Chờ mãi không thấy nhân vật chính trong câu chuyện lên tiếng. Thôi thì viết tiếp vậy!
Post lại phần 1
Chat với chị trên mạng, chị kêu buồn và lo. Chuyện công việc rối ren ở cơ quan, chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện con cái học hành… ôi thôi, toàn là những chuyện mệt mỏi không biết bao giờ mới chấm dứt! Tôi rủ: “Chiều cuối giờ, chị sang nhà em, em chở đi vòng vòng quận 7, ngắm trời ngắm đất, biết đâu hết buồn.”
Y hẹn, cuối buổi chiều, chị từ cơ quan sang thẳng nhà tôi. Hai chị em chở nhau đi loanh quanh, không chủ đích. Vừa đi, tôi vừa giới thiệu cho chị những điểm mà chiều nào tôi cũng đạp xe tập thể dục qua. Chị ngồi phía sau, luôn miệng “thế à”, thỉnh thoảng lại chêm vào những câu kiểu như “đẹp thế, thích nhỉ, hay quá…”, nhưng tôi biết chị vẫn chưa dứt bỏ được những chuyện chẳng mấy vui vẻ đang canh cánh trong lòng. Những tia nắng cuối cùng dần tắt, tôi ghé xe đẩy dọc đường mua một gói bắp rang – loại rang mộc, không bơ, không đường và một củ khoai nướng thơm phức đầy vẻ dân dã, rồi chở chị rẽ vào khu dân cư Tân Q. Đây là khu mà tôi thường hay ghé qua nhất trong 5 lộ trình tập thể dục của mình, bởi nó là khu dân cư mới, hiện đại, sạch sẽ và lịch sự. Ngoài ra còn một lý do nữa là nhà sếp cũ tôi ở khu này. Tôi không cố tình đi qua để gặp sếp mà chỉ muốn nhìn thấy con chó lai Phú quốc tôi đã cho sếp cách đây hơn 2 năm. Lúc cho đi, nó bé xíu, xinh như chú cún bông đồ chơi, cứ nhìn theo tôi bằng đôi mắt van lơn, như cầu xin được ở lại nhà, làm tôi suýt khóc… Còn bây giờ nó cao to, lông mượt ra dáng “đàn ông” lắm. Mỗi lần thấy tôi, nó lại xồ ra, sủa oang oang, giọng sủa chẳng bao hàm một trạng thái tình cảm rõ ràng nào.
Tất nhiên tôi chở chị đi qua đó, giới thiệu “đây là nhà sếp D.”, trong bụng biết rõ chị đang nghĩ là tôi ít nhiều gì cũng thích sếp. Không thanh minh làm gì, vì lúc này lại kể lể là tôi chỉ thích con chó của sếp thôi, xem ra không mấy thuyết phục cho lắm! Khu dân cư nằm cạnh một con sông nhỏ, có hàng phi lao và bãi cỏ xanh thơ mộng. Chị lại khen nhà đẹp, không khí mát mẻ, giá mà hai chị em có hai căn nhà ở đây... Xong rồi dường như nhận thấy chiều nay mình đã hào phóng khen nhiều thứ quá, nên chị bắt đầu quay ra chê bãi cỏ mà tôi rất thích, rằng “ô, sao lại có bãi cỏ xấu thế này!”. Tôi hơi buồn cười, nhưng có lẽ khi tâm trạng không vui, người ta có thể nhận xét những điều thiếu chính xác như vậy lắm chứ!
Hai chị em ngồi trên bãi cỏ, cạnh bờ sông ăn bắp rang và khoai lang nướng, nói chuyện linh tinh. Một người không còn trẻ nữa, đang rối ren với công việc quá mệt mỏi ở một công ty đang trên đà xuống dốc, và một người đã qua tuổi trẻ, đang thất nghiệp, tương lai còn mù mịt - ngồi nói với nhau những chuyện rời rạc, chẳng đầu chẳng đuôi. Chỗ chúng tôi ngồi là ngã ba sông. Phía bên kia sông, trước mặt chúng tôi dường như là một bán đảo có rất nhiều dừa nước và cây cối um tùm. Không thấy ánh đèn, không thấy dấu hiệu là có người ở, nơi đó sẫm một màu âm u, hơi rờn rợn. Chênh chếch, xa hơn chút nữa, có một cây cầu nho nhỏ. Chúng tôi chỉ nhìn thấy đầu cầu bên kia, chắc hẳn là nối với khu đô thị mới PMH, còn đầu bên này không chắc có phải bắt nguồn từ bán đảo trước mặt hay không.
Cầu không có người qua lại. Tôi bảo: “Đã nhiều lần em cố gắng đi loanh quanh khắp khu vực này để tìm đường đi lên cây cầu đó, hỏi cả người dân quanh đây, nhưng ai cũng lắc đầu không biết”. Chị bảo: “Nghe có vẻ huyền bí, liêu trai quá nhỉ. Chị nghe nói ở đâu đây có một chiếc cầu tên là Ánh Sao, không biết có phải nó không?”. Tôi rủ: “Hay là chị em mình thử đi tìm xem sao, biết đâu lại chẳng tìm ra!”.
Nói là làm, chúng tôi đứng dậy lên xe bắt đầu cuộc tìm kiếm.
Một điều khó khăn cho chúng tôi là chiếc cầu chỉ được nhìn thấy khi ở ngay vị trí chúng tôi ngồi khi nãy. Khi rời đi chỗ khác là chiếc cầu bị cây trên bán đảo che khuất hẳn. Hai chị em đi dọc theo trục đường mà theo phán đoán có thể có con hẻm nào đó dẫn tới chiếc cầu. Đi mãi, trời tối mịt, rẽ vào tất cả các con hẻm, hỏi thăm khắp nơi nhưng vẫn không thấy manh mối gì, cứ như chiếc cầu kia chỉ là hình ảnh tưởng tượng. Đi qua khỏi khu dân cư, chúng tôi đến một khu đang giải toả, toàn những ngôi nhà bị đập lam nham, không người. Có một con hẻm nhỏ, rất nhỏ nằm trong đống đổ nát. “Có nên vào không?” Chị ngập ngừng. Đã trót thì trét, tôi rẽ xe vào hẻm. Gió thổi lành lạnh, hẻm không một bóng người, không đèn đóm, chỉ có ánh trăng bàng bạc chiếu xuống con đường lổn nhổn toàn gạch đá. Tôi thấy sởn gai ốc. Chị bảo: “quay ra thôi!”. Đúng lúc tôi vừa định quay xe ra thì – như một phép màu – con hẻm bỗng nhiên kết thúc. Trước mắt chúng tôi là một khoảng sông rộng và cây cầu hiện ra nửa như thực, nửa như mơ.
Mặt cầu khá nhỏ. Tôi cẩn thận trả số leo chầm chậm lên dốc cầu, rồi cũng vẫn cẩn thận vừa cho xe lao dốc, vừa đạp thắng. Động tác cẩn thận rõ ràng không thừa, vì vừa hết dốc cầu, xe lao ngay vào một căn nhà có sân vườn khá rộng. Tôi chỉ kịp nhìn thoáng tấm biển ngoài cổng ghi: Thế giới ảo. Giá vé 50.000đ. Một bà già khô đét ngồi ngay cửa, không nhìn chúng tôi, buông một câu cộc lốc: “Hai người một trăm ngàn!”
- Bác ơi, cho hỏi ở trong này có gì thế?
- Thế giới ảo – Bà chỉ tay lên tấm bảng phía ngoài – Vào đi rồi biết!
Thôi, đã đến đây thì đành vậy. Bà già cầm tiền, chìa ra hai tấm vé. Vào sâu trong sân, trước gian nhà chính, chúng tôi dừng lại đọc tấm bảng giới thiệu:
Chào mừng bạn đến với Thế giới ảo. Bằng kỹ thuật hiện đại nhất của thế kỷ thứ 21, chúng tôi có thể tái tạo hình ảnh quá khứ với những cột mốc quan trọng trong cuộc đời và dựng lên hình ảnh tương lai của bạn. Vui lòng nhập ngày tháng năm sinh trên máy tính, sau đó bấm nút scan và ngồi im 1 giây để máy tính quét nhân dạng.
Hai chị em lần lượt làm theo đúng như chỉ dẫn, cánh cửa trước mặt mở ra. Chúng tôi bước vào, ngồi xuống ghế, và lập tức thấy mình đang ngồi trong một không gian hoàn toàn khác. Dường như đang buổi sáng… Dường như là phố Bà Triệu ở Hà Nội với cái vỉa hè đặc trưng của những năm sáu mươi. “Nhà của chị kìa!” – Chị reo lên như trẻ con. Chúng tôi thấy mình như đang chạy trên vỉa hè, rồi trước mặt hiện ra Hồ Gươm với Tháp Rùa rêu phong cổ kính – khác hẳn Tháp Rùa thời nay. Mấy bé gái chừng sáu bảy tuổi chạy lăng xăng, chơi đùa, nhặt lá rơi ven hồ. Bên kia đường có cửa hàng bách hoá to nhất, gần đó có vài cửa hàng be bé, phía trước bày mấy con búp bê bằng len xanh xanh đỏ đỏ, đủ để làm cho mấy đứa bé thích mê. Chị xúc động đến lặng người. Tuy nhiên, có lẽ chiếc máy Thế giới ảo này là phiên bản đời đầu nên không gian Hà Nội chỉ lướt qua trong vòng chưa đầy một phút. Tiếp theo là rất nhiều không gian khác nhau, khi thì ở trong khuôn viên một nhà thờ với văng vẳng giai điệu một bài thánh ca, khi thì ở nơi sơ tán với thoang thoảng mùi lúa trổ đòng đòng và mùi phân bò ngai ngái, lúc chúng tôi lại lạc vào giữa sân trường ĐHSP với các cô cậu sinh viên trẻ măng, phơi phới… Những không gian này chất lượng không rõ lắm. Đoạn tiếp theo là không gian Huế - có vẻ rõ nét hơn. Tôi nhận ra con đường Lê Lợi nằm yên bình bên bờ sông Hương, gánh chè đặc trưng của Huế, những đôi trai gái yêu nhau… Sau tình yêu là gì nữa? Đa phần là họ cưới nhau, rồi những đứa con ra đời. Không gian chuyển vào Sài Gòn những năm 90. Khoảng thời gian này, Sài Gòn không còn đẹp như thời 70-80, nhưng vẫn còn những nét đáng yêu của một thành phố sạch sẽ và văn minh, chưa thấy đường sá lồi lõm, ngập nước, lô cốt, kẹt xe, khói bụi hãi hùng như bây giờ. Tôi và chị cùng nhận ra cái trụ sở cơ quan của mình thời đó: một căn nhà mái ngói, xây theo kiểu kiến trúc Pháp, không phô trương và đầy yên bình. Những nhân viên trong cơ quan đang ngồi cần mẫn làm việc của mình, dường như ai cũng hiểu họ đang làm một công việc đầy chất nhân văn, có ích cho trẻ em và cho toàn xã hội.
Rồi căn nhà mái ngói bị dỡ ra, đập đi, thay vào đó là căn nhà bề thế với mảng kính màu xanh lá cây chiếm gần một nửa mảng tường chính, tên cơ quan hoành tráng chạy dài trên nóc nhà, sáng rực đèn mỗi khi đêm xuống. Rồi người ra vào cơ quan mỗi ngày một đông. Vài nhân vật béo mập đầy quyền uy nổi bật bên những con người sợ sệt và nhẫn nhục. Người quyền uy mập đến nỗi họ chỉ cần dí một ngón tay trỏ (tất nhiên ngón trỏ là ưu thế của họ) là tất cả đám người sợ sệt kia lập tức lăn lưng ra làm việc một cách trầy trật, không cần biết những sản phẩm của mình có thể giúp ích (hay làm hại) những ai. Buổi sáng, đám người tẻ nhạt bước vào cơ quan với gương mặt chán nản và chiều ra về với gương mặt u ám.
Chị bảo tôi: “Cho qua đoạn này đi em ơi”. May quá, tôi tìm được nút tua nhanh. Bây giờ là một không gian mà cả hai chị em đều chưa hề trông thấy: một căn nhà nho nhỏ có mảnh vườn cũng nho nhỏ. Nắng sớm chiếu qua giậu mùng tơi thành những vệt lốm đốm nhảy nhót trước sân nhà. Bà lão ngồi trên ghế mây trước sân, vừa uống trà ô long vừa đeo kính đọc thơ tình. Ông lão tóc bạc, dáng người to béo đang đùa giỡn với hai đứa cháu trai.
Chị phẩy tay: “Ôi trời, đến cháu cũng là cháu trai! Số chị suốt đời phải sống với đám đàn ông bẩn ơi là bẩn!”. Tôi bảo: “Thế là tốt rồi chị ạ. Mà đàn ông bẩn thì cũng bình thường thôi, miễn là mình vẫn yêu họ ở những điểm khác! Bây giờ đến lượt em nhé!” Tôi bấm nút chuyển.
Tuổi thơ của tôi đây rồi! Khuôn viên trường ĐHMT với một dãy bằng lăng tím và một vườn hoa hồng chen lẫn hoa nhài, đi xa đến vài chục thước vẫn còn ngửi thấy mùi thơm nồng nồng, vừa kiêu kỳ, vừa quyến rũ. Nhà ông bà ngoại có hai cây táo phía trước, luôn là mục tiêu cho bọn trẻ con trong khu tập thể thèm thuồng. Có hai đứa trẻ con, một trai một gái đang tha thẩn chơi ngoài sân. Tôi biết chúng. Một đứa sau này sẽ thành nhiếp ảnh gia vừa nổi tiếng vừa giàu có, còn một đứa sau này không nổi tiếng cũng chẳng giàu có, nhưng luôn biết tự hạnh phúc với những gì mình có được.
Không gian mờ đi rồi di chuyển theo chuyến máy bay IL18 năm 1976 đưa đứa bé gái vào Sài Gòn, bỏ lại Hà Nội ở phía sau, bắt đầu một cuộc đời mới. Không gian lướt qua thật nhanh: đứa bé gái lớn dần…, thành thiếu nữ…, những cậu bạn trai vừa mới vỡ giọng…, buổi hẹn hò đầu tiên năm 16 tuổi…, nụ hôn vụng dại năm 17 tuổi… Rồi không gian đổi nhịp, chậm lại khi đứa con gái lần đầu tiên xa nhà đi học nội trú. Tôi nhìn thấy cả một khoảng không mênh mông với hồ nước xanh như chưa ở đâu xanh thế, đất đồi đỏ như chưa có nơi nào đỏ thế và mây trắng ở trên đầu cũng trắng như chưa bao giờ trắng thế.
Rồi nước bớt xanh, đất bớt đỏ, mây bớt trắng. Đứa con gái bắt đầu phải đi làm kiếm tiền, lấy chồng, nỗ lực để sinh một bé trai dễ thương như một thiên thần, rồi lại tiếp tục đi làm kiếm tiền… Không gian dần chuyển đến hình ảnh trụ sở cơ quan lúc nãy. Tôi thấy có một nỗi buồn ở đâu bỗng nhiên ập tới bóp nghẹt tim mình, và trong tích tắc, tôi bấm ngay vào nút stop.
Chị hỏi:
- Sao thế?
- Em không thích xem đoạn này.
- Ừ, thì thôi, delete đoạn này đi cũng được em ạ, nhưng còn đoạn tiếp theo về tương lai của em?
Tôi đứng dậy gượng cười không biết phải trả lời ra sao. Có lẽ tôi không muốn bất cứ ai thay tôi quyết định tương lai của mình, dù đó chỉ là một chiếc máy tính với giả thiết dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu của nó.
Hai chị em quay trở ra, bà già khô đét vẫn ngồi ở cửa chẳng buồn đáp lại lời chào của chúng tôi. Leo lên xe, chị bảo: “Chuyến đi chơi này thật đáng nhớ, chắc chắn sẽ không đụng hàng với bất cứ chuyến đi chơi nào khác”. Tôi cũng nghĩ như vậy.
Tuy nhiên, đã đến lúc phải nói thật rồi! Chuyện tôi kể nãy giờ chỉ là chuyện bịa. Câu chuyện thực chỉ đơn giản thế này thôi:
Hai chị em ngồi trên bãi cỏ, cạnh bờ sông ăn bắp rang và khoai lang nướng, nói chuyện linh tinh. Một người không còn trẻ nữa, đang rối ren với công việc quá mệt mỏi ở một công ty đang trên đà xuống dốc, và một người đã qua tuổi trẻ, đang thất nghiệp, tương lai còn mù mịt - ngồi nói với nhau những chuyện rời rạc, chẳng đầu chẳng đuôi. Tôi chỉ cho chị cây cầu, bảo rằng chưa lần nào tìm được đường đến đó và hỏi chị có muốn đi tìm thử không. Chị lắc đầu nói rằng chị không còn trẻ để đủ hứng thú cho những cuộc tìm kiếm mà suy cho cùng chẳng biết để làm gì. Thế rồi tôi chở chị đi ăn tối và ai về nhà nấy.
Hôm sau, chị nhắn tin cho tôi, rằng chị sẽ nhớ mãi kỷ niệm về một buổi tối đi chơi, hai chị em ngồi trên một bãi cỏ xấu xí, ăn bắp rang và khoai nướng, nhìn một cây cầu không biết bắt đầu từ đâu và một dòng sông không biết trôi về đâu. Tôi nghĩ, có thể chị đúng khi không tham gia vào việc ngớ ngẩn là đi tìm lối lên cầu. Có khi rồi lại thất vọng vì chả tìm thấy gì thú vị ở đó. Tuy nhiên, biết đâu đấy…! Dù tên thật của chiếc cầu có phải là Ánh Sao hay không thì đó cũng là một cái tên rất đẹp, đầy lãng mạn, đủ để thắp sáng lên – dù chỉ một chút thôi – quãng đường tăm tối mà chúng tôi đang đi qua. Biết đâu… biết đâu đấy…
Nhưng không sao, cây cầu vẫn còn đó để tôi có thể hi vọng một ngày sẽ tìm ra nó, hay chí ít nếu không tìm ra nó thì cũng hi vọng sẽ có một (hay nhiều) câu chuyện khác tiếp theo về đề tài Ánh sao hay là đề tài Thế giới ảo để góp vui với bạn bè.
(Bạn nào rành quận 7, chỉ cho mình đường lên cầu, mình sẽ thưởng!)
.comment-block img {
max-width: 300px !important;
}
Chị vẫn thích còm thế này mà em cứ hất ngược ra:
Trả lờiXóaMặc dù cửa đóng then cài, nhưng tranh thủ chủ nhà đi thăm lại thú cưng (từ Phú Quốc đem về) đã ban tặng từ lâu, mình tranh thủ vào quậy chơi!
Chỉ một chiếc cầu mang tên Ánh sao, đã đủ gợi bao tưởng tượng cho những bước chân qua nơi này.
Với ẻm ý thì Thế giới ảo là một cách để trở về tuổi thơ qua chiếc cầu ấy. Nó hiển hiện mồn một chứ chẳng giống "bịa"tẹo nào.
Còn với người lần đầu đặt chân lên những ánh sao trên cầu thì lại liên tưởng đến Kim Cương. Nhưng không phải vì khát vọng sự lấp lánh, mà là mơ hồ về sự sợ hãi. Có khi nào chiếc cầu Ánh sao lại ken cứng người như vụ cầu ra đảo Kim cương ở nước láng giềng gần không? Và thế là chị ta nghĩ về cái đẹp nào cũng chẳng là vĩnh củu.
Đấy cái tuổi trẻ đã qua già đang tới nó linh tinh lang tang như thế!
Bi nhiu cũng đủ một chiếc còm cưỡng ép gia chủ rồi! he he
(Ghi chú: Mình khoá cửa nên chị Hồng Loan đã còm vào chỗ khác. Cám ơn chị Hồng Loan nhiều vì đã chịu khó chia sẻ với em trong thời điểm ngặt nghèo về thời gian như lúc này)
Xóa