.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Bưu điện thành phố

Lên mạng mà gặp một bài viết có tựa đề khô khan kiểu như “Bưu điện thành phố” thì chắc mình sẽ chẳng bao giờ click vào, chứ đừng nói đến chuyện sẽ bỏ thời gian ra xem. Thế nhưng hôm nay - trong làn không khí lành lạnh của những ngày cuối năm, khi Sài Gòn nắng hanh, gió nhẹ vừa đủ để thổi tung đám lá vàng trên mặt đường - thì bỗng nhiên mình lại có hứng viết về cái bưu điện trung tâm ấy.

Ngày xửa ngày xưa, vào những năm 80 của thế kỷ trước, có con bé mười mấy tuổi đã từng mê mẩn bưu điện trung tâm này. Ở vào cái tuổi mới lớn, nhu cầu giao lưu bạn bè của nó xem ra là vô bờ bến. Nó giao lưu với các anh bộ đội ngoài biên giới, hải đảo, các anh thanh niên xung phong ở tận mấy nông trường Đakmil, Đăknông xa lắc …, nó cũng có những người bạn mắt xanh tóc vàng chưa bao giờ gặp mặt, ở mãi tận đẩu tận đâu xứ Đông Âu xa xôi mà nó mới chỉ biết đến qua một vài truyện dịch tình cờ đọc được ở đâu đó. Thời ấy, chuyện giao lưu chỉ được thực hiện dưới mỗi một hình thức là thư gửi qua đường bưu điện. Những lá thư được nó viết nắn nót trên những tờ giấy A5 gập đôi, tờ nọ lồng vào tờ kia và bấm kim ở chính giữa như một quyển sách nhỏ. Nó mê viết thư như trẻ con bây giờ mê xem phim hoạt hình và chơi game vậy. Mỗi lá thư viết xong, nó đều cho vào phong bì trắng tự làm, cẩn thận dán một con tem ngay ngắn và đạp xe lên tận bưu điện trung tâm để bỏ thư vào thùng. Sau đó là những ngày chờ đợi. Mỗi lần bác đưa thư đi chiếc xe đạp – với tiếng chuông leng keng không lẫn vào đâu được – là nó lại chạy ra sân nhìn theo cho đến khi bác đi khuất. Xen vào giữa vô số lần bác đi ngang qua như vậy là những lần bác dừng lại gọi: “HTH, có thư!”. Nó vồ lấy những bức thư với các kiểu phong bì khác nhau, có phong bì làm bằng giấy vở học trò, có phong bì mua sẵn với dòng chữ “gửi máy bay” in ở góc dưới, có phong bì in màu thật đẹp còn thơm mùi giấy nước ngoài. Nó cầm những chiếc phong bì trên tay với niềm sung sướng không lời diễn tả.

Thực ra ngoài chuyện gửi và nhận thư, nó cũng có đôi lần được gọi đến bưu điện để nghe điện thoại đường dài. Đó là những lần anh bạn trai là thuỷ thủ tàu viễn dương, đang lênh đênh ở đâu đó,  bỗng dưng “nổi hứng” muốn nghe giọng nói của nó. Vào một giờ hẹn trước, nó phải trực sẵn ở quầy điện thoại, khi cô nhân viên bưu điện bắt được tín hiệu thì nó cầm máy lên. Thường thì anh nghe thấy giọng của nó, nhưng nó không nghe được giọng của anh, cô nhân viên bưu điện phải làm chiếc cầu nối. Cô bảo: “Anh ấy nói anh ấy rất nhớ em, anh ấy nói Tết này anh sẽ về, anh ấy bảo anh đang ở Hồng Kông…” vân vân và vân vân. Hình như lúc ấy nó chỉ coi anh như một người bạn nên những cuộc trò chuyện như vậy không để lại cho nó một ấn tượng sâu đậm nào. Bưu điện là nơi để nó gửi đi tình yêu thương của mình chứ không phải là nơi để nhận những lời nói ngọt ngào.

Đối với nó, bưu điện cũng còn có một sức hấp dẫn khác.

Hồi ấy nó đang học cấp III. Nói đến trường cấp III là phải nói đến môn Toán, vì nó học dốt Toán vô cùng. Những giờ Toán trôi qua trong cuộc đời nó nặng nề và dài dằng dặc như hàng thế kỷ. Nó không muốn chôn vùi mình trong cái sự hãi hùng đó nên thường trốn tiết. Nếu nghỉ học cả buổi thì phải có giấy phép và tất nhiên cũng không thể nghỉ nhiều, nhưng nếu đầu giờ buổi sáng có mặt trong lớp thì coi như ngày hôm đó vẫn học bình thường. Vậy là nó đi học buổi sáng và đến tiết Toán thì trốn. Không hiểu nó làm cách nào mà cả người cả xe đạp đều trót lọt khi đi ngang cái cổng bé xíu có bác bảo vệ đeo kính lúc nào cũng ngồi nhìn chăm chăm vào từng người qua lại? Thoát khỏi cái cổng đó, nó như con chim sổ lồng tung cánh vào bầu trời tự do. Những năm 80, buổi sáng ở Sài Gòn lúc nào cũng mát mẻ như bây giờ vào tiết trời cuối năm. Đường phố vắng hoe đến nỗi nghe rõ cả tiếng lá xào xạc trên những tán cây dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa trải dài đến tận Dinh Độc lập và công viên trước Nhà thờ Đức Bà. Nó vừa đạp xe vừa hát, thường thì cứ tua đi tua lại mỗi một bài, tua đến lần thứ mười mấy thì thấy mình đã đến bên hông nhà thờ và đánh một vòng ôm cua để rẽ vào Bưu điện trung tâm.

 
Bưu điện Trung tâm Thành Phố

Photo by : HMoong

Ngoài đường thì vắng, nhưng bưu điện thì lúc nào cũng tấp nập. Ngay giữa bưu điện, người ta thiết kế một hàng dài mấy chục chỗ ngồi, mỗi chỗ đều được ngăn vách thành từng ô giống như chỗ ngồi của phóng viên trong các toà soạn báo. Nó chọn cho mình ô ở phía góc xa, chỗ vừa ít người qua lại, vừa có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát khắp nơi. Ở quầy bưu phẩm có người đàn bà chừng 50 tuổi đang hỏi han cô nhân viên về thủ tục gửi quà, chắc chắn bà đang cầm trên tay gói nhu yếu phẩm gửi cho con trai là bộ đội đang đóng quân ngoài biên giới. Ở quầy thư nước ngoài có một chị khoác chiếc khăn quàng màu xanh da trời, tay cầm khư khư chiếc phong bì vừa dán, chắc là gửi cho người yêu. Một anh không còn trẻ nhưng cũng chưa già, quần áo xốc xếch, đang vội vàng ghi thông tin gì đó ở quầy chuyển tiền, chắc là gửi tiền lương tháng của mình về cho vợ con ở quê. Một ông già cũng ngồi ở một ô như nó viết thư, làm nó hơi thắc mắc một chút, không hiểu bằng tuổi này, ông còn có nhu cầu viết thư cho ai mà chăm chú, mà nét mặt đầy yêu thương đến vậy…

 

Nó ngồi đó, nhìn tất cả mọi người qua lại và… viết truyện. Cốt truyện và các nhân vật đều đã được nó xây dựng từ trước, nhưng chỉ đến khi ngồi ở một góc bưu điện, diện mạo từng người mới hiện lên rõ đến từng chi tiết và trở nên thực sự sống động.

Cứ như vậy, rất nhiều truyện ngắn của nó đã ra đời ở Bưu điện thành phố.

Năm tháng cứ dần trôi…
Lâu rồi, nó không còn vào Bưu điện thành phố nữa. Không còn anh bạn trai ở lênh đênh trên biển, không còn những anh bộ đội, anh thanh niên xung phong ở biên giới, ở nông trường, không còn những người bạn tóc vàng mắt xanh ở tận đẩu tận đâu phía bên kia địa cầu, và những truyện ngắn của nó đã nằm kỹ đâu đó ở dưới đáy mấy chiếc thùng carton chất đống trong góc nhà.


Thỉnh thoảng đi qua bưu điện, như một thói quen, nó chợt muốn dừng lại để gửi xe. Sau phút ngập ngừng, nó chợt tỉnh, chợt cười ngơ ngẩn một mình rồi nhấn ga cho xe chạy qua, để lại Bưu điện thành phố xa dần phía sau lưng.

4 nhận xét:

  1. Chắc chắn kỷ niệm của chị được viết trong xúc cảm rưng rưng nên mới làm em cũng rưng rưng theo như thế này :X
    Em cũng có kỷ niệm gần giống chị, vậy mà em chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ viết. Em thích hình ảnh cô bé ngồi viết truyện trong góc bưu điện thành phố quá! :X Thế Cô bé có gởi truyện cho tạp chí nào không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. :)) Nó chưa từng bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ gửi những thứ mình viết cho bất kỳ một tờ báo, tờ tạp chí nào, Cô Nhỏ ơi! Với nó, viết lách là một nhu cầu. Như hàng ngày ta phải cười với người thân, phải hát trong nhà tắm, phải lén ôm thằng con một cái..., vậy đó! :X
      Nhưng chị đang thắc mắc tại sao em lại chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ viết về những kỉ niệm của mình?

      Xóa
    2. Vậy thì nó "người lớn" sớm quá. Ngày xưa đó, em có tập làm thơ, cũng gửi báo. Em có thơ đăng lần đầu tiên trên Hoa Học Trò số 4, sau đó có một bài trên Áo Trắng. Sau đó có gởi cho Mực Tím, nhưng chờ hoài không thấy đăng nên em không gởi nữa, nghĩ chắc là thơ mình dở quá. Từ đó ít làm thơ dần. Giờ thì làm thơ như một trò xếp chữ giải trí, hoặc là chia sẻ nỗi lòng của ai đó, hoặc là ghi lại cảm xúc bất chợt của mình, để cuộc sống khốn khó được nhẹ nhàng bớt. :)
      Ý em là kỷ niệm về những lá thư đó chị. Ngày xưa em cũng nghiện viết thư như chị, bạn bốn phương và những anh bộ đội. Hix. Em làm mất cả chồng thư bạn gởi. Có lẽ vậy mà không có cảm hứng viết thì phải.

      Xóa
    3. Ừ, mấy lần dọn nhà chị cũng làm mất hết rồi. Phải còn, bây giờ xem lại chắc thích lắm!

      Xóa

Bạn có thể chèn hình ảnh vô khung comment mà không cần thẻ. Bạn chỉ cần coppy link của hình và dán vô rồi đăng lên là được (Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh 'JPG','GIF','PNG','BMP')