.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Loanh quanh chuyện giáo dục

Chuyện thứ nhất: kỷ luật nhà trường
Cháu gái OM năm nay lên lớp 11. Cháu học trường mà ngày xưa, cách đây 25 năm, OM đã học. Thực ra chỉ có tên trường là còn quen thuộc, chứ mọi thứ liên quan đến ngôi trường đó nay đã trở nên xa lạ mất rồi. Cháu kể chuyện:
- Trường con đóng cửa lúc 6h20 mỗi sáng. Trước đây, nếu lỡ đi học sau khi cổng trường đóng thì sẽ bị ghi tên, ghi tên nhiều lần thì sẽ bị phê bình hoặc hạ hạnh kiểm, nhưng bây giờ khác rồi. Bây giờ nếu lỡ đi trễ dù chỉ 2 phút thì nên biến thật nhanh, về nhà rồi viết giấy xin phép. Lỡ mà thò mặt vào trường thì sẽ bị ghi tên, trừ điểm hạnh kiểm và bị đuổi về, coi như nghỉ học không phép. Nữ sinh vào trường đi giày sandals, hoặc giày hở mũi là bị đuổi! Mặc váy ngang đầu gối cũng đuổi! Gửi xe trong trường lấy ra rất khó khăn và tốn 2000đ, trong khi  gửi ở ngoài vừa dễ dàng, vừa chỉ tốn 1500đ, nhưng nếu bắt được HS nào gửi xe ở ngoài là đuổi. Tóm lại là sẽ có rất nhiều trường hợp bị đuổi.(Hãi quá!)
Nhưng đó không phải là chuyện shock. Cháu kể chuyện shock hơn:
- Có lần con vào lớp lúc trái buổi. Con nhìn thấy có một cặp lớp trên đang làm “chuyện ấy” ở cuối lớp. Con chạy xuống thông báo với thầy chủ nhiệm, thầy đang mải chơi thể thao nên bảo “Kệ nó!”. Thế là thôi. Lần sau con còn bắt gặp thêm 1 lần nữa, nhưng con “kệ nó” luôn!
OM nghe cháu kể mà thấy rụng rời. Để lục xem Yahoo có cái icon nào che tai, không. Nếu không có, chắc phải đề nghị Yahoo bổ sung thêm cái icon này, đặng chuyên dùng khi nghe chuyện kỷ luật của trường THPT.


Chuyện thứ hai: Bài tập về nhà
Chưa đến ngày khai giảng, nhưng hôm nào đi học, bạn Tí Nhân cũng mang về nhà 1 tờ giấy photo khổ A4 chi chít bài tập Toán và Tiếng Việt. Tối tối, bạn Tí Nhân không còn thời gian chạy ra sân chơi nữa, thay vào đó là ăn cơm xong lập tức bị mẹ hò hét ngồi vào bàn học (mẹ đâu có muốn thế, nhưng không ngồi học giờ đó thì sẽ không kịp để đi ngủ lúc 10h30). Trên tờ giấy bài tập, mẹ – với tư cách là biên tập viên – phát hiện ra vô số lỗi về câu chữ. Nhưng thôi, chuyện ấy bỏ qua, chỉ show lên đây một vài bài (còn nhiều, nhưng mẹ không có thời gian show) mà mẹ không hiểu gì cả, hoặc không hiểu vì sao lại sai.


 
Bai tap lop 4_1

 
Bai tap lop 4_2

Mẹ chuyên làm thơ lục bát, vần “ồn” mà mẹ còn gieo được một cách thanh thoát, nhưng đến cái bài tìm vần này thì mẹ bó… toàn thân, chắc trình độ làm thơ lục bát của cô giáo thuộc loại siêu rồi, mẹ không bắt kịp! Chỉ tội nghiệp Tí Nhân, sáng nào ngủ dậy, câu đầu tiên cũng là: “Đi học như đi vào địa ngục, con muốn chuyển trường, mẹ ơi!” Mẹ thầm nghĩ: “Chuyển thì đâm đầu vào đâu hả con?” Mẹ làm sao có đủ khả năng để chuyển con sang “hệ” khác!

Chuyện thứ ba: Làm sách giáo khoa
Việc thay đổi chương trình sách giáo khoa là việc của Bộ GD&ĐT, việc xuất bản SGK là việc của NXBGD, và việc làm SGK là việc của cả một đội ngũ… to đùng những người chữ thì nhiều mà tiền thì ít. Khi có chủ trương thay SGK thì đội ngũ to đùng này phải khởi động trước đó ít nhất 6-7 năm. Họ “ăn SGK, ngủ SGK”, đến những ngày nước rút thì tất cả đều bị cuốn vào cái gọi là “chiến dịch SGK”. Trong mùa chiến dịch, cả đội quân miền Nam, miền Trung đều đổ ra miền Bắc, bỏ cả vợ / chồng con cái, gia đình của mình để ra đóng đô ở Hà Nội 2-3 tháng. Suốt những tháng chiến dịch, đội quân này làm từ 7h30 sáng đến thâu đêm, cao điểm có khi đến 1-2h sáng – với quyết tâm “Không để sách có lỗi”. Và sau đó, kết quả là những cuốn SGK thấm đầy mồ hôi, nước mắt – theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen – ra đời. Sau đó nữa thì sao? Đơn giản thôi, họ được thông báo là SGK năm nào cũng lỗ hàng tỉ đồng, NXB không thể nuôi được họ nên buộc họ phải ra công ty cổ phần để tự bươn chải, sống bằng… gì thì sống, miễn là không phải bằng SGK! Bữa trước có người bạn hỏi OM rằng  lương của đám nhiều chữ này khoảng bao nhiêu, OM thành thật khai lương nhiêu đó, bạn bảo rằng: “thế thì bằng lương tạp vụ bên mình”.
Nếu bỏ ra từng ấy công sức, từng ấy mồ hôi và chất xám để năm nào cũng lỗ, và lương trí thức ở nơi này chỉ bằng lương tạp vụ ở nơi khác thì cái giá để trả cho sự nghiệp trồng người quả là…
Nhưng cái vụ này OM chỉ viết lên đây, không có nói với ai đâu à nha! Đừng vì lỡ đọc bài này mà đổ tội cho OM đem chuyện nội bộ đi nói linh tinh.  Icon che miệng đâu, mang ra đây ngay!


Chuyện thứ tư: Quậy bùn khua sóng
Đọc bài viết này trên báo Thanh niên, OM thấy khó chịu quá. Bạn nào quan tâm đến sách giáo khoa thì chịu khó vào đây mà đọc, đọc xong thì đừng tin nhé. Bài viết đề cập đến 2 vấn đề, thứ nhất là trong SGK Tiếng Việt lớp 1, kênh hình không chuyển tải được nội dung kênh chữ, thứ hai là chuyện tuỳ tiện khi viết hoa hoặc không viết hoa tên của các con vật.
Tác giả bài viết là một vị tiến sĩ (eo ôi, nể quá!). Ông bảo: Xếp hàng vào lớp mà vẽ học sinh bá va bá cổ, cười đùa (chạnh lòng nghĩ ngay đến trẻ con, phen này xếp hàng vào lớp, mặt mũi phải nghiêm trọng, hàng phải thẳng tắp như đi vào… tù thì mới rõ vấn đề) ; Bài học thì ao, hồ, giếng, thế mà vẽ có cái giếng với cái ao, không vẽ hồ ; Bài học thì Nghe lời cha mẹ, thế mà chỉ vẽ mỗi mẹ (chết thật, quên không vẽ cha, phen này cả một thế hệ học sinh sẽ chỉ nghe lời mẹ thôi, không nghe lời cha). OM là hoạ sĩ trình bày nên đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Đọc bài xong rồi trộm nghĩ: May quá, các ông trên Bộ không đưa mấy bài đồng dao hay thơ Trần Đăng Khoa vào sách. Mấy bài này vốn rất nhiều hình ảnh, chẳng hạn:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba Vương mũ đế
Bắt dế đi tìm
Con chim làm tổ
Miếng mỡ mèo tha
Bà già chết cóng
(Đồng dao)
Hay là:
Một vùng trời đất hôm nay
Trời đầy én bạc, đất đầy ô tô
Biển đầy tiếng hát câu hò
Việt Nam gương mặt Bác Hồ sáng tươi
(Trần Đăng Khoa)
Thì lấy giấy đâu ra mà vẽ nhỉ? Nếu cố lắm, lấy 1 trang giấy ra để vẽ cho đủ từng ấy nhân vật thì thế nào cũng bị dư luận chửi bới là lãng phí giấy, tiền lại đổ lên đầu phụ huynh
Ý thứ hai, tác giả cho rằng SGK đã tuỳ tiện, cùng là tên con vật, nhưng chỗ viết hoa, chỗ lại viết thường. Ui, tức quá, tức quá! Không biết hồi tiểu học, ông tiến sĩ này có được học bài nhân cách hoá không mà không phân biệt được ngữ cảnh của từng bài nhỉ?
OM hơi buồn vì báo Thanh Niên chắc cũng nghĩ tiến sĩ viết ra là phải đúng, nên đã duyệt đăng bài này. Nhưng thôi, xét cho cùng thì có được bài thế này, chắc là toà soạn cũng mừng rồi, vì không cho đăng những bài kiểu như thế thì loanh quanh chắc cũng chỉ mấy bài đâm chém nhau ở bệnh viện, giá vàng tăng giảm, học sinh tấn công bạn hay là xác định nghi can cướp tiệm vàng…, đại loại thế thôi! Bạn nào cho OM mượn cái icon che mắt để gắn vào đây nhé!


Vậy là đủ bộ 3 Icon dành cho giáo dục rồi. Mượn tạm hình này bên nhà Mintar trong khi chờ đợi Yahoo nâng cấp:

 
Ba Khong

 

Bây giờ OM viết bài về giáo dục đưa lên bờ lốc, lát nữa, chiều về phải nghĩ cách làm sao mà gặp được cô giáo chủ nhiệm lớp của bạn Tí Nhân, đặng mà thọ giáo cô về cách làm bài tập sao cho đúng. Mẹ ngại quá Tí Nhân ơi.  Mẹ còn ngại thế, thảo nào mà con cứ suốt ngày đòi chuyển trường. Chao ôi là khổ!

2 nhận xét:

  1. Quá nhiều vấn đề....
    Vấn đề thiết thực trường học của con : ngoài này có mấy trường hay lắm trẻ con đidduowfngvui thật ( nhưng học phí lương tháng bác Ong cũng chỉ đủ già nửa).
    Tên con vật .....con ong chả hạn cô nhỉ!
    thôi bác mỏi mất rồi đọc thôi không bàn nữa đâu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giáo dục là vấn đề nhức nhối đối với em, bác ạ. Nhưng dường như chúng ta càng ngày càng lún sâu rồi, chả có lối thoát. Cho nên những người có tiền và những người làm to (kể cả làm to trong Bộ Giáo dục) đều cho con đi học nước ngoài hết. Em đặt tên cho hiện tượng ấy là TỊ NẠN GIÁO DỤC. :-(

      Xóa

Bạn có thể chèn hình ảnh vô khung comment mà không cần thẻ. Bạn chỉ cần coppy link của hình và dán vô rồi đăng lên là được (Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh 'JPG','GIF','PNG','BMP')