.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Sướng – Khổ: Chuyện còn dài


Vấn đề sướng – khổ là vấn đề mà mình luôn nghĩ đến. Mình đã từng viết bài Chuyện Chó Mèo để nêu phát biểu của mình về vấn đề này rồi. Hôm nay, mình lại định viết thêm.

Mình định viết kể chuyện hồi xửa hồi xưa, hồi đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Thời ấy, ở Hà Nội còn chế độ tem phiếu, mỗi người (cán bộ) chỉ được 2 lạng rưỡi thịt mỗi tháng. Cả nhà phải nhường thịt cho đứa trẻ nhỏ nhất nhà lúc đó – là mình – với mong muốn mình đầy đủ chất dinh dưỡng để được khoẻ mạnh và thông minh. Nhưng chỉ với từng đó thịt thì cả nhà có nhường kiểu gì cũng không đủ, cho nên mình bây giờ hoặc là khoẻ mạnh (thì không thông minh), hoặc thông minh (thì không khoẻ mạnh). Cái này mình không tự đánh giá được, cho nên sẽ để đấy cho bạn bè nhận xét.

Mình định kể chuyện hồi ấy, quần áo không đủ mà mặc. Hồi 4 tuổi, có lần thấy ông ngoại có một chiếc quần đùi mới, mình đã bảo “Ông ơi, bao giờ quần ông rách thì ông cho cháu xin, để mẹ cháu may áo cho cháu nhé!”. Hồi ấy, phụ nữ Hà Nội, từ già đến trẻ đều mặc một kiểu giống nhau: áo “phin” trắng hoặc xanh nhạt, quần lụa đen, dép nhựa. Một buổi sáng nào đó, mẹ mình đứng nói chuyện với bạn trai, mình nhìn thấy quần mẹ có một vết mạng rất khéo, mình đã kêu ầm lên “Quần mẹ có chữ T, tên mẹ kìa”, làm mẹ ngượng muốn chui xuống đất. Nhưng mà viết blog phải viết cho văn vẻ, trí tuệ một tí, nên mình không định nói chuyện thịt và chuyện quần áo. Mình định nói là sao hồi ấy khổ thế mà người Hà Nội không mấy ai than khổ. “Em vẫn đạp xe ra phố / Anh vẫn tìm âm thanh mới”, đời vẫn đầy niềm tin, đầy lãng mạn.


Rồi mình định kể chuyện ngày nảy ngày nay. Mình đang sống ở thế kỷ 21, và ở một thành phố lớn nhất trong cả nước. Thế nhưng nếu bạn nào đã được mình mời lên phòng ngủ thì chắc sẽ ngạc nhiên lắm, vì mình giăng mùng và ngủ chiếu (còn nhớ có lần đọc một bài bạn m â y viết từ thời xa xưa có tên là “Hồi nhỏ tôi ngủ mùng” mà thấy bùn cừi, vì bây giờ mình cũng vẫn ngủ mùng, không lẽ mình chưa lớn! Hehe). Phòng ngủ của mình không có máy lạnh, cả một mảng tường lớn là cửa sổ lắp kính. Ban đêm, mình chỉ cần mở hé 1 cánh – trong số 4 cánh cửa sổ – là đủ mát lạnh, phải đắp mền rồi. Đêm nào lãng mạn một tí thì mình nhìn ra cửa sổ, ngắm sao, ngắm những chiếc máy bay bay lướt qua bầu trời, cao hứng thì làm vài câu thơ để rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, và sáng ra là quên sạch những vần thơ ướp hương đêm hồi hôm. Mình vẫn tự giặt quần áo bằng tay dù nhà có máy giặt. Mình vẫn tắm nước lạnh và đạp xe đạp mỗi buổi chiều thay vì mua những chiếc máy tập thể dục tiện lợi để ở nhà. Mình không trồng hoa hay cây kiểng mà trồng rau muống, mồng tơi, rau cải….


Và mình chẳng thấy mình khổ tí nào!


Mình định nói chuyện xa hơn, như chuyện bên xứ Triều Tiên chẳng hạn. Lãnh đạo Triều Tiên, mấy ông Kim Jong-gì đấy, toàn người trong một gia đình, cứ cha chết thì con lên thay. Họ ăn toàn sơn hào hải vị, ngày nào cũng có tôm hùm được tuyển, chọn những con ngon nhất mà ăn. Trong khi đó, dân Triều Tiên, k
hoảng 16 triệu người, tương đương hai phần ba dân số phải đối mặt với nạn đói. Người Triều Tiên cũng chỉ mặc có một kiểu quần áo, chẳng có Internet mà chơi FaceBook với Yahoo! (eo ơi, làm sao mà chịu nổi). Thế nhưng, hàng ngày, họ vẫn dẫn nhau đến đập đầu bôm bốp vào tượng đài Kim Nhật Thành để tỏ lòng biết ơn.


Vì họ không biết là họ khổ.


Khi không cảm thấy, hay không biết là mình khổ thì có phải là khổ không?

Định viết nhiều lắm, nhưng bỗng nhiên mình tìm thấy trên mạng có bài này, chẳng rõ tác giả là ai. Xem xong, mình sướng quá (vì chủ yếu là xem hình, chả phải đọc gì nhiều), nên quyết định không viết nữa, copy bài người khác lên cho khoẻ!














Đăng bài lên rồi mình sẽ yên tâm đi chơi mấy ngày, để cho bạn bè ra vào, đọc và bình luận. Chủ nhật mình trở về, vào nhà xem các bình luận và tiếp tục… sướng. Xem ra chuyện sướng khổ cũng đơn giản thôi, phải không?

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Kiếp này


Tình cờ mình tìm được lời giải cho lá số tử vi của mình từ năm 1992, lúc mình còn chưa lập gia đình. Người giải lá số này là một cựu sinh viên có 2 bằng đại học ở trường Lomonosov, đã từng làm việc ở một cơ quan phòng chống mê tín dị đoan. Hồi xưa mình mê tử vi lắm, thường tìm đến cô, không chỉ là muốn biết tương lai của mình mà còn là để học lóm. Học một thời gian, mình bị nghiện tử vi, đến nỗi cứ nhìn ai cũng đoán cung Mệnh của họ có sao gì, có đêm còn nằm mơ thấy mình chạy trong dải Ngân hà, chứng kiến sao Thái Dương và Thái Âm gặp nhau… Sau khi có con, mình tự hứa là sẽ bỏ hẳn tử vi, vì không muốn có một yếu tố nào ảnh hưởng và chi phối cuộc đời mình nữa.

Đây là toàn bộ nội dung mà mình ghi lại khi cô ấy cầm lá số của mình trên tay và “đọc” một cách trôi chảy như đọc… báo.





Đúng 20 năm đã trôi qua, giờ đọc lại bỗng rùng mình vì độ chính xác của nó. Chẳng lẽ có gì đó – thật vô hình – đã chi phối cuộc đời mình như vậy sao?

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Mong



Tối hôm qua, bác nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của con gái khi con vừa chào đời. Mới nhìn qua màn hình vi tính thôi là thấy yêu rồi! Bác sẽ yêu con như 17 năm trước đã yêu chị của con. Mong cho con xinh đẹp giống mẹ. (Kể ra giống bố cũng hay, nhưng phải trừ khoản râu quai nón nhé!). Mong cho tuổi thơ con được hưởng trọn vẹn những điều tốt đẹp hơn chị của con. Đến tuổi đi học, con sẽ có “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, sẽ học xuất sắc toàn diện như chị Apù và không bao giờ phải đi học hè như anh Tí Nhân. Học hết phổ thông, con sẽ học đại học như bác, sẽ học lên cao học như mẹ. Khi ra trường, con được làm đúng nghề mà con yêu thích, không phải loay hoay phí phạm chất xám để tìm cách tồn tại trong những cơ quan không biết tôn trọng nhân cách con người, và quan trọng là con phải sống được bằng nghề của mình. Con sẽ lấy một người chồng – không cần phải giàu có – nhưng luôn yêu con và con cũng yêu anh ấy. Hai đứa con sẽ mua nhà  ở gần cha mẹ để mỗi ngày con sẽ được chạy qua ôm ba mẹ của con. Rồi con sẽ sinh ra những đứa con ngoan ngoãn, xinh gái như… bà ngoại chúng lúc 16 tuổi, đẹp trai như ông ngoại chúng lúc 30 tuổi…

Mai đây, khi lớn lên và đọc lại những dòng này, có thể con sẽ hỏi sao bác mất công mong mà không mong những gì to tát hơn cho con? Bác cũng muốn những điều to tát cho con lắm, nhưng ở thời điểm này, bác chưa thể nghĩ ra được điều gì tốt đẹp hơn thế. Mỗi thời sẽ có những mơ ước khác nhau, con sẽ có những ước mơ của riêng mình và một ngày nào đó con sẽ viết tiếp vào bài này giùm bác, con gái nhé!

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Dương bản

Bạn m â y bảo mình viết trừu tượng, cao siêu quá, làm bạn lùng bùng.

Bạn m â y bảo ghé nhà sao chưa thấy “dương bản’ đâu, nên bạn bay đi mất rồi.

Thế cho nên bây giờ mình phải đưa lên đây mấy cái dương bản của tuần thứ 26 trong năm – 1 tuần lễ đầy mệt nhọc, loay hoay với đủ thứ chuyện. Mấy cái dương bản của mình không có tí văn học nào, không có tí ẩn dụ, trừu tượng nào, nó trần trụi và…

Thôi, không vòng vo nữa, kể luôn đây!

Đầu tuần, mình dẫn con đi bệnh viện NĐ2 chụp X quang ruột theo chỉ định của BS. Cả ngày hôm trước, Tí Nhân phải ăn cháo, sáng tháo ruột, nhịn ăn uống và chỉ được ăn sau khi đã chụp xong. Ở bàn tiếp nhận hồ sơ, BS không ngẩng lên, nói cộc lốc: Ra kia chờ! Đứng mãi, thật lâu sau mới có chỗ ngồi, hai mẹ con vừa ngồi vừa thấp thỏm vì chẳng biết mình là người số mấy, chụp ở phòng nào trong dãy 5 phòng chụp và phải chờ khoảng bao lâu mới tới lượt mình? Cách khoảng 15-20 phút lại có một BS ở một trong những phòng chụp thò đầu ra gọi tên, tiếng BS lẫn vào tiếng ồn ào của phụ huynh, tiếng khóc lóc của đám trẻ con đứng ngồi la liệt. Chờ nửa tiếng đồng hồ, nửa tiếng nữa, rồi thêm nửa tiếng nữa… mãi vẫn chẳng thấy BS gọi tên, Tí Nhân mặt tái đi vì đói và mệt. Mình đánh liều ra hỏi BS ở quầy tiếp nhận hồ sơ thì được trả lời “đông lắm, cứ chờ đi!”

Mình động viên Tí Nhân cố lên, hai mẹ con quyết định không thèm nhìn chăm chăm vào mấy cái cửa đáng ghét nữa. Tí Nhân quay sang nhìn mấy bạn gái chạy lắng nhắng xung quanh, mình thì “tia” được một cháu trai cỡ 24-25 tuổi, dẫn vợ và con gái mới sanh đi khám. Phải công nhận là cháu đẹp trai, cao chừng mét 75, dáng chuẩn, mặt dễ thương cỡ diễn viên Bình Minh. Mình chỉ cho Tí Nhân, bảo: “Con phải cố gắng ăn uống, tập luyện để được như anh kia”. Tí Nhân làu bàu: “Sao dẫn con đi khám mà mẹ cứ lo nhìn trai đẹp không vậy!”

2 tiếng rưỡi trôi qua, cuối cùng BS cũng gọi đến tên. Vào phòng chụp, Tí Nhân được lệnh cởi hết đồ, nằm lên bàn. Mẹ đứng bên cạnh vừa đủ để nghe Tí Nhân thì thầm: “Trời ơi, sao mình lại sexy thế này!”

Giữa Ngọ, hai mẹ con mới lấy được phim, vội vã ra bãi lấy xe đi về. Loay hoay mãi mình mới tìm thấy xe bị nhét vào một xó xỉnh khác hẳn chỗ để hồi sáng, và mất thêm 10 phút nữa để hai mẹ con lôi được xe ra, chẳng hề thấy nhân viên nào ra tay giúp.  Bây giờ ở khắp nơi, người ta đã dùng hệ thống camera và thẻ quẹt, nhưng BV này vẫn giữ cách truyền thống là xé nửa vé gắn vào xe, nửa kia đưa cho khách. Cả buổi sáng, xe mình bị dời từ chỗ nọ sang chỗ kia, phần vé mình giữ thì vẫn còn, nhưng phần gắn vào xe thì đã rơi mất. Ông bảo vệ bảo: “Chị gọi điện về nhà cho người thân rồi nói người thân đọc số xe của chị cho tôi nghe, nếu đọc đúng thì chị được lấy xe ra”. Mình gọi cho cô giúp việc ở nhà, cô bảo “Em không nhớ”. Lòng đầy hoang mang, mình gọi cho chồng – dù biết chắc anh giai sẽ là người đầu tiên quên – không những số xe mà còn tất cả những thứ liên quan đến mình như số nhà, số điện thoại, sinh nhật, tên công ty mình đang làm… Và quả nhiên là anh giai không nhớ. Chỉ có một người duy nhất nhớ số xe mình là cô bạn thân cùng cơ quan, nhưng bạn mình luôn có thói quen rất dễ thương là người di động, còn điện thoại thì cố định trong ngăn kéo. Tóm lại là hai mẹ con mình gửi xe lại và vẫy xe taxi về.

Bài học đầu tuần hơi dài, đó là: Không nên bệnh, lỡ bệnh thì cố nhẹ nhẹ thôi để khỏi đi BV, đi BV thì cố đừng nhìn mặt BS, kẻo thêm chán, ráng tìm trai đẹp mà ngắm, nhưng đừng nói cho ai biết là mình ngắm. Cuối cùng là nên dặn dò một người thân – không phải là chồng  ghi nhớ các thông tin của mình để phòng khi  không phải vé xe thất lạc  mà chính mình bị lạc đâu đó thì còn có cơ may mà tìm lại.

Giữa tuần, một buổi sáng đang ngồi làm việc thì thấy chị bạn thân chat qua Yahoo: “Hi em, chị đang ở Huế, để quên điện thoại ở nhà mất rồi!”. Chuyện qua lại một hồi, chị bảo rằng đi vội vàng nên bỏ quên cả tiền, bây giờ nhờ em nạp tiền vào tài khoản cho chị. Mình im bặt, vội vàng lấy điện thoại ra gọi vào số của chị. Đầu bên kia, chị bắt máy – hoá ra chị bị cướp nick và mình suýt ăn phải quả lừa. Mình chột dạ, vội vàng vào trang của mình đổi lại mật khẩu và nhân tiện xoá hết các thông tin cá nhân quan trọng xưa nay mình vẫn lưu trong hộp thư. Chợt nhớ tới phim The Net, trong đó một cô gái bị bọn tin tặc cướp mất thông tin cá nhân trên mạng và biến cô thành một người khác ở ngoài đời.

Bài học giữa tuần: Đừng coi thường những giá trị ảo. Đôi khi giá trị ảo lại trở thành những Được - Mất cụ thể mà ta chưa hình dung được.

Cuối tuần, em gái chat với mình “Chị Hai đã về nhà mẹ chưa, nhà mẹ lại mới bị trộm leo vào đấy!” Trời đất thánh thần ơi, thế mà mẹ chẳng báo với mình một tiếng. Thì ra mẹ nói với một người bạn và thông tin đó được truyền qua mạng, bay sang Mỹ rồi mới bay về VN và cuối cùng mới đến mình. Cháu gái đi Hà Nội chơi, bà ở nhà một mình, trộm leo lên lầu, (bằng đường nào thì đố ai biết được!) Cũng may mà nhà mẹ - sau lần trộm vào tháng trước – đã gắn hệ thống báo động nên không bị mất mát gì. Cuối buổi, mình phi về nhà mẹ hỏi sao mẹ không báo cho con. Mẹ cười “Có mất gì đâu mà phải báo!”
“Thế đang đêm, còi báo động rú lên, mẹ có sợ không?”
“Giật mình chút thôi, chả sợ!”

Mình ôm mẹ. Thương quá!

Bài học cuối tuần: Những người con cứ loay hoay không biết làm thế nào để lo cho mẹ thì ít nhất cũng nên chạy về ôm mẹ mỗi tuần một lần. Thực ra, mẹ cũng chỉ cần có bấy nhiêu thôi!

Đó, chuyện Dương bản của mình như thế. Có ai kêu ca gì nữa không?