Tí Nhân vừa học xong lớp 3, tháng 9 này sẽ vào lớp 4. Tí Nhân rất thích đi học, nên mỗi năm đến hè, nghe tiếng ve râm ran và phượng nở đỏ rực sân trường là lòng bạn ấy lại man mác buồn vì suốt hai tháng sẽ phải xa bạn bè, thầy cô và ngôi trường thân yêu. Mà quả vậy, những ngày được đi học đối với Tí Nhân là những ngày tuyệt vời, cô giáo là cô Tiên và ngôi trường giống như một thiên đường.
Buổi sáng, Tí Nhân dậy sớm rồi gọi mẹ dậy. Xong, bạn ấy làm vệ sinh cá nhân thật nhanh, ăn sáng rồi mặc quần áo chỉnh tề, thắt khăn quàng ngay ngắn trước khi bước ra khỏi nhà. Đến trường, Tí Nhân hân hoan chạy vào lớp, chào bạn bè rồi vui đùa, chơi đập tay hoặc kể chuyện cho nhau nghe. Cô giáo bước vào lớp mỉm cười vui vẻ: “Chào các em!”. Tí Nhân và bạn bè đáp lại: “Chào cô!” Có bạn còn hỏi “hôm nay cô có khoẻ không?”, bạn khác thì khen “cô mặc áo này đẹp quá!”. Chào hỏi xong, cô bảo: “Thôi, các em về chỗ, mình học bài mới nào!”. Cô giảng bài, thỉnh thoảng quay lại hỏi “các em hiểu chưa?”. Các bạn giơ tay phát biểu: “Em chưa hiểu chỗ này, chưa hiểu chỗ kia, tại sao lại thế này mà không phải thế khác, theo em thì làm như thế này dễ hơn…” Cô giáo lắng nghe tất cả các ý kiến rồi trả lời từng bạn một… Cứ như vậy, mấy tiết học trôi qua thật nhanh. Buổi học sáng trôi qua, đến giờ nghỉ trưa, cả lớp đi xuống nhà ăn, mỗi người cầm một cái khay và tự chọn cho mình một khẩu phần mà mình thích. Hết giờ ăn là đến giờ ngủ trưa. Phòng ngủ có máy lạnh mát mẻ nên các bạn chỉ nói chuyện với nhau chừng 15 phút là mắt ríu lại. Cả lớp ngủ ngon lành. Buổi chiều, Tí Nhân và các bạn được uống một ly sữa hoặc nước ép trái cây trước khi vào học các môn phụ như tiếng Anh, vi tính, thủ công, hát… Giờ học mấy môn này thoải mái chẳng khác nào những giờ vui chơi tự do. Tùng… tùng… tùng…, trống báo hiệu giờ học kết thúc, các bạn còn nấn ná thêm chút nữa rồi mới ra khỏi lớp, không quên hẹn nhau sáng mai đến sớm để tiếp tục học mà vui…
Chuyện đi học của Tí Nhân là vậy.
Hoặc là mẹ xem nhiều phim Mỹ quá nên tưởng tượng ra chuyện đi học của Tí Nhân là vậy.
Bây giờ không tưởng tượng nữa, để mẹ xem thực tế thế nào nhé:
Tí Nhân vừa học xong lớp 3, tháng 9 này sẽ vào lớp 4. Khi tiếng ve bắt đầu râm ran và phượng nở đỏ rực, Tí Nhân mơ màng nhìn ra sân trường đầy nắng và tự nhủ: “cố lên, cố lên, sắp thoát khỏi nơi này 2 tháng rồi!”. “Cốp!”, Tí Nhân giật mình quay lại và hoảng hồn khi thấy cô giáo đã bước xuống, đứng ngay bên cạnh, đập mạnh cây thước lên mặt bàn: “Cô cảnh cáo em lần này là lần thứ ba rồi nhé! Đưa sổ báo bài đây, cô sẽ viết cho bố mẹ em biết. Mai đi học mang sổ này đưa cô để cô kiểm tra xem bố mẹ em đã ký tên chưa. Em nghe rõ không?” Tí Nhân sợ hãi lí nhí nhận lại sổ, lòng đầy lo lắng. Phen này về nhà bị phạt là cái chắc! Không dám mơ màng nữa, Tí Nhân khoanh tay trên mặt bàn cố gắng lắng nghe cô giáo giảng bài. Nhưng mà tập trung nghe giảng khó lắm cơ, vì cô cứ giảng đều đều, nghe một tí là chỉ muốn gục xuống ngủ. Kể ra chống tay lên trán, che mắt lại ngủ một tí cũng được, nhưng lại sợ nói mơ, cô nghe được thì chết! Giảng xong bài, cô quay lại đặt câu hỏi rồi nhắc: “Em nào biết, giơ tay lên! Trong lớp, các em phải mạnh dạn giơ tay phát biểu, nếu không thì cuối năm có đạt kết quả giỏi cũng không được xếp loại thi đua tốt đâu!”. Nghe cô nói xong, vài cánh tay rụt rè giơ lên (rõ, ai mà chả muốn được xếp loại thi đua tốt!). Tí Nhân nhìn các bạn rồi cũng đành giơ tay. Cô giáo lại nhắc: “Cô đã dặn các em bao nhiêu lần, giơ tay cũng phải đúng cách: Giơ tay trái, khuỷu tay chống thẳng trên mặt bàn, không được chồm chồm lên. Các em không tập thói quen giơ tay đúng cách, mai mốt có đoàn thanh tra đến, người ta trừ điểm đấy!”. (Khiếp, sao từ thời đi học của mẹ đến thời đi học của con, ai nghe đến từ đoàn thanh tra cũng đều sợ thế không biết!). Thỉnh thoảng, Tí Nhân thấy bài giảng của cô khó hiểu, nhưng bạn ấy chẳng hỏi, vì làm sao dám ngắt lời cô! Khi cô ngừng giảng bài, cô cũng đâu có hỏi xem các bạn có thắc mắc gì không. Nếu trong buổi học, bạn nào có ý kiến gì khác với ý của cô thì nhớ ghi vào giấy rồi tối về nói lại cho bố mẹ nghe nhé, vì chỉ cần dạy cho đúng giáo án là cô đã phải vắt chân lên cổ chạy đua với thời gian rồi, làm sao có thể nghe chuyện thắc mắc của các bạn được! 4 tiết học trôi qua sao mà lâu như 4 tuần lễ!
Buổi trưa, cả lớp lục tục ăn cơm ngay tại bàn học. Xuất cơm 16 nghìn trông không được ngon, nhưng thôi, cứ chan canh thẳng vào cơm như lời cô khuyên, nuốt cho dễ. Được ăn thế này vẫn sướng hơn học! Xong bữa trưa, chén bát được dọn đi, lấy chỗ để nằm ngủ. Ngủ ngay tại lớp, hơi nóng hầm hập dội hắt từ của sổ vào, (nhưng xem ra Tí Nhân vẫn sướng hơn mẹ ở chỗ còn được nằm ngay giữa phòng, chứ mẹ thì buổi trưa phải rúc vào góc phòng đầy dây nhợ máy tính – vừa bẩn thiếu không khí). Buổi trưa mà lỡ không ngủ được thì cũng phải nhắm mắt nằm yên. Quay qua quay lại mà để cô bắt gặp thì chắc chắn được ăn cây thước vào mông.
Buổi chiều, các bạn được phát bữa xế - một chiếc bánh Bibica ngọt đến khé cổ. Tí Nhân len lén nhét ngay vào cặp. Không ăn mà để cô nhìn thấy thì sẽ bị la. Trong tuần có 2 tiết buổi chiều được học môn Tin học. Đây là môn học mà bạn Tí Nhân ưa thích nhất. Mỗi bạn được ngồi vào một cái máy tính và tập làm quen với các thao tác mà Tí nhân đã biết từ năm 3 tuổi. Tuy nhiên, thích là một chuyện, còn có được học hay không thì lại là chuyện khác, vì máy tính rất hay trục trặc. Có hôm máy không khởi động được, thầy cứ loay hoay bật lên tắt xuống năm lần bảy lượt cho đến khi vào được đến màn hình window là vừa hết giờ. Hôm khác, bàn phím lại không gõ được, đến lúc gõ được rồi thì lại không ra được dấu tiếng Việt. Tóm lại, cứ chắc mẩm là giờ Tin học sẽ được ngồi chơi cho tinh thần thoải mái, đợi đến giờ bố mẹ đón về.
Tan học, mẹ đón ở sân trường. Nhìn thấy Tí Nhân chạy ra quần áo xốc xếch, khăn quàng quăn góc, bao giờ mẹ cũng hỏi: “Hôm nay con đi học thế nào? Có gì vui không kể cho mẹ nghe!”. Bạn Tí Nhân hăm hở leo lên sau xe mẹ, đáp: “Vui nhất là bây giờ, mẹ ạ!”
Ôi, 4h30 là thời khắc tuyệt vời nhất trong một ngày đi học của Tí Nhân! (Cũng giống như mẹ hồi xưa thôi!)
Hơn 30 năm rồi, dường như mọi thứ vẫn không thay đổi là bao khi hầu hết trẻ em VN học ở trường công đều có một ước mơ giống nhau: “Ước gì mai không phải đi học!”
.comment-block img {
max-width: 300px !important;
}
Bác cũng thích phim Mỹ, suốt ngày HBO đấy- thích nhất là phim có dính đến tòa án( cái này....về già cùng rảnh tán sau)
Trả lờiXóaGiáo dục ....rõ nhiều vấn đề, mẹ bé Nhân tìm giải pháp đi, bao nhiêu thực tế thế mà, biết đâu một vài giải pháp hợp lý cho Tí và các bạn đỡ khổ.
Bác cũng thích phim Mỹ, suốt ngày HBO đấy- thích nhất là phim có dính đến tòa án( cái này....về già cùng rảnh tán sau)
Trả lờiXóaGiáo dục ....rõ nhiều vấn đề, mẹ bé Nhân tìm giải pháp đi, bao nhiêu thực tế thế mà, biết đâu một vài giải pháp hợp lý cho Tí và các bạn đỡ khổ.
Oh, phim Mỹ về đề tài toà án rất nhiều! Chỉ riêng cô diễn viên Demi Moore đã đóng 4-5 phim rồi.
XóaCòn giáo dục á, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân còn bó tay, chạy mất tiêu, mẹ Tí Nhân thì làm được gì ạ.
Tội nghiệp Tí Nhân. Trường nào cũng ép học trò vậy hả chị OM?
Trả lờiXóaLúc nhỏ em đi học sướng lắm. Thầy cô chẳng ai ép, gia đình cũng không. Gần như không học bài cũ bao giờ cho tới năm lớp 9 mà năm nào cũng được học sinh giỏi toàn diện (hồi đó hiếm học sinh tiên tiến lắm, nói chi học sinh giỏi - khoe chút nghen). Có lẽ do chương trình nhẹ quá. Nhưng học mà như bị tra tấn vậy thì khổ quá. Mỗi cái chuyện giong tay phát biểu mà cũng đòi làm rập khuôn như quân đội. Cô vậy mà cũng đòi làm cô à?
Trường rèn trò riết làm mất hết cá tính của trẻ. Chịu đựng hoặc tỏ ra bất cần gần như bắt gặp ở đa số học sinh lớn hơn. Cả một tương lai bị đánh hỏng. Lỗi tại ai?
Nói chung, đó là tình trạng chung ở trường công. Trẻ đi học hàng ngày bị ép vào khuôn như vậy sẽ trở nên nhút nhát, sợ hãi và mất khả năng phản biện. Theo chị biết thì phản biện là động lực để phát triển XH. Vậy, ta có thể nhìn thấy XH tương lai như thế nào rồi!
XóaDuyên Thảo đi học được là HS giỏi toàn diện là do em chứ không phải do chương trình nhẹ. Vì chị cũng đi học và suốt mấy năm từ cuối cấp 2 đến hết cấp 3, chả bao giờ chị được HS giỏi. :))