.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Viết cho ngày 31-1-2014

Đây là hình ảnh một đám cưới diễn ra vào những năm cuối của thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Cô dâu và chú rể là bạn học cùng trường.  Cô dâu không có áo dài, không đeo hoa, làm tóc. Chú rể là học sinh miền Nam tập kết, không nhà cửa, không một xu dính túi, nhưng họ vô cùng hạnh phúc.




















Đám cưới vào ngày mùng 2 Tết năm trước thì mùng 3 Tết năm sau, một đứa bé gái ra đời. Lúc mẹ nó lên bàn sanh cũng là lúc đất nước bước vào một trận đánh dữ dội, đầy đau thương và nước mắt. Người mẹ phải bế đứa trẻ còn đỏ hỏn xuống hầm trú ẩn để tránh một trận bom Mỹ dội xuống Hà Nội. Thời điểm đó, có một nhà báo người Đức đã kịp thời bấm máy, ghi lại cái khoảnh khắc người mẹ ôm chặt đứa trẻ dưới hầm, mắt ngước nhìn lên bầu trời. Nghe nói bức ảnh sau đó đã được giải thưởng và được phóng to, treo ở vị trí trung tâm trên đường phố Hà Nội. Tiếc là thời đó ta chẳng có phương tiện gì để lưu giữ, nên sự kiện ấy qua đi và không ai còn nhớ đến nữa.
Nhưng chẳng hề gì! Đứa trẻ vẫn sống với tuổi thơ đầy bom đạn, vẫn lớn lên trong sự yêu thương của ông bà, cha mẹ, người thân.

Rồi đứa trẻ trưởng thành. Với nó, cuộc đời đôi khi chẳng như mơ. Đôi khi nó cũng cảm thấy bế tắc, không lối thoát. Đôi khi nó cũng cô đơn không biết chia sẻ cùng ai. Nhưng chính vào những lúc bế tắc nhất, cô đơn nhất, nó luôn tìm thấy những cánh cửa bất chợt mở ra, nơi có những vòng tay bạn bè đang dang rộng.

Cám ơn cha mẹ đã cho nó một hình hài. Cám ơn cuộc đời đã cho nó những điều bất ngờ, tựa như chậu cây ta trồng ngoài cửa sổ, bỗng một ngày nảy ra những nụ hoa xinh đẹp đến ngỡ ngàng.


Chúc mừng Năm Mới!

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Tám với con trai

Hôm nay là ngày con tròn 12 tuổi. Hỏi con muốn tổ chức sinh nhật như thế nào, con bảo không muốn tổ chức gì cả. Vậy là lần đầu tiên mẹ không tổ chức sinh nhật cho con. Chủ nhật, sắp Tết, ba mẹ chạy ngược chạy xuôi cả ngày, tối lại có bạn mời đi ăn nhậu. Giờ về nhà, con lăn ra ngủ, mẹ không ngủ được lại có nhu cầu tám với con.

Con biết không, hồi ba mẹ mới lấy nhau, mẹ để ý thấy ba rất ít khi nói chuyện với ông Nội con. Mỗi lần ông Nội muốn trò chuyện, ba chỉ ngồi im nghe, vâng dạ chút ít cho có, hầu như chẳng bao giờ tham gia vào câu chuyện. Mẹ lựa lời hỏi, nhưng ba chỉ ậm ừ, không trả lời. Sau này, tự tìm hiểu, mẹ mới biết là ba giận ông Nội.

Hồi xưa, ông bà Nội cưới nhau được đúng 2 tháng là ông xung phong đi lính Cộng hoà – thực chất là đi hoạt động các mạng – để bà ở nhà một mình. Năm đó bà mới 20 tuổi. Mỗi lần ông về thăm nhà, bà lại mang bầu, rồi sanh đẻ và nuôi con một mình. Đến khi tổ chức của ông bị tan rã, ông mới quay trở lại làm công việc một kỹ sư bình thường, nhưng thời gian cũng chẳng được bao lâu. Ngày giải phóng Sài Gòn, không ai đứng ra làm chứng là ông đã từng tham gia cách mạng, nên ông không được chính quyền giải phóng công nhận. Từ một kỹ sư, lương đủ nuôi cả một gia đình, ông bị đưa xuống thành một người thợ, lương bổng còm cõi chỉ đủ nuôi bản thân. Ông thành người bất đắc chí. Từ những năm 70, ông đã chọn con đường tu hành.
Năm 78, ông bà nội đưa ba và các cô chú rời Sài Gòn, về quê sinh sống. Từ đó đến nay, ông đi suốt. Một phần vì đạo của ông có trụ sở ở Sài gòn, một phần vì ông không thể ngồi yên được một chỗ. Dường như sứ mệnh của ông là phải đi. Như vậy là suốt từ thời trai trẻ cho đến khi già, ông đã đi không ngừng nghỉ, để bà ở nhà một mình. Chính vì vậy mà ba giận ông.

Nhưng gần đây thì có vẻ như ba đã hiểu ra điều gì đó. Ba không còn giận ông nữa. Lần nào ông lên nhà mình, ba cũng dành rất nhiều thời gian trò chuyện với ông, có hôm ông và ba ngồi nói chuyện đến 11 giờ khuya. Mẹ cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm với sự thay đổi ấy.

Con ạ, mẹ muốn hỏi con một điều. Nếu sau này ba con cũng đi tu, có khi cũng để mẹ ở nhà một mình thì con có giận ba không? Mẹ hiểu, trong trường hợp như vậy, nếu con giận ba thì cũng có nghĩa là con rất yêu thương mẹ. Nhưng mẹ muốn nhắc nhở con rằng, nếu có giận ba thì mẹ sẽ phải là người đầu tiên giận. Còn nếu mẹ không giận thì con cũng không nên, và không được giận ba, con nhé!

Mẹ đã yêu ba, đã lấy ba vì nghĩ đó là người đàn ông mà cuộc đời dành riêng cho mẹ. Nhưng nếu đến một ngày, ba cảm thấy ba có một sứ mệnh nào đó cao cả hơn mà ba cần dâng hiến thì mẹ cũng sẽ chấp nhận điều đó. Thay vì giận, con hãy hướng tâm trí vào một việc khác, chẳng hạn hãy thương yêu, chăm sóc và dành thời gian ở bên cạnh người phụ nữ của con, bên cạnh gia đình của con nhiều hơn. Khi trong lòng muốn giận ba, con chỉ cần nhớ lại một điều này thôi: ba đã yêu thương con nhiều lắm, nhiều hơn những gì con có thể cảm được, hình dung được. Đơn giản, vì ba là ba của con.

Thỉnh thoảng cả nhà mình được một chuyến đi chơi. Ba mẹ đều đi làm, con thì đi học nên cả nhà thu xếp để đi với nhau được không phải chuyện dễ. Thường thì mình chỉ đi Vũng Tàu. Mỗi lần ra Vũng tàu, mẹ đều cố ý chụp ảnh hai cha con. Những bức ảnh mẹ chụp hầu hết là trên cùng một con đường. 





























Thỉnh thoảng mẹ lại đem ảnh ra ngắm. Con đường mà ba dẫn con đi – từ khi con chập chững cho đến nay – cứ mỗi ngày một thay đổi, và con thì cũng dần lớn lên. Phía cuối con đường này sẽ dẫn mình đến đâu, mẹ chưa đi hết nên cũng không rõ, chỉ biết là mẹ thích ngắm hai cha con cùng nhau đi trên con đường đẹp đẽ đó, thích lắm cơ, con trai ạ!

(Mạng nhà mình lại chập cheng, mẹ không đăng bài được. Thôi, lại phải đợi ngày mai vậy. Mẹ không thể làm nhà báo vì cứ luôn chậm chân như vậy đó!)

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Trao đổi với Như Mai

Bạn Như Mai có một bài viết rất hay, phân tích bài thơ EM CHUYỂN MÙA CHO PHỐ của tác giả Nguyễn Thanh Vân.
Bấm vào đây xem bài viết

Mình rất khâm phục khả năng cảm nhận và phân tích thơ của bạn. Tuy nhiên, có một đoạn mình chưa hài lòng lắm và Như Mai đề nghị mình nói rõ hơn. Có điều, nếu bình luận ở nhà Như Mai thì phần bình luận sẽ quá dài và có thể làm ảnh hưởng đến nhiều bạn bè khác khi vào nhà bạn, nên mình viết nhanh bài này thay cho câu trả lời của mình ở bên ấy.

Đoạn mà mình muốn trao đổi như sau:
Thông thường, nhiếp ảnh gia là người sao chép lại những gì họ muốn lưu giữ một cách chân thực bằng kỹ năng để cho ra đời một bức tranh đẹp. Họa sĩ tái hiện lại bằng nét vẽ có thể thực, có thể hư cấu và hướng người khác đi theo cái nhìn của họ bằng tài năng không theo kiểu ghi “biên bản” mà là một “bản hòa ca” hòa vào trong từng nét vẽ... Người làm thơ thì triển khai ý tưởng trên nền cái chân thực hoặc hư cấu để thăng hoa cảm xúc và "vẽ" nó theo cách riêng của họ mà không một họa sĩ tài ba nào có thể “phối màu” để vẽ nên hay một nhiếp ảnh gia nào có thể sao, chụp lại được. Trong bài thơ này, tác giả đã dẫn dắt người xem đến với những thông điệp khác nhau mà anh muốn gửi gắm qua xúc cảm hòa vào từng con chữ bằng trí tưởng tượng về một “bóng hồng” là chủ điểm của bức tranh trẻ trung, sinh động.

1. Thông thường, nhiếp ảnh gia là người sao chép lại những gì họ muốn lưu giữ một cách chân thực bằng kỹ năng để cho ra đời một bức tranh đẹp.

Mình không cho rằng công việc của một nhiếp ảnh gia là “sao chép”. Khi đã là nghệ thuật thì người làm nghệ thuật là nghệ sĩ, mà nghệ sĩ thì không thể sao chép bất cứ điều gì. Nghệ sĩ chỉ có thể sáng tạo.

Những bức ảnh này có phải là sao chép chân thực không?













































Nhà nhiếp ảnh không cho ra đời một bức tranh đẹp. Nhà nhiếp ảnh sẽ cho ra đời những bức ảnh – có thể đẹp theo nghĩa thông thường, cũng có thể không phải là đẹp theo nghĩa thông thường, mà là đem lại cho người xem một cảm giác hay cảm xúc nào đó. Chẳng hạn như bức ảnh dưới đây (tác phẩm đoạt giải ảnh phóng sự Pulitzer 2011).

















Bức ảnh này có đẹp không nhỉ?



(Về “tranh” và “ảnh” thì mình đoán bạn Như Mai gõ nhầm thôi. Điều mình muốn nhấn mạnh là không phải tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng nào cũng phải đẹp theo nghĩa thông thường).

2. Họa sĩ tái hiện lại bằng nét vẽ có thể thực, có thể hư cấu và hướng người khác đi theo cái nhìn của họ bằng tài năng không theo kiểu ghi “biên bản” mà là một “bản hòa ca” hòa vào trong từng nét vẽ.

Nét vẽ thực là thế nào? Nét vẽ hư cấu là thế nào? Hix… hix…, mình không hiểu? Và nữa, bản hoà ca vào trong từng nét vẽ là gì, mình cũng không hiểu nốt!

3. Người làm thơ thì triển khai ý tưởng trên nền cái chân thực hoặc hư cấu để thăng hoa cảm xúc và "vẽ" nó theo cách riêng của họ mà không một họa sĩ tài ba nào có thể “phối màu” để vẽ nên hay một nhiếp ảnh gia nào có thể sao, chụp lại được.

Bạn đã khập khiễng khi so sánh nhà thơ với nhà nhiếp ảnh và hoạ sĩ rồi! Mỗi “nhà” sẽ có một kiểu diễn đạt riêng chứ! Chẳng hạn nếu mình nói “Phở có thể cho ta một vị ngon đặc biệt tuyệt vời mà không một loại bún hay hủ tiếu nào có thể làm được” thì… sao ta? Hihi!

Hay có phải ý bạn muốn nói rằng cái cách riêng của nhà thơ là họ có thể “vẽ” nên những điều mà ta chỉ có thể đọc thấy, cảm thấy chứ không nhìn thấy? Vậy thì mình giới thiệu với Như Mai hai bức tranh nổi tiếng thế giới mà mình thích lắm lắm, nha!

Sự dai dẳng của kí ức. Salvador Dali


Thời điểm ra đời của bức tranh này, tại châu Âu xuất hiện hai cách nhìn về thế giới, một là thuyết tương đối của Einstein, hai là nhận thức của con người qua phân tích của chuyên gia tâm lý Freud. Cả hai nhà tư tưởng này đều ảnh hưởng lớn đến Dalí. Thông qua việc khắc họa trạng thái mộng mị trong Sự dai dẳng của ký ức, Dalí khơi gợi nhiều học thuyết mà chưa họa sĩ nào hay bất cứ người nào nghĩ đến. Trong khi xem xét mối tương quan giữa vạn vật trong vũ trụ theo học thuyết của Einstein, ông đã miêu tả chúng theo luận điểm của nhà tâm lý học Freud, nêu bật những khía cạnh siêu thực của thế giới.

Nụ hôn. Gustav Kilimt


Bức tranh này được mệnh danh là tượng đài bất diệt của tình yêu và “được khao khát nhất” trên thị trường nghệ thuật (do Gallery mỹ thuật OverstockArt.com công bố). Bức tranh vẽ chiếc áo người đàn ông với những hình vuông, chữ nhật, người phụ nữ tìm được điểm tựa say đắm đón nhận tình yêu trong chiếc áo của những hình tròn và xoắn ốc, mặt đất đầy hoa tung hô cho tình yêu đôi lứa. Đường nét lung linh, màu sắc trang trí tràn ngập và tình cảm nồng nàn. Xem tranh, ta cảm thấy hạnh phúc lan tỏa khắp không gian, và nữa, ta cũng thấy rõ cảm giác nhục dục chạy rần rật trên từng chi tiết của hai cơ thể đang quyện vào nhau.

Mỗi lần cảm thấy lửa lòng đang tắt dần, mình lại xem bức tranh này và lần nào cũng thấy tim mình rung trở lại, hí hí!

Có thể bạn sẽ bực mình khi mình cứ thích lắm điều nhiều chuyện (cái này là nói thật lòng, vì đôi khi mình cũng bị bực như vậy), nhưng đã là một sân chơi thì chúng mình cứ chơi hết mình và “chấp nhận thương đau” khi quyết định thảy đứa con của mình ra puplic.

Thế nhé, Như Mai!
Một lần nữa mình phải nhắc lại là mình rất khâm phục bạn, cho nên mới bỏ thời gian ra viết những dòng này, chứ nếu không thì từ sáng đến giờ mình làm được bao nhiêu việc rồi! Mong bạn mau khoẻ để viết được nhiều thứ cho mình đọc! Thân!