Đọc báo mạng thấy có bài Phụ nữ nói nhiều sẽ dễ thành công. OM không phải là người thành công trong sự nghiệp, chắc tại vì không nói nhiều. Mà nói nhiều có phải là nhiều chuyện không nhỉ?
Buổi sáng sớm, OM đi cùng con trai qua nhà bà Y đầu hẻm ăn phở. Bà Y nấu phở chủ yếu phục vụ cho bà con lối xóm – những người làm biếng nấu ăn buổi sáng ở nhà và làm biếng cả việc di chuyển ra mấy quán xa hơn. Vì chỉ phục vụ có một nhúm khách nên nồi nước phở của bà Y nhạt thếch! Hai mẹ con xì xụp ăn thật nhanh, còn bà Y thì tha thẩn đi tới đi lui đợi khách. Xem ra đã mỏi chân mà vẫn chả có khách nào, bà Y ngồi xuống cạnh hai mẹ con bắt chuyện:
- Nè, biết hôn, bà Tư bán cơm tấm kế bên đây, bả mắc công chuyện nhà nên nghỉ bán 2 tuần. Vậy mà cái bà Năm hổng biết điều, lựa lúc người ta nghỉ, nhảy ra bán. Tưởng bán gì, ai dè cũng lại cơm tấm. Bà Tư tức quá chửi bà Năm một trận. Bà Năm quay qua chửi lại, biểu: “Tui bán trước nhà tui, bà bán trước nhà bà, mắc mớ gì mà bà quậy!”. Bà Tư cãi không lại, lôi ông chồng ra cãi tiếp: “Nhà này bán cơm tấm mấy tháng nay rồi, có muốn bán hàng thì kiếm thứ khác mà bán, sao bắt chước người ta chi vậy?”. Bà Năm thấy bà Tư lôi chồng ra cũng bắt chước lôi chồng mình ra luôn. Ổng la: “Tui bán hàng chứ có ăn giựt của ai đâu, mấy người nhiều chuyện quá đi!”… Rồi em vợ bà Tư – tức là cái ông bán hột vịt lộn ấy mà - thấy chuyện lùm xùm, bực mình quá cũng chạy ra…
Sáng sớm, ăn tô phở lạt nhách, lại nghe bà bán phở tuôn một tràng chuyện hàng xóm cãi nhau, OM thấy lỗ tai mình lùng bùng. Con trai thầm thì: “Sao tự nhiên bà Y kể chuyện người ta cãi lộn với mẹ chi vậy?”. OM bảo: “Thôi, ăn lẹ đi, người ta nhiều chuyện đó mà!”. Suốt quãng đường chở con đi học, OM cứ nhìn thấy quán phở nào có mấy bà ngồi nói chuyện với nhau là lại hình dung ra họ đang “nhiều chuyện”, nghĩ bụng, thèm ăn một tô phở đậm đà, dậy mùi quế, hồi, gừng, và mỡ bò lẫn vào tiếng nhạc du dương quá.
Đến cơ quan, bật máy vi tính và máy lạnh lên định thưởng thức chút không khí mát mẻ và tranh thủ sáng sớm duyệt qua nhà mấy bà tám trên blog thì… phụt! Cúp điện! Đành thở dài cái thượt, lững thững xuống thang ra ngoài cổng ngồi quán cóc lề đường. Mùa hè nóng, cúp điện là không thể tiếp tục ngồi trong phòng được nên chỉ chốc lát, quán cóc vốn dành riêng cho sinh viên và dân lao động đã đầy người. Nhìn đi nhìn lại thấy toàn trí thức, trông sáng cả cái vỉa hè. Trong cơ quan không được hút thuốc nên các anh em trí thức ngồi quán đều tranh thủ đem các loại thuốc lá vỏ xanh vỏ đỏ - trên vỏ có ghi Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ - ra đốt lấy đốt để, phả những làn khói đầy lãng mạn lên tóc các chị em trí thức. OM kéo chiếc ghế nhựa thấp lè tè ra một góc riêng, định bụng sẽ phân bổ chai sữa đậu nành ra làm nhiều lần rót, đủ để uống lai rai cho đến lúc có điện trở lại và tranh thủ một mình thư giãn trước khi vào làm việc. Nhưng cái sự một mình xem ra không thực hiện được. Chỉ trong giây lát, một âm thanh đặc trưng của các quán vỉa hè bắt đầu nhen nhóm và bùng phát. Tiếng người nói chuyện, cười đùa lẫn vào tiếng còi xe tạo thành một thứ ong ong hỗn độn. Thôi, đành phải lắng tai nghe câu chuyện của vài người nào đó để quên đi sự hỗn độn ấy vậy. Ở gần OM nhất có hai chị đang nói chuyện. Chị A bảo: “Nói nhỏ chuyện này, nghe rồi bỏ nha! Hôm qua chị đi đường, thấy ông X chở em nào rất xinh vào một quán rất kín đáo. Đành rằng ông X bỏ vợ rồi, nhưng cặp với em nào thì cũng phải tương xứng một chút chứ, đằng này trông trẻ cỡ bằng con ông ấy. Đàn ông có mắt mà cứ như mù. Cỡ em đó thì yêu đương gì cái loại già như ông, yêu cái bóp của ông thôi.” Chị B tiếp lời: “Chị nói đúng, đàn ông đến già vẫn không trưởng thành. Thế chị có biết chuyện xì căng đan của ông Y không, em chỉ nói riêng với chị thôi, cơ quan không ai biết đâu. Ông Y đang vợ đẹp con ngoan, gia đình yên ấm, thì lại lên cơn thèm phở. Ông cặp với một em trẻ măng rồi để lại hậu quả. Em trẻ măng mang cái bụng đến tận nhà hỏi Anh tính sao đây?. Thế là tan cửa nát nhà.” Chị A ngạc nhiên: “Thật vậy hả. Thế thì mình phải bảo cho con bé C biết chuyện này. Chồng của nó tính tình cũng bay bướm hệt như ông Y, vậy mà không hiểu sao nó cứ ca ngợi chồng hết lời. Có ngày rồi hối không kịp”. Chị B lại bảo: “Nhưng chuyện này nhớ dặn nhỏ C đừng để lộ với ai nhé, chỉ mấy chị em mình biết với nhau thôi. À, nhưng còn chị D nữa, cũng ảo tưởng về chồng lắm, chắc phải kể cho chị ấy nghe sơ sơ để còn đề phòng…”
OM căng tai lên nghe chuyện, quên mất, lại rót hết cả chai sữa đậu nành vào ly và uống ừng ực cạn đến đáy. Phen này khéo về nhà cũng phải o bế anh giai nhiều hơn. Thực ra anh đi với ai OM cũng không quan tâm lắm đâu, vì biết tính anh, lâu lâu cũng khoái ăn quà / nhưng rồi lại vẫn về nhà ăn cơm. Biết vậy, nhưng sợ có người nhìn thấy rồi lại kể cho người khác, rồi người khác lại kể cho người khác nữa… biết đâu…!
Có điện. OM quay về phòng, gặp ông Y đang đi xuống cầu thang, hỏi “Anh đi đâu thế?” “Hôm nay anh nghỉ phép, vợ gọi về phụ với bả mấy chuyện. Đàn ông ngoài việc nước ra, lâu lâu cũng phải chăm lo đến gia đình nữa, em ạ.”
Chiều về đến đầu hẻm, thấy bà Tư và bà Năm đang nói chuyện vui vẻ với nhau. (Ủa, vậy chuyện cãi lộn giải quyết sao rồi ta?). Con trai hỏi: “Mẹ ơi, người ta bảo đàn bà nhiều chuyện. Thế mẹ có nhiều chuyện không?” OM bảo: “Tất nhiên là không”.
Đấy là nói với con trai như vậy. Lúc này, ngồi bên máy tính, chợt tự hỏi: Nếu không nhiều chuyện thì sao mình lại ngồi đây gõ gõ bài này nhỉ?
.comment-block img {
max-width: 300px !important;
}
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có thể chèn hình ảnh vô khung comment mà không cần thẻ. Bạn chỉ cần coppy link của hình và dán vô rồi đăng lên là được (Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh 'JPG','GIF','PNG','BMP')