.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

TRỘM

Kẻ Trộm đã rình rập ngôi nhà này từ lâu rồi. Nhà chỉ có hai bà cháu. Bà đã xấp xỉ bảy mươi, tính dễ dãi, cả tin, lại hay quên trước quên sau ; Cháu gái mười bảy, đang tuổi ăn tuổi ngủ, ngoài bạn bè và internet ra, hầu chả quan tâm đến chuyện gì ở nhà. Kẻ Trộm thường đi rảo xung quanh xóm vào khoảng 2-3 giờ sáng và dừng lại thật lâu trước cổng, nhìn đám dây kẽm gai chằng chịt bao xung quanh, chỉ chừa lại một mảng tường phẳng lì, không hề có một chỗ nào để đeo bám. Cứ mỗi lần như thế, hắn lại vắt óc cố nghĩ cách làm sao để đột nhập ngôi nhà bằng cách leo lên mảng tường đó.



Rồi cuối cùng, hắn cũng nghĩ ra cách. Cách gì thì… bí mật! Chỉ biết là đêm đó, hắn leo được lên ban công. Bà, Cháu đều ngủ ở nhà dưới. Cửa sổ phòng trên lầu không đóng (nếu có đóng thì hắn cũng sẽ mở được, chỉ là mất nhiều thời gian hơn). Hắn dùng một cây xà beng bẻ gãy các chấn song sắt và chui vào. Việc đầu tiên, hắn chốt cửa phòng, sau đó, hắn thoải mái lục lọi tất cả các tủ, mở tất cả các loại ngăn kéo, hộp lớn hộp nhỏ và chỉ ưu tiên chọn lựa những thứ có giá trị có thể bỏ vào túi quần và cái “bao tử” đeo ở bụng. Tổng cộng, Kẻ Trộm moi được 10 triệu đồng tiền để dành của Cháu và toàn bộ nữ trang mà Bà sắm từ khi đám cưới con gái, nay chỉ dùng đến khi đi dự các đám cưới của con cháu nhà khác.



Trộm xong, hắn nghĩ “biết đâu ở dưới nhà, chỗ phòng ngủ của hai bà cháu còn nhiều thứ nữa”. Hắn cầm cây xà beng rón rén đi xuống tầng dưới, trườn vào phòng ngủ. Kẻ Trộm dự tính trong đầu, nếu chủ nhà có phát hiện thì hắn sẽ “xử” họ bằng hai nhát xà beng rồi tuỳ cơ mà ứng biến. Hắn đang bò ra phía chiếc tủ cuối phòng thì thấy Bà trở mình. Hắn rụt cổ thu mình lại, ngồi bó gối. Bà quay về phía hắn và đột nhiên cất tiếng nói – giọng không hề mang vẻ thất thần của người gặp trộm: “Con làm gì đó?”



Kẻ Trộm đã chuẩn bị vài tình huống, nhưng câu nói của Bà hoàn toàn nằm ngoài tất cả các tình huống mà hắn nghĩ ra. Đến lượt hắn lúng túng, hoang mang. Bà lại hỏi tiếp: “Nửa đêm sao con ngồi đó?”. Cả đời, chưa bao giờ có ai gọi Kẻ Trộm bằng “con”. Nhớ hồi xưa, người đàn bà có vết xăm lấp ló ở chỗ thắt lưng mà hắn kêu bằng “mẹ” luôn gọi hắn là “thằng chó đẻ”, “thằng mắc dịch” chứ chưa lần nào thốt ra từ “con” như cách Bà vừa nói với nó. Nó im như thóc, thấy trong lòng có gì đó như u u mê mê. Bà tiếp: “Đi ra đi! Vào đường nào thì ra đường đó!”. Kẻ Trộm chợt bừng tỉnh. Hắn phóng một phát ra khỏi cửa, chạy lên lầu và theo đường cũ tụt xuống đất, chạy một mạch.



Bà tỉnh hẳn, lay gọi Cháu, giọng vẫn chưa hết bàng hoàng. Hai bà cháu ôm nhau run cầm cập. Bà tường thuật lại chuyện, Cháu hỏi “Sao Bà bình tĩnh như vậy?”
– Có phải bà bình tĩnh đâu – Bà đáp – Bà tưởng là con. Tưởng con đêm hôm bị đau bụng hay nghẹt mũi, đi tìm dầu gió. Đến lúc phát hiện ra không phải con thì bà run thật, nhưng trong lúc hoảng sợ nhất thì bà vẫn nghĩ rằng không nên đẩy ai đến đường cùng. Cho một lối thoát để cả nó với mình đều có cơ hội sống.

Buổi sáng, Bà lên lầu xếp dọn lại đống đồ đạc mà Kẻ Trộm tung ra. Nghĩ đến chuyện hồi đêm, Bà vừa hãi hùng vừa tiếc của. Lẽ thường thôi! Ai gặp chuyện tương tự mà chả sợ, ai mất của mà chả tiếc. Tiếc vì giá trị của những thứ mà mình bị mất, tiếc vì những kỷ niệm quan trọng của đời mình bị kẻ khác nhẫn tâm lấy đi. Nhưng sợ thì sợ, tiếc thì tiếc, sống đến ngần này tuổi, Bà không còn quá nặng lòng với những mất mát nữa. Nỗi sợ hãi lớn nhất, Bà đã trải qua cách đây hơn 20 năm. Khi ấy, người mà Bà yêu thương nhất trên đời, người đã cùng Bà trải qua bao buồn vui, sướng khổ và là chỗ dựa vững chắc của Bà, bỗng dưng đổ bệnh. Ông bị tai biến, mất hết trí nhớ. Trong vòng một đêm, từ một người thông minh, nhanh nhẹn, luôn hài hước với bất kỳ hoàn cảnh nào, Ông đột ngột trở nên ngơ ngẩn với bộ nhớ trống không. Ông không còn nhớ bất kỳ ai, kể cả tên mình, người duy nhất Ông còn nhớ được là “vợ tôi”, đại từ duy nhất mà ông gọi được là từ “Em”. Bốn năm sau, Ông ra đi. Ngày Ông đi là ngày đánh dấu nỗi mất mát lớn lao nhất của Bà. Từ đó đến nay, không còn sự mất mát nào có thể làm bà đau nữa.

Bà ngồi thu dọn đống đồ đạc và nghĩ “Mất thì thôi, của đi thay người. Mình phải dọn dẹp lại nhà cửa. Gớm, có mỗi chuyện dọn dẹp thôi mà lâu nay hai bà cháu cứ lười, sẵn dịp này mình làm luôn!”



Cháu vùng vằng: “Mất đồ mà bà cứ tỉnh khô, lại còn nói thế!”

Tội nghiệp Cháu. Nó đang học cấp III, bài vở ngập đầu ngập cổ mà vẫn nghĩ đến chuyện làm thêm kiếm tiền. Ngoài làm thêm, Cháu còn buôn bán lặt vặt qua mạng, cả năm trời, dành dụm được gần 10 triệu đồng… Rõ là “ki ca ki cóp cho cọp nó xơi”. Cháu giận dữ và ức đến nỗi không thể làm được việc gì nữa. Nó muốn băm vằm cái thằng chó chết đã nhẫn tâm nẫng mất số tiền mồ hôi nước mắt của nó. Nó cầu cho thằng ấy bị xe cán hay bị đồng bọn đâm cho vài nhát, để xã hội này bớt đi một kẻ khốn nạn.

Cháu nghĩ như thế cũng phải thôi! Khi 17 tuổi, người ta thường quá buồn khổ về những chuyện như vậy, bởi các cháu còn chưa biết những gì đang chờ mình ở phía trước. Mai này, rời ghế nhà trường để bước vào thế giới thực, sẽ còn nhiều điều xấu xa, còn nhiều bất trắc, còn nhiều thứ vớ vẩn từ trên trời rơi xuống, cháu ạ. Liệu Cháu có thể cầu cho chúng chết hết, biến đi hết được không?

--------------------------------

Ghi chú: Đêm thứ bảy vừa rồi, nhà mẹ OM bị mất trộm. Đây là lần thứ 4, nhà được trộm thăm viếng. Định viết truyện ngắn, nhưng mấy hôm nay phải đi lao động chân tay, công việc ở cơ quan thì vẫn phải giải quyết, nên mệt quá, viết thế này cho khỏi quên thôi. Bao giờ thất nghiệp, ta sẽ moi những tư liệu này ra làm thành các áng văn chương đẹp đẽ sau!

7 nhận xét:

  1. OM có bà con họ hàng gì với tên trộm không mà biết rõ là má thằng trộm gọi nó là "thằng mắc dịch" thế ?? :39:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dựa trên một câu chuyện hoàn toàn thật (chỉ thêm vào cái đoạn suy nghĩ của thằng trộm thôi), OM định phát triển thành 1 truyện ngắn, nhưng nó chưa phải là truyện ngắn. Hì!
      Ở xóm nhà mẹ OM có 1 thằng nhỏ con, ai cũng nghĩ nó là thủ phạm ăn trộm các nhà quanh đó, nhưng không bắt được quả tang.

      Xóa
  2. Chỉ là ghi lại thôi nhưng nó đã đầy ắp những xúc cảm, những điều ngộ ra của một sự trải nghiệm rất dày.
    Mình tự hỏi: không biết sự tỉnh táo của lão bà bà hay lốii chọn văn phong phù hợp hoàn cảnh, mà đọc xong, dường như không thấy sự mất mát. Chỉ thấy một sự trường tồn!
    Cuộc sống vô thường có có không không, đến rồi đi. Chỉ có lòng người quá vị tha, bình thản !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. :) chị lại làm em sướng rồi! Có lẽ sướng nhất là khi có người hiểu đúng, hiểu chính xác mình định nói điều gì phía sau những con chữ. Hôm trước ở nhà chị, chị bảo ghen với sự "nhạy" của em. Vậy bây giờ không ghen nữa nhá! :D chị à không nhạy thì em cứ gọi là... lăn ra giãy đành đạch ăn vạ! :))

      Xóa
    2. Gõ thiếu: chị mà không nhạy...

      Xóa
  3. Cái cốt này ....
    Nhớ có hồi mình rủ rê mắy đứa .....hì - làm phim,biết đâu sẽ có ngày

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị mở hãng phim đi, em sẽ bán ý tưởng. :D

      Xóa

Bạn có thể chèn hình ảnh vô khung comment mà không cần thẻ. Bạn chỉ cần coppy link của hình và dán vô rồi đăng lên là được (Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh 'JPG','GIF','PNG','BMP')