.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Xem phim "Mùi hương đàn bà"


 

Muốn viết nhiều thứ, nhưng người chưa khoẻ hẳn nên cứ lười lười. Thôi thì xem phim vậy.

Phim Mỹ nhá, tên phim Mùi hương đàn bà  nghe đã thấy vô cùng “gợi”. Tuy nhiên, thực tế thì phim không nói về “chuyện ấy”. Tóm tắt phim thế này:

Charlie Simms (Chris O'Donnell) là một học sinh giỏi nhưng nhà nghèo, đang học tại một trường trung học vào khoảng những năm 50-60 gì đó – mình không chắc lắm. Một hôm, cậu tình cờ chứng kiến những người bạn của mình tạo dựng một vụ scandal để làm bẽ mặt thầy hiệu trưởng – bản thân ông thầy này là một người xấu. Chuyện xảy ra. Ông hiệu trưởng biết thóp cậu bé đã chứng kiến ai là người gây nên trò này, nên gọi cậu lên gặp và cho cậu 2 lựa chọn: một là khai tên những người bạn ấy ra, cậu sẽ được giới thiệu vào một trường danh tiếng với học bổng hấp dẫn, hai là nếu không khai, cậu sẽ bị mất cơ hội vào đại học và trước mắt sẽ bị đưa ra hội đồng kỷ luật.

Charlie lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Cậu không muốn và không thể tố giác bạn mình và phải đối mặt với một tương lai không mấy sáng sủa. Với một tâm trạng rối bời như vậy, trong một lần đi làm thuê để kiếm thêm tiền, cậu tình cờ gặp cựu trung tá Frank Slade (Al Pacino). Cựu trung tá này đã về hưu, bị mù, uống rượu và hay cáu kỉnh. Cảm thương với hoàn cảnh của vị trung tá, Charlie gần gũi với ông và mỗi ngày lại khám phá thêm vẻ đẹp phía bên trong con người có vẻ như thật khó chịu này. Cậu kể cho ông nghe về chuyện của mình.

Ngày Charlie phải ra ngồi ở ghế xét xử của Hội đồng kỷ luật, điều bất ngờ đã xảy ra: trung tá Frank Slade xuất hiện dưới vai trò một phụ huynh của Charlie. Khi Charlie bị kết tội, ông đã đứng lên phát biểu một bài đầy nhiệt huyết để bảo vệ cậu với những câu hỏi về giá trị đạo đức khi nhà trường ép học sinh phải khai ra những đồng đội của mình. Bài phát biểu của ông khiến cả Hội đồng lặng đi, và sau khi bàn bạc, Hội đồng quyết định tha bổng cho Charlie.

Xem xong phim, mình suy nghĩ mãi về chuyện giáo dục của nước người từ những năm giữa thế kỷ 20, tức là cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Suy nghĩ rồi lại liên tưởng đến nước mình. Bản thân mình cũng đã có đến 11 năm ngồi ghế nhà trường, nên ban đầu mình thấy cũng khó chấp nhận với chuyện học sinh lại có thể đi bêu xấu thầy hiệu trưởng trước toàn trường như vậy. Mình cứ thấy lấn cấn với cách giải quyết vấn đề của phim. Trên thực tế, học sinh hư thì phải bị kỷ luật chứ sao lại có chuyện lật ngược vấn đế như thế? Dù thầy giáo là người như thế nào thì cũng là thầy, và học sinh không có quyền làm thầy mất mặt. Tuy nhiên, suy nghĩ lại, mình thấy triết lý được đưa ra trong phim cao hơn nhiều so với những điều mình cảm thấy lấn cấn.

Hồi mình đi học, mỗi khi cô giáo cần chấm bài hay ra khỏi lớp một thời gian, cô thường chọn một bạn đi lên đứng trên bục giảng để theo dõi lớp học. Nếu thấy bạn nào nói chuyện thì bạn đứng trên bục có quyền ghi tên và khi cô quay trở lại lớp, cô sẽ bắt bạn đó thụt dầu (2 tay bắt chéo trước ngực, nắm 2 vành tai và đứng lên ngồi xuống khoảng từ 20 đến 100 lần, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ). Hồi ấy, mình nhớ đứa nào cũng khao khát được một lần đứng trên bục để tỏ rõ uy quyền của mình. Đến khi bạn bị lên trước lớp thụt dầu thì mọi người ở dưới cười “lêu lêu” và rất khoái chí.

Bây giờ, nghe con trai kể thì trường của con có các bạn Sao đỏ. Đầu giờ, các bạn Sao đỏ rảo quanh, ghi tên những ai đi trễ, quên đeo khăn quàng, ra khỏi lớp khi đang giờ ôn bài… Giờ ra chơi, ai bỏ áo ra ngoài quần, ai chạy nhảy (trường cấm không cho chạy nhảy, sợ ngã), ai chơi đá cầu cũng đều bị Sao đỏ ghi tên. Con trai tâm sự “Ước gì con được làm Sao đỏ”, mình hỏi: “Để làm gì?”, “Để ghi tên các bạn mà không ai ghi tên mình”.

Vậy đó, cái chuyện học sinh tình nguyện và thích thú khi được tố cáo bạn mình đã ăn sâu vào tiềm thức trẻ con. Nhiều đứa trẻ lớn lên sẽ có thói quen thích gặp riêng sếp để tố cáo đồng nghiệp của mình. Đồng nghiệp bị “rớt điểm” với sếp cũng đồng nghĩa với việc mình được tăng điểm, vân vân và vân vân.

Phim đã đoạt giải Quả cầu vàng cho hạng mục Diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Xem một đoạn ông Trung tá mù nhảy điệu Tango tại đây

6 nhận xét:

  1. Chị OM không chỉ kể chuyện phim mà còn hướng người đọc đến với một một triết lý sâu sắc. Bản thân là cô giáo, em cũng rất kỵ việc yêu cầu học sinh theo dõi bạn mình rồi báo cáo lại cho cô, hành động đó mang tính lén lút, như kiểu làm gián điệp. Tuy nhiên việc làm Sao đỏ thì không thật sự giống vậy. Có thể ví Sao đỏ trong nhà trường như là những người làm công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ Pháp luật trong xã hội. Hoạt động của Sao đỏ là hoạt động mang tính công khai, không giống với "gián điệp" :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, chuyện gì cũng có 2 mặt, phải không em? Nhà trường cảm thấy không đủ lực để quản HS thì sẽ cần lực lượng sao đỏ. Còn theo chị thì trường chỉ cần có giám thị là đủ rồi. Học sinh là phải bình đẳng, không nên tạo sự phân biệt đẳng cấp, kiểu như em này có quyền với em kia. Chị nghĩ vậy! :)

      Xóa
    2. Nhứt trí chị! Được thế thì còn gì bằng! Lại thở dài khi nghĩ đến giám thị trường mình rồi. Thở dài hơn nữa khi nghĩ tới những kỳ thi hiện nay ở Việt Nam mình... Haizzzzzzz....

      Xóa
    3. Thôi, đừng thở dài nữa em! Ráng cày cấy để dành tiền, mai mốt cho con đi du học. Hehe!

      Xóa
  2. Chị com rồi lại xoá vì lạc vấn đề, để đọc lại kỹ đã.
    Lúc nào cũng mơ ước một môi trường giáo dục tốt vì hết con sẽ đến cháu xót người nhà mình xót chung tụi trẻ. Mà cố gắng cho đi TỊ NẠN GIÁO DỤC hết ư?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình phải noi gương các đồng chí cán bộ cấp cao. Con các đồng chí chuyển trường sang Mỹ hết rồi, chị ạ!

      Xóa

Bạn có thể chèn hình ảnh vô khung comment mà không cần thẻ. Bạn chỉ cần coppy link của hình và dán vô rồi đăng lên là được (Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh 'JPG','GIF','PNG','BMP')