.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Xem phim nước nhà


Nói về phim Việt nam, có anh người quen tếu táo ứng khẩu:
Ngồi buồn mở nút xem… chim
Còn hơn vào rạp xem phim nước nhà.

Nghe xong thấy vừa buồn cười tay này ngoa ngoắt thật, vừa thấy anh nói cũng có lý. Phim truyền hình của ta thì hầu như mình không xem, còn phim điện ảnh thì thỉnh thoảng cũng vào rạp xem theo phong trào, vừa xem vừa lầm bầm bực cái mình vì hàng loạt những thứ phi điện ảnh cứ thản nhiên phô trương từ đầu đến cuối phim. Này nhé, hai người yêu nhau bao giờ cũng phải đuổi nhau chạy vòng vòng, xong rồi cười “hưhư” (phim mình không cười hihi, haha, hêhê đâu, mà cười hưhư cơ). Nếu đang suy nghĩ thì phải đi đi lại lại hút thuốc lá. Những đoạn mà đạo diễn thấy khó dùng hình ảnh thì chỉ còn 1 cách là cho tiếng nói vang vang trong đầu nhân vật, tệ hơn nữa là cho nhân vật tự lẩm bẩm một mình giống như thằng dở hơi. Anh công an hay bộ đội của mình bao giờ cũng phải chững chạc nhất và nói những câu có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, tính từ, giới từ… dài dằng dặc (vì dài quá cho nên các anh ý nói cứ nhát gừng chừng 3-4 từ lại phải nghỉ lấy hơi rồi mới nói tiếp). Cảnh quay trong quán cà phê, bao giờ cũng phải để cho nhân vật gọi chính xác tên đồ uống, dù họ uống cái gì thì cũng đâu có ảnh hưởng gì đến diễn biến câu chuyện. Đàn ông nổi giận thì bao giờ cũng phải đập phá cái gì đó (anh giai nhà mình nổi giận có bao giờ đập phá đâu nhỉ, nhất là cái TV, đập xong lấy gì mà coi?). Nhân vật chính diện luôn phải đẹp trai, hào hoa, phong nhã với nụ cười luôn thánh thiện, thế cho nên phản diện thì tất phải xấu, phải lấm lét liếc ngang liếc dọc và chỉ được cười nhếch miệng thôi… Đại khái là thế!

Nhớ năm 2004, có lần thấy phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, mình quyết chí đi xem để ủng hộ phim nước nhà. Ngồi trong rạp, mình tâm niệm: nếu phim có chỗ nọ chỗ kia dở thì âu cũng là chuyện thường tình thôi, phải cổ vũ cho phim VN. Thế nhưng càng xem thì càng không thể chịu nổi. Nguyễn Ái Quốc đường đường là một lãnh tụ vĩ đại mà chả biết là làm được những gì, chỉ thấy suốt từ đầu đến cuối phim toàn trốn chui trốn nhủi, rồi bị bắt, rồi được người khác cứu… Cứ như vậy, tức muốn chết! Mà ngộ ghê, mấy thằng mật thám trong phim mình nhìn biết ngay là mật thám (vì nó đeo kính đen, tướng đi vụng trộm, trông rõ là gian), vậy mà sao người của ta lại không biết, cứ nhè chỗ chúng nó đứng mà nói những chuyện đại sự để cho chúng nó nghe trộm nhỉ?

Thôi, kể về phim Việt Nam chán quá, lại bắt chước cái anh tếu táo kia bây giờ! Chê trước để bây giờ nói về một số cái ngoại lệ. Khoảng 20 năm trở lại đây, theo mình thì có mấy cái ngoại lệ này:

- 1994: Hãy tha thứ cho em (đạo diễn Lưu Trọng Ninh). Phim dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, kể về cuộc sống khá đặc thù của sinh viên trường nhạc. Mình nhớ phim hay lắm, nhưng sau khi chiếu ra mắt thì cất đi luôn, chả bao giờ còn thấy nó xuất hiện nữa. Tiếc thật! Mà anh Lưu Trọng Ninh này vừa có tài lại vừa có... râu, đẹp trai, cho nên càng tiếc hơn.

- 1996: Thương nhớ đồng quê (đạo diễn Đặng Nhật Minh). Truyện của Nguyễn Huy Thiệp thì ai cũng biết rồi, cho nên khi dựng thành phim mà không khéo thì dễ bị người ta chửi. Cũng hên, phim hay nên thấy người ta khen nhiều, mình cũng khen.

- 2001: Thung lũng hoang vắng (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang). Mình quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục và cũng thích quan tâm đến người Mông. May quá, đây là một phim đáp ứng được cái sự quan tâm của mình mà không khô cứng như nền giáo dục VN, không sáo mòn như những phim khác có đề cập đến người dân tộc. Xem phim này lúc mình đang ở cữ vì mới sanh xong, cũng ráng lết vô rạp coi cho biết với người ta.

- 2003: Thời xa vắng (đạo diễn Hồ Quang Minh). Phim chọn được diễn viên vào vai nhân vật chính hay ra phết! Anh Sài này trông vừa buồn cười vừa ngu ngu, hợp với vai lắm (nghe đâu ngoài đời anh là hoạ sĩ, hèn gì…!!!). Không nhớ tên người quay phim, nhưng mình nhớ là hình ảnh trong phim rất trau chuốt, gần như không bị một lỗi thừa nào.

- 2009: Đừng đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh). Thôi, phim này khỏi bàn vì tốn nhiều giấy mực lắm rồi. Mình thích cách ông đạo diễn không đi sâu miêu tả chiến tranh mà tập trung vào vấn đề tình người.

- 2010, mới đây: Cánh đồng bất tận (đạo diễn Phan Quang Thanh Bình). Xem báo thấy bao nhiều người lên tiếng chê phim. Em gái, anh xã, vài người bạn bảo thấy người ta chê nhiều quá, không muốn xem nữa. Mình hỏi anh bạn nhà báo “Có thích không?”, bạn lắc đầu “Không thích! Phim gì mà cảm xúc cứ nửa vời. Đành là phải có cái kết như thế thì phim mới được duyệt, nhưng không dám đi đến tận cùng cảm xúc thì đừng làm phim nữa!” Ồ, sao lại khắt khe với phim nước nhà thế nhỉ? Nếu phim không được duyệt, hay nếu vì không thể đi đến tận cùng cảm xúc mà đạo diễn không làm phim nữa thì lấy đâu ra phim VN hay để đưa mình đến rạp đây? Lúc đó lại “ngồi buồn mở nút…” thôi!


Không biết mình có duyên với phim VN không, nhưng mình đã thiết kế hàng trăm cái bìa phim như thế này rồi nhé! (Tự PR tí!)

6 nhận xét:

  1. Em này! Cái Thương nhớ đòng quê đọc thích hơn xem phim nhiều chứ, chị lại thấy tiếc truyện ấy dựng phim như thế.
    Cái Thời xa vắng thú thật xem xong chị ác cảm với phim Việt hơn,chị biết là làm phim vất vả lắm, chuyển thành phim khó mà đem theo được hồn cốt câu chuyện.
    Còn Thung lũng hoang vắng - thầy giáo không đẹp giai nhưng diễn tự nhiên .
    .........
    Cô OM nhận xét tinh và viết lại hài hước, đọc chị thấy đúng, vấn đề hơi ngoài lề là làm gì để cải thiện hả em?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ơi! Chị đang khen cơm nóng ngon hơn cơm chiên (ngoài Bắc mình gọi là cơm rang) rồi! 2 thể loại khác nhau mà. Mình chỉ so sánh truyện với truyện, phim với phim thôi! Khi xem phim, mình phải cắt đứt nó với tác phẩm văn học
      Còn vấn đề ngoài lề thì em nghĩ, muốn phim Việt tốt hơn, hãy thay đổi tư duy kiểm duyệt phim. Cái gì cũng sợ đụng chạm đến "tư tưởng chính trị", đến "bản sắc văn hoá", rồi cắt cắt xén xén thì đến bao giờ mới có phim hay. Như kết thúc phim Cánh đồng bất tận là một ví dụ cụ thể. Xem rất gượng ép. Nhưng chả biết làm sao!

      Xóa
  2. Ôi...thật cám ơn nàng: khi xem phim mình phải cắt đứt nó với tác phẩm văn học. Thế chứ- chị đầu tóc bạc rồi khôn phết những nhỏ xíu, cái đáng hiểu rất gọn nhẹ thì cừ reo lên sung sướng,thật mừng dù gì giờ nhiều thời gian để tìm và hiểu( em mến đừng bận lòng dù em trả lời được ít nhièu chị cũng cám ơn lắm vì em còn bận túi bụi, cu Nhân còn cằn sự quan tâm chăm sóc của mẹ chứ ko như anh chị nhà bác Ong lớn hết cả rồi).
    Kiến nghi: những người có khả năng + tấm lòng cứ trốn đi hết thì lấy ai cầm cân, chị có người bạn làm bên giáo dục đi họp suốt có lúc chị thẳng tưng: các bố giống nhau hết - chỉ biết hưởng thụ lo thân nên nền giáo dục còn.....Hôm rồi chị cũng nói với một cô nhà thơ thẩn cũng thân với Lão Tuấn Anh( ông LC hiền như Bụt này.....keke), con bé bán được mấy bài thơ cho mấy bác nhạc sĩ làm bài hát nghe cũng khá, nó viết truyện ngắn hoặc tản văn chị cũng rất thích: tụi em trẻ có khả năng viết tóit lại nhiều xiền lắm bạn giỏi lại không vướng bận( ! ! !) sao không quay sang quan tâm đến phim Việt đi- vừa là mắng cũng là khích tướng cho lớp trẻ....biết đâu.
    Chị em gái mình ta cứ thẳng thắn với suy nghĩ của mình nha em: có mấy bài em viết về phim thôi, kỹ năng viết và khả năng nhận xét của em rất tốt, cái nhìn cân thiết( tinh tế .....từ chuyện nhỏ- ưu điểm lớn nhỉ?) em có đủ, sao không viết cho tạp chí điện ảnh đi, chị khéo cóc ngồi đáy giếng vì ít đọc báo giấy và các loại tạp chí, thúc em Om thế để hy vọng- nhưng chắc phải khéo bẻ cong bút may ra mới được đăng bài.....thôi thôi chị Ong lại nghĩ lang thang mất rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái kiểu viết tưng tưng của em, chả báo nào đăng đâu chị ạ. Biết thân biết phận, nên chỉ viết blog thoai! Với lại chị cũng biết, một là em quá bận, hai là em không bẻ cong ngòi bút được. Thôi thì thời gian đó để dành làm thêm việc khác, kiếm tiền nuôi con.
      Hồi xưa mê phim quá, nên em phải đăng ký theo học một lớp biên kịch điện ảnh nửa năm. Học xong thấy mình sáng ra vài vấn đề. Sáng ra rồi thì càng bùi ngùi với phim Việt hơn! Hix...!!!

      Xóa
    2. Một lớp biên kịch điện ảnh hử nàng? Chị tự nguyện đề nghị nuôi một đứa em ( nó tên Xuân Trường - đóng Ông tướng có hai bà vợ ấy- vốn nó là diễn viên của nhà hát kịch Tuổi trẻ, sang đóng phim cứng - chị chê hoài nó cũng buồn- ngoài lề tí : chị và nó thích đào phai, Tết là cứ phải thửa đào rừng chơi ấy) hứa nuôi đủ 5 năm học đạo diễn điện ảnh nhưng nó mải kiếm xiền nên ko ừ.
      Chị có thể vào đâu tìm hiểu để biết nhiều hơn hả em?

      Xóa
    3. Hihi. Em ít xem phim Việt nên em không biết bạn Xuân Trường này.
      Để biết nhiều hơn về phim thì chỉ cần xem nhiều phim thôi chị ạ. :)

      Xóa

Bạn có thể chèn hình ảnh vô khung comment mà không cần thẻ. Bạn chỉ cần coppy link của hình và dán vô rồi đăng lên là được (Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh 'JPG','GIF','PNG','BMP')