.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

NỖI và NIỀM

Em bảo: Chiều nay em không nấu cơm. Mình ra ngoài ăn, mừng Lễ!Anh đồng ý đi, nhưng buông một câu: “Có vui gì đâu mà ăn mừng!”Trong khi chờ gọi món, anh hỏi: “Ngày ấy chắc em còn nhỏ quá, không nhớ gì đâu nhỉ?”
.................................................
Nhỏ thì đúng là nhỏ, nhưng em còn nhớ. Buổi trưa hôm ấy nóng hầm hập, mẹ đang mang bầu em Phúc, em và mẹ nằm trên giường trong căn phòng 9 mét vuông ở khu tập thể Nam Đồng, ba ngồi bên cạnh chiếc đài nghe tin tức. Bỗng nhiên, ba bật dậy reo lên: “Giải phóng Sài Gòn rồi!”. Rồi em thấy cả khu tập thể râm ran, náo nhiệt. Mọi người chạy ra khỏi phòng, chạy ra đường hò reo.
Ngày hôm sau, em về nhà ông bà. Theo chỉ đạo của Tiểu khu, mọi người đều phải chuẩn bị một chiếc cờ đỏ sao vàng bằng giấy. Ông mua giấy về làm cho cả nhà mỗi người một lá cờ, dán vào chiếc que kem làm cán. Rồi mọi người cầm cờ ra đường, hát vang và hô to khẩu hiệu. Em không nhớ là hô gì, chỉ nhớ là mình hét rất to: “Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!”.
Rồi tiếp theo vài ngày nữa, ba có lệnh của toà soạn báo cử đi công tác biệt phái vào Sài Gòn. Miền Nam là quê hương của ba. Trở về miền Nam, với ba, chắc hẳn là một niềm hạnh phúc.
Em vẫn còn nhớ được từng đó chuyện. Nói chung, trong tâm trí của em thì đó là một ngày vui.
Còn với anh thì khác. Ngày hôm đó, anh thấy xe nhà binh chạy chạy ầm ầm qua nhà anh ở đường Phan Thanh Giản – nay là đường Điện Biên Phủ – những người lính ở trên xe giơ tay chào. Ở dưới đường, mọi người nhốn nháo, hoang mang. Có vài cô, vài chị bật khóc vì không biết chuyện gì sẽ đến với những anh lính kia và đến với gia đình mình.
Tuy nhiên, ba thì rất phấn khởi. Với một niềm tin đầy lãng mạn, ba tuyên bố rằng đất nước giờ đây đã thống nhất, ba hứa sẽ dẫn má và các con đi du lịch ra phía Bắc để biết đất nước mình tươi đẹp như thế nào.
Niềm vui thống nhất của ba chưa được bao lâu, giấc mơ mà ba truyền cho các con chưa kịp ngấp nghé đến cánh cổng hiện thực thì...
... Một ngày, như cơn ác mộng – ba từ một kỹ sư sáng giá, lương tháng dư dả để nuôi gia đình một vợ, 8 con – bỗng bị biến thành một người thợ, với mức lương chỉ đủ nuôi sống bản thân. Ba đi làm từ sáng đến tối mịt, về đến nhà là mệt mỏi cáu gắt. Mấy anh em sợ hãi, chỉ còn biết nem nép không dám hó hé câu nào. Đến một ngày, nhắm không thể sống nổi, má dẫn mấy đứa nhỏ về quê ngoại. Ba cùng mấy anh lớn ở lại thêm một thời gian rồi cũng phải nghe theo má, quyết định rứt ruột bán căn nhà của mình – ngôi nhà từ hồi ông bà nội để lại mà gia đình đã sinh sống, đã từng có với nó biết bao kỷ niệm.
Năm ấy, anh đã 11 tuổi nên ký ức vẫn còn rất rõ ràng. Với anh, ngày tháng tư năm ấy là ngày mở đầu cho một quãng thời gian thật buồn.
.................................................
Suốt bữa ăn, anh và em cùng yên lặng. Chỉ có con trai là cười nói phấn khởi vì được ăn ngon.
Nhìn con, em nghĩ: thì thôi, những gì đã qua hãy để cho lắng xuống. Mình hãy vui vì có một ngày tháng Tư năm xưa đã làm nhân duyên để gia đình mình được ở bên nhau, tháng Tư này...

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10203922903377702&set=a.1383927282959.2057032.1375304149&type=1

Dưới đây là bài viết của bạn Nguyễn Thuý Hà, một trong những người bạn mà mình rất yêu quý. Copy vào đây để lưu.

Âu cũng tại bác Hậu Khảo Cổ

đã định đi ngủ sớm (đêm nay Elle hết sốt, chắc mẩm mẹ sẽ được một đêm thẳng giấc) mà lại thấy còm của bác Hậu, còm trả nhời xong lại tiện tay phóng sang nhà bác tí, rồi cái tí này lại làm mất ngủ luôn sau khi đọc mấy bài liên quan đến 30 tháng 4 và nhất là bài "MỘT NGÀY KHÔNG NHƯ MỌI NGÀY"của bác Hậu. Tự nhiên muốn viết. Muốn viết cho mình quá! Bây giờ đã là 2giờ sáng ngày 30/4 giờ Cali. Tại sao mình lại ở đây? Mình theo chồng! Thế, chồng tại sao ở đây? cũng vì ngày 30/ 4. Ngày này bên kia phố phường tưng bừng cờ đỏ thì bên đây trên con đường Bolsa khu Little SaiGon cũng phấp phới cờ vàng. Bên kia hoan hô thì bên nay đả đảo. Ngày này khi bạn bè mình bên kia vẫn đang chạy đua chặng cuối của lớp cao học chính trị mà trong đó ắt có môn "Tư tưởng Hồ Chí Minh" thì bên này sáng nay mở một kênh truyền hình tiếng Việt thấy đùng đoàng bộ phim "Sự thật về Hồ Chí Minh"... Cứ đến ngày 30/ 4 bên đó, bên này, hoan hô, đả đảo, vết thương lại ứa "đã thôi cấp tính- đã thành kinh niên".
Mình ước ao có những ngày 30/ 4 thôi cờ giong trống mở, cờ trống thời bình có khi chính là gươm giáo. Bén ngọt vết thương.
“Không một điều gì, không một ai bị lãng quên”. Nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào…
“Năm tháng trôi qua, các cuộc chiến tranh sẽ thôi gào thét… chỉ còn tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng…”. Bao giờ những ngày Tháng Tư này sẽ là Ngày Hòa Hợp, Hòa Giải của chúng ta?"(trích "Một ngày không như mọi ngày")
Bao giờ?
Mình đọc câu thơ
"dân tộc này
vĩnh viễn không còn nói chuyện với nhau nữa..." của bạn Bùi Dzũ cũng từ trang nhà bác Hậu mà không muốn tin là như thế. Câu chuyện Bắc- Nam trong mỗi gia đình Việt có những rối bời đắng chát nhưng không phải cuối cùng là câm tịt "không còn nói với nhau được nữa". Ông Nội mình và ba mình 2 đời đảng viên CS, ông Nội chồng và ba chồng 2 đời cảnh sát quốc gia VNCH. Chỉ 2 năm sau ngày "giải phóng"- ba chồng chết trong trại cải tạo, má chồng nuốt nước mắt một mình gồng gánh 5 đứa con thơ... Ngày chồng quyết định về VN cưới mình, má chồng kịch liệt phản đối và bảo: "Con nghĩ sao nếu ba con còn sống?" Chồng đáp gọn bân: "Ba còn sống là ba cho con cưới liền!". Chuyện này chính má chồng kể lại cho mình nghe- trong chuỗi những chuyện xưa chuyện nay mà bà đã mở lòng khi bắt đầu chấp nhận gọi con xưng má với mình.
Đúng là với bà- không điều gì bị lãng quên- nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào- mình cũng thế. Nhớ để mà sống tốt hơn với nhau chứ không phải để mài giáo, tuốt gươm, cờ giong trống mở...
Nên mình tin rằng dân tộc này vẫn còn nói chuyện được với nhau
và sẽ có những ngày THÁNG TƯ thôi tùng xèng, há chị Hậu?
mà tình yêu là một nhịp cầu.

Ảnh của Hà Tuệ Hương.

Đưới đây là một bài viết của bạn Nguyễn Thuý Hà, một trong những người bạn mà mình rất yêu quý. Cop vào đây để lưu.