.comment-block img { max-width: 300px !important; }

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Xe đạp ơi (Không phải của Phương Thảo, Ngọc Lễ)

Bạn có thường xuyên tập thể dục không? Nếu thường xuyên thì bạn là người thật giỏi đấy, vì tập thể dục là việc dễ làm cho người ta chán nhanh nhất. Tôi thì chọn đạp xe làm môn thể dục của mình. Để đỡ chán, tôi lên kế hoạch thay đổi lộ trình thường xuyên. Tôi tìm được tất cả 5 lộ trình chính. Thứ nhất, chạy dọc theo con đường TXS cặp bờ sông; Thứ nhì, chạy loanh quanh trong khu dân cư Tân H. ở gần nhà; Thứ ba, làm một vòng trong khu dân cư Tân P.; Thứ tư, băng qua đường lớn để rẽ vào khu dân cư Tân Q.; Thứ năm, theo trục lộ Bắc-Nam tiến về phía đô thị mới PMH.

1. Chạy dọc theo con đường TXS cặp bờ sông. Con đường có hàng cây hoa vàng không biết tên gì, cứ mùa hè đến là thả từng chùm dài rực rỡ khiến cho lần nào chạy qua, tôi cũng phải quay sang nhìn. Bên bờ sông, những người đàn ông, đàn bà gầy gò, lam lũ trải những tấm nilon trên vỉa hè, bày bán đủ loại trái cây chắc là tự trồng ở vườn nhà và được chở đến đây bằng ghe. Trái cây của họ trông có vẻ bé và không bóng bẩy đẹp mắt, nhưng tôi thường ghé mua vì tin rằng nó không có thuốc tăng trưởng. Một lần, trong lúc dừng lại mua nải chuối, tôi bắt gặp một gia đình ba người, đôi vợ chồng trẻ và một đứa bé chừng 4 tuổi đang ăn cơm chiều ở dưới ghe. Mâm cơm đạm bạc, chẳng có gì, nhưng nhìn nụ cười của họ, tôi cảm thấy rõ ràng họ là một gia đình hạnh phúc.

Năm lên 4 tuổi, tôi cũng có một gia đình hạnh phúc như vậy, nhưng thời đó là chiến tranh, phải đi sơ tán. Tôi theo ông bà ngoại sơ tán ở Phú Thọ. Một buổi sáng, đang bưng bát cơm trộn đầy muối vừng đen, tôi bỗng thấy ba mẹ tôi xuất hiện trên hai chiếc xe đạp. Họ đã dậy từ mờ sáng, đạp xe một quãng đường hơn 70 cây số từ Hà Nội lên miền trung du này để gặp con. Uống vài ngụm nước, ba mẹ bế tôi ngồi vào ghế mây được buộc phía sau xe đạp, bẻ rất nhiều cành cây có lá, cắm xung quanh chiếc ghế để che nắng cho tôi, rồi tất bật lên xe chở tôi về Hà Nội chơi vài ngày. Ba mẹ thay phiên nhau chở tôi. Tôi hân hoan ngồi phía sau và mơ ước đến cảnh sắp được về nhà mình, mà không hề biết rằng để đạp xe một chặng đường dài như vậy, người ta phải cần một sự nỗ lực đến đáng khâm phục. 9 giờ tối, ánh đèn Hà Nội hiện ra, tôi được bế xuống đất, tuy ngã khuỵu xuống vì quá tê chân, nhưng đó là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được thế nào là hạnh phúc. Sau này, khi ba tôi mất đi ở tuổi 55, tôi vuốt mắt cho ba và trong giây phút đó, toàn bộ câu chuyện về chiếc xe đạp cắm đầy lá bỗng hiện ra như một ký ức hạnh phúc không thể phai mờ.

2. Chạy loanh quanh trong khu dân cư Tân H. ở gần nhà. Khu dân cư mới với những con đường nội bộ nhỏ và yên tĩnh là nơi thật lý tưởng để tập thể dục. Ở đó có đám trẻ con thoải mái rủ nhau ra giữa đường nhảy lò cò và tập trượt patin mà không hề sợ xe cộ. Một lần tôi bắt gặp hai ông bà tuổi trạc gần 60 đang tập xe đạp cho đứa cháu gái chừng 5-6 tuổi. Ông chạy đằng sau giữ thăng bằng, bà chạy bên cạnh động viên cháu, vui quá! Bằng tuổi đó, bà ngoại vẫn thường chở tôi đi chơi, đi ăn kem, đi chợ, hoặc có khi chỉ đơn giản là đi quanh hồ Ha-le cho mát. Tôi ngồi phía sau ôm chặt bà. Bà bảo: “Khi nào bà già, không đi xe đạp được nữa thì cháu đèo bà nhé!” Tôi hứa: “Cháu yêu bà lắm, nhất định cháu sẽ đèo bà”. Đến bây giờ tôi vẫn nợ bà ngoại lời hứa trẻ thơ ấy mà không có dịp thực hiện. Nhớ đến bà với chiếc xe đạp Phượng Hoàng, mắt thấy cay cay.

Lớn hơn bé gái kia một chút, ông ngoại bắt đầu tập xe đạp cho tôi. Tôi chạy không quen, cứ thỉnh thoảng lại cán phải gạch đá hoặc lọt bánh xe vào ổ gà, ngã nhào. Ông bảo: “Muốn đi cho vững, cháu đừng sợ sệt nhìn xuống bánh xe mà phải nhìn thẳng con đường phía trước”. Sau này, khi lớn lên, tôi hiểu đó là bài học triết lý đầu tiên ông dành cho tôi.

3. Làm một vòng trong khu dân cư Tân P. Đây là khu dân cư mới đầu tiên ở quận này. Ở đây có chợ búa tương đối bình dân, có những ngôi nhà vừa phải, không quá to không quá nhỏ. Tôi thấy hai bé gái chở nhau bằng xe đạp, cô chị chừng 12-13 tuổi, đứa em nhỏ hơn chừng dăm tuổi ngồi sau xách một bọc trái cây, xem ra cả hai đều vui vẻ lắm. Cỡ tuổi đó, tôi ra sao nhỉ? Nhà có hai chị em gái, lúc ấy tuy thân nhau, nhưng tôi suốt ngày choành choẹ với em. Rồi một hôm, tôi chở em bằng một chiếc xe sườn ngang đi chơi. Tránh một ổ gà ở giữa đường, tôi loạng choạng không nhảy xuống được vì vướng cái sườn ngang quái ác. Thế là cả hai chị em ngã nhào. Chiếc xe đè lên người em. Tôi còn nhớ cảm giác khó diễn tả lúc đó, khi em tôi khóc ngất không thành tiếng vì đau. Tôi lao vào, đỡ em dậy và lần đầu tiên hiểu ra mình đã thật sự yêu thương em như thế nào.

4. Băng qua đường lớn để rẽ vào khu dân cư Tân Q. Trước khi vào đến khu này, tôi phải đi ngang qua siêu thị. Tầng trên cùng của siêu thị là một cụm rạp chiếu phim. Vốn là người mê phim nên bao giờ đi ngang, tôi cũng phải nhìn lên xem rạp đang chiếu những phim gì. Hồi trước, lúc còn học cấp II, tôi thường cùng Hoài N, anh họ con bác, đi loanh quanh khắp Sài Gòn để tìm phim xem. Hai đứa chở nhau bằng xe mini đi một vòng qua các rạp Măng Non, Đồng Khởi, Bến Thành, Vinh Quang, Công Nhân…, có nhiều khi chả tìm được phim nào, phải về không. Chúng tôi thân nhau lắm, đi đâu cũng có nhau. Có lần Hoài N. nói với tôi: “Mai mốt, nếu trái đất có nổ tung thì mình nắm tay nhau nhé!” Tôi hỏi: “Để làm gì?”, đáp: “Để cùng nhau bay lên trời”. Thời gian trôi qua, chẳng biết chúng tôi dần dần xa cách nhau từ khi nào. Hoài N. giờ là một người nổi tiếng và giàu có, còn tôi thì mãi chỉ là một công chức nghèo. Nhưng tôi luôn nhớ đến câu nói đầy cảm động ấy để giữ mãi hình ảnh ngây thơ của anh trong lòng.

5. Theo trục lộ Bắc-Nam tiến về phía đô thị mới PMH. Đó là lộ trình dài nhất trong 5 lộ trình, chỉ dành cho hôm nào thấy trong người khoẻ khoắn. Trên đường Bắc-Nam có một trường đại học mới xây dựng, cuối buổi chiều, các cô cậu sinh viên tươi tắn ào ra đường nói cười rôm rả. Bây giờ sinh viên đa số đi xe gắn máy chứ không như thời của chúng tôi, toàn xe đạp. Tôi học ở trường ĐH cách thành phố 22km, xe đạp gần như phương tiện duy nhất để đầu tuần đi đến trường và cuối tuần đi về nhà. Thế nhưng trong lớp, số người có xe đạp chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Xe để ở ký túc xá luôn có bạn hỏi mượn. Mượn để đi chợ mua thêm chút đồ ăn cải thiện, mượn đi thăm bà con hoặc bạn bè ở quanh đó, có khi mượn xe chở người yêu ra trung tâm TĐ chỉ để ăn với nhau nửa ký kem rồi lại đạp về. Tôi là một trong số những người có xe đạp. Những tháng đầu tiên, tôi luôn đạp đi đạp về một mình quãng đường 22 cây số ấy, nhưng đến học kỳ II thì không còn đạp một mình nữa. Tôi ngồi phía sau cho anh chở. Quãng đường SG-TĐ như đẹp đẽ, thơ mộng hơn, như một bài ca ngọt ngào mà ta sẽ mãi mang theo suốt cuộc đời mình…

Kết luận: Khi bánh xe lăn, ta thấy quá khứ chầm chậm trôi ngược chiều, thấy ta may mắn được sống trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè. Đó là điều kiện để nuôi dưỡng những cảm xúc đẹp đẽ, làm cho cho cuộc đời này đáng sống hơn.
Nhưng bạn ơi, hãy quên hết những điều tôi vừa kể! Viết dông dài chẳng qua chỉ là để  thoả mãn cái sự viết lách của tôi thôi. Điều quan trọng cần nhớ là đạp xe rất có lợi cho sức khoẻ. Còn chần chừ gì nữa, hãy lên xe và đạp đi thôi!

8 nhận xét:

  1. Công nhận là ai ai cũng hiểu và ca ngợi công dụng của thể dục ... Nhưng nếu hỏi ngược lại một câu: bạn có tập thể dục không? thì hết 90% câu trả lời của thời đại vi tính hôm nay sẽ là ... một chữ không to tướng ... :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uầy, bạn không tập thể dục kiểu này thì chắc cũng phải tập kiểu khác. Không tập 1 mình thì cũng phải tập chung... Há há!

      Xóa
  2. Chị Om trân quý từng kỷ niệm hen. Đến chiếc xe đạp cũng có một xâu kỷ niệm thân thương luôn. :x

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kỷ niệm là cái đã qua rồi, và mình không thể quay về được nữa, nên phải yêu quý thôi em ạ. :)

      Xóa
  3. Còn duy trì không em? Cái tiét mục mua rau quả xấu xí khỏi sợ thuốc ấy, các chị em nên học tập.
    Vậy H.Nam là anh họ, trong thư gửi ba kể mẹ ăn mít mốc nằm viện đã xuất hiện bạn ấy rồi, cơ mà thân sao lại không san sẻ cho cô em thân từ nhỏ- chắc là em cũng sóing vừa đủ rồi đúng không, nhiều tiền bận giữ, lo đầu tư ... có khi cũng khổ, nhỉ!
    Lại cái sơ tán, 4 tuổi- vậy nàng kém chị xíu thôi, y xì cảnh mẹ hoặc bố về quê đem theo lọ ruốc ho con ăn dần, học lớp 4 là chị đạp xe theo bố về quê nội ở Nam hà cũng hơn 60km chỉ tội nhiều chặng nghỉ quá chừng.
    Chị lớn nên không có ông bà ngoại, ông nội thì mất lúc nhỏ xíu, còn bà nội về quê mỗi lần được cưng, gần như duy nhất chị nhận sự ấm áp nơi bà. Với bố mẹ, rồi sau này cả chồng con tình cảm cứ cứng nhăng nhắc thôi. Hì- ngày ấy ông em có cái xe của Pháp là sang lắm nhỉ, ờ chị đọc bài trước thấy em kể bà mất được giờ có người chờ đón đi ngay rồi hình dung ông chở bà .....
    Chị thì mê kịch,từ ngoại thành vào nội thành 11 km có vở đi xem hai lần mà ko có tiền chịu khát đạp về. Giờ chỉ ó một đường vòng quanh Hồ tây, một chiều cho lành - 17 km nhưng chị cãi là chỉ 13-14 km là cùnh , hì đạp một mạch sung sướng không mệt - đọc, vui- kể cũng vui...
    Chả biết com dài hơn bài chưa nữa. Stop thui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạo này, em bận đưa đón con, tối mới về đến nhà nên chẳng còn thời gian tập tành thể dục gì nữa, cũng có nghĩa là chẳng lượn lờ mua trái cây của mấy người đem hàng từ dưới ghe lên nữa, chị ơi.
      Anh H.Nam là anh họ em, vậy là chị đã ghép nối các chi tiết lại chính xác rồi đấy. Ông anh đây nè chị!
      http://ngoisao.net/tin-tuc/hau-truong/showbiz-viet/nam-giam-khao-vietnams-next-top-model-mac--vay-2599698.html
      Cô em thì thuộc loại nghèo, nhưng chẳng đến nổi phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm thôi mà!
      Ngay từ đầu, em thấy chị gọi anh Tuấn Anh bằng "anh", thì em đoán chị tuổi Thìn hoặc tuổi Tỵ gì đó. Hơn em xíu thoai! Khiếp, lớp 4 đã đạp xe 60 cây số. Thương quá trẻ con hồi xưa!
      Bây giờ mà chị vẫn đạp 17km thì em nể phục chị thật đó! Chân người chắc cứng như gỗ nhỉ!

      Xóa
    2. Người ta Bính Ngọ con ngựa tồ nàng Khỉ ạ- đoán thế....he he

      Xóa
    3. Chị lại tinh... tướng, đoán trúng phóc roài!
      OM là chữ viết tắt của Old Monkey đó chị! :D

      Xóa

Bạn có thể chèn hình ảnh vô khung comment mà không cần thẻ. Bạn chỉ cần coppy link của hình và dán vô rồi đăng lên là được (Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh 'JPG','GIF','PNG','BMP')