiện chứ không bao giờ có màu. Mà hình như trước khi chia tay anh, tôi cũng chỉ toàn nằm mơ những giấc mơ đen trắng. Mơ đen trắng giản dị hơn mơ màu. Mơ đen trắng nhẹ nhàng hơn mơ màu. Mơ đen trắng không làm ta tái tê mỗi khi tỉnh dậy…

Tôi đến với anh năm tôi vừa vào lớp 11. Thực ra, từ trước đó rất lâu, có lẽ là từ khi 5-6 tuổi, tôi đã mơ về một người như anh, nhưng chỉ đến năm 16 tuổi, tôi mới gặp anh lần đầu. Anh làm tôi mê đắm đến quên ăn, quên ngủ. Tôi lao vào anh như thiêu thân. Tôi sẵn sàng bỏ cả xem phim, bỏ cả đi chơi với bạn bè, cả viết truyện – một công việc mà tôi ưa thích nhất thời đó – chỉ để được im lặng bên anh. Tôi thích được ở bên anh mọi lúc mọi nơi: trong một chuyến đạp xe ra ngoại thành, khi lang thang ở một bến sông, lúc nhẩn nha đi trong rừng cao su đường Sơn Quán – nơi có nghĩa trang thành phố trầm mặc, hoặc ngồi với nhau trong ánh sáng mờ ảo của một căn phòng chật hẹp, ngột ngạt… Chỉ cần có anh bên cạnh là tôi biết mình đang hạnh phúc.

Tôi gắn bó với anh từ lớp 11 năm ấy cho đến khi học trường ĐH thứ nhất, rồi trường ĐH thứ hai, rồi năm đầu đi làm. Tôi biết mình yêu anh nhiều hơn là nhận được tình yêu từ anh. Đáp lại tình yêu của tôi, anh chỉ “vờn vờn”, đôi khi anh xoa đầu tôi như cách người lớn vỗ về trẻ nhỏ. Tôi nhận những cái xoa đầu của anh, biết rằng cuộc tình này không dành cho mình. Chuyện gì đến rồi cũng phải đến.

Tôi có người mới. Người mới không làm tôi mê đắm như đã mê đắm anh, nhưng tôi tìm được sự tin cậy và an bình. Một tình yêu không giông tố như mùa mưa bão, không khúc khuỷu như sông, cũng không rực lửa mùa hè. Đó là một tình yêu mà tôi cần để đi suốt cuộc đời.

Từ đó, tôi từ giã những giấc mơ đen trắng để mơ những giấc mơ màu, Dẫu biết rằng khi tỉnh dậy, những giấc mơ màu luôn làm tôi khắc khoải, nhưng tôi sẽ không đánh đổi bất cứ giấc mơ màu nào của mình để quay lại giấc mơ đen trắng giản đơn ngày xưa. Cuộc đời cho ta những ngã rẽ để ta tự mình chọn lựa, cũng cho ta những giấc mơ màu để nhắc ta đã từng trải qua một thời, một cuộc tình như thế.

…………………….

Hôm rồi, sau chuyến đi với nhóm “Gái mạng”, chị ĐN có rủ rê quay trở lại “Đầm xương khô” (Tên chị ấy đặt cho một cái đầm mà cả nhóm tình cờ gặp trên đường đi). Đầm có vẻ đẹp mê hồn, làm tôi – trong một phút giây nào đó – chợt nghĩ “hay là mình lại mơ?”. Nơi ấy đẹp thế, nhưng rồi tôi từ chối không quay trở lại cùng với chị. Thực ra, tôi có cùng lúc mấy lý do để không đi, nhưng lý do lớn nhất thì chưa thể giải thích cho chị hiểu.

Hôm nay, tôi viết bài này cho anh – người tình lỡ - và cũng là một lời thanh minh gửi đến chị ĐN.
Nhưng tôi cam đoan là đọc đến đây, chị ĐN cũng vẫn chưa hiểu gì, cho đến khi chị ấy bấm vào đây  và đọc lại những gì chị ấy đã đọc vào một lần trước. Đừng đọc tất cả, chỉ đọc đoạn số 3 thôi, để biết “Anh” là ai, nhé!

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

KẸT XE

PN. từ Mỹ về chơi. Nó định cư ở Mỹ đã được hơn 5 năm. Lần này về, nàng TN. và tôi chợt nảy ra ý định nhân dịp PN về, tụ tập mấy đứa bạn học từ hồi cấp II, gặp nhau tám cho vui. Mấy chục năm rồi, từ hồi rời trường cấp II Khởi Nghĩa, chúng tôi không gặp nhau. Bạn cùng lớp tứ tán khắp nơi, còn tìm được số điện thoại để gọi cho nhau đã là một điều cực kỳ may mắn.

TN. nhiệt tình lục lọi, hỏi thăm người này người kia, cuối cùng rủ thêm được 3 bạn nữa. Cuộc vui bắt đầu từ buổi trưa ở nhà TN. và dự định kết thúc vào giác khuya tại nhà hàng Tân cảng do chồng của N. lớp trưởng. – PGD khu du lịch BQ – làm chủ xị. Chương trình gồm có ăn trưa với bò nướng ở nhà TN, chụp ảnh lưu niệm, nằm dài tám với nhau chuyện xưa xửa xừa xưa và chuyện nay nảy này nay (tất nhiên). Sau đó cả bọn sẽ diện đầm đẹp, leo lên xe hơi của đại gia TN, thẳng tiến đến nhà hàng Tân cảng ăn món lẩu và đặc sản nướng. “Tăng 2” sẽ có chồng của các nàng cùng tham dự.

Chương trình là thế, nhưng đến chiều, PN. lại có việc phải đi. Không kịp thay váy  đẹp, nó leo lên xe máy, chỉ kịp hẹn với chúng tôi là sẽ gặp nhau trước cổng nhà hàng.

Đúng như kế hoạch, 5 giờ rưỡi, đám con gái – nay đã thành các mợ son phấn, váy đầm các kiểu -  leo lên chiếc xe hơi 7 chỗ sang trọng, hiệu gì đó mà tôi không biết, hoặc có biết thì cũng sẽ không thể lưu được vào cái bộ nhớ vốn chật cứng những lo toan của mình. Xe chậm chạp lăn bánh qua những con đường nườm nượp toàn những người là người, khó khăn lắm mới vượt qua được chục cái ngã tư đèn xanh đèn đỏ để rẽ vào đường ĐBP. Nhưng chẳng được bao lâu thì xe lọt vào giữa một rừng xe hơi đậu ken kín, san sát nhau. Thôi chết, kẹt xe rồi!




Ket xe




Đúng là kẹt thật. Qua cửa kính xe, tôi nhìn thấy đám tài xế taxi bắt đầu mở cửa xe, leo lên vỉa hè kiễng chân nhìn dáo dác. Không biết nguyên nhân kẹt xe là gì, và cũng không biết bắt đầu kẹt từ đoạn nào, cả đám sồn sồn ngồi trong xe thở dài ngao ngán. Kẹt xe, chuyện duy nhất có thể làm là tiếp tục tám. Nàng BP. kể về cửa hàng thời trang nho nhỏ do mình làm chủ, về chuyện bận rộn đưa đón những đứa cháu con anh con chị, về cuộc sống độc thân của mình. Nàng TP. kể về cửa hàng uốn tóc của nó ở mãi tận đẩu tận đâu ngoại vi thành phố mà có nghe đến chục lần nữa, tôi cũng chẳng biết chính xác nó nằm ở chỗ nào. Nàng TN. kể về công việc hàng ngày của mình: sáng dậy lo bữa ăn sáng cho cả nhà, chở con đi học, chạy qua nhà ngoại chăm sóc ba đang ốm, rồi lại đón con, lại chở con đi học… loay hoay như vậy suốt từ thứ hai đến thứ sáu. Cuối tuần thì vợ chồng đi Bình Dương chăm lo 30 mẫu cao su. Chừng ấy cao su để biến hai vợ chồng từ trắng tay trở thành đại gia, và để bây giờ, mấy đứa bạn có thể ngồi trên chiếc xe hơi khô ráo này khi ngoài trời bắt đầu đổ cơn mưa dữ dội.

Tôi cũng tham gia tám với đám bạn, nhưng chẳng còn mấy hồ hởi như ban đầu. Tôi đang lo PN không biết giờ này đang ở đâu?

14, 15 tuổi, PN là đứa bạn thân nhất của tôi, thân đến nỗi tôi vẫn thường nghĩ rằng mai mốt chúng tôi sẽ kiếm chồng ở gần gần để lúc nào cũng có thể gặp nhau nếu muốn. Tôi đem dự tính này kể cho mẹ. Mẹ tôi ngồi may vá gì đó, không ngẩng lên, bảo: “Ở tuổi con, đứa con gái nào chả có bạn thân. Lớn lên, nào chồng nào con, có khi cả mấy năm chẳng buồn gặp nhau ấy chứ!”. Tôi cười: “Tụi con sẽ không như vậy đâu!”.  PN ở với mẹ và hai đứa em. Nó nhanh nhẹn, thông minh nhưng mặt luôn buồn rười rượi vì một nỗi mặc cảm mà chẳng mấy khi nó muốn chia sẻ với ai -  nỗi mặc cảm của đứa con gái bị cha bỏ rơi. Cuộc sống của tôi thì suôn sẻ hơn nên tôi vô tư, nhiều khi vô tình chạm vào nỗi đau của nó mà chẳng hay biết gì. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục chơi thân với nhau, chia nhau từng cái bánh ngon hoặc không ngon, từng trái khế ngọt hoặc chua lè, từng quyển sách giấy vàng ố, chữ lem nhem như giấy gói hàng… Năm cuối cùng của cấp II kết thúc, chúng tôi cùng thi đậu vào một trường cấp III, nhưng chỉ có tôi là tiếp tục học, còn PN thì rẽ ngang sang trường trung cấp chuyên nghiệp, vì đó là con đường ngắn nhất để nó có thể kiếm tiền phụ với mẹ nuôi 2 đứa em. Trường PN học ở tận Thủ Đức. Ngày chia tay, nó rưng rưng chực khóc, tôi buồn tê tái. Thủ Đức cách SG đến hơn 20 cây số, đạp xe thấy quãng đường thật xa, nên những lần gặp nhau ngày một  thưa thớt dần, nghe phong phanh nó đã yêu. Ừ, yêu thì yêu, đường xa thì đường xa, điều ấy không hề làm ảnh hưởng đến tình bạn của hai đứa. Nhưng rồi lại nghe phong phanh chuyện yêu đương của nó trục trặc, chuyện gia đình của nó khó khăn về kinh tế... Rồi một ngày, nó thông báo với tôi: “Tao đi lao động nước ngoài, mày ạ”. Nó đi. Đi như chạy trốn người yêu. Đi như một cách giải thoát khỏi cái nghèo khó. Tôi không đi tiễn nó. Phải đối diện với những cuộc chia tay luôn là điều tôi ghét.

PN sang một nước Đông Âu xa lắc xa lơ mà tôi chả bao giờ được biết đến qua sách truyện hay phim ảnh. Thỉnh thoảng, nó viết thư cho tôi. Trong thư của nó, mỗi từ ngữ đều như căng mọng những giọt nước mắt. Nó mang em gái sang nuôi và không có ý định quay về nước nữa. Lại nghe đâu nó đã qua mấy cuộc tình dang dở…

Những tưởng PN định cư ở cái xứ xa lắc đó luôn, nào ngờ, một ngày nó xuất hiện ở SG, cũng đột ngột như ngày nó quyết định ra đi. Nó về để chuẩn bị đi đến một đất nước thứ 3, nơi có một tình yêu đích thực và người đàn ông mà nó dự định lấy làm chồng…

Trời vẫn mưa như trút. Chẳng biết PN đã đến nơi chưa hay vẫn ở ngoài đường. Tôi sốt ruột định rút điện thoại ra gọi thì vừa hay có tiếng chuông đổ. Trong máy, tiếng nó lẫn vào tiếng mưa: “Tao đi lạc đường rồi! Qua khỏi cầu SG mới biết là mình lạc thì không có đường quay lại nữa, đành phải tiếp tục thôi, đến ngã tư Bình Thới may ra…” Ôi trời, khổ thân quá! Đám bạn gái ngồi trong xe khô ráo ồ lên vẻ thông cảm.

 Hình như chúng nó không biết chuyện PN hồi ấy…

Hồi ấy, nó đã tìm được một tình yêu đích thực và quyết tâm lặn lội sang một nước thứ 3 để thăm quê hương chồng sắp cưới. Đi chưa được bao lâu, tôi lại thấy nó quay về. “Tao huỷ đám cưới” – Nó thông báo cụt ngủn như vậy. Đằng sau lời thông báo cụt ngủn, tôi nhìn thấy một nỗi đau nào đó mà có lẽ ai chưa trải qua thì sẽ không thể hình dung được.

Điện thoại lại rung. “Xe tôi bon bon trên dặm đường…”, bản nhạc quen thuộc tôi cài vào điện thoại reo ầm ĩ như trêu tức mọi người khi trên thực tế, chiếc xe không còn một khoảng trống nào để nhúc nhích. “Tao tìm được chỗ quay xe rồi” – PN thông báo.

Hơn mười năm trước, sau cú ngã đau điếng, cuối cùng PN cũng tìm được lối quay lại. Đám cưới của nó, tôi vui như dự đám cưới của chị em trong nhà. Cô dâu rạng rỡ ôm hoa lên sân khấu hát với chú rể. Lâu lắm rồi tôi mới được nhìn thấy nó có nụ cười như vậy. Cả cô dâu và chú rể đều không còn trẻ nữa. Đám cưới làm cho hai họ và bạn bè vui mừng hớn hở. Sau đám cưới, một đứa trẻ bụ bẫm như cha và gương mặt sáng sủa, thông minh như mẹ ra đời Nhưng rồi mọi thứ cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Chỉ vài tháng sau khi nó có con, tôi lại được nghe kể về những cuộc cãi vã bất tận…

Chuyện gì đến cũng phải đến, PN thông báo “Tao li dị”. Tôi chưa hết bàng hoàng thì nó thông báo tiếp “Tao phải đi, không thể ở đây được nữa”. Tôi thử lựa lời khuyên giải, nó lắng nghe và im lặng. Rồi nó bế con sang Mỹ, tay trắng làm lại từ đầu. Ngày nó ra sân bay, tôi nhắn tin “Tao không đi tiễn. Chúc mày mọi sự tốt lành”. Tôi không gửi email cho PN như hồi xưa hai đứa đã từng gửi thư cho nhau. Thỉnh thoảng thấy tên nó xuất hiện trên cửa sổ chat, tôi nhảy vào, hỏi thăm câu được câu mất. Nó không có thời gian chat, không thể mở email kiểm tra thư vì quá bận. Tôi tìm thấy tên nó trên mạng xã hội, chỉ để thỉnh thoảng cứ đến sinh nhật và ngày lễ lại gửi một tin nhắc chúc mừng và không bao giờ nhận được hồi âm. Dường như công cuộc mưu sinh trên đất Mỹ luôn đưa những kẻ tay trắng như vào vòng xoáy quay cuồng như vậy! Gặp nhau, nó thanh minh: “Tao vừa đi làm, vừa học thêm một nghề khác hẳn nghề trước đây tao đã học. Biết là phài dành thời gian cho người thân, nhưng tao đâu còn con đường nào khác”. Tôi gật đầu. Hiểu mà! Tụi mình từ xưa đến giờ vẫn hiểu nhau, đâu cần phải nói nhiều.

Trời tối sầm. Mưa ngớt một lúc rồi lại đổ xuống ầm ầm. Cái gạt nước phải làm việc liên tục mà mọi thứ trước mắt vẫn nhoè nhoẹt. Đã bảy rưỡi. PN lại gọi điện. Tôi bảo: “Thương mày quá PN ơi, nhưng bọn tao biết làm sao bây giờ, ráng chịu đi”. Nó đáp: “Tao ướt hết rồi đây này”. Tôi biết. Từ lúc quen PN đến bây giờ, đời nó có bao giờ khô đâu. Hôm nay có ướt thì cũng chỉ là thêm ướt mà thôi! 5-10 phút nữa tiếp tục trôi, mãi đến khi sức chịu đựng của mọi người xem chừng đã sắp biến thành cơn phẫn nộ thì từ phía sau có tiếng hú còi của xe mô tô cảnh sát. Lại thêm vài phút nữa, những chiếc xe hơi phía trước đã bắt đầu nhúc nhích. Tôi gọi điện cho PN: “Cố lên nhé, xe bắt đầu thông rồi”. Ở đầu bên kia, nó cười hiền: kiểu gì thì cũng phải chờ thôi.

Mưa bớt nặng hạt. Xe lăn bánh. Mọi người thở phào: Có thế chứ! Phía trước là ngã tư Hàng Xanh, là con đường dẫn tới nơi chúng tôi hẹn nhau. Tôi hình dung ra PN với bộ quần áo ướt sũng nhưng gương mặt rạng rỡ khi nhìn thấy chúng tôi. Chắc nó cũng biết, ở xứ ta, kẹt xe là chuyện thường ngày, nhất là vào mùa mưa. Nhưng cơn mưa nào rồi cũng tạnh, kẹt xe hàng giờ thì cũng đến lúc phải thông. Cố lên PN nhé! Kiểu gì thì mày cũng phải chờ tao, giống như kiểu gì thì tao cũng sẽ đến gặp mày, ngồi bên cạnh mày như hồi xưa. Và mình sẽ lại tiếp tục cuộc vui, mặc kệ trời mưa, mặc kệ dự báo khi quay về có thể kẹt xe lần nữa.
Chuông điện thoại của tôi reo vang bản nhạc cũ  “Xe tôi bon bon trên dặm đường…” Tôi mỉm cười nghe giọng thân thuộc của nó ở đầu dây bên kia: “Tao vẫn chờ mày nè!”

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Loanh quanh chuyện giáo dục

Chuyện thứ nhất: kỷ luật nhà trường
Cháu gái OM năm nay lên lớp 11. Cháu học trường mà ngày xưa, cách đây 25 năm, OM đã học. Thực ra chỉ có tên trường là còn quen thuộc, chứ mọi thứ liên quan đến ngôi trường đó nay đã trở nên xa lạ mất rồi. Cháu kể chuyện:
- Trường con đóng cửa lúc 6h20 mỗi sáng. Trước đây, nếu lỡ đi học sau khi cổng trường đóng thì sẽ bị ghi tên, ghi tên nhiều lần thì sẽ bị phê bình hoặc hạ hạnh kiểm, nhưng bây giờ khác rồi. Bây giờ nếu lỡ đi trễ dù chỉ 2 phút thì nên biến thật nhanh, về nhà rồi viết giấy xin phép. Lỡ mà thò mặt vào trường thì sẽ bị ghi tên, trừ điểm hạnh kiểm và bị đuổi về, coi như nghỉ học không phép. Nữ sinh vào trường đi giày sandals, hoặc giày hở mũi là bị đuổi! Mặc váy ngang đầu gối cũng đuổi! Gửi xe trong trường lấy ra rất khó khăn và tốn 2000đ, trong khi  gửi ở ngoài vừa dễ dàng, vừa chỉ tốn 1500đ, nhưng nếu bắt được HS nào gửi xe ở ngoài là đuổi. Tóm lại là sẽ có rất nhiều trường hợp bị đuổi.(Hãi quá!)
Nhưng đó không phải là chuyện shock. Cháu kể chuyện shock hơn:
- Có lần con vào lớp lúc trái buổi. Con nhìn thấy có một cặp lớp trên đang làm “chuyện ấy” ở cuối lớp. Con chạy xuống thông báo với thầy chủ nhiệm, thầy đang mải chơi thể thao nên bảo “Kệ nó!”. Thế là thôi. Lần sau con còn bắt gặp thêm 1 lần nữa, nhưng con “kệ nó” luôn!
OM nghe cháu kể mà thấy rụng rời. Để lục xem Yahoo có cái icon nào che tai, không. Nếu không có, chắc phải đề nghị Yahoo bổ sung thêm cái icon này, đặng chuyên dùng khi nghe chuyện kỷ luật của trường THPT.


Chuyện thứ hai: Bài tập về nhà
Chưa đến ngày khai giảng, nhưng hôm nào đi học, bạn Tí Nhân cũng mang về nhà 1 tờ giấy photo khổ A4 chi chít bài tập Toán và Tiếng Việt. Tối tối, bạn Tí Nhân không còn thời gian chạy ra sân chơi nữa, thay vào đó là ăn cơm xong lập tức bị mẹ hò hét ngồi vào bàn học (mẹ đâu có muốn thế, nhưng không ngồi học giờ đó thì sẽ không kịp để đi ngủ lúc 10h30). Trên tờ giấy bài tập, mẹ – với tư cách là biên tập viên – phát hiện ra vô số lỗi về câu chữ. Nhưng thôi, chuyện ấy bỏ qua, chỉ show lên đây một vài bài (còn nhiều, nhưng mẹ không có thời gian show) mà mẹ không hiểu gì cả, hoặc không hiểu vì sao lại sai.


 
Bai tap lop 4_1

 
Bai tap lop 4_2

Mẹ chuyên làm thơ lục bát, vần “ồn” mà mẹ còn gieo được một cách thanh thoát, nhưng đến cái bài tìm vần này thì mẹ bó… toàn thân, chắc trình độ làm thơ lục bát của cô giáo thuộc loại siêu rồi, mẹ không bắt kịp! Chỉ tội nghiệp Tí Nhân, sáng nào ngủ dậy, câu đầu tiên cũng là: “Đi học như đi vào địa ngục, con muốn chuyển trường, mẹ ơi!” Mẹ thầm nghĩ: “Chuyển thì đâm đầu vào đâu hả con?” Mẹ làm sao có đủ khả năng để chuyển con sang “hệ” khác!

Chuyện thứ ba: Làm sách giáo khoa
Việc thay đổi chương trình sách giáo khoa là việc của Bộ GD&ĐT, việc xuất bản SGK là việc của NXBGD, và việc làm SGK là việc của cả một đội ngũ… to đùng những người chữ thì nhiều mà tiền thì ít. Khi có chủ trương thay SGK thì đội ngũ to đùng này phải khởi động trước đó ít nhất 6-7 năm. Họ “ăn SGK, ngủ SGK”, đến những ngày nước rút thì tất cả đều bị cuốn vào cái gọi là “chiến dịch SGK”. Trong mùa chiến dịch, cả đội quân miền Nam, miền Trung đều đổ ra miền Bắc, bỏ cả vợ / chồng con cái, gia đình của mình để ra đóng đô ở Hà Nội 2-3 tháng. Suốt những tháng chiến dịch, đội quân này làm từ 7h30 sáng đến thâu đêm, cao điểm có khi đến 1-2h sáng – với quyết tâm “Không để sách có lỗi”. Và sau đó, kết quả là những cuốn SGK thấm đầy mồ hôi, nước mắt – theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen – ra đời. Sau đó nữa thì sao? Đơn giản thôi, họ được thông báo là SGK năm nào cũng lỗ hàng tỉ đồng, NXB không thể nuôi được họ nên buộc họ phải ra công ty cổ phần để tự bươn chải, sống bằng… gì thì sống, miễn là không phải bằng SGK! Bữa trước có người bạn hỏi OM rằng  lương của đám nhiều chữ này khoảng bao nhiêu, OM thành thật khai lương nhiêu đó, bạn bảo rằng: “thế thì bằng lương tạp vụ bên mình”.
Nếu bỏ ra từng ấy công sức, từng ấy mồ hôi và chất xám để năm nào cũng lỗ, và lương trí thức ở nơi này chỉ bằng lương tạp vụ ở nơi khác thì cái giá để trả cho sự nghiệp trồng người quả là…
Nhưng cái vụ này OM chỉ viết lên đây, không có nói với ai đâu à nha! Đừng vì lỡ đọc bài này mà đổ tội cho OM đem chuyện nội bộ đi nói linh tinh.  Icon che miệng đâu, mang ra đây ngay!


Chuyện thứ tư: Quậy bùn khua sóng
Đọc bài viết này trên báo Thanh niên, OM thấy khó chịu quá. Bạn nào quan tâm đến sách giáo khoa thì chịu khó vào đây mà đọc, đọc xong thì đừng tin nhé. Bài viết đề cập đến 2 vấn đề, thứ nhất là trong SGK Tiếng Việt lớp 1, kênh hình không chuyển tải được nội dung kênh chữ, thứ hai là chuyện tuỳ tiện khi viết hoa hoặc không viết hoa tên của các con vật.
Tác giả bài viết là một vị tiến sĩ (eo ôi, nể quá!). Ông bảo: Xếp hàng vào lớp mà vẽ học sinh bá va bá cổ, cười đùa (chạnh lòng nghĩ ngay đến trẻ con, phen này xếp hàng vào lớp, mặt mũi phải nghiêm trọng, hàng phải thẳng tắp như đi vào… tù thì mới rõ vấn đề) ; Bài học thì ao, hồ, giếng, thế mà vẽ có cái giếng với cái ao, không vẽ hồ ; Bài học thì Nghe lời cha mẹ, thế mà chỉ vẽ mỗi mẹ (chết thật, quên không vẽ cha, phen này cả một thế hệ học sinh sẽ chỉ nghe lời mẹ thôi, không nghe lời cha). OM là hoạ sĩ trình bày nên đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Đọc bài xong rồi trộm nghĩ: May quá, các ông trên Bộ không đưa mấy bài đồng dao hay thơ Trần Đăng Khoa vào sách. Mấy bài này vốn rất nhiều hình ảnh, chẳng hạn:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba Vương mũ đế
Bắt dế đi tìm
Con chim làm tổ
Miếng mỡ mèo tha
Bà già chết cóng
(Đồng dao)
Hay là:
Một vùng trời đất hôm nay
Trời đầy én bạc, đất đầy ô tô
Biển đầy tiếng hát câu hò
Việt Nam gương mặt Bác Hồ sáng tươi
(Trần Đăng Khoa)
Thì lấy giấy đâu ra mà vẽ nhỉ? Nếu cố lắm, lấy 1 trang giấy ra để vẽ cho đủ từng ấy nhân vật thì thế nào cũng bị dư luận chửi bới là lãng phí giấy, tiền lại đổ lên đầu phụ huynh
Ý thứ hai, tác giả cho rằng SGK đã tuỳ tiện, cùng là tên con vật, nhưng chỗ viết hoa, chỗ lại viết thường. Ui, tức quá, tức quá! Không biết hồi tiểu học, ông tiến sĩ này có được học bài nhân cách hoá không mà không phân biệt được ngữ cảnh của từng bài nhỉ?
OM hơi buồn vì báo Thanh Niên chắc cũng nghĩ tiến sĩ viết ra là phải đúng, nên đã duyệt đăng bài này. Nhưng thôi, xét cho cùng thì có được bài thế này, chắc là toà soạn cũng mừng rồi, vì không cho đăng những bài kiểu như thế thì loanh quanh chắc cũng chỉ mấy bài đâm chém nhau ở bệnh viện, giá vàng tăng giảm, học sinh tấn công bạn hay là xác định nghi can cướp tiệm vàng…, đại loại thế thôi! Bạn nào cho OM mượn cái icon che mắt để gắn vào đây nhé!


Vậy là đủ bộ 3 Icon dành cho giáo dục rồi. Mượn tạm hình này bên nhà Mintar trong khi chờ đợi Yahoo nâng cấp:

 
Ba Khong

 

Bây giờ OM viết bài về giáo dục đưa lên bờ lốc, lát nữa, chiều về phải nghĩ cách làm sao mà gặp được cô giáo chủ nhiệm lớp của bạn Tí Nhân, đặng mà thọ giáo cô về cách làm bài tập sao cho đúng. Mẹ ngại quá Tí Nhân ơi.  Mẹ còn ngại thế, thảo nào mà con cứ suốt ngày đòi chuyển trường. Chao ôi là khổ!

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Khổ

Trên đời này có nhiều nỗi khổ. Một trong những nỗi khổ đó là đi ăn chơi.

Này nhé, sau một đêm lăn qua lăn lại vì hồi hộp, đúng 5 giờ sáng, OM phải lật đật thức dậy, làm vệ sinh nhanh như lính, rồi vai đeo balô, cổ đeo túi xách vừa đi vừa chạy đến nhà bác Dona cách nhà OM khoảng 800m. Hôm trước, bác Dona đã nhắn tin cho OM là bác phải dậy từ rất sớm để lo cơm nước cho cả nhà rồi mới đi được (khổ chưa!). Vì vậy, đến cửa nhà, sau khi gọi vào máy di động của bác, nghe giọng đầm ấm bên kia bảo: “Chờ chị một lát”, OM yên tâm ngồi đợi. Đúng 7 phút 52 giây sau, OM thấy bóng bác lao ra cửa như một cơn lốc màu da cam (hình như thế). Cơn lốc màu… gì đó, tóc chưa kịp chải bay tung trong gió, bảo: “Vào xe đi”. OM phóng vào xe, sập cửa. Chiếc xe đẹp đẽ băng qua đường tắt, lao thẳng vào những vũng bùn làm bùn văng lên tung toé và chỉ trong nháy mắt đã ra đến phố. Lúc này OM mới kịp nhìn thấy bác mặc áo màu xám và đỏ, quần lửng rách một lỗ ở đầu gối. Thương chưa!

Hai chị em làm một cái vèo đến 400 LHP, thấy 3 gái đã đứng chờ sẵn. Em TV cao, gầy nổi bật giữa 2 chị. Em tay xách nách mang lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ đặc sản vào làm quà cho các chị gái mạng mà em chưa gặp bao giờ.  Rõ khổ! Ông bà ta vẫn bảo như thế là dại gái, em thừa biết từ ấy, nhưng vẫn dấn thân. Ăn chơi mà, có mấy khi sung sướng!

Xe đến Bò sữa Long Thành, 5 gái xuống xe gọi cà phê và xử lý bánh mì cùng chả cá của em TV. Bác Dona tranh thủ mở laptop ra làm việc. Các gái còn lại thì tranh thủ chụp hình. Khổ thân các gái, ở bò sữa Long Thành thì có gì đẹp mà chụp, có lẽ đẹp nhất là… ti của mấy ả bò cái thôi! Nhưng OM không thích mấy cái ti đó, nên đăng ảnh bác Dona lên thế chỗ vậy.

 
IMG_2809

Bác Dona vốn đã khổ nhiều lần vì ăn chơi, nên lái xe rẽ vào đảo Long Sơn để các bạn có dịp nếm nỗi khổ một lần cho biết. Trên đường ra đảo, bác dừng xe 2 lần để cho các gái tự đày đoạ mình bằng cách lội sình đi chụp hình. Ở Sài Gòn biết bao nhiêu phong cảnh đẹp như Đầm sen đầm súng, Suối tiên suối bụt, Nhà Rồng nhà rắn… thì chả chụp, lại kéo nhau ra mấy cái đầm ngập mặn, cây cối thì cụt ngủn, trơ xương mà đứng tạo dáng đủ kiểu chụp hình.

 
IMG_2814

IMG_2861

IMG_2857

Ra đảo phải đi bằng tàu. Bác Dona không quên dặn các bạn: “Áo phao để ở trên đầu, hễ tàu chìm thì còn biết chỗ mà lấy xuống”. OM nghĩ: lấy xuống chắc gì đã kịp mặc, mà có mặc rồi chắc gì đã nổi, có em TV gầy thế, may ra… Ơn trời, cuối cùng tàu cũng ghé vào đảo.

Nhà hàng trên đảo phải ngồi xẹp xuống sàn gỗ, gió trời thay cho máy lạnh. Đồ ăn thì chả có cao lương mỹ vị gì: mấy con sò huyết sốt me, dăm con cá gì mà mồm ngoác ra như mồm ếch, gà thì đúng gà quê mùa, cả ngày chạy loanh quanh nên đùi thể thao chắc nịch. Cá với gà nướng muối ớt, ăn vào bỗng chạnh lòng nhớ bạn Taconem. Có bạn í ở đây thế nào bạn cũng bảo “nhức nách”. (Lúc còn hàn vi ở KTX, bạn Taconem nổi tiếng với câu cửa miệng không đụng hàng, mỗi khi ăn gì đặc biệt, bạn í đều bảo “ngon nhức nách”).

 
IMG_2915

Sau khi ăn uống quần quật, các gái dẫn nhau quay lại bờ bên kia, tiếp tục hành trình ra Long Hải. Các gái chê resort TD ở phía ngoài, phòng ốc gì mà có 3,6 triệu/đêm, không bõ cái công vượt hơn trăm cây số. Bác Dona đành chiều theo cái tính đỏng đảnh của các gái, lái xe vào sâu thêm 20km nữa ở KS xịn hơn. (quả là xịn, hôm sau tính tiền, 5 người hết những… 1 triệu. Chưa thấy ở đâu có cái giá như vậy). Nhận phòng xong, thay vì nghỉ ngơi thì 4 gái lại tiếp tục tự hành hạ mình bằng các màn trình diễn đồ mát mẻ với đủ các kiểu dáng.
IMG_2991

IMG_2993

IMG_2984

IMG_3028

Bác Dona thì tự nhốt mình trong phòng, ôm em laptop, đến nỗi chả thấy mặt mũi bác đâu. May quá, chộp được tấm này khi bác vừa ló mặt ra (tay vẫn còn cầm kính kìa).

 
IMG_2985a

Vì vào sâu quá nên buổi tối cả bọn phải lái xe đi thật xa mới đến quán ăn. Lại cũng không được ngồi trong restaurant máy lạnh mà phải ngồi ở một cái chòi bên hồ nước. Lại phải ăn uống quần quật hết gỏi cá đến lẩu, mệt phờ đến nỗi sau khi ăn, chẳng còn thiết đi đâu ngoài việc chạy bay về KS. Bác Dona mở một chai rượu sữa, bắt các gái phải uống và nghe bác kể chuyện tình. Chuyện của bác kết thúc cũng là lúc rượu vơi, các gái rơm rớm cảm động với chuyện tình tự kể, sụt sịt một lúc trước khi lần lượt đi vào giấc ngủ. Bác Gà con và bác Dona ngủ chung với nhau, bác Dona lăn qua lăn lại, chắc vì dư âm của câu chuyện tình vẫn còn vương vấn đâu đây, muốn ôm ai đó mà chả lẽ lại ôm… bác Gà con, nên trằn trọc hoài không ngủ được.

Buổi sáng hôm sau vẫn còn niều nỗi khổ nữa, trong đó có 1 pha bác Dona lái xe chạy đua với thời gian y như trong phim Mỹ, nhưng OM bận quá, không có thời gian kể chi tiết. Thôi, nhấn phím FF tua nhanh vậy. Đại khái là TV mua vé xe khách khởi hành lúc 11h ở SG. Biết là không thể đến kịp nên gọi điện cho nhà xe. Nhà xe giao hẹn sẽ chỉ chờ đến đúng 11h5’. Bác Dona đã xuất sắc lăn bánh đến mũi xe khách lúc 11h4’, kết thúc 1 chuyến du lịch cực kỳ vất vả.

Không có nỗi khổ nào như nỗi khổ đi du lịch! Tuy vậy, OM vẫn muốn mình khổ mỗi tháng 1 lần để có dịp rèn luyện ý chí. Phen này phải xin làm đệ tử của bác Dona thôi!  Tèn ten ten!
IMG_3074

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Nhà xinh cái tỉnh tình tinh cũng...

Câu vìu thế thôi, tại vì sang nhà bác Dona thấy show bài lên sớm quá nên mình cũng nóng lòng muốn câu 3 bạn ở xa.




Hoa chuối ở hiên nhà bác Dona nhé! Giữa trời mưa, bác đội nón ra vườn cắt cái hoa này để đón các gái quê nè!






Vào nhà bác choáng luôn vì nội thất màu sắc cực đẹp và sang trọng.






Ku nhà bác - trộm vía - to khoẻ và đầy cá tính (nghe đồn). Gái 7 đang nhìn Ku đầy trìu mến.






Gái 7 phấn khởi vào bếp (làm màu mè để chụp hình thôi, chứ còn việc gì nữa đâu!)






Chẹp chẹp! Có mẹ bầu nào thèm không nhỉ?
Tóm lại mọi thứ đều hoàn hảo.






Tóm lại, nhà xinh cái tỉnh tình tinh cũng... tuyệt vời!



Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Gái mạng

Bận quá, không có thời gian viết bài nên vẽ chân dung thay cho bài viết vậy. Ưu tiên từ nhỏ đến lớn nhé!

Gái 1:Nhà em trồng một vườn hoa
Em đem em tặng mỗi nhà vài bông
Hoa lan hoa cúc hoa hồng
Chị em hớn hở từ trong ra ngoài.


Gái 2:Chuyện rằng ngày xửa ngày xưa
Có nàng ếch mẹ tuổi vừa bốn mươi
Nhăm nhe mơ chức bà nôi (bà nội)
Vừa chơi blog vừa chơi… bú bình.


Gái 3:Xưa em ngang dọc tung hoành
Nay em hiền dịu loanh quanh bên chồng
Cây tình nay đã trổ bông
Lùm lùm một trái bạn trông phát thèm!


Gái 4:Mặn mà khỏi chấm nước tương
Giai nào ngó thấy cũng thương em liền
Má em có lúm đồng tiền
Em cười một phát ló duyên ra ngoài.


Gái 5:Em là gái đã có chồng
Chả thèm tơ tưởng mấy ông già già
Em mê nhất chị Dona
Mê nhì là mấy giai nhà (blog) xung quanh.


Gái 6:Đời tui khoái mấy món này:
Váy đầm, cơm Pháp áo dài, guốc cao
Tui đắt “kép”, đắt cả “đào”
Thấy tui, gái mạng ào ào tấn công.


Gái 7:Ai về xứ Huế mưa sa
Áo dài tha thướt đã là ngày xưa
Bây giờ quần lửng xì-po
Ăn chơi bát ngát chẳng thua thằng (Tây) nào.

Xong rồi. Của ai người nấy nhận nha. Ủa, còn em nào nữa nhớ hoài không ra nhỉ?

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Nghỉ mát

Lúc trước, khi mọi người trong cơ quan còn chung một mái nhà yên ấm, mỗi dịp hè đến là công đoàn lại tổ chức đi nghỉ mát. Nghỉ mát cho ra nghỉ mát! Tức là mọi người sẽ được giải lao 3-4 ngày ở Đà Lạt, Mũi Né, Nha Trang hay đâu đó xa xa Sài Gòn. Chuyện xưa rồi! Bây giờ chia năm xẻ bảy, người bỗng dưng khá thì sẽ đi nghỉ theo kiểu bỗng dưng khá, còn người bỗng dưng nghèo thì đi gần thôi, Vũng Tàu chẳng hạn. Vừa đi du lịch, người bỗng dưng nghèo vừa kết hợp công tác luôn. Công ty bỗng dưng nghèo thu xếp cho nhân viên ở nhà nghỉ có sẵn của công ty mẹ, cơm ăn tổng cộng 3 bữa kể cả tô bún bò buổi sáng, trưa thứ sáu đi, trưa thứ bảy ta lại kéo nhau về. Nghỉ mát ngon bổ rẻ!

Nhưng mà xem ra mình chả thích ngon bổ rẻ, cho nên rủ vài bạn quyết ở lại thêm một ngày nữa để có thể tự hào thấy mình “vượt lên trên số phận”.

Thế là bye bye các đồng nghiệp, ra về vui vẻ nhé, tớ cuốn gói đi sang khách sạn khác, đường hoàng rút một nắm tiền (nói cho oai ấy mà, thực ra thì vài trăm lẻ thôi), bảo với em tiếp tân: “thu xếp cho tụi chị một phòng 3 người nhé, tiền không thành vấn đề!”. Em tiếp tân uể oải lệnh cho em phục vụ phòng: “đưa các chị xuống phòng 007” (nghe giống tên điệp viên quá!). Mình theo em phục vụ phòng đi – đúng là đi xuống phòng chứ không phải đi lên phòng – Ôi không, tiền không thành vấn đề nên ta kiên quyết không ở cái phòng gì mà phải đi xuống như thế! Quay về phòng khách, em tiếp tân lại lệnh: “Đưa các chị lên”. Lần này thì đúng là đi lên. Tầng 2, tầng 3… vẫn chưa đến nơi. Hoá ra là em đưa các chị lên tầng 3 rưỡi – tầng áp mái. Các chị sung sướng thả phịch ba-lô xuống. Việc đầu tiên là bật máy lạnh. Ơ hơ, bật lạnh hết cỡ mà chả thấy lạnh, nhìn kỹ lại mới thấy máy lạnh hiệu Panasonic, còn remote hiệu Fucheng hay cái gì đại loại thế. Em phục vụ phòng bảo remote để chơi thôi, không phải để xài. Máy lạnh thì cứ để nguyên như thế, lát nữa là mát ngay, chả thua gì quạt máy đâu các chị ạ. Các chị chặc lưỡi: “Thôi, thông cảm, khách sạn của nhà nước mà, bao giờ cổ phần hoá như các chị đây thì mọi thứ sẽ khác ngay. Lúc ấy máy lạnh sẽ tha hồ mà lạnh, KS các em sẽ tha hồ mà thu tiền của khách và các em sẽ tha hồ mà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến đến chỗ… bỗng dưng nghèo”.

Nghỉ một lúc, định đi tắm biển thì trời bỗng dưng tối sầm. Nhưng đã ở lại, lẽ nào lại ngồi trong phòng mà nhìn trời mưa, nên các chị quyết tâm phải ra biển. KS cách biển 500m, vừa ra đến nơi thì trời đổ mưa. Eo ôi lạnh, vừa tắm vừa run lập cập nhưng miệng thì vẫn hát vang: “Ah… Ah… Ah… 4 nghìn năm ta lại là ta / Từ trong hang đá chui ra / Vươn vai một cái rồi ta chui vào. Ah… Ah… Ah…”
 Vung tau 1

Chiều tối, 3 chị dẫn nhau đi ăn. Ghẹ 390/kí. Oh, tiền chả thành vấn đề, nhưng đắt quá thì ta chả ăn! Tôm 320/kí. Oh, ăn tôm có lẽ tốt cho sức khoẻ, và ăn nửa kí thì tốt cho sức khoẻ hơn là ăn cả kí. Mình giữ tiền cho 2 đứa kia. Ăn tối xong, thấy tiền còn rủng rỉnh, mình hào phóng hỏi các bạn xem có nhu cầu ăn uống chơi bời gì nữa không. Bạn nào thích ăn gì mình cũng chiều, nhưng ăn xong thì chịu khó đi bộ 3, 5km về KS cho tiêu cơm nhé! Đi 1 tiếng đồng hồ, cuối cùng thì cũng về đến KS, tiết kiệm một khoản tiền taxi (3 chục ngàn cơ đấy, nhiều ơi là nhiều!), và kết quả thật khả quan: các chị không cần hít thở bằng bụng, chẳng cần tập Yoga cũng chẳng kịp đếm đến 100 để dỗ giấc ngủ, đã lập tức mơ về nơi xa lắm vì quá mệt.

Buổi sáng, mặt trời thò lên từ biển và ló mặt vào cái cửa sổ áp mái không có rèm của KS. 3 chị dậy, ăn sáng bằng bánh mì với đồ hộp (tranh thủ mua từ tối hôm qua) rồi tiếp tục tranh thủ chụp hình. KS bèo nhưng mà được cái khung cảnh đẹp, lên ảnh lại càng thơ mộng hơn.


Vung tau 5

Chỗ này nằm trong khuôn viên KS nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy ai qua lại, mình trộm nghĩ giá mà có người yêu dẫn ra đây ngồi tâm sự thì thật tuyệt! Nghĩ xong rồi nghĩ lại: Ủa, sao lại phải dẫn ra đây? Dẫn thẳng vào cái phòng phía sau có phải tiện hơn không! Rõ là mình không còn trẻ nữa (gọi là không còn trẻ vì mình chúa ghét từ “già”) để mà tốn một mớ thời gian cho mơ mộng.
Vung tau 3

Buổi trưa, 3 chị trả phòng KS đúng giờ, đi ăn cơm rồi ra bến xe khách về lại SG. Về đến bến xe miền Đông, các chị leo lên xe bus máy lạnh mát hơn ở KS, lại được nhà xe khuyến mãi nhạc sến suốt cả chặng đường. Mình về cơ quan rồi ung dung alô gọi chồng đến đón, y như là đi công tác thật.

Kiểm lại thấy vẫn còn thừa tiền, chả biết làm gì nên mình đem ảnh đi rửa. Rửa thế nào mà vẫn chưa hết tiền. Lạ thật! Hoá ra không thích nghỉ mát kiểu ngon bổ rẻ nhưng loanh quanh thế nào lại vẫn cứ ngon bổ rẻ mà chơi, và thấy mình vẫn chưa thoát khỏi diện xoá đói giảm nghèo.

Bạn này chắc đang bảo phải lên kế hoạch nghỉ mát tập 2, còn mình đang nghĩ gì đây nhỉ?
Vung tau 4